Thiếu, không phải người viết văn làm thơ hôm nay chưa thâm nhập đầy đủ vào thực tiễn cuộc sống của quần chúng lao động; không phải do chúng ta dốt, không đọc nhiều, kém tri thức về các trào lưu văn chương thế giới; không phải bởi thế hệ mới còn quá mỏng kinh nghiệm; càng không phải thời đại bận rộn tiêu mất quá nhiều thời gian của người viết, mà thiếu, nguyên nhân chính – sâu xa và nền tảng hơn, như là nguyên nhân của nguyên nhân – do kẻ sáng tạo chưa đầy đủ cô đơn. Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm chiều sâu.
Cô đơn trong giai đoạn đầu tư thai nghén, khi đối diện với trang giấy trắng, cả lúc tác phẩm đã sinh hạ. Bấy lâu, chúng ta luôn là con người của số đông: số đông trong giới văn nghệ, số đông giữa người đọc và, số đông cả khi chỉ ngồi một mình, cô độc!
Thực sự, người viết văn làm thơ không cần số đông, không thực sự cần quen biết nhau hay phải sống trong “cộng đồng” của mình mà vẫn có thể viết các tác phẩm giá trị. Sự quen biết, nhất là quen biết quá thân mật và thường xuyên gặp gỡ trao đổi, chẳng những không giúp ích gì cho văn chương, lắm khi còn gây phiền phức, tác hại nữa!
Hãy để yên chuyện thành phần cầm bút dùng văn chương để lập thân, để kiếm danh, kiếm tiền hay kiếm ghế, kể cả ghế quan văn chương (không vấn đề gì cả, đó là truyền thống văn hóa Việt – xưa nay); chúng ta chỉ thử xét người làm văn chương vì văn chương.
Chưa đủ cô đơn cho thai nghén tác phẩm
Trước tiên, chúng ta chưa đủ cô đơn khỏi giới văn nghệ.
Gặp gỡ trao đổi đa phần không thoát khỏi thói ngồi lê đôi mách! Khi không có gì để nói thường chúng ta ưa nói nhảm, về chuyện chính trị xã hội, chuyện phòng the, chuyện ăn nhậu,… về mọi chuyện trên đời, ngoài văn chương. Chúng ta biết về đời tư nhiều hơn là đọc các trang viết của nhau. Kiến thức này được mang vô tư vào các trang sáng tác, các bài phê bình, điểm sách. Từ đó đề tài sáng tác ngày càng thu hẹp trong phạm vi sinh hoạt trong giới mà không mở rộng ra bên ngoài.
André Gide trong Bọn làm bạc giả, bàn về tiểu thuyết như là một thủ pháp nghệ thuật, tiểu thuyết trong tiểu thuyết. “Quan điểm của Gide là một lăng kính văn học trong đó sự hư cấu không nhằm giải trí và làm yên tâm người đọc, mà lôi cuốn họ tham dự vào nỗi xao xuyến và cuộc tìm kiếm (…). Chính ở điểm đó, Gide đã dự phóng về lối phê bình hiện đại nó khải lộ cho ta những cơ chế của sáng tạo trong chính tác phẩm”(1). Qua đó, ông luận rộng ra xã hội. Hay một Chế Lan Viên, nhất là vào cuối đời, thường bàn về thơ: đấy là ông suy tư yếu tính của thơ trong tương quan với/tác động của nó vào đời sống. Trong khi hôm nay, chúng ta thấy gì? Nhà thơ bàn về nhau, lấy nhau này làm đề tài sáng tác, một nhau dẫu có sâu sắc tới đâu cũng quanh quẩn ở góc phố nhỏ hẹp, vài giấc mơ bé con. Còn khi lấy bản thân làm đề tài cũng vậy, họ chỉ biết đến mình, một mình nhỏ bé vụn vặt lắt nhắt. Có thể coi đó là những tiểu-tự sự theo tinh thần Hậu hiện đại, gượng gọi thế, nhưng nếu mãi lặp lại hoài hủy, nó sẽ thành một tiểu-tự sự sa đọa. Thậm vô bổ.
Không thể làm phong phú nổi tác phẩm, nói chi đòi hỏi chuyện khai phá vùng đất tinh thần mới hay văn chương kích thích cuộc đời!
