Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.150.925
 
Viết ngắn 32. Thơ như một tiến trình
Inrasara

Thường thì người ta hay nhìn sự thể bất kì qua thành tựu của nó. Một con người, một công trình khoa học hay một nền văn học. Rồi định giá sự lớn/nhỏ, cao/thấp qua thành tựu đó. Với thơ ca cũng thế. Không sai. Nhưng nếu nhìn thơ qua tiến trình, thì vài khía cạnh khác sẽ bật lên, không phải là không sáng giá. Bởi khi nhìn thơ ca trong tiến trình phát triển, ta sẽ nhận diện rõ hơn những hạt giống mới, lạ của nó. Hạt giống này tạo ra những mùa màng. Đó là lối nhìn văn chương theo hướng động, mở.

 

Mà văn chương, giá trị đích thực chính là sự khác biệt.

Chăm chẳng hạn, nếu dân tộc này chỉ góp vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam thêm một Truyện Kiều khác hay Hồ Xuân Hương mới, thì nó ít giá trị hơn tạo ra ở đó sự khác biệt. Chính điều này làm cho nền văn học đất nước ta phong phú và đa dạng hơn.

 

Thế kỉ XX của thơ Việt, có lẽ bài “Tình già” của Phan Khôi và tập thơ Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền là quan trọng nhất. Quan trọng nhất chưa hẳn là hay nhất mà là, bởi nó đóng vai trò bản lề mang tính xoay chuyển. Xoay chuyển cho mở ra một trào lưu, một thành tựu của cả thời đoạn văn chương.

 

Ở mức độ khác, các bài thơ khuynh hướng siêu thực của Hàn Mặc Tử hay tượng trưng của Bích Khê, hoặc các thi phẩm chưa lấy gì làm nhiều của nhóm Xuân thu Nhã tập. Sau đó ở miền Bắc, thơ Trần Dần hay Bến lạ của Đặng Đình Hưng. Tất cả đều là những hạt giống thơ ca quý giá. Dù chúng không làm thành mùa bội thu như lãng mạn hay hiện thực, nhưng nó làm nên sự khác lạ.

Ở một chân trời khác, nỗ lực của Khế Iêm và các nhà thơ trong tạp chí Thơ ở Mỹ khơi dậy phong trào tân hình thức Việt rất đáng ghi nhận. Cũng thế, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân hoặc nhóm Mở Miệng (với Bùi Chát qua bài “khóc văn cao” hay Lý Đợi với bài “Một nhà thơ bị đánh chết”,…). Xét tiến trình phát triển văn chương, những sự có mặt này ghi dấu ấn đậm nét ở điểm khởi động. Các sáng tác theo xu hướng nữ quyền và hậu hiện đại này đã góp sức làm chuyển hướng thi pháp thơ Việt tồn tại bấy lâu nay, hay ít ra nó cũng gây bất an cho không ít nhà thơ vẫn còn bám trụ vào hệ mĩ học cũ.

 

Tổng kết văn học năm 2007, tôi viết: “Riêng Gửi VB, Phan Thị Vàng Anh biết đưa ngôn ngữ thường ngày khai mở quan hệ tế vi giữa người và vật, những sự vật thân thuộc xung quanh mà trong cuộc sống thường nhật ta đã bỏ rơi. Đây là lối đi mới, sẵn sàng mở ra dòng sáng tác khác lạ. Tiếc là nhà thơ này mới “tập làm thơ” nên khả tính này chưa thể xảy ra ở đó”.

Đã có vị nói to là “chỉ có Sara mới dám phán như thế”. Ý rằng tôi đã chê tập thơ. – Sai! Với tôi, câu: “Đây là lối đi mới, sẵn sàng mở ra dòng sáng tác khác lạ” là trọng tâm. Các câu kế tiếp hay trước đó, chỉ có nhiệm vụ làm chất đệm.

 

Suy tư trên bình diện “tiến trình” (hầu hết tiểu luận của tôi luôn nhấn vào điểm này), thì câu cả quyết đó diễn đạt một ý hướng thơ mang khả tính xoay chuyển. Nó không làm gì hơn là khai mở. Có thể nó không “hay” và, đa phần nó chưa [thể] hay, cái hay của sự kế thừa. Đơn giản, bởi đó không phải phần việc chính của nó: thành tựu.

Phan Khôi không thành tựu, nhưng ông đã khai mở.

Cũng chớ mong nhóm Mở Miệng thành tựu cái gì đó. Họ khai mở. Như vậy cũng đã là nhiều.

Inrasara
Số lần đọc: 3733
Ngày đăng: 02.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày THƠ VIỆT NAM tại TP Hồ Chí Minh - Inrasara
Tâm sự của Hồng Vân cư sĩ qua bài “ Phồng đá trả lời” - Nguyễn Văn Hầu
Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VI tại Bình Định:“TRÁI ĐẤT RỘNG THÊM RA MỘT PHẦN VÌ BỞI CÁC TRANG THƠ” - Nguyễn Thanh Mừng
Cuộc “đấu khẩu” thơ Bùi Chí Vinh - Phan Hoàng - Thu Trân
Xuân trong ta - Trần Kiêm Ðoàn
thơ rơi có cần phải được nghiên cứu ? - Khaly Chàm
Đừng quên những bài học trong quá khứ ! - Triệu Xuân
Đọc Bình Ngô đại cáo - Đặng Thân
Tập bút ký của một nhà khoa học nữ - Huỳnh Như Phương
Tiểu thuyết&tiểu thuyết đầu tay (1) - Lê Anh Thu
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)