Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.252
123.155.383
 
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -2
Nguyễn Đức Hiệp

(2) Miền Nam có câu nói về những người giàu có trong giữa thế kỷ 20 “Nhất Hỏa, nhì  Đàm, tam Xường, tứ  Ích Quách Đàm:”, cho thấy Quách Đàm là nhân vật thứ hai sau chú Hỏa. Xuất thân thuở hàn vi bán ve chai, kèm theo mua da trâu, vi cá và bong bóng cá. Ddàm nhờ lanh trí, nhập giới thương mại thấy việc mau lẹ hơn ai hết, nên làm giàu nhanh chóng.

 

Ông là người xây lập chợ Bình Tây hiện nay vẫn còn ở Chợ Lớn. Lúc đó Chánh tham biện Chợ Lớn thấy Chợ Củ (hiện nay là nền nhà Bưu Điện Chợ Lớn, Quận 5) nhỏ hẹp, không đủ cho bạn hàng nhóm họp. Ông nghe biết được nên mua ngay vùng đất ruộng Bình Tây, biến đất ruộng thành đất thổ trạch châu thành, rồi cho người đến dâng miếng đất, chỉ đòi được xây chợ và cất phố kiểu buôn bán chung quanh chợ để cho mướn. Chính quyền đồng ý và sau này cơ sở phát triển còn cho phép tượng Quách Đàm được tạc và dựng ở chợ. Trụ sở của nhà buôn Quách Đàm nằm ở đường Quai de Gaudot (nay là đường Khổng Tử).

 

Về sau Quách Đàm rất giàu, xoay qua đứng bảo lảnh cho các con nợ nhà băng "Đông Dương Ngân hàng". Mỗi lần xin chử ký bảo chứng, họ phải chịu cho Đàm một huê hồng qui định trước. Nhưng gặp năm kinh tế khủng hoảng 1929, các nhà buôn vỡ nợ không đủ sức trả bạc vay, nhà băng phát mãi phá sãn, lôi kéo sự nghiệp nhà họ Quách sụp đổ theo cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở Nam kỳ.

 

Sau này, khi Quách Đàm chết, đám ma lớn không đám nào bằng. Bàn đưa không thể đếm. Đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên... Khách đi dường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay la ve (bia) và riêng tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy "ngẫu" (năm đồng bạc) đền ơn có lòng đưa đón! Quách Đàm được chôn ở gần chùa Giác Lâm giáp ranh Chợ Lớn và Gia Định (1)

 

(3) Mạc Phúc Sử: Nổi tiếng với sản phẩm dầu cù là Macphsu. Dầu cù là Macphsu do ông làm chủ và sản xuất. Macphsu là tên ký âm bằng Pháp ngữ khi Mạc Phú Sử ra cầu chứng tại tòa. Vì không biết đọc, biết viết tiếng Pháp nên khi được hỏi dầu cù là cầu chứng tên gì, ông tưởng là nhân viên tòa hỏi tên mình là gì, ông bèn nói Mạc Phúc Sử và được người Pháp viết theo phiên âm Pháp ngữ là Macphsu. Sản lượng và tiếng tăm dầu cù là Macphsu rất lớn, ngoài thị trường miền Nam, Mạc Phúc Sử còn xuất cảng sang Lào, Cambodia, Singapore và Thái Lan.

 

(4) Trương Văn Bền, sinh năm 1883, trong một gia đình người Hoa gốc Triều Châu đến Việt Nam lập nghiệp từ đầu thế kỷ 19. Trương Văn Bền có dịp sang Pháp du học và đã học được nghề sản xuất xà bông. Năm 1918, ông dùng dừa có sẵn rất nhiều ở miền Tây Nam bộ để thành lập xưởng ép dầu dừa và từ đó sản xuất xà bông cục đáp ứng nhu cầu rửa ráy, giặt giũ của dân chúng hằng ngày. Khi cơ sở phát triển, năm 1932, ông cho xây một hãng lớn hơn và làm chủ nhân hãng xà bông “Trương Văn Bền”. Sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng ông là xà bông thơm Việt Nam hiệu Cô Ba, rất thịnh hành ở miền Nam và sau đó trên khắp thị trường Đông Dương. Cô Ba tượng trưng cho một phụ nữ đẹp, giản dị, trong trắng của cô gái miền Nam trong huyền thoại. Xà bông Cô Ba cạnh tranh về chất lượng và giá thành rẽ đã đánh bạt được xà bông nước ngoài, nhập từ Pháp (17). Ông là người Hoa Triều Châu đi trước trong thương mại và làm gương cho những người sau này như Trần Thành. Ông Trương Văn Bền nổi tiếng như Bạch Thái Bưởi cùng thời ở miền Bắc và trở thành giàu có, có hạng ở Nam kỳ. Gia sản của ông tương đương với ông Phủ Kiểng ở Bến Tre, ông Kho Gressier Remy ở Sóc Trăng, hay gia đình Lâm Quang ở Trà Vinh. Ông Bền cũng chính là người xuất tiền cất một dãy phố 50 căn, gần Ngã Sáu Chợ Lớn, nằm góc đường Armans Rousseau và Général Lizé (nay là đường Ngô Gia Tự và Hùng Vương) (17).

