Từ những năm đầu thập kỷ Tám mươi của thế kỷ 20, Triệu Xuân là một trong số không nhiều đã lao vào những vấn đề nóng bỏng nhất của xã hội, trực diện phê phán những mặt trái của hiện thực xã hội, nhất là một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, đồng lõa, tiếp tay cho bọn tội phạm… Trong đó có tiểu thuyết Giấy trắng vừa được tái bản lần thứ Mười.
Anh tâm sự: “Trong tiểu thuyết Giấy trắng, tôi phê phán những mặt lỗi thời của cơ chế quan liêu hành chính bao cấp và ca ngợi những mầm mống mới, những người lao động (chân tay và trí óc), có tâm huyết, có tài năng mong muốn đưa đất nước, dân tộc này ngang tầm với những nước phát triển trên thế giới.
Tôi viết Giấy trắng năm 1983, tôi phanh phui, lên án những người khư khư giữ lấy cơ chế chính sách lỗi thời đã trở thành phản tiến bộ, làm cho dân nghèo nước mạt… Tôi viết mà không sợ bị qui chụp”.
Nhà thơ Hoài Anh trong bài “Tác phẩm của Triệu Xuân những trang viết tâm huyết, giàu tư tưởng” đã có nhận định riêng về nội dung ‘Giấy trắng, rằng: “Thịnh (Giấy trắng) nói với với Tư Phát: "Tôi không hiểu anh ác cảm, đố kỵ anh em làm gì. Họ tốt hay xấu bây giờ là trách nhiệm của chúng ta, của tôi, của anh.
Những người trẻ bằng tuổi con anh như cậu Hải, cô Thy, họ đến với cách mạng như tờ giấy trắng. Những người đã sống qua hai chế độ như Hai Bảng, Ba Bình, đầy mặc cảm với cách mạng, nay đã hợp tác, đã thể hiện nhiệt tình.
Còn gì đáng quý hơn, đáng nâng niu trân trọng lắm chứ. Vì sao cứ lấy cái quá khứ của họ trùm lên con người họ. Vả chăng con người như một dòng sông, luôn luôn biến động. Có gì mà anh khăng khăng cho họ là đồ bỏ, xài tạm chứ không thể tin. Nếu không tôn trọng người ta, không tin người ta thì làm sao anh đòi hỏi người ta tin yêu anh được".
Tư Phát là nhân vật điển hình cho "chủ nghĩa thành phần", "chủ nghĩa lý lịch", khư khư bám lấy những cơ chế lỗi thời, ngụy trang bằng chiêu bài "bảo vệ quan điểm, lập trường của Đảng, kế hoạch, nguyên tắc của Nhà nước, đã tự biến mình thành tay sai cho phần tử cơ hội, mưu đồ quyền lợi bất chính, vu cáo hãm hại Thịnh.
Ngược lại, Thịnh biết khai thác tiềm năng lao động và nhiệt tình của mỗi một người, đã làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, sản phẩm lao động là thước đo cao nhất bản chất con người của anh trong hoạt động sáng tạo tự do, tự chủ, tự giác”.
Những tác phẩm văn học gần đây của nhà thơ Hoài Anh (phải) được nhà văn Triệu Xuân (trái) dành thời gian biên tập và xuất bản
Rồi ông kết luận những trang viết của Triệu Xuân: “Trước hết tôi rất hoan nghênh mục đích viết, và chủ đề tác phẩm của Triệu Xuân. Tất cả những tác phẩm của Triệu Xuân đều mang tính hiện thực, tính tư tưởng cao, tác động mạnh vào công cuộc Đổi mới của đất nước.
Tiểu thuyết Triệu Xuân phản ánh tâm nguyện của nhân dân, xoáy sâu vào chủ đề phải đánh giá đúng con người, tôn trọng và lắng nghe tâm nguyện của con người, tạo điều kiện cho con người phát huy khả năng cống hiến cho xã hội, cho đất nước, hoàn thiện chu trình giáo dục đào tạo con người.
Tiểu thuyết của Triệu Xuân có tính dự báo thời đại rất cao, đồng thời là những trang nghệ thuật ca ngợi con người chân chính, dũng cảm phanh phui những kẻ quyền cao chức trọng mà phi nhân, sâu dân mọt nước”.
Nhân ‘Giấy trắng’ (NXB Văn học) lần tái bản thứ Mười, nhà văn Triệu Xuân đã tâm sự: “Tiểu thuyết Giấy trắng được viết trong vòng một năm trời (1983-1984-GT), nhưng tôi làm tư liệu và ngẫm nghĩ về nó thì từ đầu năm 1980, khi tôi viết loạt bài phóng sự điều tra về tình hình đời sống đô thị và sản xuất công nghiệp đang sa sút thảm hại.
