Bi kịch phận người không chỉ mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và vô hạn mà còn là bi kịch của sự phi lý. Trong "Trường ca Tiếng hát Dã tràng", Trịnh Công Sơn đã nói rõ điều ấy. Theo tài liệu Nguyễn Đắc Xuân, Trịnh Công Sơn viết trường ca này lấy ý tưởng từ tác phẩm Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe) của Albert Camus – tác gia hiện sinh người Pháp đoạt giải Nobel 1957. Tác phẩm Huyền thoại Sisyphe nói về sự phi lý của cuộc đời. Tất cả những gì con người nỗ lực xây dựng nên rồi cũng chẳng đi đến đâu, giống như anh chàng Sisyphe bị khổ sai hằng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thả tay cho tảng đá lăn xuống vực rồi sau đó lại cố sức đẩy lên rồi lại thả tay. Tất cả sự nỗ lực ấy không có nghĩa gì hết, giống như truyền thuyết Dã tràng xe cát biển Đông của người phương Đông vậy. "Trường ca Tiếng hát Dã Tràng" nhuốm màu triết lý về thân phận làm người. Kiếp người là vô nghĩa, con người là khổ đau, chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt khổ đau. Trường ca là tiếng kêu thống thiết của “dã tràng khóc cho thân mình” trước cảnh “trùng dương đưa sóng vào bờ, đùa lên biển cát hoang vu, xoá từng mảnh công dã tràng…" nói lên niềm đau vô vàn của thân phận. Những gì con người làm ra rồi cũng là công dã tràng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ông tuyệt vọng, buông xuôi. [5] Trịnh Công Sơn chỉ ra rằng chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt khổ đau và đó là chốn trú ẩn cuối cùng:
Tên tháng ngày viết trên môi cười
Đốt đêm dài nghe ngóng tình yêu,
Nghe dã tràng xuống hai vai gầy,
Đốt cơn buồn đi đến tình yêu,
Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu
Ta ra ngàn lối bắc loa gọi vào tình yêu
Nhạc sĩ Văn Bình cho rằng: “Trường ca này là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường bắt gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này như ‘Lời buồn thánh’, ‘Đoá hoa vô thường’”. [6]
Một lát cắt quan trọng nữa để tìm hiểu về phận người mong manh, chóng tàn là tìm hiểu nỗi ám ảnh thời gian tàn phai trong thế giới Trịnh Công Sơn.
Trong tác phẩm “Trịnh Công Sơn / Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật”, Bùi Vĩnh Phúc đã phân tích khá kỹ nỗi ám ảnh thời gian tàn phai này. Nhận xét rằng người ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh tàn phai trong thế giới của Trịnh Công Sơn, như nắng vàng phai, lá vàng phai, ôm lòng phai tàn, thu phai, mộng nhạt phai, v.v…, ông viết: “Đối với ông, thời gian thường đi quá nhanh, để tất cả những gì là tươi đẹp trong cuộc sống này cứ thế mà phai úa, tàn héo dần. (…)
Trong bài "Nhìn những mùa thu đi", Trịnh Công Sơn viết: Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng / Và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng / Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (…) Đã mấy lần thu sang / Công viên chiều qua rất ngắn / Chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng nhiều thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai. Quên lãng, chết, rất ngắn, nhạt phai. Đó là những nhận thức của Trịnh Công Sơn về bước đi hững hờ mà gây nhiều xót xa, đau đớn của thời gian, đối với kiếp người.” [7]
Không phải chỉ trong ca từ Trịnh Công Sơn mới tiếc xuân thì, mới ám ảnh nỗi tàn phai. Thơ xưa đã đầy những lời cảnh báo về nỗi ngắn ngủi của tuổi trẻ: Chơi xuân kẻo hết xuân thì / Cái già sồng sộc nó thì theo sau. Và đặc biệt đến Thơ Mới, tiếng thơ của quyền sống cá nhân – nó trở thành một tiếng nói đầy ý thức về cái ngắn ngủi đến tàn nhẫn của cuộc đời.
Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
(Xuân Diệu)
Chế Lan Viên chối từ dứt khoát khi mùa Xuân đến, ông muốn ở lì với mùa Thu, có nghĩa là ông muốn ở lì với quá khứ, níu giữ thời gian đã mất. Ông ước muốn:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
("Xuân" - Chế Lan Viên)
Tương tự như vậy, Xuân Diệu lại mong ước táo bạo hơn: Tôi muốn tắt nắng đi / Cho màu đừng nhạt mất / Tôi muốn buộc gió lại? Cho hương đừng bay đi… ("Vội vàng"). Khó mà bảo rằng ước muốn ấy không “ngông cuồng”, “ngộ nghĩnh”, không chứng tỏ “một sức mạnh phi thường” bởi con người ta ai mà tắt được mặt trời, mà buộc nổi gió, ai mà quay ngược lại bánh xe tạo hoá của thời gian. [8]
Và Trịnh Công Sơn cũng có một mơ ước rất đẹp, rất “dị thường” như Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Nhưng mơ ước của ông lại chỉ là “chăn gió mưa sang”
Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn, bàn tay chăn gió mưa sang…
"Biển nhớ")
Tuy nhiên, ở đây ta thấy các nhà Thơ Mới luôn níu kéo thời gian, luôn muốn quay về quá khứ nên “chắn nẻo xuân sang”. Còn Trịnh Công Sơn cũng buồn, cũng tiếc nuối thời gian. Nhưng ông hiểu đó là quy luật muôn đời của tạo hoá nên chấp nhận chứ không níu kéo, mà cùng hoà vào thiên nhiên để “chăn gió mưa sang”.
Những ca khúc viết về thân phận con người của Trịnh Công Sơn trước sự sống cái chết và nỗi tàn phai cũng chỉ là đi tìm cái hữu hạn của kiếp sống. Sự hiện diện của mỗi số phận bắt buộc phải đi qua một khoảng thời gian nào đó, do định mệnh an bài và cái không gian vô định phải nhận diện. Theo nhà Phật đó là nhân quả, là luân hồi, là sự sinh trưởng không ngơi nghỉ và biến hoá vô cùng để phát triển, tạo nên cái “nghiệp” cho số phận. Nên cái thân phận khốn khó mà mỗi kiếp người phải mang nặng, không nằm trong phạm trù riêng, nó trải rộng ra cả thế gian này với những sai biệt xuyên qua cung số. Cát bụi lại trở về cát bụi.
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
...Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xoá bỏ không hay
("Cát bụi")
*
Thân phận con người mong manh trước sự sống và cái chết, trước nỗi buồn và sự cô đơn, không phải là tâm trạng của riêng ai. Có lẽ là định mệnh tiền kiếp của con người. Văn chương lãng mạn từ xưa đến nay đều buồn, đặc biệt trong thơ trữ tình, nỗi buồn của thi nhân càng được bộc lộ một cách thấm thía hơn.
Riêng với Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ thấm nhuần nền văn hoá lãng mạn Pháp từ thuở nhỏ thì cái tôi, cái bản ngã của ông càng được bộc lộ, khẳng định rõ nét. Nó như một ám ảnh của đời mình. Trịnh Công Sơn là một khối cô đơn. “Làm sao thấu từng nỗi đời riêng…” ("Như một lời chia tay"). “Người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm…” ("Ru ta ngậm ngùi"). Hãy nghe ông nói về thế giới của ông. “Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta” ("Ngẫu nhiên"). Một trong những thú tiêu khiển của ông là mỗi ngày “ngồi trong phòng uống rượu và nhìn nắng từ sáng đến chiều tối”. Ông tận hưởng cái thú “ngồi yên lặng nhìn trời đất và suy tưởng về những điều mình chưa tự giải đáp được cho chính bản thân mình…” Ông cũng cho biết “khoảng thời gian thích nhất là được ngồi yên tĩnh một mình trước khi có một người bạn đầu tiên xuất hiện để phá tan sự yên tĩnh đó”. Vì thế, những nỗi niềm thầm kín của ông trước sau vẫn là “một điều giấu kín trong tim con người là điều giấu kín thôi” ("Một lần thoáng có"). [9]
