Bây giờ tôi không thể hình dung được khúc hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn đã đến với mình như thế nào (!). Nhưng điều chắc chắn, khi tôi bước vào những năm đầu bậc trung học của Trường Trần Quý Cáp (Hội An) thì âm nhạc ấy, lời ca ấy dường như đã chất chứa đầy tim.
Đó là giọng hát của một người đàn ông có nhiều hơi rung trên nền ghi ta rời rạc, nghe sao đơn côi mà mê hoặc đến lạ lùng! “Đàn bò vào thành phố, không còn ai hỏi thăm. Đàn bò về dòng sông, dòng sông đã cạn khô…”. Đó là giọng hát của một người phụ nữ có mái tóc dài ngang lưng, như vọng về từ một đêm tối liêu trai! “Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son, vào thời lãng quên, tóc em trôi dài, ru mãi ru thêm ngàn năm…”. Cứ như thế, qua suốt bao đêm dài chiến tranh, chúng tôi nghe, chúng tôi hát… Những khúc hát xa xôi mà vô cùng gần gũi. Lạ lẫm mà rất thân quen. Và không ai có thể phủ nhận: hiện tượng Trịnh Công Sơn một thời bắt đầu như thế!.
Thế nhưng, Trịnh Công Sơn không chỉ đơn thuần là một hiện tượng âm nhạc. Hình ảnh người phu quét đường dừng chổi đứng nghe tiếng đại bác, người con gái Việt Nam da vàng đến những cơn mưa vào hạ, mái tóc dài đêm thần thoại…như bước ra khỏi khuôn nhạc và dòng chữ phóng túng, bay bướm để trở thành một thứ triết lý hòa nhập vào cuộc sống hổn mang.
Nét chữ - thủ bút của Trịnh Công Sơn phổ biến từ các tuyển tập ca khúc càng trở nên ma mị, lôi cuốn không cưỡng được. Đàn, hát và viết chữ theo kiểu Trịnh Công Sơn là một hiện tượng, không tách rời nhau. Có lần thầy Tống Khuyến (dạy Pháp Văn) cố vấn lớp học chúng tôi bấy giờ phải tổ chức kiểm tra bảng tên, hễ phát hiện ra bảng tên nào thêu bằng kiểu chữ fantaisie của Trịnh Công Sơn là lập tức cho mauvaise note (điểm xấu) và tháo gỡ thay lại bảng tên mới. Vậy mà nét chữ ấy không ngừng tràn ngập nơi nơi. Nó sống trong những cuốn sổ lưu bút học trò, trong những tập thơ nhạc chép tay, trong những lá thư tình…
Đến tận ngày nay, mỗi lần nhìn lại thủ bút Trịnh Công Sơn rơi rớt đó đây trong nhiều chồng sách cũ, tôi vẫn không hết cái cảm giác xôn xao của một thời tuổi trẻ.
Nét bút ấy, không chỉ là nhạc, ca từ mà còn là những tản văn rất ngắn và đầy chất thơ của họ Trịnh. Một trong những lời tự sự mà tôi thích nhất đó là bài viết nói về sự ra đời của ca khúc Cát Bụi.
Vào một buổi chiều “ngày tháng không còn nhớ”, sau khi xem phim “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6, Trịnh Công Sơn kể lại, ông tản bộ lang thang trên phố và không hiểu vì sao cảm thấy buồn buồn. Chiều tối về nhà, đọc lại cuốn “Zorba le Gree”, đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa. Tiếng hót này làm tan nát tim ta”, ông gấp sách lại không đọc nữa, ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường về nhà, trong đầu bỗng vang lên tiếng hát…Với ông, mỗi bài hát gần như bắt đầu từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu. Và ca khúc “Cát bụi” đã ra đời như vậy.
Đoạn văn trên Trịnh Công Sơn viết vào mùa xuân 1998 có phần cuối như sau: “Bây giờ thì Người hiệp sĩ mù kia đã chết rối. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba đã qua đời, dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakis tiểu thuyết hóa thì nay ông cũng đã mất rồi. “Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”. Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi.”
Vâng, thời gian đã nghiền nát tất cả. Chỉ còn lại nét bút, âm thanh và các bụi (…) ./.