(Viết thể theo yêu cầu một số độc giả, sau khi đã xem 2 PHẦN ngót mấy chục trang trên VCV về "Thuyết Dung Thông & Đạo làm người", nay muốn liếc mắt nắm gọn cốt lõi. Ngoài ra các bạn chưa đọc cũng muốn trước khi khởi đọc cà 2 PHẦN đó, thì sơ qua cái tóm tắt thật ngắn về nó.)
Sự vận động di chuyển để truyền đạt (DUNG), để giao lưu, liên thông, kết nối (connection) một cách thường xuyên, thuận nghịch, nhiều tầng, nhiều chiều và thông suốt (THÔNG). Điều này đã được tác giả chứng minh là một quy luật phổ biến, tổng quát nhất của toàn bộ thế giới hữu hình và ẩn hình: từ toàn vũ trụ, các sinh vật, đến các ‘hạ-hạt’ nguyên tử (học thuyết vật lý hiện đại ‘Bootstrap’ của Geoffrey Chew) trong trời đất, từ toàn xã hội đến từng cá thể kể cả tinh thần, tiềm thức, tâm hồn... Mọi vật thể, mọi hiện tượng là một khối, trong đó tính chất của phần này được xác định bởi tất cả các phần kia.
‘Dung thông’ thực ra là nguồn căn, bản chất, sự phát triển và động lực phát triển của vạn vật và sự sống. ‘Dung thông’ lại là bản chất, ý nghĩa, mục đích, lý tưởng, niềm vui và hạnh phúc của mỗi con người ta.
Dung thông từ chỗ là một quy luật phổ quát của tự nhiên, xã hội và con người như nêu trên đã được tác giả chứng minh đáng được bản thân mỗi người thấm nhuần thành một nhân sinh quan, một triết lí sống, làm cốt lõi cho một hệ thống các cách thức thực hành rèn luyện tu dưỡng từ gốc tâm hồn đạt đạo làm người, đạo lý xử thế trong sáng mà giản dị (với bản thân và mọi người) kể cả cách xử lý hiệu quả nhất đối với stress, giữ “tâm hồn thanh thản”, nâng cao kiến thức và văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu thương và đạo đức (nhất là chống lòng tham), rồi trách nhiệm nhập cuộc, nối các giai đoạn tuổi đời, và kiến tạo tình yêu, chia sẻ, hạnh phúc, và cả thái độ đối với cái chết.
Trong các mặt ứng dụng vừa nêu, lấy một ví dụ “ĐẠO LÀM NGƯỜI THEO THUYẾT DUNG THÔNG” giúp mỗi người tự thức tỉnh, xem lại mình mọi lúc của mỗi ngày và suốt toàn bộ cuộc đời: có lúc nào thụt lùi về giác ngộ dung thông thuận-nghịch không? Nếu chỉ một chiều ích kỷ dòng dung thông tích luỹ nhận vào (từ sinh thành, vật chất, tinh thần, yêu thương, v.v…) rồi khư khư giữ riêng cho mình, không dòng dung thông sẻ chia ra cho ai cả; không làm việc, sáng tạo, đóng góp đáp trả đời (kể từ công đức mẹ cha tổ tiên, dân tộc…, đến mọi người đang sống trên tổ quốc và thế giới) như ‘quỵt’ công vậy, thì rõ ràng phải đánh giá là không đàng hoàng công bằng sòng phẳng tử tế và phải đạo, phạm quy tắc có đi có lại, được-cho, nhận-trả (kể cả NHẬN của quá khứ phải TRẢ cho hậu dụê).