Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
970
123.366.984
 
Bàn lại với tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Hà văn Thùy

Nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy ,Trương Thái Du là những tác giả quen và viết bài thường xuyên cho VCV,Chúng tôi rất vui mừng khi có những trao đổi về các sự kiện về sử Việt,dĩ nhiên những quan điểm là của các tác giả.NH vcv

 

Trước hết phải thừa nhận rằng, tiến sĩ Lê Mạnh Thát là nhà khoa học lớn. Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam là tập đại thành của văn hóa dân tộc. Chẳng những là bản tổng kết đầy đủ, sâu nhất, xa nhất, trong đó còn có những phát hiện mới mẻ, quý giá về lịch sử văn hóa Việt. Việc xác định Lục độ tập kinh được dịch từ bản tiếng Việt; việc làm sáng tỏ vai trò Mâu tử cùng Lý hoặc luận trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; việc tìm ra gốc Việt của Đạo Cao, Pháp Minh, Lý Miễu cùng giải mã sáu bức thư trao đổi giữa họ là những đóng góp mới. Ông cũng là người sớm phát hiện và đi tới tận cùng hiện tượng cấu trúc “trung + tâm” trong toàn bộ văn bản chữ Hán cổ để xác nhận vết tích ngữ pháp tiếng Việt trong thư tịch Trung Hoa, một bằng chứng vững chắc khẳng định “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán” (1).

 

Tuy nhiên, trong những đề xuất của ông, việc phủ nhận An Dương Vương và Triệu Đà trong lịch sử dân tộc cần phải được bàn lại.

 

Để trục xuất hai vị khỏi sử Việt, tiền sĩ Lê Mạnh Thát chỉ cần nói: “Khoảng năm 400 sau Công nguyên, truyện An Dương Vương được mượn từ Mahabharata Ấn Độ.” Rồi để làm chứng cứ cho luận điểm của mình, ông dẫn ra hai cuốn sách nước ngoài và luận lý: Sử ký không nói tới An Dương Vương đích thị chẳng có ông ta trên đời. Tiền Hán thư không nói Triệu Đà chiếm Giao Chỉ nên nước ta không hề thuộc về Nam Việt!

Cách làm như vậy không ổn về phương pháp luận.

 

1. Ai vay mượn ai?

 

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát căn cứ vào Truyện thứ 23 trong Lục độ tập kinh có nói tới “người mẹ đẻ ra 100 cái trứng rồi cho rằng truyện này vào nước ta thời Hùng Vương. Không mới mà cũng chẳng lạ. Ông đang đi trên con đường mòn xưa cũ của giới ngôn ngữ học lịch sử. Các vị này từng cho rằng: bất cứ từ nào người Việt dùng mà cũng có trong từ điển tiếng Hoa, đích thị là Việt mượn Hán! Kinh Phật có trước Lĩnh Nam chích quái, càng có trước Toàn thư nên cố nhiên, một bọc trăm trứng mượn của nhà Phật!

 

Đấy là tư duy xưa như thế kỷ XX! Nay con người hiểu biết hơn và nghĩ khác.

Từ những phát hiện mới nhất về Hành trình chiếm lĩnh Trái đất của con người (Out of Eden Peopling of the World)(2) ta biết rằng, muộn nhất là khoảng 50.000 năm trước, do môi trường sống thuận lợi, người Việt cổ thuộc loại hình Australoid tăng nhanh số lượng và từ Đông Dương di cư sang Miến Điện, Ấn Độ, thành người bản địa Dravidiens.  Khoảng 7500 năm trước, người Việt mang giống lúa, kê, khoai sọ, giống gà, giống chó tới miền Trung Ấn Độ, góp phần tạo dựng văn minh nông nghiệp ở đây. Vẫn theo dòng chảy truyền thống, văn hóa đồng thau cũng từ Hòa Bình chuyển tới Ấn Độ. Trong cuốn sách quan trọng Địa đàng ở phương Đông (3), tác giả S. Oppenheimer tìm ra hàng loạt bằng chứng về cuộc chuyển dịch văn hóa từ Viễn Đông tới Ấn Độ, Mesopotamia: “Khi so sánh gene di truyền và hệ ngôn ngữ (của người Mundaic ở miền Trung Ấn Độ, nơi xuất hiện lúa nước đầu tiên cách nay hơn 7.000 năm) với người Mon-khmer ở khu vực Đông Dương, chúng ta thấy những cư dân của bộ tộc này, dù tách biệt thời gian hàng ngàn năm và không gian hàng ngàn dặm, vẫn có cùng những thuật ngữ về trồng lúa và cả đồng thau, đồng đỏ. Đây là một minh chứng rõ ràng cho việc họ đã mang theo mình một nền văn hóa được hình thành đi về phương Tây. Các nhà ngôn ngữ học cũng đồng tình rằng sự tách biệt giữa các nhánh của ngữ hệ Nam Á diễn ra trong tầng sâu của thời tiền sử.” (tr.719) “Có một sự giải thích khác là một vài nhân tố của tục thờ Siwa đã bắt nguồn từ Đông Nam Á.”(tr.504). và “Ảnh hưởng duy nhất của Ấn Độ-Aryan đối với Đông Nam Á là trong 2000 năm qua dưới dạng các đế chế Hindu như Sri Vijaya.” (tr.534)

