LTS: Bắt đầu từ một bài viết về "Địa Đàng ở Phương Đông" của Oppenheimer do tác giả Nguyễn Văn Tuấn và bạn hữu của ông trong nhóm "Tư Tưởng" trong số cuối năm 2001 của tạp chí Thế Kỷ 21, cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc dân tộc Việt Nam được chuyển qua "sân chơi" mới trên tạp chí Hợp Lưu với bài khảo luận Về Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam và "Địa Đàng ở Phương Đông" của Oppenheimer của tác giả Nguyễn Quang Trọng (HL 64 - 04/2002). Trong số này, Hợp Lưu hân hạnh được tiếp tục việc thảo luận về đề tài phức tạp nhưng thu hút này. Dưới đây là phần đóng góp của các tác giả Cung Đình Thanh, Nguyễn Văn Tuấn, và Nguyễn Đức Hiệp. Ngay sau đó chúng ta sẽ có cơ hội đọc phần trả lời của tác giả Nguyễn Quang Trọng. Trong lần hội ý với ban biên tập Hợp Lưu, tác giả NQT nghĩ rằng việc đăng tải hai bài viết có liên hệ trực tiếp trong cùng một số báo sẽ giúp độc giả dễ theo dõi hơn.
I.
Có lẽ, phát biểu rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa chắc không quá đáng, bởi vì một khuynh hướng chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đang (hay sắp) qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa, mà không dựa trên ý thức hệ (như Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản trong thời gian qua). Trong thế kỷ 21, người ta sẽ hỏi "Anh là ai", thay vì "Anh thuộc phe nào" trong thế kỷ vừa qua. Tức là một sự chuyển biến về nhận dạng từ ý thức hệ sang văn hóa.
Nhưng câu hỏi "Chúng ta là ai" tuy đơn giản, câu trả lời thì không đơn giản chút nào. Tổ tiên chúng ta xuất phát từ đâu, họ đến Việt Nam bằng cách nào, vẫn còn là những vấn đề khoa học, đòi hỏi nhiều nghiên cứu về di truyền học, khảo cổ học, và ngôn ngữ học. Từ thập niên 60 thế kỷ trước, nhiều người, nhất là giới trẻ, đã khao khát muốn tìm về nguồn gốc dân tộc. Nhiều đoàn thể đã tự chọn cho mình cái mục tiêu "về nguồn". Đến khi chiến tranh trên quê hương chấm dứt năm 1975, rồi cả triệu người phải bỏ nước ra đi, sự khao khát tìm về cội nguồn trong những người xa quê hương này lại có phần gia tăng, dù người ta đã phải vất vả nhiều hơn cho cuộc sống mới.
Nhưng khi tìm trong cổ sử Việt, về đời sống tinh thần của người xưa, để thực hiện việc về nguồn này, người ta chỉ gặp một cảnh hoang sơ: ngoài một số truyền thuyết, và những lời răn thực tế trong tục ngữ ca dao, những tác phẩm để lại, phần lớn do người ngoại quốc viết, thường đã bị khoa học ngày nay vượt qua từ lâu, không kể một số không ít đã được sáng tác với dụng ý xuyên tạc sự thực, bôi bác nguồn gốc dân tộc, hạ thấp giá trị văn hóa cổ truyền. Trong cảnh tiêu sơ đến thảm hại đó, cũng đã xuất hiện vài quyển sách có thiện ý muốn viết lại cho trung thực nguồn gốc dân tộc mình (1). Nhưng được thực hiện trong hoàn cảnh tư liệu thiếu thốn, các sách này chưa đạt được mục đích, vả cũng đã nhanh chóng bị khoa học ngày nay vượt qua. Ở trong nước, nhờ có đội ngũ những nhà biên khảo khoa học xã hội đông đảo, có những cơ quan chuyên nghiên cứu về triết học, văn hóa và khoa học xã hội có tổ chức, nên có được nhiều biên khảo chuyên ngành và công phu hơn. Nhất là về phương diện khảo cổ, từ thập niên 60 (thế kỷ trước), ngành này đã đạt được những kết quả vô cùng ngoạn mục. Nhưng những tác phẩm nghiên cứu có hệ thống và khoa học vẫn còn cực kỳ ít, ngoại trừ tập một vài tác phẩm mới xuất bản gần đây (2). Đặc biệt về phương diện triết học tư tưởng, nhiều hội nghị đã được triệu tập, nhưng vẫn đi đến kết luận hết sức lạ lùng là: trong hoàn cảnh tài liệu hiện tại, còn quá sớm để có thể hình thành một tác phẩm loại này(3).
Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi, một nhóm tư nhân rất thiếu phương tiện, nhưng đã quyết tâm làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn, không có tài trợ từ bất cứ nguồn nào, đã tự cho mình trách nhiệm góp phần trong việc soạn thảo những tài liệu cung ứng cho khát vọng tìm về cội nguồn, mà chúng tôi biết trước là rất khó khăn, này. Một tập san mang tên Tư Tưởng, với mục đích phi thương mại, chỉ lưu hành trong nhóm thân hữu và các nhà biên khảo có lòng với văn hóa dân tộc, sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, đã được phát hành từ đầu năm 1999 để làm cây cầu nối những ai muốn thực hiện con đường tìm về cội nguồn. Đến nay Tập san đã ra được 19 số.
Cách đây không lâu, Giáo sư Stephen Oppenheimer, một nhà nghiên cứu y học nhưng từng nghiên cứu về thời tiền sử, có xuất bản quyển sách "Eden in the East" bàn về văn minh Đông Nam Á. Cuốn sách làm chấn động giới nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á. Nhận thấy quyển sách có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc, nên một người trong nhóm chúng tôi (Gs. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn) có viết một bài điểm sách, và nhân đó, đưa đề nghị "Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam" đăng trên Tập San Tư Tưởng số 15 tháng 8 năm 2001. Bài điểm sách đã được nhiều tạp chí trong và ngoài nước in lại, và chúng tôi đã nhận được khá nhiều góp ý cũng như phê bình. Vấn đề đặt ra được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều người ở trong cũng như ngoài nước. Trong số những tác giả đã khai triển thêm đề tài này bằng những bài phê bình hết sức xây dựng, Tác giả Nguyễn Quang Trọng, trong bài "Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và ?Địa đàng ở phương Đông? của ppenheimer" (Hợp Lưu, số 64) là đáng bàn thảo thêm, và đó cũng là đề tài chính của bài viết này của chúng tôi.
Chúng tôi cám ơn tác giả Nguyễn Quang Trọng và các tác giả khác đã bỏ công viết những bài thảo luận có giá trị về vài điều mà chúng tôi đã nêu ra một cách vắn tắt trong bài điểm sách. Bởi bài viết trước của chúng tôi nằm trong dạng "điểm sách", nên chúng tôi không có cơ hội khai triển thêm những điều đã phát biểu. Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày thêm một vài quan điểm chung quanh những ý kiến của tác giả Nguyễn Quang Trọng, và chắc cũng là ý kiến của một số bạn đọc quan tâm khác. Cố nhiên, có một số điểm chúng tôi sẽ không đề cập đến, không phải vì chúng tôi đồng ý (hay không đồng ý) với tác giả, mà chỉ vì muốn hạn chế trong phạm vi những điều có liên quan đến bài điểm sách của chúng tôi.
II.
Trước hết, chúng tôi muốn bàn và phát triển thêm những điểm trong bài viết của Nguyễn Văn Tuấn mà tác giả Nguyễn Quang Trọng cho rằng có thể gây ngộ nhận :
Thứ nhất, về giả thuyết người Hòa Bình tràn lan về phía Nam (Indonesia), lên hướng Bắc (Trung Hoa) và sang hướng Tây (Thái Lan), tác giả Nguyễn Quang Trọng, tuy không bác hẳn, nhưng tỏ vẻ không đồng ý với quan điểm này vì có hàm ý văn hóa Hòa Bình (Bắc Việt) còn trẻ hơn các văn hóa kể trên. Dụng cụ đá ở Hòa Bình có niên đại trẻ hơn dụng cụ đá ở Úc Châu, và "Theo tôi (NQT), chữ ?người Hòa Bình? dùng cho các di tích ở nơi khác không có nghĩa là người Hòa Bình - Bắc Việt - vào thời điểm đó (7.000 đến 12.000 năm trước) đã tràn lan đến những nơi khác như Thái Lan, Indonesia, Úc, Trung Hoa".
Thực ra, niên đại văn hóa Hòa Bình là một vấn đề đương đại, vì cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa nhất trí. Cụm từ "Văn hóa Hòa Bình" được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30-01-1932, do đề xuất của Madeleine Colani, sau khi đã được Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua. Khởi thủy, cụm từ này được dùng để nói đến nền văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới (Choppers, hay chopping tools). Qua thời gian, tất nhiên cụm từ này đã được đề nghị mang những tên khác nhau và có những ý nghĩa cũng khác nhau. Lúc đầu, nó chỉ nói về nền văn hóa có khoảng không gian là Bắc phần Việt Nam, và khoảng thời gian không quá 5.000 năm trước đây (4). Nhưng khoảng không gian lẫn thời gian trên được nới rộng dần. T. M. Matthews có lẽ là người đầu tiên đã đem Văn hóa Hòa Bình vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam đến các vùng Đông Nam Á, và rồi người ta nói đến Văn hóa Hòa Bình ở Miến Điện, Kampuchia, Lào, Mã Lai Á, Sumatra, Thái Lan, Ần Độ, Tứ Xuyên ... Nhưng có lẽ không ai mở rộng ảnh hưởng của Văn hóa Hòa Bình bằng Gs. W. G. Solheim II. Về không gian, ông đã đưa Văn hóa Hòa Bình, phía Đông Bắc đến Phi Luật Tân, Nhật Bản, phía Tây đến Thái Lan, phía Nam đến tận Úc Đại Lợi và phía Bắc bao trùm cả hai nền văn hóa cổ của Trung Hoa là Ngưỡng Thiều (Yan Shao) và Long Sơn (5). Về thời gian, ông không định rõ, nhưng tuyên bố không ngạc nhiên nếu thấy việc thuần hóa cây lúa nước đã có tại Hòa Bình từ 15.000 năm trước Công Nguyên, và những dụng cụ đá mài có lưỡi bén tìm thấy ở Bắc Úc Châu có tuổi khoảng 20.000 năm trước Công Nguyên đo bằng C14 có nguồn gốc từ nền Văn hóa Hòa Bình. Đấy là chưa kể đến dự phóng của ông về niên đại Hòa Bình lên đến 50.000 năm trước khi ông viết "Đông Nam Á và tiền sử học thế giới" đăng trong Viễn Cảnh Châu Á, tập XIII năm 1970 (6). Riêng trong phạm vi nước Việt Nam ngày nay, Văn hóa Hòa Bình được khoa học khảo cổ phân chia thành ba thời kỳ:
• Hòa Bình sớm hay Tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 trước Công Nguyên (TrCN)), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 TrCN).
