Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.269
123.156.228
 
Câu đối Và trào phúng bằng nghệ thuật câu đối!
Trần Huy Thuận

Trong ngày Tết cổ truyền của Dân tộc, bên cạnh những món ăn truyền thống “thịt mỡ, dưa hành, ...”, người Việt Nam ta thường không thể quên được món ăn tinh thần mang đậm bản sắc phương Đông, đó là thú chơi Câu Đối.      

Câu đối là sản phẩm văn hóa vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính trí tuệ; là sản phẩm riêng có của một số nước Châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Câu đối cổ nhất đến nay phát hiện được là của Hậu Thục chúa Mạnh Sưởng. Nội dung câu đối là đón Tết, mừng Xuân:

“Tân niên nạp dư khánh – Năm mới thu phúc lớn

Giai tiết hiệu trường Xuân – Tiết đẹp báo Xuân dài”           

Câu đối là một thể văn cổ gồm hai câu, một câu được gọi là “vế ra”, một câu được gọi là “vế đối”. Mỗi câu (vế) có thể dài, ngắn khác nhau, nhưng nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc sau: Thứ nhất, số từ của hai vế phải bằng nhau. Thứ hai, mỗi từ (hoặc cụm từ) của vế đối phải đối ý, đối lời, đối thanh,... với vế ra. Ví dụ:

“Ái quốc mạc vong tổ – Yêu nước chớ quên tổ tiên.

“Nhân dân tiên mục thân – Thương dân trước phải  hòa thân thích”

Hoặc:

“Phú quý đô thành khách – giầu sang là khách thị thành.

“Thánh nhân địa giới tiên – Thánh nhân là tiên trần giới”. 

Và:

 “Trung hiếu trì gia viễn – Lấy trung hiếu giữ nhà bền vững.

Đức nhân xử thế trường – Dùng đức nhân xử thế lâu dài”.

Thường người xưa làm câu đối để nói lên một ý trí, một tâm sự, một đạo lý. Có thể kể ra đây rất nhiều câu như thế: “ Bách kế bất như nhân đức thiện – Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền” (Trăm chước chẳng bằng nhân đức tốt – Nghìn vàng khó sánh cháu con hiền). “Nhân lão tâm vi lão – Gia cùng chí mạc cùng” (Người già tâm chẳng già – nhà quẫn chí không quẫn). “Bút thụ hữu hoa huynh đệ lạc – Thư điền vô thuế tử tôn canh” (Bút là cây trổ hoa anh em cùng hưởng – Sách là ruộng không phải nạp thuế, con cháu cấy cầy). Tam nguyên Trần Bích San cũng để lại đôi câu đối mang tính triết lý sâu sắc: “Văn vô sơn thủy phí kì khí – Nhân bất phong sương vị lão tài” (Vũ Hoàng Chương dịch: Văn hay bởi khí hùng non nước – Người gió sương thao lược mới già)...      

Nhiều người trong chúng ta đều biết đến giai thoại đối đáp giữa hai người (vốn là bạn đồng môn, nhưng không cùng chí hướng): Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm:

Đặng Trần Thường: “Ai công hầu, ai khanh tướng; trong trần ai, ai dễ biết ai?”. Vế ra thật ngạo mạn và hãnh tiến. Ngược lại, vế đối của người thất thế, bị bắt – Ngô  

Thời Nhậm, vẫn đầy khí phách: “Thế xuân thu, thế chiến quốc; gặp thời thế, thế thời phải thế!”. Kết cục, Ngô Thời Nhậm đã bị đánh đến chết ngay tại Văn Miếu! (Sau này, có nhà thơ đã viết lại vế đối trên thành: “Thế phải quỳ, thế phải đội; Gặp thời thế, thế mà chẳng thế!”.           

Trong lịch sử bang giao của Nhà Nước ta, có những câu đối đã thấm đẫm cả máu nữa. Đó là trường hợp Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ sang Tầu, vua nhà Minh đưa ra vế đối:

“Đồng trụ chi kim đài dĩ lục” – Trụ đồng đến nay rêu đã phủ xanh (có ý gợi lại chuyện cũ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt). Giang Văn Minh đã lập tức trả đũa bằng vế đối lấy tứ từ chiến thắng của quân dân ta trên sông Bạch Đằng: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” – Sông Bach Đằng tự  xưa, máu vẫn còn đỏ!).           