 

Còn nhiều câu truyện của các doanh nhân người Hoa ở Chợ Lớn đã phát triển kinh doanh đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam từ các năm xưa. Tôi trước đây có đọc một bài trong tạp chí nghiên cứu lịch sử hồi năm khoảng năm 1977 đã liệt kê nhiều nhà kinh doanh người Hoa, nhưng hồi ấy là đả phá họ, cho họ là tư bản bóc lột. Nay thì đã khác hẳn rồi, họ là những những người đã giúp cho nền kinh tế phát triển và có ích cho đất nước, xã hội. Trước 1975, có những tư sản Việt gốc Hoa cở lớn, kể sơ lược như sau (2):

 

 (5) Trần Thành: Ông xuất thân từ gia đình nghèo qua Việt Nam đầu thế kỷ 20. Thưở còn thanh niên tìm việc ở Chợ Lớn, ông được vào làm công trong một xưởng chế biến dầu thực vật của một chủ người Hoa họ Trịnh, cạo rữa các thùng chứa. Được sự tín nhiệm của chủ, ông được giao trọng trách đi mua nguyên liệu chủ yếu là đậu nành và đậu phọng cho xưởng. Với uy tín của ông với nông dân và đối tác ở nông thôn miền Nam và cả ở Cao Miên (Cambodia), ông không những cung cấp hiệu quả kinh tế cho cơ sở xưởng chủ ông mà sau này khi được chủ giúp đỡ cho vốn ra riêng còn cung cấp cho các xưởng khác nữa.

 

Trong công việc làm ăn, ông coi trọng nhất là chữ tín. Ông nói:" Chữ TÍN. Làm nghề gì cũng phải giữ cho được chữ TÍN mới có thể thành công được. Ông lập ra hãng bột ngọt Vị Hương Tố. Được coi là  “vua bột ngọt và vua mễ cốc”, ông được bầu vào chức vụ bang trưởng Triều Châu, khi tuổi chỉ mới xấp xỉ 40. Ông đại diện cho người Hoa liên hệ với chính quyền miền Nam Ngô Đình Diệm và sau này trong thập niên 1960-1970 và được chính quyền kiêng nễ. Ông giúp đỡ nhiều người có chí mượn vốn. Nhà ông lúc nào cũng có người đến xin ý kiến làm ăn. Ông đi thăm các nhà máy, xí nghiệp lớn ở Đài Loan, Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm tổ chức, điều hành các xí nghiệp cở lớn và nghiên cứu thị trường.

 

 (6) Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem đánh răng hiệu Hynos cạnh tranh với các hãng kem Việt Nam hiệu Perlon và Leyna ở miền Nam và kem ngoại quốc như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp). Vào thập niên 1960, hồi tôi còn nhỏ khi được bác tôi dẫn ra Saigon và bây giờ vẫn còn nhớ là hình ảnh rất lớn trên cửa chính của chợ Bến Thành đường Nguyễn Huệ một anh “chà và” da đen cười tươi với hàm răng trắng đều và đẹp của kem đánh răng hiệu Hynos. Lúc đầu, vào mới hơn 20 tuổi, ông làm cho hãng kem nhỏ ít biết tiếng Hynos do một người Mỹ gốc Do Thái có vợ Việt Nam mở hãng sản xuất kem đánh răng ở Việt Nam. Sau này khi người vợ mất, ông chủ buồn rầu bỏ đi giao lại cho ông vì ông được tiếng là trung thành, cần cù làm ăn.

 

Vương Đạo Nghĩa là người Việt gốc Hoa tiên phong trong lãnh vực tiếp thị làm ăn kiểu Tây Phương. Ông là người biết được giá trị của thương hiệu và sự quan trọng của tiếp thị trong kinh doanh thương mại. Quảng cáo kem Hynos của ông xuất hiện ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn trên mọi phương tiện, ở các cửa hàng ăn uống, loa phóng thanh, dọc đường, chợ búa, báo chí, hệ thống truyền thanh và truyền hình, ngay cả trên các thùng xe vận tải chạy khắp miền Nam. Ông cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình báo kiểu Trung Hoa vào quảng cáo, sau khi gặp lại người anh họ (con ông bác) ở Hong Kong là tài tử Vương Vũ và được ông mời đến Việt nam nhiều lần trong các dịp nghĩ hè. Người dân miền Nam khó có thể quên hình ảnh tài tử Vương Vũ giải thoát các xe hàng do đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp nhưng tất cả bảo tiêu đã bị chết, chỉ còn Vương Vũ và khi ông mở xe hàng thì trong đó không phải là vàng bạc châu báo mà là các hộp kem đánh răng Hynos hay anh Bảy Chà cười toe toét với hàm răng trắng sáng chói có mặt khắp nơi trên các hang cùng ngõ hẻm. Thương hiệu Hynos gắn liền với kem đánh răng trong tâm trí người dân. Sản phẩm của hãng kem đánh răng Hynos có mặt khắp nơi tại Việt Nam, và sau đó ở thị trường Đông Nam Á và Hong Kong. Khác với các hãng và doanh nghiệp Việt Nam thời bấy giờ, ông đã trích ra nhiều hơn từ lợi nhuận vào quảng cáo thương hiệu, giới thiệu sản phẩm với tầm cở quốc tế, tương đương với quảng cáo của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Coca-Cola, Seiko, Adidas...

