Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.164.276
 
Chết trẻ
Nguyễn Trọng Nghĩa

Cho đến bây giờ chưa ai có thể tổng kết con số người mất tích sau cơn thiên tai thế kỷ vừa rồi, và tôi không tin người ta làm được. Trong vô số những linh hồn vật vờ trên biển ấy có thằng Hậu bạn thân của tôi hồi còn nhỏ. Tôi đón nhận tin này với thái độ chủ yếu là ngạc nhiên, có buồn nhưng thực lòng không nhiều, bởi mối quan hệ của chúng tôi sau này khá lỏng lẻo. Thỉnh thoảng có lúc nghĩ về nó tôi chỉ thấy tội, bởi Hậu bằng tuổi tôi, nghĩa là còn quá trẻ để phải lãnh chịu một cái án nặng nề như thế; mà nó, nếu xét về mọi mặt là người đáng sống hơn cả.

 

Lần cuối cùng tôi và Hậu gặp nhau là cái lần nó làm nghề chăn vịt. Tôi về quê, biết nó đang cai quản đàn vịt hằng ngàn con ở giữa đồng nước mênh mông nên tôi đến thẳng cái chòi của nó. Vừa lủi xuồng vô, anh Trung của nó liền: “Chào đồng chí đại đội phó! Báo cáo đồng chí chúng tôi đã sẵn sàng”. Tôi hỏi Hậu: “Vịt nhà à?” “Chăn mướn”. Rồi nó nói: Chị Dịu tao đáng lẽ đã có chồng đàng hoàng rồi nếu không gặp sự cố do cái ông này gây ra - nó trỏ ngón tay vào người anh Trung đang ngờ nghệch gặm củ khoai lang sống trong góc chòi. Tôi hỏi: “Anh Trung nhớ em không?” Anh giật mình quay lại rồi vụt đứng nghiêm: “Báo cáo đại đội phó, xin tuân lịnh”.

 

Vụ việc đã được má tôi kể cho nghe trước đó như vầy: Chị Dịu đã ngoài ba mươi mà chưa có mối nào dạm hỏi. Không phải chị kém nhan sắc mà chỉ tại chị quá nghèo. Ở nhà quê, cái tuổi ấy đã trở thành gái già, nên chị rất phấn khởi khi có một ông sồn sồn nào đó đặt vấn đề và vui vẻ gật đầu ngay dù biết ông ta góa vợ. Rồi đám hỏi diễn ra theo dự định. Ngày ấy cả nhà đều tất bật nên không ai chú ý đến sự vắng mặt của anh Trung. Khi nhà trai đang trịnh trọng với lễ vật, quà cáp; khi chị Dịu lần đầu tiên biết đến phấn son do mấy cô bạn gái bày vẽ thì anh Trung lù lù xuất hiện với hình dạng không còn ra một con người. “Chào đồng chí đại đội phó. Báo cáo đồng chí chúng tôi đã sẵn sàng!” - Anh bước tới nghiêm trang chào cái vị có lẽ là trưởng tộc bên đàng trai làm cho ông ta sợ té ngửa, đầu va vào một vật cứng nên không thể dậy ngay được. Cuộc vui phút chốc biến thành tang tóc.

 

Má tôi nói: Một người bình thường nếu đã say rượu thì trở nên người điên, huống hồ gì nó (anh Trung) đã là thằng điên mà hôm đó còn bị bọn bất lương nào dụ cho uống rượu say mèm, nên đã điên lại càng điên thêm.

