Quen biết Chinh Văn đã lâu, nếu có ai hỏi điều gì đọng lại trong tôi về người bạn hiền hòa này? Thú thật, tôi không thể trả lời ngay được. Chinh Văn thuộc loại nếu ta chưa hiểu rõ về anh, không nên vội vã nhận xét. Thậm chí, tôi có cảm giác nếu đặt câu hỏi trên với chính Chinh Văn, có lẽ anh cũng phải cân nhắc chẳng kém gì tôi. Mặc dù thế, một cách chân tình, hình ảnh một Chinh Văn thỏ thẻ lý sự tạo cho tôi một cảm giác an lành. Mặc dù cuộc đời của anh như tôi được biết, đáng để nổi giận, đáng để uất hận. Cuộc đời trao cho ta bao nhiêu thú vui, cũng trao cho ta bao nhiêu phiền lụy. Phải tự biết quân bình để sống. Phải chăng Chinh Văn đã đạt được sự an hằng sau những mất mát anh phải gánh chịu.
Trên đây tôi vừa phác họa về một Chinh Văn quen biết. Thế còn một Chinh Văn thi sĩ? Đây là một vấn đề tế nhị và rất nhạy cảm. Một cách khái quát, chúng ta làm thơ hay, chưa hay, hoặc dở. Thành công hay thất bại. Chinh Văn là một trường hợp khác. Năm 1976, thành phố xuất bản một giai phẩm chào mừng đại hội IV, Chinh Văn có một bài thơ đăng trong đặc san, tôi có một truyện ngắn. Sau đó bài thơ Chinh Văn được Hoàng Hiệp phổ nhạc. Thông thường một bài thơ được phổ nhạc phải là một bài thơ hay (tôi nói về thơ phổ nhạc những năm của thập niên 70 trở về trước. Tiêu chuẩn để một bài thơ được phổ nhạc ngay nay đã khác nhiều lần lắm, có khi nằm ngoài lãnh vực nghệ thuật). Theo tôi, bài thơ Hát lên tiếng chim ngày mới không thành công nếu xét trên quan điểm thuần túy thi ca, nhưng nếu trao thi ca cho một sứ mệnh nào đó thì bài Tiếng chim… của Chinh Văn đã đáp ứng được những yêu cầu của thời ky bài thơ ấy xuất hiện. Và, nó được phổ nhạc cũng bởi lẽ đó. Thế cho nên tôi tiếp tục chờ đợi một Chinh Văn thi sĩ tự khẳng định mình.
Tôi đã chờ, tiếp tục chờ… phải mất 25 năm sau sự chờ đợi của tôi mới được Chinh Văn thỏa mãn bằng thi phẩm: Giữa đôi bờ hư thực. Phần đầu tiên của thi phẩm đã thỏa mãn sự kỳ vọng của tôi. Thơ ở phần trên của Chinh Văn ít lời, nhiều ý, giàu ẩn dụ, cảm xúc và một ít đau xót. Quá khứ chưa buông tha anh? Chúng ta hãy cùng đọc, cùng xót xa với Chinh Văn:
Vượt trùng dương ta đến đây
để nói với em rằng
- cuộc đời này thật dễ ghét
nhưng khi mặt trời mọc
chiếu vào thân cây này
khiến thân cây nức nở
và một bông hoa mãn khai
ta khóc
mà xin em
ở lại
Bài thơ đẹp như một bông hoa mãn khai nhưng cũng tội cho cái nòi thi sĩ. Hoặc như bài thơ Chưa chi dưới đây, khi đọc xong, tôi không nén nổi tiếng thở dài:
Chưa chi
ngày đã tắt
tôi đứng đây
từ khi ra đời
đến khi nhắm mắt
một mình
trên trái đất
chưa chi
ngày đã tắt.