Tôi có quá ít thời gian dành hẳn cho sáng tác văn học nên sau gần mười ba tháng mới viết xong. Vả lại, tôi hơi kỹ tính khi viết. Chỉ khi nào tôi có sẵn một chương tiểu thuyết trong đầu rồi mới ngồi vô bàn, chỉ việc tuôn ra. Thời đó, tôi chỉ có máy đánh chữ ở cơ quan, về nhà không có máy, đêm khuya tôi đành phải viết bằng tay, mà viết tay thì không kịp so với cảm hứng từ trong đầu. Bản in với bản thảo gần như hoàn toàn giống nhau!
Giấy trắng được ấn hành năm 1985 bởi Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó do ông Hà Mậu Nhai làm Giám đốc, nhà văn Thái Thành Đức Phổ biên tập. Ngay sau khi sách phát hành, dư luận văn học và xã hội nhiệt liệt hoan nghênh. Có hàng chục bài phê bình trên các báo trung ương và địa phương viết về tác phẩm này. Từ năm 1985 đến nay, các NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn lần lượt tái bản Giấy trắng. Đây là lần tái bản thứ mười.
Giấy trắng tái hiện một thời kỳ đầy gian khổ của thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất nước. Đây là thành phố mà tôi coi như quê hương thứ hai của mình. Từ trong gian khổ, cơ hàn lúc đó, đã chói ngời hình tượng những con người mang tư tưởng đổi mới, tiến công vào sự nghèo nàn lạc hậu trong tư duy, tiến công vào những cơ chế, chính sách lỗi thời cản bước đi của đất nước, dù có phải tù tội, hy sinh.
Đây thực sự là một cuộc chiến đấu mới, đầy gian nan, thử thách, hy sinh, không kém gì trong chiến tranh chống ngoại xâm. Tư tưởng trung tâm của Giấy trắng là ở đó! Những ai nếu thật lòng yêu nước thương dân thì không thể bó tay trước hoàn cảnh, không thể ươn hèn ngồi chung chiếu với bọn cơ hội, sâu dân mọt nước; phải dám nghĩ dám làm, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn! Thế hệ trẻ hôm nay đọc Giấy trắng, như là xem một bức tranh toàn cảnh, hiện thực, về con người và xã hội của mấy chục năm về trước.
Trong Giấy trắng, lấp lánh hình ảnh những con người tài đức, giàu tình yêu thương, nhân ái, thực sự vì Dân, vì Nước, kiên quyết chống lại cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, chống lại sự giả dối, thoái hóa, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu dân giàu nước mạnh. Những con người như thế đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên Đổi mới!
Hy vọng rằng, những bài học đau xót trong quá khứ sẽ không bị lãng quên. Hy vọng rằng bạn đọc, nhất là giới trẻ, hiểu thấu quá khứ để càng tự hào về lớp người đi trước: anh dũng trong kháng chiến, tiếp tục dũng cảm trong sự nghiệp Đổi mới, vì hạnh phúc của nhân dân, đất nước mình!”
Nhà văn Triệu Xuân (áo trắng) và nhà văn Lê Văn Thảo (thứ hai bên phải) cùng nhóm Hồn Việt trong buổi trao tặng xe lăn cho nhà thơ Hoàng Cầm
Nhà văn Triệu Xuân “lo lắng”, rằng: “Thời kỳ đau buồn ấy đã qua mau rồi, từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới. Ngày nay, kể lại chuyện của mười hai năm 1977- 1989, thế hệ trẻ sinh sau năm 1980 cho là cha mẹ mình… bịa đặt ra để răn dạy con cháu! Làm gì mà khó khăn gian khổ như rứa! Không thể tin được!
Con cháu chúng ta không tin cũng phải!”.
Không đâu anh à. Thế hệ trẻ phải đọc, học những bài học mà lịch sử đất nước sau giải phóng (1975) và sau thời kỳ đổi mới (1986). Bài học nào cũng có phần tất yếu của mọi quyết sách có lúc đúng nhưng cũng có khi sai lầm. Bài học ấy, những trang viết của anh đã phản ảnh. Tôi đồ rằng nó sẽ có giá trị mãi với thời gian.
Tính dự báo rất cao đó là một trong những thế mạnh của Triệu Xuân. Phần lớn kết thúc ở các tiểu thuyết của Triệu Xuân không có hậu, kết thúc bỏ lửng; người đọc đồng cảm với nhà văn khi hiện thực cuộc sống vốn dĩ là như thế…