Mãi đến những ngày gần đây chị mới nghĩ ra điều làm chị giật mình: hai mươi năm chịvẫn chung thủy, yêu thương người đã chết, một mối tình nhiều năm với một người đã thật sự không còn trên mặt đất. Phi lý thật. Thế nhưng chị không hiểu, không muốn lý giải vì sao chị chung thủy với anh, chỉ biết rằng mỗi lần chuẩn bị đi thăm anh chị cũng nôn nao, rạo rực như đi thăm người yêu còn sống. Chị đến với anh bằng trái tim của một người đang yêu. Ở đó chị được ngồi gần anh, được ôm anh trong vòng tay mình. Ở đó chị được trò chuyện với anh, những câu chuyện hết sức lý thú.
Chị ngồi ngã lưng, giang hai tay lên mộ anh, mắt ngước nhìn bầu trời. Gần bên mộ anh có cây gòn, mùa nắng rụng hết lá chỉ còn trơ bộ xương, trên ấy có vô số những chùm trái khô nở bung ra, bông trắng xóa như mây giữa trời trong xanh...
“Anh Nhân ơi, cây gòn này mau lớn lắm. Mấy lần đầu vào thăm anh nó còn rất thấp. Buổi trưa em thường vào trốn nắng dưới bóng cây, và buổi chiều nhìn bóng cây ngã đến đâu là em biết chuyến đò chót ở cuối Kinh Cùng sắp chạy ra. Lúc ấy em buồn lắm vì phải chia tay với anh...”
“... Anh Nhân ơi, tại sao ở đây nhiều chim quá hả anh? Chúng từ đâu bay về đậu đầy trên ngọn cây, có những con rất lớn, ngó bộ dạng chúng hung hăng lắm. Em không biết tên và không thích chúng”.
Vẫn im ắng. Rồi một đợt gió tràn qua, cây cỏ xao xác trên mặt đất. Đàn chim nháo nhác chớp cánh. Chị nhìn theo không hiểu chúng bay về đâu.
“Buồn quá anh Nhân ơi! Em sắp khóc rồi đây. Chẳng hiểu sao dạo này em hay khóc lắm. Nhìn người ta có đôi có bạn, còn em và anh... Em đã cố gắng không khóc nữa, nhưng...”
Không kịp kềm lòng, những giọt nước mắt tự nhiên trào ra, rơi xuống nấm mộ anh khô cằn. Qua làn nước mắt, các loại cỏ nhòa đi, tan ra thành một vùng xanh trong.
“Anh thấy chưa, em lại khóc nữa rồi. Em yếu đuối quá phải không anh? Mà tại sao người ta gọi con sông chảy qua trước mặt chúng mình là Kinh Cùng hả anh? Theo chỗ em biết thì nó không cùng đâu, từ đó nó lại đổ ra một dòng sông khác. Hằng ngày nước vẫn lớn và ròng. Lục bình trôi bập bềnh trên sông nở rất nhiều hoa tím, đẹp lắm anh à. Làm sao cùng được. Chẳng có con sông nào cùng cả, cũng như với em, anh chẳng bao giờ chết cả, phải không anh? Anh biết người ta gọi tên nghĩa trang nơi anh nằm là gì không? Đập Đá. Mấy năm vào thăm anh em chưa hề thấy một con đập nào bằng đá, dân ở đây cũng chẳng ai làm nghề đập đá. Đồng bằng mà anh. Ngoài những khu vườn cây ăn trái nằm ven các con kinh, còn lại chỉ toàn đồng lúa. Nơi anh nằm là một mảnh đất hình vuông, hai cạnh ngoài giáp với hai con sông, một con người ta gọi là Kinh Cùng, con còn lại nhỏ hơn từ trên đồng chảy xuống. Hai cạnh trong giáp với bức tường lau sậy. Mùa này lau sậy đã trổ cờ thành thử gần nửa “bức tường” phía trên có chung một màu trắng đục, khi gió lùa về mảng màu trắng đục ấy biến thành ngọn sóng nhấp nhô, em liên tưởng đến sóng biển quê anh vì ngày xưa anh nói với em bờ biển quê anh chỉ có bùn nên chẳng bao giờ được nhìn thấy nước biển màu xanh. Anh Nhân ơi, cho dù thiên nhiên ở đây không liên quan gì đến tên gọi của nó, em vẫn có cảm tình đặc biệt với hai tiếng Đập Đá. Lý do đơn giản thôi: vì anh nằm đó”.
