Các phát hiện của nhà tu hành và đồng thời là tiến sĩ, chuyên gia lịch sử Phật giáo và Phật học nổi tiếng của Việt Nam, Thiền sư Lê Mạnh Thát, được đăng trong loạt 7 bài liên tiếp trên báo Thanh Niên trong nước thời gian qua.
Ngay sau khi xuất hiện loạt bài nói trên, một loạt các nhà sử học và giới Việt Nam học trong nước đã lên tiếng với những phản ứng khác nhau.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho BBC Việt ngữ ngày 21 tháng Ba vừa qua đánh giá Thiền sư Lê Mạnh Thát là một người có sự nghiên cứu sâu sắc, dày công đặc biệt trong lịch sử Phật giáo.
Tuy nhiên, các luận điểm được cho là gây 'chấn động' đòi đi đến viết lại lịch sử cổ đại và hình thành dân tộc Việt Nam của Thiền sư Lê Mạnh Thát, theo ông, còn phiến diện đặc biệt do sự hạn chế về phương pháp nghiên cứu, tư liệu, nhất là tư liệu khảo cổ học.
Trong khi đó Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trên tờ Sài Gòn Giải phóng số ra gần đây, cho rằng Thiền sư Mạnh Thát có những kết luận quá vội vàng.
Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội này, kiêm Tổng biên tập Tạp chí 'Xưa và Nay', cho rằng Thiền sư là một chuyên gia thiên nhiều về phật học, lịch sử phật giáo hơn là lịch sử dân tộc.
Hạn chế phương pháp
Giáo sư Đinh Xuân Lâm, người từng tham gia viết nhiều sách giáo khoa và biên khảo sử học Việt Nam nhiều giai đoạn, cho biết, nhìn chung ông hoan nghênh các nghiên cứu mới về lịch sử nói chung và lịch sử dân tộc nói riêng.
Nhưng ông đánh giá phương pháp của Thiền sư: "Chúng tôi cho rằng có một sự hạn chế, về mặt tư liệu, chỉ khai thác chủ yếu một mặt tư liệu thôi."
"Về mặt phương pháp khoa học nghiên cứu sử học, thì phải mở rộng cái diện nghiên cứu các nguồn tư liệu và phải tiến hành đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu trước khi đi tới một sự khẳng định," Giáo sư Đinh Xuân Lâm nói.
Về luận điểm của Thiền sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát liên quan đến việc cho rằng không hề có các Triều đại An Dương Vương, Triệu Đà trong lịch sử Việt Nam, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đánh giá rằng ông Lê Mạnh Thát không sử dụng, không đề cập, không khai thác đúng mức các tài liệu về khảo cổ học.
Ông phản biện: "Tôi thấy hoàn toàn trong các bài của Lê Mạnh Thát không khai thác các mặt tư liệu đó. Cổ Loa đã đào được rất nhiều các di vật, các di tích khẳng định đấy là một địa điểm quan trọng trong nền văn hoá lúc thời bấy giờ."
Tuy nhiên, Giáo sư Đinh Xuân Lâm cũng cho biết giới sử học trước đây chưa biết nhiều đến các công trình của Thiền sư Lê Mạnh Thát có liên quan đến lịch sử dân tộc.
Một dịp trao đổi
Giáo sư Lâm cho hay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có ý kiến đề nghị mời Thiền sư Mạnh Thát và các học giả, đồng nghiệp cùng quan điểm, luận điểm của ông tham dự một cuộc trao đổi khoa học công khai do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.
Khi được hỏi trong sự so sánh với quan điểm được cho là có phần nào dân tộc trung tâm luận theo cách nhìn kiểu của GS. Trần Ngọc Thêm trước đây, ở tiếp cận của Thiền sư, GS. Đinh Xuân Lâm cho rằng Thiền sư Lê Mạnh Thát có phần thiên về "dân tộc", và đây được cho là một hạn chế khác của sử gia phật giáo này.
Tuy nhiên, Giáo sư Lâm cho biết, hiện chưa thấy ý kiến phản hồi của Thiền sư Thát.
Vị Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh việc các bài báo của Thiền sư xuất hiện vừa qua và các bình luận, tranh biện, phản biện tiếp theo hiện nay đã làm cho nhiều người chú ý hơn đến các công trình của Thiền sư Lê Mạnh Thát.
Ông nói "Trước đây ít người biết, không phải là vì vấn đề không quan trọng, cho nên ít người trao đổi ý kiến. Đây là một dịp tốt để trao đổi ý kiến".
Trên thực tế, nhiều luận điểm của Thiền sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát được tờ báo mang tính chất đại chúng Thanh Niên đăng tải liên tục trong hơn một tháng qua, đã được Thiền sư trình bày kỹ lưỡng, đầy đủ hơn từ trước trong ít nhất hai công trình của ông xuất bản mới đây một thời gian ở Việt Nam.
Đó là các cuốn "Tổng tập Văn học Phật Giáo Việt Nam" và "Lịch sử Phật Giáo Việt Nam" do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Một số trong các luận điểm chính của Thiền sư Lê Mạnh Thát, còn được biết tới với tên gọi Hoà thượng Thích Trí Siêu, được trình bày trong các loạt bài báo bắt đầu từ cuối tháng 2.
Các luận điểm được trình bày dưới dạng phỏng vấn dài kỳ và được thuật lại một cách gián tiếp.
Đặt lại lịch sử
Trong các bài này, ông không thừa nhận có Triều Đại Thục phán An Dương Vương trong lịch sử Việt Nam. Đây chỉ là một triều đại được huyền thoại hoá theo một mô-típ vay mượn từ sử thi Ấn Độ.
Do đó, theo ông, không có chuyện Triệu Đà xâm lược mảnh đất mà ngày nay được gọi là Việt Nam. Cũng theo lôgíc đó, không thể xếp Triệu Đà là một triều đại Việt như các sách sử cũ của Việt Nam từng chép.
Ngoài ra, vẫn theo Thiền sư, nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc không thực sự đô hộ Việt Nam trên thực tế mà chỉ thống trị "khống" trên giấy tờ.
Không có một nghìn năm Bắc thuộc của Việt Nam dưới sự thống trị của Phong kiến phương Bắc như sử sách Việt Nam xưa nay chép, kể cả sử học trong nước hiện nay.
Các diễn biến lịch sử đấu tranh giữ nước trên mảnh đất mà ngày này được gọi là Việt Nam, là các cuộc kháng chiến của một quốc gia văn minh. có đầy đủ tư cách độc lập chống lại sự xâm lược và âm mưu xâm lược của một quốc gia khác.
Theo các bài báo, thuật lại lời thiền sư, Việt Nam đã có một nền văn minh chữ viết, luật pháp thành văn và văn hoá rực rỡ từ rất sớm và không hề kém Trung Hoa hoặc nhiều quốc gia khác.
Nhiều sử liệu, thư tịch cổ, cũ, mà giới sử học Việt Nam từ trước tới nay vẫn sử dụng lại căn cứ trên những công trình sử học đã bị viết theo cách nhìn của người Hán và phong kiến Trung Hoa, nên thiếu tính khách quan đối với chính lịch sử dân tộc và đất nước v.v...
Được biết, Thiền sư Lê Mạnh Thát trước đây đã từng có thời gian đi tù do các hoạt động Phật giáo sau năm 1975 dưới chính quyền CHXHCN Việt Nam.
Hiện nay, ông được Hà Nội chỉ định làm Trưởng Ban tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008 sắp được tổ chức ở Việt Nam vào trung tuần tháng 5 tới đây.
Theo BBC
Ảnh : GS. Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử