Tôi rất “sốc” cụm từ “Kệ cháu, cô” của anh. Không phải tuần nào cũng được gặp nhau vì anh là lính còn tôi là sinh viên cao đẳng năm I, nhưng lần nào gặp nhau anh cũng ngồi im thin thít nhìn tôi y như rằng người trước mặt mình là… động vật thời tiền sử! Mẹ tôi mời nước, mời bánh, rồi cả mời cơm nhưng anh cũng chỉ một câu cửa miệng “Kệ cháu, cô” và không đụng đến một món nào. Tôi thắc mắc “Tại sao gọi ba mẹ của bạn gái mình bằng cô, chú phải gọi là bác mới phải?”. Anh bảo “Nếu ba mẹ bạn gái lớn tuổi hơn bố mẹ mình thì mới gọi là bác, còn nhỏ hơn chỉ gọi bằng cô chú, người Bắc anh là thế!”.
Thắm thoát đã một năm quen nhau, nhưng nói thật là chỉ có thư từ và những ánh mắt nhìn, chưa từng có một cái nắm tay hay một lần đi chơi chung. Những lúc anh đến nhà vào những ngày cuối tuần tôi đều phải phụ gia đình lặt lá chân những luống hành, nên sau “màn chào hỏi” ở phòng khách là tôi bảo anh cứ ngồi đầy chơi với… đám em của mình, còn tôi thì phải ra vườn. Tất nhiên anh không đồng ý, và ra vườn lặt lá hành cùng tôi, chẳng biết do đông tay nhanh việc hay do “mãnh lực” nào đó mà những luống hành được thay lớp áo cũ nhanh chưa từng thấy! 20 luống hành 1,5mx30m già một buổi đã được lặt xong lớp lá chân, rồi còn pha phân lân để tưới, nhổ trăm ký giũ sạch đất cát chờ bạn hàng đến cân… tất cả xong lúc 2h30giờ chiều. Và bữa cơm thật ngon với lá hành luộc chấm nước tương tỏi ớt được dọn ra, anh ăn rất… lính và chuẩn bị vượt 80km đường xa về đơn vị cho kịp buổi điểm danh.
Tôi cứ nhớ hoài cái ngày mồng hai tết năm ấy… tôi cùng hai nhỏ bạn đến đơn vị thăm anh. Bạn bè anh cũng rất ý tứ, sau khi ăn cơm ở nhà ăn và lên phòng uống trà thì các bạn “rút” sang phòng khác để mình tôi và anh ở lại… Có lẽ đây là lần đầu sau hai năm quen nhau cả hai mới có những phút giây “ta với ta” như vậy. Và từ bên ghế đối diện, sau nhiều phút chằm chằm nhìn tôi, anh đã bước sang ngồi gần bên tự lúc nào, và cánh tay khỏe khoắn đầy rắn chắc của “cây bóng chuyền số một của đơn vị” (theo lời khen ngợi của bạn bè anh) đã choàng qua vai tôi vít cổ tôi sát vào mũi anh và… một cái hôn phớt qua mang tai! Đáng ra cái hôn ấy không là phớt qua, cũng không là hôn lên má, mà có thể lên môi và tôi không từ chối được cũng không chừng!
Nhưng nhiều năm trước, tuổi hai mươi của tôi còn “thần thánh hóa” tình yêu lắm! Tình yêu theo quan niệm của tôi là trong sáng như pha lê, long lanh như sương buổi sáng, là chỉ có mắt nhìn chứ không hề có sự va chạm nào.
Vậy nên hôm nay anh làm tôi quá bất ngờ, tưởng chừng như “sụp đổ thần tượng”, chân với giày cao gót tôi giẫm mạnh vào chân anh cho anh “tỉnh”, còn tay bên kia – tay không phải bị hạn chế tầm xa do khuôn ngực anh chèn lại – tôi đã tát lên má anh một cái tát bằng hết sức bình sinh!
- “Bốp”!
