Có thể nói, nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương đã tạo nên một hiện tượng thơ. Nhiều tập thơ của bà được in với số lượng lớn. Nhiều nhà sách in thơ bà rồi trả nhuận bút bằng… thơ. Lời hay lỗ không biết nhưng năm 2004, Nhà xuất bản Trẻ in tập Hãy cho nhau. Năm 2005 in tập Nước vẫn xanh dòng rồi tái bản Hãy cho nhau. Năm 2006 công ty Kỳ thư in Thơ tình và tình thơ. Công ty văn hóa Hương Trang nói: “Tụi tôi vốn dị ứng thơ. Nhưng xin được in thơ chị Hỷ Khương.” Nhờ vậy, tập Thơ dâng cha mẹ ra đời. Từ năm 2004 thơ Hỷ Khương được đưa lên lịch. Năm 2008 này có 4 mẫu lịch in thơ bà, trong đó có lịch block treo, khổ A3 với 31 bài thơ nhỏ viết dưới dạng thư pháp do công ty An Hảo phát hành. Một nhà sách khác làm lịch bàn in 52 câu thơ. Bài Thơ xuân tao ngộ làm lịch 7 tờ và công ty Văn hóa Trí Việt làm lịch tờ với bài Còn gặp nhau…
Và thật bất ngờ, thơ Hỷ Khương được khắc lên đá để chơi, để tặng nhau và để… bán. Vào một ngày xuân, Hỷ Khương cùng chị em du xuân tới Hội hoa Xuân tại vườn Tao Đàn. Đang dạo bước giữa người và hoa muôn hồng ngàn tía, chợt cô bạn reo lên: “Kỷ Khương, coi kìa, thơ mi đó!” Theo tay bạn chỉ, Hỷ Khương bước lại chỗ bày non bộ. Cùng với những hòn núi tự tạo muôn vẻ là một dãy những hòn đá cũng nhiều dạng nhiều hình nhưng có một mặt mài phẳng, trên đó khắc bằng kiểu chữ thư pháp những câu thơ Hỷ Khương, mà nhiều hơn cả là câu Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời! Với vẻ làm dữ, người bạn hỏi người bán thơ: “Bà có biết thơ này của ai không?” “Dạ biết!” “Sao bà không đề tên tác giả?” Bà ta còn ấp úng thì bị hỏi dồn: “Làm vầy bà có xin phép tác giả không?” E bạn quá lời, Hỷ Khương khẽ kéo tay bạn: “Thôi, mi!” Hỷ Khương không lạ chuyện này. Bà biết gian hàng này là của một vị kiến trúc sư Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, ông ta đã lấy thơ bà viết lên thiếp, lên mành trúc bán. Nay nghe nói ông ta khắc thơ lên đá đem tới hội xuân, bán 200 đô la một bức, bà thử đi coi thực hư ra sao. Thấy thơ mình bị chiếm dụng vô tội vạ, lúc đầu Hỷ Khương cũng bực nhưng trong không khí văn hóa của ngày hội, bà không muốn làm lớn chuyện. “Thôi mà, cho qua đi mi!” Người bạn nhằn: “Mi… thì cứ rứa hoài. Để rồi người ta ngồi lên đầu lên cổ!” Nhận ra tác giả thơ, bà bán thơ tới gần, lễ phép nói: “Thưa, có phải chị là Tôn nữ Hỷ Khương? Vậy thì quả là tôi có lỗi. Thấy thơ hay quá, tôi khắc vô đá chơi. Nhưng sau nhiều người hỏi, tôi bán. Làm vậy mà chưa được phép của chị, tôi cũng áy náy... Chị cho tôi sửa sai bằng cách biếu chị...” Hỷ Khương còn đang phân vân thì người bạn nói: “Vậy thì Hỷ Khương nhận đi, coi như tiền bản quyền!” Chiều bạn, Hỷ Khương nhận phiến đá Chỉ có tình thương đem về để trang trọng trong nhà, nơi bà thường chụp ảnh với bạn thơ và khách quý. Kể với tôi chuyện này, bà Hỷ Khương nói: “Cũng may mà mình không làm dữ. Người khắc thơ lên đá đem bán và cả ông chôm thơ mình làm lịch, người là họa sĩ, người là kiến trúc sư, viết thư pháp có tiếng. Hai ông được mời sang Thụy Sĩ biểu diễn thư pháp. Trong thư pháp mấy ông viết, có cả thơ Hỷ Khương. Có cô gái thấy thơ thì hỏi: “Hỷ Khương người như thế nào?” Hai ông trả lời “Chị Hỷ Khương dễ thương lắm!” “Nhờ vậy Hỷ Khương có thêm bạn. Cũng may mà vậy, chớ mình làm dữ, mấy ông nói đó là bà chằng thì nguy!” Kể tới đây, Hỷ Khương cuời, tiếng cười rổn rảng của bà như xua đi mọi nỗi buồn phiền.
