Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.224
123.161.584
 
Cuộc “đấu khẩu” thơ Bùi Chí Vinh - Phan Hoàng
Thu Trân

Tháng giêng có ngày rằm Nguyên tiêu, cũng là Ngày Thơ Việt Nam. Nhân “ngày của mình”, hai nhà thơ Bùi Chí Vinh và Phan Hoàng đã có cuộc “đấu khẩu” về thơ và đời sống văn nghệ hiện nay tại một quán cà phê “cóc” trước văn phòng Người đương thời, mà nhà văn Thu Trân tình cờ trở thành cầu nối và ghi lại, còn hoạ sĩ Cận “chộp” hí hoạ…

 

Nhấp ngụm cà phê sữa, nhà thơ Bùi Chí Vinh (BCV) ngậm ngùi:

Thi ca cũng hệt như bóng đá

Hạng A thưa hạng B dày

Làm thơ cả nước gần trăm triệu

Trở thành thi sĩ đếm đầu tay…

Nhà thơ Phan Hoàng (PH) chuyên “trị” cà phê đen đá, cũng không vừa:

Hình như có trường thơ cổ điển

Đang bước đi mà chết tự bao giờ

Hình như có trường thơ hậu hiện đại

Đang tốc hành mà vẫn trong mơ…

* Nhà văn Thu Trân: Nghe anh Bùi Chí Vinh đọc thơ Quậy ắt hẳn anh đang tâm trạng…

 - BCV: Tâm trạng thì đầy nhưng ý bạn muốn nói tâm trạng với cái vụ gì?

* Nghe ngóng thời tiết thi ca đương đại chẳng hạn!

- BCV: Tôi nghe có mùi “tham nhũng” và “hối lộ”. Bạn ngạc nhiên ư? Bởi mọi thứ nghe ra tuồng như toàn chữ nghĩa! Cụ thể hơn là việc hình thành những băng nhóm để rỉ tai nhau, tâng bốc nhau. Người “tham nhũng” là người có quyền đưa những tác phẩm trình làng và hướng mọi thứ theo một lập trình có sẵn. Người “hối lộ” là người yếu kém năng lực cho nên sẵn sàng chịu tai tiếng, tiến dần đến tăm tiếng để mà nổi tiếng. Nói chung đấy là một trò đùa văn chương!

* Và tất nhiên, những trò đùa này cũng có vùng cấm, đúng không anh Phan Hoàng?

- PH: Anh Bùi Chí Vinh hay trầm trọng hoá vấn đề, nhưng anh có cái lý của anh. Đúng là đời sống văn chương nói chung và thi ca nói riêng đang có nhiều giá trị ảo, chạy theo hư danh, thêu dệt tài năng lẫn nhau một cách “siêu thực”. Người cầm bút có tài cần được sự đồng cảm, khuyến khích chứ không cần tâng bốc. Tác phẩm có giá trị đích thực sẽ làm nên thương hiệu của họ và sẽ ở lại lâu bền với bạn đọc. Chủ nghĩa bè phái sẽ giết chết văn chương. Ấn tượng cá nhân cực kỳ quan trọng với những ai dấn thân vào con đường chữ nghĩa. Trong xô bồ những người nhân danh chữ nghĩa hiện nay, tôi cũng bắt gặp không ít những con sư tử độc hành đáng trân trọng!

* Những “sư tử độc hành” đứng bên ngoài đời sống thi ca?

- PH: Không đúng, thời nào thi ca cũng có đời sống riêng nên bằng cách này cách khác các tác phẩm có giá trị đều có cơ hội xuất hiện. Ở thời đại bùng nổ thông tin hiện nay thì việc công bố tác phẩm càng dễ dàng hơn. Những “con sư tử độc hành” thi ca lặng lẽ mà dữ dội, âm thầm mà độc đáo. Họ hơn hẳn những “con chim bầy đàn” không có gì ghê gớm mà được PR (public relation) liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, đó là một công nghệ, phải không anh Bùi Chí Vinh?

- BCV: Đúng vậy! Tôi cho rằng, công nghệ này được thực hiện bởi những “cai thầu văn nghệ”. Với chút ít quyền lực và khả năng, những “cai thầu” này có thể biến có thành không, biến không thành có. Trong tay họ, một cây bút thuộc hạng thường thường bậc trung cũng có thể trở thành “hiện tượng”. Tất nhiên, “bánh sáp đi thì bánh qui lại”. Hai bên cùng làm một công việc nhưng mục đích không giống nhau là chuyện thường!

* Trong dòng “văn học mạng” đang nở rộ hiện nay, hẳn những “cai thầu văn nghệ” như anh nói có… tha hồ đất sống?

