Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
904
123.136.102
 
Làng Việt cổ Đường Lâm có biến mất?
Nguyễn Thắm

Về Đường Lâm (Hà Tây) bây giờ, mọi thứ đã khác nhiều lắm. Du khách thập phương và chính người Đường Lâm cũng không khỏi ngậm ngùi, lo một ngày làng Việt cổ sẽ không còn là cổ ấp...

 

Sau dự án trùng tu trị giá 200 tỉ đồng do Nhật Bản hỗ trợ, làng cổ dường như trở nên “văn minh” hơn: đèn cao áp thắp sáng mọi ngõ ngách, đường bê tông chạy dài các ngả...

                       

Dấu ấn làng cổ đang dần phai

 

Nét cổ nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hoá với kiến trúc vòm, lớp đá ong cổ. Vốn dĩ làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1833, trên còn tựa dòng chữ “thế hữu hưng ngơi đại”, tạm hiểu là “thời nào cũng có người tài giỏi”.

 

Khi Đường Lâm đựợc công nhận di tích, mấy ông văn hoá, du lịch mới bắt đầu nuối tiếc cho những chiếc cổng làng đầy ý nghĩa văn hoá đã thành đống đá vụn. Vậy là phương án dựng lại “tứ cổng” đã được đưa ra. Người Đường Lâm bảo, mấy ông muốn xây lại cổng gạch. Mà như thế có khác nào phá hoại làng cổ...

 

Đình Mông Phụ nằm ngay chính trung tâm của làng cổ. Tương truyền rằng đình làng nằm ở trên đầu con rồng, thế đất rất đẹp. Từ đình làng có 6 con đường toả đi 6 hướng. Đặc biệt thay, dù có xuất phát từ đâu thì người ta cũng không quay lưng vào đình.

 

Khi 200 tỉ đồng được đưa về Đường Lâm để thực hiện cái gọi là “bảo tồn làng cổ” thì đình Mông Phụ là hạng mục đầu tiên được tu bổ. Người ta sang mãi bên Lào để lấy gỗ “tứ thiết” về trùng tu cho đình, nghe đâu mỗi cột xà, cột trụ cũng lên tới cả trăm triệu đồng.

 

Mà cả đình có tới 48 cái cột, nếu thay tất cả thì phải tốn tiền lắm (!?) Ngay cả lớp đá ong trong đình, cái được coi là “độc nhất” của Đường Lâm, cũng được thay thế toàn bộ. Lớp đá ong cũ bị bóc đi, thay đá ong mới vào, lớp vữa trát vẫn còn tươi nguyên. Du khách tới thăm, ai cũng trầm trồ khen đình đẹp. Chỉ những người nặng lòng với văn hoá thì xót xa cho một công trình cổ đang được hiện đại hoá.

 

Ông Phan Văn Phúc, người làm nhiệm vụ trông coi đình, vừa dẫn tôi đi thâm hậu cung đình, vừa ngẩn ngơ tiếc cho những nét xưa đã mất: “Đình bây giờ khác ngày xưa quá. Mà nghe đâu, các ông ở xã bảo, mất những 13 tỉ”. 13 tỉ - số tiền có thể xây dựng được một khách sạn hạng vừa ở Đường Lâm, đem “trùng tu” mà thực chất là “làm mới” một cái đình cổ, có gì đó vẫn khiến nhiều người xót xa.

 

Đáng buồn hơn, ngay cạnh đình cổ của làng là cái Nhà văn hoá Đường Lâm được xây rất hiện đại. Cửa sổ làm toàn bằng kính, nền nhà được lát đá hoa mà lại là loại gạch Ý sáng bóng, đắt tiền. Anh Giang Anh Tuấn - nhân viên Phòng Văn hoá Thành phố Sơn Tây cho biết: Cái nhà văn hoá đó được xây dựng trước khi Đường Lâm được công nhận là di tích, bây giờ không biết phải xử sự thế nào. Để đấy thì không ổn, đập đi thì lãng phí. Dẫu sao đó cũng là tài sản đóng góp của nhân dân.

 

Ngay giữa trung tâm làng cổ, thôn Mông Phụ, nhiều người không khỏi giật mình trước những toà nhà cao tầng mọc lên, che khuất những ngôi nhà cổ. Theo Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, tính đến tháng 5/2006, Đường Lâm có hơn 800 nhà cổ, trong đó có 140 nhà trên 100 tuổi. Nhưng trong báo cáo gần đây của UBND xã Đường Lâm gửi lãnh đạo ngành văn hoá, toàn xã Đường Lâm chỉ còn hơn 300 nhà cổ, trong đó còn 2 ngôi nhà có niên đại hơn 300 năm. Người Đường Lâm ngày càng giàu lên trông thấy, việc nhà cổ bị “bê tông hoá” là nguy cơ nhãn tiền.

 

Ở Đường Lâm vốn dĩ còn có Văn Miếu niên đại hàng ngàn năm. Thế nhưng Văn Miếu đã không trụ nổi với thời gian và sự thờ ơ của con người. Ngay chính vị trí của nó, một ngôi nhà 7 tầng đã sừng sững mọc lên.

 

Nhiều ngôi nhà, nhiều hạng mục bị “bê tông hoá”, là bảo tồn hay phá hoại? Dấu vết làng cổ đang mất dần. Cuộc sống văn minh đang “xé rào” tấn công vào làng cổ.

 

Người Đường Lâm không muốn giữ làng cổ?

