Mornington
ban mai chạy tới chân mây rắc bạc
gặm bình minh nở gặm cỏ non tơ
lốm đốm trắng những chú bò đực kiêu hãnh
cuống họng hoài thai dăm ý tưởng tồn sinh
giai âm đỏ hỏn bản năng nguyên thủy
Lưỡi quẹt thèm khát
huơng tràn lên vũ điệu phồn thực
Mornington
ban mai xanh cháy lên nguồn cơn khát dục
tình yêu vẽ lên thân bò cái vàng rực
nước chấm tình đẫm bộ lông sậm óng
căng cứng không gian chiếc bụng tròn phỡn
búp son bầu dục hé
mặt trời há mồm cười mặt trời hú
ò ò ò
Chạy vòng quanh bò đực chạy vòng quanh
hào hển móng bấm vào mùa dâu chín
tiết tấu man rợ và âm thanh liếm láp
không cần ngọng nghịu giả vờ yêu em và
khốn khổ mơ màng nhìn ngắm đầy hâm mộ
vòng ức vòng ngực vòng mông no đủ
Chạy vòng vòng thiếu nữ bò cái chạy vòng vòng
quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói
bên đường
không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và
làm tình
khi âm dương khuấy chung trong cùng một cơn khát
tứ tuợng biến mất mọc thành hai chân hiện sinh
nhị nguyên viên thành nhất nguyên khi đàn bò yêu nhau
trên căn bản của hai chân sau
đủ sinh thành
bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân…
Lời bình của Inrasara:
Trong bài: “Viết ngắn16, Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình” (inrasara.com, 08.01.2008), tôi nhận ra “ngựa” như là sự vay mượn quá đà của các bạn thơ nữ trẻ về một hình tượng thơ, để nói lên sự phóng túng, cởi trói trong thể hiện tình yêu, tình dục lẫn trong sáng tác văn chương. Chuyện xảy ra từ khá lâu, và có xu hướng đậm đặc không biết bao giờ dứt.
Hôm nay bất ngờ, người đọc được biết tới hình tượng mới, không phải là không mới lạ, không bạo liệt: con bò của Lam Hạnh! “Vàng rực”, “sậm óng”, đầy “hiện sinh” “dậm dật”, “trên căn bản của hai chân sau”. Vậy thôi, cũng đã nói lên nhiều điều.