Đối với Byron, tình yêu không cần luân lý hay bất cứ một giá trị nào mà giới quý tộc ở Anh gìn giữ. Nhà thơ "vứt bỏ" đạo đức để bước vào thế giới tội lỗi của ái tình trụy lạc. "Ông bay đến một khoảng trời thác loạn như một ngôi sao muốn tự dập tắt ánh sáng của mình dưới cặp mắt của người đời. Không ai có thể sống một cuộc đời sôi nổi, tàn bạo, dị thường như Byron" - có người đã nhận xét như vậy. Ông sống hoàn toàn cho bản năng, tình cảm và lý trí của mình, bất chấp cái nhìn khinh bỉ của người chung quanh. Mặc dù người ta yêu những vần thơ của ông, kính trọng sự hiểu biết của ông nhưng vẫn cố xa lánh ông vì một nỗi buồn nôn, kinh sợ.
Cả đất nước, quê hương ông cố tình xua đuổi ông như xua đuổi một người bị bệnh tâm thần. Ông bỏ xứ lang thang để sống tự do như một "động vật thượng đẳng" và cuối cùng gục chết ở xứ lạ quê người, cách xa nơi chôn nhau cắt rốn của ông vạn dặm. Cuộc sống phóng đãng ấy chấm dứt, nhưng những vần thơ lãng mạn vô biên của ông vẫn tồn tại và sáng chói trến đất Anh cũng như trên thế giới này.
Byron tên thật là George Gordon, sinh ngày 22 tháng 1 năm 1788 tại London. Ông là người con duy nhất trong một gia đình quý tộc nhiều đời. Lúc mới sinh, ông bị tật nơi chân nên phải đi cà thọt. Ông rất buồn vì chuyện đó và bù đắp lại, tạo hóa ban cho ông một thân hình lực lưỡng, khuôn mặt đẹp như các tượng thần Hy Lạp. Năm Byron hai tuổi, cha chết, nên mẹ Byron bồng con về Scotland, quê ngoại, năm 1798, Byron lên mười hưởng được một nghiệp sản khổng lồ của Newstead Abbey gần Nottingham.
Những tháng năm mài đũng quần ở trường Harrow, Byron tỏ vẻ chậm chạp và cứng đầu, nhưng có những suy nghĩ khá đặc biệt khiến ông hiệu trưởng phải thốt lên :"Byron có tài lắm, sau này dòng họ sẽ nở mày nở mặt nhờ nó". Lên bậc đại học, Byron đạt được những thành tích xuất sắc ở trường Oxford, nhưng tập tiểu luận Sự cần thiết của vô thần học khiến chàng trai trẻ bị tống cổ ra khỏi trường đại học. Byron có một số vốn kiến thức khổng lồ, am tường văn học Anh và các nền văn hóa khác ở Âu châu lẫn các nước phương Đông. Mặc dù là một "con mọt sách", nhưng Byron vẫn còn thì giờ đi bơi săn bắn, câu cá và chơi một số môn thể thao khác.
Năm 15 tuổi, giọng nói Byron khàn khàn, dấu hiệu bể tiếng đó gắn liền với sự phát triển cơ thể nhanh chóng, khả năng tình dục và thời kỳ hoa bướm ái tình. Chàng yêu say đắm Mary Chaworth, một cô gái cùng học hơn mình hai tuổi, nhưng đối với cô gái ấy, chàng chỉ là một thứ tiêu khiển thú vị vì nàng đã hứa hôn với người khác rồi.
Còn gì đau đớn hơn khi mối tình đầu của mình bị xem là một trò đùa vớ vẩn ? Byron biến thành một anh hề quá buồn cười trước mặt Mary Chaworth. Chàng cảm thấy tủi nhục và "cô đơn trên một đại dương mênh mông". Vết thương lòng khắc khoải, nặng nề khiến chàng phải thốt lời rên rỉ :
Ah ! Memory, torture me no more.