Nghe xong, vua Minh uất lắm, bèn sai giết Sứ nước ta. Nhưng cảm phục khí phách của Giang Văn Minh, ra lệnh cho ngậm sâm rồi đưa quan tài ông về nước. Vua Lê Thánh Tông thân ra đón và nói với quần thần: “Đi sứ mà không làm nhục mình, nhục nước; thật anh hùng muôn thưở!”.        

Dùng câu chữ để sáng tác câu đối là chuyện thường tình. Câu đối dưới đây lại không hề dùng bất cứ một con chữ nào mà vẫn làm thành một đôi câu đối hoàn chỉnh:

Đây chính là bốn “Quẻ” Kinh Dịch (tác phẩm triết học cổ phương Đông): 

PHỤC                                              CẤU

BÁT THUẦN KIỀN                     BÁT THUẦN KHÔN 

Cái “lạ” của đôi câu đối này ở chỗ: không đối chữ mà đối “Quẻ”, đối “hào”, đối Ý:

a/ Vế ra gồm quẻ “Phục” – năm vạch đứt + một vạch liền tức 5 Hào âm + 1 hào dương (có nghĩa là “trở lại”, mang Hành “Thổ”) đứng vị trí quẻ thượng. Dưới quẻ Phục là quẻ “Bát thuần Kiền” – toàn vạch liền tức Hào dương (quẻ hạ, có nghĩa là Trời, mang Hành Kim).

b/ Vế đối gồm quẻ “Cấu” – năm vạch liền + một vạch đứt tức 5 Hào dương + 1 hào âm (có nghĩa là “gặp gỡ”, mang Hành “Kim”) đứng vị trí quẻ thượng. Dưới quẻ Cấu là quẻ “Bát thuần Khôn” – toàn vạch đứt tức Hào âm

(quẻ hạ, có nghĩa là Đất, mang Hành Thổ).   

Độc đáo nhất có lẽ là câu đối sau: Cũng hoàn toàn không dùng một chữ nào mà vẫn ... rất đối:

Vế ra:        “?”

Vế đối:       “!”           

Đó là một giai thoại về bức thư của nhà văn nổi tiếng thế giới, nhắc nhà xuất bản sao mãi chưa trả tiền nhuận bút (?); giám đốc nhà xuất bản đã chơi chữ lại bằng một dấu chấm than (!), có ý cười trừ! Vâng, đôi câu đối chỉ có một dấu ? và một dấu !, nhưng nội dung ẩn dụ trong đó, thì cả người nhận và người gửi, đều hiểu! 

Câu đối có ở nhiều nước, nhưng dùng nghệ thuật câu đối để trào phúng, thậm chí để đả kích, thì có lẽ là nét đặc sắc riêng của nước Việt Nam ta! Giai thoại bà Đoàn Thị Điểm đối đáp sứ Tầu là một ví dụ điển hình: Lần ấy, bà Điểm đóng giả cô lái đò ngang.  Sông rộng, gió to, “cô lái đò” mặc “nấm” (váy cổ của phụ nữ Việt), dạng chân chèo đưa sứ sang sông! Ngồi ở mũi đò, quan sát dáng khoan thai chèo đò của người con gái Việt, chợt một cơn gió nhẹ thổi tới, sứ Tầu bất ngờ liếc mắt nhìn thấy sự ... hớ hênh của cô lái trẻ, bèn buông một câu:

“An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỉ nhân canh?” (nước nam có một tấc đất, không biết có bao nhiêu người cầy?).           

Không chút nao núng, Đoàn Thị Điểm gác chèo, đối ngay:

“Bắc Triều chư đại phu, giai do thử đồ xuất! (tất cả các đại nhân nước Tầu đều từ đó mà ra!).           

Một giai thoại khác kể rằng, thời thuộc Pháp, có viên cố đạo đến yết kiến vua Duy Tân. Viên cố đạo này là người thông thạo Hán Nôm, đã sấc xược trình lên vua ta một tờ giấy ghi hai chữ: “Vương “ và “tam “. Liếc nhin qua, vua Duy Tân đã hiểu thâm ý của tên thực dân này, bèn lấy bút lông phê ngay bên cạnh hai chữ: “Tây “ và “tứ”, rồi thẳng tay trao cho viên cố đạo ngạo mạn nọ. Viên cố đạo  tím mặt. Nhưng còn biết nói gì? Đành gượng cười đưa cả hai tay ra đỡ lấy tờ giấy vua ta ban.

