Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
743
123.366.333
 
Đừng quên những bài học trong quá khứ !
Triệu Xuân

Lời Tác giả, nhân lần tái bản thứ mười

 

Hơn chục năm trời, từ 1977 đến 1989, tình hình kinh tế xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Nền kinh tế suy thoái theo đà trượt dốc thẳng đứng, đời sống vật chất của nhân dân cực kỳ thiếu thốn, khổ cực. Đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, nền tảng đạo lý rạn vỡ… Đất nước tụt hậu quá xa so với những nước láng giềng trước năm 1975 vẫn coi Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông! Nguyên nhân có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến nguyên nhân chủ quan: do ấu trĩ, nóng vội, duy ý chí khi hoạch định những chính sách kinh tế, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh… Và nguyên nhân khách quan là cuộc chiến tranh chống bành trướng ở biên giới phía Bắc, chống bọn Polpot diệt chủng, gây hấn, lấn chiếm biên giới Tây Nam. Đặc biệt là việc Hoa Kỳ cấm vận toàn diện chống Việt Nam.

 

Mười hai năm ấy, nhà máy không có nguyên, vật liệu sản xuất, xăng dầu khan hiếm, nạn ngăn sông cấm chợ dẫn đến gạo châu củi quế; trẻ em thiếu sữa, người bệnh thiếu thuốc, phần lớn cán bộ công nhân viên chức, những người gắn bó cả cuộc đời với Nhà nước, lâm cảnh túng đói triền miên. Hàng vạn người - trong đó phần lớn là những người lao động chân chính, nhưng không chịu nổi gian khổ - bỏ nước ra đi tìm chân trời mới…!

 

Thời kỳ đau buồn ấy đã qua mau rồi, từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới. Ngày nay, kể lại chuyện của mười hai năm 1977- 1989, thế hệ trẻ sinh sau năm 1980 cho là cha mẹ mình… bịa đặt ra để răn dạy con cháu! Làm gì mà khó khăn gian khổ như rứa! Không thể tin được!

 

Con cháu chúng ta không tin cũng phải!

Tôi viết tiểu thuyết Giấy trắng trong bối cảnh đó. Ban ngày tôi đi làm báo, hết giờ làm việc buổi chiều, và ngày nghỉ cuối tuần xách máy đi chụp hình dạo để kiếm tiền nuôi con. Tôi đã đạp xe lang thang hết các xã trong huyện Hóc Môn, Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh), các huyện phía bắc tỉnh Long An, sáu huyện của tỉnh Tây Ninh, về Cần Thơ, Sóc Trăng... Nghề chụp hình dạo không chỉ giúp tôi kiếm sống mà còn giúp tôi thâm nhập thực tế để có vốn sống tươi rói viết văn, viết báo. Nhưng mà sức người có hạn, người tôi lêu đêu khẳng khiu như que củi. May mà Trời thương, không ốm đau gì. Vợ tôi chụp hình trên lầu Tám, ca nhạc hàng đêm của Nhà hàng - Khách sạn Lê Lai (Nay đã đập đi để xây dựng New World Hotel). Mười giờ đêm, về tới nhà (lúc đó tôi ở 413, Lô E, cư xá Thanh Đa), tôi tráng film xong để cho vợ rửa hình, còn mình ra bàn ngồi viết phóng sự, hoặc viết tiểu thuyết. Tôi thường chỉ có thể hoàn toàn rảnh rang để tập trung sáng tác từ 12 giờ khuya cho đến sáng, khi nào mệt, gục xuống bàn thì mới chịu nghỉ. Nhà văn Nguyễn Khải có lần nói với tôi: Đêm qua mình đang có mạch văn mà mệt quá phải buông bút, giá như lúc đó có lát thịt bò với mẩu bánh mì thì sẽ viết được đến sáng cho dứt mạch cảm hứng! Tôi cũng thường xuyên như vậy! Nhờ sức trẻ trai, thức khuya vậy mà sáng hôm sau, đúng tám giờ tôi lại có mặt ở cơ quan để hành nghề nhà báo, là phóng viên chuyên viết phóng sự... Một hôm ra chợ Huỳnh Thúc Kháng - chợ Trời mua bán film, giấy, máy ảnh - để mua film, tình cờ tôi gặp một người bạn rất có tài văn chương, nhưng vì đói quá đã bỏ việc, bỏ niềm say mê sáng tác văn học, ra đứng chợ Trời. Tôi chưa kịp chào thì anh lên tiếng:

-    Ông sống thế nào? Nghe nói Những người mở đất bán chạy lắm? Nhuận bút được mấy cây?

Những người mở đất là tiểu thuyết đầu tay của tôi, viết xong năm 1979, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1983, số lượng in 10.000 bản. Sách bán chạy, nhưng nhuận bút chỉ tương đương với ba chỉ vàng lúc đó. Tôi cười, trả lời:

-    Cũng khớ!