(Kỷ niệm ơi, xin đừng hành hạ ta nữa).
Chính niềm đau vô tận đó khắc sâu những vết chém nghiệt ngã của ái tình lên trái tim Byron, chàng thù hận đàn bà và quan niệm tình yêu với một "nỗi buồn vũ trụ". Byron hoang mang trong ý tưởng "bản năng tính dục", con người là kết quả đơn thuần giữa giống đực và giống cái, một động vật cấp cao giàu tưởng tượng. Khái niệm hy sinh hoàn toàn xa lạ đối với đời chàng.
Mặc dù bi quan với mối tình đầu nhưng Byron vẫn còn nhớ Mary Chaworth da diết, mười ba năm sau, nàng hiện lên trong những bài thơ của Byron như một nữ thần Venus.
Mười hai tháng sau, kể từ khi Mary Chaworth lấy chồng, Byron gặp lại Augusta người chị cùng cha khác mẹ. Người đàn bà này săn sóc, chăm lo cho Byron rất chu đáo. Chàng cảm thấy sung sướng và nổi lên trong lòng một tình cảm kỳ lạ. Byron tỏ tình với Augusta, nàng không từ chối. Thế là khởi đầu cho những điều bất thường, sa đoạ. Hai người yêu nhau không bình thường, thách đố xã hội và đặt những giá cả thật cao cho cuộc tình của mình, không có người nào thời bấy giờ có thể trả giá để mua được một cuộc tình đại loại như thế. Số tiền nhỏ nhoi của giới quý tộc chỉ có thể mua được những gì tầm thường trong thuần phong mỹ tục phong kiến mà thôi.
Byron không tin vào sự cao thượng của tình yêu, nhưng trong thơ của chàng sinh viên 19 tuổi vẫn có những ý tưởng ái tình bay bổng. Tập thơ đầu tiên của Byron, "Hours of Idleness" (thì giờ nhàn rỗi), còn vụng về nên bị một tờ báo ở xứ Scotland phê bình gay gắt. Byron đáp lễ bằng một giọng thơ trào phúng qua bài "Nhà Thơ Anh và các nhà phê bình Tô Cách Lan”. Người ta không thích tập thơ này, nhưng vài câu thơ độc đáo đã gây sự chú ý của họ. Chàng trai hai mươi tuổi đã viết rằng :
Weary of love, devoured with spleen,
I rest, a perfect timon at nineteen.
(Mệt mỏi vì tình yêu, giày vò vì sầu thảm,
Tôi đâm ra bi quan năm mười chín tuổi).
Mùa hè năm 1800, Byron vượt biển Bồ Đào Nha và đi ngao du hai năm trời trên các vùng đất Địa Trung Hải lẫn ở châu Âu. Chuyến du lịch đó chàng nhắc đến nhiều lần trong hai đoạn của tập thơ "Cuộc du hành của Childe Harold (1812), từ đó người ta phải thừa nhận chàng là một nhà thơ lãng mạn, trẻ tuổi và đầy triển vọng.
Khi đến đảo Malte, một chuyện tình kéo chân Byron lại cả tháng, ba mươi ngày trăng sao thơ mộng chấm dứt, chàng lại lên đường sang Albanie, Hy Lạp. Đến Athènes, chàng trai đa tình rơi vào vòng tay ân ái của một cô gái đẹp não nùng, ngây thơ một cách kỳ lạ. Nàng là con của bà chủ nhà trọ. Nét hồn nhiên của nàng đã tạm thời “giam giữ” trái tim của Byron, trước khi rời Athènes, Byron viết một bài thơ tạ từ người con gái ngoan ấy, bài " Thiếu nữ thành Athènes ", với vần thơ lãng mạn trữ tình :
Hỡi cô thiếu nữ thành Athènes,
Trước khi chúng ta chia tay nhau,
Em hãy trả lại trái tim cho anh.