- BCV: Phè phỡn nữa là khác! Internet là mảnh đất màu mỡ cho đám “cai thầu”… dụng võ. Trước sự lừa mị béo bở này, nhiều nhà văn nhà thơ (cả thật và giả) đã bị ru ngủ, vô hình trung trở thành phương tiện cho chúng tung hoành. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ xảy ra với những kẻ không kiểm soát được mình. Xét về mặt khác, mảnh đất internet cũng là nơi để những nhà văn nhà thơ đứng đắn nói lên tiếng nói của mình…

* Anh Phan Hoàng hình như cũng “khoái” internet?

- PH: Internet là phương tiện cần thiết. Người cầm bút nên biết tận dụng nó để đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc, chứ không nên lợi dụng để thoả mãn những ý đồ cá nhân đen tối.

* Còn tình hình thơ trẻ khá rầm rộ hiện nay, các anh nhìn nhận ra sao?

- BCV: Khó mà nghĩ được tường tận, thấu đáo. Tư tưởng riêng thì các nhà thơ trẻ đã ký thác trên blog hoặc trong các file tại gia. Còn trên các báo, đài, tạp chí… người ta thường lớn tiếng với nào là hậu hiện đại, tân hình thức. Tôi chỉ xin khẽ nhìn một chút vào nội dung để thấy thơ bây giờ (cả già lẫn trẻ) dường như lẩn tránh; ý tưởng thường thiên về tình yêu, về các thú tiêu khiển và những vấn đề vô thưởng vô phạt. Cái cần phải tuyên chiến, đối mặt thì không được gọi tên. Thơ dường như đang mất lửa…

Dù thế nào chăng nữa, “mảnh đất siêu cường thơ” Việt Nam vẫn không ngừng sản sinh ra hàng hàng lớp lớp thi sĩ. Và trong đó xuất hiện không ít những nhà thơ trẻ, giỏi, lanh lợi, khôn ngoan hơn thế hệ làm thơ sắp già như chúng tôi. Họ biết tránh con đường chông gai mà chúng tôi đã đi qua để chọn một điểm đến an toàn hơn.

- PH: Tôi cho rằng mấy mươi năm qua có nhiều nhà thơ trẻ tài năng đã xuất hiện, nỗ lực cách tân thơ. Tuy nhiên, có điều không hiểu sao ít có nhà thơ khẳng định được giá trị của mình bằng những tác phẩm lớn, để rồi “mầm xanh nối tiếp mầm hy vọng- xác chữ vô biên thần chữ vô tình”. Chẳng biết do môi trường sống, điều kiện sáng tạo hay do họ không nỗ lực hết mình, đi đến tận cùng với thi ca?

* Điểm qua đời sống các “nhà thơ ngôi sao trẻ”, trong một chừng mực nào đó, đã xuất hiện một lớp nhân vật gọi là “tương kế tựu kế lẫn nhau” mà trong đó các “nhà thơ ngôi sao trẻ” là nhân vật chính. Sự tương kế tựu kế này gây phản cảm cực kỳ trên thi đàn…

- BCV: Những nhà thơ ngôi sao trẻ này thực ra là những người trẻ có học thức, tri thức và văn hoá, nhưng cái tật trong họ đôi khi lấn át cái tài nên họ thường huyễn hoặc và hoang tưởng, dẫn đến chuyện sống buông thả. Có thể họ cần nổi tiếng nhanh, nhưng tác phẩm làm “tín chấp” không bảo đảm bằng chuyện được các “cây đa, cây đề” lăng-xê bằng mọi cách và trả bằng mọi giá! Bên cạnh đó cũng có các “sao thơ” tai tiếng vì lối sống thác loạn, khác người- dù thơ của họ chưa đủ là chứng chỉ để bước vào nghề. Thơ là một cuộc chơi cần sự nghiêm túc, ý tưởng thơ phải được thể hiện bằng ngôn ngữ đẹp…

- PH: Ngôi sao hay siêu sao thơ là… ảo. Chỉ có nhà thơ tài năng và nhà thơ bất tài. Mà khi đã bất tài, lại còn lười biếng lao động chữ, họ cố tình tung hoả mù bằng đủ thứ trò kệch cỡm để mọi người biết đến mình. Thật lố bịch. Thơ trẻ tự đánh mất sự hồn nhiên. Ngoài những giá trị ảo, rác rưởi, hư danh, tôi thấy có nhiều nhà thơ trẻ bây giờ đang không ngừng tìm kiếm, làm mới cả hình thức lẫn nội dung thơ. Nghĩa là họ sống và sáng tạo một cách đàng hoàng, thăng hoa, có trách nhiệm với mình, với thơ. Và tôi hy vọng ở họ.

* Rằm tháng giêng có Ngày Thơ Việt Nam, các anh có thích không khí chữ nghĩa hội hè đình đám như những lần đã qua?

- BCV: Trang trí cho thơ bằng các hoạt động hội hè đình đám như mở sân khấu đọc thơ, giới thiệu thơ, bán đấu giá thơ, phân công mỗi nhà thơ được trình làng bao nhiêu bài thơ trước công chúng… là không thích hợp với sự quy phái, sang trọng của thơ. Có lẽ phải thay đổi mọi thứ, bắt đầu từ ý tưởng của những người sáng lập ra Ngày Thơ Việt Nam.

- PH: Tôi thì nghĩ khác. Ngày Thơ Việt Nam là cần thiết cho các nhà thơ và người yêu thơ, để họ có dịp gặp gỡ, trò chuyện, đối thoại lẫn nhau. Có những bạn thơ sống cùng thành phố, vì nhiều lý do khác nhau, cả năm trời không gặp mặt. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách tổ chức thế nào cho… thơ. Thơ thiên về cái đẹp nội tại, cái đẹp tri thức. Nhà thơ khác với ca sĩ, diễn viên điện ảnh hay sân khấu cải lương tuồng chèo. Không nên quá thiên về trình diễn, quảng cáo. Càng không nên làm “cho có” để lấy lòng, lấy điểm ai đấy…

* Xin thắc mắc một câu lạ: làm thơ bây giờ có sống được không thưa hai anh?

- BCV: Đã bảo là lạ mà sao cứ hỏi cac cớ? Xưa nay, làm thơ có bao giờ sống được, nhưng bây giờ nếu chịu khó làm thơ là lạ mới mới cũng bán được, chứng tỏ cũng có những người chịu khó nghe ngóng thơ. Ví dụ như hai tập Thơ đờiThơ tình của tôi mới in đã bán hết veo một ngàn bản. Tôi đang tập hợp, sắp xếp, chuẩn bị in những tập tiếp theo. Tuy nhiên, tôi không sống nhờ thơ mà sống bằng nhuận bút viết truyện nhiều tập cho thiếu nhi và kịch bản phim. Tôi đang đi làm phim ma với anh Nguyễn Chánh Tín. Làm rồi mới thấy phim ma và thơ đôi khi cũng có sự đồng điệu: cái thật bên trong sư mờ ảo!

* Còn anh Phan Hoàng, sau hai tập thơ Tượng tình (1995) và Hộp đen báo bão (2000) sao không thấy anh trình làng tập mới nào, mà chỉ loay hoay với tờ Người đương thời?

- PH: Tôi không làm được nhiều thơ như Bùi huynh. Cảm hứng thì luôn tuôn trào nhưng viết ra quá ít. Đúng là đã 8 năm rồi tôi chưa in tập thơ mới nào. Thật thất vọng với chính mình. Nhưng tôi vẫn kiên trì sáng tác, tự đổi mới thơ mình, dự định năm nay sẽ in tập thơ thứ 3 sau 20 năm gọi là “làm thơ chuyên nghiệp”. Thơ với tôi là cuộc chơi lâu dài và nghiêm túc. Tôi làm báo để sống để làm thơ viết văn. Đối với tôi bất kỳ công việc nào đã lao vô rồi là cũng hết sức tâm huyết, hết mình. Thơ cũng vậy, báo chí cũng vậy, trước đây là tờ Kiến thức ngày nay và bây giờ là Người đương thời.

BCV: Rõ ràng sau những bước chập chững khó khăn ban đầu, tờ Người đương thời ngày càng khởi sắc, được anh em giới văn nghệ, trí thức đánh giá cao, chỉ mong sao nó được phát hành đến với đông đảo bạn đọc hơn. Tôi cũng mong được đọc trên Người đương thời nhiều bài thơ hay, những ý kiến thẳng thắn về thơ của đồng nghiệp.

* Xin cảm ơn anh. Sau các chuyên đề phản ánh “loạn” mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, giáo dục, văn học,.. được bạn đọc ủng hộ, hy vọng qua chuyên đề “loạn” thơ kỳ này tờ Người đương thời sẽ góp phần làm cho đời sống thơ và Ngày Thơ Việt Nam đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

(Theo Người đương thời 20)

 

Ảnh: Hai nhà thơ Bùi Chí Vinh- Phan Hoàng qua nét hí hoạ của Hs. Cận

Thu Trân
Số lần đọc: 2738
Ngày đăng: 21.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuân trong ta - Trần Kiêm Ðoàn
thơ rơi có cần phải được nghiên cứu ? - Khaly Chàm
Đừng quên những bài học trong quá khứ ! - Triệu Xuân
Đọc Bình Ngô đại cáo - Đặng Thân
Tập bút ký của một nhà khoa học nữ - Huỳnh Như Phương
Tiểu thuyết&tiểu thuyết đầu tay (1) - Lê Anh Thu
Ngày xuân nói chuyện văn hóa ẩm thực :Của mắm và..đời - Triệu Xuân
VĂN HỌC VIỆT NAM 2007: Nhộn nhịp,sôi động và sẵn sàng cho cuộc khai phóng - Inrasara
Truy tìm gốc tích cây Kê - Hà văn Thùy
TẢN ĐÀ: Ôi Thôi... Bức Dư Đồ Rách Ai Bồi ? - Lê Xuân Quang