Chữ “Vương” là Vua, gồm ba nét ngang và một nét sổ; chữ “tam” chỉ có ba nét ngang. Vậy rút bỏ nét dọc của chữ Vương (ý : rút ruột Vua) thì thành chữ tam (ý: tam phân thiên hạ, chia nước ta thành ba khu vực Bắc, Trung, Nam  để dễ bề cai trị). Chữ “Tây” gồm chữ “tứ” và phần đầu có một nét ngang và hai nét dọc. Nếu cắt bỏ phần đầu đó đi (ý: chặt đầu thằng Tây!) thì thành chữ tứ (ý: tứ hải giai huynh, bốn bể đều là anh em, nước Nam quyết không cho kẻ thù chia cắt!).           

Trên là mấy giai thoại về “đối ngoại”, còn những câu chuyện sau, lại mang ý nghĩa “đối nội”: Nhà Sư nọ vốn là người thông thạo kinh sử, lại rất tự đắc về kho tàng trí thức cũng như sự trong sạch không hề vương “bụi trần” của mình. Gặp danh nho Nguyễn Công Trứ, một con người có lối sống phóng khoáng, vị cao tăng nọ bèn ra vế đối có ý chê bai:

“Thuộc ba mươi sáu đường Kinh; không Thần, Thánh, Phật, Tiên – nhưng ... thoát tục!”          

Nguyễn Công Trứ đáp:

“Hay tám vạn tư mặc kệ; chẳng phong, hoa, tuyết, nguyệt – đếch ...  ra người”.           

Một nhà sư khác, tiếng là đi tu nhưng chưa “thoát tục”, còn vướng nhiều “bụ trần”, và cũng có tính ... hợm chữ. Nhân lần ấy có đám học trò đến vãn cảnh chùa, bèn đưa ra câu thách đối sau:

“Nhất sỹ nhì nông; hết gạo chậy rông, nhất nông nhì sỹ!”.

Đám học trò chạm nọc, tức lắm, nhân dịp này quyết cho tên “sư hổ mang” này một bài học, bèn đối:

“Trên sư dưới vãi; ngoảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư!”.             

Một giai thoại về Trạng Quỳnh kể: có vị quan kia muốn tỏ oai quyền của mình, đã ra cho Quỳnh vế đối:

“Miệng nhà quan có gang có thép!”           

Quỳnh đã đối lại:

“Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm!”

Tam nguyên Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) cũng đã từng làm nhiều câu đối trào phúng, trong đó có chuyện kể rằng: năm ấy ở làng Cổ Ngựa, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, tỉnh Nam Định chuẩn bị khánh thành đề thờ Thánh Mẫu, có cử người đến “xin chữ” cụ Nguyễn Khuyến. Vốn ghét bọn quan lại làng này về tội nhũng nhiễu dân, cụ viết:

“Mỹ nhân như ngọc hành vũ hành phong anh linh mạc trắc”

Tế thế kì âm hộ dân hộ quốc thương lại vô cung”

(Người đẹp như ngọc làm gió làm mưa thiêng không lường hết

Âm đức cứu đời giúp dân giúp nước ơn lớn vô cùng”.           

Lời văn của đôi câu đối Hán Nôm nghe qua tưởng như rất nghiêm chỉnh, nếu như ta đọc theo lối ngắt câu ở từng bốn chữ một: “Mỹ nhân như ngọc/ hành vũ hành phong/...  Nhưng chỉ cần chuyển cách ngắt câu về sau chữ thứ năm của đầu mỗi vế đối, thì câu đối đó trở thành một câu đùa rất ác và rất ... tục!           

Về sự đa nghĩa của chữ Hán thì đến như Trương Vĩnh Ký, một học giả có tiếng trong giới ngôn ngữ học, cũng từng bị một nhà Nho chơi khăm. Chuyện là như thế này: Năm 1876, trong một lần ra Hà Nội, Trương được một nhà Nho tặng câu đối sau:

“Bắc du phong độ nhan như ngọc.

Tây vọng dung quang khí tự hồng”

Và được giảng rằng:

“Cuộc đi chơi đất Bắc, dáng bộ ung dung, mặt đẹp như ngọc.

trông về hướng tây, dung mạo sáng sủa, sắc khí tựa cầu vồng”.          

Nhưng sau đó, có người lại giảng khác hẳn:

“Chơi đât Bắc, phong độ nhẵn nhụi như đầu ngọc... hành.

Hướng theo Tây, mặt mũi ngây ngô như tĩn con... lợn”.          

