CHỮ "LỘC"
Năm hết Tết đến, mọi người lại tiến hành việc trang hoàng nhà cửa để đón Xuân! Bộ Tam đa "Phúc – Lộc – Thọ" thế nào cũng được chủ nhân chăm chút nhiều nhất. Cũng là điều hiển nhiên, bởi "Phúc", "Lộc", "Thọ" là ba điều mơ ước thường nhật của mỗi người, mỗi nhà! Vì lẽ này mà cũng có người chê bai, bình phẩm rằng:
Đã Phúc, đã Lộc lại còn.Thọ!
Sao tham nhiều thễ hỡi nhân gian?
Chẳng trách Đảng ta "xây, chống" mãi
Mà phường tham nhũng vẫn trơ gan!
Chẳng qua "tức cảnh" mà nói đùa thôi, chứ ai chẳng mong cha mẹ, ông bà và bản thân trường Thọ? Còn Phúc và Lộc thì biết mức nào là đủ? Xưa các cụ dậy: "một con một của ai từ?" ! Cái cần nói là hưởng sao cho chính đáng, cho hợp đạo Trời, lòng Người!
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin lạm bàn về riêng chữ "Lộc". Mặc dù Lộc dù là tranh, là tượng hay là chữ, cũng không bao giờ đứng riêng một mình. Bao giờ cũng đứng cùng hai ông Phúc, Thọ thành bộ tam đa! Phải chăng... người ta, nhất là các "quan" không muốn cái ham muốn của mình nó thể hiện ra một cách lộ liễu quá?!.
Trong bộ Tam đa, ông Lộc được hình tượng bằng một vị quan "cân đai bối tử" đề huề! Điều đó thể hiện một điều: đã làm quan, tất có Lộc; Lộc tức là Quan! – Như vậy, có thể khẳng định, từ xa xưa, dân ta đã biết, đã hiểu: Lộc với chức quan, là một! Các Quan cũng không nên lấy thế làm... buồn!
Lộc, có thứ của Vua ban, có loại của Dân biếu. Vua ban để úy lạo bầy tôi của mình, đã chí công vô tư, thay Vua cai quản, chăn dắt đám dân chúng dưới quyền! Còn dân kính biếu Quan, để bầy tỏ lòng biết ơn về một công việc gì đó, quan đã vì quyền lợi chính đáng của dân, mà làm. Như vậy hoàn toàn có thể nói: Lộc chính là sự ghi nhận công lao các Quan: công lao với Dân và công lao với Vua, với Nước. Có công lao thì có Lộc! Và đấy cũng là tiêu chí để phân biệt quà "biếu" với "hối lộ"! Không công lao, mà nhận quà, nhận thưởng, thì đó là thứ hưởng thụ bất minh, bất chính! Ví như ai đó lợi dụng chức quyền mà o ép, bắt nạt Dân lấy tiền; hoặc nhận tiền của kẻ bất lương rồi bỏ qua luật lệ, phép tắc, đạo lý, trà đạp lên quyền lợi chính đáng của dân lành – thì những đồng tiền như thế làm sao có thể gọi là "Lộc" được?!. Mà có cố tình bao biện đó là "Lộc" thì thứ ấy cũng không bền, hưởng nó sẽ chuốc họa vào thân - không chóng thì chầy; không "nhãn tiền" thì cuối đời, như cách nói của dân gian, cũng "lãnh đủ"; hầu như không hề có ngoại lệ! Thực tế cuộc sống đã từng kiểm chứng!
Hưởng Lộc phải nghĩ đến tạo Phúc, cầu Thọ. Nhắm mắt thu "Lộc" bất minh, bất chấp Phúc, Thọ, thì thật nguy hại. Phải chăng cũng chính vì lẽ ấy mà người ta bao giờ cũng thờ cùng một lúc ba vị tam đa Phúc – Lộc – Thọ!
CHỮ "PHÚC"
"Phúc" là điều cầu mong của nhiều nhà, nhiều người đồng thời cũng là điều chúng ta cầu chúc (chúc phúc) cho nhau trong dịp lễ, tết. Người theo đạo Phật cũng thường tụng: "Phúc đẳng hà sa"!