Anh buông tôi ra và nhìn sững, sau đó từ từ đưa tay xoa má… trời ạ, những bốn ngón tay tôi đã in rành rành trên mặt anh. Biết mình không phải, tôi sẽ sàng lấy chiếc khăn tay trong túi ra, đổ hết ly nước trà cho khăn ướt và đưa cho anh và chỉ lên mặt “ra dấu” rằng hãy lau cho bớt vết hằn đỏ.
Anh cầm chiếc khăn nhưng không lau mà cất vô túi rồi rót hai ly trà, đưa sang tôi một ly với câu “anh xin lỗi” nhẹ như gió thoảng. Tôi nghe lòng hối hận, niềm hối lỗi như vô cớ, như lại có căn do…
Ra về, hai nhỏ bạn hỏi “Lúc nãy mày với anh ấy làm gì mà bể cái ly vậy”. “Bể ly hồi nào?” tôi ngây ngô. “Tụi tao nghe “bốp” mà?”. “À… tao tát ảnh”. “Tại sao?”. “Ai biểu dám… hôn tao”. “Rồi có được không?”. “Không, bộ tụi mày không thấy chân ảnh đi cà nhắc, mặt đỏ hằn à, giày tao giẫm lên chân nữa đó!”. “Trời!”. Hai nhỏ bạn đồng thanh kêu to.
*
Anh lại đến nhà chơi, sau “vụ án cái tát”, hôm nay gia đình tôi thu hoạch hành, cũng được hơn cả tấn, trừ hết chi phí còn lời hơn nửa nên tâm trạng ba tôi rất vui. Ông bảo tôi pha cà phê cho hai người uống. Pha cà phê á? Thôi rồi… ba “giết người không gươm đao” rồi ba ơi! Dẫu rằng tôi là con nhà nông, như từ trước giờ chỉ ăn đi học, rảnh thì làm vườn, chuyện cơm nước, bếp núc “khoáng” cho nhỏ em kế. Là sự phân công hợp lý thôi mà, nhỏ ta có bao giờ biết lặt một chiếc lá hành nào đâu, cũng như liều lượng bao nhiêu kg phân lân cho ngần ấy mét vuông hành thì nhỏ ta mù tịt!
Nhưng bây giờ nhỏ không có nhà, không thể cầu cứu ai. Tôi bèn vận dụng hết sự hiểu biết của mình. Cũng cà phê đây, phin đây, nước nóng đây, ly đây… Tôi xếp mọi thứ giống như đã từng thấy, nhưng tới phần cho bột cà phê vào phin thì chẳng biết bao nhiêu cho vừa? Ừm… thì cho đại tới hai cái “mụt” nhô ra của phin đi, nén chặt lại, chế đầy nước vô và đậy lại. Uy… chết rồi, quên khuấy đi mất! Ba tôi không ghiền trà hay cà phê nhưng mỗi lần ông uống thì uống phải thật đậm, y như rằng “không uống thì thôi, uống phải cho đáng” vậy!
Nhưng lượng cà phê trong phim này chắc chắn không thể nào vừa ý ba, không lẽ bỏ pha phin khác? Thời gian đâu? Thế là vận dụng hết trí thông minh có thể, tôi mở nắp phin ra và trút nhanh vào ấy một ít bột cà phê nữa. Phào… thế là xong… vậy mà một lúc nghĩ không ra lại nhức cả đầu. Chỉ còn chờ châm trà và bưng lên là xong, phen này chắc chắn được ba khen mà anh cũng “lác mắt” vì tôi không những học khá, làm việc ngoài đồng giỏi mà nội trợ cũng không thua ai.
Nhưng… mười phút trôi qua mà không nghe tiếng ly muỗng va vào nhau. Bỗng…
- Con gái, sao cà phê lâu xuống quá vậy?
- Không biết ạ, con vẫn pha như người ta thôi?!
- Con làm sao?
- Cho cà phê vào phin và chế nước xong, con lại nhớ ba thích uống đậm nên con trút thêm vào một ít… không biết sao mà lâu xuống vậy?
