Buổi chiều, Hoàng Lan thường ngồi trên chiếc ghế cạnh hiên nhà đọc sách. Hoàng Lan bị câm bẩm sinh nên không thể giao tiếp với mọi người bằng ngôn ngữ. Thế giới của sự câm lặng bao trùm tâm hồn Hoàng Lan. Tạo hóa thật trớ trêu khi cướp mất của Hoàng Lan khả năng nghe nói nhưng lại ban phát cho cô khứu giác bén nhạy và đôi mắt tinh tường. Niềm vui hàng ngày của Hoàng Lan là được sống với những số phận của các nhân vật trên trang sách. Ba của Hoàng Lan có tài thổi sáo. Ông thường ngồi cạnh bến sông hướng tầm mắt về phía ngã ba sông và nâng cây sáo thổi lên những giai điệu réo rắt, trầm bổng. Hoàng Lan không nghe được tiếng sáo nhưng cô cảm nhận được diễn biến tâm trạng của ba qua biểu hiện của cử chỉ và gương mặt. Chính ba là người dạy cho cô tập viết và tập đọc. Hai cha con phải trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ cử chỉ hoặc nói chuyện bằng cách viết lên giấy. Ba của Hoàng Lan từng bảo:” Tên con chính là khát vọng của đời ba. Thời trẻ ba tỏ tình với mẹ bên gốc hoàng lan. Mẹ con rất thích hương hoàng lan. Bờ sông cạnh nhà mình có một gốc hoàng lan. Đêm mẹ sinh con hương hoàng lan tỏa thơm ngát…. Ngày con sinh thật đẹp và đáng nhớ…..Tiếc là ba đã không thể mang lại hạnh phúc cho mẹ…..”
Điều đau đớn nhất và gây tổn thương đến tâm hồn của Hoàng Lan là khi cô phát hiện người mà cô từng thân thiết gọi bằng ba lại không phải là cha đẻ của cô. Một ngày tình cờ dọn dẹp chồng sách trong tủ, cô đã vô tình đọc được những dòng nhật ký của ba. Mẹ của Hoàng Lan vốn là người có giọng ca hay và đam mê ca nhạc tài tử và cải lương. Trước khi về sống với ba, mẹ cô đã có thai với gã kép hát. Khi Hoàng Lan năm tuổi, mẹ cô đã bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt. Mười mấy năm sau, ngồi hình dung về mẹ, Hoàng Lan không nhớ rõ gương mặt me. Cô chỉ nhớ mẹ có dáng người cao ráo, nước da trắng hồng và mái tóc dài mượt mà. Suốt mười năm liền, ba cô phải đi kiếm kế sinh nhai ở miền xa nên cô đã được nhận vào học ở trường khuyết tật Nhân Ái. Cuộc đời của cô là một chuỗi ngày dài vừa nhớ thương vừa oán trách mẹ. Cô không thể trả lời được câu hỏi vì sao mẹ lại nỡ bỏ cô ra đi không một lời từ giã…..
*
Phòng tranh của họa sĩ trẻ xuất hiện một người đàn bà dáng vẻ qúi phái và đồi mắt u uẩn nhưng vẫn ánh lên cái nhìn quyến rũ. Người đàn bà đứng hồi lâu bên bức tranh:” Giấc mộng hoàng lan” và trầm ngâm như đang chìm vào ký ức xa xăm. Nổi bật giữa bức tranh sơn dầu là gương mặt thiếu nữ thánh thiện đang ngước lên giữa bầu trời như đang bay giữa giấc mơ. Những cánh hoa hoàng lan như chiếc thảm đưa giấc mộng của cô gái bay vút giữa khoảng mênh mông, xa rộng của bầu trời. Người đàn bà liếc nhìn họa sĩ và hỏi:
- Anh vẽ từ trí tưởng tượng hay từ mẫu nhân vật có thật?
- Tôi vẽ từ ấn tượng về cô gái câm nhưng có gương mắt rất thánh thiện. Cô khát khao trong giấc mộng được bay lên bầu trời tự do và được nói lên những lời sâu thẳm từ trái tim mình. Bà biết không, tôi muốn thể hiện một điều. Có những con người bất hạnh, họ chỉ khát khao một giấc mộng rất bình thường….
- Tôi hiểu ý anh. Anh có thể bán cho tối bức tranh này?
