1
- Văn chương… viết khó không cậu?
- Không khó đâu con.
- Nhưng lâu quá sao không thấy truyện của cậu được đăng báo?
Con bé nghẹo cổ sang bên, lè lưỡi, hỏi tôi câu hỏi ác liệt ấy. Nó đã mười bốn tuổi, học lớp tám, bắt đầu trổ mã, ra dáng con gái. Nó là độc giả đầu tiên của những điều tôi viết ra. Nó thích đọc, thích bình phẩm và rất thích trêu chọc tôi.
- Thôi con à. Cậu có biết đâu. Chắc báo người ta không ưa cái cách cậu kể chuyện, vậy thôi. Cho cậu thêm bình trà đi con.
Tôi đang ngồi trong căn chòi lá đơn sơ của chị tôi. Người dân ở đây gọi là quán nước, trông xuống bến đò ngang dọc qua sông Hậu. Sáng nào tôi cũng ngồi đó đón khách đi xe ôm. Chị tôi và con bé nhờ cái quán con con ấy mà sống qua ngày.
Hôm nay mấy cha chạy xe đồng nghiệp đã có khách chạy đi hết cả. Chỉ còn tôi và con bé ngồi lơ ngơ trông quán. Ly cà phê đen đã cạn. Ba điếu thuốc trong cái đĩa nhựa cũng đã hút xong. Tôi vẫn chưa đón được người khách nào đi xe.
Một chuyến đò mới sang. Những chiếc xe gắn máy chạy vù lên. Người ta lỉnh kỉnh những thúng, những sọt kéo lên bờ. Những chiếc xe lôi nhỏ chở nặng phải mấy người đàn ông tiếp sức đẩy lên bờ. Một bà lão lóng ngóng đi lên sau cùng, chậm chạp, run rẩy. Bà Tư. Bà tìm tôi.
- Chú chở tôi xuống tỉnh thăm con Hai.
- Bác ngồi nghỉ cho khỏe chút đi rồi con chở.
Bà ngồi xuống, vẻ khó nhọc, in như đầu gối bị đau. Bà lột khăn rằn đội đầu xuống. Một mái tóc bạc trắng hiện ra. Mặt bà nhăn nheo như co rút lại trước thời gian. Bà dùng cái khăn phe phẩy, làm quạt cho mát.
- Chú ba à, bữa nay… chắc tui thiếu chịu tiền xe nữa quá!
Tháng trước đi thăm con Hai bà đã thiếu. Tháng này bà lại ngượng nghịu xin thiếu. Vậy là cái xề chuối nướng của bà bên kia sông đã không đảm đương nổi bốn miệng ăn: bà và ba đứa cháu ngoại, con của “con Hai”. Lai còn chi phí hàng tháng “xuống tỉnh” là xuống trại giam thăm “con Hai”. Con Hai hàng hụi lu bu, thiếu nợ chồng đống, vậy nên phải đi tù. Nhưng tôi đoán Hai có ra tù, bà Tư cũng chẳng khá hơn gì. Chưa bao giờ Hai nuôi bà Tư được ngày nào. Ngày Hai còn “làm ăn” được thì đua đòi, se sua. Ngày Hai vào tù thì các cháu đổ các cháu vào đôi tay già nua của bà ngoại.
- Dạ, không sao đâu bác. Chừng nào có tiền bác trả cũng được mà. Tôi đáp. À, mà bữa nay bác có đồ gì đem cho con Hai?
- Kẹt tiền lắm chú ơi. Tui chỉ có hũ dưa mắm đem cho nó thôi. Mấy ngày nay đầu gối tui lại ghiền thuốc.Nó nhức về đêm không ngủ được.
Dưa mắm bà Tư bỏ trong lọ thủy tinh, vàng ươm loáng thoáng ớt xắt nhuyễn. Món này bày ra dĩa, ăn với thịt heo luộc, rau sống… Trời ơi! Ngon hết chỗ nói!
- Bà Tư ơi, bà uống ly trà đá nè, cho khỏe, rồi đi. Con bé bưng ra ly nước. Má con nói không tính tiền bà đâu.
Bà Tư nhìn con bé, vẻ biết ơn.
- Bây lớn bộn rồi. Ít bữa đi lấy chồng, má bây hết nhờ cậy gì luôn.
Con bé mắc cỡ, đi vô, buông lời trở ra.
- Chồng con gì bà ơi!
Tôi nhìn theo cái lưng mảnh mai của nó. Ừ, chồng con gì. Cái đời mẹ nó không đủ khổ sao? Chị tôi cũng chồng, cũng con đấy. Nhưng anh nhảy xuống ghe, đi biền biệt cả chục năm nay, không biết ở chân trời nào. Hai mẹ con chị tôi phải dựa vào nhau, dựa vào cái chòi lá nhỏ bé này, dựa vào bà con xóm giềng mà lây lất sống cho tới nay.
Anh Sáu, đồng nghiệp chạy xe ôm của tôi, chạy về tới. Anh dừng xe, giở nón, bước vô quán, mặt buồn hiu. Anh không nói, không rằng, ngồi phịch xuống ghế, thở dài não nuột.
