Khoảng 12 giờ khuya của một đêm mùa thu cách nay sáu năm, một chiếc xe tải mang biển số 96A 00 -11 chạy từ miền Tây lên thành phố thì bị chặn lại ở cây số thứ 15 lúc xe vừa qua phà Mỹ Thuận. Công việc chặn xe có vẻ khá khác thường, ngoài lực lượng xe mô tô cảnh sát, xe chuyên ngành công an luôn nhấp nháy đèn, còn có cả xe cứu thương. Lực lượng nhân viên làm nhiệm vụ không đông lắm nhưng rõ ràng đây là một cuộc mai phục. Lúc bấy giờ trên xe tải có hai người: Ông Lê Văn Năm - tài xế và cô Nguyễn Thị Lành - bạn hàng và là chủ hàng trên xe. Họ đang chở rau cải về thành phố để kịp bán vào sáng hôm sau mà hàng hóa họ vừa mới lấy từ Sóc Trăng cách đó khoảng ba giờ đồng hồ. Tài xế Năm cho xe dừng đúng qui định rồi mang toàn bộ giấy tờ hợp pháp trình với những người đang làm nhiệm vụ. Họ nhận lấy, thậm chí không thèm ghé mắt dòm mớ giấy tờ ấy, rồi đột nhiên không biết từ đâu mấy bóng đèn pha bỗng bật sáng lòa. Các chiến sĩ công an vội vàng tản ra hai bên quốc lộ trong lúc ông Năm đang làm nốt nhiệm vụ là mở thùng xe phía sau để cho những người có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa. Bửng sau xe được hạ xuống, bên trong là một khoảng đen ngòm. Ông tài xế Năm được những người có trách nhiệm yêu cầu trở về nơi đã được qui định. Sau đó người ta nghe thấy một giọng nói vang lên trong chiếc loa pin:
- A lô, a lô! Chúng tôi là lực lượng công an, chúng tôi yêu cầu anh Hoàng Lộc hãy buông vũ khí đầu hàng vì anh đã bị bắt. Nếu anh nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh của chúng tôi thì anh sẽ được khoan hồng, a lô, a lô!
Mệnh lệnh được lặp lại lần thứ hai, rồi ba. Rõ ràng không phải người ta đang nói chuyện với mớ rau cải. Tài xế Năm và cô Lành hình như cũng chưa hiểu gì. Mọi người chờ đợi căng thẳng.
Mệnh lệnh được lặp lại một lần nữa, lần này có phần gay gắt hơn:
- A lô, a lô! Chúng tôi yêu cầu công dân Hoàng Lộc buông vũ khí đầu hàng ngay lập tức. Chúng tôi cho anh một phút để suy nghĩ. Nếu anh chống đối thì điều ấy có nghĩa là tự anh làm hại anh.
Chúng tôi đang chờ sự ăn năn hối cải của anh! Im lặng. Từ thùng xe tải phía sau, ngoài mấy cái bắp cải nằm ló ra dưới ánh sáng đèn pha, còn lại bên trong vẫn đen ngòm. Bất ngờ từ trong phần đen ngòm của thùng xe văng ra một vật cũng đen ngòm, vật ấy rơi nặng xuống mặt đường nằm ngay khoảng sáng lòa của ánh sáng đèn pha: đó là một khẩu súng ngắn, tiếp theo là gắp đạn, cuối cùng một thanh niên cao lớn, hai tay đưa cao quá đầu nhảy phịch xuống mặt đường đứng bất động. Không hiểu quá trình điều tra, theo dõi và mai phục hắn có gặp nhiều khó khăn hay không, chớ lúc bắt hắn còn dễ hơn bắt một con cóc. Hắn tỏ ra ngoan ngoãn đặc biệt, chẳng những lúc tự tra tay vào còng số tám mà cả mọi cử chỉ và lời nói. Đúng, hắn có nói, nhưng những yêu cầu của hắn không được thỏa mãn vì hắn là một tên tội phạm nguy hiểm còn chưa kết thúc điều tra. Chỉ có một việc mà, nếu như hắn không yêu cầu thì người ta cũng sẽ làm, đó là việc trả tự do ngay lập tức cho hai người đang sử dụng xe vì họ hoàn toàn không liên lụy. Các nhân viên an ninh tỏ ra biết rõ điều đó còn hơn hắn. Người ta trả lại giấy tờ cho chủ xe, thậm chí không thèm khám xét gì thêm .