• Hòa Bình giữa hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 BC), Làng Vành (16.470 ± 80 TrCN).
• Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn - 1541/I).
Tính cách rộng lớn và phức tạp của Văn hóa Hòa Bình đã đến độ có đề nghị đổi tên Văn hóa Hòa Bình thành Phức hợp Kỹ thuật Hòa Bình (7). Chúng tôi đồng ý cụm từ "Văn hóa Hòa Bình" nay được dùng để chỉ nền văn hóa đá mới có đặc tính chung rộng khắp tại Đông Nam Á, Bắc lên đến Nhật Bản, Nam xuống tận Úc Châu, và không nhất thiết nó phải phát xuất từ Hòa Bình, Việt Nam. Nhưng văn hóa thiên di theo con người, và gần đây đã có dữ kiện di truyền học cho thấy có lẽ người Đông Nam Á, gần gốc Phi Châu hơn Đông Bắc Á và người Việt Nam có lẽ là sắc dân cổ nhất của Đông Nam Á (chúng tôi sẽ bàn thêm về điểm này trong phần sau).
Thứ hai, có phải kỹ thuật làm đồ đồng thau (dụng cụ, vũ khí) của cư dân Đông Sơn có trình độ cao nhất, nhì thế giới? Tác giả Nguyễn Quang Trọng không đồng ý với phát biểu này của chúng tôi, ông cho rằng trình độ đúc đồng của cư dân Đông Sơn (từ 700 năm trước CN về sau) quả rất cao, nhưng không thể nói là cao hơn các nơi khác, nhất là những nơi này đã có kỹ thuật đúc đồng xưa hơn Đông Sơn rất nhiều. Tác giả nêu một thí dụ về kỹ thuật đúc đồng ở Sanxingdai (Bắc Trung Hoa) cổ hơn Đông Sơn mấy ngàn năm, Thái Lan, xưa hơn Đông Sơn 1.000 năm, và ở các nơi khác như Irak, Ai Cập, vùng Cận Đông cũng sớm hơn Đông Sơn rất nhiều.
Rất tiếc là tác giả không dẫn chứng được những niên đại chính xác ("mấy ngàn năm" là mấy ngàn? Sớm hơn là sớm như thế nào?), và nguồn gốc của những dữ kiện được nêu ra. Nhưng chúng ta cứ giả thiết kỹ thuật đồng của những nơi này đã có trước mấy ngàn năm, cái niên đại 700 năm trước CN (mà ông gắn cho là niên đại của văn minh Đông Sơn) đi nữa, thì cũng không chắc đã có trước kỹ thuật của văn minh Đông Sơn, bởi một lẽ giản dị, niên đại 700 trước CN chỉ là niên đại của Đông Sơn trễ, Đông Sơn trẻ nhất.
Như sẽ được dẫn chứng dưới đây, Văn hóa Đông Sơn kể từ thời Phùng Nguyên cho đến nay, vẫn có thể coi là nền văn hóa đồng thau có niên đại xưa nhất so với niên đại văn hóa đồng thau ở các nơi khác trong vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Bốn nhà nghiên cứu có uy tín khác viết về Văn hóa Đông Sơn đầu tiên ở Việt Nam là V. Gouloubew, R.H. Geldern, B. Karlgrenvà O. Jansé, đều lầm khi cho nền văn minh độc đáo này có nguồn gốc ngoại lai, từ nơi khác truyền đến. Người thì cho nó bắt nguồn từ Trung Hoa; người đi xa hơn, cho nó bắt nguồn từ văn minh Hallstatt ở Ấu Châu, truyền qua vùng thảo nguyên Ấu Á, đến Trung Hoa trước khi truyền vào Đông Sơn (8). Có người lại dựng lên một nguồn gốc xa xôi từ văn minh Mycèle Hi Lạp và theo một hành trình rất nhiêu khê qua trung gian các nền văn minh Trung Ấu, rồi Trung Á, đến đây mới chia hai ngả, một theo đường Tế Xuyên, Vân Nam truyền vào Việt Nam, và một theo lưu vực sông Hà, sinh ra văn hóa đồng thau đời nhà Thương ở Trung Hoa (9). Những nhận xét này tuy có tính ngạo mạn, nhưng có thể hiểu được, bởi lúc đó chưa phát hiện được những nền văn hóa đồng thau nội địa xưa hơn và là tiền thân của văn hóa đồng thau ở Đông Sơn, kể từ Phùng Nguyên, nên các nhà nghiên cứu trên cứ nghĩ, văn hóa đồng thau tìm thấy ở Đông Sơn, là văn hóa đồng thau duy nhất tại Việt Nam. Thực ra, đồng thau tìm thấy ở Đông Sơn chỉ là giai đoạn chót của một nền văn hóa đồ đồng đã có lâu đời ở Việt Nam kể từ Phùng Nguyên. Hơn nữa, thời đó khoa học chính xác chưa tiến bộ, văn minh Tây phương đang hồi cực thịnh, văn minh đồng thau Đông Sơn lại quá rực rỡ, chứng tỏ nó phát xuất từ một nền văn minh tối cổ cực kỳ cao. Những nhà nghiên cứu gốc Tây phương này, có thể do niềm tự tôn làm lu mờ sự khách quan của mình, nên không thể ngờ một nền văn minh lớn, đã để lại những di vật hoành tráng như vậy lại do tổ tiên những người mà dưới mắt họ, thấy đang bị ngoại bang đô hộ, sống lam lũ, nghèo khổ, thiếu văn minh - đã sáng chế ra!
Nhưng sự hiểu lầm đó đến nay đã thuộc về dĩ vãng, ít nhất là sau Hội nghị Quốc tế họp ở Berkeley bàn về Nguồn gốc văn minh Trung Hoa năm 1978, mà các bản tham luận, sau khi các dữ kiện được kiểm nghiệm, so sánh với ý kiến của các học giả khác, đã được xuất bản năm 1980 (10). Cho đến lúc này (tức 1980), người ta thấy đồ đồng Đông Sơn có niên đại xưa nhất (đồ đồng tìm thấy được ở Tràng Kênh thuộc Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại C14 = 1425 ± 100BC [BLn - 891] so với đồ đồng cổ nhất của Trung Hoa ở Anyang có niên đại C14 = 1300 BC theo Anderson hay 1384 BC theo Lichi) (11); đồ đồng Đông Sơn cũng có kỹ thuật cao nhất vì đã biết pha với chì khiến hợp kim có độ dai bền đặc biệt (hợp kim đồng ở Thái Lan hay nhiều nơi khác có thể pha chế đồng với sắt, thiếc, antimoin như Đông Sơn nhưng không có chì) (12).
Có lẽ Nguyễn Quang Trọng đã hiểu đồ đồng Đông Sơn theo nghĩa hẹp là đồ đồng tìm thấy ở làng Đông Sơn, Thanh Hóa. Tuy đồ đồng tìm thấy ở đây đầu tiên, nhưng tuổi của nó không phải sớm nhất mà trẻ nhất trong nền văn hóa mang tên Đông Sơn. Người ta đã chứng minh được nó là hậu duệ của những sản phẩm đồng từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun trước khi đến vùng Đông Sơn, Thanh Hóa. Bốn nền văn hóa này, mỗi nền văn hóa có những nét độc đáo riêng, nhưng cùng thuộc một chủng tộc làm chủ. Chúng kế thừa nhau một cách chặt chẽ, liên hệ với nhau một cách khắng khít. Bởi vậy khoa học ngày nay gọi chúng một tên chung là Văn hóa Đông Sơn. Như trên đã nói, Đông Sơn là nơi tìm ra đồ đồng ở Việt Nam đầu tiên nhưng lại là giai đoạn sau cùng của văn minh đồng thau này, kéo dài hơn 2.000 năm, khởi đầu từ Phùng Nguyên khoảng 4.000 năm cách ngày nay (C14 Gò Bông = 1850 ? 60 BC [BLn - 3001]).
Đây là một hiểu lầm đến nay thì không còn nhiều người mắc phải và cũng không tai hại như sự hiểu lầm ở điểm 3 dưới đây mà nhiều nhà nghiên cứu về cổ học Việt Nam còn đang lúng túng chưa có câu giải đáp minh bạch.
Thứ ba, về đồ gốm Việt Nam xuất khẩu khắp Đông Nam Á, đến tận Malanesia, trước khi có ảnh hưởng của Ần Độ, tác giả Nguyễn Quang Trọng viết "tôi e rằng có sự nhầm lẫn về điểm này", vì theo tác giả, "Hòa Bình là văn hóa không có đồ gốm, hay có rất ít vào thời kỳ cuối (Bắc Sơn)". Có lẽ tác giả viết như thế vì ông đã căn cứ vào mẫu đồ gốm tìm được ở Hang Đắng thuộc rừng Cúc Phương, có niên đại C14 = 7.665 năm trước đây, mà các nhà khảo cổ Việt Nam cho thuộc thời kỳ Văn hóa Bắc Sơn hay Văn hóa Hòa Bình muộn. Viết như thế là rất thận trọng, cũng giống như sự thận trọng của những nhà khảo cổ học Việt Nam, những người đã đích thân đào những di tích khảo cổ trên đất nước mình và khai quật được những di vật - ở đây là đồ gốm - và khi định niên đại thì những gốm này, ngay cả những gốm cổ nhất, cũng có niên đại trẻ hơn niên đại của gốm ở các nơi khác (Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan, cả một số những đảo Thái Bình Dương), nghĩa là những nơi mà những ngành khác đã chứng minh được do người thuộc văn hóa Hòa Bình di cư đến đem theo cả văn hóa của mình.
Sự bất lực không giải thích được điều mâu thuẫn này dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Gốm là một di vật rất quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong ngành khảo cổ, vì nó phản ảnh rõ nhất, đầy đủ nhất nếp sống, tư duy, nói chung, văn hóa của người xưa. Vậy thì, dù các ngành khoa học khác cho thấy người thuộc văn hóa Hòa Bình có thể là nguồn gốc của nhân loại Đông Á, mà gốm Hòa Bình lại có niên đại trẻ hơn gốm các nơi khác cũng sẽ làm cho nguồn gốc nhân loại Đông Á từ người thuộc văn hóa Hòa Bình trở thành có tì vết!