 

Hậu và mấy thằng bạn thấy tình thế nguy kịch bèn ra tay can thiệp: Họ nhào vô tóm anh Trung, nhưng vô hiệu, sức mạnh tiềm tàng trong con người hai lần điên này là không thể hiểu nổi. Anh tiếp tục thoát ra rồi sà đến nhóm các cô gái “Báo cáo đồng chí đại đội phó, xin tuân lịnh” làm cho các cô hoảng loạn không còn hồn vía. Bánh và trái cây trở thành “vũ khí” của anh, “bọn địch” là tất cả mọi người bên đàng trai. Với sức mạnh của một con ngựa bất kham anh mặc tình “chiến đấu”. Tệ hại nhất anh còn vạch quần đái trước bàn dân thiên hạ. Khi Hậu và nhóm bạn dùng những ngón đòn độc để hạ anh thì dì Hai nhảy vào cuộc: “Tao lạy mày Hậu ơi! Bộ mày tính giết anh mày sao?” Cuối cùng thì chỉ có rượu mới quật ngã được anh khi nó đã quá ngấm rồi.

 

Họ nhà trai hốt hoảng rút lui. Chị Dịu để vuột mất cơ hội đầu tiên cũng là cơ hội cuối cùng: đó là cơ hội lấy chồng. Chị khóc nhiều lắm, và tuy không nói ra chứ trong thâm tâm chị không thể không trách người em khật khùng của mình. Phần anh Trung, sau vụ đó nhiều chỗ trong người anh bầm tím. Hậu lo chạy tiền mua thuốc giảm đau cho anh uống, còn dì Hai tỉ mẩn nhai muối đắp vết thương cho anh; lúc ấy anh trở lại hiền từ như đứa trẻ.

 

Với hy vọng vị hôn phu của chị Dịu có thể quay trở lại, Hậu tìm cách đưa anh Trung đi khỏi nhà để tránh những phiền phức tiếp theo; và nó đã nhận lời chăn đàn vịt cho một ông ở xóm láng giềng. Hai anh em Trung, Hậu của nó đưa nhau ra sống ở cái chòi giữa đồng thấm thoát đã trên nửa năm cho đến lúc tôi tới. Dù má tôi đã kể cho nghe mọi chuyện trước đó, tôi vẫn hỏi Hậu:

- Rồi cái ông của chị Dịu có trở lại không?

- Không. Thẳng chả biến luôn. Mà nghĩ cho kỹ cũng không thể trách họ được - Nó trầm ngâm - Nhà mình nghèo, lép vế đủ thứ, lại thêm cái ông khùng này nữa! Phải chi bữa đó có mày để mày chứng kiến... Mà thôi, mọi việc cũng đã an bày rồi. Mới đây chị Dịu đã bỏ nhà đi theo người ta, nghe đâu đây là một tay bán hàng xén dạo. Má tao buồn, còn tao thì mừng cho chỉ. Có điều lạ là không hiểu bả với thằng cha đó kịp làm quen nhau hồi nào? Chị Dịu tao, như mày biết, cả đời tối mặt tối mũi với chuyện đồng áng, thậm chí chưa được tận mắt nhìn thấy chiếc xe đạp...

 

Cuối buổi gặp gỡ tôi bàn với Hậu một việc quan trọng mà tôi vừa chợt nghĩ đến: Lo thủ tục đưa anh Trung vào trại điều dưỡng của tỉnh, thứ nhất để gia đình bớt cực khổ vì anh; thứ hai để có thể chút nào cải thiện cuộc sống của anh chăng, chứ cứ lây lất trong cái chòi chăn vịt giữa đồng không mông quạnh này thì thà...

- Vả lại - tôi nói thêm với Hậu - tình trạng của chị Dịu giờ đã hết hy vọng rồi, mày với anh Trung cũng không còn lý do gì ở lại đây nữa.

- Còn chớ - Hậu đáp - còn chị Hiền tao. Tao muốn chị lấy chồng đàng hoàng để má tao có thể nở mày nở mặt với làng xóm. Nhưng thôi, tao đồng ý với mày việc mày vừa bàn, hơn nữa anh Trung cũng đủ tiêu chuẩn để hưởng chế độ đó. Nhưng mọi thủ tục thì mày phải lo, chứ nhà tao không có khả năng. Một chuyện nữa là phải giấu má tao cho tới giờ phút chót. Tao nghĩ bả sẽ không đồng ý đâu.