Tú Cát và Trạng Quỳnh tương truyền cũng hay “chọc ... quê” nhau bằng những câu đối như: “Đất nứt con bọ hung – Trời sinh ông Tú Cát”, hoặc câu: “Lợn cấn ăn cám tốn – Chó khôn chớ cắn càn” (Cấn, tốn, khôn, càn: bốn “Quẻ” trong “Bát Quái” của Kinh Dịch.

Không chỉ các nhà Nho học mới chơi câu đối, mà trong dân gian cũng lưu truyền nhiều câu đối rất tài tình, như chuyện về một cô chủ hàng cơm góa chồng, nhưng còn trẻ, đẹp; nên thường bị đám khách ăn đàn ông bờm sơm. Để từ chối khéo, cô chủ đã viết mấy chữ treo lên vách cửa hàng mình:

“Nạc mỡ nữa làm chi, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em câu tái giá!”          

Cái tài tình của câu trên là đã dùng rất nhiều từ trong cái nghề hàng ăn mà vẫn nói đúng được ý nguyện của cô chủ. Nhưng khách ăn cũng có những tay không vừa. Một anh thợ cắt tóc, đối:

“Tóc tơ đâu phải rỡn, tớ liều kéo lại, đừng nên chốn tớ chuyện dao đầu!”

Còn anh làm nghề chọc tiết lợn thì viết:

“Hành tỏi vừa thôi chứ, khách hăng tiết đấy, hãy thêm cho khách đủ răm mùi!”           

Đến lượt thầy lang, cũng không thể không góp thêm một tiếng nói:

“Thuốc thang chưa đỡ hử, thầy còn bốc nữa, không nghe thầy còn phải bóp xoa!”          

Vậy là người nào cũng bắt chước cô chủ quán, đều đối lại bằng những câu dùng toàn từ nghề nghiệp của mình.           

Lối chơi chữ đa nghĩa thường được cổ nhân sử dụng nhiều. Xin dẫn ra đây một số vế đối nổi tiếng:

“Vũ cậy mạnh, vũ ra vũ múa; vũ gặp mưa, vũ ướt cả lông!” (“Vũ” vừa có nghĩa là võ, là mưa, là múa và là lông!).

“Cô Lan bán giấy cửa Đông; kẻ Nam người Bắc, chưa vừa lòng cô!”

(chiết tự chữ Lan, tên cô gái, ta được chữ “môn – cửa” và chữ “Đông”. Vế đối nêu lên ba hướng Đông, Nam, Bắc, mà không nêu hướng Tây. Ấy là tác giả muốn ám chỉ cô Lan này chỉ vừa lòng... Tây!).           

Cái lối “ẩn chữ” để nói ý này đã thấy ở một vị đại học sĩ Trung Hoa thưở xưa, tên là Kỷ Quân. Chuyện rằng, có lần một Thái giám ra cho Kỷ Quân một vế đối: “Tam nguyên giải hội trạng” (tam nguyên gồm giải nguyên, hội nguyên và trạng nguyên). Kỷ quân đối lại: “tứ quý hạ thu đông” (bốn mùa gồm mùa hạ, mùa thu, mùa đông. Kỷ Quân cố tình bỏ không nói đến mùa xuân!). Nghe xong, viên thái giám thấy thiếu, bèn hỏi: “thế còn ... “xuân”, ở chỗ nào?” và cười đắc ý cho rằng phen này tên đại học này sĩ sẽ hết vênh váo về cái tài học cao của mình! Nhưng Kỷ Quân chỉ đợi có thế, tức là đã đưa được viên hoạn quan hợm hĩnh vào bẫy, bèn thủng thẳng trả lời:

- “Xuân” ở chỗ nào thì ngài làm sao mà biết được?!.

Mọi người nhận ra thâm ý của Kỷ Quân, bèn cười ngất. Còn hoạn quan khi hiểu ra tác giả vế đối đã chạm đến thân phận ... của mình, từ lâu làm gì còn có “xuân”, bèn lảng đi chỗ khác!           

Ấy là chuyện ngày xưa, thế còn ngày nay thì sao?

Có một thời, thú chơi câu đối không còn thịnh hành nữa. Nhưng thực ra, sức sống của nó tiềm ẩn rất bền bỉ trong dân gian, cả ở hai lĩnh vực “chính luận” và “trào phúng”.            

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thầy thuốc Nam Sơn đã có một vế đối nói về sự những hy sinh gian khổ trên chiến khu Việt Bắc ngày ấy:

“Vì Nước phải lên rừng, đánh  mãi nước nguồn, đâm ngã nước!”