 

Theo thuyền thuyết, Kinh Dương Vương làm vua năm 2.879 TCN, vậy Lạc Long Quân xuất hiện trước Đức Phật khoảng 2.300 năm. Do vậy, nói như ông Lê Mạnh Thát, “Truyện trăm trứng từ kinh Phật sang Việt Nam vào thời vua Hùng” là chuyện ngược đời. Thưc tế phải là truyền thuyết con rồng cháu tiên với một bọc trăm trứng đã từ Việt Nam theo người Việt đi sang Ấn Độ rồi vào nằm trong kinh Phật. Nhưng vì chúng ta mất đất, mất chữ nên không ghi chép được. Phát hiện ra nó trong kinh Phật, ông Lê Mạnh Thát không thể ngờ rằng đã gặp báu vật của nhà lưu lạc phương xa!

 

Từ khung cảnh lịch sử văn hóa như vậy, xin được bàn cụ thể về ý kiến của học giả Lê Mạnh Thát.

 

Việc vay mượn huyền thoại giữa các văn hóa khác nhau là chuyện bình thường. Trong cuốn sách đã dẫn, S. Oppenheimer phát hiện truyện Kulabốp, huyền thoại gốc của dân hải đảo Đông Nam Á, khi theo người chạy nạn đại hồng thủy sang vùng Cận Đông đã thành truyện Cain giết em rồi ngự trong kinh Thánh đạo Thiên Chúa. Câu chuyện về cây kê cuối cùng sau nạn hồng thủy của người Tsuwo và người Bunun bản địa Đài Loan và người Bana Tây Nguyên Việt Nam đã trở nên thành ngữ “last millet” phương Tây.

 

Tuy nhiên, trong những sự vay mượn đó, truyền thuyết cũng chỉ là truyền thuyết, nhiều lắm thì được tô điểm bằng một vài nhân danh, địa danh cho mang màu sắc bản địa. Không thể có chuyện một truyền thuyết vay mượn lại để dấu ấn sâu đậm đến vậy trong văn hóa bản xứ. Truyện An Dương Vương không chỉ là truyền thuyết mà còn là thành Cổ Loa với hơn vạn mũi tên đống. Việt Kiệu thư  chép: “Âu Lạc thời Tần rất mạnh, có phép dùng nỏ rất giỏi, một phát tên đồng có thể bắn chết hơn chục người. Triệu Đà sợ lắm.” (4) nghiên cứu số lớn thần phả, ngọc phả, tác giả Nguyễn Linh (5) cho thấy nhiều ký ức dân gian về cuộc chiến giữa vua Hùng và “giặc” Thục tập trung trong vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên, địa bàn của bộ Văn Lang xưa. Dân gian còn kể chuyện Hùng Lộc đại vương bị chặt đứt đầu, đã lấy vải buộc cổ lại để tiếp tục chiến đấu. Khi giặc rút thì ngã xuống chết, mối đùn lên thành đống, dân lập đền thờ. Truyện Đinh Công Tuấn đánh nhau với quân An Dương Vương, tới thế cùng, nhảy xuống sông tự vẫn. Nhắc tới thời vua Thục còn là cái giếng nơi Trọng Thủy trầm mình, là địa điểm An Dương Vương tự tận, là nơi thờ Triệu Đà cùng Trình thị ở Đồng Xâm… Thờ phúc thần là tín ngưỡng quan trọng của người Việt. Người Việt có thể thờ một người ăn mày, một ông ăn trộm làm phúc thần nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thờ một nhân vật cha vơ chú váo vay mượn từ câu chuyện nước ngoài. Nếu Triệu Đà không liên quan gì tới người Việt thì vì sao người Đồng Xâm thờ ông, nghìn năm hương khói?

