Từ sau năm 1975, nghiên cứu về các văn hóa cổ ở Nam bộ là một nhiệm vụ trọng yếu của khảo cổ học Việt Nam. Những phát hiện mới về văn hóa Đồng Nai, văn hóa Oc Eo đã làm cho diện mạo các nền văn hoá cổ này ngày càng rõ nét. Đặc biệt, một trong những thành tựu quan trọng nhất là đã phát hiện và khai quật những di chỉ có niên đại thuộc giai đoạn sơ kỳ SẮT như Gò Cây Tung (An Giang ), Gò Cao Su, Gò Ô Chùa ( Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt ( Cần Giờ- TP.HCM ), Giồng Nổi (Bến Tre), Giồng Lớn (Bà Rịa –Vũng Tàu)… Từ đó, “ điều lý thú và cực kỳ quan trọng là từ những di tích tiền Óc Eo này, chúng ta đã nhận ra những mầm mống cuả văn hóa Oc Eo, nghiã là những yếu tố sơ khai mà sau này phổ biến và định hình trong văn hóa Óc Eo”. Các khám phá mới về giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ ngày càng làm rõ hơn nguồn gốc bản điạ của văn hóa này từ nhiều di tích thuộc văn hóa tiền – sơ sử.
Những di tích được xếp vào giai đoạn “tiền Oc Eo” khi trong sưu tập di vật hiện diện rõ ràng các yếu tố của văn hóa Oc Eo ở loại hình, chất liệu hay kỹ thuật chế tác. Trong các di tích điểm lại một cách khái quát dưới đây yếu tố văn hóa Oc Eo được nhận biết trong di vật gốm và đồ trang sức. Qua đó có thể nhận biết tính chất xã hội và các mối quan hệ giao lưu văn hóa của văn hóa Óc Eo đã có mầm mống từ các di tích tiền sử ở Nam Bộ, kể cả “bóng dáng” của chủ nhân nền văn hóa này. Vì vậy, nhìn lại các di tích thuộc giai đoạn “tiền Óc Eo” là để góp thêm tư liệu cho việc làm sáng tỏ một “thời điểm nhạy cảm” của lịch sử vùng đất Nam bộ, giai đoạn chuyển biến từ thời kỳ tiền sử vào thời kỳ lịch sử với sự hình thành nền văn hóa Oc Eo rực rỡ.
1. Đến nay có các di tích sau đây được coi là thuộc giai đoạn “tiền Óc Eo”.
Gồm có Gò Cây Tung (An Giang), Gò Cao Su, Gò Ô Chùa (Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Cá Trăng (Cần Giờ- Thành phố Hồ Chí Minh), Giồng Nổi (Bến Tre), Giồng Lớn (Bà Rịa-Vũng Tàu), đều được khai quật trong những năm 1990 đến nay. Niên đại của các di tích này khoảng từ 500 năm trước công nguyên đến thế kỷ 1-2 sau công nguyên. Địa hình di tích là những gò, giồng đất cao phân bố ở những khu vực sinh thái khác nhau: Gò Cây Tung nằm trong đồng bằng tứ giác Long Xuyên thấp trũng, Gò Cao Su, Gò Ô Chùa ở ven Đồng Tháp Mười đầm lầy, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Cá Trăng ở vùng rừng ngập mặn ven biển Đông Nam Bộ, Giồng Nổi, Giồng Lớn là những giồng cát cổ gần biển. Trong thời tiền sử đây là những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều của biển Đông - Tây Nam Bộ và mùa nước nổi của sông Cửu Long. Tầng văn hóa di tích do phù sa cổ (sông, biển) cùng với quá trình cư trú của con người tạo thành, độ dày tầng văn hóa trung bình khoảng 1-1,5m, Gò Cây Tung dày đến 3,5m. Qua khảo sát thực tế, các di tích này hầu như không bị ngập trong mùa lũ lụt hay khi triều cường, đây chính là điều kiện tiên quyết để người xưa chọn làm nơi cư trú lâu dài. Các di tích nói trên là di chỉ cư trú - mộ táng. Dấu tích di chỉ cư trú chủ yếu là mảnh gốm ken dày trong tầng văn hóa lẫn với một số hiện vật khác như đồ đá ở Gò Cây Tung, xương răng động vật ở Gò Ô Chùa, Giồng Nổi, hay vỏ nhuyễn thể ở các di tích khu vực Cần Giờ. Di tích cư trú và lớp mộ táng thường không có ngăn cách mà diễn biến liên tục qua vài trăm năm. Sinh thổ là lớp sét xám đen hay vàng nhạt, loại sét có thể sử dụng làm gốm. Loại hình phân bố mộ táng khá phức tạp, gồm mộ huyệt đất, mộ chum vò, dấu vết cải táng, hỏa táng. Đồ tùy táng nhiều loại hình, nhiều chất liệu, cả đồ gia dụng và minh khí, mang tính chất riêng nhưng cũng thể hiện mối quan hệ với nhau, nhất là qua đồ gốm.