Chính vì hiểu rõ sự quan trọng của gốm trong vấn đề giải thích đời sống tiền sử và sự mâu thuẫn có tính sinh tử này mà chúng tôi đã cố công tìm hiểu. Và chúng tôi nghĩ là chúng tôi đã tìm ra được câu trả lời cho vấn đề khó khăn này bằng bài "Gốm cổ tại Việt Nam và vai trò của nó trong văn hóa tiền sử", đăng trong Tập San TƯ TƯỞNG số 12 tháng 2 năm 2001. Những ý kiến đã giúp chúng tôi tìm được câu giải đáp, ngoài những di vật khảo cổ rất phong phú mới tìm thấy ở Việt Nam và Nam Trung Hoa trong những năm gần đây, trước hết, phải kể đến kiến giải của GS. W. G. Solheim II, khi ông giả thiết gốm Văn Thừng, đặc trưng của gốm Hòa Bình phải có niên đại 15.000 năm cách ngày nay dù ông chưa có trong tay tài liệu để chứng minh. Tiếp đến, ý kiến của GS. S. Oppenheimer trong sách "Địa đàng tại phương Đông" giả thiết về một sự hiện hữu của vùng Sundaland coi như nguồn gốc của nhân loại Đông phương, có thể của cả thế giới. Rồi thuyết về ngôn ngữ học của nhà ngữ học Johana Nichols và các nhà ngôn ngữ mới khác chứng minh ngôn ngữ Đông Nam Á Austronesian và Austro - Asiatic từ miền biển, miền thấp, ngược các con sông tiến lên miền cao, miền núi, chứ không phải từ miền núi xuôi xuống miền biển theo dọc dòng sông (13). Quan trọng nhất là các bằng chứng về di truyền học khẳng định rằng nguồn gốc người Hiện Đại (Homo Sapiens - Sapi-ens) từ Đông Phi Châu đến Đông Nam Á, rồi từ đó mới thiên di đi các nơi khác (14).
Việc tìm hiểu về đời sống tiền sử, đời sống thời chưa có chữ viết, chúng ta không thể chỉ trông cậy vào một ngành khảo cổ học mà phải phối hợp các ngành đó để tiếp cận sự thực. Và một khi những lý thuyết này có điều gì chồng chéo, mâu thuẫn nhau thì bổn phận của nhà viết cổ sử, các nhà phân tích nói chung phải so sánh, cân nhắc và thực hiện một sự tổng hợp các khoa ngành một cách thận trọng. Nếu sự tổng hợp này vẫn còn khó khăn để rút ra một kết luận, phải biết trong trường hợp này khoa học nào nói tiếng nói quyết định. Ngày nay, di truyền học DNA, tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng có độ chính xác cao nhất, và thường nói tiếng nói quyết định khi những mâu thuẫn trong những ngành cổ học khác không giải quyết được vấn đề. Có lẽ cũng nên nói thêm về một điểm nhỏ, Nguyễn Quang Trọng đã nói đến là gốm Lapita nổi tiếng nhất Đông Nam Á tìm được ở các đảo Thái Bình Dương, cụ thể đó là vùng bờ biển phía Tây đảo New Caledonia. Không thấy Stephen Oppenheimer hay Peter Bellwood đề cập đến trong các thuyết "Chuyến tầu nhanh, chậm" hay "chuyến tầu nhanh" của ông là do từ gốm Phùng Nguyên mà ra. Chúng tôi xin nói ngay rằng gốm Phùng Nguyên không phải là gốm cổ nhất ở Việt Nam (Phùng Nguyên nay thuộc vùng Vĩnh Phú, sâu trong đất liền). Những gốm cổ nhất, sau Hang Đắng, là gốm tìm thấy ở bờ biển từ Hạ Long, Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn vào đến Bầu Tró, Sa Huỳnh. Đây là một điều trái với qui luật bình thường của khảo cổ, như đã trình bày trong bài viết trên nên xin miễn nói lại ở đây. Chỉ xin nhấn mạnh rằng khảo cổ học đã chứng minh được gốm Lapita mà Nguyễn Quang Trọng nói ở trên có nguồn gốc từ gốm trong hang động ở Thường Xuân (Thanh Hóa), Quỳ Châu (Nghệ An), Xóm Thân (Quảng Bình), là con đẻ của các gốm Đa Bút, Quỳnh Văn, Bầu Tró nói ở trên (15).
Thứ tư, về quê hương của kỹ thuật trồng lúa mà chúng tôi phát biểu là ở quanh vùng Đông Nam Á đã được giới khoa học trên thế giới bàn luận đến từ lâu, đã tạm thời đi đến kết luận trong đại hội bàn về nguồn gốc dân tộc Trung Hoa ở Berkeley như nói ở trên. Riêng Tập San TƯ TƯỞNG cũng đã nhiều lần bàn đến, cụ thể là trả lời mục Bạn Đọc Góp Ý trong TƯ TƯỞNG số 12 (trang 27 - 28). Chúng tôi xin không bàn vào chi tiết nữa. Trong phần trên, Nguyễn Quang Trọng có nhắc đến bữa cơm tiền sử nấu với gạo của lúa mọc hoang tìm thấy ở hang Diaotonghuan 13.000 năm trước, và một số địa danh đã biết thuần hóa lúa nước từ 9.000 năm trước trở lại đây. Chúng tôi mong sẽ có dịp bàn lại về vấn đề này. Ở đây, chỉ xin nói ngay vào chủ đề điều 4, rằng đề tài này hầu như đã được giới khoa học quốc tế, kể cả khoa học gia hàng đầu Trung Hoa đồng thuận : quê hương lúa nước ở vùng Đông Nam Á.
Quê hương lúa nước ở vùng Đông Nam Á là một sự thực, dù còn nhiều chi tiết cần tìm hiểu, bàn luận thêm. Nay nếu cứ đem những tiểu tiết che lấp đại thể thì vấn đề chỉ thêm rối rắm. Ngay sự thực trước mắt ngày nay cũng cho thấy người Hoa Hán ăn mì, người Hoa Nam, cả Nhật Bản, Đại Hàn và các dân Đông Nam Á khác ăn gạo.
Chính thuyết trình viên người Trung Hoa, GS. Te-Tzu-Chang, phát biểu trước hội nghị quốc tế cũng trình bầy rõ, xét theo lịch sử Trung Hoa, lúa mạch là thực phẩm chính từ thời tiền sử đến nhà Chu, lúa tắc, mạch và đậu nành là thực phẩm thời Xuân Thu - Chiến Quốc, lúa nước chỉ là thực phẩm phổ biến tại Trung Hoa từ đời Hán về sau. Như vậy, phải chăng ông đã khẳng định lúa nước thuộc văn hóa phương Nam, chỉ trở thành thực phẩm chính ở Trung Hoa khi đất đai phương Nam thuộc tộc Bách Việt đã sát nhập vào Trung Hoa (16).
Ngay cả tác giả Nguyễn Quang Trọng sau khi đã nêu ra một số những địa danh từ Trường Giang trở về Nam có niên đại lúa nước xưa hơn vùng châu thổ sông Hồng, cũng xác nhận người Cổ Việt, nhưng đây là U Việt ở vùng Cối Kê (Hemedu ngày nay) đã dậy Hoa Hán trồng lúa nước (chứ không phải dân Lạc Việt ở châu thổ sông Hồng, mà di vật liên quan đến lúa nước tìm được ở Sũng Sàm mới chỉ không quá 3.500 năm cách ngày nay). Mặt khác, ông lại quay sang phía Tây để phát biểu di tích hạt lúa ở Thái Lan tuy xưa hơn ở Việt Nam, nhưng không xưa bằng ở Nam Trường Giang (ông không tin vào niên đại C14 = 9260 - 7620 BP đã dẫn trong sách của S. Oppenheimer), nên quê hương lúa nước không phải ở Thái Lan. Những con số tác giả nêu ra đều có cơ sở. Có điều ông không để ý đến yếu tố quan trọng nhất là toàn bộ đồng bằng Bắc Việt ngày nay đã bị nhận chìm dưới làn nước biển suốt từ 8.000 năm đến 5.000 năm trước đây (5.500 năm trước nước biển mới bắt đầu rút). Đấy là nói đồng bằng ngày nay. So với đồng bằng sông Hồng từ 18.000 năm đến khoảng 30.000 năm trước đây, nó nhỏ hơn nhiều. Lúc ấy, nước biển thấp hơn ngày nay 130m, châu thổ sông Hồng xưa (cứ gọi như vậy) kéo dài đến tận đảo Hải Nam. Vậy nếu lúa nước có được thuần hóa thì di tích phần lớn đã bị hủy hoại (ở phần nước biển đã rút trả lại đất đai như ta thấy ngày nay) hay hãy còn ở sâu dưới lòng biển (ở phần vẫn bị nước biển tràn ngập). Việc không tìm ra di vật lúa nước có niên đại tối cổ (cổ hơn ở phần đất nay là Trung Hoa hay Thái Lan) cũng như việc không tìm ra di vật gốm tối cổ, ngoài lý do nó bị nước biển tàn phá, còn có thể vì nền khảo cổ của ta còn non trẻ lại thiếu phương tiện, nước ta trước đây có chiến tranh lại không quan tâm đến việc kêu gọi các nhà khảo cổ quốc tế tới thực hiện việc thám quật khảo cổ như các nước lân cận, chứ không hẳn vì không có.
Vả lại, dù quê hương cây lúa ở Thái Lan, ở Nam Trường Giang, hay ở châu thổ sông Hồng, vấn đề quê hương của kỹ thuật trồng lúa nước ở quanh vùng Đông Nam Á cũng vẫn đúng, chẳng có gì phải đặt dấu hỏi, đặt nghi vấn cho một sự thực đã được khoa học và dư luận quốc tế chấp nhận như vậy. Theo thiển ý, lý giải như vậy mới không trái với kết quả nghiên cứu di truyền học, hải dương học, ngôn ngữ học như đã trình bày. Và như vậy tưởng mới là tiếp cận sự thực (17).