 

(7) Trương Vĩ Nhiên,"vua ciné": Xuất thân từ một gia đình người Hoa, anh em họ Trương được ăn học và giáo dục theo phong cách quý phái người Hoa. Trương Vĩ Nhiên thấm nhuần đạo Phật và say mê triết lý Đông phương (11), có đầu óc phóng khoáng và nhạy cảm hiểu biết về tâm lý quần chúng và thị trường. Ông là chủ nhân hãng xuất nhập cảng phim Viễn Đông, đại lý độc quyền các phim của hảng phim nổi tiếng Shaw Brothers (Đài Loan) và Golden Harvest (Hồng Kông). Điện ảnh Hong Kong và Đài Loan cuối thập niên 1960, được coi là thời vàng son, đã sản xuất các phim dã sử kiếm hiệp thu hút khán giả nhiều nơi ở Đông Nam Á cạnh tranh và làm các hảng phim Âu Mỹ nể sợ và khâm phục. Ở miền Nam thời bấy giờ, các tài tử Lý Thanh, Trịnh Phối Phối, Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Địch Long, Hà Lợi Lợi... với các phim Độc Long Đàm, Hiệp Khách Hành, Độc Thủ Đại Hiệp, Nhất kiếm trấn ải, Long hổ quyết đấu... đã chinh phục khán giả với doanh thu vượt kỷ lục hơn cả các phim Âu Mỹ thời đó như Cleopatre, Love Story, Romeo Juliet, Deux hommes dans la ville.. của các tài tử Liz Taylor, Ali Mc Graw, Steve McQueen, Alain Delon, Jean Belmondo..

 

Trương Văn Vĩ đã nhìn thấy trước qua sự say mê của người dân với các truyện võ hiệp Kim Dung và sau này Quỳnh Dao ở các nước Á châu và ông đã mua lại các rạp làm ăn ế ẩm, tân trang lại và làm chủ các rạp hát ciné ở nhiều nơi vùng Sài Gòn - Chợ Lớn: Eden, Đại Nam, Palace, Opéra, Oscar, Lệ Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Thủ Đô... (ngoài các rạp Rex, Văn Hoa Dakao, Văn Hoa Sài Gòn, Mini Rex A, B, C của ông Ưng Thi, trong hoàng gia nhà Nguyễn, chuyên chiếu phim cao cấp). Tất cả các rạp của Trương Văn Vĩ đều được sửa sang xây dựng mới mẻ, với hệ thống máy lạnh tốt, ghế ngồi bọc da, trang hoàng đẹp mắt và hấp dẫn khách hàng với hệ thống máy móc như máy chiếu, âm thanh, ánh sáng nhiều màu trong rạp, cả buvette (quầy giải khát) phục vụ ngay trong rạp, cùng các phương tiện quảng cáo đa dạng và quy mô. Bắt đầu từ năm 1966, Trương Vĩ Nhiên nhập cảng các loại phim võ hiệp, kiếm hiệp dã sữ Hồng Kông và Đài Loan, sau là phim tình cảm phỏng theo truyện của các tác giả nổi tiếng như Kim Dung, Ngọa Long tiên sinh, Quỳnh Dao.... Ông trở thành tỉ phú giàu có khi chỉ mới hơn 30 tuổi. Ông có ảnh hưởng rất lớn về nghệ thuật và văn hóa điện ảnh trong cuối thập niên 1960 và đầu 1970.

 

(8) L.N ("vua bột mì"): L.N giàu có bằng "cho vay lúa",, nhập cảng thóc gạo miền Tây, kinh doanh bột mì .  L.N xây dựng "Saigon kỹ nghệ bột mì công ty" (Sakybomi), hùn vốn vào công ty bột mì khác Viflomico. Để nắm độc quyền hai nhà máy cở lớn nhất ở Đông Nam Á này, L.N đã đóng cổ phần vào 3 ngân hàng: Trung Nam ngân hàng (100 triệu), Đồng Nai ngân hàng (40% cổ phần), Nông Doanh ngân hàng và vào hai công ty xuất nhập cảng Mỹ Liên (21 %), Hứa Nhuận Chân (70%), đồng thời lập hai công ty nhập khẩu 18 mặt hàng khác (3).

 

(9) Tập đoàn đại gia tộc họ Ông, chủ dầu cù là hiệu Con Cọp, được gọi là Cọp Saigon (Ông Nghiệp Hùng, Ông Nghiệp Sơ, Ông Nghiệp Kỳ, là con của Ông Tích). Ngoài ra tập đoàn này khống chế một nhà máy dệt lớn, một công ty vận tải đường bộ, đường sông, công ty xuất nhập cảng, một xưởng đóng tàu, một công ty bốc dở hàng ở Thương cảng Saigon, một ngân hàng và nhiều nhà cho thuê. Trong thời này cũng có nhiều tập đoàn và các nhân vật khác như các tập đoàn tư bản họ Trương, họ Mã, vua "xăng dầu" Lý Hớn, "vua cà phê" Trần Thiện Tứ, "vua vải sợ" Lưu Tú Dân, "vua thuốc lá" Siou Phong ....

