Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.106
123.142.614
 
Trao đổi với Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh
Hà văn Thùy

Cảm ơn Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh đã đọc cuốn sách của tôi và cho những nhận xét chân thành.

Là kẻ hậu sinh, tôi được thừa hưởng nhiều thành quả nghiên cứu từ Phó giáo sư cùng đông nghiệp của ông. Việc giới khảo cổ Việt Nam đi sâu nghiên cứu thời Hùng Vương, đưa thời đại này từ trong truyền thuyết trở thành chính sử là cống hiến lớn cho văn hóa dân tộc. Việc khẳng định nguồn gốc bản địa của văn hóa Sa Huỳnh cũng nói lên tiếng nói độc lập của giới khoa học nước nhà... Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm tưởng rằng, những gì làm được chưa tương xứng với đòi hỏi của dân tộc. Và cũng có cảm nhận là về phương diện này, chúng ta  chậm lụt so với thế giới.

Từ suy nghĩ thực lòng và trách nhiệm, tôi xin thưa lại đôi lời

 

I. Về nguồn gốc và sự di cư của loài người.

Phó giáo sư viết: “Ngày nay tư liệu về cổ nhân cũng như khảo cổ đều cho thấy trên châu Âu, Nam Á, Đông Nam Á, Bắc Á đều phát hiện di cốt của cả một quá trình biến diễn từ Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) qua Người hiện đại cũ (Homo sapiens) sang Người hiện đại mới (Homo sapiens sapiens). Những tư liệu đó cùng với tư liệu khảo cổ cho thấy ngay từ thời tối cổ cũng không hề có một dòng thiên di từ châu Phi qua Nam Á rồi sang Đông Nam Á, từ đây lại chuyển lên phía bắc. Có thể trước đây có một vài người theo thuyết một nguồn gốc nêu lên như vậy, nhưng những phát hiện ngày nay đã khác.”

Đúng là cho tới những năm 70 thế kỷ trước, khi thuyết Đa trung tâm thắng thế, ý tưởng trên thống trị cộng đồng khoa học thế giới. Thuyết này cho rằng: con người sinh ra tại nhiều nơi trên trái đất rồi tuần tự tiến hóa trở thành người hiện đại. Nhưng tới cuối thê kỷ, với những phát kiến mới nhờ công nghệ di truyền, đại đa số trong cộng đồng khoa học rời bỏ thuyềt trên, ủng hộ thuyết Một trung tâm. Thuyết này cho rằng: Loài người được sinh ra ở Đông Phi, khoảng 160.000 năm trước, từ người đàn ông duy nhất và 3 người đàn bà, cho ra 3 đại chủng: da đen, da trắng, da vàng.

Những công trình nghiên cứu của Specer Wells vẽ ra Bản đồ thiên di của loài người (Human migrations) cho thấy, khoảng 85.000 năm trước có cuộc di cư của người hiện đại từ châu Phi sang Trung Đông rồi lan ra khắp thế giới. Khoảng 70.000 năm trước, có một nhóm từ Trung Đông về hướng đông, băng qua Ấn Độ, Pakistan, theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam.

Song song với S. Wells, những nhà di truyền Trung Quốc và Mỹ trong Dự án Đa dạng di truyển người Trung Quốc (Chinese Human Genome Diversity Project) do Y. Chu dẫn đầu, phát hiện con đường phương nam của người hiện đại tới Việt Nam sau đó lên Trung Quốc  rồi vượt eo Bering sang châu Mỹ. Công trình này được công bố ngày 29. 9. 1998 đã gây chấn động giới khoa học Mỹ. Từ đó tới nay chưa có ai phản bác.

Cũng những năm 70 thế kỷ trước, thịnh hành quan điểm cho rằng, người Neanderthals, đại diện của Người đứng thẳng Homo erectus, là tổ tiên của người da trắng châu Âu. Nhưng sau đó, bằng công nghệ gene, người ta biết được, Neanderthals tuyệt chủng 24.000 năm trước, nhiều lắm cũng chỉ là anh em họ với người châu Âu hiện đại.

Như vậy, những điều Phó giáo sư nói trên không còn phù hợp nữa.