Có thể kể ra 101 chuyện vui đang thành giai thoại về thơ Hỷ Khương.
Năm 2004 thơ Hỷ Khương lên lịch, một người Hòa Lan sang Việt Nam làm từ thiện, thấy lịch đẹp với hình ảnh con đò trên sông cùng những dòng chữ viết bay bướm vui mắt, ông mua. Về nước, gặp người Huế lấy chồng Hòa Lan, giảng giải ý nghĩa bài Còn gặp nhau. Cô là học trò của nhà nghiên cứu về Huế Phan Thuận An. Cô xin thầy sách của Hỷ Khương mang sang. Người bạn học tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Hòa Lan.
Năm 2004 bài thơ được ông Thân Trọng Sơn dịch ra tiếng Pháp. Một lần Hỷ Khương, giáo sư nhạc sĩ Hoàng Cương, ca sĩ Bích Hồng cùng hai cháu học đàn từ ngoại quốc về, vào nhà hàng. Bích Hồng vui miệng: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui.” Bàn bên có đôi nam nữ ăn mặc thời trang đang ăn. Bất ngờ, chàng thanh niên đứng dậy đọc tiếp:
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi,
Chỉ có tình thương để lại đời…
Quá ngạc nhiên, Hồng hỏi: “Sao em lại thuộc bài thơ này?” Chàng trai nói:
- Tết rồi em tới viếng chùa, một vị sư cho em bao lì xì, trong đó có bốn câu thơ. Thấy hay, em học thuộc.
Vào ngày Hội thơ Nguyên tiêu năm 2007, Hỷ Khương đi dự Hội thơ của thành phố Hồ Chí Minh, nhưng có việc phải về sớm. Từ Sở thú ra, lên taxi, người lái xe hỏi: “Cô ơi, trong đó làm gì đờn ca vui vậy?” “Nay Hội Nhà văn thành phố họp Hội thơ.” “Thưa cô, em có nhớ mấy câu thơ của người tôn nữ chi đó Còn gặp nhau…” “Anh muốn có bài thơ đó không?” “Muốn quá chớ, nhưng làm sao mà có được?” Người lái xe trả lời. Tới nhà, bà mời người lái xe tên là Lê Quang Trung vô nhà, tặng sách. Biết người khách đi xe mình là tác giả bài thơ đó, anh ta cảm động lắm. Ở Cần Thơ, nhà thơ Linh Chi xuống Ô Môn cứu trợ. Vào gia đình nhà tranh dột nát, cô tặng chủ nhà 300.000 đ. Thấy trên vách treo bài thơ Còn gặp nhau, cô hỏi: “Bài thơ nầy anh lấy từ đâu?” Chủ nhà nói: “Em bán cà-rem, thấy cuốn lịch có thơ đó, em chép về treo!” Cô liền cho anh thêm số tiền nữa. Một người bạn của Hỷ Khương từ Mỹ gọi về, kể chuyện, cựu thủ tướng Việt Nam cộng hòa Trần Thiện Khiêm nói với nghị sĩ Trần Ngọc Châu: “Bây giờ tôi chỉ sống với bốn câu thơ Còn gặp nhau…” “Ông có biết đấy là thơ của ai không?” “Không biết nhưng thấy hay quá nên tôi thuộc!” Trong khi đó ông tướng công an Việt Nam cộng sản Mai Chí Thọ lại dẫn thơ Hỷ Khương đăng báo. Một vị hòa thượng nói: “Phật dạy sắc sắc không không, cao siêu quá, người đời hiểu không thấu. Thơ của Hỷ Khương cụ thể hơn nên đi vào lòng.”
Những chuyện trên, nhà thơ Hỷ Khương kể. Còn chuyện này thì bà chưa biết. Sáng nay, 23.12. 2007, trước khi bắt tay viết bài này, tôi mở máy nhận điện thư thì trong hộp thư hiện lên bài Còn gặp nhau. Bạn tôi, một võ sư từ nửa vòng trái đất gửi về cho tôi thay lời mừng Noel và năm mới!
Hơn 20 năm trước tôi gặp chị Tôn nữ Hỷ Khương tại nhà nữ sĩ Mộng Tuyết, đường Nguyễn Trọng Tuyển Sài Gòn. Trong không khí trầm mặc của Vương giả hương đình còn bâng khuâng hơi thở thi sĩ Đông Hồ, nữ sĩ Mộng Tuyết cho tôi biết câu hò Chiều chiều trên bến Văn Lâu là của cụ Ưng Bình và Hỷ Khương chính là nàng quận chúa, con gái bậc vương tôn thi nhân đó. Được cô Bảy cho đọc thơ xuớng họa của hội thơ Quỳnh Dao mà Hỷ Khương là thành viên trẻ nhất, tôi nhận ra nàng quận chúa của vương triều cuối mùa là người có hồn thơ, có tấm lòng nhân hậu. Không hiểu sao, lòng tôi chợt buồn se thắt. Hai người họ, một già một trẻ yêu thơ này, chỉ là những mầm non cô đơn. Sống làm sao trong những ngày chói chang nắng gió?