Chúng tôi thỏa thuận.

 

Trở về thành phố tôi bắt tay ngay vào việc lo thủ tục nhập trại cho anh Trung. Cũng không gặp mấy khó khăn vì, như Hậu nói, tiêu chuẩn của anh đủ đáp ứng mọi yêu cầu của người ta. Xong đâu đó tôi nhắn cho Hậu. Dì Hai chấp nhận chuyện đã rồi, một mình gói gém đưa anh Trung lên thành phố. Cái đêm trước khi đưa anh vào trại, dì và anh ngủ ở nhà tôi. Thật ra mọi người ngủ chứ dì không ngủ. Dì rị mọ suốt đêm bên anh Trung, lúc thì quạt, lúc đập muỗi cho anh. Sáng hôm sau anh Trung nhập trại.

 

Tôi nói với dì Hai khi đưa dì xuống bến tàu:

- Dì cứ yên tâm lo chuyện nhà ở dưới, mọi việc trên này có con lo. Thỉnh thoảng con sẽ chạy vô thăm anh Trung coi ảnh có thiếu thốn gì không. Nếu có chuyện gì thật cần thiết con nhắn dì hãy lên, chớ đừng đi tới đi lui hoài, tốn kém.

 

Vậy mà ít ngày sau đã thấy dì có mặt. Tôi cùng dì lên trại thăm anh Trung. So với lúc còn ở nhà, anh Trung coi sạch sẽ, trắng trẻo hơn, nhưng đã mất đi cái vẻ lanh lẹ và láu lỉnh của một người tâm thần nhưng thể chất mạnh khỏe. Mắt anh trợn ngược, vô hồn, miệng méo xệch, nước dãi nhểu lòng thòng. Anh đi như trôi vật vờ giữa một đám người điên. Dì Hai khóc từ khi tới đến lúc ra về. Tôi cố tìm cách an ủi dì nhưng thật ra trong thâm tâm cũng đã hoang mang lắm.

 

Lần sau tôi lên trại thăm anh Trung thì được biết dì đã xin phép đưa anh Trung trở về nhà, có làm cả tờ cam kết là sẽ không đưa anh Trung trở lại trại nữa. Dì không ghé qua nhà tôi và không cho tôi biết việc dì làm, chắc dì sợ tôi buồn. Nếu xét về lý thì tôi có quyền buồn, còn xét về tình, dì Hai hành động hoàn toàn đúng đắn với lương tâm của một người mẹ, tôi có dám buồn đâu.

L

Dượng Hai, ba của thằng Hậu là một trong số rất ít người hy sinh trong những ngày sắp kết thúc cuộc chiến tranh. Lúc phe ta đang tưng bừng ăn mừng chiến thắng thì gia đình thằng Hậu lại chịu tang vì một loạt đạn của một tên ngụy điên cuồng nào đó.

 

Công việc tiếp theo của những người chiến thắng là kéo nhau về thành phố. Họ mang theo cả gia đình gồm ông bà cha mẹ vợ con anh em. Dượng Hai chết rồi, cái giấc mộng “về chợ” của nhà thằng Hậu tiêu tan. Vậy là “cốt khỉ vẫn huờn cốt khỉ”, mẹ con thằng Hậu lại tiếp tục làm ruộng chứ không được học hành hoặc làm nhân viên nhà nước như những gia đình quân nhân khác khi cha mẹ họ còn sống.

 

Nhưng rồi cũng may (hay rủi) cho anh Trung: Một hôm có một người đàn ông mặc quân phục, đội nón cối đến nhà. Ông nói giọng hơi trọ trẹ. Thì ra đó là bạn nối khố của dượng Hai. Hồi năm 54 ông đi tập kết ra Bắc, dượng Hai ở lại đánh nhau với kẻ thù. Sở dĩ ông nói trọ trẹ vì ông đã sống ở miền Bắc ngót hai mươi năm. Giờ ông là họa sĩ, trở về Nam tiếp quản và làm việc tại trường Mỹ thuật. Lúc ông đi cả bốn chị em thằng Hậu đều chưa chào đời. Sau khi đốt nhang cho dượng Hai xong, ông quyết định bắt anh Trung về thành phố cho đi học vẽ.