2. Gốm trong các di tích “tiền Óc Eo”:
Gồm hai loại gốm thô và gốm mịn, trong đó gốm mịn ở các lớp văn hóa trên và số lượng cũng ít hơn gốm thô, tuy đều có thể nhận biết hai loại gốm cùng làm từ nguyên liệu sét tại chỗ.
- Di tích Gò Cây Tung: Số lượng đồ gốm rất nhiều, với hai loại chất liệu gốm thô và gốm mịn, tỷ lệ gốm mịn ít và chỉ có ở lớp 1 của hố II. Loại hình gốm Gò Cây Tung có mâm bồng, bát có chân đế, bình, nồi, nắp vung, vòi ấm, mảnh chai gốm… Trang trí văn thừng kết hợp miết láng, đắp nổi hoặc ấn lõm, tô màu đỏ gạch. Tại đây có một hệ thống gốm dường như chưa thấy ở một di tích nào, trong suốt thời kỳ dài gần như không có gốm mịn nhưng giai đoạn cuối của thời tiền sử gốm mịn đã xuất hiện với loại hình mảnh vòi ấm, bình, chai gốm tuy số lượng không nhiều. Trong chừng mực nhất định, gốm Gò Cây Tung có lẽ cũng phát huy ảnh hưởng đối với văn hóa Óc Eo qua kỹ thuật trang trí hoa văn đắp gờ nổi, ấn lõm, trổ lỗ kết hợp với tô màu đỏ. Gò Cây Tung được những người khai quật định niên đại khá dài, trong đó lớp văn hóa tiền Óc Eo khoảng 2500 BP đến 2000 – 1800 BP.
- Di tích Gò Cao Su: hàng vạn mảnh gốm của các loại bình, vò, nắp gốm, nồi, chậu, dọi xe chỉ, mảnh khuôn đúc, mảnh bếp gốm… Đặc biệt là một nắp gốm hình “vương miện” bằng gốm trắng mịn, trang trí nhiều kiểu hoa văn khắc vạch. Tại đây còn phát hiện loại gốm trắng mốc ở cả giai đoạn sớm và muộn, tuy chất lượng có khác nhau. Đây là loại gốm đặc trưng của văn hóa Óc Eo, như vậy loại gốm này có một quá trình hình thành và mang tính bản địa, phát triển từ trước khi văn hóa Óc Eo định hình. Niên đại C14 của Gò Cao Su là 3370 ± 80 và 2650 ± 70BP.
- Di tích Gò Ô Chùa: Chất liệu gốm Gò Ô Chùa khá mịn, tỷ lệ gốm thô do pha cát ít. Gốm thường có xương xám đen, một số ít gốm xương đen, đỏ, xương gốm trắng rất ít. Hầu hết mảnh gốm có lớp áo khá mịn, cảm giác như “có men”. Lớp áo gốm trắng ngà hoặc trắng hồng, sau đó tô màu vàng, đỏ cam hay đen láng. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật gia công đồ gốm ở đây khá cao, nhất là khâu nguyên liệu và độ nung. Hoa văn chủ yếu là văn thừng đập và văn chải, văn khắc vạch bằng que một hay nhiều răng. Đặc biệt một số mảnh gốm có dấu in khuôn bên trong. Loại hình khá tập trung gồm mâm bồng, nồi cổ thắt kiểu “giỏ cua”, bát, chậu, chum nhỏ, các loại hình… Hàng vạn mảnh gốm và hàng chục tiêu bản gốm được phục dựng đã cho thấy di tích này là khu sản xuất gốm, nhất là với sự có mặt của hàng trăm chạc gốm, (mà từ thời L. Malleret phát hiện đã gọi là vật kê lò). Niên đại C14 của Gò Ô Chùa là 1900 ± 60 năm và 2420 ± 70BP.