Khi Byron trở về quê hương thì mẹ chàng đã qua đời, chàng không nhìn thấy mặt mẹ lần cuối cùng. Những ngày tang tóc đau thương khiến chàng mệt mỏi chả thiết làm gì nữa. Shelley, người bạn chí cốt của Byron, an ủi chàng và khuyên chàng về London, xuất bản hai đọan đầu của tập thơ "Childe Harold's Pilgrimage". Năm 1812, hai đoạn thơ mô tả chuyến du lịch châu Âu và những mâu thuẫn xã hội ấy ra đời, tạo nên một sự bùng nổ trên văn đàn nước Anh, danh tiếng Byron nổi như cồn. Chàng phải thốt lên rằng "Một sớm mai tôi thức dậy và thấy mình nổi tiếng" Giới văn nghệ ở London xôn xao trước một hiện tượng văn học phi thường, họ vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Người ta đọc và thuộc lòng từng chữ của hai đoạn thơ đó.
Những cánh thư ngợi khen từ bốn phương trời bay về chất thành đống trong nhà Byron. Byron trở thành thần tượng của phụ nữ không những ở các vần thơ lãng mạn mà còn ở ngoài hình đẹp như một thiên thần của chàng. Với chiếc áo nhung đen, mái tóc mềm mại óng quăn, vẻ mặt xanh xao kỳ lạ và vầng trán rộng chứa đầy kỷ niệm tội lỗi với người đàn bà tên Augusta, Byron đã quyến rũ được tất cả các cô gái khi gặp chàng lần đầu tiên. Họ càng quan tâm đến Byron nhiều hơn, vì chàng ít nói giữa đám đông khiến họ nghĩ rằng chàng đang lạc lõng, u buồn và đang đắm chìm trong những tư tưởng cao siêu, xa vời.
Thế rồi, Byron lại cuồng nhiệt yêu đương, lăn xả vào những cuộc tình đầy tội lỗi khác. Phu nhân tóc vàng Carroline Lamd, là người đeo đuổi chàng quyết liệt và sự bền bỉ của bà thành công. Nhưng có lẽ, không có người đàn bà nào làm Byron thỏa mãn hoàn toàn. Chàng ruồng bỏ Carroline Lamb để theo một người lớn hơn mình 20 tuổi, bà Oxford. Cuộc tình ngắn ngủi với những chi tiết phòng the khiến ai lỡ nghe thấy cũng phải đỏ mặt, rùng mình. Trong số tình nhân, Augusta, người chị cùng cha khác mẹ với Byron, là người được Byron yêu thương nhất, hình bống nàng không bao giờ phai mờ trong ký ức của Byron. Augusta đã lấy chồng, nhưng thiếu hạnh phúc. Con người giàu tình cảm và khao khát yêu đương ấy, tám năm sau đã mò đến London tìm Byron. Hai người lại ăn nằm lén lút với nhau và kết quả một đêm ân ái tội lỗi là Medoraleigh con của hai người.
Phu nhân tóc vàng Carroline Lamb bị Byron ruồng bỏ, nhưng bà vẫn yêu chàng tha thiết. Sau này, bà viết một cuốn tiểu thuyết có tựa đề là "Glenawon" nói về mối tình đam mê giữa mình và Byron. Nhưng đó chỉ là một thanh củi đã làm bùng cháy tai tiếng trụy lạc của Byron. Hơi rúng động, chàng trai táo bạo đó trốn về London rồi chạy sang Venise (nước Ý). Ở thánh địa tự do luyến ái này, Byron bình tĩnh trở lại, tiếp tục phi nước đại như một con ngựa quen đường cũ.