 

Đường Lâm cứ giàu lên theo từng ngày. Người già trong làng bảo: đất này là đất thiêng, sản sinh người tài, cứ thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia kéo nhau ra phố làm quan, mà toàn là quan to. Người Đường Lâm hiếu học nên đỗ đạt nhiều. Rồi tiền từ phố cứ đổ về làng ầm ầm. Có tiền, người ta xôn xao xây nhà cửa. Thế là rầm rộ nhà cao tầng mọc lên. Cũng là dễ hiểu khi người dân giàu lên, muốn có nhà cửa khang trang, hiện đại. Nhà cổ cứ mất dần, có ai không xót xa? Có phải người Đường Lâm không muốn giữ làng cổ?

 

Trong cuộc trò chuyện thân thiết, ông Phúc tâm sự: “Sống trong nhà cổ có nhiều bất tiện lắm. Nhà vừa tối vừa thấp, người lớn đi vào là cứ phải cúi đầu xuống, trẻ nhỏ thì cận thị hết cả. Những ngôi nhà có nhiều năm tuổi, gỗ đã mục, mối mọt nhiều, tường nhà thì bị bong tróc, ở rất nguy hiểm. Bọn trẻ chúng nó chỉ muốn phá nhà cổ đi, xây nhà mới”.

 

Rồi lại có chuyện, nhà cổ thì vật dụng cũng phải cổ, tiện nghi sinh hoạt mà hiện đại thì có khác gì “vỏ cũ ruột mới”. Người Đường Lâm chỉ còn biết “ kêu trời” khi mà sắm một chiếc máy tính cho con trẻ học cũng bị coi là “nhà cổ gì mà sang trọng thế?”. Vậy ra đã là nhà cổ thì cứ phải giữ khư khư những vật dụng tính bằng “niên đại”, dù chỉ để phục vụ mấy ông văn hóa, mấy ông du lịch, còn họ thì chẳng bao giờ sử dụng đến.

 

Lại thêm một vấn đề nữa khiến người Đường Lâm chán nản trong công cuộc giữ lại làng cổ. Du lịch Đường Lâm đã được khai thác, mỗi ngày có từ 300 - 500 lượt người ghé thăm. Hoạt động du lịch đã cho lợi nhuận khi mà từ ngày 14/2/2008, Sở Văn hoá Thông tin chính thức thu vé tham quan đối với du khách. 15.000 đ/vé có vẻ như xứng tầm với danh thắng Đường Lâm lắm! Người ta bắt đầu tranh cãi: Du lịch đã kiếm ra tiền nhưng tại sao quyền lợi của những gia đình giữ lại nhà cổ để phục vụ du lịch lại chẳng thấy ai nhắc tới?

 

Thực tế thì trong hơn 300 nhà cổ còn lại chỉ có gần 10 nhà được “rót” tiền sửa chữa, tu bổ. Số còn lại vẫn cứ mối mọt dần theo thời gian. Cũng dễ thông cảm khi chủ nhân của những ngôi nhà cổ than phiền rằng: Thật phiền hà khi mà ngày nào cũng phải ở nhà đun nước chè đón khách du lịch, trong khi chẳng có chút quyền lợi nào dành cho họ.

 

Bảo tồn - Vẫn còn hy vọng

 

Cũng rất may, lần này về Đường Lâm, tôi đã thấy cơ may hy vọng cho việc bảo tồn làng cổ. Lãnh đạo ngành văn hoá đã khoanh vùng di sản lại để bảo vệ. Theo đó, phạm vi bảo tồn gồm 5 làng: Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm, Mông Phụ, trong đó Mông Phụ là trung tâm của làng cổ.

 

Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng đã được thành lập, vừa trông nom vừa hướng dẫn du khách tham quan. Những người tâm huyết đã bớt lo lắng trước hiện trạng nhà cổ bị “bê tông hoá” khi mà Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây đã có quyết định về phương án xây dựng nhà cửa của người dân trong phạm vi làng cổ. Theo đó việc xây dựng, tu sửa sẽ phải xin giấy phép để đảm bảo không làm biến dạng những ngôi nhà cổ.

 

Điều cốt yếu để giữ được làng cổ vẫn là quyết tâm của con người. Nên chăng chúng ta cần phải có chính sách riêng đối với những gia đình có nhà cổ, trước hết là việc tu sửa lại những ngôi nhà xuống cấp. Hơn thế nữa còn phải có qui chế phân chia quyền lợi từ hoạt động du lịch cho người dân giữ gìn nhà cổ. Nếu có sự hợp lực của ngành du lịch, văn hoá và tâm huyết của người Đường Lâm, việc bảo tồn làng cổ vẫn còn hy vọng.

 

Theo Giadinhnet.vn

Nguyễn Thắm
Số lần đọc: 3419
Ngày đăng: 12.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Báo cáo của Hội KTS chưa thể hiện tinh thần hội thảo? - Hoàng Thúc Hào
Về Bình Dương thăm nhà cổ - Nguyễn Thị Hậu
TP Huế: Tan nát những ngôi đình cổ - Quốc Toản
Vật liệu kiến trúc bằng đất nung tại di tích hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Nước mắt người xuất gia. - Khánh Phương
Kiến trúc sư,họ là ai ? - Nguyễn Trọng Huân
Vật liệu trong kiến trúc cổ Việt Nam - Tạ Hòang Vân
Giải thưởng Pritzker - Khuyết danh
Ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc - Khuyết danh
Pháo đài Masada cổ đại - Khuyết danh
Cùng một tác giả