Hôm nay nàng mới gội đầu. Mái tóc buông xoã óng mượt, chảy tràn phủ khắp mặt tôi như đồng cỏ mềm mại đầy hương mùa thu thơm dịu dàng.
- Em yêu mình vô cùng! Bằng tất cả tình yêu trên thế gian này cộng lại.
Ngay lúc này tôi không có hứng thú với những lời nũng nịu của Thiện Tâm, dù nàng là nguồn nắng sưởi ấm quãng đời cuối thu cho tên đàn ông 50 tuổi như tôi.
- Nào buông anh ra cô bé! Anh rất mệt…
- Nè! Mấy ngày nay chưa bị con nhỏ “tàn sát” lần nào…sao than như bọng vậy? Bộ bị chị cả đòi truy thu thuế hả?
- Không phải bị truy thu thuế nhà, mà sắp bị truy thu thuế kinh doanh. Công ty mình còn nợ đọng thuế nhập khẩu hơn một tỉ đồng. Chết không!
Tôi ném cho nàng tờ công văn của Chi cục thuế đóng dấu đỏ loét. Thiện Tâm tròn xoe mắt nhìn tờ công văn như nhìn tên cướp vừa phá cửa xông vào nhà, đôi má còn đỏ hườm hứng tình, nhưng ánh mắt xuân đã “mang hình viên đạn”. Cô nhỏ đừng gịân dữ nữa. Thực ra Công ty mình chưa nộp thuế mấy chục contenner hàng phế thải nhập khẩu trong năm nay. Con mẹ Thành Tín không giữ chữ tín, đâu có bỏ tiền ra nộp thuế như đã hứa. Nó nhận mua rẻ hết mấy lô hàng với điều kiện đóng thuế thay mình, vậy mà tiền gốc còn thiếu 20 phần trăm chưa thanh toán, còn đội mũ phớt nữa. Con mẹ ỷ có ông chồng là Bí thư thành uỷ, ra mặt ăn hiếp mấy Công ty TNHH như mình đây. Anh vẫn chưa có được bản lĩnh thương trường phải không cô nhỏ? “Thương trường như chiến trường”, mà mình thì khư khư giữ cái tính hay thương người từ năm nảo năm nào của thế kỉ trước.
- Giờ làm sao mình? Tiền mặt công ty đâu còn nhiều. Bạn hàng còn nợ hơn 4 tỉ nhưng chưa tới kì hạn trả…
Tôi làm mặt lạnh.
- Thì dẹp tiệm! Cho cô nhỏ đầu quân công ty khác. Xinh đẹp vậy đâu lo thất nghiệp.
- Hổng thèm! Mình nghiêm túc đi! Giỡn hoài mệt quá!
Nói gì nữa đây cô nhỏ? Mình ôm bất động sản thế chấp vay hết lượt các ngân hàng rồi. Giờ mà vay lãi cao nộp thuế thì có nước bán công ty luôn.
Nàng đăm đăm nhìn tôi.
- Em ráng giúp anh thử coi! Cho em nghỉ phép một tuần đi.
Thôi được! Cô nhỏ cứ nghỉ phép hay chạy luôn cũng được. Tôi hoài nghi lời nói của nàng. Gia đình nàng ở mãi trên cao nguyên, ông bà già cũng trồng mấy mẫu cà phê và điều, đủ sống. Các em còn đang đi học. Tiền đâu mà giúp tôi?
Thiện Tâm là mối tình sét đánh của tôi. Cô nhỏ xin vào làm kế toán cho Công ty Trường Sơn gần một năm thì chúng tôi yêu nhau. Có trời mà biết chúng tôi yêu nhau từ bao giờ và như thế nào. Một người đàn ông trung niên có vợ hai con và cô gái son kém mình 25 tuổi, bị hút vào nhau như lực hấp dẫn. Có cái lạ là cô không yêu tôi vì tiền của, cũng không đòi hỏi quà cáp đắt tiền bao giờ.
- Anh là món quà quý nhất cuộc đời dành cho em rồi.
Thiện Tâm thường nói như vậy.
Một tuần tôi như ngồi trên đống lửa. Một tuần không dám bấm máy số di động của nàng. Cô nhỏ cũng không hề gọi về cho tôi lấy một lần. Tôi thì nghĩ cô nàng đã bỏ của chạy lấy người. Đến vận mạt, mong gì người dưng phò mình, huống hồ chúng tôi mới chỉ hai năm mặn nồng hương tình.