Thứ năm, về câu phát biểu của chúng tôi rằng trước khi tiếp xúc với người Hán, tổ tiên chúng ta có một nền văn minh rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất Đông Nam Á. Thực ra, tổ tiên chúng ta với tổ tiên những người vùng Đông Nam Á, nếu xét tự nguồn gốc thì cũng chỉ là một. Tổ tiên chúng ta và tổ tiên những người thuộc các nước vùng Đông Nam Á chỉ coi như khác nhau trong thời gian sau này mà thôi. Nguyễn Quang Trọng đặt câu hỏi đúng "Thế nào là văn hóa (văn minh) cao nhất Đông Nam Á?" Bởi riêng từ văn minh cũng đã có nhiều nghĩa mà cho đến nay vẫn chưa có nghĩa nào được mọi người cùng chấp nhận, vậy làm sao có thể chấp nhận thế nào là văn minh cao nhất? Nương theo lý luận của tác giả, đại khái ta có thể nói văn minh Tây phương (Western civilization) là cao nhất. Chẳng thế mà suốt hơn bốn thế kỷ qua, nền văn minh này đã thực hiện được những tiến bộ khoa học rất ngoạn mục, chinh phục các phần đất khác trên thế giới, bắt dân các nơi đó làm nô lệ cho họ. Nhưng cũng chính nền văn minh này là nguyên nhân của những cuộc chiến triền miên (thế chiến I, thế chiến II) có thể đưa nhân loại đến chỗ diệt vong. Trong trường hợp này thì văn minh nhất lại đồng nghĩa với man rợ nhất. Nay, nếu lấy tiêu chuẩn của những nhà viết văn minh cổ sử mà xét, thì một xã hội được coi là văn minh khi có được những sáng chế đưa nhân loại thoát khỏi thời kỳ mông muội. Ba sáng chế quan trọng nhất trong tiêu chuẩn này là sự phát minh ra kỹ thuật thuần hóa lúa nước, kỹ thuật hàng hải và kỹ thuật xây dựng đô thị (18). Và theo cái chuẩn này thì những ngưới chủ nhân của Văn hóa Hòa Bình, như các mục trên đã đề cập, được hiểu là những người phát xuất từ Đông Nam Á, tổ tiên của người Bách Việt, đáng gọi là có nền văn minh cao nhất thời ấy, nghĩa là thời mà nhân loại mới bước từ đời sống mông muội sang đời sống văn minh.
Đó mới chỉ nói đến nền văn minh vật chất, chưa nói đến văn minh tinh thần. Khảo về văn minh tinh thần, về triết học tư tưởng của người cổ Việt, thì hiện tại, gần như chưa có ai nói tới một cách có hệ thống. Những tư tưởng Đông phương rất cao thâm như Nho, Lão, Phật . đều nói là hoặc của người Trung Hoa, hoặc của người Ần Độ, không có gì là của tổ tiên người Việt. Nhưng nếu đã khẳng định bằng di truyền học DNA, ngôn ngữ học, hải dương học, khảo cổ học, dân tộc học, tập tục truyền thống học... rằng người Hòa Bình, tức người Bách Việt ở Đông Nam Á đã có sớm nhất và là nguồn gốc của văn minh Đông phương thì cũng phải khẳng định tư tưởng đầu tiên, nền văn minh tinh thần đầu tiên của nhân loại Đông phương cũng do người Hòa Bình này khởi động. Điều này đến nay không có văn bản nào nói như vậy vì từ khi con người sáng chế được ra chữ viết đủ để ghi chép lại thành sách, người thuộc Đại tộc Bách Việt đã mất độc lập về tay người Hoa Hán, vì vậy những văn minh văn hóa của người Bách Việt, nếu có, (và chắc phải có), đều đã trở thành văn minh Trung Hoa. Nằm trong khung "văn minh" đó, tư tưởng của người Cổ Việt cũng đã được mang nhãn hiệu Trung Hoa cả. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều thứ như di vật khảo cổ, văn minh truyền khẩu, tập tục truyền thống . nếu biết "đọc" chúng, biết khai thác thì chúng sẽ cho ta biết nền văn hóa, văn minh tinh thần đó gốc gác nó từ đâu, nội dung chân chính của nó như thế nào. Nay chỉ nói về hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, nếu biết giải mã, ta sẽ thấy chúng thuộc một nền văn minh tinh thần rất cao, gần với văn minh hậu nguyên tử, văn minh lượng tử như điều Giáo sư F. Capra đã nói đến (19). Nhưng đó không phải là đối tượng của đề tài này. Nói như vậy chỉ để làm cơ sở để phát biểu rằng, trước khi tiếp xúc với người Hoa Hán, quả người Hòa Bình, tổ tiên chúng ta đã có một nền văn minh rất cao. Còn việc nghi ngờ văn minh này không chắc là "cao nhất", bằng cớ là đã bị người Hoa Hán đánh thua vì họ có kỹ thuật quân sự dựa trên văn minh đồ sắt cao hơn văn minh đồng thau của tổ tiên ta thì lại là một vấn đề khác. Nó không hề phủ định đã có thời tổ tiên ta có nền văn minh cao nhất.
III.
Bây giờ, chúng tôi muốn phát biểu vài điều về vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt. Phải nói ngay rằng đây là một vấn đề phức tạp, vì chúng ta vẫn còn thiếu thốn dữ kiện khoa học liên quan đến người Việt để phát biểu một cách khẳng định. Vì thế, người ta vẫn còn suy đoán, và có khi suy đoán thiếu cơ sở. Có thể nói hai giả thiết phổ thông liên quan đến vấn đề này: một là giả thiết [có lẽ chiếm đa số quần chúng] cho rằng người Việt có nguồn gốc từ người Trung Hoa; và giả thiết hai [có lẽ phần thiểu số] cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Mã Lai (tức là kết luận của Bình Nguyên Lộc). Chúng tôi cho rằng cả hai giả thiết này đều cần phải xét lại, bởi một lý do đơn giản: hai giả thiết đó thiếu dữ kiện khoa học làm cơ sở, và chưa được phản nghiệm.
Giả thiết về nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt phần lớn dựa vào các dữ kiện khảo cổ và ngôn ngữ. Những dữ kiện về đặc tính cơ thể và các chỉ số nhân trắc (như màu da, xương, sọ, khuôn mặt, v.v..) từng được dùng làm các đơn vị thông tin để nghiên cứu nguồn gốc dân tộc và sự tiến hóa của loài người. Nhưng các đặc tính này thay đổi theo thời gian, và chịu ảnh hưởng vào môi trường sinh sống. Chẳng hạn như chiều cao của con người trong vòng 200 năm qua đã tăng một cách đáng kể do những cải thiện về dinh dưỡng và môi trường sinh sống. Ngay cả cấu trúc xương cũng thay đổi theo thời gian và môi trường. Do đó các đặc tính nêu trên không phải là những thông tin lý tưởng cho việc nghiên cứu lịch sử di truyền của con người.
Những dữ kiện về ngôn ngữ cũng có nhiều khiếm khuyết, vì mức độ tương đương về từ ngữ không thể nói lên một cách đầy đủ khuynh hướng di cư của các sắc dân. Ngay cả việc xác định mức độ tương đồng từ ngữ giữa các ngôn ngữ cũng là một vấn đề mang tính kỹ thuật mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa đồng ý về phương pháp làm. Vả lại, sự tương đồng giữa các ngôn ngữ có thể là một hằng số mang tính văn hóa, chứ không hẳn do các cơ chế sinh học và di truyền. Nói tóm lại, những bằng chứng khảo cổ và ngôn ngữ không phải là những loại thông số đáng tin cậy để xác định nguồn gốc dân tộc.
Trong quá khứ, giới khảo cổ học và nhân chủng học dựa vào các bằng chứng về khảo cổ, xương, hóa thạch, v.v. để phát triển lý thuyết, nhưng những đối tượng này hàm chứa nhiều hạn chế thông tin về tiến hóa, vì mối quan hệ phức tạp giữa môi trường và tiến hóa. Hậu quả của sự tập trung vào các đối tượng như thế trong một thời gian dài đã làm cho chúng ta xao lãng các dữ kiện cho chúng ta nhiều thông tinhơn: đó là gien (20). Không giống như xương sọ, những thay đổi trong gien thường xảy ra theo những qui luật mà chúng ta hiểu khá rõ, và vì thế gien và các đặc điểm của gien, như tầng số gien, cấu trúc DNA, phân phối gien, v.v... cho chúng ta những thông tin cực kỳ quí giá về sự tiến hóa của con người. Ngày nay, những tiến bộ phi thường trong ngành di truyền học và sinh học phân tử (molecular biology) trong mấy năm gần đây đã cung cấp cho ngành nhân chủng học một phương tiện cực kỳ quan trọng trong việc xác định lịch sử tiến hóa của con người và mối liên hệ giữa các dân tộc. Giá trị của di truyền học trong việc truy tầm nguồn gốc dân tộc đã được đánh giá cao về mức độ tin cậy. Di truyền học là một cửa sổ để chúng ta nhìn lại quá khứ của chúng ta.
Tuy nhiên, những nghiên cứu về di truyền học trong người Việt còn cực kỳ khiêm tốn, nếu không muốn nói là không đáng kể. Trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, đã có một số bằng chứng, tuy gián tiếp, nhưng cũng đủ để chúng ta có lý do để xem xét lại lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt. Những bằng chứng này là:
• Trong một nghiên cứu trên 103 người ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu Việt - Pháp phân tích DNA trong hai gien (HLA-DR và DQB1), và so sánh kết quả này với các sắc dân thuộc châu Đại Dương (Oceania) và Đông Á. Sau khi ước tính khoảng cách di truyền (genetic distance) giữa các sắc dân, các nhà nghiên cứu kết luận rằng cấu trúc di truyền của hai gien này trong người Việt gần với người Thái và người Hoa. Các nhà nghiên cứu này kết luận rằng dữ kiện của họ phù hợp với giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ người Trung Hoa và Thái-Nam Dương (21). Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ phần phương pháp nghiên cứu, chúng tôi cho rằng kết luận này rất có thể không đúng, vì : (a) nghiên cứu này chỉ dựa vào hai gien mà thôi (con người có khoảng 35 đến 39 ngàn gien), và với những yếu điểm của mtDNA, các ước đoán về khoảng cách di truyền không ổn định; (b) ngay cả trong bài báo các nhà nghiên cứu không xây dựng được một cây di truyền nào, và cũng chẳng phân tích phát sinh chủng loại thì không thể phán đoán về chiều hướng di cư hay nguồn gốc dân tộc được.
• Khoảng hai năm sau, các nhà nghiên cứu này lại tiến hành một nghiên cứu khác trên 50 người cũng ở Hà Nội, và cũng qua dùng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) họ phân tích 6 "restriction enzymes", và ghi nhận khoảng cách di truyền (22) giữa người Việt và người Hoa rất thấp (chỉ 0.0022), nhưng giữa người Việt và Ần Độ thì tương đối cao hơn (0.0468), có nghĩa là quan hệ giữa giống người Việt và Hoa gần nhau hơn so với quan hệ Việt và Ần (23). Nghiên cứu nàycũng có những yếu điểm như nghiên cứu trình bày phần, tức là số lượng gien quá ít (trong trường hợp này chỉ có một gien), và tác giả cũng không tính toán mức độ biến thiên của chỉ số khoảng cách di truyền, nên không thể nào phát biểu khoảng cách giữa Việt - Hoa gần hơn khoảng cách giữa Việt - Ần. Thực ra, sau khi tính toán lại, chúng tôi thấy hai khoảng cách di truyền (Việt - Hoa và Việt - Ần) không có sự khác biệt đáng kể (non-significant)! Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên 5 gien trong nhiễm sắc thể Y trong hai nhóm dân: Bắc Á (Bắc Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và Mông Cổ), và Nam Á (Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái, và Việt Nam) cho thấy người Việt gần với các nhóm dân Bắc Á (nhất là Hàn Quốc) hơn là các nhóm dân Nam Á (24)! Chúng ta biết rằng, qua nghiên cứu của Giáo sư Chu (14), người Hoa phía Bắc Trung Quốc có cấu trúc di truyền khác với người Hoa phía Nam Trung Quốc. Do đó, phát hiện này quả rất khó giải thích. Càng khó giải thích hơn nữa khi phần lớn những người Việt trong nghiên cứu này là cư dân ở Hà Nội, tức gần miền Nam Trung Quốc.