- Làm gì mà rầu dữ vậy cha? Tôi hỏi.
Anh nhìn tôi, hai bên ria xịu xuống thiểu não.
- Tao… tao chở con Hường đi… bị em vợ tao bắt được… Tổn nhơn chưa!
À ra vậy! Tôi phì cười. Cha nội này chở bồ bịch đi bị em vợ thấy. Lăng nhăng cho dữ vô, giờ thì bể dĩa rồi! Anh Sáu phải tội đẹp trai, ca vọng cổ mùi nhất làng nên quý bà quý cô ưu ái lắm. Trận này anh mệt tới nơi rồi.
- Nhưng sao anh biết em vợ anh bắt gặp?
- Tao… tao đụng mặt ở phà Cồn Tiên. Tao giả đò dòm chỗ khác. Nó đứng cách xe tao chừng bốn thước, cứ réo anh Sáu, anh Sáu… Tổn nhơn chưa cha nội!
Bà Tư cũng cười theo tôi. Ít khi tôi thấy bà Tư được vui như vậy.
- Đi đêm có ngày gặp ma mà chú Sáu. Chiều nay thím Sáu đi bán về tới chắc mần thịt chú luôn đó…
Hàm răng của bà Tư chỉ còn hai cái điển hình. Một nụ cười móm mém mà đẹp lạ thường. Tôi bảo bà Tư:
- Thôi mình đi đi bác. Giờ cũng trưa trờ trưa trật rồi.
Tôi nổ máy xe, đưa bà già bảy mươi sáu tuổi, tuổi gần đất xa trời, xuống trại giam thăm đứa con gái bốn mươi tuổi hư hỏng của bà.
2
Đêm qua tôi không ngủ được.
Chừng thiêm thiếp, tôi nghe tiếng sông vỗ vào bờ oàm oạp. Tôi nghe tiếng chim thảng thốt ngang trời. Tôi nghe những nhân vật nữ của tôi cằn nhằn tôi. Tôi đã bắt họ chia ly quá nhiều. Tôi đã làm duyên tình họ trắc trở. Họ dọa, tự họ sẽ sắp đặt câu chuyện lại, tự họ sẽ tìm đến nhau mà không cần tới ngòi bút của tôi nữa. Chữ nghĩa vô tình, lạnh nhạt kia đã làm khổ họ.
Họ hiện ra trong mơ, bên dòng sông Hậu hiền hòa chảy về đông. Con sông chở bao nhớ nhung hò hẹn. Con sông chở bao vui sướng và khổ đau. Họ hiện ra ở đó: khi thì những đứa bé thơ nhảy ùm xuống sông nước tung trắng xóa; khi là những thiếu nữ trắng ngần bẽn lẽn lắm trong trời chiều; khi thì già nua, ốm yếu hom hem run run bước xuống bãi sông giữa trưa nắng vì sợ lạnh…
Họ hiện ra ở đó, trên những chuyến đò chở nhiều thăng trầm của cuộc đời, trên những chiếc ghe chở đám cưới nhộn nhịp, trên những chiếc ghe chở đám tang loáng thoáng vành khăn tang trắng và nhạt nhòa nước mắt. Đôi khi họ ngồi trên những chiếc xuồng cột nối đuôi nhau, có chiếc ghe máy kéo phía trước. Cả đoàn rồng rắn như một dấu ngã trên sông nước. Xuồng của họ chở chuối, chở xoài, chở dừa, chở rau… Họ chở luôn những ước mơ và hy vọng, những nhọc nhằn lo toan của người dân quê. Những người đàn bà trên sông ấy chở ước mơ ra đi từ rất sớm, chở niềm vui và ngán ngẩm về rất muộn.
Và sông nữa, trong mơ, sông rộng lớn hơn trong đời thật. Sông oà vỡ ra trước mắt, mênh mang, đẫm ướt hồn người. Ánh trăng vỡ vụn trên mặt nước bị làn gió thanh thản, mát rượi dìu đi tha thướt. Nếu ánh trăng trên đồng lúa chín có màu vàng chanh thì ánh trăng trên sông lại lấp lánh, xanh xanh. Chắc nó bị những rặng cây trầm mặc hai bên bờ loang ra một tí xanh…
Sông lững lờ trôi. Dòng nước không bao giờ cũ. Một hôm nó tanh nồng mùi cá. Một hôm nó thơm nức mùi lúa chín. Hôm khác nó lại ngào ngạt mùi phù sa. Các mùi vị xếp tầng, xếp lớp trên mặt sông, cùng đổ về một lúc trong mơ thành một nỗi bâng khuâng man mác…
Sông lững lờ trôi. Nó chảy về đông. Trong mơ sông cũng là nhân vật, cũng có cá tính. Về đông, về biển, sông không còn là nó mà là cái gì to tát mênh mông. Nó biết nó sẽ không còn là nó mà vẫn cứ về, cứ về. “Sông ơi, sao mi bình thản thế?” Tôi hét lên trong mơ. Tôi đứng ra cản dòng chảy của nó. Sông chườm lên tôi như một tấm chăn mát lạnh. Tiếng đò máy văng vẳng rộn ràng trên sông cho hay trời sắp sáng.