Mấy giờ ngắn ngủi trôi qua. Cây gòn nay tuy đã lớn nhưng nhìn bóng ngã, chị vẫn còn biết được giờ của chuyến đò chót ở cuối Kinh Cùng sắp chạy qua. Chị cất bức ảnh anh, vài chiếc lá gòn trên mộ anh và các thứ lặt vặt vào túi xách, đắp thêm cho anh một tấm ni lông phòng khi trời mưa. Chị làm các công việc này với thứ tình cảm hết sức cứng rắn, và không nghĩ gì thêm, chị đĩnh đạc đi giữa những ngôi mộ để ra bờ sông.
Chuyến đò chót chạy lên không sai bao nhiêu so với khoảng thời gian chị ước tính. Cây gòn trên nghĩa trang xa dần, cuối cùng nó giống như một cánh chuồn chuồn rồi biến mất. Nhìn trước nhìn sau chỉ thấy con sông dài đếm mút tầm mắt với vô số hoa lục bình nở tím biếc.
Có lần vào thăm anh thấy nghĩa trang được dọn sạch sẽ, trống trải, những ngôi mộ được bồi thêm đất, tên người chết được viết lại cẩn thận, nắn nót bằng nước sơn màu đỏ. Sơn đọng lại ở các dấu chấm, long lanh. Nghĩa trang mới hơn, đẹp hơn, vui hơn, đúng ra bớt hiu quạnh chứ chẳng có nghĩa trang nào vui cả. Chị đi loanh quanh giữa nhiều số phận, nhiều cuộc đời được nằm yên trong lòng đất. Rồi chị nhìn thật kỹ chung quanh mộ anh, sợ mộ anh sạch và đẹp hơn những ngôi mộ khác. “Anh Nhân ơi, anh thấy em ghen chưa? Em xấu quá phải không anh? Em muốn chỉ mình em được quyền yêu thương và chăm sóc anh thôi. Nhưng thực tế chẳng bao giờ diễn ra giống ý muốn mình cả, thương yêu và chăm sóc anh còn rất nhiều người, đó không chỉ trách nhiệm mà còn là lẽ sống của người còn sống. Biết đâu lúc em vắng mặt lại chẳng có người con gái khác đến thăm anh? Đúng ra phải mang ơn những người chăm sóc anh, nhưng em ích kỹ quá, cứ nghĩ anh không còn của riêng em, em buồn lắm. Còn một điều nữa làm em ray rứt: Gia đình anh. Nếu anh còn sống, mọi chuyện sẽ tốt đẹp, anh là cái gạch nối, bây giờ anh không còn biết gia đình anh có tin em?”
Chị nhớ lại lần về Cà Mau tìm gia đình anh. Đêm ấy không hiểu nước mưa hay nước mắt mà giọt nào thấm vào môi chị cũng mặn. Chị khóc nhiều lắm. Lúc ngồi trên xe chị hình dung Cà Mau là một thị xã nhỏ nhắn, nhưng thị xã Cà Mau trước mắt chị sâu thẩm vô cùng bởi cơn mưa đang tầm tã và thị xã hoàn toàn mất điện.