 

Mặc dù đến tuổi mười bảy anh Trung chưa bộc lộ năng khiếu nào ngoài năng khiếu làm ruộng, nhưng nói cho công bằng anh Trung học vẽ cũng được. Sau hơn một năm học hỏi ở trường, trong một lần thực tập về quê anh vác theo một cái giá vẽ vô cùng hiện đại: xếp lại nó giống cái va li bằng gỗ, giương ra nó uy thế như một cái... máy chém. Anh Trung đặt cái “máy chém” ở một bờ ruộng và bắt đầu vẽ phong cảnh cánh đồng - thật ra đó là khoảnh đất có diện tích rất khiêm tốn của gia đình anh mà vào mùa khô chiều nào tôi và thằng Hậu cùng đám bạn cũng quần nhau với trái banh được thắt bằng gốc rạ. Gần như cả xóm đến coi anh Trung vẽ, họ trố mắt theo dõi từng nét cọ của anh, rồi cái vẻ thán phục không sao giấu được hiện trên gương mặt họ khi những gì họ nhìn thấy bằng mắt ngoài đời được anh Trung vẽ lại trong tờ giấy y như thật: một khoảng đồng với lô nhô gốc rạ, trên hậu đất bóng hàng tràm in đậm nét, phía sau là nền trời lốp xốp những mảng mây trắng như bông...

Bức tranh sau đó được treo nơi trang trọng nhất trong nhà anh Trung: ngay phía sau bàn thờ ông bà đặt giữa nhà thay cho tranh thờ. Anh trung nghiễm nhiên trở thành người tài hoa nhất xóm, dù ở đấy không hiếm những gia đình danh giá có con em ăn học ở ngoài thành.

 

Anh Trung học được khoảng hai năm thì xảy ra chiến tranh biên giới. Như đa số thanh niên có lương tâm thời bấy giờ, anh tình nguyện gia nhập quân đội để bảo vệ tổ quốc dù anh là diện không được gọi. Dì Hai không ngăn cản quyết định của anh, dì cho đó là chuyện đương nhiên. Anh cùng bạn bè hớn hở lên đường. Ba tháng hai mươi mốt ngày sau anh trở về nhà chỉ còn là cái xác. Trí khôn của anh vĩnh viễn mất đi do một viên đạn ghim vào đầu mà các chuyên gia y tế khuyên không nên can thiệp đến nó nếu muốn anh Trung còn tồn tại trên thế gian này bằng xương bằng thịt.

 

Từ một người tài hoa bậc nhất xóm, trong vòng ba tháng hai mươi mốt ngày anh Trung biến thành một sinh vật chỉ sống bằng bản năng thì quả là một điều tệ hại. Sức khỏe dì Hai sa sút nghiêm trọng. Đời sống kinh tế gia đình trở nên tồi tệ hơn vì anh Trung không thể tồn tại mà thiếu thuốc. Vậy mà chưa yên, cứ vài ngày thì có người đến mắng vốn dì Hai về tội anh Trung “phá làng phá xóm”. Dì Hai phải cạy cục năn nỉ, van xin, không ít  lần phải bồi thường, bởi trong lúc cả nhà đi làm đồng, anh Trung thường lang thang phá phách trong xóm, khi thì bẻ mía (làm vũ khí), lúc thì nhổ khoai , hái trái cây ăn...