Tôi sực tỉnh, lồm cồm bò dậy, ngồi bó gối nhìn ra sông. Một dải lụa trắng bay là là trên mặt sông. Tôi biết trong dải sương sớm đó có chứa đựng hương vị của cá, của lúa, của phù sa.
Những cảm xúc trong mơ khó ghi lại chính xác. Tôi mặc kệ, cố ghi ra. Tôi hình dung nụ cười trêu ghẹo của con bé cháu tôi, khi nó đọc văn tôi. Mặc kệ!
3
Khoảng giữa trưa, tôi và bà Tư mới đến trại giam.
Những tia nắng từ trên cao buông mình lao xuống đất bị những tầng lá dầy xanh um của những cây còng đại thụ chặn lại. Len qua lá, nắng cuộn mình thành những hạt tròn như đồng xu rải đều trên mặt sân cát trước cửa trại giam. Vì vậy, giữa trưa hè nhưng khoảng sân cát vẫn mát rượi. Những cái bàn nhựa được kê tạm ngoài sân. Những người đàn bà nhà gần trại giam vào dịp cuối tuần đã bày ra đó đủ thứ nước nôi, trà lá để bán.
Trong sân đông nghịt người. Những cái áo sọc tù nhân trắng xám chen lẫn những màu áo khác. Người ta chuyện trò. Người ta khóc. Người ta cười. Người ta nựng nịu những đứa trẻ được dẫn đi theo. Bà Tư đi thẳng vào khu sân trong, nơi thăm của phạm nhân nữ. Bà chân đau, đi chậm, mắt cứ dáo dác tìm kiếm con Hai. À, con Hai kia rồi, trong góc sân xa xa, dưới một tán xoài. Nó đưa tay vẫy bà Tư. Tôi thấy bà te te chạy tới. Không hiểu sao bà chạy nổi, tôi tự hỏi.
Tôi ngồi gần một bé gái khoảng năm tuổi. Gương mặt nó tròn trĩnh, sáng bừng. Cặp mắt nó lóng lánh như hai giọt nước.
Bé nhìn cha nó trong chiếc áo tù sọc trắng xám.
- Ba ơi, chừng nào ba về?
- Ít bữa, ba học xong ở đây, ba sẽ về…
- Sao ba học lâu quá vậy ba?
Rồi nó phụng phịu.
- Con nói ba đi học mà mấy đứa trong xóm mình đâu có tin. Tụi nó nói ba mày ở tù. Con cãi. Rõ ràng ba nói ba đi học. Má cũng nói ba đi học. Tụi nó nói bậy phải không ba?
Người cha sững lại ôm lấy con gái. Hai mắt anh lấp xấp nước. Tôi đoán, khi phạm tội anh đã không nhớ tới ánh mắt trong veo của con gái anh.
- Con ở nhà với mẹ ngoan nghe! Vì ba chưa tốt, ba phải đi học để thành người tốt. Học xong, ba về liền hà…
Con bé giãy ra, nhìn vào mặt cha nó.
- Nhưng con thấy ba tốt mà. Ba có gì xấu đâu. Má cũng thấy vậy nữa… Phải không má?
Chị vợ ngồi kề bên nín lặng. Nước mắt chị lăn dài trên má. Những giọt nước mắt rơi trên cát. Chúng tuôn như hạt ngọc.
Con bé ngước mặt lên trời, nhìn vòm lá xanh.
- Ở đây sân mát quá! Chơi nhảy dây là sướng nhứt.
Đôi khi tôi ước ao mình có được đôi mắt đó để nhìn ra tất cả những điều tốt đẹp ở đời này.
Rồi nó tuột khỏi tay cha nó. Nó chạy lon ton, nhún nhảy trên sân cát. Được vài bước, nó nhảy một chân, cò cò. Đôi dép nhựa bé xíu của nó lẫn trong những đôi dép to của người lớn. Nó đã quên béng chuyện vừa rồi. Phiền muộn lùi lại trông theo lưng nó, chỉ biết thở dài…
Anh chồng nói với vợ:
- Vào đây được hơn năm, anh mới nhớ được cái sàn nước sau nhà của mình thủng hai miếng ván. Hồi trước đời nào anh nhớ! Em và con ra đó rửa ráy nhớ để ý, kẻo sẩy chân thì khổ… Anh tốt lên một chút rồi đó em. Anh còn biết nghĩ đến cảnh nhà!
Đám đông trong sân đang ồn chợt nín bặt. Một chiếc xe lôi chở cái quan tài vào cổng trại giam. Tôi quay sang hỏi anh:
- Bộ bữa nay có phạm nhân chết hả anh?
Anh gật đầu, mặt xìu xuống, còn buồn hơn lúc nãy.