Bùi Vĩnh Phúc nhận định rằng “tâm hồn là kẻ săn đuổi cô đơn”, nói theo Carson McCullers. Ông viết: “Chính trong sự cô đơn, con người nghe ngóng được cuộc đời, cảm nhận được những hiện tượng thiên nhiên một cách rõ ràng hơn. Trịnh Công Sơn cũng vậy. Trong tịch lặng của niềm cô đơn, thính giác của ông trở nên mẫn cảm hơn bao giờ. Sự nghe ngóng cuộc đời, cảm nhận thiên nhiên của ông, ở một góc cạnh nào đó, cũng là một nỗi ám ảnh muốn ôm lấy đời sống này: Đêm nghe gió tự tình / Đêm nghe đất trở mình vì mưa / Đêm nghe gió thở dài / Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai… (Nghe tiếng muôn trùng). Nghe ngóng thiên nhiên, ông có dịp sống trở lại những cảm giác, những hạnh phúc và đau đớn cũ. Đời sống ông trở nên đậm nét và sâu lắng:
Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối
Đôi khi nhớ trong mắt em một bóng tối nhỏ nhoi…
Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ
Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô
("Rồi như đá ngây ngô")” [10]
Cảm giác cô đơn có lẽ là định mệnh của con người, cho dù ở bất cứ nơi đâu. Trên chính quê hương mình hay ở xa quê hương. Vào thời bình hay thời chiến. Giữa đám đông hay trong khoảng vắng… Chỉ còn có thể về với mình, về với tôi:
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về… với tôi!
("Lặng lẽ nơi này")
Tương tự như vậy, đối với các nhà Thơ Mới, cô đơn là nỗi buồn truyền kiếp. Họ ý thức quá đầy đủ về chính mình nên càng cảm nhận rõ rệt cảm giác cô đơn.
Có những nỗi buồn vô cớ xâm chiếm tâm hồn một cách nhẹ nhàng, êm ái:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
… Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu, khẽ buồn…
("Chiều" - Xuân Diệu)
Nhưng thấm thía hơn là nỗi buồn mang theo cảm giác cô đơn:
Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
("Nguyệt cầm" – Xuân Diệu)
Huy Cận cũng từng ví tâm hồn cô đơn, sầu não giữa cõi đời của mình như hòn đảo:
Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển
Suốt một đời như núi đứng riêng tây
("Mai sau")
Trần Tử Ngang của Trung Hoa hơn ngàn năm trước, cũng đã từng có một nỗi buồn tương tự như thế:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi lệ hạ.
Tạm dịch:
Ai người trước đã qua?
Ai người sau chưa đẻ?
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ. [11]
Tuy nhiên, cái buồn và cô đơn của các nhà Thơ Mới khác với cái buồn của Trịnh Công Sơn. Các nhà Thơ Mới chỉ biết tỏ thái độ bất hoà với đời sống xã hội bằng cách lẩn trốn vào cái tôi cô đơn, buồn bã: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ. Ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư. Ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi cũng tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ, ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. [12]
Theo tôi, với Trịnh Công Sơn, ông chấp nhận cô đơn. Trong cô đơn ông nghe ngóng cuộc đời, cảm nhận những vi diệu tinh tế của thiên nhiên. Quan điểm tích cực về cái tôi cô đơn của Trịnh Công Sơn đã quyết định chỗ đứng và điểm nhìn của ông trước cuộc đời. Trịnh Công Sơn cô đơn nhưng không trốn vào nỗi đau của riêng mình mà trải lòng ra với đời, đón nhận, và chấp nhận:
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
tình sáng ngời như sao xuống từ trời
("Tạ ơn" - Trịnh Công Sơn).
(còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
[5]Nguyễn Đắc Xuân (2003), Có một thời như thế, NXB Văn học
[6]Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, NXB Trẻ (tr. 74)
[7]Bùi Vĩnh Phúc (2005), Trịnh Công Sơn / Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, NXB Văn Mới
[8]Lê Bá Hán (chủ biên), Lê Quang Hưng, Chu Văn Sơn (2003), Tinh hoa Thơ Mới thẩm bình và suy ngẫm, NXB GD.
[9]Lê Hữu, "Ảo giác Trịnh Công Sơn", nguồn www.tcs-home.org
[10]Bùi Vĩnh Phúc (2005), sđd
[11]Hoài Thanh – Hoài Chân (1993), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học Hà Nội (tr. 135)
[12]Hoài Thanh – Hoài Chân (1993), sđd. (tr. 34)