Có tiếng nắp nhôm va lanh canh lên mặt bàn đá và tiếng ba tôi vang lên:
- Trời ơi… con gái lên đây coi nè!
Trước mặt tôi là chiếc phin vun đầy bột cà phê, nhưng đã sền sệt vì ngấm nước và đang chực tràn ra ngoài, dưới ly chỉ có vài giọt màu nâu nằm im ỉm…
- Con gái với chả đứa! Pha cà phê như vầy làm sao mà mời khách!? Ông quát tôi và quay sang anh – Nó hậu đậu, không nên thân nên hình gì hết, cháu có còn định tìm hiểu nữa không?
- Dạ… không sao đâu chú, mai này em Trang sẽ pha cà phê ngon thôi mà. Để cháu rót trà cho chú…
- Ừ, cà phê không dùng được đâu, thôi mình uống trà đi cháu!
- “Xoẹt”! - Có tiếng phun nước và lời ba gọi như thét - Trang!
- Dạ!
Thật ra sau “sự cố ly cà phê” tôi đã xấu hổ quá xá chừng và chui tọt vô phòng trốn rồi. Giờ chuyện gì nữa đây hở trời!?
- Con pha trà gì vậy?
- Dạ, trà… móc câu ba vẫn uống mỗi tối đó mà.
- Có súc bình không?
- Con thấy… hồi hôm ba mới uống…
- Trời ơi… “tôi” sợ “cô” luôn rồi! Thôi, cháu Hoàng ở nhà chơi với nó nhé, chú đi một chút, ở nhà chắc tao đập chết con này quá!
Bây giờ không ai tát tôi cả, như tôi nghe mặt mình đỏ phừng phừng, đối diện anh mà cứ cúi xuống như kẻ tội đồ to tát lắm. Anh “gỡ rối” cho tôi bằng cách:
- Thôi “cô giáo” ra đầu đường uống nước mía nhé, mai về với anh pha trà là “chuyện nhỏ” thôi!
*
Nhưng tôi không bao giờ có dịp “về với anh”, vì tôi ra trường nhận công tác xa nhà gần trăm kilomet, khoảng cách không gian giữa tôi và anh đã xa lại càng xa hơn nữa. Anh sắp “ra quân” rồi, trời Nam chỉ là một quảng thời gian anh thi hành nhiệm vụ của người trai. Gia đình, người thân… tất cả đều đang chờ anh về trên đất Bắc. Tình yêu là quý giá nhưng muốn có được nhau thật chẳng dễ dàng gì. Một ngày sân trường ngập nắng, tôi đã nhận bức thư với dòng chữ vô cùng quen thuộc, lòng vui như mở hội, nhưng đọc thư mới hay nước mắt ướt nhòe:
“Khi em nhận được thư này là anh đang trên đường trở về quê hương xứ sở. Đừng buồn nhau em nhé, chắc mình có duyên mà không nợ… kỷ niệm trời Nam vẫn còn in đậm trong lòng, nhưng em ơi, chắc em, chắc anh, không thể làm gì khác hơn…”
Thư còn dài nhưng tôi không còn tâm trí đâu để đọc. Nhiều đêm mơ ngủ tôi cứ thấy mình cùng anh đội nắng bên những luống hành, rồi lại thấy dấu những ngón tay in hằn trên mặt anh… cả ly cà phê tình đầu mà tôi cố công pha nhưng anh không được uống…
Bây giờ tôi đã có thể pha một ly cà phê ngon, chỉ cầm nhắm mắt cũng không thể nào cho bột cà phê quá nhạt hay quá đậm. Chỉ có điều, khi pha ngon được ly cà phê thì tình đầu đã xa vời vợi. Nhưng dù tôi có thể pha trăm ngan ly cà phê ngon đi chăng nữa thì đoan chắc rằng sẽ không có ly nào ăm ắp yêu thương sáng trong đầy thánh thiện của ngày xưa yêu dấu. Cái ngày tình yêu chỉ thể hiện bằng ánh mắt, bây giờ đã quá xa xưa…