- Ừ, thằng đó ở chung phòng với tôi. Nó nhiễm HIV chuyển qua AIDS rồi. Mấy ngày nay anh em tôi thay nhau lên trạm xá trại giam lo cho nó. Nó mới đi hồi khuya này. Tội lắm anh ơi!
Anh kể giọng trầm buồn.
Đó là cuộc đời ngắn ngủi của một cánh chim bay lạc đàn, Mười tám tuổi, nó bỏ nhà đi hoang. Vào tù lần đầu về tội buôn bán và tiêm chích ma túy. Vài năm sau, ra tù. Chưa đầy ba tháng nó lại trở vào trại giam: lại tội lỗi cũ. Bà mẹ trẻ đang có một gia đình khác để chăm lo. Bà bỏ hẳn nó, không thăm, không nuôi gì hết. Nó chết kể cũng sướng cho cái thân nó. Trong những ngày thăm nuôi giống bữa nay, người khác thì vui vẻ vì gặp được người thân. Còn nó, nó lại nằm bơ vơ cuốn chiếu trùm kín đầu trong góc tường. Anh em rầy nó: “Cuốn chiếu quấn mình thấy ghê vậy mậy? Giống xác chết quá hà!”. Nó khóc: “Thì em cũng đang chết đây chứ còn gì nữa?”
Quà thăm nuôi các anh em ở chung đều chia cho nó. Nó nhận nhưng mắt buồn, ngó xa xăm ra ngoài trời. “Em đâu cần quà cáp gì. Em chỉ cần má em đi thăm em, là em vui rồi. Cuối đời, em mới thấy em cần gặp má, cần má tha thứ. Má đã không tha thứ cho em thì đời này còn ai tha thứ cho em?”. “Còn sao không mậy! Còn tụi tao nè. Tụi tao tha thứ cho mày. Ngồi dậy ăn đi nhỏ!”.
Rồi trại đưa đi xét nghiệm. Nó nhiễm HIV. Hèn gì nó hay nói “Cuối đời, em mới thấy em cần gặp má…” Anh em thắc mắc “Sao mày biết trước chuyện này?” Nó trả lời bình thản “Mấy thằng bạn hút chích với em lúc trước ở Cần Thơ đều đã chết hết. Em làm sao mà thoát nổi”.
Những ngày cuối, nó ho ra máu, đi tiêu cũng ra máu. Không ăn uống gì được, mình mẩy nó lép xẹp, ép sát xuống chiếu. Nó nhỏ lại, trông như thằng bé mười hai, mười ba tuổi. Máu cứ ra mãi, hoặc miệng, hoặc hậu môn. Trạm xá đưa nó ra bệnh viện tỉnh. Vài ngày sau họ trả nó về trạm xá trại giam, nằm chờ chết. Anh em cùng phòng thay nhau lên chăm sóc nó. Hỏi nó lúc này mày thèm món gì nhất để tụi tao kiếm cho mà ăn, nó cười thều thào: “Thèm hai thứ… Gặp má em là một… Được… được tắm sông là hai…” Nó nói xong anh em mới thẫn thờ. Thiệt ra thằng nào ở đây không nhớ má và nhớ sông. Kể cũng lạ, coi vậy mà con sông ở trong lòng mình lồng lộng như má mình vậy. “Ừ, tụi tao giống mày. Nhớ nhà, và nhớ sông quá!”
Sáng hôm qua, máu lại ra dữ dội hơn trước. Mùi hôi thối khủng khiếp bốc lên. Nó nằm trên giường không như thằng bé nữa mà như cái nùi giẻ. Thân người nó trước cái chết sao mà thê thảm quá! Toàn bộ xương sườn lòi hẳn ra ngoài da thịt. Phổi nó đặc lại hay sao mà nó hít, hơi không vô! Anh em xót xa biểu nó “Mày đi đi! Mày đi nhanh đi! Để thân mày bớt khổ”. Môi nó lắp bắp nói gần ba phút mới được mấy chữ “Em… còn… chờ… má… em!”
Hồi tối này, nó yếu quá không nói được nữa. Con mắt lờ đờ muốn lọt ra ngoài hộp sọ. Gật đầu hay lắc đầu cũng không làm được. Chỉ có con mắt, con mắt khép lại hay mở ra là nó làm nổi.
- “Mày chờ má mày lên thăm lần chót phải không?” Nó nhắm mắt lại “Phải”.
- “Ngày mai, thứ bảy chắc má mày lên đó. Tới ngày thăm nuôi mà”. Nó nhắm mắt “Ừ”. “Nhưng mày yếu quá, có chờ được tới sáng mai không?”. Nó mở mắt trân trân “Không”.
- “Vậy tụi tao điện thoại cho má mày nghe?” Nó khép mắt “Ừ.”
- “Nhưng làm sao mày đọc nổi mấy số điện thoại của má mày cho tụi tao?”. Nó đờ dại con mắt.