• Trong một nghiên cứu dùng mtDNA, Ballinger và đồng nghiệp (24) ghi nhận rằng chỉ số biến thiên (trong di truyền học gọi là Fvalue) trong người Việt cao nhất trong các sắc dân vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, các tác giả kết luận một cách mơ hồ rằng các dữ kiện này cho thấy "người Á châu có nguồn gốc từ nhóm dân Nam Mông" (nguyên văn : "The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNA with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians") (25). Thực ra, các dữ kiện mà tác giả trình bày không cho phép họ kết luận như thế, bởi vì họ chỉ 7 nhóm dân Á châu mà thôi, và cũng chỉ nghiên cứu trên vài mẫu gien rất nhỏ. Nhưng qua số liệu của các nhà nghiên cứu này, chúng tôi có thể phát biểu rằng trong hai gien mà họ nghiên cứu, người Việt có lẽ là một sắc dân cổ nhất trong vùng Đông Nam Á.
• Năm 1998, Giáo sư Chu và đồng nghiệp (thuộc Trường Đại học Texas (14)) phân tích 15 đến 30 mẫu "vi vệ tinh" DNA (microsatellites) để thử nghiệm sự khác biệt di truyền trong 24 nhóm dân từ nhiều tỉnh khác nhau ở Trung Quốc, 4 nhóm dân vùng Đông Nam Á (hai thuộc thổ dân Mỹ, một thuộc thổ dân Úc châu, và một thuộc Tân Guinea), 4 nhóm dân da trắng (Caucasian), và 3 nhóm dân Phi châu. Bằng một phương pháp phân tích thống kê có tên là "phân tích phát sinh chủ?g loại" (Phylogenetic analysis)", một số kết quả đáng ghi nhận như sau:
(i) hai nhóm dân có sự khác biệt rõ ràng nhất là Phi châu và các dân không thuộc Phi châu;
(ii) tất cả các nhóm dân Đông Nam Á "tập hợp" thành một nhóm, và nhóm dân có đặc tính di truyền gần họ nhất là người thổ dân Mỹ châu, kế đến là thổ dân Úc châu, và Tân Guinea (Những kết quả này cũng phù hợp với thời gian định cư ở Úc châu (khoảng 60,000 đến 50,000 năm trước đây, và thời gian định cư ở Mỹ châu (từ 30,000 đến 15,000 năm trước đây);
(iii) các nhóm dân miền nam Trung Quốc phân phối thành ba nhóm, gọi là S1, S2, và S3 (ngoại trừ nhóm S2 là người Hán từ tỉnh Henan, phần còn lại (S1 và S3) gồm các sắc dân trong vùng Yunnan); và
(iv) các sắc dân miền bắc Trung Quốc phân phối thành hai nhóm, gọi là N1 và N2. Nhóm N1 gồm 6 sắc dân nói tiếng Altaic, một nhóm Hán tộc miền bắc từ tỉnh Yunnan. Nhóm N2 gồm 4 sắc tộc thiểu số có lịch sử sinh sống lâu đời ở miền bắc, trong đó có một sắc tộc từ tỉnh Ninxia [6].
Từ những phát hiện trên, chúng ta có thể đặt ra một số mô hình để giải thích, nhưng mô hình thích hợp với dữ kiện của Giáo sư Chu và đồng nghiệp là các dân tộc miền Bắc Á được tiến hóa từ các dân tộc Đông Nam Á châu. Các dữ kiện liên quan đến răng, sọ [26-27] cũng nhất quán với mô hình này. Do đó, Giáo sư Chu và đồng nghiệp kết luận rằng: "Tổ tiên của các nhóm dân Đông Á ngày nay có nguồn gốc từ Đông Nam Á."
• Nhưng nghiên cứu của Giáo sư Chu và đồng nghiệp có một điểm yếu, đó là họ dựa vào vi vệ tinh DNA, một chất liệu di truyền rất "nhạy" (sensitive) và dễ bị đột biến (mutation [28]). Để khắc phục nhược điểm này, một nhóm nghiên cứu khác đã tiến hành một nghiên cứu độc lập và qui mô hơn để xác định nguồn gốc Đông Nam Á của dân tộc Trung Hoa. Nhóm nghiên cứu Mỹ - Trung Quốc phân tích DNA trong nhiễm sắc thể Y [29] trong các nhóm dân Hán (thuộc 22 tỉnh của Trung Quốc), 3 nhóm dân Đông Bắc Á (Buryat, Đại Hàn, và Nhật Bản), 5 nhóm dân Đông Nam Á (Cambốt, Thái Lan, Mã Lai, Batak, và Java), và 12 nhóm dân ngoài Á châu (3 nhóm từ Phi châu, 3 từ Mỹ châu, 2 từ Ấu châu, và 4 từ châu Đại dương). Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng mức độ biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) trong các nhóm dân Đông Nam Á cao hơn trong các nhóm dân thuộc vùng Bắc Á. Điều này có nghĩa là các sắc dân ở Đông Nam Á có một quá trình định cư lâu dài hơn là các nhóm dân Bắc Á. Dùng các phương pháp phân tích di truyền quần thể (population genetics), các nhà nghiên cứu kết luận rằng con người thời đó đã di cư từ Phi châu sang đến Đông Nam Á [30] vào khoảng 60 ngàn năm về trước, và sau đó đã di chuyển lên phía Bắc Á (kể cả Trung Quốc ngày nay) và Siberia [29]. Ngoài ra, còn có bằng chứng di truyền cho thấy các nhóm dân Polynesians cũng có nguồn gốc từ Đông Nam Á [31].
Những dữ kiện di truyền học mà chúng tôi tóm lược trên đây tuy chưa hoàn toàn đầy đủ để chúng ta khẳng định nguồn gốc dân tộc Việt, nhưng đủ để chúng ta phát biểu rằng: xác suất mà người Việt có nguồn gốc [hay di dân] từ Trung Quốc là cực kỳ thấp, nếu không muốn nói là con số gần zêrô.
Bây giờ chúng tôi muốn nhân cơ hội này để bàn thêm vài điều chung quanh vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam. Theo Nguyễn Quang Trọng, dân Đài Loan ở trên núi, ít bị Hán hóa, có thể coi như nhóm dân tiêu biểu cho người nói tiếng Nam Đảo vì họ còn giữ được gien nguyên thủy và còn sống theo văn hóa cổ. Mặt khác, những cư dân sống ở vùng Phúc Kiến, Kim Môn, Quảng Đông, Bắc Việt có thể cũng cùng một gốc với dân cổ Đài Loan này, và quê hương của họ có thể là thềm lục địa chung quanh đã bị biển tràn ngập. Vì vậy, [tác giả viết] "tại sao không thể xem vùng thềm biển này, trước khi hồng thủy đến, là một trung tâm văn hóa lớn của dân nói tiếng Nam Đảo". Dữ kiện ông đưa ra để minh chứng cho thuyết này là chày đập vỏ cây cho mềm để làm khố che thân đã tìm được ở bờ biển Nam Trung Hoa từ Hồng Kong đến Bắc Việt. Về điểm này chúng tôi cũng đã từng đề nghị, ngoài vùng đất Sundaland, đồng bằng Nanhailand, châu thổ sông Hồng xưa, là trung tâm văn minh Đông Nam Á thời đó, cũng có thể là nguồn gốc của văn minh toàn cầu (32). Có điều chúng tôi không khẳng định đây là trung tâm văn hóa của dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian) vì chúng tôi nghĩ, cũng như W. Solheim II, dân thời đó còn nói chung tiếng Austric chưa chia hai Nam Đảo và Nam Á.
Về quá trình tiến triển dân tộc Việt, Tác giả Nguyễn Quang Trọng đưa ra vài đề nghị rất đáng bàn thêm, mà theo cách hiểu của chúng tôi, như sau :
Bước 1: Người cổ thiên di từ Phi Châu đến Đông Nam Á, khi gặp biển Đông ngăn chặn, họ chia theo hai hướng : một lên phía Bắc đến sống ở miền Nam Trung Hoa, và càng ngày càng tiến về Bắc đến tận Mông Cổ; một đi về phía Nam đến thềm Sunda, khi đó còn nối liền lục địa với các đảo phía Nam, đến tận Úc Châu. Tất cả đều là người chủng tộc Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to...)
Bước 2: Lớp di dân lên phía Bắc Đông Á, đổi dần nhân dạng vì môi trường lạnh, gió, ít nắng. Khoảng 15.000 năm trước giống này lai với chủng Altaic thiên di từ Tây Á đến đổi thành chủng Bắc Mongoloid (da trắng vàng, mắt hí, tóc thẳng ...)
Bước 3: Chủng Bắc Mongoloid này bành trướng về phía Nam lai với chủng Australoid vào khoảng giữa đất Trung Hoa (nay) để tạo thành chủng Nam Mongoloid (da ngăm đen, tóc gợn sóng ...) Theo tác giả, chủng lai Nam Mongoloid này chính là tổ tiên của người Cổ Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, cả những người ở hải đảo Thái Bình Dương.
Bước 4: Xin trích nguyên văn của tác giả: "Trên đất Việt Nam, vào thời đồ đá, cư dân thuộc chủng Australoid ban đầu nói cùng tiếng gốc Austric, dần dần phân thành hai nhóm dân nói tiếng khác nhau theo vùng họ ở, vì cách sinh sống khác nhau. Nhóm nói tiếng tiền Nam Á sống phía trong lục địa, trú trong hang động vùng cao (văn hóa Hòa Bình). Nhóm thứ hai nói tiếng tiền Nam Đảo, sống vùng đồng bằng ven biển, vào lúc ấy mức biển thấp, vùng này lan ra xa ngoài đường biển hiện tại trên vịnh Bắc Việt do thềm lục lài thoai thoải. Tại vùng vịnh Bắc Việt, dọc từ bờ biển Móng Cái tới Quảng Ngãi qua đến đảo Hải Nam", và ông kết luận : "Trong chừng mực nào đó, vùng vịnh Bắc Việt, kể cả (đảo) Hải Nam có thể xem là lãnh thổ của một phần tổ tiên người Việt, thuộc thành phần nói tiếng Nam Đảo, từ 15 ngàn năm trước ! Văn hóa Hạ Long và các văn hóa tiền Nam Đảo khác sau đó đã góp phần quan trọng vào sự hình thành văn hóa và con người Việt Nam".