Nhưng thế nào là có "phúc"? Quan niệm phổ biến xưa kia đều cho rằng người nào có con (trai) cháu (trai) tức có người "nối dõi tông đường", là người có Phúc. Vì lẽ này mà Phúc có hình tượng một cụ già có đàn con cháu đông đúc vây quanh! Đó là suy nghĩ lỗi thời, nhiều năm trước tưởng đã rơi vào quên lãng; ai ngờ gần đây lại phục hồi và phát triển khá mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính! Có con có cháu mà chúng lại bất hiếu, đặc biệt, nếu chúng lại mắc vào nghiện ngập ma túy, trộm cắp – tham nhũng, thì bất hạnh đó còn lớn gấp nhiều lần nỗi bất hạnh không con!
Một quan niệm khác cũng khá phổ biến: "con hơn cha là nhà có phúc" – Có thật đúng như vậy không? Bởi vì nếu công nhận điều ấy, thì, tất cả những nhà mà con cái không vượt qua được "cái bóng" của người cha, đều vô phúc cả sao? Cái mệnh đề này hiểu theo nghĩa tương đối thì có thể chấp nhận, chứ quyết đoán tuyệt đối thì e không thông! Đấy là chưa suy xét tới "nội dung" của cái "hơn" đó là gì! Bởi nếu sự hơn lại ở chỗ ăn chơi, hưởng thụ,... thì đấy chắc chắn là sự "vô phúc" rồi, chứ đâu còn là "phúc"?
Học thuyết Phong thủy thì cho rằng, việc đặt mồ mả tổ tiên có ý nghĩa quyết định đến việc ai trong dòng tộc được hưởng Phúc (gọi là "Âm Phúc"). Vì lẽ này mà nhiều khi dẫn đến mâu thuẫn nặng nề, thậm chí dẫn đến từ nhau trong gia tộc, khi có việc xây mới hoặc tôn tạo mộ phần!
Làm việc thiện, giúp đỡ người khó khăn, người hoạn nạn, cũng được coi là "làm Phúc". Với ý nghĩa này thì "Phúc" và "Đức" thường gắn chặt, đi đôi với nhau.
Mỗi khi ai đó thoát khỏi một mối nguy cơ nào đấy, như vượt qua được một căn bệnh hiểm nghèo; một tai nạn khủng khiếp. Hoặc thoát khỏi sự liên lụy tới một vụ bê bối về tài chính, một vụ "làm ăn" phi pháp vừa bị đổ bể! Trong những trường hợp như thế, người ta thường xoa tay: "Phúc quá, không thì chết, chết cả nút!" – "Phúc" đây là "Phúc ấm của Tổ Tiên!
Phổ biến nhất là quan điểm: Tạo Phúc là một quá trình của nhiều đời, nhiều thời gian (Phúc "dầy"). Chính vì thế mà có câu: "Nhờ phúc bẩy mươi nhăm đời nhà nó, chứ không...!". Làm việc Phúc là phải quên như chưa hề làm, là không bao giờ được kể lể công lao, khoe khoang thành tích thì may ra mới có Phúc! Như vậy, cần hiểu một điều: "Phúc", không đơn giản mà có được, không phải cứ "cầu" là được. "Phúc" còn là sự hiếm nữa: "Phúc bất trùng lai"; chứ không như "Họa", Họa thường không ... đến một mình (!): "Họa vô đơn chí!".
Cho nên ai ai cũng cần chăm lo tạo Phúc, cho mình và hơn thế nữa, cho con cháu mình. Tạo Phúc phải đặt lên trước hết, trên hết, là cách hiểu đúng đắn nhất, của mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh. Người xưa khuyên: "Hãy ăn ở thế nào để có thể để Phúc lại cho con, cho cháu!". Phúc là "tài sản" để lại mang ý nghĩa bền chặt nhất! Một khi đã "vô Phúc" thì tiền của chả còn ý nghĩa gì nữa!