Rồi những người bạn tù đã tìm ra cách. Họ đọc từ 0 đến 9. Nếu đúng một số nó sẽ khép mắt lại một lần. Vậy là họ ghi được số điện thoại của má nó vào lòng bàn tay. Họ nhờ quản giáo trại giam gọi giùm. Anh em xúm xít quanh cái điện thoại đang mở loa ngoài. Thằng nào cũng muốn té xỉu khi nghe má nó trả lời “Cứ để cho nó chết rồi lên trại lãnh xác luôn một thể!”
Anh em chửi bới, văng tục. Họ chạy qua trạm xá, lại vây quanh giường nó, lòng tức anh ách mà phải lặng thinh.
“Sao rồi?” Nó đưa mắt nhìn.
“Má mày đang trên đường đến trại giam!”
Nước mắt nó trào ra, không chảy xuống chiếu mà chảy thành cái khoen trong hốc mắt. Anh em chảy nước mắt theo nó.
Rồi nó đi, đi ngay tức khắc, thanh thản, mãn nguyện. Hồn nó bay đi về với sông nước, về với má nó. Hình ảnh của má nó đang trên đường đến trại giam làm nó nghĩ là nó được tha thứ. Nó cười đó anh, nhưng miệng méo méo làm sao ấy…
- Vô đây rồi mới thấy thương quê, thương con sông, thương gia đình mình anh à…
Kể xong câu chuyện, giọng anh khản đi. Anh lại muốn khóc.
Tôi cũng mong anh khóc. Khóc để nhớ quê, nhớ sông. Khóc để chia sẻ phận người. Khóc để lớn lên, để hoàn lương…
Bà Tư từ góc sân trong đi trở ra. Tôi thấy lưng bà còn còng hơn trước. Bà vừa đi vừa đưa tay quẹt nước mắt. Bà khóc. Và lạ chưa, hũ dưa mắm bà cũng quên giao cho con Hai.
- Bà Tư… bà Tư… Tôi gọi to. Sao bà không cho con Hai hũ dưa mắm?
Bà nấc lên, tức tưởi.
- Tui đâu có quên chú. Tui cho nó, nó không lấy. Nó nói với tui, cả tháng trời mới xuống thăm nó một lần, mà không lo nổi đồ ăn đồ uống cho đàng hoàng. Nó nói tui làm mất mặt nó với chị em trong phòng. Nó biểu… nó biểu tui… đừng…đừng… đừng xuống thăm nó nữa chú ơi!
Bà òa lên. Những giọt nước mắt lớn trào ra nhểu lên cát những hình thù rách rưới như tờ giấy bị đạn xuyên thủng. Tôi muốn hét lớn lên “Hai ơi, sao mày vô tình vậy? Hai ơi, má mày sắp gần đất xa trời rồi. Đời mày không có quê, không có sông, không có má nữa rồi!”
Anh bạn kể chuyện khi nãy nghe vậy vội đứng lên.
- Vậy má cho tụi con hũ mắm này. Tụi con cần lắm, thèm lắm, nghe má!
Bà Tư nhìn anh, vẻ biết ơn.
- Ừ, con lấy ăn đi, chia cho anh em ăn với. Má cám ơn con!
- Má nói vậy con tội chết! Con xin cảm ơn má. Nhà má ở đâu, ra trại, thế nào con cũng ghé thăm má.
Bà nói. Anh gật đầu. “Dạ, con biết rồi. Con biết rồi”.
- Thôi má về mạnh giỏi. Má đừng buồn nghe má. Anh gọi con gái nhỏ. Khoanh tay thưa bà nội đi con.
Con bé vừa chạy tung tăng về tới. Nó ngoan ngoãn khoanh tay thưa bà. Mãi tới lúc ấy tôi mới thấy bà Tư cười. Nụ cười xua tan bớt vẻ già nua. Hai cái răng cửa “để dành cạp bắp” của bà trông duyên lạ. Trái tim mòn mỏi đã lâu năm này còn phải đau đớn bao nhiêu lần nữa đây?
4
Con bé, con chị tôi, ngước nhìn đàn cò hàng trăm ngàn con đang chấp chới bay trong trời chiều. Bóng đàn cò in trên dòng sông những điểm trắng mơ màng. Chúng bay về vùng Bảy Núi, về rừng Trà Sư (1).
- Cậu ơi, có khi con mơ mình nhỏ tí lại, đeo theo những chân cò ấy. Con sẽ nhìn xuống cánh đồng mênh mông của đồng bằng này. Con sẽ nhìn thấy những ngọn núi bơ vơ giữa đồng ra sao. Con sẽ biết mặt trời lặn bên kia biên giới có đẹp hơn xứ mình không. Và nhứt là sông, con sẽ nhìn nó từ trên cao, xem nó lượn lờ hoa mỹ như thế nào, trước khi nó xuôi về biển…
- Một ý nghĩ hay đó con. Nhưng sao… bữa nay con mơ mộng vậy? Chắc bị mẹ mắng chửi gì, phải không?
Nó thừ ra. Con bé đã khá lớn, mặt mày xinh xẻo, y hệt chị tôi. Nó nhìn tôi bằng con mắt tròn.
- Hồi sáng này, ba con về đó cậu!
