Có những bài thơ được đọc lên ở quảng trường, đọc ở chiến trường, có những bài thơ đọc cho cuộc khóc tang bi thiết, có bài thơ đọc trong những cuộc tiệc vui, có bài thơ chỉ đọc cho người một người nghe,…Thơ Triệu Nguyên Phong đọc trong cuộc chia tay với hiện tại, để trở về với khung trời ký ức xa xăm. Đọc tập thơ Nắng và Mưa trong những ngày mưa lạnh cuối mùa, tôi liên tưởng đến gương mặt của gã lãng du miền thôn dã, phải chăng “Nắng và mưa” của Triệu Nguyên Phong là nắng mưa của một thời trẻ dại? Chúng ta hãy cùng tác giả trở về phương trời ký ức khi “Bóng chiều” đổ xuống:
Chim ơi!
đừng hót nữa
trời đã chuyển mùa rồi
kỷ niệm buồn như thể
giọt cà phê đang rơi
Những giọt kỷ niệm đã rơi vào tâm cảm của tác giả, gợi lên hình ảnh những bóng đời trong hẻm nhỏ đìu hiu:
Ừ thôi
không nhớ nữa
con hẻm nhỏ đìu hiu
đi qua nhiều mưa nắng
những bóng người liêu xiêu
Và trong những chiếc bóng liêu xiêu đó, bóng mẹ già đã rưng rưng trên ánh mắt tê tái:
Mẹ về
bóng ngả
mây trôi
Mang theo giọt nước
thầm rơi mắt người
Giọt nầy…
mẹ thả vành nôi
Giọt này đọng lại
bên trời dáng con…
(Mẹ…)
Trong “Hoa đồng tiền”, mùi hương của ký ức đã gieo nên vần thơ:
vần thơ
nhớ mùi hương
hoa Đồng Tiền cài tóc
vương nắng chiều.
Từ cái buổi vương nắng chiều, nhớ mùi hương chàng thi sĩ đã biết đợi chờ:
Đáng yêu
là phút đợi chờ
Đáng kiêu
là chút ơ hờ dỗi duyên
Đang thương
nụ hôn bắt đền
Bắt anh
gối chiếc chăn mềm
sương sa.
(Đáng yêu)
Hình ảnh người con gái của một thời xa xưa ở Cố đô Huế, đã được nhắc đến trong “Huế xưa”:
Trường Tiền
một thuở em sang
Tiếng guốc gõ
gió mơn man lối về
Chiều quen
Tím một câu thề
Lòng ta thành cổ
bộn bề nhớ thương.
Không chỉ có nắng mưa, thơ của Triệu Nguyên Phong còn có cả gió, những cơn gió lang thang vô định, những cơn gió thời gian xoá nhoà cuộc người, như tâm sự của tác giả trong “Cơn giông chiều”:
Bỗng chiều
đọng giọt mưa giông
Khảm lên nỗi nhớ
Cho bồng bềnh sương
Mắt cay xót bụi con đường
Gió phai màu tóc vô thường
… người đi
Và trong “Lời gió ru” hay lời con ve gọi mùa hè:
Phượng chờ
đỏ cả lối về
Con ve nhớ nắng
gọi hè miên man
Bóng mây theo gió lang thang
Ta giang tay đón…
lá vàng
chiều rơi
ảnh cánh hoa phượng đỏ chính là chất xúc tác để tác giả liên tưởng đến vành môi của người tình xưa, sự liên tưởng đó đã được biểu hiện trong “Giao mùa”:
Bâng khuâng
gói chút tình trao
Nửa xuân còn lại
chạm vào mắt xanh
Tình nghe hót tiếng
vàng anh
Giao mùa
phượng đỏ
thắm vành môi xưa
Trong những vui buồn với cuộc đời, tác giả đã rút ra những cảm nghiệm trong “Nỗi buồn trắng”:
Thật - hư - lẫn - lộn
Phai - tàn - đắng - cay
Và những chân giá tri cuộc sống đã bị người đời xoá nhoà ranh giới, sự nhập nhằng đó càng bùng phát mạnh trong thời hiện đại và ám ảnh tác giả:
Chút vàng thau lẫn một màu
Đãi cho hết những xưa sau tuổi đời
(Đãi vàng)
Đọc hết tập thơ, sau những tình cảm riêng, những tâm sự bộc bạch mà rất chân thật, bất chợt tôi phát hiện hình ảnh khí phách của gương mặt chân chất được dấu kín đằng sau rượu và thơ, cùng một vạch ngang trong đêm tàn cô độc:
Rượu và thơ
ướp mặt ta
Vạch ngang đêm
mảnh trăng già hư hao
Tiếng con mối gặm rì rào
Quên
rồi ngủ thiếp
rơi vào cõi không.
(Không)
Nắng và mưa là những nỗi niềm trăn trở của tác giả về một kiếp người, mà trong nỗi đau thắm đượm những tình cảm rất bình thường:
Nắng rơi qua mắt ngọc
Rồi thấm vào hồn nhau
Tình như mê như tỉnh
Ngày không muốn qua mau
Nhưng thời gian không đợi
Quên tóc bạc bao mùa
Em qua sông thuở nọ
Tình bỗng trổ cơn mưa
(Nắng và mưa)
Triệu Nguyên Phong hiện là thành viên của câu lạc bộ thơ Sông Bồ, tên thật của tác giả là Trương Nhã. Trước tập thơ “Nắng và mưa” của Nhà xuất bản Thuận Hoá, tác giả đã ra mắt bạn đọc tập “Say Đắng” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Thơ Triệu Nguyên Phong cũng như lời thổ lộ của tác giả trong bài “Thơ tôi”:
Thanh âm xưa
đừng gọi tôi
Trái tim chừ đã
nửa vời sắc hương
Tình rơi rụng
giữa lưng chừng
Câu thơ cũng lạc
cuối đường mây bay
Ôm người
không kín vòng tay
Làm sao đi hết
tháng ngày đục trong
Mắt tình chao
con nước ròng
Ngậm buồn sợi tóc
long đong mấy mùa
Thơ tôi
gieo ngọn gió lùa
Men tình ủ mấy
cho vừa cơn giông
Thơ tôi
mang kiếp bụi trần
Người trăm năm
vẫn trắng ngần
trong tranh.
Huế, 01/2008