 

 2. Về nguồn gốc và văn minh Việt

Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh viết: “Qua đó có thể nói nguồn gốc dân tộc Việt Nam là từ cư dân bản địa đã sinh sống lâu đời trên đất nước ta. Cư dân này trong thời đại đá mới là ngươì Melanesien và Indonesien thuộc loại hình Mongoloid phương Nam. Sang thời đại kim khí do sự cộng cư hoà đồng cùng cư dân Hoa Nam tràn xuống, yếu tố Mongoloid ngày càng đậm thêm thành chủng người Nam Á”

 

Phát biểu của PGS thể hiện quan điểm của thuyết Đa trung tâm. Nhưng muốn vậy, cần rất nhiều chứng minh.

Câu hỏi trước hết: Ai là tổ tiên những người Indonesien, Melanesien ấy? Theo logic của Phó giáo sư thì đó là Người vượn Núi Đọ có mặt 300.000 năm trước! Muốn chứng minh điều này, phải phát hiện hàng loạt hài cốt những lớp người nối tiêp nhau cho tới người Sơn Vi 30.000 năm cách nay. Đó là điều không có và không thể có bởi lẽ, cũng như người Bắc Kinh, Java, người Núi Đọ là người H. erectus đã tuyết chủng, không dây mơ rễ má gì với H. sapiens. Khoa học đã xác minh được rằng, những người trên cũng từ châu Phi di cư tới. Hiện cũng chưa tìm được mối liên hệ trực tiếp giữa H. erectus và người hiện đại.

 

Ở đây Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh đã có sự lầm lẫn đáng tiếc. Người Melanesien, Indonesien không thuộc loại hình Mongoloid phương Nam. Trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á (H.1983), tác giả Nguyễn Đình Khoa nói rất rõ: “Vào thời Đá Mới, dân cư Việt Nam thuộc loại hình Australoid. Sang thời Đồng-Sắt, yếu tố Mongoloid xuất hiện và trở thành chủ thể trong dân cư. Yếu tố Australoid mất dần đi, hoặc do thiên cư hoặc do đồng hóa.” Điều này năm 2005 M. Oxenham, giáo sư Đại học Quốc gia Australia, khi khảo sát 30 bộ hài cốt của di chỉ Mán Bạc, một lần nữa xác nhận.

Tác giả Nguyễn Đình Khoa cũng cho thấy, người tiền sử Việt Nam bao gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết tạo ra 4 chủng: Inđonesien, Melanesien, Negritoid và Vedoid. Tất cả đều thuộc loại hình Australoid. Và Nguyễn Đình Khoa, sau đó M. Oxenham đã chứng minh, cuộc Mongoloid hóa thành chủng Mongoloid phương Nam ổn định vào trước 2000 năm TCN.

Bằng so sánh hình thái sọ, khoa cổ nhân học đưa ra nhận xét chính xác đó nhưng chưa thể trả lời: nguyên nhân nào dẫn tới sự thay đổi như vậy?

 

- Về câu: “Những tư liệu trên cho thấy không có một dòng thiên di lớn từ vùng Đông Nam Á lên miền Bắc Trung Quốc trong lịch sử”

 

Thưa Phó giáo sư, đó là giới hạn của tri thức nhân loại cho tới gần cuối thế kỷ XX. Những phát kiến mới đây nhờ công nghệ gene, cho ra bức tranh khác hẳn: đợt di cư đầu tiên, người tiền sử đã tới Đông Nam Á. Sau khi dừng lại 30.000 năm để hòa huyết, tăng nhân số, người từ Đông Nam Á đi lên khai phá đất Trung Hoa rồi vượt eo Bering sang châu Mỹ. Khoảng 8000 năm cách nay, trong cơn Đại hồng thủy, người Đông Nam Á lên Trung Hoa còn nhiều hơn.

 

- Về câu: “Trên vùng sông Dương Tử và luu vực Hoàng Hà không hề có dấu tích văn hóa Hòa Bình.”

Đấy là lầm lẫn đáng tiếc của nhà khảo cổ. Năm 1921, khi phát hiện di chỉ Ngưỡng Thiều, nhiều người cho rằng đó là dấu tích lan tỏa của văn minh phía Bắc xuống phía Nam qua Long Sơn. Nhưng ngay từ năm 1932, Hội nghị Khoa học về Tiền sử Viễn Đông đã khẳng định: “Văn hóa Ngưỡng Thiều và cả Long Sơn đều là từ Hòa Bình sớm đi lên.” Tiếp đó, suốt thế kỷ trước, hàng loạt chứng tích văn hóa Hòa Bình mà tiêu biểu là chiếc rìu có vai được tìm thấy trong lòng đất lưu vực Hoàng Hà, Dương Tử.