- Vậy hả? Về luôn chưa?
Nước mắt nó trào ra.
- Ba với mẹ con nói chuyện trong buồng lâu lắm. Con bị đuổi đi chơi. Nhưng con lén nghe, rồi nghe hết… Ba có vợ khác trên Nam Vang (2) rồi, cậu ơi! Con có em nữa. Đứa nhỏ đó giờ cũng chừng năm tuổi rồi. Ba nói ba sẽ đi luôn, ở luôn trên đó. Nhà ba bán phở trên Nam Vang.
- Rồi mẹ con nói sao?
- Mẹ con nín thinh hà. Con thương mẹ quá! Tự nhiên con biết mẹ đang khổ dữ lắm.
Chị tôi đã khổ thế mười mấy năm rồi. Xinh đẹp vậy, khổ sở vậy, chị tôi một mình ôm con nuôi nó lớn. Gia đình tôi nương nhờ hàng xóm láng giềng nhiều hơn những gì chúng tôi tự làm được. Chòi lá dù là xiêu vẹo ấy cũng là mái nhà. Mái nhà ấy cũng của bà con quanh đây. Tôi biết có nhiều anh đứng đắn, tìm đến chị, ngỏ lời. Chị từ chối, từ chối như một bản năng. Anh Sáu kế bên nhà thường nhận xét: “Chị mày bả đẹp, mà chua ăn lắm à nghen!”
- Rồi con muốn đeo theo chân cò mà bay đi đâu?
- Con cũng không biết nữa… Đi đâu cũng được, miễn là được đi. Con thấy tù túng… kỳ cục lắm!
Con bé đã bắt đầu lớn. Trong lòng cô bé mười bốn tuổi đó bắt đầu hiện ra đủ thứ ngổn ngang.
- Nhưng con đi vậy rồi con bỏ mẹ cho ai?
Nó lại rươm rướm nước mắt.
- Con không biết nữa cậu ơi… Con khổ lắm! Chắc con cũng khổ như mẹ con hả cậu? Người ta có thể sống tốt với nhau mà. Ba con đi vậy… là làm khổ mẹ con mà sao ba vẫn làm? Ba kể lể đủ thứ, con nghe con không chịu. Con uất ức lắm. Mình có thể sống dễ dàng hơn sao mình không làm, hả cậu?
Hai cậu cháu tôi nhìn dòng nước sông cuồn cuộn chảy trước nhà. Tôi miên man đuổi theo những câu hỏi không trả lời được của cháu tôi.
Tình bạn của chúng tôi như thế. Con bé sẽ nói chuyện với tôi, khi nào nó thật buồn.
- Đoạn viết về sông bữa hổm, cậu viết thêm chưa?
Nó đột nhiên cất tiếng.
- Chưa… à mà có. Tôi nói tiếp, để lảng xa câu chuyện buồn của con bé. Cậu định viết về mùa lũ trên sông. Cái mùa con sông tràn bờ, tràn ra đồng đó cháu. Cậu sẽ mô tả biển nước mênh mông xứ mình, kéo dài lênh láng, xóa sạch mọi bờ cõi cách chia. Sông tràn ra đồng, bao quanh những ngọn núi ở vùng Bảy Núi. Đó như một cuộc hẹn hò vĩ đại, cháu thấy không? Một năm có mấy tháng chúng mới được gặp nhau, bằng cách đó…
- Vậy nghe hay đó cậu. Cậu viết đi, chắc con không chọc quê cậu nữa đâu. Con bé có vẻ phấn khích.
- Còn một cuộc hẹn hò khác nữa. Đó là cá linh non theo dòng nước lũ từ Biển Hồ trên Miên tràn xuống. Con biết nó hẹn với ai không? Với bông điên điển vàng, với bông súng tím. Cá nhiều lắm, con nhớ không? Người dân sẽ vớt cá, sẽ buôn bán cho đời đỡ cực. Bông điên điển… Cái bông có cuống màu xanh nhỏ xíu, thòng xuống dưới một cánh hoa vàng phình ra. Dẹp dẹp, duyên duyên, như bông tai con đeo vậy. Nó trông giống như giọt nước sắp nhểu ra khỏi cành lá xanh… Còn bông súng thì có tím, có ánh hồng nữa, phải không con? Nó bùng lên tươi tắn khỏi mặt nước. Lá bông súng tròn như cái mâm nâu viền ren, nổi dập dềnh trên mặt nước…
- Vậy chúng nó hẹn thế nào, hẹn ở đâu?
Tới lượt tôi mê mẩn cuốn theo ý nghĩ của mình.
- Chúng sống với nhau trên đồng ngập nước. Con thấy chúng hạnh phúc không? Và khi chết chúng cũng chết cùng nhau. Trong món cá linh kho lạt, bông súng và bông điên điển cũng đi cùng. Trong cái lẩu mắm sôi sùng sục bốc mùi nức nở, bộ ba đó vẫn đi bên nhau. Trong món canh chua cá linh, bộ ba đó ôm chầm, quấn quít bên nhau…
- Chúng sống vậy… cũng lãng mạn lắm, hén cậu? Con bé trầm ngâm.