 

Sự vay mượn truyền thuyết, huyền thoại phổ biến nhất là qua tôn giáo. Mahabharata là huyền thoại Ấn Độ giáo của người Aryan, tộc du mục từ phương Tây tràn sang, một tôn giáo và sắc tộc xa lạ. Trong khi đó, vốn là cái nôi của văn minh nhân loại, miền Trung và Bắc Việt Nam có độ bền vững và bảo thủ văn hóa rất cao, ít chịu tiếp thu văn hóa ngoại lai. Do nguyên nhân lịch sử, văn hóa như vậy, người Việt (Kinh) rất ít chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo. Đạo Phật du nhập nước ta thế kỷ II TCN nhưng được biến cải nhiều theo bản sắc Việt mà Quán Thế Âm Nam Hải cứu khổ cứu nạn cùng Thiền tông của Lục tổ Huệ Năng là thí dụ điển hình.

 

Chính dấu ấn quá sâu đậm của An Dương Vương, Triệu Đà trên thực địa cũng như tâm linh Việt đã phủ nhận khả năng vay mượn mà khẳng định đó là yếu tố nội sinh, một sự kiện có thực trong lịch sử dân tộc.

 

2. Trở lại những chứng cứ lịch sử.

 

Việc tiến sĩ Lê Mạnh Thát cho những cuốn Giao châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chíNhật Nam truyện “không đáng tin cậy” rõ ràng là sự võ đoán. Dù có “không rõ nguồn gốc và niên đại, tất cả đều mơ hồ, mâu thuẫn” thì cũng không thể vứt bỏ! Biết đâu cái sự “không rõ nguồn gốc và niên đại” ấy lại có giá trị riêng vì chúng không sao chép của người đi trước? Biết đâu trong cái “mơ hồ, mâu thuẫn” lại có những sự thật nguyên chất được cất giấu? Công việc của sử gia là phải bằng mọi phương cách tìm ra sự thật trong đó chứ không phải quay lưng chối bỏ. Hơn nữa, đó lại là những cuốn sách hiếm hoi nói tới An Dương Vương, đối tượng của cuộc nghiên cứu. Không chỉ vậy, ông còn chối bỏ Lĩnh Nam chích quái, cuốn sách đầu tiên ghi chép cổ tích, huyền thoại của tộc Việt. Nhiều truyện trong cuốn sách này cũng không rõ xuất xứ vì nó được ghi chép từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, một hình thức bảo lưu của tâm linh Việt. Bằng phương thức giải mã huyền thoại, tiến sĩ Kim Định đã phát hiện ra nhiều sự thật vô giá của văn hóa Việt, giúp ông xây dựng thuyết Việt Nho.

 

Một tài liệu nữa bị loại là Hoa Dương Quốc chí. Xin dẫn ý kiến giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong bài Bốn nghìn năm văn hiến (6):

 

 “Từ Chu Thuận Tĩnh làm vua 5 năm (316 tr. Tây nguyên) nước Thục mất về nước Tần, cho đến Chu Báo làm vua 58 năm (257 tr. Tây nguyên) An Dương Vương là Thục Phán xưng vua ở Việt nam, thời gian cách nhau là 59 năm. Trong khoảng thời gian ấy, người dân nước Thục chịu sự áp bách của thế lực quân sự nhà Tần, tập đoàn chống đối quân Tần dần dần đi xuống phương Nam đi vào bắc bộ Việt nam, cùng với vua Hùng Vương nuớc Văn lang đánh nhau tranh dành. Lúc đầu vì thế lực còn yếu, luôn luôn bị thua, mãi sau mới chinh phục được Văn lang. Và việc An Dương Vương từ nước Thục đi vào nước Việt, thì sách sử xưa của Tầu và Việt đều không ghi chép lịch trình tiến triển, nhưng cuộc chiến tranh giữa nước Tần và nước Thục có thể tìm thấy dấu vết ở cuộc thiên di về phương Nam của tập đoàn vương thất nước Thục chống đối với nhà Tần.”
 “Sự hiện diện của Bách bộc do Thục An Dương Vương với tập đoàn nhà Thục từ Tứ xuyên đi xuống qua Qúy Châu và Vân nam phía Tây Bắc việt ngày nay mà di tích là kiểu thành Cổ loa vốn của nước Ba thục.”

