Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
942
123.197.170
 
Sự tăng tốc của thời gian : Nhân đọc tập thơ Hình dung của Đặng Chân Nhân
Đồng Khánh

Trong rất nhiều tập thơ xuất hiện gần đây có một tập thơ làm cho tôi chú ý. Chú ý bởi trông là lạ với cái bìa đơn giản có hình bàn tay giữa thiên hà; bởi bên trong được minh họa đẹp, hiện đại, lại đơn giản; bởi đây là tập thơ song ngữ đầu tiên trong nước và  tác giả tự dịch sang tiếng Anh rất chuẩn…Quả là một tập thơ ấn tượng, nhưng cái khác biệt lớn nhất: đó là tác giả của tập thơ mới có 14 tuổi. Em có cái tên cũng lạ: Đặng Chân Nhân.

 

Tập thơ có tên “Hình dung” của Đặng Chân Nhân chỉ có 17 bài, được viết rải rác từ khi em 8 tuổi đến khi em 14 tuổi. Chỉ có 17 bài thơ là sự hình dung của em về thế giới, nhưng đủ để mang đến cho người đọc sự ngạc nhiên, thú vị và những cảm nhận đặc biệt.

 

Để hiểu thơ của Đặng Chân Nhân, có lẽ cũng nên biết một chút về tác giả. Mẹ Nhân cho biết khi còn nhỏ, em thích vũ trụ. Em thuộc lòng về thiên hà và lỗ đen, thuộc lòng tên thủ đô các nước và các đường phố ở Hà Nội. Em thích nhìn thấy nhà thờ hằng ngày. Em vẽ la liệt các tranh nhà thờ và bản đồ thế giới. Em thích xem các sách về địa lý, địa chất, rừng, biển, con vật… Em thích xếp hình Lego. Nhân học văn ở trường không có gì quá đặc biệt. Em viết khá tốt các bài văn theo đề tài tự do. Ngoài các bài thơ phải học ở trường (và thường là em không biết phân tích, giải thích cho lắm), Nhân không đọc thơ ai cả, kể cả thơ của bố em. Em bắt đầu học tiếng Anh khi mới thạo tiếng Việt.

 

Hãy cùng đọc bài thơ đầu tiên của em: Em có một gia đình/Gia đình đó gồm có:/Bà, bố, mẹ, chị, em/Và ba em khác nữa./Bà là một sao Mộc/Bố là một Trái Đất/Mẹ là một sao Kim/Chị là một sao Thuỷ/Em là sao Diêm Vương./Nhưng vẫn còn ba em:/Ngựa, Gấu và Cánh Cứng/Ngựa là sao Thiên Vương/Gấu là một sao Hoả/Cánh Cứng – sao Hải Vương./Đó là một gia đình. Thật thú vị là mỗi thành viên trong gia đình được gọi tên bằng một ngôi sao. Cái gia đình đó không phải chỉ có thành viên là con người, mà có cả đồ chơi của cậu bé Nhân 8 tuổi nữa.

 

Trong cả tập thơ, 17 bài thơ của Nhân được viết theo các vệt khá rõ: Loạt những bài đầu tiên là những bài em viết khi còn bé. Thế giới của em là gia đình (“Gia đình”), vũ trụ, bầu trời, trái đất, lỗ đen (“Bầu trời trong giấc mơ”, “Mùa đông như màu trắng”, “Lỗ đen”, “Trái đất bao la”). Em cũng nhận ra thiên nhiên mà em yêu rất đẹp, những cũng rất khắc nghiệt (“Mùa đông như màu trắng”, “Cá lớn cá bé”).

 

Bên cạnh những bài viết về vũ trụ, thiên nhiên, một vệt khác xen kẽ với vệt trước và tiếp theo thể hiện em bắt đầu có những mối quan tâm mang tính xã hội (“Sinh nhật”, “Cùng chơi”, “Cuộc sống”, “Cần phải làm gì?”, “Thiên nhiên là gì”). Xã hội của em là nơi có em và bạn bè của em. Em đã nhận ra mọi người phải cùng chơi, cùng niềm vui, cùng bình đẳng khi chơi. Em cũng đặt những câu hỏi “Cần phải làm gì” đầu tiên mà một cá thể xã hội phải hỏi khi trong cuộc sống có những điều như thế: đang đi xe đạp mà bị đâm xe, đọc sách mà có trang bị rách, cầm va li mà va li rơi, đang đi chơi mà giẫm phải con kiến…Ở tuổi lên 9, em chỉ mới biết đặt câu hỏi. Mặc dù kết thúc bài “Cần phải làm gì?”, em viết: Tôi cũng chịu thôi thì người đọc cũng rất thích thú bởi câu trả lời không chỉ thơ trẻ của em, mà còn vì thực ra những câu hỏi của em là cách em nói lên điều em biết – em đã là một đứa trẻ bắt đầu có ý thức xã hội. Nhưng sự bắt đầu này của Đặng Chân Nhân đã là một sự bắt đầu rất cao khi em viết: Thiên nhiên rất sòng phẳngCòn nếu con người làm hại thiên nhiên thì đó là làm hại chính mình (“Thiên nhiên là gì”).