Nói “đánh”, “đấm” mà không phải là đánh, đấm; nói “ngã’ mà đâu có ngã! Cả câu có mười hai từ thì từ “nước” chiếm ba, mỗi từ nước lại có một nghĩa khác nhau.           

Chế riễu việc Mỹ thả “người nhái” do thám bờ biển, bị bắt sống, một tác giả viết: “Người nhái bơi ếch vào bắt cóc, cóc bắt được ai, bị trói bén. Ngồi trơ mắt ếch!”.

Nhà thơ Thanh Tịnh sinh thời là một người có nhiều câu đối hóm hỉnh, xin dẫn ra đây vài chuyện:

Thời bao cấp, hàng tiêu dùng khan hiếm, thường mỗi khi có mặt hàng nào đó, phải tổ chức phân phối theo chỉ tiêu đầu người từng cơ quan. Khi về đến cơ quan, lại phải tiến hành bình bầu, nhận xét xem phân cho ai là đúng. Không bình bầu nổi thì chọn phương án “bốc thăm”, may ai nấy được. Một lần bốc thăm như thế, nhà thơ Xuân Sách và nhà văn Nguyễn Thị Như Trang cùng bốc được một chiếc màn... đôi! Vốn bực mình về cái thói cửa quyền của cơ quan phân phối, nhân chuyện này, Thanh Tịnh buông một câu: “Cái cứt gì cũng phân; mà phân thì như cứt!”. Lần khác, nhìn cảnh nhà thơ Vương Trọng đang vui vẻ bón cơm cho cậu con trai ba tuổi, Thanh Tịnh bật ra vế đối: “bố cho con ăn, bố cười, con cười!”. Tiếp đó, ngẫm sự đời, ông đọc tiếp vế sau: “con cho bố ăn, con khóc, bố khóc!”.

Chơi chữ kiểu “nói lái”, kiểu “đồng âm khác nghĩa”... cũng thường được các tác giả câu đối sử dụng nhiều: “chả lo gì, chỉ lo già – nỏ cần chi, chỉ cần no” (Vương Trọng) – “Thế quỳ, thế đội, thế bò. Thời thế thế, thế mà chẳng thế” (Hữu Loan) – “răng muốn trắng lại đen, tóc muốn đen lại trắng” (Vương Trọng) – “bác bôi tôi không bằng tôi bôi bác!” (Tú sót) – “công an, can ông đừng uống rượu. Chủ báo, bảo chú chớ ăn chè” (khuyết danh).          

Nhà thơ Nguyễn Bính đất “non Côi sông Vỵ” sinh thời còn tài tình chơi chữ bằng cách dùng ghép cả chữ ta với chữ tây:  

“ba ba đã chín. Cát cát đầy xe”. Vế ra vừa hiểu là thịt con ba ba đã chín; vừa có thể suy ra ý: ba (3) lần ba (3) là chín (9). Vế đối vừa hiểu là xe chở cát đã đầy, lại có thể suy ra: quatre (tiếng Pháp, đọc hơi giống chữ “cát” = 4) lần quatre (4) là seize (chữ Pháp, đọc hơi giống chữ “xe” = 16).            

Cùng lối chơi đa ngữ này, còn tác giả Nguyễn Xuân Lạc:

“Hai chân duỗi thẳng đơ (tiếng Pháp deux, đọc hơi giống chữ “đơ”, là số hai (2).

“Sáu cô ngồi xúm xít” (tiếng Pháp six, đọc hơi giống chữ “xít”, là số sáu (6).           

Vế đối dưới đây cũng của tác giả nguyễn Xuân Lạc, lại dùng lẫn lộn cả mấy thứ ngoại ngữ Pháp, Anh, Hán: “quần thủng đít đã chục ngày nay, hiệu thợ may cửa đóng then cài, ta đành đứng thập thò ngoài cửa” (“đít: dix, tiếng Pháp, số mười; then: ten, tiếng Anh, số mười; thập, tiếng Hán, cũng là số mười).           

Tết Mậu Dần (1998), nhạc sĩ trọng Bằng đưa ra vế đối hóc hiểm: “đêm ba mươi, chơi với cọp, bóp lưng hổ, nhổ răng hùm, túm “tai-gơ”, tu cạn dần, gần ông mãnh”. (“ông ba mươi” là tên gọi khác của con hổ; cọp, hùm, dần, ông mãnh đều là những tên gọi khác của hổ. Tai-gơ: tiếng Anh Tiger, con hổ).           

