Anh bạn thân là thợ xây, thích làm thơ - được bạn bè đặt biệt danh ‘’Nhà Thơ Bay - Búa’’ - cất công đến tận nhà cho tôi mượn tập thơ Chân Dung Nhà Văn (CDNV) của tác gỉa Xuân Sách. Tập thơ có độ dầy khiêm tốn, vẻn vẹn 100 bài thơ, mỗi bài dài từ 4 - 6 đến 8 câu viết theo các thể thơ phổ thông đang thịnh hành. Mỗi bài thơ vẽ chân dung một Văn - Nghệ - Sĩ của một giòng văn chương Việt Nam đương đại - từ 1932 đến 1992 (1) .
Các chân dung không thể hiện hình hài quan sát từ bên ngoài - như mọi bức vẽ bằng cọ, bút, của các hoạ sĩ hoặc ảnh chụp của nghệ sĩ Nhiếp ảnh. Xuận Sách ‘’vẽ’’ CDNV bằng lời thơ, ‘’bắt’’ người thưởng thức phải căng ra suy nghĩ… tìm… liên tưởng… những từ ngữ trong câu thơ, đối chiếu với các tác phẩm của tác gỉa đã xuất bản, rồi từ đó suy ra: Bài Thơ ‘’Vẽ’’ ai? Đây là chân dung Nhà Văn - Nhà Thơ - Nghệ Sĩ nào?
Những đối tượng được Xuân Sách ‘’vẽ’’ đều là những tác gỉa có danh, nổi tiếng, có nhiều tác phẩm hiện diện trên văn đàn.Việt Nam trong vòng trên dưới 60 năm qua (tới thời điểm 1992). Nếu không có danh, không có tác phẩm gía trị, người đọc sẽ không thể nhận diện được chân dung tác gỉa.
CDNV khắc họa từng bức chân dung của người nghệ sĩ - đậm nét, sắc sảo, có hồn người. Cũng đồng thời Bài thơ - Chân dung nhắc lại, gợi mở cho người đọc, người xem những khía cạnh nổi trội về tư cách của đối tượng, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm rồi suy gẫm về những điều ẩn chứa bên trong cuộc đời của từng tác giả (bức vẽ), gây hứng thú cho người đọc, kích thích sự tìm tòi, tiềp cận tác phẩm của đối tượng.
Lấy một thí dụ: Xuân Sách vẽ một chân dung bằng 4 câu lục bát:
Mấy lần lỡ bước sang ngang
Thương con bướm đậu trên giàn mồng tơi
Trăm hoa thân cánh rã rời
Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ
Đọc, nghe - thấy tên các tựa đề: Lỡ bước sang ngang, Giàn Mồng tơi và con Bướm. Trăm Hoa, (nước) Giếng thơi. Người đọc liên tưởng, nhận ra, khẳng định - đó là tên các tác phẩm của tác gỉa Nguyễn Bính!
Vậy, đây chính là chân dung Thi sĩ tài hoa, đào hoa - Nguyễn Bính:
- Ông viết bài thơ Lỡ bước sang ngang rất hay. Nhưng đời ông cũng có tới 4 lần ‘’lỡ bước sang ngang’’: Có 3 người con với 3 người đàn bà, nhưng lúc nhắm mắt vẫn không có các con và mẹ của họ ở bên cạnh…
- Ông có bài thơ Cô Hàng Xóm, kể chuyện về một mối tình của 2 người ‘’cô đơn’’ ở sát hàng rào nhà của nhau. Mối tình đơn phương sâu đậm mà trong sáng với hình ảnh con bướm thưòng ngày vẫn từ bên nhà cô hàng xóm, bay sang đâu trên giàn mồng tơi:
…
Tôi chiêm bao rất mhẹ nhàng
Có con Bướm trắng thường sang bên này…
(Cô hàng xóm)
Đã có lần Ông tự nhận mình kiếp trước là Bướm nên kiếp này có nhiều duyên nợ với Bướm, viết nhiều bài thơ có con Bướm - y như hóa thân của ông vậy.
- Ông đã từng làm Chủ nhiệm báo Trăm Hoa.
Rồi cũng lại khốn khổ vì tờ báo… để cuối cùng như con Bướm gặp trận bão khiến ‘’thân cánh rã rời’’: Tan tác cánh, rã rời thân - làm mồi cho bọn gà, vịt, ngan, ngỗng…
- Ông có tập thơ Nước Giếng Thơi.
Đây là tập thơ nhưng cũng là kết cục bi thảm của nhà thơ một đời tài hoa: Tết năm 1966, Nguyễn Bính được người mến mộ là ông Lang thuốc Bắc, mời đến ăn tết cùng gia đình. Sáng sớm mồng một tết Bính Ngọ - (49 tuổi) - chủ, khách ra vườn hái lộc đầu xuân. Đêm qua - 30 tết - mưa xuân, đất vườn trơn, cầu ao càng trơn hơn… ông vô ý, trượt chân ngã xuống ao, trầm mình trong bùn nước lạnh của tiết xuân. Ông Lang tận tình cứu chữa nhưng Nguyễn Bính đã ra đi vĩnh viễn sau đó ít giờ, để lại nguyên vẹn cả một mùa xuân năm Bính Tuất 1966...