 

Vệt tiếp theo với “Điều dễ”, “Hình dung” và “Trí tưởng tượng”, được viết khi em ở tuổi 10-13, người đọc đã thấy một em bé độc đáo trong tư duy. Ai mà chẳng biết điều dễ thì dễ hơn điều khó, nhưng cái chân lý đơn giản và 100% bị bỏ qua này lại khiến cậu bé Đặng Chân Nhân suy tư: Cái dễ dễ hơn cái khó/Cái dở dễ hơn cái hay/Cái dốt dễ hơn cái giỏi/Cái xấu dễ hơn cái tốt/Cái ác dễ hơn cái hiền/Các xấu dễ hơn cái đẹp…Và em kết luận thật thú vị: Những thứ nghiêng về tốt, hiền, giỏi…Luôn khó hơn mọi thứ khác. Kết luận này của em giống như một lời nhắc nhở về một điểu rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng lại là một lời nhắc nhẹ nhàng. Nhưng, rõ ràng, Đặng Chân Nhân không định nhắc, em chỉ định nói điều em thấy một cách tự nhiên và đó là điều làm ta thích thú.

 

Trong bài  thơ “Hình dung” viết khi 12 tuổi, Đặng Chân Nhân đã có những suy tưởng khác lạ: đó là hình dung mình đứng ở một vị trí khác trong không gian và thời gian để nhìn nhận mọi thứ quanh mình: Thử hình dung xem…/Mình làm một người hành tinh khác,/Không quen biết người Trái Đất,/Đi trên một cái đĩa bay…/Thử hình dung xem…/Mình là một món ăn,/bị cho lên chảo nghìn độ/bị cắn bởi vật sống…/Thử hình dung xem…/Mình đến từ tương lai,/biết hết những điều mới mẻ/coi thời hiện tại như quá khứ…Sự hình dung của em ở đây khiến người đọc sững sờ: một vật đã bị đưa lên chảo nướng 1000 độ rồi lại còn bị cắn bởi vật sống – một câu thơ khiến người đọc không khỏi liên tưởng rằng có những điều con người đang làm trong hiện tại được xem là bình thường, nhưng ở giai đoạn văn minh trong tương lai cao hơn, con người sẽ nhận ra sự tàn bạo hôm nay của mình. Khi Nhân chọn cho mình đứng ở tương lai để nói về hiện tại, từ vũ trụ nhìn về trái đất, người đọc nhận ra cảm nhận của cậu bé rằng có cái gì đó không ổn trong nền văn minh hiện tại. Còn rất nhiều sự bất ổn khi tác giả kết luận: Còn nhiều thứ để hình dung.

 

Đến vệt thơ cuối cùng với loạt bài “Trò chơi”, “Tồn tại”, “Những linh hồn nhảy nhót”, Đặng Chân Nhân đã thật sự làm người đọc ngỡ ngàng: Em đã đi được quá xa trong vòng chừng hai năm của tuổi thiếu niên. Bài “Trò chơi” – (thật thú vị khi biết đây là một bài tập về nhà của em)- Đặng Chân Nhân viết: Cuộc sống chỉ là một trò chơi. Người đọc sẽ bảo đó là câu nói của những người đã sống gần hết cuộc đời. Nhưng câu tiếp theo của Nhân cho thấy em nhìn cái trò chơi này rất hiện đại: Mà con người là những nhân vật ảo. Có lẽ em nghĩ đến thế giới ảo khi viết điều này. Thế giới Interrnet là trò chơi tạo ra thế giới ảo, nhưng với Nhân thì vũ trụ cũng là trò chơi và con người là nhân vật ảo mà thôi. Nhân cho rằng người chơi trò này là Chúa Trời. Một điều nữa rất thú vị ở bài thơ này là cậu bé Đặng Chân Nhân khẳng định: Đã là trò chơi thì phải có luật và nếu vi phạm thì phải bị phạt chứ! Trong cái sâu sắc vô thức của mình, Đặng Chân Nhân vẫn dùng ngôn từ của một cậu bé có phần láu lỉnh, tinh quái, nhưng với một thái độ thật công bằng. Em nói rất thẳng thắn, bộc trực, không ví von, không quanh co, ẩn ý.

