‘Lộc’ đầu năm được chính tác giả ký tặng tập thơ là món quà hết sức quý đối với nhiều người. Điều quý hơn nữa, tác giả lại dành tâm huyết khắc họa chân dung văn học bằng thơ. Tác giả đó không ai khác chính là nhà thơ Hoài Anh qua tập “Hòa mạng” vừa ấn hành.
Tự nghĩ năm nay bảy chục tròn
Bưởi bòng đã chín mít còn non
Thanh hương vẫn thoảng ngọc thường vắng
Vùng nhớ ghi hình một dáng son
Điều thú vị là bài thơ được Hoài Anh ứng tác như trong Lời tác giả mà ông tâm sự: “Bài thơ Bẩy chục tròn là bài cuối cùng của tập 3, tôi ứng tác trong ngày Nhóm Văn chương Hồn Việt tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ Bẩy mươi của tôi, tại Làng Bưởi Tân Triều, ngoại ô thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngày đó tôi vô cùng vui sướng! Bạn hữu thân thiết trong Nhóm Văn chương Hồn Việt khiến tôi như trẻ lại…”.
Điều thú vị hơn nữa, những gương mặt văn nghệ sĩ nữ tham dự hôm ấy được ông đưa vào thơ: Thanh hương (Ngô Thanh Hương, biên tập viên NXB Văn học), ngọc thường (nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan), dáng son (nữ nhạc sĩ, ca sĩ Giáng Son). Ứng tác nhanh, là lối chơi thơ trí tuệ mà cha ông ta ngày trước thường chơi trong lúc đối ẩm, uống rượu, đánh cờ… Qua bài thơ càng thấy sự thông minh, trí tuệ của Hoài Anh là nhạy bén và hết sức tinh tế.
‘Hòa mạng’ (NXB Văn học, 2007) với 122 bài thơ được chia làm ba phần khắc họa bằng những trải nghiệm của chính tác giả khi được sống gần gũi với các tác giả hay được đọc và thẩm thấu tài năng của từng nhân vật. Làm thơ kiểu khắc họa chân dung văn học, nhân vật này thành công ở nước ta rất hiếm. Phải có tài và có tâm thật sự mới dễ làm người đọc nắm bắt được cái thần của những bài.
Phần I: Thông số tâm linh với 61 bài, Hoài Anh khắc họa từ những nhân vật sinh ra giòng gióng Tiên Rồng, khai hoang mở đất đến phong tục tập quán giữ gìn bờ cõi bước từ truyền thuyết, cổ tích, huyền thoại: Âu Cơ, Tiên Dong, Bánh chưng Lang Liêu, Dưa hấu An Tiêm, Ông Dóng, Sơn Tinh, Mỵ Châu cho đến những nhân vật lịch sử, văn học trung đại: Lý Thái Tổ, Dương Vân Nga, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương… cho đến cả những nhà văn, nhà thơ hiện đại: Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Thu Bồn…
Với chỉ một nhân vật điển hình Chí Phèo, Hoài Anh đã tổng kết được được văn của Nam Cao:
Tênh hênh tàu chuối ưỡn cao
Gió đang động cỡn thộc vào vườn trinh
Không gian giãy đạp thình thình
Rớt sinh một gã trời sinh Chí Phèo
Đại Hoàng đêm vắng thôn gnhèo
Từ đây thiên hạ nhìn theo trầm trồ
Bát cháo hành ả ngây ngô
Giải oan cho kiếp hung đồ phục sinh.
Với Nguyễn Bính, Hoài Anh viết về cái chết của ông:
Anh ngã xuống làn ao nước nông
Ôi giời! Gió lạnh thế tàn đông
Đôi bên tường mới lên câu đối
Ai khóc tương tư giữa giấy hồng
Làng xóm võng anh lên trạm xá
Qua bờ giậu ruối
Những ao chuôm
Đồng quê thở giữa trang anh viết
Một cánh buồm nâu… một cánh buồm…
Tiếng chim dìu đạt ru anh ngủ
Như mẹ hời ru tự thuở nào
Phút ấy hồn thơ theo cánh bướm
Lên trời đã rấm một vì sao
'Với thơ, tôi gắn bó, đam mê đến trọn đời'
Cùng Triệu Xuân, Hoài Anh tổng kết đời văn bằng những tác phẩm tâm đắc của Triệu Xuân:
Nổi chìm dòng xoáy văn chương
Lòng như giấy trắng không vương bụi đời
Đến cùng trả giá cuộc chơi
Cõi mê đánh thức bao người trầm luân
Sóng lừng còn triệu mùa xuân
Góp công mở đất dấn thân chiến trường
(Những chữ in nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân).