- Gốm Cần Giờ: Là loại gốm tìm thấy tại các di tích cư trú có và không có mộ chum ở khu vực này. Gốm Cần Giờ có một truyền thống riêng biệt cả về loại hình, hoa văn, kỹ thuật tạo dáng và trang trí hoa văn, thể hiện trong cả một số đồ gốm minh khí tùy táng. Đặc trưng: Loại hình phổ biến là gốm thân hình cầu, hình chai, đáy tròn hay đáy hình trứng, không có chân đế. Miệng khum cong là chủ đạo, có thể có vành miệng loe trang trí hoa văn in ấn hay khắc vạch. Hoa văn in đập ô vuông, xương cá thô (lá dừa nước). Văn thừng ít, chỉ phổ biến ở chum gốm mai táng, hoa văn khắc vạch trang trí ở vành miệng hoặc ngang thân. Các loại gốm tùy táng có chân đế loe cao hình trụ, trang trí văn khắc vạch, ấn lõm “móng tay” hay trổ lỗ hình học, phổ biến loại mâm bồng, bát chậu, bát chậu, bình, nồi cổ thắt hình giỏ cua, cà ràng (bếp gốm)… xương gốm khá mịn tuy pha nhiều cát, gốm chắc, độ nung khá cao và đều. Gốm thường có màu đỏ, hồng hay xám nhạt, riêng chum gốm dày hơn, áo láng và có màu xám đen. Gốm Cần Giờ nặn bằng tay là chính, kết hợp với bàn đập hòn kê, dấu vết kỹ thuật này để lại rất rõ ở phần mép trong miệng hay phần gắn chắp chân đế vào đáy gốm. Ngoài ra, có thể coi kỹ thuật tạo gốm bằng in khuôn là đặc trưng của gốm Cần Giờ, vì đây là kỹ thuật tạo dáng hai loại sản phẩm chủ yếu là chum gốm và chai gốm, ngoài ra còn dùng để làm gạch nhỏ ở giai đoạn đầu Công nguyên. Kỹ thuật bàn xoay dùng để hỗ trợ tu sửa đồ gốm. Sưu tập gốm Cần Giờ thể hiện yếu tố “tiền Oc Eo” tiêu biểu nhất là đồ tùy táng trong hai di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (2480 +/- 50BP) và Giồng Phệt (2420 +/- 480, 2100+/- 50BP).
- Gốm Giồng Nổi: Mặc dầu địa tầng di chỉ Giồng Nổi khá mỏng nhưng trong bộ sưu tập gốm ở đây dường như có hai nhóm gốm khá tách biệt nhau: một nhóm gốm tương đương với gốm tiền sử Đông Nam bộ có niên đại thuộc hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau (trên dưới 3000 năm), và một nhóm gốm khác có thể tương đương về niên đại với các di tích tiền Oc Eo vùng Nam bộ (khoảng trước – sau công nguyên). Nhóm gốm “tiền Oc Eo” ở Giồng Nổi thể hiện trên một số loại hình như chai gốm miệng dày và hơi uốn lõm, phảng phất loại miệng bình Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, lọ gốm đáy nhọn, nắp vung, đĩa gốm cùng một số loại hình khác như “nhĩ bôi”, nồi nhỏ có tay cầm, miệng khum, nồi nhỏ hình gáo dừa (dùng trong kỹ thuật luyện kim?). Hoa văn gốm giai đoạn này có những mô típ tương tự hoa văn gốm tùy táng ở Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Gò Ô Chùa như kiểu ấn chìm tạo hình hoa 4 cánh, băng chữ V liền nhau, chấm dải trang trí trên vành miệng… Chất liệu nhóm gốm này khá mịn. Niên đại Giồng Nổi: 2200 +/– 50, 2290 +/- 65, 2310+/- 70 BP.
- Gốm Giồng Lớn: Phần lớn là đồ tùy táng, chất liệu, loại hình, hoa văn khá giống gốm tùy táng ở Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ như nồi hình “giỏ cua”, bình cổ thắt miệng loe chân đế cao có hoa văn khắc vạch hồi văn, bình kiểu Giồng Phệt, nồi gãy góc gần đáy thân trang trí những băng hồi văn… Ngoài ra tại di tích này những công cụ sắt cũng rất giống công cụ sắt trong mộ chum ở Cần Giờ. Niên đại Giồng Lớn: thế kỷ 1,2 trước sau công nguyên.