 

 (b) Thời kỳ đổi mới sau 1975

 

Đất nước Việt Nam có nhiều người Hoa và Minh Hương giỏi, nhưng do những chính sách sai lầm, chính quyền trước đây đã đánh đổ họ qua mấy chiến dịch đánh tư sản sau 1975: vua thép, vua gạo, vua bột giặt, vua sà bông, vua bột mì ... đều bị đánh tan hoang bại sản. Trong khi trong thời gian ấy mấy người Hoa chủ các công ty lớn ở các nước Đông Nam Á như Temasek của Singapore, St Miguel của Philippines..) vẫn còn không bằng một góc các công ty Hoa ở Vietnam.

 

Ngày nay có một người Minh hương nổi tiếng không kém chú Hỏa, Trần Thành xưa kia. Đó là “vua gốm” Lý Ngọc Minh, chủ công ty gốm Minh Long ở Bình Dương. Kế thừa truyền thống nghề gốm của người Minh hương ở Gia Định- Đồng Nai, ngày nay các cơ xưởng làm gốm (đa số ở Biên Hòa và Bình Dương) tiếp tục phát triển làm gốm, nhất là sau giai đoạn Đổi mới, với các sản phẩm đặc sắc xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Ông đã tạo những bộ gốm nổi tiếng Cẩm Tú, Sơn Hà, Hồn Việt ..Trước đây ông có nhờ gs Cao Xuân Phổ và Trần Quốc Vượng cố vần để ông tạo con rồng Việt Nam theo kiểu triều đại Lý - Trần, lúc cổ thành Thăng Long vừa được khám phá, trên sản phẩm gốm của ông. Công ty ông cũng là nơi làm các "cup" gốm làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia tham gia Hội nghị APEC năm ngoái ở Hà Nôi.

 

Cuộc đời của ông Minh trước 1975 đến nay đã được dựng thành phim "Miền đất phúc" làm nhiều tập chiếu trên truyền hình Tp Hồ Chí Minh. Xuất phát từ một gia đình có truyền thống làm gốm sứ ở Tân Phước Khánh (Tân Uyên - Bình Dương), gia tộc Lý Ngọc Minh đã có ba đời theo nghề gốm sứ. Năm 1975, đất nước thống nhất nhưng thương mại tư nhân bị cấm và hạn chế. Trãi qua bao khó kh ăn, ông vẫn kiên trì sản xuất và đến khoảng những giữa thập niên 1980 và đầu 1990 sản phẩm của ông bắt đầu có mặt tại thị trường các nước Đông Âu và tư bản. Nay thì ông Lý Ngọc Minh là người chính phủ Việt Nam trọng vọng (Ủy viên của mặt trận Tổ quốc, đại biểu quốc hội, anh hùng lao động ...), công ty ông có gần 2000 công nhân làm việc và thương hiệu gốm Minh Long xuất khẩu qua nhiều nước làm các công ty Nhật, Hàn, Âu Mỹ gờm vì cạnh tranh và qua mặt họ.

 

Chính Trị

 

Từ lúc Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch được chúa Nguyễn cho vào miền Nam mở đất, lập nghiệp, người Minh hương tiên phong cùng lưu dân người Việt và dân bản sứ Khmer đã khai hoang mở mang bờ cỏi làm vùng đất Gia Định-Đồng Nai (tức cả miền Nam thuở đó) trở nên trù phú. Miền Nam trở thành miền đất hứa của nhiều dân nghèo từ miền Trung vào lập cuộc đời mới. Người Minh hương đã tham gia bình đẳng trung thành nhớ ơn phục vụ phò chúa Nguyễn ngay cả lúc Nguyễn Ánh phải trốn chạy Tây Sơn bôn ba khắp nơi ở vùng đất mới. Các tướng Minh hương như Châu Văn Tiếp, Đỗ Thành Nhân, Võ Tánh .. là những tướng đã ra giúp Nguyễn Ánh trong cuộc tranh hùng với Tây Sơn. Vì sự giúp đỡ chúa Nguyễn, quân Tây Sơn năm 1783 đã giết rất nhiều người Hoa, hủy hoại hoàn toàn Cù lao phố, và năm 1785 lần nữa vào cướp giết, phá hủy cơ nghiệp người Hoa vùng Chợ Lớn, Mỹ Tho.

 

Khi Gia Long (Nguyễn Ánh) lấy được giang sơn, trong hàng công thần phục vụ triều đình có rất nhiều người gốc Minh hương và nhà vua đã nhớ ơn và đãi ngộ xứng đáng. Nhân tài gốc Minh hương, từ Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức đến Trương Minh Giảng.. ra phục vụ triều đình và đất nước không phân biệt Việt hay Minh hương

 

Tuy nhiên sau khi Gia Long mất, vua Minh Mạng không hài lòng với quyền tự chủ của tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt vẫn theo chính sách của Gia Long cho người Hoa các bang được tự trị, và không có thuế thân. Sau khi tổng trấn Gia Định mất, chính sách hà khắc của Minh Mạng đối với Lê Văn Duyệt, và trung ương tập quyền bãi bỏ hết chính sách nhu hòa ngày trước gây bất bình với nhiều người ở Gia Định trước đây đã phò Gia Long kể cả người Minh hương, gốc Hoa, người Chăm, giáo sĩ truyền đạo người Pháp. Sau cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi bị dẹp mà trong hàng ngũ giúp Lê Văn Khôi có nhiều người Hoa, chính sách của Minh Mạng càng ngày càng khắc khe với người Hoa và người Minh hương. Trong tác phẩm thơ “Bốn Bang thư” của một người Hoa gọi là Bốn Bang (thực sự tên hiệu đại diện cho bốn bang Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hải Nam) bị bắt và làm ra bài thơ dài 308 câu lục bát trước khi bị hành hình, có kể rõ về sự tình miền Nam trong cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi.