Cuộc mai phục thành công mỹ mãn. Chạy trốn và đuổi bắt đã không xảy ra, đọ súng và đổ máu đã không xảy ra. Tên tội phạm tự giao nộp vũ khí và tự tra tay vào còng. Lực lượng công an chỉ tốn không bao nhiêu nước bọt. Sau đó tất cả các loại xe đồng loạt nổ máy, hụ còi lao về hướng thành phố, để lại trong đêm tối đen hai công dân khả kính Lê Văn Năm và Nguyễn Thị Lành vẫn còn ngơ ngác. Họ chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, bởi họ hoàn toàn là người ngoài cuộc.
Sáu năm sau khi nghe tôi hỏi vào cái đêm bị mai phục, tên tội phạm đã có những yêu cầu gì mà không được thỏa mãn, công dân Nguyễn Thị Lành cho hay: Thứ nhất, anh ta yêu cầu trả tự do cho cô và tài xế Năm bởi họ hoàn toàn vô tội. Lời yêu cầu này hóa ra thừa. Thứ hai, anh ta thỉnh mong hãy giảm tội thật nhẹ đến mức có thể cho người chủ sở hữu khẩu súng mà anh ta đã lấy cắp vì đó là bạn của anh ta, một con người tốt. Yêu cầu thứ ba là nhờ cô chuyển bức thư (đã cầm sẵn trên tay) tới gia đình của anh ta dùm, nhưng cả hai yêu cầu sau đều không được thỏa mãn bởi lực lượng an ninh bảo đó là công việc của nhà chức trách. Rồi anh tra tay vào còng.
Trước khi bị đẩy lên xe anh nói vội với cô lời xin lỗi và nếu có thể, hãy nhắn với gia đình anh theo địa chỉ vậy vậy rằng anh vẫn còn sống mạnh khỏe.
Nhưng hoàn cảnh ấy không thích hợp với việc trao đổi địa chỉ. Cô Lành gần như tức khắc quên ngay, dù có cố gắng mấy cũng không nhớ. Riêng tài xế Năm, ông không hề có ý định ghi nhớ điều đó. Cái làm ông bận tâm là tên tội phạm đã lẻn lên xe hồi nào. Ông nhớ từ lúc lên hàng cho đến khi bị mai phục ông chưa một lần dừng xe lại dọc đường, trừ lúc xe xếp hàng chờ qua phà, mà dưới phà và hai bên bến phà, bất luận vào giờ phút nào, một con chuột bò lên xe cũng sẽ bị phát hiện chứ đừng nói chi một con người. Đúng là chỉ có công an mới rõ việc này, không những thế, họ còn kêu đích danh tên tuổi. Tài xế Năm kết luận rằng, đừng nói người ta không thể mò kim từ đáy biển. Đó, rõ ràng người ta vừa mò được cây kim dưới đáy biển chớ còn gì nữa.
Sáng hôm sau khi xuống hàng, công dân Nguyễn Thị Lành phát hiện ra tên tội phạm còn bỏ quên trên xe cái áo gió. Lục trong túi áo gặp một mảnh giấy ghi rõ địa chỉ nhà hắn, túi bên kia là một vật gì ngồ ngộ, vừa giống như thứ vũ khí nhưng lại là đồ chơi trẻ con mà sau này anh ta cho hay, trong những ngày trốn tránh pháp luật anh ta tranh thủ làm cho thằng con, nghĩa là khi “bóp cò” thì “đạn” dây thun sẽ bay đi. Hóa ra tên tội phạm này không phải loại người hời hợt. Mấy ngày đầu cô Lành có ý định giao nộp tất cả cho nhà chức trách, nhưng sau xét thấy vô hại nên cô giữ với ý nghĩ một ngày nào đó hoàn trả lại cho chủ của nó.