Venise là một thành phố mộng mơ, bóng trăng in đáy nước như thì thầm kể lại những chuyện tình đam mê của Goethe, Proust, Musset, Casanova, Wagner và Rousseau. .. Trong thời điểm ấy, năm 1817, những mối tình của Byron đã được dệt gấm thêu hoa dưới ánh trăng vàng thơ mộng. Thành phố thời trung cổ này nằm trên một nhóm đảo nhỏ gồm hơn một trăm hòn, nối liền nhau bởi 400 cây cầu bắc ngang 118 con kênh. Byron dạt dào thi hứng khi đến Venise. Nhà thơ rung động trước vẻ đẹp hoành tráng của những con sư tử đá vươn đôi cánh khổng lồ, những con ngựa đồng trên các mái ngói như muốn bay vào không gian, những đàn bồ câu trắng nuột như từ thềm gạch chui lên. Byron làm quen với một cô gái tóc nâu, mắt xanh màu ngọc thạch, hai người ngồi hôn nhau trên một con thuyền màu đen thon dài mũi cong như mỏ chim, bềnh bồng trên sóng nước. Người con gái xa lạ này không cho Byron biết tên nhưng trao trọn vẹn thể xác cho chàng. Bàn tay nàng nhẹ nhàng ve vuốt, dịu dàng như những làn sóng lăn tăn lan rộng, liếm các bậc thềm đá của các lâu đài xưa. Byron và nàng tiên vô danh yêu nhau trong một khoảng trống có mui như một chiếc hộp đặt giữa thuyền, vách bọc nhung đen quý phái và trang nhã. Cửa đặt hai bên hông như các loại song mã ngày xưa, phủ màn kín đáo, nhưng nếu không có màn che thì cũng chẳng ai tò mò, vì phương châm thứ nhất của người dân Venise là "không tìm hiểu" Những anh chèo thuyền ở Venise là các nhà thơ, họ thích ngâm qua những bản tình ca dưới mặt trời và khi đêm đến, họ vẫn mải thả hồn dưới ánh trăng vàng, không chú ý đến những gì đang cháy bỏng giữa Byron và nàng tiên tóc nâu kia.
Một đêm trôi qua, chiếc bóng đàn bà xa lạ đó trôi dạt giữa tâm hồn xao động của Byron và biến mất như chưa bao giờ có thực. Byron chóng quên nàng, chàng tìm đến một niềm an ủi khác ở Segati, một cô gái có đôi mắt đen u hoài, nước da trắng hồng. Nàng là ái nữ của một chủ tiệm vải giàu sụ, có bảng hiệu là "Cor Anglais", một cái tên khiến Byron nhớ nước Anh, quê hương yêu dấu của chàng.
Byron và Segati lang thang dưới bầu trời trong sáng đến kỳ lạ của Venise, chàng thích thú trước mùi khen khét lạ lùng của nước kênh và sự yên tĩnh thi vị nơi đây. Họ quàng tay quanh lưng nhau, chầm chậm đi quanh công trường Saint Marc lót đá hoa điểm trắng những cánh bồ câu. Ban nhạc ở quán càfé Florian đang trổi lên bản Tristan êm dịu, bản nhạc mà ngày xưa nhạc sĩ Đức Richar Wagner đã sáng tác tại quán cà phê này, sau cái bàn nhỏ cô đơn gần cột đá. Những âm thanh chơi vơi lọt vào tai đôi tình nhân là một giai điệu bi thảm, ly tan của chàng nhạc sĩ Wagner. Thành phố Venise đưa tâm hồn Byron đến một thế giới tinh khiết, yên tĩnh. Vì ở Venise không có một làn gió, một làn khói bay hay một lớp bụi xoáy mù. Tiếng động duy nhất là tiếng gọi ơi ới của những anh chèo thuyền và tiếng sóng vỗ va vào thềm gạch của những dãy nhà in bóng cửa sổ xuống đáy nước êm đềm.
Byron và nàng lang thang suốt ngày và đến khi mặt trời đã tắt, hai người trở lại công trường Saint Marc, nằm trên những bậc thang đá còn ấm nắng chiều.