Đúng buổi chiều nhận được công văn thúc nợ của Chi cục thuế và lời khất nợ đến đầu năm sau của bà Thành Tín, tôi đang đờ đẫn vì lo lắng thì nàng trở về. Mái tóc như chớm vàng nắng cao nguyên, đôi má đỏ rực màu hoa trạng nguyên. Nàng ôm chầm lấy tôi, vít đầu tôi thấp xuống cho chìm vào nụ hôn ngấu nghiến, ngẹt thở.
- Em nhớ mình muốn chết!
Nàng lặng lẽ chìa ra tấm séc màu hồng nhạt. Một tỉ đồng của ông Đại Lâm nào đó chuyển cho công ty Trường Sơn vay mà không có bất kì điều kiện nào. Tôi nghi ngờ nhìn vẻ mặt toại nguyện của nàng.
- Làm sao em có được số tiền này?
Nàng đánh đu trên cổ tôi.
- Bộ mình mới làm công an hả? Tra hỏi hoài. Muốn em nói ra, phải có điều kiện.
Tôi lại càng nghi ngờ. Được rồi. Cô nhỏ nói đi. Nếu số tiền này không trong sạch, tôi thà để cho công ty phá sản chứ không thèm nhận đâu. Nàng ghé tai tôi thì thầm:
- Cho em …yêu mình chút đi! Nhớ quá…nhớ sắp chết rồi nè.
Mùi hương yêu quen thuộc lại tràn đầy căn phòng nhỏ, nhưng tôi không tập trung được vì nỗi ngờ vực soi mói trên từng li da thịt thơm thắn của nàng. Một người phụ nữ vì tình yêu có thể làm tất cả mọi chuyện. Nỗi nghi ngờ chất chứa mãi trong lòng vì tôi biết nàng yêu tôi lắm. Nàng còn dám nói với vợ tôi. Chị ơi! Em yêu chồng chị không phải vì anh ấy là giám đốc. Anh ấy là con người tài hoa, đức độ. Một tuýp đàn ông hiếm hoi còn sót lại, chị cho em chia sẻ tình yêu với. Em sẵn sàng chết vì anh ấy.
Và nàng đã giữ đúng lời thề “tử vì tình”, còn nàng “tử “ như thế nào để có đống tiền kia thì tôi không hề biết. Còn đang mải mê hôn từng góc, từng góc da thịt trên ngực tôi, nàng bị lật ngửa ra, đôi mắt đắm đuối phải đối diện với ánh mắt tối sầm ngờ vực.
- Em vay tiền ở đâu? Có phải điều kiện gì không?
- Ghét mình quá hà! Làm em mất cả hứng. Tiền cha cho vay đó!
- Cha nào!
- Cha em chứ còn cha nào! Bộ không muốn nhận là con rể cha tui phải hôn?
- Trời! Cha em lấy đâu ra nhiều tiền vậy?
- Xời ơi! Coi thường người cao nguyên quá đó ông. Mấy năm nay cao su xuất khẩu được, cà phê lại lên giá, nên công ty Đại Lâm của cha thu cũng bộn tiền. Em nói chuyện về anh, rồi năn nỉ ông cho mượn tiền, cha lắng chuyện tụi mình, coi hình anh chụp cùng em rồi đồng ý liền. Cho vay số tiền này, cha còn dư sức mua thêm chiếc xế hộp 300 triệu mà. Mà cha nói có biết anh đó, hồi anh còn là bộ đội giải phóng lận.
Đầu óc tôi ù ù như xay lúa, chẳng hiểu Thiện Tâm nói gì. Thế ra cha nàng cũng là một giám đốc công ty TNHH như tôi. Vậy nàng còn về đầu quân cho Trường Sơn và mắc vào cuộc tình khấp khểnh với tôi làm gì? Sao cha nàng lại biết tôi nhỉ? Nàng đã bước ra từ phòng tắm.
- Ngó cái mặt anh kìa! Tức cười quá. Bộ bây giờ làm lớn không muốn nhận người quen phải hôn? Cha biểu em hỏi xem anh có nhớ người tù binh có mang theo đứa nhỏ mới sinh hồi ở Bình Phước không? Anh còn đặt tên cho đứa nhỏ đó mà! Ai mà hay vậy ta? Còn em khi mới ra trường, xin cha đi làm thuê một thời gian đặng có kinh nghiệm về giúp công ty nhà. Ai dè gặp anh. Hết đường về quê luôn.