Chiếc xe đò vào bến đã hơn nửa giờ đồng hồ những chưa hành khách nào bước xuống. Mưa như trút. Hai cái gạt nước bất lực. Cuối cùng có người rục rịch khoác áo mưa bước xuống. Vài người khác hưởng ứng. Trong xe thưa dần rồi chỉ còn mình chị. Trước lúc bước xuống dầm mình trong mưa, chị không cho phép mình khóc. Thế nhưng đi đâu? Chị giống con chim nhỏ lạc đàn giữa trời giông bão. Chung quanh chẳng có ai, chỉ có mưa và mưa. Chị khóc. Chẳng hiểu nước mưa hay nước mắt mà giọt nào thấm vào môi chị cũng mặn.
Nếu đêm ấy không nhờ ánh đèn pha của một chiếc xe hơi vô tình quét ngang qua hai chữ “khách sạn” thì không hiểu chuyện gì đã xảy đến. Khi đã ngồi trong phòng rồi chị vẫn không ngờ được những mạo hiểm vừa qua.
Khuya hôm sau chị trả phòng, ra bến xe trở về Cần Thơ. Bấy giờ chị thấy quyết định của mình là đúng.
Năm ấy chị hai mươi tuổi.
“Anh Nhân ơi, bây giờ em già lắm. Hai mươi năm trôi qua rồi chứ phải ít đâu. Còn anh vẫn là chàng trai trẻ.
*
Chuyến xe đò dừng lại ở trạm bưu điện thị trấn. Từ trên mui xe người ta quăng xuống những bao đựng thơ to như những bao gạo. Trong khoảnh khắc chiếc xe lại rục rịch bò đi. Từ đây nó bắt đầu rời con đường quốc lộ.
Chị lại vào thăm anh. Không ngờ vùng quê này trở thành quen thuộc với chị. Lát nữa xe sẽ qua chiếc cầu, chiếc cầu không giống bất cứ chiếc cầu nào. Con đường tiếp theo ngoằn ngoèo, có lúc tưởng nó quay ngược trở lại. Nơi tưởng chừng như quay ngược trở lại ấy là cánh đồng không rộng. Lần đầu qua đây chị thấy xác xe tăng nằm rải rác, đen đúa như những con rùa khổng lồ. Có chiếc nằm nghiêng, chiếc chúi đầu xuống hố, có chiếc lật ngửa đưa xích lên trời. Hồi ấy mùi vị chiến tranh còn rất rõ. Đoạn đường qua cánh đồng đầy hố bom, hố pháo. Vài năm sau qua nơi đó thấy bà con làm đồng leo lên những “con rùa” ấy ăn cơm trưa. Qua hết cánh đồng, con đường lại tiếp tục ngoằn ngoèo xuyên trong những khu vườn cây ăn trái.
Chiếc xe vẫn bò đi, cần mẫn như một con kiến. Khoảng một giờ đồng hồ sau tính từ lúc rời con đường quốc lộ, nó dừng lại ở Ủy ban nhân dân xã Kinh Cùng. Chị bước xuống. Xe lại tiếp tục lăn bánh. Nó đi đến đâu và dừng hẳn ở chỗ nào chị không biết.
Từ đây chị lại xuống đò. Chị thích ngồi đò đi trên đoạn sông này. Khác xa với đô thị, nơi này bình yên lắm. Vào đây được phóng tầm mắt đến chân trời, được chứng kiến cánh đồng thẳng cánh cò bay. Vào đây thấy ngọn gió nào cũng phóng khoáng và thấy gần gũi với anh hơn, chung thủy với anh hơn. Ngày xưa quen với anh cũng trên một miền đất tương tự thế này, miền quê Hậu Giang quanh năm có hoa lục bình nở tím những dòng sông. Cà Mau quê anh có một mùa nước ngọt và một mùa nước mặn. Lần về Cà Mau năm ấy chị chưa kịp hiểu mùa nào. “Anh Nhân ơi, nếu có ai hỏi em nơi nào đẹp nhất, em sẽ trả lời ngay: nơi quen với anh và nơi anh nằm xuống. Lạ lùng thật anh à, không phải quê em, cũng không phải quê anh nhưng nó lại thành quê của chúng mình”.