 

Cũng trong vệt này, “Tồn tại” của Đặng Chân Nhân chỉ có vẻn vẹn có ba câu, mà thực chất chỉ là một câu rất ngắn: Một vật/ chỉ tồn tại/ khi con người tin là nó tồn tại. Với tư duy gần như siêu nghiệm của mình, Đặng Chân Nhân đã chạm đến một vấn đề triết học cơ bản tồn tại hằng bao thế kỷ: Cái gọi là khách quan, gọi là có tồn tại, thật ra về mặt ý nghĩa có tồn tại không nếu như người ta không tin là nó tồn tại? Chúa tồn tại như một thực thể với những ai tin là có Chúa, mà không bao giờ tồn tại với những người chẳng bao giờ tin là có Chúa. Một bài thơ ngắn chỉ có một câu, nhưng thật ra lại là cả một phương châm sống về mặt tâm linh!

 

Bài cuối cùng, cũng là bài có thể khiến nhiều bạn đọc hết sức sửng sốt trước cái nhìn của một cậu bé 14 tuổi về tự do. Bài thơ có tiêu đề “Những linh hồn nhảy nhót”:

 

Những linh hồn này

Họ nhảy

Họ được tự do

Thoát khỏi sự lo lắng về cách sống sót

Thoát khỏi áp lực

Thoát khỏi các luật lệ

Thoát khỏi cuộc sống.

 

Họ nhìn thấy Chúa trên đó,

Và họ nhảy.

 

Bài thơ viết thật giản dị, ngắn gọn, trực diện, thoải mái và nhẹ nhàng, tưởng như không thể nhiều lời hơn, nhưng cũng không thể ít lời hơn được. Với bài thơ này, Đặng Chân Nhân làm chúng ta bàng hoàng về cái nhìn vượt thời gian của em. Ở đây ta có cảm giác em lý giải về tự do, nhưng là tự do tuyệt đối! Ở đâu và bất cứ khi nào, tự do cũng có nghĩa là thoát khỏi sợ hãi, lo lắng, áp lực, luật lệ. Nhưng với em, rốt cục điều đó chỉ xảy ra thật sự  không chỉ khi thoát khỏi cuộc sống mà thôi. Chúa mà em nhắc tới, đó có thể là Chúa Trời, nhưng đó cũng có thể  hình ảnh cao nhất của tự do. Linh hồn chỉ có thể cảm nhận tự do tuyệt đối khi thấy Chúa. Tác giả thiếu niên của chúng ta không nói “nhảy” mà là “nhảy nhót”. Chúng ta ai cũng đã từng có lúc cảm nhận niềm vui sướng. Khi sướng quá ta mới nhảy lên- đó là một cái nhảy vô thức, một cái nhảy không có bài bản. Nhảy nhót-đó là một cái nhảy tự do, tràn đầy vui sướng và người đọc cảm nhận được sự tuyệt vời của cái nhảy đó trong lời thơ của Đặng Chân Nhân.

 

17 bài thơ của Đặng Chân Nhân khiến ta nhận thấy ở đây sự hình dung của em gần như không có giới hạn nào. Với  tuổi của mình và trong những thay đổi trong quãng thời gian rất ngắn, người đọc dễ dàng nhận thấy sự trưởng thành nhanh lạ kỳ trong suy nghĩ của em. Đặng Chân Nhân vượt lên rất thoải mái những giới hạn về địa lý, không gian, thời gian để hình dung. Em làm điều đó thật tự nhiên. Thơ của em, đặc biệt những bài về sau của em gần như được viết mà không hề có bóng dáng của những kinh nghiệm sống... Những bài thơ vệt cuối của em thậm chí hé lộ rằng con đường sáng sạo của em rất đặc biệt-em không đi theo một logic phát triển trí tuệ thông thường là sinh ra-lớn lên-học tập-quan sát-tích lũy kinh nghiệm. Một số điều em nghĩ là những vấn đề mà một đứa trẻ thông thường hầu như không thể nghĩ tới. Em chạm tới những vấn đề lớn lao, từ vũ trụ, sự an toàn của trái đất, quy luật sinh tồn, bảo vệ thiên nhiên….cho đến niềm tin, ý nghĩa cuộc sống, tự do...Những bài thơ cuối trong tập thơ cho thấy sự vượt thời gian mà điều này chỉ có thể lý giải là siêu nghiệm.