 

Lã Sĩ Bằng trong “Bắc thuộc thời kỳ đích Việt nam” suy diễn sự kiện trên đây như sau:“…Chúng ta có thể suy định rằng vua Thục bị hại ở Vũ dương, Quan Tuớng, phó, Thái tử đều chết ở núi Bạch Lộc, sau đấy đảng vua Thục còn lại mới suy tôn con hay cháu nhà vua lên tiếp tục chạy về phương Nam, theo hạ lưu sông Manh tiến vào khu đất tiếp giáp giữa Qúy châu và Vân nam thuộc phạm vi thế lực người Sở... Nhưng khu đất giao tiếp giữa Qúy châu (Kiềm) và Vân nam (Điền) thời Hán là Trường kha là đất thủy lão nghèo nàn. Thục vốn là nước Thiên phủ, người Thục khó ở lâu tại đất ấy được, vả thế lực quân Tần đang rất mạnh, dòng dõi vua Thục hết hy vọng khôi phục lại đất cũ mới tìm phát triển vế phương Nam tiến vào đất bình Hùng Vương tranh chiến, nhiều phen thất bại đến đời Chu Bảo vương năm 518 (tr. Tây nguyên 257) mới chinh phục được Văn lang.”

 

Cuốn sách nữa bị tíến sĩ Lê Mạnh Thát loại bỏ là Việt sử lược, cuốn sử đầu tiên của người Việt. Sách này viết:


“Cuối đời Chu, Hùng vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt thường, xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu.”

 

Thực sự có một nước Thục ở gần Văn Lang. Việc Thục bị Tần diệt và con cháu vua Thục chạy loạn là thực. Vậy thì chạy đi đâu khi quân Tần đuổi sau lưng, phía Đông nước Sở đang bành trướng? Chỉ còn hướng Văn Lang, vốn là con đường thương mại lâu đời ra phía biển và cũng là con đường xa xưa tổ tiên từ đất Việt đi lên. Vả lại, lúc này Văn Lang quá bình yên và hiền hòa.

 

- Tiến sĩ Lê Mạnh Thát viết: “Dĩ nhiên triều đại Hùng Vương của chúng ta không thể nào không có thành quách, nên chắc chắn chúng ta có một cái thành như vậy, nhưng 4 tài liệu đã dẫn nói về An Dương Vương cũng không nói gì về tên thành Cổ loa, do đó Cổ loa chẳng qua là một tên gọi được Ngô Sỹ Liên lấy từ truyền thuyết của Lĩnh Nam chích quái để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư gắn vào An Dương Vương mà thôi.”

Hoàn toàn không đúng như vậy.

 

Văn Lang của các vua Hùng hơn 2.000 năm yên ổn. Vua tôi đang say sưa chế tác trống đồng làm đồ thờ, làm biểu trưng của uy quyền. Đất nước không có chiến tranh, kinh đô không cần thành quách mà chỉ là cái làng lớn – chạ Cả… Hàng ngàn năm trôi qua như vậy êm xuôi. Vì sao có sự dời đô, vì sao có chuyện xây thành? Sự việc không thể xảy ra với tư duy mòn cũ về thời cuộc của Hùng Duệ Vương. Việc dời đô, đắp thành là tư duy mới, là sự thay đổi về chất trong điều hành nhà nước. Điều này chỉ có thể xảy ra khi triều đại thay đổi, lãnh tụ mới xuất hiện. Đó là việc An Dương Vương thay thế vua Hùng. Chính là Thục Phán, con cháu của dòng họ Khai Minh bị Tần tiêu diệt, mang nỗi đau cùng bài học của quá khứ, đã áp dụng những phương sách của phương Bắc, xây thành, đắp lũy đối phó với kẻ thù. Mũi tên đồng được chế tạo trong thành nói lên khả năng một cuộc vây hãm của Triệu Đà.

Không phải như tiến sĩ Lê Mạnh Thát nói: “4 tài liệu đã dẫn nói về An Dương Vương cũng không nói gì về tên thành Cổ loa.”

Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn có nói đến thành của An Dương vương. Nhưng sách đã mất, người tra cứu chỉ gặp từng đoạn trong những sách khác. Cựu Ðường thư ghi được: "An Dương vương cai trị Giao Chỉ... Thành có 9 vòng, chu vi 9 dặm."

Tùy thư ghi: "Lý Phật Tử đóng đô ở Việt vương cổ thành."

 An Nam chí lược của Lê Tắc thế kỷ XIV viết: "Thành Việt vương tục gọi là thành Khả Lũ."

Tới thế kỷ XV, An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng người đời Minh viết: "Việt vương thành ở huyện Ðông Ngạn, còn gọi là Loa Thành."  "Có tên Loa Thành vì thành ấy quanh co như hình con ốc."

 

Người ta lấy làm lạ là, học giả Lê Mạnh Thát loại bỏ tất cả những tài liệu có nói tới An Dương Vương, Triệu Đà mà chỉ dùng tư liệu mình “tin cậy”. Cách làm việc như vậy khác nào tiến hành cuộc bầu cử độc diễn?

 

Những câu hỏi xin đặt ra với tiến sĩ Lê Mạnh Thát:

  - Nếu tới năm 43 còn thời Hùng Vương thì cuộc xâm lăng Văn Lang xảy ra vào lúc nào, do ai cầm đầu?

  - Vì sao khi Bà Trưng khởi nghĩa thì nhiều thành trì ở Lưỡng Quảng nổi lên hưởng ứng, để hôm nay ông Trần Đại Sĩ còn kiểm kê được hơn 200 nơi thờ Hai Bà?

Giải thích ra sao nếu không phải vì Lưỡng Quảng là đất của Văn Lang và gần 100 năm gắn bó trong Nam Việt đã tạo nơi dân Việt một tinh thần quốc gia bền vững! Điều này không xảy ra ở Vân Nam, là đất vốn không thuộc vào Văn Lang cũng như Nam Việt.

 

Một câu hỏi khác: Nếu Việt Nam không thuộc về Nam Việt thì vua Quang Trung lấy cơ sở gì để đòi lại Lưỡng Quảng, khiến cho vua Càn Long nhà Thanh phải chấp nhận? Và vì sao, khi vua Gia Long đặt tên nước ta là Nam Việt, nhà Thanh không cho mà đổi thành Việt Nam? Chính là do họ sợ Gia Long lại như Quang Trung lợi dụng tên nước để đòi lại đất cũ!

 

- Tíên sĩ  Lê Mạnh Thát viết: “Không Lộ là vị thiền sư mất năm 1119, thế mà lại có một kết nối việc hình thành Hồ tây trong truyền thuyết dân gian như Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh đã ghi lại. Vậy, việc kết nối An Dương Vương với thành Cổ loa trong truyền thuyết không nhất thiết là một sự thật lịch sử.”

Lập luận như thế không ổn! Hai sự kiện là riêng biệt. Sự kiện này sai không bắt buộc sự kiện kia sai theo. Kết nối của truyện đầu là gán ghép ngẫu nhiên, mang tính huyền hoặc.  Truyện sau có lớp lang, gắn bó với nhiều di tích, truyện tích, không ai bịa ra được!

 

 - Tiến sĩ Lê Mạnh Thát cho rằng: “Tích Quang, Nhâm Diên chưa bao giờ làm thái thú ở nước ta cả, đó chỉ là sự "hư cấu lố bịch khôi hài". Lấy thí dụ như Nhâm Diên, Hậu Hán thơ viết ông này được cử làm thái thú Cửu Chân (nước ta) vào năm Kiến vũ thứ nhất (năm 25 sau dương lịch), nhưng thời điểm đó cũng theo Hậu Hán thơ, tình hình chính trị Trung Quốc từ sông Dương Tử về phía nam cực kỳ phức tạp, các tướng mỗi nơi chiếm một phương, thiên hạ loạn lạc đến nỗi "vua tự đem quân thân chinh mà còn bị cản đường, xe ngựa không tiến lên được", thì làm sao Nhâm Diên đến được Cửu Chân để làm thái thú ?”

Không thể không nói rằng, một lần nữa, tiến sĩ của chúng ta lại suy diễn rời xa thực tế. Vua có thể bị giặc cướp ngăn đường nhưng ai cản được một vị quan đi nhậm chức? Ai ngăn cản được những thuyền buôn Trung Hoa, khi đã bén hơi đồng? Thời Tam quốc quá loạn lạc sao lại có hàng trăm nhân sĩ Bắc quốc tới Giao Châu nương nhờ Sĩ Nhiếp?