-    Dóc! Tớ biết cậu là một nhà báo có cỡ, nhưng sống chẳng ra sống, phải đi chụp hình dạo kiếm ăn, đạp xe khắp miền quê, đít đỏ như đít khỉ! Tội quá! Thôi, theo gương tớ, bỏ phắt Nhà nước ra đứng chợ Trời ngon lành hơn! Một ngày trúng mánh, tớ thu được bằng vài chục cái nhuận bút Những người mở đất của cậu!

 

Nghe bạn nói mà tôi buồn se sắt! Anh nói đúng, nhưng tôi khác anh ở chỗ không thể kiếm tiền bằng mọi giá, không thể bỏ nghiệp văn chương! Tôi trao qua đổi lại với anh vài câu cho qua chuyện, rồi chia tay. Đi xa chừng dăm bước, tôi còn nghe anh huýt sáo bản nhạc ngoại quốc đã được chế lời Việt: Nếu một ngày trúng mánh ngày đó huy hoàng…

 

Tôi là con một nên đến lượt mình, tôi nhiều con. Nuôi được các con ăn học nên người là quyết tâm của tôi. Cháu trai sinh năm 1980, gầy nhẳng vì thiếu dinh dưỡng. Tôi không thể kiếm đủ tiền mua thịt, sữa, trái cây nuôi con. Một lần, cháu bị sốt xuất huyết, suýt chết. Ngày ấy, tôi đi giảng dạy cho lớp phóng viên trẻ ở tỉnh Cửu Long. Sau khóa học, Tỉnh mời tôi đi thực tế ở huyện Duyên Hải vài ngày. Đêm trước ngày đi Duyên Hải, tiệc chia tay có uống vài ly rượu, lẽ ra phải ngủ ngon, vậy mà tôi không sao ngủ được, thao thức suốt đêm. Linh tính báo cho tôi biết có chuyện chẳng lành ở nhà… Thuở ấy chưa có điện thoại, lòng dạ không yên, tôi quyết định hoãn chuyến đi Duyên Hải, lên xe trực chỉ Sài Gòn. Về tới nhà, con trai sốt li bì, tôi đưa con đi cấp cứu. Huyết áp tụt xuống mức thấp nhất: 7/5. Bác sĩ Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng mắng: “Sao anh chị liều thế, tính để thằng bé chết hay sao mà giờ này mới đưa đến bệnh viện?”. Dịch sốt xuất huyết tràn lan, mỗi giường bệnh có bốn cháu nằm, có giường năm cháu. Người lớn chen nhau đứng chăm con! Ngày, vợ canh chừng con. Đêm, tôi đến trực, vừa canh con vừa canh chừng chuột cống. Chuột cống to bằng cẳng tay cẳng chân chạy nhảy tung tăng, kiếm ăn suốt đêm, như giữa chốn không người! Đêm nào tôi cũng chứng kiến vài cháu tắt thở. Người y tá rút chai nước và bịch máu truyền ra khỏi mạch máu ở cánh tay để đưa đứa bé vắn số xuống nhà xác, trong tiếng khóc than tuyệt vọng của cha, mẹ! Đêm nào tôi cũng không cầm được nước mắt khi giúp y tá chuyển các cháu đã lìa cõi trần xuống nhà xác! Con trai tôi nằm đúng một tuần, truyền hết mười tám chai nước, đến ngày thứ sáu thì… đái được! Nước tiểu nóng hổi như nước sáu bảy chục độ. Cháu được cứu sống! Đến lúc đó, tôi không còn tiền mua dù chỉ một hộp sữa cho con!

 

Nhớ lần về công tác ở tỉnh Minh Hải. Tỉnh tặng Nhà báo hai ký lô tôm khô và một bao chỉ xanh gạo (loại bao tải dệt bằng sợi đay, viền sợi đay màu xanh, có trọng lượng 100 kg). Tôi có lấy giấy tờ hẳn hoi. Tôi bảo người lái xe: “Anh với em chai hia (chia hai) nhé, có chút gạo và tôm về cho vợ nuôi con!”. Người lái xe vui lắm, nhưng niềm vui không trọn! Đến Trạm kiểm soát Tân Hương, bao gạo và hai ký lô tôm khô bị tịch thu! Tôi không buồn chút nào, vì chuyện này tôi thấy quá nhiều rồi. Về cơ quan, tôi điện thoại cho ông Bí thư đã tặng gạo cho nhà báo, kể rõ sự tình. Ổng nói: “Phép nước vậy mà! Biết làm sao bây giờ! Để tuần tới tôi đi họp, tôi sẽ trực tiếp mang gạo và tôm khô tặng bạn cho chắc ăn nghe!”. Cuối năm ấy, tôi nhận được Giấy mời dự Lễ đón nhận Huân chương của trạm Tân Hương, tôi nhận ra cái người tịch thu bao gạo và hai kí lô tôm khô. Anh ta tránh mặt tôi! Tội nghiệp! Nhiệm vụ của ảnh mà, tôi đâu có giận gì anh cơ chứ!