Venise về đêm thật bí ẩn, ma quái và cổ xưa. Tiếng chuông từ tháp Đồng Hồ ngân vang và tất cả chuông của 90 giáo đường đều họa theo khiến không gian bừng tỉnh. Khi thành phố đã ngủ yên, không một ánh đèn tỏa sáng qua cửa sổ có lưới che, Byron bước qua cầu Than Thở bắc ngang con kênh hẹp, hai thân thể ngừng đi động trên cầu, ép sát người vào nhau và đam mê cuồng nhiệt lại cất lời yêu đương đôi lứa.
Ánh đèn kết hoa từ những chiếc gondola in bóng nước mải mê khoe sắc với chị Hằng, mặc cho đôi tình nhân thỏa lòng khao khát...
Ái tình dành cho Segati lại phù du theo những ngày đêm nồng cháy rồi tất cả cũng qua đi. Byron giã từ cô con gái nhà giàu, tiếp tục tự hỏi lòng mình như thi sĩ Alfred de Musset đã viết câu mở đầu trong một bài thơ đêm trăng nào: “Thuyền trôi về đâu?”
Byron nào biết được chiếc thuyền tình của mình bao giờ rời bến cũ, để đến vùng đất mơ mộng khác, và bao giờ chàng thả chiếc neo định mệnh xuống một đoạn kênh tình tự mới của đời chàng. Những giờ phút khắc khoải, cô đơn, Byron lại nhớ mối tình đầu của mình, nhưng nàng Mary Chaworh giờ đã xa lắm, tít mù trên thiên đường ký ức, bảng lảng như những bóng đàn bà khác trong tâm hồn chàng. Byron nghĩ rằng " Những vết thương do tình yêu gây ra dù không làm cho người ta chết nhưng cũng không bao giờ chữa khỏi được". Đôi lúc, chàng cũng cảm thấy khổ sở khi phải trốn chạy quê hương, mở mắt nhưng không nhìn thấy gì, tai nghe nhưng chưa thấy động tĩnh gì của sự khinh bỉ trong giới quý tộc nước Anh. Chàng hiểu tình yêu đầu đời của mình đã cào xé lý tưởng cao đẹp thành những mảnh giẻ thấp hèn, trụy lạc. Byron trong một lần say khướt đã đau đớn thét lên : "Ôi tình yêu, người có thể biến thú thành người, và biến người thành thú vật".
Nếu không hiểu bản chất của quá trình tâm lý phức tạp diễn ra trong con người Byron, chúng ta thấy Byron chẳng có lý do gì để "khác thường và quậy đục nước " như vậy. Chàng thuộc dòng dõi đại quý tộc, năm hai mươi tuổi được phong tước vị cao quý nhất nước Anh : Huân tước, và chức Nguyên Lão nhị viện năm hai mươi mốt tuổi. Con người trẻ tuổi đó đủ tư cách và điều kiện thuận lợi để thành công lớn trong các lĩnh vực văn chương, học thuật và chính trị. ..
Byron bị xua đuổi vì chàng cất lên một giọng nói có âm thanh quá lạ lẫm mà tôn giáo và đạo đức của người Anh ở thế kỷ 18 không tài nào chịu đựng nổi. Đó là bi kịch của Byron, chàng vượt lên trên tất cả những thứ đã được định hình, cổ điển trong trật tự, kỷ cương phong kiến. Lớp nghệ sĩ mới thuộc trào lưu tiên phong của chủ nghỉa lãng mạn như Byron đương nhiên bị vô thừa nhận. Và chàng chỉ còn biết sống cho mình, cho văn chương và tình yêu tội lỗi của mình.