Đầu óc đầy ứ tri kiến ngoài lề còn ngăn chúng ta tiếp cận tác phẩm hàn lâm, là thứ tạo nền tảng vững chắc cho sáng tạo nghệ thuật. Ví chúng có tình cờ rơi vào tay, kẻ viết lách hôm nay cũng chỉ lướt qua mà không dành cho nó thao tác nghiên cứu đúng mực: đơn giản vì chúng ta đã nghe nói về nó rồi. Biết rồi, nên không cần thiết phải đọc nữa. Rất ít nhà thơ chịu học làm thơ là vậy!
Trường phái văn nghệ cũng thế, hiếm phát sinh từ cùng khuynh hướng sáng tác. Có thể nó hay, nhưng khi thoái trào, nó dễ biến thành phe phái. A. Gide rất cảnh giác với các loại sinh hoạt đặc thù này. Pháp, xứ sở chuyên sản sinh các trường phái còn thế, đất nước Việt Nam thiếu truyền thống kia, nên trường phái chưa ra hình hài đã vội biến dạng thành phe phái hay phe nhóm, là chuyện không lạ. Phe nhóm ít chú ý đặt nền móng lâu bền cho sáng tác văn chương, mà chủ yếu các nhóm viên viết bài tán tụng nhau hay bài xích phe nhóm khác.
Bởi sự hình thành không trên căn bản lí luận học thuật mà thuần cảm tính với cảm tình nên, nhóm sáng tác dễ rã đám, chỉ bởi mấy nguyên do bá vơ.
Việc hội họp hay sinh hoạt câu lạc bộ thơ cũng không hơn gì: chúng chỉ mang tính phong trào. Cả có ích nữa, nhưng là ích lợi trong xoa dịu tinh thần đã dừng lại trước ngưỡng khai phá. Không gì đảm bảo sau khi dự sinh hoạt câu lạc bộ thơ hay hội nghị văn chương, thơ chúng ta sẽ hay hơn, kinh nghiệm sáng tác phong phú thêm lên. Cùng lắm, nó kích thích ta ở bề nổi, rất ngoài rìa.
Vậy mà chúng ta rất ưa vào hội, nhất là hội có phát thẻ! Để hù người thiên hạ yếu bóng vía hay muốn thủ sẵn vé thông hành lên tàu suốt vào văn học sử, – không hiểu nữa! Cứ nhìn vào chồng đơn xin gia nhập Hội Nhà văn dày lên hàng năm, cũng đủ biết. Cuối nhiệm kì VI, đơn xin gần đạt con số: nửa ngàn! Cá nhân tôi, Hội Nhà văn chỉ có lợi thiết thực trong các kì mở trại sáng tác: nhà văn thoát khỏi mọi buộc ràng thường nhật, một mình đối mặt với tờ giấy trắng.
Chưa đủ cô đơn trước tờ giấy trắng
Khi tách rời khỏi sinh hoạt đàn đúm của giới văn nghệ, nhà văn có cơ hội suy tư độc lập, viết theo cách ta nhìn mà không lệ thuộc vào quan điểm của báo chí, của nghe nói nơi bàn nhậu hay quán càphê, của các ý tưởng sau quyết nghị hội nghị văn học, của tâm sự bằng hữu thâm tình, của khí quyển văn chương chung chung nơi có rất đông văn nghệ sĩ sống bám váy chữ nghĩa hay bám vào nhau. Kẻ sáng tạo nói lên ý tưởng của mình, những gì mình khám phá, trải nghiệm và tin tưởng mà không cần biết người bên cạnh nghĩ gì, nghĩ về nó như thế nào, nó có gây phiền hà cho cá nhân hay hội đoàn nào không, tòa soạn có nhận đăng nó không. Nghĩa là độc lập toàn phần. Bởi dẫu sao không gian sống đã tác động không nhỏ lên nếp nghĩ của nhiều người viết, nhất là trong thời đại mang khuôn mặt đồng bộ hôm nay.