Năm mới sắp đến, xin chân thành chúc PHÚC đến mọi người, mọi nhà!
CHỮ "THỌ"
Không rõ Thực vật thế nào chứ trong giới Động vật thì có thể đoan chắc điều này: không có "con" nào lại không "ham sống, sợ chết", nghĩa là đều muốn... "Thọ"! Con Người lại càng thế. Nhưng "Người" khác "Con" ở chỗ, khi cần thiết, dám hy sinh mạng sống của mình vì đại nghĩa, vì Tổ quốc, vì cả Người khác nữa! (đôi khi "Con" cũng chiến đấu xả thân, nhưng đa phần vì miếng ăn, tức vẫn chỉ vì sự sống của bản thân hoặc con cái chúng mà thôi!).
Thọ chính là một trong những tiêu chí của Hạnh Phúc, đối với bản thân người thọ cũng như với con cháu... người ấy. Nhưng Con Người chúng ta thường khi về già hay tự đặt câu hỏi: "Thọ thế nào thì vừa? Thọ có thực sự là một điều Hạnh phúc không?". Trả lời câu hỏi này thật không đơn giản chút nào!
Mọi người thường thuộc nằm lòng câu: "sinh có hạn, tử bất kỳ". Vậy thì câu hỏi trên không nằm ở chỗ muốn tìm giới hạn của sự sống, mà chính là muốn bàn xem sống đến khi nào, sống trong tình trạng thể xác và tinh thần ra sao, xứng đáng gọi là... Thọ? – bởi vì Thọ luôn luôn gắn với Hạnh Phúc; một khi đã không còn Hạnh Phúc, thì Thọ chả còn ý nghĩa gì cả! Thọ, trong trường hợp ấy, để làm gì?
Gần nhà tôi xưa có một cụ bà, khi sống thì suốt ngày còng lưng làm lụng hết nuôi con, lại nuôi cháu. Đến lúc già yếu, ốm đau phải nằm liệt một chỗ, lại không có lương hưu. Con cháu cho dọn dẹp cái bán mái vốn xưa là chuồng lợn, để đưa cụ xuống nằm đấy... chờ chết! Con cháu lý luận: "Phải đưa xuống đấy thôi! Suốt ngày cụ đái dầm ỉa rì, thối ai mà chịu nổi!" và: "Cụ sống, nhưng cũng phải để cho con cháu sống với nữa chứ?". Có lý lắm! Nhưng khốn nạn thay, những trường hợp như thế lại rất khó chết; nghĩa là lại rất "Thọ"!
Một "vụ" khác, không ở tổ dân phố tôi, mà ở tổ bên cạnh. Đó là một cụ ông. Cụ là một cựu chiến binh, lương đại tá bốn năm triệu gì đó. Cụ mắc chứng cao huyết áp, bị đột quỵ, rồi nằm suốt trên giường, sống "đời sống thực vật" mười mấy năm trời nay! Cụ không nghe thấy gì (hay là giả đò làm ra như thế?), không nói và do đó cũng không đòi hỏi gì trong suốt ngần ấy năm. Những năm đầu còn có họ hàng, bạn bè, người thân qua lại hỏi thăm; sau cứ thưa dần. Mấy năm nay thì chỉ mình cụ nằm bất động như chết trên chiếc giường quen thuộc với lủng củng mấy đường ống dẫn ra và dẫn vào cơ thể cụ. Vợ con vẫn chăm sóc cụ hàng ngay rất chu đáo. Không chu đáo thì sao cụ "sống" được ngần ấy năm? Vả lại có nămhj nề gì lắm đâu mà không chu đáo? Việc "ăn, uống, tiểu tiện, đại tiện" của cụ đều qua đường ống tất; rút ra thay rửa là xong! Năm nay cụ đã ngoài tám mươi, và cứ tình trạng này, chắc cụ còn "Thọ" chưa biết đến bao giờ?!. Cụ càng Thọ, con cháu càng mừng!..
"Thọ thế nào thì vừa? Thọ có thực sự là một điều Hạnh phúc không?" - Giá như có ai đó trả lời được câu hỏi này!