Bước 5: Bắt đầu từ thời đá mới, dân nói tiếng Nam Á trong đất liền và dân nói tiếng Nam Đảo dọc bờ biển đều tăng nhanh nên cùng tràn về châu thổ các sông. Sự hợp chủng của hai sắc dân này có lẽ xẩy ra khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Và tác giả đặt câu hỏi phải chăng sự gặp gỡ này đưa đến truyền thuyết Lạc Long Quân Nam Đảo từ phía biển lên và Ấu Cơ Nam Á từ vùng núi xuống, và đi đến kết luận : "Như vậy Tiên Ấu Cơ Nam Á và Rồng Lạc Long Quân Nam Đảo là tổ tiên Lạc Việt lẫn Bách Việt (phía Nam Trường Giang), và những Viêm Đế, Thần Nông của huyền thoại Hán xa xưa, nếu có, có lẽ không dính dáng đến tổ tiên tộc Việt". Cũng theo tác giả: "Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn tạo thành một văn hóa chung cho cư dân bản địa".
Bước 6: Cũng xin trích nguyên văn : "Như đã nói ở trên, cuộc sống chung này tương đối hòa bình vì các di tích khai quật cho thấy tại Đồng Đậu, cư dân ?đột nhiên? biết chế tạo vũ khí. Để tự vệ ? Để giải quyết những tranh chấp về quyền lợi và ảnh hưởng ? Từ đó đưa đến những khủng hoảng mất mát chia lìa (năm mươi con theo cha, năm mươi con theo mẹ ?) hoặc đến lúc suy vi sau thời kỳ sung mãn". Và để kết luận, ông cho rằng người dân Việt đã lai nhiều suốt thời tiền sử và trong thời Hoa thuộc, nhưng văn hóa Việt thành hình từ văn hóa bản địa của những tộc nói tiếng tiền Nam Á trong lục địa và tiền Nam Đảo vùng thềm lục địa nên giữ được độc lập quốc gia trong khi toàn vùng Trường Giang đều bị Hán hóa.
Trong những giai đoạn này, ba giai đoạn sau có nhiều điều khó hiểu cần bàn lại, nhiều chỗ hình như chưa được thống nhất, và về thời gian hình như có nhiều chỗ chồng chéo. Có điểm chúng tôi đồng ý (ba giai đoạn đầu), và cũng đã từng chủ trương như vậy, nhưng cũng có điểm chúng tôi không đồng ý.
Nguyễn Quang Trọng giả thiết người Đông Nam Á đi ra hải đảo Thái Bình Dương hay lên phía Bắc đều thuộc chủng Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to), rồi vì sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng ở miền Bắc, họ biến đổi nhân dạng với chủng Altaic mà dần dần thành chủng Bắc Mongoloid (tóc thẳng, mắt hí, da vàng trắng). Chủng Bắc Mongoloid này khi bành trướng về phương Nam một lần nữa lại lai với chủng Australoid đã sống trước ở đó mà tác giả gọi là giữa đất Trung Hoa, để thành người Nam Mongoloid (da ngăm đen, tóc dợn sóng ...). Theo tác giả, đây là tổ tiên của người Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, cả những người ở hải đảo Thái Bình Dương. Điều này cũng tương đồng với một giả thiết mà các nhà nghiên cứu về nguồn gốc người Trung Hoa đã tranh cãi nhau về ba mô hình (33):
• Mô hình 1: Giả thiết người Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống pha trộn với dân bản địa mà hình thành.
• Mô hình 2: Ngược lại, giả thiết người Bắc Trung Hoa là hậu duệ của người phương Nam.
• Mô hình 3: Dân cư ở cả hai miền tiến hóa và phát triển độc lập.
Như đã thấy, Nguyễn Quang Trọng theo mô hình 1. Mô hình này có ưu điểm là nó có vẻ phù hợp với bản đồ ngôn ngữ ở Trung Quốc, đã một thời được nhiều nhà ngôn ngữ học công nhận. Chúng tôi sẽkhông đi vào chi tiết bởi nó rất phức tạp mà cũng không cần thiết. Nhưng qua phân tích DNA của nhóm Giáo sư Chu (mà chúng tôi đề cập trên đây), mô hình này không còn thích hợp nữa. Nói một cách khác, các dữ kiện di truyền học cho thấy tổ tiên của những người nói tiếng Altaic từ Đông Á đã di cư vào Á châu từ ngã Đông Nam chứ không phải từ ngả Trung Á (14). Nghiên cứu của các nhà nhân chủng học uy tín khác Lugi Luca Cavallli-Sforza (Đại học Stanford), Li Yin (Đại học Stanford và nhiều học giả khác cũng nhất quán với mô hình này (34).
Liên quan đến sự khác biệt về đặc tính cơ thể (người hải đảo da sậm, tóc quăn, trong khi người sống trong lục địa có da vàng, tóc đen, không quăn), chúng tôi thấy có vài điều cần thảo luận như sau:
Thứ nhất, không có gì chứng minh được người Australoid da đen, tóc quăn, mũi to đã lên phía Bắc đến tận Mông Cổ ngày nay. Nếu tại đất nay thuộc lãnh thổ Bắc phần Việt Nam, trong 70 xương sọ mà ta sưu tầm được cho đến ngày nay, 38 xương sọ thuộc thời Đồ Đá (cũng không xác định được niên đại rõ ràng), phần lớn do học giả Pháp tìm ra trước 1945 (29 sọ trên 38 cái) cho là thuộc chủng Australoid, Indonesian, Malanesian Ẫ và 32 sọ, đa số do học giả Việt tìm thuộc thời Đồng Sắt ngược lại, phần lớn là chủng Mongoloid vào những năm chưa có sự chứng minh ngược lại của di truyền học, đã một thời là nguyên nhân cho thuyết nguồn gốc người Việt tại đất liền là do cư dân hải đảo Thái Bình Dương di cư vào (35).
Chúng ta không thấy bảng xương sọ tương tự như ở Trung Quốc. Những xương cốt thường được nói đến nhiều nhất và được coi là tổ tiên của người Trung Hoa là 3 bộ xương do J. Anderson tìm được ở Chu Khẩu Điếm (Chou-Kon-Tien). Thời đó, vì thiếu những phương tiện khoa học đo đạc chính xác nên có người đã cho xương này là tổ tiên của người Hoa có từ rất xa xưa! Sau này nhờ có phương tiện định tuổi bằng C14, Noel Bernard đã chứng minh được niên đại của xương đó chỉ là 16.922 năm trước CN (2k - 136-0; Bernard 1980) (36). Cũng có người chứng minh được đó chẳng phải là xương của một gia đình vì ở ba tầng lớp khác nhau trong hang (Weiderich, 1939), lại thuộc ba chủng khác nhau và chẳng liên hệ gì đến người Trung Hoa hiện nay cả (Wu, 1961) (27). Sở dĩ có hiện tượng đó vì phương pháp cổ điển để tìm chủng tộc và niên đại của các sọ thời trước chỉ là phương pháp so sánh (so cái chưa biết với mẫu đã biết gốc tích). Trong trường hợp đó, giá trị của các kết luận rất tương đối. Xương cốt cổ đào được nhiều nhất ở Yang-Shao là xương thuộc chủng Nam Mongoloid, giống với người Hoa hiện đại mà cũng giống cả với người Việt và các chủng Đông Nam Á khác. Vậy lấy gì để khẳng định người Australoid da đen, tóc quăn, mũi to đã di cư đến tận cực Bắc Trung Hoa ngày nay ?
Thứ hai, giả thiết người Australoid đến Bắc Đông Á, rồi vì sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng nên dần dần thay đổi nhân dạng là cho con người thay đổi hình dạng chỉ do yếu tố môi sinh ngoại tại. Thực sự, muốn có sự thay đổi hình dạng phải có sự đột biến di truyền (28). Đó là một sự kiện sinh học xẩy ra trong tế bào, do sự tương tác giữa môi trường và sinh học. Giả thiết rằng người Australoid lai với người Altaic (các dân tiêu biểu là Buryat, Yakut, Uyghur, Mãn Châu, Hán, Đại Hàn, Nhật) thì lại càng khó hiểu vì người Altaic, theo di truyền học đã chứng minh cũng do người Đông Nam Á di lên chứ không phải từ Trung Á đi lại như trên vừa trình bầy. Có thể họ lai với một sắc dân đến muộn hơn từ Trung Á và Ấu Châu, như sẽ nói rõ hơn ở sau, nhưng đó là chuyện xẩy ra về sau khi băng hà lần cuối cùng đã tan.
Thứ ba, chủng Bắc Mongoloid vì nhu cầu bành trướng, tràn xuống phương Nam, gặp chủng Australoid đã cư ngụ sẵn nơi đây, lai giống mà thành người Nam Mongoloid. Đây là tổ tiên của chủng Bách Việt. Ý kiến này rất mới, chỉ tiếc tác giả đã không đưa dữ kiện chứng minh để có thể kiểm nghiệm lại một cách khoa học. Mặt khác, những dữ kiện khoa học có được đến ngày hôm nay hình như không hỗ trợ cho giả thiết của tác giả. Về phương diện di truyền học, phân tích di truyền của Giáo sư J. Y. Chu và đồng nghiệp, cộng với nhiều phân tích DNA gần đây như trên vừa trình bầy, đã cho thấy ngược lại phát biểu của Nguyễn Quang Trọng rằng người Nam Mongoloid đã từ Đông Nam Á, phía Nam Trung Hoa, bành trướng lên phía Bắc. Nói rõ hơn, người Hoa Bắc là hậu duệ của người Hoa Nam. Cây hệ di truyền từ cuộc nghiên cứu của Giáo sư Chu cũng cho thấy đã không có sự hợp chủng giữa dân Hoa Nam (Nam Mongoloid) với dân Altaic. Chỉ có sự hợp chủng giữa dân Altaic với các dân cư đến muộn hơn từ Trung Á và Ấu Châu, sau thời băng hà cuối cùng (15.000 trở lại đây). Về phương diện khảo cổ học, hầu hết xương cốt tìm thấy được ở văn hóa Ngưỡng Thiều đều thuộc chủng Nam Mongoloid, giống người Trung Hoa hiện đại, cũng giống với những người hiện đại tại các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt ở Việt Nam. Không thấy dấu hiệu hợp chủng có tính toàn diện giữa Bắc Mongoloid và Australoid như Nguyễn Quang Trọng phát biểu.