Nhiều nhà văn nhà thơ xuất thân nông thôn hay tỉnh lẻ, đột ngột xuất hiện trên văn đàn với giọng lạ lẫm, người đọc kì vọng họ sẽ làm nên chuyện. Thế rồi, khi các anh/chị đi vào phố thì: mất hút! Thiển nghĩ, lỗi không chỉ ở giao lưu rộng hay không khí đô hội mà còn ở truyền thống văn hóa văn chương quy định: chúng ta chưa học biết suy tư độc lập nên hay cả nể và dễ hòa đồng vào không khí tập thể.
Đọc của nhau tốt hơn rất nhiều chuyện hàng ngày nhìn mặt nhau. “Quanh quẩn lại chỉ vài ba dáng điệu / Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người” (Huy Cận). Nếu không tách khỏi giới văn nghệ, chúng ta rất khó giữ được cái đặc trưng của mình. Trừ phi chúng ta thật cá tính và, bản lĩnh. Còn không thì, hòa ca với mọi người: các sáng tác của chúng ta mãi mãi “mang không khí chung của thời đại”.
Nhìn ra thế giới: cuộc đi/gặp phong phú của Ernest Hemingway chẳng những không giúp gì cho văn chương ông giai đoạn sau mà còn đẩy nhanh quá trình suy tàn tài năng ông (sự ăn ảnh của E. Hemingway đã làm hại ông không ít, ý Lê Đạt), trong khi William Faulkner thì ngược lại: cô đơn làm ông ngày càng sâu thẳm và cao lớn. Cũng vậy, nỗi sôi động náo nhiệt của một Jean - Paul Sartre giữa Paris không thể bì được cái thâm trầm mênh mông của một M. Heidegger ẩn cư tại Rừng Đen hẻo lánh.
Nhưng khi đã cô đơn khỏi đồng nghiệp (tự tách ra khỏi bầy đàn, cô độc – hiểu theo Jiddu Krishnamurti), chúng ta chỉ mới cô đơn bán phần, vẫn chưa cô đơn toàn phần: cô đơn nội tâm, cô đơn khỏi mọi âm thanh và cuồng nộ của cuộc người để đối thoại với con chữ và đối diện trước tờ giấy/màn hình trắng(2). Lo toan thường nhật với những chức vụ và trách nhiệm: làm chồng, làm vợ, làm mẹ, làm cha, làm công dân,… thường trực đẩy ta lẫn vào số đông. Thế nhưng, bằng nỗ lực vươn tới cô đơn của nghệ sĩ sáng tạo, dẫu có thoát khỏi chúng, ta vẫn khó cô đơn khỏi ý thức hệ xã hội, truyền thống văn hóa, xu hướng yêu ghét của người đọc đương thời,… Nghĩa là nhà văn luôn sáng tác trong tâm thế thỏa hiệp hay tự kiểm duyệt tệ hại. Bao nhiêu là bóng u ám, giọng mơ hồ lởn vởn trong ta, quanh ta, sẵn sàng đe dọa thân xác ta, uy hiếp tinh thần ta. Nó lên tiếng khuyên/răn đe ta nên thế này hay không nên thế nọ. “Ta không bao giờ đủ một mình khi ta viết…Không bao giờ đủ tịch mịch quanh ta. Đêm vẫn quá ít là đêm” (Franz Kafka). Ta luôn phải sáng tác trong nỗi sợ hãi vừa siêu hình vừa hữu hình vây bọc. Mà đã sợ hãi thì làm gì có sáng tạo!
Cũng chưa đủ cô đơn khi tác phẩm đã ra đời
Chưa đủ cô đơn, không chịu đựng nổi cô độc, văn nghệ sĩ mong tìm chia xẻ, nóng lòng xuất hiện. Ít ai đủ dũng cảm ngâm lâu hơn các sáng tác của mình, giú mình trong bóng tối vô danh, đợi chín vụ: một năm, ba năm hay hai mươi năm chẳng hạn. Từ đó, có rất nhiều đứa con còn non yếu bị ném ra ngoài gió mưa cuộc đời. Ở một tác giả, cũng có vài ba tác phẩm đẻ non, chúng ta biết thế, biết nó chưa có gì gọi là đột phá nhưng, cứ miệt mài tiếp tục.