 

Về câu: “Trong giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên mở đầu thời Tiền Đông Sơn (khoảng 4000 – 3500 năm trước) cư dân Phùng Nguyên mới biết đến kỹ thuật luyện đúc đồng thì thời Thương họ đã đúc được những chiếc đỉnh đồng nặng tới 700kg.”

Theo nhiều tài liệu được công bố thì hiện vật đồng thau sớm nhất tìm được ở Việt Nam là tại Phùng Nguyên, có tuổi 1850 năm TCN, còn ở Trung Quốc là tại Anyang (An Dương) vùng Sơn Tây, niên đại 1300 năm TCN. Chính các chuyên gia khảo cổ học thế giới xác nhận, đồ đồng được phát sinh trước ở Việt Nam rồi từ đây đưa lên Trung Hoa.

 

Một câu khác: “Trên đất Sơn Đông làm gì có dân Việt Nào.”

Điều này trái với thực tế. Đấy chính là người Đông Di theo cách gọi của các thủ lĩnh Hoa Hạ. Các sử gia Trung Hoa như Chu Cốc Thành và Vương Đồng Linh cũng cho rằng: “người Việt theo sông dương tử xuống đồng bằng Hoa Nam rồi men theo duyên hải lên khai phá vùng Hoa Bắc, làm chủ cả 18 tỉnh nước Tàu trước khi người Hán kéo xuống.” Như vậy không thể không có người Việt ở Sơn Đông. Đấy chính là trung tâm quan trọng của người Việt.

 

Về câu:“khoảng 40.000 năm trước người Việt chưa hình thành, vì lúc này con người đang trong giai đoạn cuối để hoàn thành quá trình hình thành con người về mặt sinh học và bắt đầu hình thành các đại chủng, cư dân sinh sống trên miền trung và bắc Việt Nam lúc bấy giờ chưa phải là người Việt.”

Quả thực, tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà Phó giáo sư nói như vậy. Theo chỗ tôi biết thì chưa hế có chứng cứ nào xác nhận điều này.

Những tài liệu công bố gần đây như Ánh sáng mới trên quá khứ bị lãng quên của G. Solheim II, Địa đàng ở phương Đông của S. Oppenheimer và nhất là công trình của nhóm giáo sư Y. Chu đưa ra thông tin khác hẳn: Tới Việt Nam, Homo sapiens từ giã thời đại Đá Cũ, bước vào thời Đá Mới với những dụng cụ đá mài tinh xảo mà đỉnh cao là chiếc rìu đá có vai. Những nhóm người từ Việt Nam, từ Đông Nam Á vượt hàng vạn cây số tới châu Úc, châu Mỹ không thể là con người chưa hoàn thành về mặt sinh học. Cũng không như Phó giáo sư nói, lúc này không phải bắt đầu hình thành các đại chủng mà là tại đất Việt, hai đại chủng từ châu Phi tới, hòa huyết tạo ra cộng đồng người Việt. Lên Trung Quốc, do sống trong hoàn cảnh địa lý khác nhau, bốn chủng này phân ly thành Bách Việt.

 

Về câu: “lúc này cả thế giới, chứ nói gì đến người Việt đã làm gì có nông nghiệp, mà lại là nông nghiệp trồng lúa nước.”

 

Quả là ở đây tôi viết gộp lại nên gây hiểu lầm. Ở chỗ khác, tôi nói rõ: “Lúc đầu người Việt mang rìu đá đi mở đất, sau đó từ Hòa Bình đưa lên giống lúa, giống gà, giống chó…” Về thời điểm hình thành nông nghiệp, có nhiều ý kiến khác nhau. Việc chưa tìm ra hạt lúa sớm nhất ở Việt Nam không có nghĩa Hòa Bình không là trung tâm nông nghiệp sớm nhất của nhân loại. Về việc này, S. Oppenheimer là người đi xa hơn cả, trong cuốn sách đã dẫn, ông cho nông nghiệp lúa nước hình thành tại Đông Nam Á khoảng 24.000 năm trước! Nói người Hòa Bình không có nghĩa chỉ là người ở Hòa Bình mà là chủ nhân của nền văn hóa này. Đó là những người Indonesien, Melanesien… sống ở đồng bằng Sundaland, Hainanland. Khi nước dâng vào khoảng 20.000 năm trước, đã di cư lên Hòa Bình. Sau này khi hai đồng bằng trên bị ngập, khoa học chỉ biết tới hậu duệ của họ là Hòa Bình.

