Nợ gì không nợ, nợ... miệng! Nghe "thô tục" thế nào ấy, nhưng lại là "vấn đề nóng" mang tính xã hội, đang ngày càng phát triển trong đời sống cộng đồng! Thật vậy! Nợ cái khác, có người mắc có người không, nhưng "nợ miệng" thì dân ta ngày nay không mấy ai ... thoát nợ!
"Nợ miệng", thực chất là "miệng nợ", tức là cái miệng đã chót ăn của thiên hạ rồi, tức chót "nợ" rồi, phải lo trả! Đám mừng thọ - ăn, đám cưới – ăn, đám tân gia – ăn,... đã đành; bởi vì nó còn có "không khí vui mừng" của gia chủ cũng như của thực khách. Nhưng cái đám ma lạnh lẽo, buồn thảm là thế, mà cũng... ăn được thì thật không thể hiểu nổi! Dựng rạp: ăn, ba ngày: ăn, bốn chín ngày: ăn, trăm ngày: lại ăn! Vậy mà thiên hạ vẫn ... ăn đấy! Có kẻ cúi mặt ăn; nhưng cũng nhiều người vẫn thản nhiên ngửa mặt cười hô hố trong khi tang gia buồn đau nẫu cả ruột gan, chả bận lòng chút nào sất! Ngày xưa, chuyện như thế chỉ thấy ở làng quê cổ hủ, lạc hậu; nhưng ngày nay thì đâu đâu cũng có; ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến cũng có!
"Nợ", hiểu theo cách thông thường, là người nợ có nhu cầu vay, thì người chủ nợ thoả thuận cho vay. Nhưng "nợ miệng" thời hiện đại thì khác: người nợ không có nhu cầu "ăn", tức không có nhu cầu "nợ", vẫn phải ăn, phải nợ! Lại có chuyện không hề nợ, vẫn cứ bị "đòi nợ miệng" như thường! Mà thậm chí nhiều khi không được nợ (do chủ sơ suất quên không đưa thiếp mời chẳng hạn), thì còn làm mặt hờn dỗi nữa (có hờn dỗi thật, mà cũng có cả "hờn dỗi" vờ: "may quá, đám ấy họ quên mình!")!
Nói thế, không hẳn không còn những "khổ chủ" có nhu cầu... "nợ miệng": đang "chạy việc" cho con, đang "chạy chức" cho bản thân, hoặc kể cả đang lo mất "ghế", mất việc; mà có dịp được "trả nợ", thì nhất rồi! Bận mấy cũng khắc phục mà đi, mưa gió gì cũng cố gắng mà đến, dẫu đói "nhăn răng" cũng ráng vay mượn mà "theo"! Đến, còn là dịp để "vua biết mặt, chúa biết tên" nữa, tội gì mà không đến - cơ hội đâu dễ lặp lại!
Cái cách "đòi" nợ miệng cũng có nhiều điều trớ trêu: Có người phải đi tìm nhà "con nợ" đến "mờ cả mắt", vì nỗi đã lâu lắm rồi có gặp nhau đâu! Mà gặp "mời" xong, thì từ đấy cũng thôi, chả bao giờ đến nhà con nợ nữa! Lại có cách đòi nợ theo kiểu "ra thông cáo báo chí" gửi đến các cơ quan đoàn thể! Làm như thế thì không còn sợ bỏ sót bất kì ai, để không còn bị ai "chê trách"; lại không mất thời gian, công sức đến từng nhà! Cao tay chửa? Nhưng mà cái cách "cao tay" ấy, dân thường không bắt chước được đâu, bắt chước thì chỉ có mà ăn.. chửi no! Cách ấy là cách của "sếp", sếp càng lớn, càng hiệu quả!
Công bằng mà nói, thực tế cũng có không ít người muốn xoá bỏ cái hủ tục này, khi nhà có việc, không muốn bầy vẽ cỗ bàn ra làm gì; nhưng khốn nỗi lại ngại bị chê là "chỉ biết ăn của người", nên lại đành cắn răng làm theo. Cái "văn hoá" sợ cái "vô văn hoá" là thế đấy!
Cái miệng con người ta quả thật lắm điều rắc rối: "nói lắm thì vạ miệng", "chửi lắm thì khô miệng", "ăn lắm nợ miệng"; lại có cả "miệng không ăn, miệng vẫn nợ"..! Ấy là may mà cái miệng chỉ có một thôi đấy, chứ lại có hai như cái mắt, cái tai,... thì còn là phức tạp! Đến phải nghĩ cách trang bị cho cái miệng một cái gì đó, giống như ta đang bảo hiểm cái đầu khi ngồi xe máy tham gia giao thông, chẳng hạn!
Kính thưa các nhà văn hoá , Nước ta vốn là nước ngàn năm Văn hiến - và thực sự đã, đang là nước Văn hiến; chả nhẽ không "văn hoá" được cái món ... "nợ miệng này sao?!.