Thi sĩ có một mùa / Ra quả
Lại có một mùa / Rụng lá / Tàn thơ
Rồi đến mùa cuối mùa
Tuyệt tự / Cành khô / Trơ nhánh gỗ
Gió thổi suốt mùa không gặp hoa nào cả
Thế còn hơn nhà thơ bốn mùa
Ra hoa bằng mọi giá / Hoa… hoa… hoa…(3)
Những kẻ ngưng viết trong thời gian để tỉnh táo nhìn lại mình và kẻ đồng hành, chưa nhiều. Có khi, ngưng quá lâu, họ tắc! Niềm hứng khởi buổi đầu chết giấc. Vậy là: thôi thì tới đâu hay tới đấy, lấy số lượng bù chất lượng, hoặc biết đâu tài năng văn chương, một ngày đột khởi nào đó, ngẫu nhĩ ra hoa. Và ta có tác phẩm… để đời!
Sợ hãi, khi đứa con tinh thần ra đời, chúng ta mắt trước mắt sau xem nó có vấn đề gì không, dỏng tai nghe ngóng quần chúng độc giả có quá thờ ơ với nó, nó có được báo chí ưu ái giới thiệu? Sợ hãi kêu gọi sự quen biết nhập cuộc. Thiếu tự tin, sự quen biết có đất đứng và bành trướng. Quen biết, anh em mới vào nghề khuynh hướng nhờ đàn anh viết lời giới thiệu, bạt. Nhà văn đàn anh/chị, vì quen biết, dù không thích cũng phải “viết cho em nó” vài dòng, có khi vài trang. Khen là chính. Chê, gây mất lòng vô ích. Nặng hơn thì: cắt đứt quan hệ! Chúng ta có thể phê cây đa cây đề văn giới chứ hiếm khi cả gan chê người quen biết. Không giữ khoảng cách cần thiết, người cầm bút tự đánh mất cơ hội làm việc thẳng trên văn bản. Trong bầu khí quen biết ấy, nhiều đàn anh/chị đã không làm chủ mình, phóng bút biến kẻ bất tài thành nhà văn đầy triển vọng, tác phẩm tầm tầm thành tập thơ độc đáo, từ đó tạo ảo tưởng cho lớp đàn em. Vụ lạm phát nhà thơ hôm nay một phần bắt nguồn từ ban phát lời khen dễ dãi ấy. Mà ảo tưởng của con người, nhất là kẻ mang ít nhiều máu văn nghệ trong mình thì vô cùng tận.
Hiện tượng tâng bốc vài khuôn mặt trẻ dăm năm qua là một sự kiện rất đáng xem xét. Các lời khen tưới của đàn anh/chị đã gây bao nhiêu tai hại, cho đối tượng được khen đã đành mà còn làm vẩn đục cả khí quyển thơ nữa.
Khía cạnh khác của chưa đủ cô đơn là kẻ sáng tạo hay xu hướng đứng lên bảo vệ sáng tác phẩm của mình. Thời gian qua, văn đàn ta có khối điển hình, chả hay hớm gì! Ý tôi thế này thế này mà nhà bác hoặc không hiểu, hoặc hiểu thành ra thế kia thế kia. Thái độ xăng xái ấy với thể loại phê bình - nghiên cứu thì được, chứ thơ văn thì chẳng nên/cần tí nào cả. “Hãy để tác phẩm của bạn tự bảo vệ và bỏ qua không đếm xỉa tới. Nếu nó không chịu nổi cuộc tấn công, tất cả những phương kế khôn khéo bạn viện ra để cứu vớt nó không thể ngăn cản được sự lụn bại của nó; tốt hơn bạn hãy để tâm sáng tạo tác phẩm khác có thể chịu trận bền bỉ hơn”(4).
Để khuếch trương thanh thế tác giả và tác phẩm, nhà văn nhà thơ còn làm thêm thao tác gọi là giao lưu bạn đọc. Thực tình tôi không hiểu một nhà thơ khá tên tuổi – được xem là quán quân trong đọc thơ trước đám đông (hội trường hay màn hình) – đã nói gì với khán thính giả đến nghe thơ. Có lẽ ông chỉ làm được mỗi việc: trình diễn. Và, chắc chắn nó sẽ rất hời hợt.