 

Tiểu thuyết Giấy trắng được viết trong vòng một năm trời, nhưng tôi làm tư liệu và ngẫm nghĩ về nó thì từ đầu năm 1980, khi tôi viết loạt bài phóng sự điều tra về tình hình đời sống đô thị và sản xuất công nghiệp đang sa sút thảm hại. Tôi có quá ít thời gian dành hẳn cho sáng tác văn học nên sau gần mười ba tháng mới viết xong. Vả lại, tôi hơi kỹ tính khi viết. Chỉ khi nào tôi có sẵn một chương tiểu thuyết trong đầu rồi mới ngồi vô bàn, chỉ việc tuôn ra. Thời đó, tôi chỉ có máy đánh chữ ở cơ quan, về nhà không có máy, đêm khuya tôi đành phải viết bằng tay, mà viết tay thì không kịp so với cảm hứng từ trong đầu. Bản in với bản thảo gần như hoàn toàn giống nhau! Giấy trắng được ấn hành năm 1985 bởi Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó do ông Hà Mậu Nhai làm Giám đốc, nhà văn Thái Thành Đức Phổ biên tập. Ngay sau khi sách phát hành, dư luận văn học và xã hội nhiệt liệt hoan nghênh. Có hàng chục bài phê bình trên các báo trung ương và địa phương viết về tác phẩm này. Từ năm 1985 đến nay, các NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn lần lượt tái bản Giấy trắng. Đây là lần tái bản thứ mười.

 

Giấy trắng tái hiện một thời kỳ đầy gian khổ của thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất nước. Đây là thành phố mà tôi coi như quê hương thứ hai của mình. Từ trong gian khổ, cơ hàn lúc đó, đã chói ngời hình tượng những con người mang tư tưởng đổi mới, tiến công vào sự nghèo nàn lạc hậu trong tư duy, tiến công vào những cơ chế, chính sách lỗi thời cản bước đi của đất nước, dù có phải tù tội, hy sinh. Đây thực sự là một cuộc chiến đấu mới, đầy gian nan, thử thách, hy sinh, không kém gì trong chiến tranh chống ngoại xâm. Tư tưởng trung tâm của Giấy trắng là ở đó! Những ai nếu thật lòng yêu nước thương dân thì không thể bó tay trước hoàn cảnh, không thể ươn hèn ngồi chung chiếu với bọn cơ hội, sâu dân mọt nước; phải dám nghĩ dám làm, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn! Thế hệ trẻ hôm nay đọc Giấy trắng, như là xem một bức tranh toàn cảnh, hiện thực, về con người và xã hội của mấy chục năm về trước. Trong Giấy trắng, lấp lánh hình ảnh những con người tài đức, giàu tình yêu thương, nhân ái, thực sự vì Dân, vì Nước, kiên quyết chống lại cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, chống lại sự giả dối, thoái hóa, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu dân giàu nước mạnh. Những con người như thế đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên Đổi mới!

 

Hy vọng rằng, những bài học đau xót trong quá khứ sẽ không bị lãng quên. Hy vọng rằng bạn đọc, nhất là giới trẻ, hiểu thấu quá khứ để càng tự hào về lớp người đi trước: anh dũng trong kháng chiến, tiếp tục dũng cảm trong sự nghiệp Đổi mới, vì hạnh phúc của nhân dân, đất nước mình!

 

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Tháng Tám 2007

Triệu Xuân
Số lần đọc: 4038
Ngày đăng: 27.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Bình Ngô đại cáo - Đặng Thân
Tập bút ký của một nhà khoa học nữ - Huỳnh Như Phương
Tiểu thuyết&tiểu thuyết đầu tay (1) - Lê Anh Thu
Ngày xuân nói chuyện văn hóa ẩm thực :Của mắm và..đời - Triệu Xuân
VĂN HỌC VIỆT NAM 2007: Nhộn nhịp,sôi động và sẵn sàng cho cuộc khai phóng - Inrasara
Truy tìm gốc tích cây Kê - Hà văn Thùy
TẢN ĐÀ: Ôi Thôi... Bức Dư Đồ Rách Ai Bồi ? - Lê Xuân Quang
Ấn tượng và cảm nhận truyện ngắn của Phùng Phương Quý - Trần Thiện Khanh
Inrasara, chàng Kazik của Mỹ Sơn văn học. - Trần Can
Ariya Ppo Parơng - Trần Can
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)