NG.
Ai như em - dán dính mình bằng quần Jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?
Ai như em - bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm - avian flu?
Ai như em - ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas?
Ngỡ ngàng quá em ơi! - đời bỗng dưng trở thành một chuỗi phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm - sau tạp nhạp hỗn hợp, sản phẩm thu được là một mớ shit of globalization.
TÔI
Nhễ nhại mồ hôi, xé lòng cơn đau đêm, lập cập run - bi mìn sót lại.
Mẹ dội tôi vào đời, khóc oang oang, nhầy nhụa chiếc phòng, quờ quạng trong đặc sệt bóng tối, phủ lên palei gánh nặng một đời người.
Loài quạ thét trong đêm, tan tác bầy cú vọ, tiếng khóc vỡ òa đánh thức bầy gà lười gáy tinh mơ.
Đi - cha tôi đi - cánh tay trần gầy guộc, lôi không nổi bầy ngôn ngữ nằm sâu dưới vực, chiếc tàu gặp nạn, chìm vùi illimo.
Tôi - cái thằng tôi - trơ trẽn vỗ ngực, ngủ vùi cùng cái mác bảnh choẹ, láng coóng một cái đầu to hai mái - rỗng tuếch bên trong, tỉnh vội - soi gương thấy mình cũng chỉ là cái thằng Klu khờ khạo, mút mục ngón tay cái mà cứ tưởng là núm vú mẹ nâng niu ngày chào đời.
___
Lời bình của Inrasara:
Tư duy phản tỉnh là cảm thức rất cơ bản của hậu hiện đại. Nó lay ta dậy, banh mắt ta ra, buộc ta nhìn lại mình, cùng các hạn chế muôn đời của ngôn ngữ, suy nghĩ và hành động ta. Và cả người xung quanh.
Hai bài thơ “Tôi” và “Ng.” của Jalau Anưk là một cách. Lâu nay ta cứ ngỡ ta bạnh chọe, ngon lành vân vân rất oách. Nhìn lại, ta chỉ là thứ hỗn hợp tạp nham, rỗng tuếch, khờ khạo, nhí nhố,… Ngôn từ, tứ thơ và thi ảnh thực ở đây còn hơn cả thực tại lù lù. Sẵn sàng gây phản tỉnh.
Jalau Anưk là khuôn mặt thi sĩ Chăm thế hệ mới. Trí tuệ, tài năng nhưng rất mực… khiêm tốn. Một khiêm tốn luôn ở tư thế bùng vỡ trong một tương lai gần.