Nói tóm lại, qua các dữ kiện di truyền học gần đây, tuy còn hạn chế (vì những nghiên cứu về di truyền học trong vùng Đông Nam Á, nhất là với người Việt, còn ít), nhưng chúng tôi thấy có thể phát biểu rằng người hắc chủng từ Phi Châu di cư đến Đông Nam Á lục địa, khi tiếp cận biển Đông, thì một phần đi thẳng ra các hải đảo Thái Bình Dương và Úc Châu, lúc đó vẫn còn là hắc chủng; phần khác trụ lại tại Đông Nam Á, ở địa điểm đâu đó, có thể là lưu vực con sông nay mang tên sông Hồng, vì may đã hội đủ cơ duyên nên có đột biến di truyền, và do đó, từ giống hắc chủng (da ngăm, tóc xoăn) đã biến đổi thành giống hoàng chủng (da vàng, tóc đen, sợi thẳng). Từ đó, họ mới bắt đầu di chuyển lên hướng Bắc, nay là đất Trung Hoa. Giả thiết của chúng tôi dựa trên ba cơ sở như sau :
Một, mực nước biển lên xuống. Trước thập niên 60 thế kỷ trước, người ta chỉ biết có độ 5 thời kỳ bằng hà (nước biển xuống), gián băng (nước biển tăng), nhưng ngày người ta đã biết được có đến 20 kỳ trong khoảng 2 triệu năm qua. Riêng trong hậu kỳ Pleistocène khoảng từ 125.000 năm đến 10.000 năm trước ngày nay, nghĩa là khi loài người Hiện Đại (Homo Sapiens Sapiens) đã xuất hiện thì mực nước biển ở Đông Nam Á cũng đã 5 lần lên xuống. Những lần xuống đó là vào khoảng 115.000 năm, 90.000 năm, 55.000 năm, 35.000 năm và lần cuối cùng 18.000 năm cách ngày nay (37). Ở 90.000 năm trước khi nước biển xuống thì người Hiện Đại chưa đến vùng Đông Nam Á. Họ đến khoảng 60.000 năm trước đây, vậy khi nước biển xuống khoảng 55.000 năm trước, chính là lúc người Hiện Đại Đông Nam Á đất liền bắt đầu thiên di ra các hải đảo Nam Thái Bình Dương, vì lúc đó nước biển cạn dần, đã nổi lên những triền đất nối liền với đại lục. Vậy gần như người Hiện Đại từ Đông Phi Châu thiên di đến Đông Nam Á đã có dịp tiến thẳng ra hải đảo vì khí hậu thích hợp và vì thuận đường lui tới. Lúc đó họ vẫn còn thuộc dân hắc chủng. Khảo cổ học đã có dấu tích của người Hiện Đại ở Úc Châu, khoảng 50.000 năm trước đây, ở New Guinéa 40.000 năm .
Hai, điều kiện môi trường và khí hậu. Người Hiện Đại Đông Phi tiến được ra hải đảo Thái Bình Dương nhưng lại chưa thể tiến ngay lên phía Bắc vì lúc đó miền Bắc đang trong thời băng hà. Không khí chỉ ấm dần từ 40.000 năm trước cho đến 21.000 năm trước lại bắt đầu thời kỳ băng hà cuối cùng thường gọi là băng hà Wurm. Sau lần băng hà cuối cùng này, không khí ấm lại dần cho đến nay khoảng từ 15.000 năm trước (34). Chính trong thời kỳ ấm lại giữa hai khoảng băng hà (- 400.000 đến - 21.000 năm) người Hiện Đại đã tiến lên phía Bắc là đất Trung Hoa ngày nay. Khảo cổ học cho thấy dấu tích của họ ở đại lục khoảng 35.000 năm trước, ở Đài Loan khoảng - 30.000, họ vượt eo biển Beringa khoảng - 30.000 (lúc đó nước biển xuống như trước lần biển xuống cuối cùng nên eo biển đã thành một giải đất liền). Ta thấy dấu tích người Hiện Đại ở bờ biển Tây Mỹ Châu khoảng - 30.000. Họ là tổ tiên của văn hóa Maya, còn dấu vết ở Nam Mỹ ngày nay (38). Tất cả những điều trên đã được khoa di truyền hiện đại ngày nay xác định là đúng : người da đỏ ở Mỹ Châu, người thổ dân ở Úc Châu có yếu tố di truyền giống với người Đông Nam Á, và Đông Á (đều thuộc chủng Nam Mongoloid) và khác với người Bắc Á (thuộc Bắc Mongoloid).
Ba, hội đủ tính đột biến di truyền. Về điểm này, còn cần thêm nhiều phân tích, nhiều chứng cớ, mới có thể trở thành một giả thuyết có tính khoa học. Tuy nhiên, khảo cổ học đã chứng minh được những người thiên di lên phía Bắc, cả những người sang Mỹ Châu, không còn hay còn rất ít yếu tố hắc chủng. Không thể kết luận họ lên phía Bắc vì lạnh, vì ánh sáng mặt trời hay nhiều gió mà biến đổi đi như vậy (như từ da đen, tóc xoăn thành da vàng hay trắng, tóc thẳng, mũi nhọn), dù không ai phủ nhận môi trường bên ngoài có làm thay đổi hình dạng con người. Nhưng để thay đổi cả hình dáng, màu da, râu tóc một cách triệt để như da đang đen trở thành trắng hay vàng, tóc đang quăn trở thành thẳng, mắt đang nâu trở thành xanh . thì phải có sự thay đổi nhiễm sắc thể DNA trong gien mà giới di truyền học gọi là có sự đột biến di truyền. Sinh học phân tử cho chúng ta biết rằng đột biến di truyền là một quá trình chậm, do nhiều yếu tố (trong đó có yếu tố môi trường, như tia sáng mặt trời, và tiến hóa) gây nên. Đột biến DNA dẫn đến nhiều thay đổi (và bệnh tật), trong đó có cả những thay đổi về hình dáng cơ thể như tóc, tai, da, mắt.
Tác giả Nguyễn Quang Trọng cho rằng vào thời kỳ Đồ Đá (không minh định đá cũ, đá giữa hay đá mới) dân Cổ Việt lúc ấy thuộc chủng Australoid nói tiếng Austric vì cách sinh sống khác nhau, dần dần phân chia thành hai nhóm: nhóm nói tiếng Nam Á (Austro-Asiatic) sống trên đất liền và nhóm nói tiếng Nam Đảo (Austranesia) sống ở vùng đồng bằng ven biển. Bắt đầu thời đá mới, trước là vì nhu cầu dân số gia tăng, sau vì biển tiến, hai tộc đã phân chia, lại cùng tìm về đồng bằng các sông nay thuộc Bắc Việt, sống đan xen với nhau và kết hợp lại với nhau. Tác giả đã ví sự kết hợp này, mà ông gọi là kết hợp yếu tố văn hóa Biển - Lục Địa, với chuyện Ấu Cơ kết hợp với Lạc Long Quân, một cuộc kết hợp êm thắm vì là kết hợp giữa hai tộc người vốn cùng một chủng tộc và một ngôn ngữ. Chuyện đó xẩy ra vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay và ông kết luận "Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn (850 trước CN đến 280 sau CN), tạo thành một văn hóa chung cho cư dân bản địa". Về điểm này, chúng tôi xin được nhắc lại quan điểm của chúng tôi đã phát biểu trước đây.
Thứ nhất, vào thời điểm trước khi có nạn Đại hồng thủy cuối cùng (từ 18.000 năm trước, nước biển bắt đầu dâng mỗi năm 1cm, đến 8.000 năm trước nước biển đột ngột dâng cao nhận chìm toàn bộ đồng bằng Nanhailand đến tận Việt Trì ngày nay), dân cư đồng bằng Nanhailand còn thống nhất, nói tiếng Austric chứ chưa chia làm hai Austronesian và Austro-Asiatic.
Thứ hai, vào lúc này (từ 18.000 năm đến khoảng 50.000 năm trước) chắc đã có sự đột biến di truyền, và người nói tiếng Austric ấy chắc đã là da vàng, tóc thẳng mà khảo cổ học gọi là Nam Mongoloid, chứ không còn da đen, tóc quăn, mũi rộng thuộc Hắc chủng, mà khảo cổ học gọi là Australoid. Sự đột biến di truyền xẩy ra vào thời điểm nào thì còn cần có thêm những cuộc sưu khảo, nhất là những thí nghiệm về di truyền học DNA mới có thể khẳng định được.
Thứ ba, khi nước biển dâng, chia Đông Nam Á ra thành Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á đất liền thì lúc đó người nói tiếng Austric cũng bắt đầu chia hai : phần ở hải đảo và ven biển nói tiếng Austronesian và phần ở sâu trong lục địa nói tiếng Austro-Asiatic.
Thứ tư, chỉ khi nước biển bắt đầu rút (khoảng 5.500 năm cách ngày nay), trả dần lại đồng bằng sông Hồng mới thì người đã di tản đi nơi khác vì nạn Đại hồng thủy nay mới đổ về tái htiết đồng bằng này, và đó cũng là thời kỳ dựng nước Văn Lang. Lạc Long Quân Nam Đảo và Ấu Cơ Nam Á kết hợp với nhau vào lúc này. Và đây là điểm khác biệt giữa chúng tôi với tác giả. Lạc Long Quân gặp Ấu Cơ khoảng từ 5.500 năm trước, từ lúc nước biển bắt đầu lui chứ không phải vào 4.000 năm trước đây khi biển tiến. Nhưng tại sao Lạc Long Quân và Ấu Cơ lại chia lìa, người đem 50 con lên núi, người đem 50 con xuống biển? Sự chia lìa đó xẩy ra vào lúc nào? Truyền thuyết chỉ nhắc lại lời Lạc Long Quân: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, ở lâu với nhau không được, nay phải chia ly". Dù có nói thêm một câu: "Hữu sự bảo cho nhau biết, đừng quên". Cái thông điệp mà truyền thuyết đómuốn gửi đi, qua câu nói của Lạc Long Quân, vẫn còn là một bí ẩn.