 

Từ đó người Minh Hương và Hoa ít có tham gia vào triều đình chính quyền cho đến thời Pháp thuộc, họ chỉ chăm chú làm ăn vì đối với họ chánh quyền Việt và Pháp cũng không khác qua sự đối xử, phân biệt.

 

Võ Tánh

Một trong “Gia Định tam hùng” (Châu Văn Tiếp, Đỗ Thành Nhân, Võ Tánh). người Minh Hương, tổ tiên trước kia ở làng Phước An (Biên Hòa) sau dời về Bình Dương, Gia Định. Thuở còn thanh niên, ông luyện tập võ nghệ, nổi tiếng là một võ sư cao cường có sức mạnh hơn người, một mình Võ Tánh đã dùng tay không đánh cọp tại 18 thôn Vườn Trầu . Đương thời, ông cùng với Đỗ Thành Nhân và Châu Văn Tiếp họp thành Gia Định tam hùng. Quân Tây Sơn thường nói rằng: "Trong bọn tam hùng đất Gia Định, Võ Tánh là anh hùng bậc nhất, không nên phạm đến".

 

Vì không chịu khuất phục Tây Sơn, Võ Tánh chiêu tập nghĩa binh cùng với anh là Võ Nhân phất cờ khởi nghĩa tại 18 thôn Vườn Trầu (Gia Định), rồi kéo binh chiếm giữ cả vùng đất Gò Công. Sau khi người anh mất, ông rút quân về án giữ thôn Vườn Trầu. Nghĩa quân của Võ Tánh có đến mấy vạn người, chia thành 5 đoàn, được đặt hiệu là đạo quân Kiến Hạ.

 

Khi Nguyễn Phúc Ánh từ Xiêm La trở về nước có mời Võ Tánh về giúp. Năm 1788, Võ Tánh cùng các bộ tướng đến bái kiến Nguyễn vương. Nguyễn Phúc Ánh mừng rỡ, phong cho Võ Tánh làm Tiền phong dinh Khâm sai Chưởng cơ và gả em gái là Ngọc Du công chúa.

 

Ngay từ buổi đầu, Võ Tánh đã giúp Nguyễn Phúc Ánh nhiều công trạng: vây đánh và bắt được tướng của Tây Sơn tên Phạm Văn Tham (1789), đánh bại tướng Đào Văn Hổ và thu phục thành Diên khánh (1790). Khi trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây thành (1794). Sau đó về lại Gia Định, ông được phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Đại Tướng Quân. Năm 1797, ông theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam, thắng được tướng Nguyễn Văn Ngụ tại cửa Đại Chiêm (Cửa Đại), quân sĩ Tây Sơn về hàng rất đông. Thừa thắng, ông vượt sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi), đánh bại Đô đốc Nguyễn Văn Giáp.

 

Năm 1799, Võ Tánh lại theo Nguyễn Phúc Ánh ra đánh Qui Nhơn. Cùng với tướng Nguyễn Huỳnh Đức đánh thắng nhiều trận tại Thị Giả và cầu Tân An, giết được Đô đốc Nguyễn Thiệt và chiêu hàng Đô đốc Lê Chất. Thành Qui Nhơn được đổi tên là thành Bình Định và giao cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ. Lúc Võ Tánh cầm chân quân Tây Sơn tại thành Bình Định, Nguyễn Ánh đánh chiếm thành Phú Yên rất dễ dàng.

 

Không lâu, quân đội Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Thái Phó Trần Quang Diệu, tướng giỏi của Tây Sơn phản công vây thành Bình Định. Nguyễn Ánh đưa binh ra giải cứu không nổi, cuộc bao vây măi kéo dài đến 14 tháng. Lâu ngày, trong thành binh sï thiếu lương thực rất nguy ngập. Ngày 7-7-1801, trong lúc bị vây ngặt, có người khuyên Võ Tánh bỏ thành mà chạy nhưng ông không chịu. Võ Tánh nói: "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thời sau này còn mặt mũi nào trông thấy Chúa thượng". Sau đó ông trao cho tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu một bức thư đại ý nói rằng: "Phận sự ta làm chủ tướng thì đành liều chết ở dưới cờ, ta đâu có ngại. Còn như các quân sĩ không có tội tình gì, xin chớ nên giết hại". Tiếp theo ông lấy rơm cỏ chất dưới lầu Bát Giác (Bình Định), đổ thuốc súng rồi tự đốt mà chết. Quan Hiệp trấn Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự tử. Trần Quang Diệu đem quân vào thành, xúc động trước tấm gương tiết liệt của Võ Tánh, sai người làm lễ liệm tang tử tế và không làm tội hay giết hại một ai.