Byron cho rằng " Chết cho người mình yêu còn dể chịu hơn chung sống với người yêu mình ". Vì thế, chàng "quất ngựa truy phong " bỏ mặc nàng Segati tội nghiệp trong quá khứ. Byron lên đường và dừng chân ở lâu đài Moncenigo trên một con kênh lớn, say đắm trong mối tình vương giả, sực nức mùi nước hoa và nhung lụa. Ở đây, Byron có tất cả, người hầu cận, khỉ, mèo, chó và cả một dãy phòng đầy "cung phi, mỹ nữ". Nhưng nhân vật chính của mối tình này là nàng Margharita Cogni - một "Con cọp cái" mà chàng thường âu yếm gọi đùa là Fornarina ( Vợ anh hành bánh ). Và thật vậy, nàng là vợ một anh hàng bánh ở Venise! Người ta kháo với nhau rằng Byron thường đánh đập nàng và khi bị chàng đuổi đi, nàng đã tự mổ bụng nhảy xuống kênh tự tử. .. Điều đó chắc không sai sự thật, vì Byron từng phát biểu với mọi người chung quanh là "Tôi cần thể xác nhưng cũng cần một tâm hồn, đàn bà chỉ biết nằm thở hổn hển trên giường thì thật là đáng một cái tát".
Nhưng mỗi lần phụ rẫy một người đàn bà, Byron luôn luôn cảm thấy tội lỗi gớm ghiếc của mình, nó đè nặng lên giấc ngủ của chàng hàng đêm. Byron mơ thấy Fornarina hiện về, đầu tóc ướt mềm, rũ rượi. Gương mặt và tay chân nàng phình to, nứt nẻ và xanh mét. Đôi mắt đẹp giờ đây như cặp mắt cá ươn vô hồn. Nàng chờn vờn đôi bàn tay giữa không khí rồi bóp chặt cổ họng chàng. Byron thét lên, giật mình thức giấc, mồ hôi ướt đẫm cả người.
Liên tiếp mấy ngày sau, Byron sống giữa mộng và thực, chàng mất hồn như kẻ điên lảm nhảm những lời vô nghĩa.
Cho đến khi nữ bá tước Guiccioli xuất hiện, Byron mới lấy thăng bằng trở lại. Nàng mới mười tám tuổi, nét đẹp thanh thoát, tóc vàng, dáng dấp mảnh mai và … và là … vợ của một ông già 60 tuổi, khó tính, nghiêm khắc ngay cả trong tình yêu lẫn quan hệ vợ chồng. Guiccioli còn có tên khác là Thérésa, nàng khác chồng một trời một vực. Năm lên sáu tuổi, nàng được gởi vào tu viện, lớn lên trong không khí thành kính, trang nghiêm được các “ma sơ” dạy dỗ chu đáo. Năm 16 tuổi, nàng rời khỏi tu viện và làm vợ một lão già. Nhan sắc và đức hạnh ấy không chịu đựng nổi sự cả ghen hoang tưởng của chồng, nàng đâm ra kinh tởm con người lọm khọm đó, nàng muốn vượt thoát khỏi lão già và Byron đã giúp nàng “vượt ngục tù hôn nhân” bằng những lời tán tỉnh lãng mạn. Chàng gởi một bức thư cho nàng, trong đó có đoạn ong bướm hoa mỹ và nồng cháy cõi lòng :
“… Tình yêu. Hai tiếng ấy nói bằng thứ tiếng nước nào nghe cũng êm đẹp, nhưng êm đẹp nhất là bằng tiếng nước em: Amor mio, nó chứa trọn đời anh từ kiếp này sang kiếp khác. Kiếp này anh sống và cả kiếp sau anh cũng sống để nghe em nói hai tiếng ấy. Vận mệnh anh nằm trong tay em, tuy em chỉ là một thiếu nữ mười tám tuổi và em mới ra khỏi tu viện có hai năm. Anh ước gì, tha thiết ước gì em cứ ở nguyên trong ấy để anh khỏi gặp em khi em đã có chồng! Nhưng muộn mất rồi. Anh yêu em và em yêu anh, hãy cứ nói vậy đi, cứ làm như thể em yêu anh. Với anh, thế đã là một niềm an ủi lớn lao. Anh càng yêu em hơn, tình yêu không bao giờ cạn. Thỉnh thoảng hãy nghĩ đến anh nhé. Dãy núi Alpes và đại dương ngăn cách đôi ta, nhưng không ngăn nổi tình ta, trừ khi em muốn thế.”