Ngồi trong khoang đò, chị nghiêng người vói tay ra dòng sông ngắt mấy cành hoa lục bình, những giề lục bình cỡi trên sóng chao đảo, lắc lư như giỡn với bàn tay của chị. Tiếc rằng hoa lục bình mau tàn quá, nếu không nó cũng sẽ được quí trọng như nhiều loài hoa khác. Lần nào vào thăm anh hầu như chị cũng hái theo vài cành, nhưng chỉ một buổi chúng đã nằm gục trên mộ anh. Thật tội nghiệp. “Anh Nhân ơi, em yêu hoa dại, nhưng lòng chung thủy của em không sớm tàn như hoa dại đâu”. Chị mỉm cười.
Đã nhìn thấy thấp thoáng cây gòn ở nghĩa trang. Ban đầu nó nhỏ và mờ giống cánh chuồn, dần dần lớn và rõ. Những chùm trái khô nở bung ra, bông trắng xóa như những tảng mây. Chị xách hành lý ra đứng trước mũi đò. Dường như quen với hành khách, chiếc đò tự ghé vào nghĩa trang không cần chị bảo. “Anh Nhân ơi, lần này em đi xa, không hiểu mỗi năm có được về thăm anh? Nếu không, đừng buồn nghe anh. Em đi học anh ạ. Bây giờ em đã nghiệm ra, muốn làm việc tốt phải có kiến thức tốt. Nói vậy chớ em sẽ cố gắng về thăm anh, đó là niềm vui của em mà!” Chị nói thầm với anh lúc đặt chân lên bờ. Chiếc đò lui ra. Trên nghĩa trang còn lại một mình chị
*
Ngôi mộ của anh còn lại là một hố đất. Người ta đã mang anh đi rồi. Chị vẫn chưa tin khi đứng bên cạnh hố đất. Một cảm giác hụt hẫng. Con người ta không thể ra đi khi đã nằm yên trong lòng đất. Nếu anh còn sống chị lo là đúng. Còn chết rồi anh sẽ vĩnh viễn nằm đó, nấm đất ấy sẽ vĩnh viễn của riêng chị. Thật không ngờ, anh đã bỏ chị ra đi đến hai lần.
Chị ngồi xuống bên cạnh những khối đất khô lởm chởm, đúng ra chị không đủ sức để đứng. Bó hoa lục bình héo gục trên tay chị. Từ nay chị không còn lý do gì để trở lại đây. Tạm biệt con đường ngoằn ngoèo bắt đầu từ tị trấn, tạm biệt cánh đồng đầy hố bom hố pháo với những con “rùa sắt”, dòng Kinh Cùng, nghĩa trang Đập Đá và cây gòn có nhiều trái nở bung trắng xóa.
Chiều hôm ấy lần đầu tiên chị quên giờ của chuyến đò chót ở cuối Kinh Cùng. Mãi đến gần tối chị mới quá giang xuồng ra đến trụ sở Ủy ban xã.
*
Bạn đọc thân mến, nhân vật Nhân ở phần trên là anh ruột của tôi. Anh nhập ngũ năm một chín sáu chín và hy sinh năm một chín bảy lăm. Từ ngày anh đi đến ngày mất tôi không gặp anh lần nào. Phần tôi, hai năm sau khi anh đi tôi cũng bắt đầu khoác áo lính, nhưng may mắn hơn anh tôi còn sống đến ngày đất nước hết chiến tranh. Mười lăm năm sau ngày hòa bình gia đình tôi mới tìm được mộ anh ở nghĩa trang Đập Đá rồi làm thủ tục di dời hài cốt anh về nghĩa trang của tỉnh nhà theo chủ trương của nhà nước. Xe chúng tôi dừng lại trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã Kinh Cùng để làm một số thủ tục cần thiết. Ở đây tôi gặp chị Mười Sương - chủ tịch Ủy ban. Trong đời tôi chưa gặp một người nào tốt như vậy. Trước tiên chúng tôi được mời ăn bữa cơm sau khi trình bày ý định. Chị Mười tỏ ra có một sự nhiệt tình đến tôi phải thắc mắc. Đích thân chị đi kiểm tra máy móc, võ lãi và cùng chúng tôi vào nghĩa trang, có cả anh Trưởng ban thương binh xã hội. Nghi thức để bốc mộ một người chiến sĩ cách mạng được thực hiện đầy đủ. Chiếc quan tài nhỏ được phủ bằng lá quốc kỳ.