Chợt, ở dưới bến sông khúc nhà anh Sáu vẳng lên tiếng đờn. Anh Sáu chắc đang buồn tình đời, xuống chiếc ghe thương hồ kỷ niệm để ca vọng cổ đây. Đó là chiếc ghe cà-dom, mui tròn, chở được chừng vài tấn. Ngày trước, khi hai vợ chồng anh Sáu còn son trẻ, tổ ấm của họ là ở đó. Họ lang bạt kỳ hồ, rong ruổi khắp vùng sông nước để mua bán sống qua ngày. Giờ lớn tuổi rồi, kiếm được cục đất cất nhà, anh chị Sáu lên bờ. Anh chạy xe ôm giống tôi. Chị ôm chiếc xuồng nhỏ ngày nào cũng chở dừa, chở mía đi bán, mãi tối mới về. Chiếc ghe đó là ghe “kỷ niệm”, theo lời anh Sáu. Nó hư hỏng anh cũng phải tu sửa, lâu lâu lại kéo lên bờ trét chai mấy chỗ rỉ nước. Ai hỏi mua ghe anh cũng không bán. “Để làm chỗ nhậu chơi và ca vọng cổ”. Anh Sáu ca mùi lắm, lại có mã bề ngoài nên anh là nghệ sĩ của làng tôi.
Tiếng anh Sáu bay trên sông:
“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào!”…
Tiếng ca anh lạn dài trên mặt nước như khói như sương. Chợt anh ngưng bặt, gọi với sang:
- Chú ba ơi, chú có nhà không xuống ghe nhậu chơi! Có cá linh non nấu canh chua đây nè…
Con bé nhìn tôi cười cười. Tôi hỏi nó:
- Con qua bển chơi với cậu không? Nghe ca vọng cổ chơi.
- Thôi cậu đi đi. Con coi chừng quán. Nó đảo mắt nhìn quanh xem có mẹ nó ở đó không rồi thì thào - Với lại… với lại… con có hẹn…
- Với trai hả con?
Tôi cười ầm lên. Còn nó mắc cỡ nhìn chỗ khác.
Tôi và anh Sáu ngồi đối diện. Chen giữa là cái cà-ràng (3) nấu củi, mới bắc lên nồi canh chua cá linh non. Quả nhiên có tô bông súng ngắt cọng và tô bông điên điển đi kèm…
Tôi hỏi anh Sáu về chuyện bị bắt quả tang trên phà Cồn Tiên hôm nọ.
- Sao? Bữa chở con Hường đi chơi bị em vợ bắt tại trận, về chị Sáu nói sao anh?
Anh Sáu cười khơ khớ. Cái cười có duyên của cha này hèn gì đàn bà không mê sao được.
- Bả đòi giết tao chớ sao! Tổn nhơn lắm mày ơi. Tao nói tao không có. Bả nằng nặc bắt tao thề độc. Mầy biết bả bắt thề ở đâu không? Vô Dinh Đức Cố Láng Linh (4) mà thề. Mà dinh ông Cố thì mầy biết rồi. Linh dữ lắm. Thề ở đó chết thiệt, hộc máu thiệt chớ có phải hộc máu cải lương đâu!
- Rồi anh làm sao?
Anh Sáu rót rượu ra ly. Anh nâng ly tưng tiu như vuốt ve người tình. Hớp một ngụm, anh khà một tiếng, rồi đưa nửa ly cho tôi.
- Bả đâu có thấy tận mắt, nên tao chối, chối riết. Sau cùng, bả ép quá, tao đành nói: Ông bắt tui thề, tui mà có chết, ông đừng khóc nghe!
Tôi với anh cười rần. Nói vậy khác nào thú thiệt. Rồi anh trầm ngâm.
- Nói vậy chớ, tao thương bả lắm. Hai vợ chồng tao đâu có con cái gì. Hồi còn khổ, đeo chiếc ghe này lang thang, hai vợ chồng với cái cà ràng hủ hỉ có nhau. Giờ đỡ đỡ, lên bờ rồi, phụ rẫy người ta coi sao được mậy!
Anh lại uống. Anh gắp cá linh cho tôi, cho anh. Bông điên điển nổi vàng trong nồi nước. Bông súng nhúng vào quấn quyện cùng nhau. Sống thác như vậy mới thiệt nghĩa nặng tình sâu với nhau…
- Tao đào hoa chút thôi chứ không bỏ đi luôn như anh rể mày đâu. Mày thấy vợ tao không? Nó lặn lội trên sông bán từng trái dưa, bó mía. Đành lòng nào tao bỏ nó được… Bỏ đi vậy… Tổn nhơn lắm!
- Giờ chị Sáu đi bán gần về tới chưa anh?
- Chưa… chắc nay lại ế nữa rồi. Bơi xuồng năn nỉ, lạy lục người ta…
Anh Sáu dạo đờn. Tiếng anh cất lên bay vọt nóc ghe, lảnh lót như tiếng tên bay xé gió.