Người đọc liên tưởng, nhớ đến 2 câu thơ trong bài thơ Nhạc Xuân, Nguyễn Bính viết từ năm 1939 (Kỉ sửu), in trong tập thơ Hương Cố Nhân - của ông:
…
Năm mới tháng giêng mồng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân…
Đúng là câu thơ có ‘’Ma’’, như lời Xuân Sách nói trong ‘’Tâm Sự Tác Gỉa’’: Ông tự tiên tri, báo trước ngày ra đi của mình từ 27 năm trước. Tính ra từ mùa xuân năm 1966 (Giáp Ngọ), ngược vê lúc viết Nhạc xuân - 1939 (Kỉ sửu) - tròn 27 năm!
Tất cả - 100 bài thơ trong CDNV - đều theo Mô típ chân dung nhà thơ Nguyễn Bính.
Thơ Chân Dung của Xuân Sách vừa là Thơ, vừa là Họa. Trong thơ có Họa, trong Họa có Thơ. Đọc thơ ông, người đọc phải căng ra suy nghĩ, tìm hiểu rồi khi tìm ra... trào dâng, rung lên cảm xúc… Trong trí tưởng người đọc hiện ra chân dung của người được vẽ thật sống động, khác hẳn như khi đọc các ’’… Bài thơ hay nhất thế kỉ’’ (2), cảm thấy rất nhiều thơ được quảng bá là ‘’hay nhất’’ nhưng vẫn không thấy cái ‘’hay’’ so với nhiều bài của tác gỉa khác không được tuyển chọn. Ngược lại, người đọc bị dị ứng về sự quảng bá cường điệu, thái qúa, đi đến phản cảm. Tôi có cảm tưởng: Khá nhiều nhóm, nhiều người dựa vào ý tưởng của Xuân Sách thể hiện trong CDNV, đưa ra những mô típ mới để tạo ra một sân chơi thi phú khác? Con số 100 bài thơ trong CDNV được ‘’chủ’’ các mô típ lấy làm ‘’xương sống’’ cho sáng tác của mình…(3).
Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách cao hơn, thâm sâu hơn, trí tuệ hơn nhiều!
Cuốn Chân Dung Nhà Văn được NXB Văn Học in ấn, phát hành từ tháng 3 năm 1992 do nguyên giám đốc Nhà xuất bản Văn Học - Lữ Huy Nguyên - chịu trách nhiệm xuất bản (xin đọc lời nói đầu và lời nói cuối của NXB VH dưới đây).
Đã 16 năm trôi qua, giờ đọc lại, người đọc vẫn cảm thấy CDNV tỏa ra hơi thở nóng hổi của thời đại, tính thời sự trong sáng, tính chân thực của cảm quan của tác gỉa, ghi dấu ấn sâu đậm của lịch sử văn chương nước nhà ở một thời kì trải dài 60 năm (1932 - 1992) qua các khúc quanh co, uốn lượn, cùng các biến động dữ dội….
Đọc CDNV, người đọc có những cảm xúc: Vui, cười, thông cảm, thậm chí buồn - cùng tác gỉa. Người đọc cũng thành kính trong tâm tưởng trước những nhà văn đã qúa cố - vẫn được Xuân Sách ưu ái, trân trọng!
CDNV là tác phẩm được thi sĩ có tài, có trình độ chuyên nghiệp tuyển chọn, sắp xếp và điều quan trọng: Sáng tạo khi xâu chuỗi các sự kiện, các giai đoạn của một đời người - viết ra thành bài thơ, từ đó người đọc hình dung, mường tượng ra bức sẽ sống động.
Xuân Sách viết CDNV từ đầu những năm 60 của thế kỉ 20. Tính đến khi xuất bản đã được trên dưới 30 năm. (xin đọc Tâm Sự Tác Giả kèm theo). Có lẽ đến giờ chắc ông đã ‘’vẽ’’ thêm được nhiều chân dung nữa - Chân dung của những nhà văn trẻ, lớp ‘’hậu sinh khả úy‘’ - thế hệ thư 4, nếu tính từ thế hệ Thơ Mới. Các chân dung này chắc sẽ không kém sinh động như chân dung các tiền bối của họ…
Người đọc đang nóng lòng chờ Thi Sĩ Xuân Sách vẽ, công bố các CDNV tiếp theo!
Quốc Tế Phụ Nữ
Berlin 8 tháng 3 năm 2008
(1) Có thể xem: Giòng văn chương thứ 2 là khu vực bị chia cắt từ vĩ tuyến 17 trở vào, từ 1954 đến 1975. Giòng văn chương thứ 3 là của người Việt sinh sống, định cư ở nước ngoài từ sau 1975 đến nay…
(2) NXB HNV hồi tháng 6.2007, cũng cho in một tuyển tập 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20. Tập này tuyển chọn có khá hơn tập 100 bài thơ hay nhất thế kỉ, tuy cũng mắc khiếm khuyết: Những bài của một số nhà thơ nổi tiếng được rất nhiều người biết đến lại không được tuyển mà đưa các bài khác ít gía trị, ít hay - của chính tác giả đó.
(3) Ở Đức, Mỹ thời gian gần đây cũng có nhà thơ, nhà văn viết thơ chân dung các văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Nam… Trong nước có các cuộc tuyển chon 100 bài thơ… thiết nghĩ, về cấu trúc, ý tưởng - tất cả những tác phẩm này đều theo mô tip CDNV của Xuân Sách. (Tuy nhiên, mỗi tác phẩm có hình thức trình bầy, có mục đích khác nhau…)
Xem thêm :
http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=7596&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=552