Họa sĩ nhìn vào mắt người phụ nữ và nói:
- Bà có thể cho tôi biết tại sao bà lại thích bức tranh này được không?
Người phụ nữ cất giọng trầm lắng:
- Thật khó nói để anh hiểu. Anh biết không, thời trẻ tôi đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ. Đó là tôi đã bỏ rơi đứa con của mình. Bức tranh này tự dưng làm tôi nhớ đến con gái của tôi. Cháu tên Hoàng Lan….
Anh họa sĩ ngạc nhiên hỏi:
- Bà nói sao? Con bà tên Hoàng Lan hả? Sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy? Trời đất. Cô gái này trước kia sống ở trường khuyết tật Nhân Ai. Trong một lần đi tìm đề tài vẽ tranh tôi đã vô đây và gặp cô gái. Tôi đã trò chuyện với cô ấy bằng cách viết lên giấy. Cô ấy bảo ban đêm cô thường có giấc mơ thấy mình bay lên bầu trời cùng với hương hoàng lan. Cô bay đi tìm mẹ và mơ được gọi me….. Hình tượng này đã gợi cho tôi vẽ bức tranh….
Người đàn bà thảng thốt:
-Thật lạ lùng. Anh biết không. Tôi sinh con vào giữa đêm trăng. Khi chồng tôi bơi xuồng chở tôi chưa tới trạm xá thì tôi đã trở dạ. Khi tôi nghe tiếng oa oa của đứa trẻ, tôi thấy trong mắt mình ngời ngợi ánh trăng. Hương hoàng lan thoang thoảng trong không gian sâu lắng. Chính vì lẽ đó, sau này vợ chồng tôi đặt tên cho con gái là Hoàng Lan….
*
Người đàn bà tần ngần đứng cạnh bờ sông. Bà thảng thốt nhận ra gốc hoàng lan vẫn tỏa hương thầm lặng trước ngôi nhà xưa. Người đàn bà chợt sững người khi trông thấy dáng người đàn ông dong dỏng cao đang ngồi nhặt những cánh hoàng lan vương vãi trên mặt đất. Người đàn bà hỏi:
- Ông Bảy ! Ông có nhận ra tôi không? Tôi là Hồng đây…..
Người đàn ông đứng dậy, cất giọng trầm :
- Bà Hồng. Bao năm qua bà bỏ đi đâu biệt tích vậy? Bà tìm về đây làm gì?
- Tôi muốn tìm lại con gái của tôi…..
- Không. Bà không có quyền nhận nó làm con… Bà đã bỏ rơi nó…. Bà có biết cha con tôi sống khổ như thế nào không?
- Đúng là hồi đó tôi nông nổi thiệt. Nhưng tôi xin ông tha thứ. Chúng ta có nghĩa vợ chồng nhưng không hề có tình yêu. Ông lấy tôi làm vợ chỉ là để cưu mang một người con gái lầm lỡ mà thôi….Tôi thì trót yêu người khác rồi. Tôi cũng đã hứng chịu bi kịch. Anh ấy chỉ yêu cái nhan sắc của tôi thôi……..Tôi xin ông hãy cho tôi nhận con để chuộc lại lỗi lầm ngày xưa.
Người đàn bà hướng mắt về phía hiên nhà. Hoàng Lan đang ngồi đọc sách chợt ngước nhìn sâu vào mắt ngườiđàn bà. Người đàn bà bước lại gần và thốt lên:
- Hoàng Lan. Con có nhận ra mẹ không?
Hoàng Lan ngơ ngác không hiểu người đàn bà nói gì. Cô chỉ nhận ra dôi môi của người đàn bà mấp máy như đang xúc động điều gì. Người đàn bà mở gói giấy lấy ra một bức tranh và giơ trước mặt Hoàng Lan:
- Con có biết đây là bức tranh gì không? Có phải người họa sĩ vẽ giấc mộng của con không? Mẹ đã tình cờ thấy bức tranh này và đã nhận ra con…. Mẹ đã về với con đây…..
Hoàng Lan nhìn chăm chăm vào bức tranh. Đôi tay cô run run xoa lên gương mặt và đôi môi của cô gái trong bức tranh. Điều lạ lùng cô cảm nhận được là từ trong thẳm sâu tâm hồn cô chợt vang lên tiếng gọi thiêng liêng:” Mẹ ơi !”.
Mỹ Tho tháng 04/ 2006