Năm tháng qua đi. Rồi một lúc nào đó, tôi nhận ra, Hỷ Khương đã tự làm nên hiện tượng thơ. Dù muốn dù không, đó cũng là một hiện tượng. Thơ Hỷ Khương là chỉ dấu chia thơ Việt thành hai dòng. Một bên là những nhà thơ hàn lâm, bác học với siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức… ngất ngưởng trên đỉnh Thi sơn, chen vai thích cánh bước vào Điện Panthéon Giao Chỉ. Một bên là thơ ca dân dã, tự nhiên nhi nhiên, như con chim thấy lòng vui thì hót. Những nhà thơ vô danh của dân lân, dân ấp tìm được nàng quận chúa làm người phát ngôn cho mình: những vần thơ chân chất, hồn hậu. Tôi không dám cho thơ nào cao hơn, sang hơn thơ nào nhưng hiểu rằng, chính Hỷ Khương tạo nên một định nghĩa của thơ. Hình như điều này kéo thơ ca gần lại hơn với cuộc đời?
Tới đây, những câu hỏi nảy sinh: tại sao những người có chỗ đứng rất khác nhau trong xã hội lại cùng yêu thơ Hỷ Khương? Và bài thơ nào của bà được yêu thích nhất? Câu thứ nhất phải cân nhắc. Câu thứ hai đạt đồng thuận cao: Còn gặp nhau! Bài thơ không hề có đổi mới cách tân gì về ngôn từ, vần điệu. Cả đến ý nghĩa cũng xưa như Trái đất. Bạn và tôi, có lẽ không biết bao lần chúng ta từng nghĩ gần như thế và nói gần như thế, chuyện tưởng xưa cũ không còn gì để bàn. Nhưng rồi Còn gặp nhau xuất hiện, chúng ta như tỉnh ngộ mà nhận ra rằng đó là cách đơn giản nhất, chân thành nhất, nhưng chính xác nhất nói lên niềm sâu thẳm của tâm linh Việt. Và ta bỗng nhớ ra: ta đã từng nghĩ gần như thế, nói gần như thế! Vì vậy, bài thơ là của ta, thuộc về ta. Yêu thơ Hỷ Khương cũng chính là ta yêu ta! Điều này lý giải cho câu hỏi đầu.
Không khỏi có người cho rằng, chỉ là sự ăn may, bài thơ làm quá dễ, không hề dụng công! Ít dụng công thì có thể. Ta có thể chưa bằng lòng về đôi chữ nghĩa. Nhưng ăn may thì không. Hỷ Khương đã dụng cái lớn hơn ngàn lần dụng công: dụng tâm! Có lẽ bà phải tu cả đời hay nhiều đời nên mới có được tâm phật để nói lên lời phật!
Phải chăng đó cũng là cái ý nghĩa của sự tồn tại của bà với tư cách nhà thơ trên cõi đời này? Với những câu thơ đi vào lòng người như vậy, thơ Hỷ Khương đã có hộ khẩu thường trú nơi cõi vĩnh hằng, giống như những câu Chiều chiều trên bến Văn Lâu của thân phụ bà. Âu, đó cũng là lẽ công bằng của tạo hóa huyền vi!
Một sáng chủ nhật, bạn tôi, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thị Thanh Xuân, ở tuổi xưa nay hiếm, từ phía Đông thành phố Sài Gòn gọi cho tôi: “Buồn quá. Mình cảm thấy đời quá chừng vô nghĩa. Sống như vậy để làm gì nhỉ?!...” Đã trải qua những cảm giác hư vô về cuộc đời, tôi an ủi bạn. Lát sau bạn tôi nói: “Bà Hỷ Khương tài thật đấy. Làm sao mà bà ấy sống hồn nhiên yêu đời như vậy được? Mà cuộc đời bà ấy có sung suớng gì đâu! Phải hàng chục năm nuôi mẹ già ốm, lại thằng con bệnh hoạn. Vậy mà bà ấy vẫn sống vui. Mỗi khi gặp bà ấy, mình như được xua đi bao phiền muộn!”
Tôi hiểu, trong người phụ nữ nhỏ nhắn mà bạn tôi cảm phục mang chiều sâu của cả một nền văn hóa.
Sài Gòn, Giáng sinh 2007