Cũng nhân cái lần gặp gỡ sau sáu năm, kể từ đêm bị mai phục, cô Nguyễn Thị Lành thỏ thẻ kể cho tôi nghe khi xe chúng tôi đang lướt êm trên con đường nhựa giữa hai bên là bạt ngàn rừng cao su non tơ lá xanh mướt sau mấy trận mưa đầu mùa:
- Gieo gió thì gặt bão, ở hiền gặp lành. Bọn em nghĩ vậy. Cái anh chàng tội phạm này chắc đã làm một chuyện gì tày trời nên giờ mới bị truy lùng và bắt giữ. Đó là phần của anh ta. Còn mình, chuyện người ta nhờ mình phải làm, nhứt là lúc người ta đang gặp hoạn nạn. Trong một chuyến hàng về miền Tây, tranh thủ khoảng thời gian rảnh em tìm tới nhà anh ta theo địa chỉ để nói lại với gia đình những gì anh ta đã nhắn. Cái xóm anh ta ở không phải nửa chợ nửa quê mà hai mươi phần trăm chợ tám mươi phần trăm quê: nhà cây vách lá cả xóm giống hệt nhau nằm san sát hai bên, chính giữa là một con rạch, cứ cách vài trăm mét là một chiếc cầu khỉ, chiếc nào chiếc nấy cũng giống hệt nhau. Xóm ở gần nơi có điện nhưng cả xóm không điện, ở gần quốc lộ nhưng đường đi hai bên con rạch là đường sình lầy, ở gần nơi bán vật liệu xây dựng hiện đại nhưng cả xóm không có lấy một cái nhà tường. Em bước vào một ngôi nhà như các ngôi nhà khác, thấy một ông già đang cặm cụi nấu nướng và một đứa con nít chừng hai tuổi đang bò chơi dưới đất. Khỏi cần hỏi em cũng biết ông già là cha còn đứa bé là con của tên tội phạm. Đứa bé này khi lớn lên sẽ giống cha nó như đúc, và cha nó lúc về già cũng sẽ giống ông già này như đúc. Ông già phương phi nhưng thô tháp, tóc dựng đứng, cằm bạnh, tay chân sần sùi, u nần, bàn chân to quá khổ, giữa ngón chân cái và bốn ngón còn lại bạnh ra có hình chữ V. Thằng bé thì tròn lẳn, chắc nịch, đen thui và hiền như cục đất. Vào đêm bị mai phục, tuy nhìn thấy tên tội phạm từ khoảng cách khá xa, nhưng cũng như hai con người mà em đang gặp đây, em tin họ là người nhân hậu. Em nói: “Chào bác! Con là bạn của anh Hoàng Lộc”. “Vậy sao?” - Ông già mừng rỡ trong khi tay vẫn còn cầm đôi đũa. “Bác nấu món gì vậy? Trời ơi nó khét hết rồi kìa, bác đưa đũa đây cho con” - Em chụp đôi đũa trở con cá lóc đang nằm cháy trên cái bếp than. “Bác nướng cá cho thằng này, thằng Cuội. Nó thích ăn cá nướng”. “Chớ bác gái đi đâu mà bác lại phải nấu nướng?” “Bả mất lâu rồi cháu, từ lúc thằng Lộc chỉ bằng thằng này” “Còn mẹ của thằng Cuội đâu?” “Cũng chết rồi”. Em bồng thằng nhỏ, không tin rằng hai con người chất phác này lại chịu nhiều bất hạnh như thế. “Thằng Lộc ra sao rồi cháu?” Em nói: “Anh ấy bị bắt rồi”.
Công dân Nguyễn Thị Lành kín đáo lấy khăn tay lau mắt, mặt quay hẳn ra bên ngoài. Tôi bảo anh tài xế tắt máy lạnh rồi vói tay quay tấm cửa kiếng. Xe đã qua rừng cao su, giờ đây hai bên nhấp nhô những đồi cà phê xen kẽ những vườn điều. Mặt trời đã xuống thấp, núp ló trong những đám mây có hình thù quái dị, lúc thì như một đàn bò đang bay, lúc lại giống cái điện thoại khổng lồ treo lơ lửng bên trời. Thỉnh thoảng từ trong những tán điều rậm rạp lại ngoi lên một vài cột khói trắng uốn éo báo rằng nơi ấy có con người và người ta đang đốt lửa. Không khí nơi này trong lành đến độ lần nào đi ngang qua đây tôi cũng vấp phải suy nghĩ rằng, bọn người lớn chúng tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng nếu không nói là tội ác - đó là việc bắt đám con cái mình thở cái thứ không khí không ra gì của thành phố, nghĩa là vô hình trung các bậc cha chú đang hằng ngày đầu độc con em mình, và rằng, việc tôi chọn thành phố làm nơi sinh sống đã đúng hay chưa?
Sự thật thì mẹ của bé Cuội chưa chết, cô ta may mắn thoát chết chỉ vì cha thằng Cuội không phải là một tay súng thiện nghệ. Tay súng tồi này bắn cô ta tất cả hai lần, lần đầu nạn nhân bị đạn lấy mất một tai, có nghĩa chỉ làm mất một chỗ đeo bông. Không vừa lòng với “thành tích” của mình, tay súng nghiệp dư này quyết định thực hiện lại một lần nữa. Lần này anh ta mai phục như một tên biệt kích thứ thiệt nơi đầu một cây cầu khỉ vào lúc trời chập choạng tối. Khi nạn nhân chỉ còn cách vài bước, anh nổ súng, hai phát. Cô ta rơi xuống con rạch quậy lủm bủm như người không biết bơi sắp chết đuối. Khi ấy cha thằng Cuội quay về nằm với nó và định bụng sáng hôm sau sẽ ra đầu thú nhà chức trách. Nhưng rồi cũng trong đêm đó anh ta hay tin mẹ thằng Cuội chưa chết. Tất nhiên anh ta dẹp bỏ ý định đầu thú. Gần tàn đêm, anh ta gởi thằng Cuội lại cho cha mình rồi biến đi.