 

Vua Gia Long, sau khi lên ngôi Hoàng đế, tưởng nhớ đến công lao của Võ Tánh cho lập đền thờ ở nền cũ lầu Bát Giác, sai người đưa di cốt của ông về chôn tại Phú Nhuận, Gia Định (nay nằm trong một hẻm ở đường Hồ Văn Huê, Saigon) và truy tặng tước Dực vận Công thần, Phụ quốc Thượng tướng công, Trụ quốc úy Thái trung liệt. Vua Minh Mạng truy phong làm Hoài quốc công.

 

Ngày nay, người Bình Định vẫn còn lưu truyền câu hát nói lên cảm tình của dân với Võ Tánh:

 

    Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên

    Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm !

 

Châu Văn Tiếp

Châu Văn Tiếp sinh năm 1738, tên tộc là Châu Doãn Ngạnh, quê huyện Phù Mỹ, Quy Nhơn. Khi Tây Sơn đánh chiếm thành Quy Nhơn, gia đình ông dời về Phú Yên. Ông thông thạo 2 ngoại ngữ Xiêm và Miên. Sau ông chiêu mộ người, dựng cờ khởi nghĩa chống Tây Sơn. Cờ thêu bốn chữ lớn Lương Sơn Bá Quốc. Được Nguyễn Nhạc chiêu hàng nhưng sau đó tách ra theo chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định. Năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc ánh xưng vương tài Sài Côn (Sài gòn) phong ông làm khâm sai đại đô đốc, nổi tiếng trong gia đình tam hùng. Năm 1781, ông đánh ra Diên Khánh, nhưng thua rút về Phú Yên. Không lâu sau đó, Gia Định cũng thất thủ, ông theo Chúa Nguyễn sang Xiêm. Năm Giáp Thìn (1784), Chúa Nguyễn đưa binh Xiêm về chống nhau với Tây Sơn. Ông làm Bình tây đại đô đốc chưởng quản các đạo quân Xiêm trên sông Mang Thít (Vĩnh Long). Trong trận thủy chiến, ông bị tướng của nghĩa quân Tây Sơn là chưởng tiền Bảo giết chết. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, sắc sai Đặng Đức Siêu soạn văn tế và truy phong ông Tả là quân đô đốc tước quận công, lập đền thờ tại thôn An hội (nay là làng Tân Long Hội), tỉnh Vĩnh Long và được thờ nơi miếu Hiển Trung của nhà Nguyễn ở Huế.

 

Trương Minh Giảng

Trương Minh Giảng, sinh ở Bình Dương, thuộc trấn Gia Định. Đỗ cử nhân năm 1819, được bổ nhiều chức vụ, sau lên ch ức Thượng thư bộ Hộ. Ông là người văn võ song tài. Lúc Lê Văn Khôi nổi loạn ở Gia Định, vua Minh Mạng sai ông và tướng Phan Văn Thúy mang quân vào dẹp loạn. Sau đó, ông cầm quân đánh với quân Xiêm xâm nhập nước ta ở mặt trận Hà Tiên theo đường thủy và Châu Đốc và An Giang qua ngã Chân Lạp (Cao Miên). Lúc bấy giờ Xiêm đã chiếm đóng và cai trị Chân Lạp

 

Ở mặt trận An Giang, tại sông Cổ Cắng Trương Minh Giảng và Nguyễn Văn Xuân đại phá quân Xiêm. Thắng thế tiến thẳng lên Nam Vang (Phnom Penh), đưa vua nước nầy là Nặc Ông Chân về nước. Sau đó, Trương Minh Giảng cho lập đồn ở gần Nam Vang để bảo hộ Chân Lạp. Khi Nặc Ông Chân mất (1843), Trương Minh Giảng xin lập người con gái của Ông Chân là Ang Mey, tục gọi là Ngọc Văn công chúa lên làm Quận Chúa, rồi đổi nước Chân Lạp ra Trấn Tây Thành, chia làm 34 phủ huyện và cắt đặt người lo việc chính trị, kinh lý, thanh sát các việc buôn bán, đo ruộng đất và đặt các thứ thuế đinh, điền, thuyền bè... Không bao lâu, dân Chân Lạp nổi loạn dưới sự lãnh đạo của em Nặc Ông Chân là Nặc Ông Đôn, quan quân địa phương đánh mãi mà không dẹp nổi. Khi vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên nối ngôi, sau một thời gian có nhiều khó khăn qua sự nổi dậy và chống đối của dân Chân Lạp mà Trấn Tây Tướng Quân (Trương Minh Giảng) không dập tắt được, một số triều thần tâu trình vua Thiệu Trị bỏ đất Trấn Tây, cho lệnh rút quân về An Giang. Năm 1841, Trương Minh Giảng về An Giang buồn phiền vì không giữ được thành Trấn Tây nên sinh bệnh rồi mất. Thật ra đây không phải là lỗi của ông mà vua Minh Mạng mới là người chịu trách nhiệm chính qua chính sách thật sai lầm, thiếu sáng suốt là thôn tính, xác nhập Chân Lạp vào Việt Nam. Một di sản để lại nhiều hệ quả ngoại giao tai hại sau này mà người Chân Lạp không quên cho đến ngày nay.