3. Đồ trang sức trong các di tích “tiền Oc Eo”.
Nổi bật là loại hình trang sức tùy táng trong các di tích mộ táng chum/ nồi gốm Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Lớn (đều nằm ven Vịnh Gành Rái của sông Đồng Nai): vòng, hạt chuỗi, khuyên tai hai đầu thú bằng chất liệu đá ngọc, mã não, thủy tinh, chất liệu vàng có những mảnh vành trổ lỗ, hiện vật có hình “linga” (con rắn?), khuyên tai, hạt vàng hình đốt trúc, vàng dát mỏng bọc ngoài hạt chuỗi gốm. Đặc biệt “mặt nạ vàng” trong di tích Giồng Lớn.
Tại di tích mộ chum Giồng Cá Vồ còn tìm thấy dấu tích chế tạo tại chỗ các loại trang sức bằng đá ngọc và thủy tinh.
4. Mối quan hệ của các di tích “tiền Óc Eo” với nhau và với văn hóa Óc Eo.
Thể hiện rõ ràng nhất qua sự phổ biến của những loại hình, kiểu dáng đồ gốm và hoa văn gốm khá đặc trưng ở Nam Bộ, đồng thời qua sự bảo lưu lâu dài các phương pháp kỹ thuật đặc thù trong việc chế tác đồ gốm.
Đồ gốm ở Gò Cao Su có một số nét giống gốm Giồng Cá Vồ, Long Bửu như gốm cứng văn in ca rô và lá dừa nước, văn khắc vạch chữ S, chữ J, quay lưng vào nhau. Nhưng gốm Gò Cao Su cũng có những yếu tố gần với gốm Óc Eo hơn như gốm áo trắng mốc, áo đen miết láng, đã xuất hiện việc sử dụng sét lọc khá kỹ trong nguyên liệu làm gốm. Hiện tượng này cũng xuất hiện trong gốm giai đoạn muộn ở Giồng Nổi. Trong khi đó, Gò Ô Chùa lại có những loại miệng gốm giống tới từng chi tiết với gốm Gò Cao Su: chấm dải trên mép miệng, mép miệng khía đôi nửa dưới vạch chéo… Lớp muộn của Gò Cao Su tương đương giai đoạn sớm của Gò Ô Chùa. Như vậy, có thể coi Long Bửu (quận 9 TP.HCM) và Gò Cao Su là gạch nối giữa Gò Ô Chùa và các di tích mộ chum ở Cần Giờ, tuy niên đại sớm hơn chút ít.
Giữa Gò Ô Chùa và Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Lớn vừa có mối quan hệ giao lưu, vừa là đồng đại. Tại các di tích này, loại chân đế mâm bồng hình trụ có đường gờ nổi “kiểu ren”, mâm bồng áo màu xám đen miết láng, nồi không chân đế cổ thắt kiểu giỏ cua, nhiều kiểu hoa văn khắc vạch như hoa thị có chấm dải, chải xéo trên nền văn thừng mịn. Đặc biệt có những mảnh gốm có hoa văn là những hạt nhỏ như đậu xanh nổi ở mặt trong đồ gốm, là dấu kỹ thuật chứ không có ý nghĩa trang trí: ở Gò Ô Chùa là nồi hình cầu có miệng loe, vành miệng tạo lòng máng, bên ngoài phủ văn thừng đập chéo từ cổ tới miệng, còn ở Cần Giờ hiện diện ở chum gốm mai táng, giai đoạn muộn Giồng Phệt rất phổ biến. Đây là dấu ấn của kỹ thuật nặn gốm bằng cách đắp phôi gốm lên khuôn (khuôn trong), người thợ gốm có thể tạo hai mảng sau đó ghép lại. Những hạt tròn nổi bên trong chính là các chấm lõm trên khuôn, vì có các chấm lõm này thì mới dễ dàng dỡ khuôn khi xương gốm se mặt. Cũng có thể dùng vải bọc khuôn để nhấc hiện vật ra khỏi khuôn. Kỹ thuật làm gốm bằng khuôn là một trong những kỹ thuật tương đối phổ biến trên thế giới, nhất là vùng hải đảo và châu Đại Dương. Không chỉ nặn chum gốm bằng khuôn mà chai gốm Giồng Phệt cũng đã lưu lại kỹ thuật này ở đường “bavia” và dấu ấn vải mịn trên bề mặt ngoài chai gốm. Đến Giồng Am thuộc văn hóa Óc Eo thì kỹ thuật làm gốm bằng khuôn là kỹ thuật chủ yếu sản xuất chai gốm đáy tròn (khối rỗng), đồng thời có cả “khuôn ngoài” giống như khuôn đúc kim loại vì sản phẩm là các loại gạch hình cọc, hình nêm (khối đặc).