Tài tình hơn, vào thời điểm giữa năm sửu và năm Dần, tác giả Nguyễn xuân Lạc còn làm đôi câu đối hoàn toàn bằng tiếng Pháp và tự dịch ra tiếng Việt cũng bằng một câu đối:

“Richesse du tiger, vien tout de suite.

Misère des buffles, fous le campl”

(Mời bác phú Dần, về tức khắc

Đuổi thằng bần Sửu, cút đi ngay).           

Bên cạnh tác dụng trào phúng, nhiều tác giả còn sử dụng câu đối để đả kích vào các bọn tham quan ô lại. Về vấn đề này, có lẽ cụ Đồ chiểu là người sớm nhất đưa ra tuyên ngôn bằng một câu đối:

“chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.           

Noi gương Cụ, ngày nay nhiều tác giả đã không ngần ngại nhằm thẳng ngòi bút sắc bén của mình vào bọn sâu mọt của xã hội:

“hối lộ, lộ rồi không kịp hối!

Tham ô, ô hết có còn tham?”

(Vương Trọng).

“Ngậm tiền thì hám

Ngậm hàm thì tiến”

(Phạm Xuân Phụng)

“Mày ăn dân

Dân ăn mày”

(Hữu Loan)

“quan tham đi tham quan, càng quan càng tham, càng tham lại càng quan”

(vế ra của Trần Huy Thuận)

“luồn lọt lên lương, lỗi lầm lấp liếm, luật lệ làm lơ, lũ lọc lường luôn lẩn lút!

Phe phẩy phè phỡn, phân phối phập phù, phạm pháp phởn phơ, phường phản phúc phải phanh phui”

(Đàm Tiếu)

Đúng như lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh chi đã dậy: “xuất đối dĩ đôi đối nan”, ra đối thì dễ, nhưng đối lại mới cực kì khó. Từ cổ chí kim đã có nhiều câu đối chỉ có vế ra, nổi tiếng đã lâu, mà cho đến nay vẫn chưa tìm ra “nửa kia” của mình, như các câu sau:

“da trắng vỗ bì bạch”

(đã có người đối là “rừng sâu mưa lâm thâm”, tuy đúng luật nhưng đối như thế là chưa tới được cái chất đùa cợt hóc búa, hóm hỉnh và hơi gợi tục của vế ra, nên không đạt).

“cô gái Quần Lạc đi chợ Lạc Quần, bán lạc mua quần, trở về Quần lạc”

(Quần Lạc và Lạc Quần là hai địa danh có thật thuộc tỉnh Nam Định).

“vợ cả vợ hai  cả hai đều là vợ cả!”

(vừa có ý: “vợ cả vợ hai cũng là vợ”; lại vừa có ý: “vợ cả hay vợ hai chỉ là cách gọi thôi, chứ thực ... đếu là vợ cả hết”. 

Câu đối là một thú chơi tao nhã và trí tuệ, dân tộc và đại chúng, tồn tại từ nhiều đời nay. Tết đến, Xuân về, thiết nghĩ: mỗi ngôi nhà của chúng ta nên có một đôi câu đối, viết cẩn thận trên giấy đẹp, treo ở nơi trang trọng, để bầy tỏ cái tâm nguyện, ước vọng, quan điểm sống,... của chủ nhân; hoặc để trào phúng sự đời nhố nhăng... Cái thú chơi Xuân của dân ta đến thế hẳn là không còn gì văn hóa hơn!

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 9052
Ngày đăng: 29.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu đối đời thường - Câu đối tết - Lê Xuân Quang
Tiết kiệm CHỮ ĐẾN MỨC HIỂU SAI CHỮ ở một nơi giàu chữ nhất - Trần Xuân An
Thưa lại cùng ông Hồ Thanh Thuỷ - Hà văn Thùy
Câu đối xưa...câu đối nay ! - Lê Xuân Quang
Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hàn . - Hà văn Thùy
Ngôn từ thời “Hội Nhập” - Cao Thị Thịnh
Nghệ thuật câu đối Hán Nôm - Tạ Đức Tú
Những bài văn... dễ sợ! - Nguyễn Văn Cải
Tiếng Việt - Tiếng Mỹ rắc rối ... - Lê Anh Tuấn
Về một số từ HÁN VIỆT chỉ đôi lứa - Tạ Đức Tú
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)