Thêm: phỏng vấn. Khoản này, ngoài số ít bài phỏng vấn gay cấn, khai vỡ được nhiều khía cạnh hóc búa của vấn đề được đề cập, còn lại đa phần chỉ để thỏa mãn thói tọc mạch của độc giả bình dân, do đó quá ư nhảm nhí! Mình không thể nói ý kiến riêng mà nói theo ý/sơ đồ có sẵn của nhà báo/tòa soạn muốn. Các câu hỏi, ở đâu và bao giờ cũng na ná nhau: vẫn quá trình hình thành, nguồn ảnh hưởng của tác phẩm anh/chị, rồi anh/chị nghĩ gì về thơ trẻ hôm nay, các loại hình giải trí phát triển ồ ạt tác động gì đến văn chương, tại sao văn học Việt Nam không lớn, rồi thì: tình hình và thế đứng của thơ dân tộc thiểu số, vân vân… Nghĩa là bất kì nhà báo nào cũng có thể đặt câu hỏi mà không cần phải đọc tác phẩm của anh/chị. Thiếu hẳn linh hoạt trong câu hỏi nhất là, tuyệt đối vắng mặt tinh thần song thoại bình đẳng hai bên. Người hỏi tự đóng khung đã đành, cả kẻ trả lời cũng bị cho vào khung. Đóng khung nên thiếu tính bất ngờ và, sáng tạo. Từ đó, người viết không thấy cần thiết trả lời trực tiếp nữa mà chỉ đưa “thông tin báo chí” cho kẻ phỏng vấn. Trăm người như một, cứ bổn cũ lập lại. Và họ tự tiện xào nấu. Vậy mà vẫn có đầy đủ đầu mình và tứ chi một bài phỏng vấn!
Kẻ viết văn làm thơ, sau vài tác phẩm kha khá, có khuynh hướng tự trang bị cho mình vóc dáng, tư thế nhà văn hơn là phiêu lưu vào các khám phá mới: chúng ta thích làm nhà văn hơn là làm văn. Mà khi làm nhà văn thì phải học biết ban phát lời khuyên cho thế hệ đàn em, khen một chút chê một chút, vỗ vai hay xoa đầu chỗ này chỗ kia và nhất là, lên diễn đàn đọc diễn văn hay các tham luận văn chương trời ơi!
*
Vương Trí Nhàn kể một giai thoại rất thật rằng: một hôm ông tình cờ nghe bài phê bình văn chương trên sóng phát thanh. Sau vài đoạn, rất tự tin, ông quay sang khoe với mấy người ngồi bên là đài đang đọc của mình đấy. Ông đinh ninh thế. Nào ngờ, cuối bài, phát thanh viên thông báo tác giả bài viết: Ngô Thảo! Ông đã hố, bởi ông viết giống người khác quá(5). Cũng có thể nói ngược lại: bởi thiên hạ viết giống ông quá!
Thế đấy, nói như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, văn chương chúng ta mang tính tập thể rất cao, từ trong nước đến hải ngoại. Giai đoạn chiến tranh, sau khi đất nước thống nhất hay cả thời hậu đổi mới, nó vẫn vậy. Cũng có thể kể luôn thơ của các thi sĩ dân tộc thiểu số. Thời gian gần đây, thơ Sài Gòn có những đột phá táo bạo và bất ngờ, thế nhưng nó vẫn cứ tiềm ẩn tính tập thể, đâu đó. Tính tập thể, không phải bởi chúng ta kém tài năng hay thiếu kinh nghiệm sống hoặc văn nghệ sĩ nhiễm thói quan liêu tách rời quần chúng mà, theo tôi, bởi người viết chưa đầy đủ cô đơn cho tác phẩm, có lẽ.
Tiểu luận được viết trong cảm thức chủ nghĩa hiện đại (chứ không là hậu hiện đại). Thế thôi, chúng ta vẫn chưa đủ!
Sài Gòn, tháng 05.2004. * Đăng lại từ inrasara.com.
_______________
Chú thích
(1) Xavier Darcos, Lịch sử văn học Pháp, NXB Văn hóa Thông tin, 1997, tr. 507.
(2) J. Krishnamurti: cô đơn = tự do = sáng tạo.
(3) Chế Lan Viên, Di cảo thơ III, NXB Thuận Hóa, 1996.
(4) Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Con đường sáng tạo, NXB Trẻ, 2002, tr. 54.
(5) Báo Tuổi trẻ chủ nhật, ngày 01.08.2004.