Phần II: Nhật ký làng quê gồm 22 bài viết về Cha, mẹ, ông, bạn ở cái làng quê thuở thiếu thời của ông:
Đọc ‘Viếng anh Bản’ bằng những động từ ‘toạc’, ‘húc’ mới thấy những câu thơ ‘rợn’ người:
Nghe anh trâu húc chết trên đồng
Tôi trở về quê giữa giấc nồng
Thấy lớp da trời đang toạc máu
Sừng trăng nhọn hoắt húc thần nông
Phần III: Kết nối, Hoài Anh viết về những người bạn văn đã quy tiên lẫn trung niên và cả cháu nội. Đây là những bài thơ được viết bằng tình cảm sâu lắng với sự quan sát tinh tế rất đời và cũng rất nghề.
Tham thiền thấu lẽ gương tâm soi bóng
Nhập định trong niềm hạnh phúc bế bồng
Chưa thành Phật ngồi kiết già xứ mộng
Dùi nở tòa sen cháu thơ quấn tả hồng
(Ngồi bế cháu – 2003)
‘Mộng thấy Lâm’ viết về nhà thơ quá cố Nguyễn Lâm, người bạn gắn bó với ông trong suốt quãng thời gian từ Bắc chí Nam:
Gác hẹp tuổi già đêm lắm mộng
Bạn từ cõi nhớ tạt về thăm
Nụ cười xanh lét trăng huyền hoặc
Tỉnh dậy quờ tay gối ướt đầm.
Ngày thường sau khi viết xong những bài thơ tâm huyết, những trang văn thấm đẫm mồ hôi, Hoài Anh lại đi bộ ra quán 81. Chính môi trường vừa văn nghệ vừa đời ấy, ông đã có rất nhiều người bạn, kể cả những cô gái (tên Linh) tiếp thị bia:
Cọp quán
Tiger khoác cho em bộ lốt cọp xanh
Nhưng hồn em là con nai hiền dịu
Vằn vàng chứa niềm yêu thương nặng trĩu
Cặp đùi thon thoai thoải dốc yên bình
Em mơ màng – nanh vuốt giấu Hư Linh
Và quen thân với họa sĩ, dịch giả Phạm Kim Khải:
Bút anh gieo họa trăm vòng,
Vẫn chưa vẽ nổi tấm lòng của ai
Viết cũng tài. Dịch cũng tài
Xoay bạch ốc lại lâu đài chờ chi
Cứ xem Thái ất mà suy
Thừa tiên khải hậu ứng kỳ kim tinh
Tập thơ mang tên Hòa mạng lấy từ ý tưởng của nhà văn Triệu Xuân. Hoài Anh rất vui, vì ông gắn bó con chữ bằng ngòi bút và máy đánh chữ lộc cộc, lách cách nhưng tâm thế ông vẫn ‘Hòa mạng’ và ‘Kết nối’ với thế giới xung quanh.
Người viết bài này, may mắn được đọc bản thảo đầu tiên khi ông vừa khởi viết từ màu xuân 2007. Ông tâm sự, rằng tập thơ viết trong thế giới mộng (dễ nhận thấy ở phần I là cả ‘Thế giới tâm linh’) , và được các cụ phú nên có những câu hay. Có khi giật mình vội viết trong tiềm thức chứ không ngồi viết. Người làm thơ là được trời cho những câu hay.
Lý giải vì sao lại in tập 3 trước hai tập đầu, trong ‘Lời tác giả’ đầu trang viết, ông cho biết: “Với thơ, tôi gắn bó, đam mê đến trọn đời. Được xuất bản Tuyển tập thơ vào tuổi thất thập cổ lai hy là niềm vui lớn của tôi! Thế nhưng, vì lý do tài chính, Tuyển tập thơ Hoài Anh ra mắt bạn đọc bắt đầu từ tập 3. Hai tập đầu, sẽ lần lượt được in trong thời gian tới”.
Với người viết bài này, ông đã ưu ái viết tặng riêng một bài:
Đôi ta mạng chuột như nhau,
Chỉ là Tý trước Tý sau thôi mà
“Thứ nhất đom đóm vào nhà
Thứ nhì chuột rúc thứ ba hoa đèn”
Đường anh đom đóm bay quen
Hoa đèn em nở sáng nghìn trang văn
(Tặng Nguyễn Tý)
Cảm ơn tấm lòng của người anh cả, người Thầy lớn. Bài viết này cũng là sự tri ân của người em nhỏ, người học “khai bút” trong những ngày đầu năm Mậu Tý. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tuyển tập thơ Hoài Anh in trước tập 3 này.