 

- “Chứng cứ đanh thép nhất mà sử gia Lê Mạnh Thát tiếp tục dẫn ra là, sau khi Mã Viện "chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, đưa đầu về Lạc Dương", Hậu Hán thơ viết: "Viện (Mã Viện) điều tấu Việt luật cùng Hán luật, sai hơn 10 việc, bèn cùng người Việt nói rõ để ước thúc". Như vậy rõ ràng nước ta đã có luật pháp. Bộ luật đó một chính quyền ngắn ngủi không làm nổi, nó phải là sản phẩm của một nhà nước độc lập tồn tại từ lâu đời. Nếu nói nước ta lúc đó chỉ là quận, huyện của Trung Quốc, do các thái thú của Trung Quốc sang cai trị, thì chỗ đâu để có bộ Việt luật cho Mã Viện điều tấu? Mà nếu có Việt luật, nghĩa là có một nhà nước độc lập, thì Tích Quang, Nhâm Diên "cai trị" ở đâu?”

 

Sao lại có thể suy diễn đơn giản vậy? Phải chăng ông cố tình không hiểu hoàn cảnh Giao Châu lúc đó? Trước thời Mã Viện, sự cai trị của Trung Hoa ở nước ta còn lỏng lẻo, theo kiểu ki-mi, một hình thức cai trị có phần gần giống với thời Triệu Đà. Các thái thú trị dân qua lạc hầu, lạc tướng, theo luật bản xứ. Vì vậy, sau cuộc xâm lăng của Lộ Bác Đức, luật pháp thời Hùng Vương vẫn được duy trì - luật thành văn chứ không phải luật tục như ai đó ngộ nhận. Chính sự loạn lạc liên miên ở chính quốc tạo điều kiện cho Giao Châu giữ được mức độ tự trị mà Sĩ Nhiếp là trường hợp tiêu biểu. Chỉ từ Mã Viện, với quân số đông đảo, đóng lại lâu dài mới có điều kiện thực hiện mưu đồ đồng hóa, rà xét luật pháp, bãi bỏ Việt luật, ban bố luật nhà Hán… Luật pháp có vai trò độc lập tương đối với chính trị. Kẻ xâm lăng chỉ có thể thay đổi luật pháp bản địa khi đủ sức mạnh để áp đặt. Vì vậy, luật pháp bản địa thường tồn tại khá lâu sau cuộc xâm lăng. Cho rằng: “nếu có Việt luật, nghĩa là có một nhà nước độc lập…” là cách nhìn không thực tế!

 

3. Kết luận

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát là học giả lớn, có đóng góp quan trọng cho lich sử, văn hóa Việt. Tuy nhiên, việc phủ định An Dương Vương và Triệu Đà là trái với thực tế, không thể chấp nhận.

                                                                                         

Tân Phú 12.3.2008

 

Tham khảo

1. Hà Văn Thùy. Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán. havanthuy.ourprofile.net

2.http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html

3. NXB Lao động Hà Nội 2004

4. Nghiên cứu lịch sử số 124. Hà Nội, tháng 7 năm 1969. Dẫn theo Lê Mạnh Hùng, Nhìn  lại sử Việt. USA 2007.

5. Lê Mạnh Hùng. Nhìn lại sử Việt

6. Trích nguyệt san Tư Tưởng số 2, Năm thứ VI, tháng 4 năm 1973, Sài Gòn. Dẫn theo hoadam.net.

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 6241
Ngày đăng: 24.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai là tổ tiên của cư dân Lưỡng Quảng? - Lê Đỗ Huy
Suy nghĩ về những phát hiện của thiền sư Lê Mạnh Thát - Quach Hien
Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”: Không thể phủ nhận sự tồn tại của triều đại An Dương Vương - Trần Lưu
Lịch sử , sự thật và sử học - Hà Vãn Tấn
Đôi lời với những phát hiện lịch sử chấn động - Trương Thái Du
Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại - Hà văn Thùy
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -1 - Nguyễn Đức Hiệp
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -2 - Nguyễn Đức Hiệp
Miếu Bà ở Côn Đảo thờ ai ? - Đinh Văn Hạnh
250 năm thành lập Đông Khẩu đạo : một dấu ấn lịch sử của Sa Đéc - Nguyễn Hữu Hiệp
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)