Trước lúc chia tay với chị Mười, tôi có đủ thời gian để hỏi về gia đình chị. Hóa ra chồng chị cũng hy sinh. Chị không nói rõ với tôi, nhưng lính cho tôi biết chồng chị chết không có được nấm mồ. Hiện chị đang sống trong căn phòng nhỏ phía sau cơ quan..
Từ sự đồng cảm đó, tôi và chị Mười rất dễ thân nhau, mối thân tình không nói bằng lời mà ngấm ngầm, sâu sắc.
Trở về đơn vị không bao lâu, tôi đi học đại học dù tuổi đã xuýt xoát ba mươi. Lần thực tập đầu tiên thay vì về một nông trường điển hình của phong trào bộ đội làm kinh tế, ở đó có người bạn chiến đấu cũ của tôi làm giám đốc, thì tôi lại quyết định trở về thămchị Mười Sương khi bước xuống ga cuối cùng sau mấy ngày đêm ngồi tàu.
Chị Mười đón tôi như đón một người thân đi xa về. Buổi tối trong căn phòng nhỏ, tôi và chị ngồi đối diện uống trà như hai người bạn, và chị Mười đã kể cho tôi nghe chuyện một người con gái - chị Thu Trang - hai mươi năm chung thủy với anh tôi. Chuyện này do chính chị Thu Trang tâm sự vợi chi Mười trong cái lần trễ đò, đương nhiên trễ cả xa, và thật ngẫu nhiên chị Thu Trang gặp chị Mười tại trụ sở Ủy bân nhân dân xã. Kể xong chị Mười cười buồn rồi nói với tôi:
- Chớ em nghĩ, hai người đàn bà chết chồng, cứ coi như vậy đi, thì còn giấu giếm gì nhau nữa. Thu Trang nằm kể cho chị nghe, nó khóc. Còn chị không hơn gì, nằm ôm nó, cũng khóc. Thương Thu Trang quá, khóc. Nhớ ảnh, khóc. Hễ Thu Trang khóc là chị khóc như một đứa con nít, quên cái tuổi sắp năm mươi của mình.
Tôi ngồi im không biết nói gì. Chị Mười tiếp:
- Chị hỏi nó sao lớn tuổi rồi không tìm nghề gì làm cho thích hợp. Nó trả lời: Nghề giữa trẻ thích hợp với em. Em có khiếu. Làm nghề khác em sợ không còn là em nữa. Chị đồng ý với nó nhưng chị nói thêm: sống, làm việc thì phải đấu tranh, đừng sợ và đừng an phận. Phải không em? Đừng cười chị nghen. Đầu óc chị hạn chế lắm, chỉ có chính trị thôi. Bởi vậy nên chị rất ủng hộ khi Thu Trang quyết định đi học, chỉ có học mới làm việc được tốt hơn. Thu Trang thì lo thân gái xa xôi một mình. Chị nói lo gì, ở đâu không có đảng, có tổ chức. Phải không em? Chị không hay em đi học ở Hà Nội, chứ nếu hay chị nói để Thu Trang yên tâm. Tội nghiệp con nhỏ. Không biết Hà Nội mùa này có lạnh không?
