Cảm nhận Đi… và tìm trong Đất, tập kí và tạp bút của Nguyễn Thị Hậu,
NXB Thanh niên, H., 2007.
Nguyễn Thị Hậu là nhà khoa học, chuyện ai cũng biết rồi. Lãnh đạo một Viện nghiên cứu khoa học nữa. Thì chắc chắn con người ấy có cái gì đó nghiêm túc, trịnh trọng và cả long trọng. Ở đó có họp hành chỉ đạo, có nhăn trán ưu tư, có trừng mắt khiển trách, có cả cái cười vuốt trên ngó xuống.
Nguyễn Thị Hậu lại là nhà khoa học về món mà thiên hạ lâu nay rất ngán ngại: khảo cổ. Nghĩa là muôn năm bới tìm, soi xét, bận bịu với trùng trùng thứ đã bị vùi chôn dưới đất. Lâu và dài là thời gian. Càng dài càng lâu càng tốt, càng giá trị, càng gây thú vị.
Sống giữa nhộn nhịp phố thị sôi động nhất nước, kẻ nữ người Nam giọng Bắc ấy lại tìm đối thoại với người thiên cổ cùng đồ vật xuất hiện từ thiên cổ… lụy. Cày xới một vùng đất: Đồng Nai, Sài Gòn, Hoàng thành Thăng Long. Săm soi một vật thể: mộ chum, lò gốm, khuyên tai hai đầu thú,…
Và để lại “những bài viết giàu yếu tố sử liệu và những phát hiện khảo cổ học”.
Thành tựu đó nguy cơ đẩy nhà khoa học ấy ngày càng trịnh trọng hơn, nghĩa là càng rời xa cuộc sống, cuộc người hơn, chắc thế.
Người đời có xu hướng đánh giá một hoạt động ở thành quả của nó mà ít khi nhìn thấy con đường đi đến thành quả đó cùng những cái gì xảy ra xung quanh nó. Vùng ngoại vi của hoạt động chính lưu của con người. Nếu có, chỉ để thỏa mãn tính tò mò, tọc mạch. Trong khi chính vụ việc ngoại vi này mang đầy dấu ấn con người. Với những vui và buồn, cô đơn và chán nản, mồ hôi và nước mắt, bỏ đi và quay về,… Rất nhân tính. Bởi dẫu thế nào đi nữa, nhà khoa học vẫn là con người.
Viết Đầu xanh tuổi trẻ, chúng ta biết Dostoievski đã phải chạy trốn nợ để viết. Viết để trả món nợ đang vào những ngày đáo hạn. Biết - không phải để thoả mãn nỗi tò mò rằng mình đã biết được chuyện một vĩ nhân văn chương đã rơi vào hoàn cảnh túng bấn như thế. Mà qua đó, khuất lấp ở bề sau tác phẩm vĩ đại đó, hằn bao nhiêu là sự thất thố, nỗ lực vươn dậy, đôi lúc ngã lòng muốn bỏ cuộc, có oán thán và có giây phút vui sướng tột cùng khi dòng cuối cùng được viết ra: ông đã thoát nợ. Nó rất con người.
Hành trình đi đến thành quả cũng giá trị ngang bằng thành quả là thế.
Đằng sau “Táng tục mộ chum…”, “Vật liệu kiến trúc bằng đất…”, là Nguyễn Thị Hậu “Càfê một mình”. Không chật vật với bận bịu đào bới, kêu hô, hết còn bộn chộn lau chùi hay phục chế, vứt bỏ mọi nỗi họp hành, lương bổng với thi đua lập thành tích sau lưng. Càfê một mình, một mình thôi:
“Chiều nay trời Sài Gòn đẹp vô cùng… Nắng thật nhẹ, không khí thật dịu, và Sài Gòn thật yên bình nếu vắng tiếng ồn ã và khói bụi của những dòng xe chạy không dứt trên đường. Tiết trời làm người ta thèm đến một chốn thật riêng tư, một mình, ừ, cùng lắm là hai người, ngồi thật yên chỉ để lắng nghe từng giọt café đang rơi thật chậm, như chiều ngoài kia”.
Và bên cạnh Nguyễn Thị Hậu khảo cổ là một Nguyễn Thị Hậu nhớ cha, nhớ thầy, nhớ tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm thơ mộng; là một Nguyễn Thị Hậu của Đà Lạt mùa vắng dã quỳ, Paris mùa thu tím,…
Không phải Nguyễn Thị Hậu phân thân mà là nhất thể. Ở đó chúng ta nhận ra một người bạn trọn vẹn hơn: Nguyễn Thị Hậu-con người.
Sài Gòn, 04.03.2008.