Một ánh chớp hoả châu chợt loé lên trong đầu tôi. ánh chớp soi sáng một quãng kí ức chiến tranh ầm ầm lửa đạn. Đúng rồi. Năm đó anh 24 tuổi, là một y sĩ quân đội.
Rừng ngờm ngợp khói đạn khét lẹt bốc ra từ những xác xe bọc thép bị cháy. Đơn vị hối hả lao về hướng thành phố như cơn lốc, không kịp thu nhận tù hàng binh. Dân tản cư cùng một tóan tù hàng binh được tập trung tại một khu rừng ở Bình Phước. Đơn vị có ba chiến sĩ bị thương. Đại đội trưởng chỉ vào anh.
- Cậu ở lại! Vừa chăm sóc thương binh vừa coi giữ tù binh. Nhớ cẩn thận đấy. Lúc nào trung đoàn đến, bàn giao hàng binh và rồi đuổi theo đơn vị ngay.
Có hơn trăm người dân đang chờ xe về nhà tại Đồng Xoài. Tù hàng binh có 13 tên, con số 13 đáng ghét. Đơn vị đang tiến về Sài Gòn mà anh phải nằm lại xó rừng này với những bộ mặt sạm đen lầm lì, khó hiểu. Những đống lửa được đốt lên sáng rừng rực trong đêm. Một mình anh với cây súng AK còn đúng 30 viên đạn. Anh tự cho mình là người thông minh, khi dồn 13 của nợ xuống hai công sự hẹp, sâu ngang cổ.
- Mọi người nằm im lặng dưới đó đến sáng. Ai muốn đi vệ sinh phải xin phép. Nếu tự tiện lên mặt đất sẽ bị bắn.
Anh doạ họ thế, chứ chẳng thấy ai xin phép lên mặt đất, hình như nỗi sợ hãi làm con người ta quên cả sự bài tiết bản năng. Họ cảm thấy nằm dưới hầm an toàn hơn.
Đêm se lạnh. Anh không dám ngủ. Dìu mấy anh em thương binh lại gần đống lửa, anh lúi húi tìm xung quanh những cành cây khô chất thêm vào. Phía đông tiếng đại bác ì ầm vọng tới, ánh lửa chớp nhì nhằng. Hình như chiến tranh sắp kết thúc. Anh cảm thấy thế từ tình hình chiến sự đang ào ạt như bão cuốn. Nỗi mừng mình còn may mắn được sống trở về làm anh xấu hổ. Nhưng thực lòng anh muốn sống. Sự hi sinh, đau đớn của đồng đội ba năm qua mà anh từng chứng kiến thật khủng khiếp. Máu của họ lúc nào cũng nhuộm đỏ hai bàn tay anh. Anh trở về với giấc mơ ngày thơ bé, thấy mình trở thành một thuỷ thủ tàu viễn dương vượt biển đi tìm của cải về cho đất nước.
Cơn mơ vượt đại dương làm anh thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, anh nghe tiếng đứa em út oe oe khóc. Ngày nó sinh ở trạm y tế xã, máy bay Mĩ gầm rít trên đầu. Anh khóc mếu vì lúc chạy máy bay đã làm đổ mất rá cơm độn sắn mang cho mẹ. Bước vào cửa trạm y tế, tiếng đứa em mới sinh chợt oe oe như trách mắng anh đã làm mẹ đói. Anh bật khóc tu tu, rồi bừng tỉnh giấc. Tiếng đứa em vẫn oe oe đâu đây.
Vươn vai, xốc lại súng, anh lò dò đi quanh hai chiếc hầm. Những người tù hàng binh hình như không ngủ. Tiếng thì thầm như từ dưới mộ vẳng lên. Rồi từ căn hầm bên trái, tiếng trẻ con khóc gắt, ngằn ngặt. Chiếc đèn pin còn chút ánh sáng le lói chỉ đủ soi khoảng hầm chật chội mà người hàng binh to lớn kềnh càng, lúng túng bồng đứa trẻ đang khóc.
- Anh kia! Tại sao có trẻ nít dưới đó?
Ngừơi hàng binh cuống lên, khuôn mặt râu ria méo xệch vì sợ hãi.
- Dạ thưa! Dạ…
Anh quát lên:
- Đưa đứa trẻ lên đây!
Người hàng binh dợm đứng dậy nhưng lại ngã xuống trong tiếng khóc gắt của đứa trẻ. Mấy người bên cạnh báo cáo rằng anh ta bị thương ở chân. Đúng rồi. Hồi chiều anh nhìn thấy một hàng binh tập tễnh, cúi lom khom ôm vật gì dưới bụng, chắc là người này. Mấy người dưới hầm được lệnh của anh, xúm vào đỡ người đàn ông và đứa trẻ lên mặt đất.