 

Khoảng thời gian đó tôi ra thành phố học, học xong làm việc luôn ở thành phố nên những gì xảy ra với gia đình thằng Hậu tôi được biết không nhiều trong những lần hiếm hoi về thăm quê, mà cái lần ở chòi vịt là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Rồi thời gian cứ trôi. Chúng tôi lớn lên. Anh Trung già đi. Chị Dịu vẫn biền biệt, còn chị Hiền sắp trở thành gái già. Má tôi kể lại: Có lần vào một đêm khuya chị Dịu trở về nhà. Người chị xanh xao, vàng vọt, bụng thì đã lùm lùm. Chị khóc và nói với dì hai rằng “gia đình” chị đang gặp nạn, cụ thể là nạn gì thì chị không nói. Chị Hiền dốc hết hầu bao của bao nhiêu năm cày thuê cấy mướn cho chị mình. Dì Hai cũng dúi hết cho chị Dịu số tiền thương binh của Trung dì vừa mới lãnh rồi chị Dịu biến đi ngay trong cùng đêm đó.

 

Có một khoảng thời gian khá dài trước ngày định mệnh xảy ra, gia đình thằng Hậu sống có phần thoải mái vì Hậu đã tìm được việc làm và công việc này đã đem lại cho gia đình nó kha khá tiền, đó là một chân câu mực mướn: Cứ mỗi chiều, một chiếc tàu mẹ chở cánh thợ câu thả xuống biển, mỗi người trong một chiếc thúng (đôi khi một thúng hai người) cách đất liền vài chục km. Khi đêm xuống là bắt đầu ngày làm việc của họ. Sáng hôm sau chiếc tàu mẹ đến chỗ mà hôm qua họ được thả xuống để vớt họ về. Thông thường một chiếc tàu mẹ như vậy tải được khoảng 50 - 60 thợ câu. Hậu cũng làm việc trong một chiếc thúng như vậy. Công việc nhẹ nhàng, lương khá, nhưng buồn và tất nhiên là rất nguy hiểm. Hậu đã từng chứng kiến vài trường hợp thúng được thả xuống nhưng vĩnh viễn không bao giờ được vớt về, bởi biển cả thực sự là một cạm bẫy khó lường; hiền từ đó nhưng cũng bất ngờ hung hăng ngay sau đó. Hậu biết vậy, nhưng nó có sá gì, miễn sao có tiền để sống, không phải chỉ cho nó mà cho cả nhà.

 

Má tôi kể: Bỗng nhiên một hôm, sau cái đêm chị Dịu trở về, thằng Hậu uống rượu say ở hàng xóm rồi về nhà đập phá, la hét. Đây là chuyện lạ. Người ta chạy đến và được biết chẳng tại một nguyên nhân nào lạ, chỉ vì cuộc sống quá túng quẩn, trong lúc nó là người lực lưỡng mà không làm gì cứu vãn được tình thế, bức bách, nên nó quậy. Rồi nó tuyên bố sẽ bỏ nhà ra đi. Nó đi thật. Đối với gia đình dì Hai, nếu cộng thêm cái sự kiện thằng Hậu bỏ nhà ra đi thì láng giềng cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Dần dà người ta quên thằng Hậu, cũng như quên chị Dịu đã bỏ nhà đi theo trai.

 

Chính lúc đó thì nó trở về với kha khá tiền. Nó kể với dì Hai là nó đã làm đủ thứ nghề, chỉ trừ có đâm thuê chém mướn, thậm chí có lúc nó theo người ta đi tìm vàng chút nữa thì bỏ mạng ở xứ người. Và cái nghề cuối cùng của nó như chúng ta đã biết: câu mực mướn.

Từ đó, cứ vài tháng nó đem tiền về cho gia đình, không nhiều, chỉ đủ mua gạo và thuốc men cho anh Trung những lúc cần.

 

Năm ngày trước khi mất tích nó cũng về thăm dì Hai. Lần này người ta thấy nó vui vẻ lắm. Hỏi: Lúc  này làm ăn khá không? Nó trả lời: Được. Đang mùa mực - lại trúng mùa, ở đấy người ta cũng làm ăn theo cơ chế thị trường, nghĩa là lương tăng giảm theo sản phẩm nên siêng năng thì thu nhập cũng kha khá. Nó cười, rất ít khi thấy nó cười như thế.