 

Vâng, có lẽ, siêu nghiệm là một năng lực đang hé mở của Đặng Chân Nhân. Em viết cực kỳ sâu sắc, nhưng em lại là một cậu bé. Em viết tự do, chân thực và không vần điệu. Em làm thơ không phải vì em bức xúc điều gì. Đặng Chân Nhân có vẻ là một cậu bé vui sống. Em hoàn toàn không có dồn nén, bức xúc khi viết thơ. Em viết thoải, nhẹ nhàng, giản dị, như thể là em chơi. Em chưa biết viết những câu, từ với lớp lớp ý nghĩa chồng chéo, ẩn hiện, liên tưởng… Cánh cửa tâm hồn em mở như là một lẽ tự nhiên, bình thường, và em nói những gì như đột nhiên đến trong đầu em.. Từng bài trong số 17 bài thơ của em đều làm người đọc thú vị. Mỗi câu trong bài thơ của em đều có ý và trong thơ của em không có chất độn, chất đệm, như người lớn thường làm. Mọi ý tứ của em tự nó nổi lên không cần ngoại lực. Sức mạnh của nó nằm ở sự thắng thắn, bộc trực mà chỉ có thể thấy ở con trẻ.

 

Đọc thơ Nhân khó mà hiểu lệch sang một ý khác. Ý tưởng của em hiển hiện trực tiếp, rõ ràng qua những lời thơ rất mạch lạc, cấu tứ chặt chẽ, ít lời. “Hình dung” cũng hấp dẫn người đọc vì những suy nghĩ, tầm nhìn và sự sâu sắc đáng ngạc nhiên của một tác giả còn chưa đến tuổi thành niên, nhưng lại báo hiệu một ý thức, một trách nhiệm xã hội lớn.

 

“Hình dung” của cậu bé 14 tuổi Đặng Chân Nhân cho thấy một bước tiến rất dài phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong xã hội và thời đại. Nó cho ta cảm nhận thời gian đang trở nên tốc độ hơn. Nếu như ngày xưa ta có “góc sân” nhìn lên “khoảng trời” thôi thì nay, ta đã có cậu bé nhìn cả thiên hà. Nếu như thơ của 4X, 5X, 6X… chủ yếu chỉ là thế giới xung quanh với nhà vườn, con vật, cánh đồng – hình ảnh của một tư duy  nhà nông, và nếu như 7X, thậm chí 8X vẫn còn loanh quanh với những day dứt cá nhân, thì nay ta đã thấy một cậu bé 9X khoáng đạt của thế kỷ 21 với những hình ảnh của nền văn minh hiện đại mà tầm nhìn là thiên hà và nỗi lo tương lai trái đất. Nếu như xưa ta lo làm thế nào để sống, thì nay câu hỏi là liệu cuộc sống có ý nghĩa gì, có tự do không, liệu trái đất có bị tấn công, hay liệu con người có điên rồ phá hủy cái nôi nuôi dưỡng mình không? Đặng Chân Nhân cũng cho thấy hình ảnh của một ý thức toàn cầu, một công dân toàn cầu, một công dân rất hiện đại với một tư duy linh hoạt. Nếu không có giới thiệu về em thì ta cũng có thể tưởng là em là một cậu bé từ một nước khác với một trình độ phát triển xã hội cao hơn.

 

Đặng Chân Nhân là một tín hiệu rất đáng mừng của thơ trẻ hiện đại. Mọi sự đối với em mới chỉ là bắt đầu. Tôi tin em sẽ tiếp tục thành công nhiều hơn nữa nếu tài năng của em được khích lệ, nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thuận lợi.

Đồng Khánh
Số lần đọc: 3131
Ngày đăng: 11.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đẹp và thi ca (*) - Nguyệt Phạm
“Giấy trắng” của nhà văn Triệu Xuân tái bản lần thứ Mười - Nguyễn Tý
Khai bút “Hòa mạng” cùng Hoài Anh - Nguyễn Tý
giáo sĩ đắc lộ trong thế giới huyền ảo -1 - Ban Mai
giáo sĩ đắc lộ trong thế giới huyền ảo -2 - Ban Mai
Trao đổi với Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh - Hà văn Thùy
Nghĩ ngợi đôi điều nhân đọc thơ của một nghệ sĩ sáo trúc - Trần Xuân An
Cuốn sách nhỏ bàn vấn đề lớn - Hoàng Xuân Chinh
Thưa chuyện với sử gia Tạ Chí Đại Trường - Hà văn Thùy
Nỗi Niềm Nắng Và Mưa - Lê Huỳnh Lâm