Có lẽ đây là lần thứ một ngàn Byron viết thư tình. Nhưng không biết đây là lần thứ mấy mà chàng thi sĩ tưởng đã tìm được nàng thơ đích thực của đời mình. Người ta đã nói về chàng : “ Khi yêu một người đàn bà nào, Byron vẫn nuôi cái mộng phi lý là đã tìm được người lý tưởng.”
Guiccioli bất chấp dư luận còn Byron bất chấp cuộc đấu súng, đấu gươm nào với chồng nàng. Hai người công khai tỏ tình và trốn đi Thụy Sĩ hưởng tuần “trăng gió”. Họ biết tình yêu có nghĩa là hợp rồi tan, một thứ tạm bợ nửa vời, bởi vì “Trong tất cả các cách để chấm dứt ái tình, không có cách nào chắc chắn thỏa mãn nó”.
Hai người thỏa mãn nhau nhưng chưa đến lúc phải chia tay thì ông chồng già của Guiccioli đã tìm ra tổ uyên ương của hai người ở Thụy Sĩ. Ông buộc nàng trở về Ý, nhốt nàng trong ngục tù bệnh hoạn của ông. Guiccioli xem như đã chết lần thứ hai khi còn sống ở cuộc đời này. Sự cúi xuống, phủ phục dưới chân của người chồng khiến nàng đau buồn vô tả. Đúng như nhà văn Stefan Zwieg đã nói : “Trong đời người phụ nữ không có sự hạ mình nào tệ hơn là hiến thân cho người đàn ông không xứng đáng với tình yêu của mình”.
Giã từ Guiccioli thân yêu với Venise và chiều thứ bảy hẹn hò, giã từ đại lộ lá me và công viên hoa giấy, Byron khăn gói trở về London làm lại cuộc đời. Chàng nghĩ rằng mình có thể cứu rỗi linh hồn mình bằng cách lập gia đình với một cô gái ngây thơ, trong trắng nên chàng cầu hôn với Anna Isabella Mibark, nhỏ hơn chàng bốn tuổi.
Nhưng cuộc sống phóng đãng, trụy lạc của Byron “vang lừng khắp bốn phương” không thua gì tài làm thơ của chàng, nên nàng Isabella từ chối. Byron đã quỳ dưới chân nàng, van xin nàng hãy cứu vớt chàng ra khỏi chốn bùn nhơ tội lỗi của quá khứ, nếu không chàng sẽ rơi xuống một vực thẳm trụy lạc và không thể nào còn nhìn thấy mặt trời hạnh phúc của thế giới con người. Bao nhiêu năm qua chàng sống không mục đích, không lý tưởng, một phần vì chán ghét thói đạo đức giả của đám quý tộc và một phần vì chàng tuyệt vọng trong tình yêu đầu đời. Isabella là hiện thân của Đức Mẹ Maria trong trái tim chàng, nàng hãy tận dụng thiên chức thiêng liêng của mình, đó là “kích thích nghị lực của người đàn ông, khơi gợi những tình cảm tốt đẹp của họ, duy trì tinh thần trách nghiệm, lòng mong muốn vươn tới cái cao siêu và vĩ đại“. Không biết nàng yêu thơ Byron, bị chàng thuyết phục hay vì muốn cứu vớt một người tài hoa ra khỏi sự thấp hèn mà Isabella đã nhận lời. Cuộc hôn nhân mang lại đau khổ cho cả hai người. Đến khi sinh ra đứa con đầu lòng, Augusta Ada, vợ chàng xin ly dị vì tính tình vô luân và hung bạo của chàng.
Người đời càng chán ghét chàng hơn, Byron đau buồn vô hạn vì khi gặp chàng, có người đã ngất đi, có người lánh mặt ngay tức khắc. Nỗi tủi nhục càng dâng cao, làm tái mặt chàng bao nhiêu thì thơ chàng càng bay đến một vùng trời siêu thực bấy nhiêu và tỏa ra ánh sáng lãng mạn, quý giá của một loại kim cương tư tưởng.