“Người ta đã có đôi rồi
Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung”
… “Đêm khuya nay ngồi chờ con nước lớn. Nỗi buồn đau cứ canh cánh bên lòng…”
Tôi chìm trong âm thanh trong vắt ấy. Tôi nhìn những chùm sáng lung linh bên kia sông. Tôi có cảm giác mình cũng bay bổng lên cao theo lời hát, theo tiếng đờn. Trong đêm, sông vẫn chảy rạt rào, vẫn xuôi về đông, mạnh mẽ mà thầm lặng. Anh Sáu ngừng hát. Tôi rơi phịch xuống ngồi đối diện anh. Anh vỗ đùi.
- Bữa nay bả về trễ, tao quên mất. Mày biết chuyện gì hôn? Bả đi cúng thất đầu cho bà Tư.
Tôi à ra một tiếng chợt nhớ.
Bà Tư đã từ giã cuộc sống gian nan của bà được một tuần. Bà ra đi nhẹ nhàng như dòng nước trôi. Bà xuống sông buổi trưa, tắm rồi biến mất tăm. Chắc bà bị vọp bẻ. Bọn tôi hay chuyện táo tác đi mò. Cuối cùng cả làng vớt được bà tấp vô chòm điên điển bên cồn cát mới nổi. Coi vậy mà đám tang bà cũng khá lớn. Cả làng đi tiễn, đi đưa. Con Hai không về kịp, nó chưa ra tù. Không có con Hai, mấy đứa cháu ngoại của bà phải sống nhờ bên hàng xóm. Anh Sáu đứng ra lo tất mọi việc. Anh hứa góp tiền hàng xóm lo nuôi mấy đứa nhỏ. Hôm nay cúng thất đầu của bà Tư, chắc chị Sáu qua bên kia sông lo cúng kiến rồi.
- Mày còn nhớ thằng tám Tàng, con nuôi bà Tư không mậy?
- Sao hả anh? Nó đâu có về đi đám ma…
- Chuyện này tao quên kể với mày. Hôm vớt xác bà Tư lên, nó từ bên Miên, có điện về cho tao. Nó nói sao mày biết hôn? Ngắn ngủn hà. “Bộ má tui chết rồi hả anh Sáu? Cái hòm giờ giá bao nhiêu? Anh lo trước nghe, khi nào tui rảnh tui về gởi lại anh. Kẹt quá! Tui công chuyện nhiều không về đưa má tui đi được.” Tao nóng máu đốp lại. “Mày khỏi gởi tiền. Người dưng ở đây cũng lo được. Thôi khỏi về luôn đi!” Nó là thằng bé bị người ta bỏ rơi trên chợ Châu Đốc. Bà Tư tội nghiệp ôm về nuôi nó từ bé. Giờ có lông, có cánh, nó bay luôn rồi…
Một chiếc ghe chèo chầm chậm trôi ngang. Trên ghe chỉ có ánh đèn dầu bé tí tẹo ở đầu mui. Tôi và anh Sáu lặng thinh khi nghe câu hát ru từ đó đưa sang.
“Sông sâu sào ngắn khó dò
Muốn qua thăm bạn sợ đò không đưa…”
Anh Sáu đã ngà ngà say. Anh ngước mắt dòm lên nóc mui ghe của mình. Ở đó có một lỗ thủng nhỏ của lá lợp bị rách. Vài ánh sao trời lấp ló. Đột nhiên, anh nói mà cứ nhìn miết vào đó, không nhìn tôi.
- Mày viết được thì cứ viết đi, nghe ba. Những chuyện như ở trại giam, chuyện của bà Tư, chuyện của con Hai, của chị mày… Nó như con cá mình bắt được trên sông. Mình nấu nướng xong rồi mời bạn bè. Dù hay dù dở cũng có cái lòng của mình trong đó. Mà nhứt định là mình phải nấu, nhứt định mình phải mời bạn bè…
Tôi cảm ơn anh. Chưa bao giờ tôi được nhìn văn chương theo kiểu đó.
Anh Sáu lại ôm đờn, lại hát.
… “Sông sâu bên lở bên bồi
Tình anh bán chiếu trọn đời không phai”
Tiếng hát, tiếng đờn của anh không bay thẳng. Nó lượn lờ trên sông như làn khói trắng. Nó trải ra mỏng tang, sắc như lưỡi thép. Nó xuyên vào máu vào thịt tôi ngoằn ngoèo như sợi tơ bị rối. Cái gì đi vào lòng người có lẽ cũng giống như thế. Nó không bay thẳng đâu…
Tháng 9/2007
(1) Rừng Trà Sư: Một địa danh thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang.
(2) Nam Vang: Tên cũ của Phnompenh (Campuchia)
(3) Cà-ràng: Một loại bếp nặn bằng đất rất tiện đặt tên ghe xuồng để nấu nướng.
(4) Dinh Đức Cố Láng Linh: Địa danh lịch sử ở Châu Phú, An Giang, gần vùng Bảy Núi.