Hình như tôi vừa ném cái gì đó vào không trung, nó mất hút, và cùng với Chinh Văn, tôi thảng thốt: Chưa chi ngày đã tắt! Nếu cứ tiếp tục làm thơ như thế, tôi xin chắc Chinh Văn ung dung tự tại với thơ mình. Nhưng Chinh Văn không muốn hoặc không thể ngừng ở đó, điều này báo hiệu bằng bài Lên đỉnh Kilimanjaro:
Con gấu chết trênh đỉnh Kilimanjaro
tìm gì
một mình
lên cao đến vậy
tuyết và khí trời tinh anh
Phải, tuyết và khí trời tinh anh và không thể thiếu mặt trời đỏ rực, một mặt trời soi đường cho thế giới đại đồng. Nó khác xa thế giới đại đồng của tác giả Biển cỏ: điều cần thiết và vĩnh cửu, đó là tình yêu của con người với con người. Không là gì khác. Không thể phủ nhận những cảm xúc thi ca của Chinh Văn đã mở rộng đến mọi biên giới, chủng tộc, xoay quanh trục quan điểm tách rời khỏi nàng thơ muôn thuở. Khi đã được trang bị lý tưởng rồi, thơ có thể vượt qua cảm xúc:
chúng: bóng tối
ta: mặt trời
làm sao che nổi mặt trời
- hừ!
(Niềm tự hào chính đáng, Giữa đôi bờ hư thực)
mùa xuân cây nẩy lộc
lộc biếc nhờ nắng mai
lý tưởng như mặt trời
mời ta vươn tới mái
(Mặt trời và lộc biếc, Giữa đôi bờ hư thực)
Khi đã gọi là thi ca, dù chuyển tải lý tưởng gì cũng không được phép truất phế những gì thuộc thi ca, chính bởi lẽ đó, bất chấp không gian, thời gian, thi ca vẫn tồn tại. Ở những đoạn “thơ” trên, chỉ có ý nghĩa và thái độ của ngôn từ được gọi là thơ. Ở đây, tôi thuần túy nói chuyện về thơ. Đã làm thơ mà vị trí thơ là bị xếp vào hàng thứ yếu, dứt khoát “thơ ấy” không hay được. Thơ không thể là vè, lại càng không phải là truyền đơn, khẩu hiệu.
Hình như tôi vừa sa đà chốn thụy ngôn, mê ngôn, thấy hình mà không thấy ý, thấy chữ mà không thấy nét. Loạn tâm sinh bất an làm sao có thường lạc? Thơ và đạo tưởng như bóng với hình nhưng chẳng thể là suối cùng nguồn. Thi phú trong tay Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi trở thành hịch, đại cáo. Trong lịch sử chúng ta có bao nhiêu Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi? Tôi rất tiếc khi phải viết những dòng này. Một người có lý tưởng là một người… lý tưởng nhưng, thơ lý tưởng e rằng chỉ còn lý tưởng.
Tôi nhớ khoảng năm 1978, Chinh Văn có hai lít đế Gò Đen, anh rủ tôi và Dương Trữ La đả thành sầu. Hoàn cảnh chúng tôi lúc ấy quả thật đang bị thành sầu vây khốn, Dương Trữ La thấy rượu như lân thấy pháo, đế Gò Đèn danh bất hư truyền, rượu còn lai láng tôi và Dương Trữ La đã ngọa sa trường. Ngày ấy, tôi và Chinh Văn còn có mối quan hệ khá gần gũi. Viết được cái gì mới tôi đều đưa Chinh Văn đọc, anh khuyến khích tôi cứ tiếp tục viết. Khi tôi đã viết chẳng gì có thể cản. Chẳng có gì thúc ép nổi khi tôi không muốn viết. Không thành thật với chính mình làm sao thành thật với đời. Tôi rất dị ứng với những loại giả… Thơ mà cũng giả thì cuộc đời này buồn quá!
Viết đến đây, tôi cảm thấy tiếc tiếc một cái gì đó, và tôi lật lại những trang đầu của Giữa đôi bờ hư thực, cảm thấy như hồn mình chùng xuống khi gặp lại cảm xúc tưởng như đã bay xa:
em
ta cùng nhau đi trên đường dài
mà không hề nắm tay nhau
chỉ chiếc bóng
đôi khi hòa làm một
Ôi, sao mà cô đơn, một sự cô đơn cần thiết. Xin mãi cứ là thơ, đừng là gì khác. Thơ ơi!