Suốt một giai đoạn sôi nổi từ năm 1813 đến 1814, Byron viết liên tiếp bốn tập truyện thơ “Lara”; “Tên cướp biển” (The Corsaire); “Parisiana”; “Cô dâu ở Abydos” ( The Bride of Abydos) “Cuộc vây hãm thành Corinth” (The Siege of Corinth )… Đây là những chuyện tình bay bổng trong khung cảnh Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nó chiếm được lòng ái mộ của đông đảo người đọc.
Byron có sức sáng tạo vô địch, hầu như không có một nhà thơ nào “ sản xuất” nhanh như vậy. Trong vòng mười ngày chàng hoàn thành tập Lara. Byron bảo: “Tôi viết Lara sau những lúc thay áo quần và các buổi khiêu vũ”. Tập “The Bride of Abydos" chàng hoàn tất trong bốn hôm. Byron viết để thỏa mãn những bức xúc, hay nói đúng hơn để tự giải thoát con người mình. Byron sinh ra đời để làm thơ và yêu đương. Người ta nhận định rằng “Mặc dù là một con người của tội lỗi nhưng Byron tượng trưng những tính chất ham chuộng tự do nhất ngay ở tâm hồn chàng. Chàng là một thi sĩ có sức sáng tạo phong phú và diễn đạt dễ dàng. Tinh thần thanh niên của Byron phát lộ ra trong những hành động ngày càng cuồng nhiệt, ý chí hào hùng, hăng say…”.
Mười bốn ngàn tập thơ “The Corsair” bán hết trong một ngày. Hàng trăm ngàn người chưa bao giờ đọc thơ, nhưng khi tìm đến Byron, họ đã trầm trồ khen ngợi, say mê như bắt gặp những vần thơ là người tình lý tưởng nhất. Mọi người công nhận chàng là “A Waker of petic Sense” (Người làm thức tỉnh nguồn thi cảm). “Chủ nghỉa Byron” (Byronism) ra đời như một luồn gió mới, mang lại sinh khí cho cả châu Âu đang chuyển mình thoát khỏi chế độ phong kiến. Thanh niên ủng hộ, coi chàng như vị thánh sống, bắt chước chàng khinh thường và chống đối xã hội phong kiến với thói rởm của đời chúng. Thái độ đó xuất phát từ cái tôi cá nhân nhưng cũng có cội nguồn từ tinh thần yêu nước và dân chủ tư sản. Byron yêu đàn bà như điên cuồng và cũng rất cuồng nhiệt trước sự tự do của con người. Chàng ủng hộ cuộc đấu tranh đòi nhân quyền ở Ý, nhưng quyền “làm người” của chàng trên chính quê hương yêu dấu đã bị cướp đoạt. Sau bốn ngày ly hôn, chàng lià xa tổ quốc, khăn gói quả mướp rong ruổi trên con đường giang hồ vô định.
Chàng mang trái tim rướm máu phiêu bạc khắp châu Âu rồi ngã bệnh sốt rét, qua đời vào ngày 19-4-1824, khi tuổi mới ba mươi sáu, còn hừng hực biết bao khát vọng mãnh liệt. Ngay trong giờ phút hấp hối, hình ảnh từng người đàn bà đã qua đời chàng hiện lên, yêu thương và khổ đau triền miên. Những chuỗi kỷ niệm nâng chàng lên, đưa vào một thế giới vĩnh cửu không giới hạn bởi không gian và thời gian, mộng ảo chập chờn, hiện thực say mê. Chàng giống đại văn hào Voltaire của nước Pháp ở một điểm : “Chân lý cuối cùng trên cõi đời này vẫn chỉ là tình yêu. Yêu ! Còn sống là còn yêu”. Byron đã yêu đến hơi thở cuối cùng!
(*): Bài trích từ YEUVIETNAM.COM.
Bản do tác giả gửi