- Thưa ông giải phóng! Mong ông thương tình tha cho. Hôm qua việt cộng…xin lỗi, giải phóng đánh vào thị xã. Tôi bỏ đơn vị tìm về khu gia binh thì vợ tôi bị miểng pháo chết rồi. Đứa nhỏ đây vợ tôi mới sanh được một tuần. Tôi buộc con nhỏ dưới bụng đi theo toán hàng binh. Dạ…xin ông thương lấy đứa nhỏ.
- Cháu bé đói phải không?
- Dà! Có lon sữa guygô mới hết hồi sáng…
Anh vờ quát nạt rằng sao lại giấu đứa bé. Nó mà chết các người mang tội đó. Còn trong lòng thì chỉ muốn khóc to lên vì thương xót. Ôi chiến tranh! Bom đạn không chừa ai cả. Đứa trẻ vừa sinh ra đã mồ côi mẹ. Người cha bị thương ở đầu gối. Anh ta nói rằng trong lúc hỗn loạn, vội vàng chạy tránh pháo kích thì bị ngã. Vì cố đỡ cho đứa trẻ trước bụng, đành phải gập gối chống xuống và đập vào một đoạn xích xe tăng đứt. Đầu gối bị rách, nhiễm trùng sưng vù. Việc đầu tiên là nhờ anh bạn thương binh cầm súng chĩa vào hai căn hầm, anh đi kiếm một gamèn nước, bắc lên đun. Trong ba lô còn hai hộp sữa bột. Pha sữa bón cho đứa trẻ xong, nó tóp tép cái miệng xinh xắn rồi nhắm mắt ngủ. Lúc ấy anh mới lấy nước nóng rửa vết thương, rắc thuốc kháng sinh rồi băng lại cho người cha. Anh ta ôm lấy con, lê lại gần đống lửa, nấc lên khóc. Cái đầu rậm cợp cúi gục xuống hình hài bé nhỏ của đứa trẻ. Anh đưa hết hai hộp sữa bột cùng chiếc gamèn lính cho anh ta, dặn phải đun nước thật sôi hãy pha sữa kẻo bé bị tiêu chảy, rất nguy hiểm. Mấy viên thuốc kháng sinh và cuộn băng cá nhân anh cũng cho nốt. Trước mắt anh giờ đây không còn là tên lính nguỵ bên kia chiến hào, mà là một bệnh nhân tội nghiệp với đứa con mồ côi.
Gần mười giờ trưa hôm sau mới có chiếc xe hồng * và hai chiếc gát của đơn vị chạy qua. Anh bàn giao số tù hàng binh và gửi một số người già trẻ con theo xe về thị xã trước. Khi anh và ba thương binh đã ngồi trên xe hồng thì thấy người hàng binh ôm đứa trẻ ngồi xe bên cạnh gọi với sang.
- Thưa anh giải phóng! Con tôi chưa kịp đặt tên, xin anh hãy đặt tên cho nó.
Anh chỉ kịp nghĩ, dù trong chiến tranh khốc liệt, con người vẫn cần có lòng nhân ái, bèn gọi với sang trong tiếng xe rú ga ầm ĩ.
- Lòng nhân ái. Thiện Tâm…
Không biết người cha có nghe rõ tiếng anh, chỉ thấy cái đầu tóc rậm gật gật.
Mà kìa! Sao em cũng tên là Thiện Tâm!!! Chẳng lẽ…
Thiện Tâm cũng trố mắt nhìn tôi. Miệng lắp bắp.
- Trời ơi! Không lẽ anh là…Mà sao từ hồi nào anh không nói cho em hay?
Làm sao tôi nhớ được cơ chứ? Chuyện chiến tranh từ kiếp nào muốn quên nó mà chẳng được. Cả cái tên Thiện Tâm, khi kể lại chuyện cũ tôi mới chợt nhớ ra. Chứ hồi đó có biết đứa trẻ là trai hay gái đâu.
Nàng chợt khóc. Mà sao cha em cũng ác quá, không nói cho biết vụ này. Em cứ tưởng chuyện của ai đó chớ.
Tôi ôm khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nàng. Thiện Tâm ơi! Chảng lẽ cuộc đời trả công cho anh hậu hĩnh vậy sao?
Tháng 2/2008
Chú thích: xe hồng*- xe cứu thương có chữ thập đỏ