Đồng hóa lối phát biểu ngổ ngáo, gân guốc,… với cách tân thơ, từ đó nẩy ra bao nhiêu lời ca ngợi, là sự nhầm lẫn của không ít nhà phê bình xu hướng cấp tiến. Ở chiều ngược lại, phần đông nhà phê bình thủ cựu khi chê thơ trẻ, hay nhấn vào ngôn từ thô tục, thi ảnh dâm ô,… của nó. Chỉ thế thôi, chúng ta cũng đủ đóng dấu chết/sống cho thơ! Thiển ý, sự việc sẽ ích hơn nhiều, nếu nhà phê bình chịu khó truy tìm hành trình sáng tạo của họ, với bao cái hay, điều bất cập của chính tác phẩm đó, cụ thể.
Mấy năm qua, tôi ít nhiều được/bị mang tiếng là kẻ cổ vũ cho cái mới (xấu hay tốt tùy góc nhìn). Hôm nay, tôi thử mạo muội khai vỡ mảnh đất còn hoang hóa này.
Inrasara.
…
Không phải cái mới hôm nay không dẫm đạp lên nhau, nhiều nữa là khác! Do lười lao động nghệ thuật, cái mới rất dễ “lừa mị” người đọc rằng nó độc đáo, khi nó chỉ lo “khác cái cũ” thôi mà bỏ qua không tính tới công đoạn “khác chính nó”. Đó là sự hời hợt và đồng bộ trong cái mới [hay cái ra vẻ mới] hôm nay. Các tác giả trang bị thứ tâm lí rất kì lạ: vừa khao khát đồng lúc vừa sợ khác các bạn đồng hành. Thế là lặp lại nhau, vô thức hay hữu thức. Rõ hơn cả, không chỉ ở ngôn ngữ thơ mà, ở chính hình ảnh và tứ thơ. Hình ảnh “ngựa” hay cái nỗi “tìm mình” chẳng hạn. Ngựa từ Xuân Diệu sang Hoàng Hưng đến Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Trần Lê Sơn Ý,… cứ thế mà vô tư ngựa!
Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ
Thức dậy và tung bờm cất vó
Phóng như điên…
Thức dậy đi ơi chú ngựa
đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng.
(“Bài ca ngựa non”, Thơ hôm nay, NXB Đồng Nai, 2003, tr.213)
Rồi mãi tận Đinh Thị Như Thúy nữa, ngựa chưa bao giờ làm vắng mặt :
Trái tim tôi là con ngựa bất kham
Sải vó dài trên đồng cỏ.
Gió ngùn ngụt gió.
(Đinh Thị Như Thúy, “Một ngày tháng sáu”, vannghesongcuulong.com)
Rồi khi nhóm Ngựa Trời xuất hiện, ngựa đã thành một cuộc [mốt] chơi không biết đâu là cùng tận:
Em là con ngựa bất kham vừa chạy trốn vừa chạy theo những ám ảnh.…
(Khương Hà, “Bên trái là đêm”, Dự báo phi thời tiết, NXB Hội Nhà văn, 2006, tr.32)
Nếu ngựa Xuân Diệu (Và hồn tôi như ngựa trẻ không cương / Con ngựa chiến ngất ngây đường viêu viễn) biểu hiện nỗi ngây thơ, mơ mộng đẫm chất lãng mạn; hoặc ngựa của Hoàng Hưng là ngựa cô độc đầy kiêu hãnh lạc giữa tập thể bầy (Em là con ngựa non thon vó / Lạc giữa rừng người hoang vu) thì ngựa của các bạn thơ nữ trẻ hôm nay nhất tề hô khẩu hiệu đòi tháo cũi sổ lồng, giải phóng mình khỏi buộc ràng phép nhà xã hội. Tất cả – một giuộc!
Ừ, thì vậy. Đó là tâm thế chung của phụ nữ thời đại. Nó đã vậy và phải vậy. Cả chuyện “đi tìm mình”, “dám là mình”, “là chính mình”,… cũng không khác nhau phân tấc.
lọt qua kẽ tay
tôi muốn nhoài người ra biển lớn
tìm mình.
(Trương Gia Hòa, Sóng sánh mẹ và anh, NXB Văn nghệ, 2005, tr.88)
Tôi tìm lại mình trong những giấc mơ cong queo hình vỏ quế
(Khương Hà, “Lẩn thẩn”, Sđd, tr.42)
Em là ai mà chưa chính mình?
(Nguyệt Phạm, “Chữ gọi mùa đam mê”, Sđd, tr.87)
Thời đại hôm nay không chấp nhận sự đồng bộ trong lối nghĩ/lối sống, không chịu vong thân giữa cộng đồng bầy đàn như đã. Là ý hướng tốt, đáng xoa đầu khen ngợi lăm lắm. Nhưng đó là nói chuyện đời; còn trong thơ thì khác. Tuyệt đối - khác hay là chết! Anh/chị phải nỗ lực khai phá tìm tòi thi ảnh lạ, tứ thơ mới. Hoặc, ví có xài hàng cũ, thì thái độ ứng xử với chúng phải khác, trên tinh thần khác: đùa xíu chẳng hạn. Chứ tôi thấy các bạn vẫn còn nghiêm nghị căng thẳng bật máu quá xá! Nếu không, vô hình trung các bạn rập khuôn người đi trước và, rập khuôn bạn thơ ở ngay thế hệ mình!