Nói tóm lại, về vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam, đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề với giả thiết Bắc xuống Nam, và nghiêm túc thử nghiệm giả thiết Nam lên Bắc. Thực ra, chúng ta cũng chẳng còn quyền lựa chọn nào khác vì khoa học, nhất là khoa di truyền học, đã lựa chọn dùm chúng ta: Khởi thủy, người Hiện Đại (Homo Sapiens - Sapiens) từ Đông Phi đến Đông Nam Á; rồi từ đó họ tiến lên phía Bắc. Sau vì có sự phối hợp với chủng từ Tây Bắc xuống, họ hợp thành cái cốt lõi của dân sống ở Trung Quốc ngày nay. Đó là giai đoạn Nam lên Bắc. Giai đoạn này khoảng từ sau 40.000 năm cách ngày nay cho đến 3.000 năm cách ngày nay thì Trung Hoa bắt đầu có loạn Xuân Thu Chiến Quốc. Đến khi nhà Tần thống nhất lục quốc, nhất là từ khi nhà Hán cai trị Trung nguyên, những dân thuộc Đại tộc Bách Việt ở các nước lưu vực sông Dương Tử xuôi về Nam, không chịu sự đồng hóa của người Hoa Hán đã di dần về phương Nam. Một số những người thuộc nhóm này đã sát nhập với dân Lạc Việt. Giai đoạn này kéo dài cũng cả ngàn năm, nhưng những thiên di từ đời Tần đến đời Đông Hán (khoảng 300 năm trước CN đến 100 năm sau CN) có lẽ là quan trọng hơn cả. Chúng tôi tin rằng đó là một phần của kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo và chú thích:
1. Nguyễn Khắc Ngữ, "Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam", Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Montréal: 1985; Bình Nguyên Lộc, "Nguồn gốc Mã Lai của Dân tộc Việt Nam", Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn: 1971.
2. Gần đây mới thấy có "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của Trần Ngọc Thêm - Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, tháng 3/2001.
3. Đọc "Một số vấn đề lý luận về Lịch sử Tư tưởng Việt Nam", sách lưu hành nội bộ, Hà Nội: 1984 - Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Triết học xuất bản.
4. Phạm Huy Thông, "Năm mươi năm tìm hiểu văn hóa Hòa Bình", Khảo cổ học, số 1 & 2/1984.
5. W. G. Solheim II, "Thắp sáng lại quá khứ bị lãng quên", Tạp chí National Geographic số tháng 3/1971, bản dịch của Hoài Văn Tử & Vĩnh Như, trong Tập San TƯ TƯỞNG số 2, tháng 4/1999.
6. W. G. Solheim II - Bài đã dẫn [5].
7. Ngô Thế Phong ,"Dấu vết văn hóa Hòa Bình ở Đông Nam Á", Khảo cổ học, số 1 & 2/1984. Chữ Phức hợp Kỹ thuật Hòa Bình (Techno-complex) là đề nghị của C. F. Gorman, học trò của W. G. Solheim II. Xem thêm "The Hoabinhnian and after : subsistence pattern in S.A. during the Latest Pleistocene and Early Recent periods" - Word Archaeology 2: 300-320, 171; "Hoabinhnian: A pebble-teal complex with Early Plant association in S.A.", Science, CL XIII No.3868, 14 Feb 1969.
8. Higham C, "The Bronze Age of Southeast Asia", Cambridge University Press, 1966.
9. R. H. Geldern, "Research on Southeast Asia : Problems and Suggestions", American Anthropologist, No.4, New York, 1996.
10. David N. Keightly (biên tập), "The Origins of Chinese Civilization", University of California Press, Berkeley, Los Angeles: 1983.
11. Li Chi, "The Beginnings of Chinese Civilization", Seattle: 1957.
12. I. R. Solin Khanov, 1979 : 37. Theo Trịnh Sinh, "Những hiện vật đồng đỏ trong văn hóa Đông Sơn", Khảo cổ học số 1/1992; "Nhận dạng trống giả cổ", Khảo cổ học, số 4/1997. Đọc thêm "The Cradle of the East" của Ping-Ting- Ho, phần Appendix I", "Excavation at Non Nok Tha, Northeastern Thailand, 1968", Interim Report, Asia Perapective XIII (1970), p.139; "Early Bronze in Northern Thailand", 1968 của W.G. Solheim II.; "Further Evidence to Support the Hypothesis of Indigenous Origins of Metallurgy in Ancient China" do Noel Barnard đọc trong Hội nghị Berkeley 1978 và in trong The Origins of Chinese Civilization - University of California Press, 1980.
13. "It will use the big rivers as language conduct, but the direction of dipersal is the exact reverse of the Himalaya centrifugal radiation hypothesis" - "Linguistic Diversity in Space and Time" - Johana Nicols, trích theo Eden in the East, trang 138-139.
14. J. Y. Chu và đồng nghiệp, "Genetic relationship of populations in China", Proc. Natl. Acad. Sci, USA 95, 11763-11768, 1998.
15. Cung Đình Thanh, "Gốm cổ tại Việt Nam và vai trò của nó trong văn hóa tiền sử", Tập San TƯ TƯỞNG số 12 tháng 2/2001.
16. Đọc "The Origins and Early Cultures of The Cereal Grains and Food Legumes" của Te-Tzu Chang, Chương 3 trong "The Origins of Chinese Civilization" - sđd [10].
17. Cung Đình Thanh, "Khái niệm về biển tiến ở Việt Nam" và bài "Sự thuần hóa cây lúa nước và ảnh hưởng của nó đối với tư duy người Việt Cổ", Tập San TƯ TƯỞNG số 3, tháng 7/1999.
18. Trích Eden in the East (trang 70-71) của Stephen Oppenheimer: "The prime "home" the most likely of rice - where climatically, the least manipulation is required to grow it - are in tropical Indo-China down to the Malay border Burma Bangladesh and the extreme South coast of China" - Peter Bellwood - "The Prehistory of Southeast Asia and Oceania" - Collins, Auckland, 1978; "Rice, though, was clearly pivotal t the Neolithic stay-athome mainland Indo-China from a very early stage, that is, if the Sakai cave findings are confirmed we now have a strange new image : Instead of the sinocentric model with the Chinese inventing rice cultivation, we have Austro- Asiatic speaking "Southern Barbarians" from Indo-China teaching the knowhow about rice to the Chinese".
19. Fritjof Capra, "The Tao of Physics", Fontana Paperbacks, London, 1983.
20. Con người được cấu tạo bằng nhiều tỷ tế bào. Tất cả các tế bào đều có cấu trúc giống nhau: trong mỗi tế bào đều có một cái nhân (nucleus) nằm chính giữa. Cái nhân này có chứa những chất liệu di truyền mà ta thường gọi là DNA (viết tắc từ chữ deoxyribonucleic acid). Mỗi nhân thường có hàng triệu DNA. DNA gồm có bốn mẫu tự (yếu tố hóa học): A (adeline), C (cytosine), G (guanine), và T (thymine). Một mảng DNA tạo thành một gien. Và nhiều gien tạo thành một bộ di truyền hay nhiễm sắc thể, còn gọi là chromosome. Con người có 23 nhiễm sắc thể.
21. A. Vu-Trieu và đồng nghiệp, "HLA-DR and DQB1 DNA polymorphisms in a Vietnamese Kinh population in Ha Noi", Tập san European Journal of Immunogenetics, năm 1997, bộ 24, trang 345-356.
22. Khoảng cách di truyền (hay còn gọi là genetic distance) là một thông số di truyền học đo lường mức độ khác nhau giữa các nhóm dân. Chỉ số này có giá trị tối thiểu là 0 (tức hai nhóm dân giống nhau về mặt di truyền), và giá trị tối đa là 1 (tức hai nhóm dân hoàn toàn khác nhau).
23. R. Ivanova và đồng nghiệp, "Mitochondrial DNA polymorphism in the Vietnamese population", Tập san European Journal of Immunogenetics, năm 1999, bộ 26, trang 417-422.
24. W. Kim và đồng nghiệp, "Y chromosomal DNA variation in East Asian populations and its potential for inferring the peopling of Korea", Tập san Journal of Human Genetics, năm 2000; bộ 45, trang 76-83.
25. S. W. Ballinger và đồng nghiệp, "Southeast Asian mitochondrialDNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration," Tập san Genetics, năm 1992, bộ 130, trang 139-45.
26. C. G. Turner, "Major features of Sundadonty and Sinodonty, including suggestions about East Asian microevolution, population history, and late Pleistocene relationships with Australian aboriginals", Tập san American Journal of Physical Anthropology, năm 1990; bộ 82, trang 295-317.
27. T. Hanihara, "Population prehistory of east Asia and the Pacific as viewed from craniofacial morphology: the basic populations in east Asia, VII", American Journal of Physical Anthropology, năm 1993, bộ 91, trang 173-87.
28. Đột biến (mutation) là một sự kiện sinh học xảy ra ở trong tế bào. Gien được cấu trúc bằng một chuỗi DNA gồm 4 mẫu tự A, G, C, T. Khi một chuỗi DNA bị thay đổi, tức đột biến (chẳng hạn như từ GCAATGGCCC thành GCAACGGCCC) thì các đặc tính sinh học liên quan đến gien, chẳng hạn như mật độ xương, có thể bị thay đổi.
29. Bing Su và đồng nghiệp, "Y-chromosome evidence for a northward mi-gration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age," American Journal of Human Genetics, năm 1999, bộ 65, trang 1718-1724.
30. Yuehai Ke và đồng nghiệp, "African origin of modern humans in East Asia: a tale of 12000 Y chromosomes," Science, năm 2001, bộ 292, trang 1151-1153.
31. Bing Su và đồng nghiệp, "Polynesian origins: insights from the Y chromosome," Tập san Proceedings of the National Academy of Science (USA), năm 2000, bộ 97, trang 8225-8228.
32. Xin đọc bài "Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang", Tập San TƯ TƯỞNG số 13, tháng 4/2001, trg 7.
33. Alberto Piazza, "Human evolution: towards a genetic history of China", Nature, Vol. 395, No. 6703, 1998.
34. Li Yin và đồng nghiệp, "Distribution of halstypes from a chromosome 21 region distinguishes multiple prehistoric human migrations", Proc. Natl. Acad. Sci. USA, Vol. 96, pp. 3796-3800, 1999.
35. Kwang-Chih-Chang, "The Archaeology of Ancient China", New Haven, Conn: 1968.
36. Barnard Noel, "Radiocarbon Dates and Their Significance in the Chinese Archaeological Scene: A list of 420 Entries from Chinese", Sources Published up to Close of 1979, Canberra.
37. Hà Văn Tấn dẫn theo Chapell (1987 - 83), "Năm lần nước biển lên xuống ở Đông Nam Á thời hậu kỳ Pleistocène", Khảo cổ học, số 1/1992; và "Sự biến chuyển từ Pleistocène đến Holocène ở Đông Nam Á" cũng cùng số. Cũng có thể xem thêm Tập San TƯ TƯỞNG các số 2, 3, 4, 7, 12, 13, 18.
38. Dẫn theo "The Cambridge Encyclopedia of Human Revolution", Cambridge University Press.
Trích nhanvan.com