 

Phan Xích Long

Sinh năm 1893, Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh, con của Phan Núi, một người cảnh sát gốc Hoa tại Chợ Lớn. Từ thuở nhỏ Phan Phát Sanh đã tỏ ra là một tay anh chị hảo hán, trừ gian diệt bạo, nhờ đó đã kết nạp rất nhiều đàn em và trở thành đại ca. Tháng 3, năm 1913 (Quý Sửu), "đại ca" Phan Phát Sanh tự xưng Phan Xích Long, tự nhận là Đông Cung con vua Hàm Nghi và tự tôn làm Hoàng Đế cùng với một số đàn em làm cách mạng chống Pháp. Họ chế tạo lựu đạn, trái phá, dán truyền đơn khắp chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây kêu gọi dân chúng nổi dậy. Nhóm hội kín "Thiên Địa Hội" của Phan Xích Long đặt bom ở trụ sở bót cảnh sát, xưởng Ba Son, ở Chợ Lớn, Tân An, Sóc Trăng... đến tận Nam Vang (Cao Miên) làm thực dân Pháp sợ hải trước sự lớn mạnh và bạo gan của phong trào Phan Xích Long.  Chẳng may Phan Xích Long bị bắt tại Phan Thiết cùng một số đồ đệ và. bị xử án chung thân khổ sai về tội khủng bố, phá rối trị an, giam tại nhà lao khám lớn Saigon.

 

Vụ án Phan Xích Long làm chấn động giới anh chị giang hồ mã thượng thời đó. Tháng 3-1916, thừa dịp Pháp đang bị Đức đánh tại mẫu quốc, một số đàn em dưới quyền của Hải Trí mặc áo đen, quần trắng, mang áo giáp da, trang bị bùa chú, tổ chức đánh phá Khám Lớn Sài Gòn để cứu "đại ca". Ban đầu rất nhiều thuyền nhỏ tứ xứ đến đậu chen nhau dưới gầm cầu Khánh Hội, đến ba giờ khuya là khởi sự. Dưới khẩu hiệu “Cứu đại ca”, các đồng đảng thảy đều uống bùa, cổ mang phù chú, tay cầm gươm mác, kéo lên Khám lớn Sài Gòn. Nhưng mã tấu và bùa chú không chống nổi súng đạn, nên ngoài một số bị chết tại trận, hầu như tất cả đều bị bắt, tất cả gồm 56 người. Vài ngày sau 56 "anh hùng" và "đại ca" đều bị xử tử và chôn chung trong một mộ ở Đất Thánh Chà (đường Hiền Vương, Chợ Lớn). Tiếng thơm vẫn còn lưu truyền trong giới giang hồ Chợ Lớn, tầng lớp lao động làm xấu hổ rất nhiều người trí thức, tự nhận làm cách mạng nhưng không có cái can đảm của những tay giang hồ hảo hán, với chí khí “trọng nghĩa khinh tài”, cùng chịu chết chung với nhau chứ không bỏ chạy. Trong dân gian, giai thoại về “tướng cướp” Phan Xích Long là đề tài của nhiều vỡ hát bội, hồ quảng hay cải lương sau này ở miền Nam.

 

Trần Bội Cơ

Trong kháng chiến chống Pháp, người con gái nữ sinh Trần Bội Cơ ở quận 5 (thành phố Hồ Chí Minh), người Hoa gốc Phúc Kiến, đã đấu tranh đòi bãi bỏ lệnh đóng cửa trường ngày 4/5 hàng năm. Chị bị bắt lúc đang diễn thuyết trước đám đông học sinh sau đó bị tra tấn và hy sinh lúc chỉ mới 18 tuổi, ngày 12/5/1950. Chị bị sát hại lúc cô em gái Trần Bội Anh đã về Vĩnh Long. Biết tình hình Sài Gòn bất ổn nên ba của chị, ông Trần Thủy Nam, tức tốc lên Sài Gòn định đón con gái về nhưng không kịp. Tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nam đã ngất xỉu khi thấy thân xác không toàn vẹn của chị. Ngày 2-9-1950, chị được truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2. Sau ngày 30-4-1975, mộ chị được di dời từ Q.11 về nghĩa trang Lạc Cảnh, sau đó về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM.

 

Tổng luận

 

Vùng đất Nam bộ khi mới khẩn hoang lập nghiệp, người Minh hương và người Hoa sau này cũng như dân Việt từ miền Trung vào tìm cuộc sống mới với những cư dân Miên, Mạ đã ở đấy trước đó. Để lại và quên đi những lầm than, sai trái, áp bức ở vùng đất mà họ phải ra đi, lưu dân sống mở vùng đất mới, họ dễ đồng cảm với nhau, không câu nệ và phóng khoáng coi những người cùng hoàn cảnh là anh em, coi vùng đất Nam bộ là quê hương mới. Tất cả coi nhau như anh em và chính thái độ này đã tạo ra phong cách đặc trưng của vùng đất này: thực thà, học hỏi lẫn nhau, phóng khoáng, thực dụng và không câu nệ.