Tôi trả lời chị Mười Sương rằng Hà Nội mùa này đã bắt đầu nóng.
- Khi trở ra nhớ tìm Thu Trang nghen. Gặp em chắc nó mừng lắm. Nó hỏi rất nhiều về em, chị nói em là một thanh niên chững chạc. Nó lấy hình của Nhân cho chị xem, giống em lắm, nhứt là cái miệng. Anh Mười chẳng còn để lại tấm hình nào cả. Nói chung những kỷ niệm về ảnh coi như phủi tay. Thu Trang vậy mà còn may mắn hơn chị nhiều, chỉ thương nó ở cái tuổi còn quá trẻ. Bây giờ có em chị cũng mừng cho nó.
Chị Mười nói nhiều. Dường như đã lâu chị không có người để tâm sự. Trước mắt tôi chị mất đi cái vẻ lanh lẹ, hoạt bát của một đồng chí chủ tịch mà còn lại là một người đàn bà nhẹ dạ, đáng thương. Tôi để ý từ lúc bắt đầu câu chuyện với tôi, đôi mắt của chị mười luôn ngấn nước, cả lúc chị cười. Nhìn vào đôi mắt con người ta có thể đoán được những gì đã xảy ra, có thể thấy được những nỗi niềm, sự dằn vặt lắng sâu trong cái vẻ bề ngoài tưởng như bình yên. Chị rót thêm nước cho tôi rồi tiếp:
- Chị đã già rồi, ráng chịu đựng sống một thời gian nữa rồi tất cả sẽ qua. - Chị nhìn tôi dò xét - Em nghĩ sao? Đồng ý với chị nghen. Chị suy nghĩ kỹ lắm rồi, chị sẽ không “tính” gì nữa, vả lại thời gian đâu để nghĩ về mình. Công việc của chị em thấy đó, bù đầu. Có lúc quên mình mất tiêu...
Tôi tin chị Mười nói thật. Chính vì tin nên tôi hết sức kính trọng chị.
- Ờ, quên thuật kỹ lại cho em nghe, Thu Trang trước là học sinh ở Sài Gòn nhưng cha mẹ lại đi kháng chiến. Một lần vào chiến khu thăm ông bà già, nó ở lại luôn và trở thành y tá. Em biết, hồi đó ai có chữ nghĩa kha khá cộng với khéo tay thì thành y tá liền. Nhờ vậy mà hai đứa nó quen nhau vì có một lần Nhân bị thương. Hai đứa chưa hề hứa hẹn nhau điều gì, chưa nói tiếng yêu thương nào, chỉ tặng mấy tấm hình qua lại. Tình yêu kỳ cục thiệt, có vậy thôi mà hai mươi năm rồi Thu Trang không chịu lấy chồng.
Hôm sau tôi từ giã chị Mười Sương. Thú thật tôi không ngờ sau gần hai mươi năm nằm trong lòng đất, anh tôi còn đem đến cho tôi niềm vui. Gọi niềm vui cũng chưa đủ, nó còn có cái gì vượt ra ngoài niềm vui nữa. Không bao lâu nữa tôi sẽ gặp chị Thu Trang. Thật lòng mà nói trong ba chúng tôi chưa chắc ai là người may mắn hơn. Chị Mười có quyền nghĩ về mình như vậy, còn tôi không cho phép tôi nghĩ như vậy. Tôi chưa nói điều này với chị nhưng tôi sẽ viết thư, có thể có cả thư của chị Thu Trang nữa. Chị Mười sẽ đọc được những suy nghĩ thân tình và mới mẻ của chúng tôi ở những lá thư nằm trong bao thư ném xuống bưu điện thị trấn.
Trở về Cà Mau tôi vào nghĩa trang thăm mộ anh tôi. Ở đây tôi gặp xác một bó hoa nằm trên mộ anh và tôi biết ai là chủ nhân của bó hoa ấy.