Như đã nói ở trên, đồ gốm Gò Cây Tung đã xuất hiện một số về chất liệu, hoa văn trang trí và loại hình của đồ gốm Óc Eo. Còn ở các di tích khác thì yếu tố Óc Eo đã khá rõ ràng, nhất là Gò Ô Chùa và hệ thống gốm Cần Giờ. Đó là kiểu bếp gốm (cà ràng) minh khí và gia dụng, chân đế trổ lỗ, các kiểu núm gốm hình tháp nhọn, hình hoa, hình sao, các trụ đế hình “con tiện” ở Cần Giờ; là bình cổ nhỏ, chạc gốm, nắp gốm có núm cầm hay vành móc, loại nồi nhỏ “nấu kim loại” hay nắp vung gốm, đèn gốm ở Giồng Nổi… Nhiều kiểu hoa văn in đập hay vạch từ que nhiều răng thành sóng nước, nửa vòng tròn.
Trong hệ thống các di tích khảo cổ học ở Cần Giờ, di tích Giồng Am và 15 di tích khác (thuộc hai xã Long Hòa và Cần Thạnh) là nhóm di tích muộn nhất, được xếp vào văn hóa Óc Eo niên đại khoảng thế kỷ IV – V sau Công nguyên, hiện vật đặc trưng là chai gốm văn in đập thô, gạch xây dựng loại hình cọc gốm hình trụ tròn, trụ vuông, gạch hình nêm, hình thang, một số hũ bình… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, không phải đến giai đoạn Giồng Am, vùng Cần Giờ mới có những dấu hiệu thể hiện mối quan hệ với văn hóa Óc Eo, mà từ sớm hơn, đồ tùy táng trong các mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt đã cho thấy phong cách của văn hóa Óc Eo, nhất là các di vật đặc trưng của nhóm mộ chum này. Về đồ gốm, điển hình là các kiểu cà ràng (minh khí và gia dụng) ở Giồng Cá Vồ, sau này phổ biến trong các di tích cư trú ở vùng đồng bằng thấp trong văn hóa Óc Eo. Các loại gốm hình con tiện, các kiểu núm gốm hoa thị, hình nấm hay hình sao cùng mang phong cách và kỹ thuật trang trí núm cầm nắp vung gốm trong văn hóa Óc Eo. Hoa văn đồ gốm gần gũi với nhau ở các kiểu khắc vạch chữ S gấp khúc (đơn hoặc kép), khuôn nhạc tạo hình sóng nước hay díc dắc ở vai đồ đựng, kiểu văn đắp nổi có ấn lõm kiểu rôđê, kiểu văn trổ lỗ tam giác hay hình tròn ở chân đế khay cà ràng. Đáng lưu ý là hoa văn in đập xương cá thô – loại hoa văn đặc trưng của gốm di chỉ Giồng Cá Vồ đã tìm thấy ở nhiều di chỉ Óc Eo, Cạnh Đền trong văn hóa Óc Eo.
Đồ trang sức, nhất là loại hình hạt chuỗi bằng thủy tinh, mã não, đá quý… có thể nói hoàn toàn giống nhau giữa những sưu tập đồ trang sức Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử Viet Nam Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bảo tàng các tỉnh Nam bộ như bảo tàng Long An, bảo tàng An Giang… với sưu tập trang sức tùy táng trong mộ chum Cần Giờ. Đó là hạt mã não hình cầu, hạt đá Crystal trong suốt, hạt đá Agate vạch đen trắng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tại Giồng Cá Vồ (và cả Giồng Am) cũng tìm thấy những dấu tích của việc chế tạo thủy tinh tại chỗ như đã tìm thấy trong văn hóa Óc Eo. Đặc biệt, sự có mặt của trang sức bằng vàng, bọc vàng tại Giồng Cá Vồ, trong đó có cả những miếng vàng dát mỏng hoa văn trổ lỗ… cũng làm chúng ta liên tưởng đến di vật vàng vô cùng phong phú và độc đáo trong văn hóa Óc Eo vài thế kỷ sau đó. Ngoài ra còn đồ trang sức ở Giồng Lớn cũng có cùng những tính chất này.