 

Một văn hóa mới đã được sinh ra dựa trên quan niệm và giá trị là mọi người đều bình đẳng không phân biệt với chí khí giúp kẻ cô thế, chống bất công và tinh thần hảo hán anh hùng “trọng nghĩa khinh tài”, không sợ, tiên phong tìm hay thử những cái mới, cái hay có thể áp dụng được làm tăng giá trị hay có lợi trong cuộc sống. Văn hóa Nam bộ đã có những đóng góp to lớn từ người Minh Hương trong nhiều lãnh vực, đúng hơn là con người nam bộ một phần là con người Minh hương.

 

Trong lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị, họ đã có những đóng góp lớn lao và hòa hợp như mọi công dân Việt Nam. Tùy theo từng thời kỳ của lịch sử, sự đóng góp tài năng có lên xuống là do thái độ và chính sách của chính quyền. Đã có những thời kỳ họ bị nghi kỵ và đối xử không công bằng như những đối tượng ngoại vi của cộng đồng dân Việt. Những chính sách sai lầm này là những kinh nghiệm quý báu mà chúng ta nên suy ngẫm và học hỏi.

 

 

Tham khảo

(1)   Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Nxb Trẻ, 2002.

(2)   Vương Hồng Sển, Hơn nữa đời hư, Nxb Trẻ, 2003.

(3)   Cao Văn Lương,  "Vài nét về giai cấp tư sản mại bản ở miền Nam dưới chế độ thực dân mới của Mỹ", Nghiên cứu lịch sử, số 2, tháng 3 và 4, 1976

(4)   Phan An, Trần Đại Tân, Lưu Kim Hoa, Lê Quốc Lâm, “Gáp phần tìm hiểu văn hóa người Hoa ở Nam bộ”, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa-thông tin, 2006.

(5)   Trần Hồng Liên, “Văn hóa người Hoa ở Nam bộ”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2005.

(6)   Nguyễn Cẩm Thúy, Định cư của người Hoa trên đất Nam bộ (từ thế kỷ 17 đến năm 1945), Nxb Khoa học Xã hội, Hà nội, 2000.

(7)   Trần Khánh, Vai trò của người Hoa trong nền kinh tế các nước Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.

(8)   Tsai Maw Kuey, Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Thư viện quốc gia, Paris, 1968.

(9)   Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Xuân Khoang - Phong tục Nam bộ xưa, tục thờ cúng thần thành hoàng tại làng thôn bắc bộ, Nxb Trẻ 1996.

(10) Nguyễn Đức Hiệp, Thăm mộ Trần Thượng Xuyên, http://213.251.176.152:8080/diendan/BanDocVaZD/thu-ban-111oc-15-1.2007/

(11) Dương Đức Dũng, Những gương mặt tỷ phú Saigon trước năm 1975, Nxb Trẻ

(12) Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê - Trần Khuê, SàiGòn Gia Định qua thơ văn xưa, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

(13) Huỳnh Minh, Gia Định xưa, Nxb Văn Hóa-Thông Tin, 2007.

(14) Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam Kỳ, http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=2346&LOAIID=17&TGID=567

(15) Lại Nguyên Ân, Một cuộc thảo luận về sách giáo khoa tiếng Việt trên báo chí Sài Gòn 1929–1930, Talawas 2006, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8049&rb=06

(16) Nguyễn Thị Hậu, Đi tìm quá khứ Sài Gòn, Xóm Lò Gốm xưa, http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=5238&LOAIID=18&LOAIREF=5&TGID=1046.

(17) Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ: Trương Văn Bền: nhà kỹ nghệ không bằng cấp kỹ sư, http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nnntn1n31n343tq83a3q3m3237nnn0n

(18) Li Tana, P. Van Dyke, Canton, Cancao and Cochinchina: New data and new light on eighteenth-century Canton and the Nanyang, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol.1, 2007, p.10-28.

(19) Bình Nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9922&rb=08

(20) Vương Trí Nhàn, Ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa trong sự hình thành tiểu thuyết Việt Nam trước 1930 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8433&rb=0102

 

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 6092
Ngày đăng: 15.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miếu Bà ở Côn Đảo thờ ai ? - Đinh Văn Hạnh
250 năm thành lập Đông Khẩu đạo : một dấu ấn lịch sử của Sa Đéc - Nguyễn Hữu Hiệp
Rời khỏi địa đàng hay hành trình chiếm lĩnh trái đất - Hà văn Thùy
Làng Hòa Hảo ,kiên trì và duyên cách- đại nét từ tiên thân đến hóa thân - Nguyễn Hữu Hiệp
Thử "bào chữa" cho Hoàng đế Lê Long Đĩnh - Hoàng Hải Vân
Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam :Trung Quốc bất chấp lẽ phải, chà đạp lên sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. - Nguyễn Nhã
Danh nhân Việt Nam : TRẦN NHÂN TÔNG (1247-1308) : Minh quân và đạo sĩ - Nguyễn Đức Hiệp
Lời cáo chung cho thuyết Aurousseau về nguồn gốc người Việt - Hà văn Thùy
Đô thị Sài Gòn – Một góc nhìn - Nguyễn Thị Hậu
Trần Nhật Duật (1254 - 1330) : Danh tướng và vương tử tài hoa - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)