 

3. Đôi điều về phương pháp luận

Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh viết: “Theo tôi để giải quyết vấn để trên thì tư liệu cổ nhân học và tư liệu khảo cổ học là hai nguồn tư liệu quan trọng nhất, còn các tài liệu khác chỉ là góp phần tham khảo, nó chỉ thật sự có giá trị khi có sự phù hợp giữa chúng với hai loại tư liệu trên.”

 

Đúng như ý kiến Phó giáo sư, cổ nhân học và khảo cổ học từng là hai khoa học có vai trò quyết định giúp con người tìm lại quá khứ. Có thể nói, tri thức về tiền sử của chúng ta có được như hôm nay, phần quan trọng là nhờ đóng góp của hai ngành khoa học này. Nhưng cũng có sự thực là, trong nhiều vấn đề nhạy cảm, cần tiếng nói quyết định, hai khoa học trên tỏ ra bất lực! Nhiều câu hỏi bức xúc còn bị treo đó. Xác định quan hệ của Neanderthals với người hiện đại hay nguyên nhân biến mất của Australoid trên địa bàn Đông Nam Á… là những vấn đề nhiều thập niên thách đố khoa học!

Chính vì vậy, công nghệ di truyền được sử dụng vào lĩnh này.  Tìm ra mã di truyền chứa trong vật mẫu rồi thống kê chúng bằng sự chính xác toán học để phân nhóm, công nghệ gene trở thành cây gậy thần bắt từng mảnh xương, từng chiếc răng vốn lặng câm bí ẩn phải “khai” ra thân phận thực của mình! Từ đó khoa cổ nhân chủng học tiến những bước rất xa, giải đáp hầu hết những vấn đề mà khoa cổ nhân học cũ phải bó tay. Có thể nói, ngày nay, bất cứ một phát hiện nhân chủng học nào nếu không được công nghệ gene kiểm định sẽ chưa mang ý nghĩa khoa học.

 

Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh viết: “do có nhiều tư liệu như di truyền học hiện đại tôi gần như không có tư liệu nên chỉ xin nêu lên một số vấn đề quanh cội nguồn dân tộc và văn hoá Việt mà thôi.”

Như vậy, Phó giáo sư và tôi không cùng phương pháp luận. Cuốn sách của tôi cơ bản dựa trên thành quả mới nhất của công nghệ di truyền mà tôi may mắn nhận được từ cộng đồng khoa học thế giới, trong đó có đóng góp của người Việt ở nước ngoài. Không cùng phương pháp luận nên không hiểu nhau là chuyện bình thường trong khoa học.

Dù sao tôi cũng xin cám ơn Phó giáo sư đã góp những ý kiến chân thành.

                                                 
Sài Gòn, 24. 9. 2007

 

* Ở đây xin viết tóm lược. Muốn tìm hiểu thêm, xin vào talawas.org, vannghesongcuulong.org và havanthuy.ourprofile.net

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4350
Ngày đăng: 20.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩ ngợi đôi điều nhân đọc thơ của một nghệ sĩ sáo trúc - Trần Xuân An
Cuốn sách nhỏ bàn vấn đề lớn - Hoàng Xuân Chinh
Thưa chuyện với sử gia Tạ Chí Đại Trường - Hà văn Thùy
Nỗi Niềm Nắng Và Mưa - Lê Huỳnh Lâm
Hiện tượng thơ Tôn nữ Hỷ Khương - Hà văn Thùy
Những vần thơ in bóng quê nhà - Lê Huỳnh Lâm
Xích lô hành chở gió vào cõi thi ca - Lê Huỳnh Lâm
Mạn đàm về sứ mệnh nhà văn :Trao đổi cùng Nguyễn Huy Thiệp, tác giả Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn, 2006. - Thanh Hoa
Hồn Mai trong vườn Huế - Lê Huỳnh Lâm
Cảnh Trà :Người với thơ , thơ với người - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)