Như vậy, loại hình, hoa văn, kỹ thuật của đồ gốm và đồ trang sức trong những di tích trên có thể coi là là những yếu tố quan trọng để định hình và nhận biết một phổ hệ, một truyền thống văn hóa riêng biệt của giai đoạn “tiền Oc Eo”. Những di vật gốm trong các di tích khảo cổ học giai đoạn “tiền Óc Eo” nói trên đã cho thấy những con đường nội sinh đi tới nền văn hóa Óc Eo, qua đó cho phép chúng ta bước đầu hình dung được có ít nhất các tuyến phát triển vừa độc lập, vừa đan xen với nhau. Đó là:
- Tuyến ven biển Đông Nam Bộ: Giồng Cá Vồ - (Long Bửu) - Giồng Phệt - Giồng Cá Trăng – Giồng Lớn (và những di tích thuộc giai đoạn Giồng Am ở Cần Giờ)
- Tuyến sông Vàm Cỏ: Gò Cao Su - Gò Ô Chùa - Gò Hàng - Gò Đế…
- Tuyến sông Cửu Long: Gò Cây Tung - ? - Giồng Nổi - ?
Bên cạnh đó những yếu tố văn hóa biển trong các di tích ven biển Đông Nam Bộ rất đậm nét và từ đó đã lan tỏa vào sâu hơn trong đất liền. Giao lưu với văn hóa Ấn Độ cũng xuất hiện sớm từ đây. Di vật trang sức đồng thời cũng cho thấy yếu tố văn hóa Ấn Độ đã xuất hiện ngay từ giai đoạn trước công nguyên. Vì vậy “ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến văn hoá Óc Eo từ đầu công nguyên trở về sau chỉ là sự tăng cường các ảnh hưởng đã có từ trước đó”.
Các tuyến phát triển trên trong giai đoạn “tiền Óc Eo” đã trở thành trung tâm phát triển ở các tiểu vùng địa hình – sinh thái khác nhau của văn hóa Óc Eo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG. Trở lại vấn đề Tiền Óc Eo. NPHMVKCH, 1996, tr. 640-641.
2. LÊ XUÂN DIỆM, VÕ SĨ KHẢI, ĐÀO LINH CÔN. Văn hóa Oc Eo – những khám phá mới, NXB Khoa học xã hội, 1995.
3. NGUYỄN THỊ KIM DUNG. Di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre) trong nền cảnh khảo cổ học tiền – sơ sử vùng Nam bộ Việt Nam. Tạp chí Khảo cổ học số 2/2007, tr.86.
4. TRẦN ANH DŨNG, BÙI VĂN LIÊM, NGUYỄN ĐĂNG CƯỜNG, VƯƠNG THU HỒNG. Khai quật di chỉ Gò Cao Su (Long An). NPHMVKCH, 1995, tr. 220-222.
5. NGUYỄN THỊ HẬU. Gốm Cần Giờ. NPHMVKCH, 2000, tr. 285-287.
6. NGÔ THẾ PHONG, BÙI PHÁT DIỆM. Khai quật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An). Thông báo khoa học BTLSVN 2001, tr. 1-38.
7. ĐẶNG VĂN THẮNG VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC. Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP.HCM. NXB Trẻ, 1998.
8. TỐNG TRUNG TÍN, BÙI MINH TRÍ, NGUYỄN MINH SANG. Khai quật di tích Gò Cây Tung (An Giang) lần thứ nhất. NPHMVKCH, 1994, tr. 419-422.
9. TỐNG TRUNG TÍN, BÙI MINH TRÍ, NGUYỄN MINH SANG. Khai quật di tích Gò Cây Tung (An Giang) lần thứ hai. NPHMVKCH, 1995tr. 233-234.