 

Nó đưa tiền cho dì Hai, còn một ít nó giữ lại đưa riêng cho chị Hiền. Nó biết chị Hiền có cảm tình với anh Minh, một thanh niên tốt bụng siêng năng, lưu lạc vào từ miền Trung, hiện đang làm thuê làm mướn sống qua ngày. Nó bảo chị Hiền sắm sửa thêm quần áo rồi hỏi: "Anh Minh lúc này sao rồi?" Chị Hiền không trả lời, chỉ đỏ mặt rồi quay đi.

 

Đêm trước khi đi Hậu nói với dì Hai chuyến này nó sẽ chở anh Trung theo. Nó viện lý do là một mình trong cái thúng ở giữa biển khơi buồn lắm, dắt anh Trung theo có anh có em cho đỡ buồn. Công việc câu mực cũng đơn giản, anh Trung có thể làm được. Mà năng suất tăng có nghĩa tiền tăng - nói chung có lợi mọi điều. Vả lại, Hậu nói thêm, "anh Trung lớn rồi chớ có nhỏ nhoi gì đâu mà má lo cho ảnh như lo cho đứa con nít". Và dì Hai đã đồng ý.

 

Chuyến đi biển đầu tiên của anh Trung cũng là chuyến cuối cùng. Bốn ngày sau cơn bão anh được một tàu đánh cá vớt được lúc anh đang bám vào một mảnh ván, cách đất liền gần hai trăm cây số. Dĩ nhiên anh không thể kể lại được điều gì đã xảy ra. Còn Hậu và đám bạn thợ câu của nó thì...

*

Tôi về thăm dì Hai khi cơn bão đã qua lâu rồi. Sức khỏe anh Trung đã hồi phụ, còn trí khôn, tất nhiên là không. Nhìn anh Trung ngờ nghệch ngồi ở góc nhà, tôi tự hỏi sức mạnh đâu mà anh chống chọi được với cơn bão để tồn tại bốn ngày bốn đêm trên biển cả với một mảnh ván, và tạo hoá có công bằng không khi cướp mất thằng Hậu, một người mà theo tôi đáng được sống hơn cả?

 

Chị Dịu đến hôm nay vẫn chưa về để khóc em. Trên bàn thờ ông bà đặt giữa nhà giờ có  giành một góc cho thằng Hậu với cái ảnh màu được phóng lớn mà theo lời dì Hai là do tôi chụp cho nó trong một chuyến về thăm quê nhưng tôi không nhớ là chuyến nào. Phía sau bàn thờ vẫn là bức tranh của anh Trung vẽ - bằng chứng duy nhất cho ta biết rằng cái anh chàng khật khùng này đã có lúc là con người tài hoa nhất xóm - mặc dù đã hai mươi năm trôi qua, dù giấy đã úa vàng tôi vẫn nhận ra khoảng đồng với lô nhô gốc rạ; trên hậu đất bóng hàng tràm in đậm nét, phía sau là nền trời lốp xốp những mảng mây trắng như bông; cái nơi mà ngày xưa, vào mùa khô chiều nào tôi và thằng Hậu cùng đám bạn cũng quần nhau với trái banh được thắt bằng gốc rạ.

 

Sài Gòn 8.6.98

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2141
Ngày đăng: 21.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phan và Nguyễn - Trương Thái Du
Ngày ấy còn xa lắm ! - Ngọc Thiên Hoa
Thằng hủi - Vũ Ngọc Tiến
Khi phong linh vỡ - Đặng Thơ Thơ
Cháo Chuột - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chuyện cổ tích thời hiện đại - Ngọc Thiên Hoa
Cơm chiều - Ngô Phan Lưu
Á đại gia - Trương Thái Du
Buổi sáng biến mất - Ngô Phan Lưu
Ánh mắt - Trầm Nguyên Ý Anh
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)