Mẹ thằng Cuội, nạn nhân, sau khi tử thần từ chối không nhận, cô ta bám vào thứ gì đó bường được tới bờ. Khi người ta phát hiện ra con người này thì ruột của cô quấn vào rong rêu thành một đùm thật khó phân biệt. Cô ta được đưa vào bệnh viện tỉnh, ở đây cô vượt qua được cơn hiểm nghèo. Sau đó người ta chuyển cô lên thành phố để có đủ điều kiện điều trị. Quả nhiên cô bình phục rất nhanh.
Cũng trong thời gian này lệnh truy nã cha thằng Cuội được phát trên toàn quốc với tội danh tàng trữ vũ khí trái phép và giết người. Anh ta vừa trốn vừa tìm cách lên thành phố, quyết gặp cho được mẹ thằng Cuội một lần nữa. Nhưng ý định không thành bởi chiếc xe tải mà anh lẻn lên đã nhanh chóng sa lưới khi vừa qua phà Mỹ Thuận. Người ta kịp thời ngăn chặn một tội ác. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến việc cha thằng Cuội quyết không tha cho mẹ của thằng Cuội? Chuyện đó luật pháp không biết nhưng hết thảy dân của cái xóm hai mươi phần trăm chợ tám mươi phần trăm quê, cái xóm không nhà tường, không điện không lộ biết rất rõ, và người ta, cũng như cha của thằng Cuội đang nằm trong nhà lao vẫn chưa tin rằng công lý đã được thực thi, nghĩa là còn rất nhiều tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Kể ra cha mẹ thằng Cuội cũng đã có những ngày đầm ấm lắm. Do cả hai cùng là nông dân, cả hai cùng nghèo (như mọi người trong xóm), cả hai cùng có một trình độ văn hóa (đủ chữ để viết nổi một lá thơ tình) nên họ sống rất hòa hợp. Cưới nhau rất sớm lúc chưa được luật pháp cho phép (còn gia đình thì cho), nên họ có khoảng thời gian khá dài để quấn quít nhau, nghĩa là so với người ta, họ được hưởng nhiều hơn cái hương vị ngọt ngào của sự ân ái.
Buổi sáng đôi vợ chồng trẻ cùng ra đồng, “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Chiều về vợ làm món ngon, chồng nhậu lai rai... Đỏ đèn, vợ chồng vô mùng hú hí... Vì nhà ít người, đất đai ông bà để lại không thiếu nên họ sống nhàn, hơn nữa một năm họ chỉ phải làm công việc đồng áng có bảy tháng, còn năm tháng thì... nghỉ. Họ sinh thằng Cuội theo đúng trình tự thời gian, mẹ tròn con vuông - chẳng những vậy, thằng Cuội của họ lại bụ bẫm, khôi ngô và khỏe mạnh khác thường.
Tai họa xuất hiện trong cái xóm này chính vào lúc đất trời khô ráo, trăng sáng vằng vặc, lúc mà mỗi tối trước sân của mỗi nhà người ta lợi dụng ánh sáng của trăng để làm nốt những công việc của nhà nông. Cha mẹ thằng Cuội cũng vậy: anh đập lúa, chị giũ rơm. Họ trải một tấm đệm cho thằng Cuội ngồi chơi gần đó, tấm đệm ngập đầy trăng. Bất ngờ từ một góc sân nhà ai đó văng vẳng giọng hát huê tình hát về những buổi sương trắng miền quê ngoại, về những đêm trăng tàn trên hè phố, về những nỗi buồn của mùa hoa phượng nở... Lẫn với giọng hát là tiếng đàn ghi ta thùng luyến láy ngọt ngào như ve vuốt... Đây là sự kiện có một không hai của cái xóm hai mươi phần trăm chợ tám mươi phần trăm quê này.
Không bao lâu sau nam nữ cả xóm liền tụ tập lại nơi phát ra giọng hát. Cha mẹ thằng Cuội không đến đó, bởi họ không còn son trẻ và nhàn nhã, nhưng họ vẫn cố lắng tai nghe cho đến lúc trăng tàn...
Sáng hôm sau người ta được biết đó là cháu của một chức sắc của xã, một gã thành thị chính cống với nước da tai tái, áo quần bảnh bao và tướng đi ẻo lả. Gia tài của gã là cây đàn ghi ta thùng, đó đồng thời cũng là phương tiện sinh sống của gã. Thủ thuật của gã là: hễ nhà nào có đám tiệc thì gã đến giúp vui, bất kể là đám gì, mà trong xóm thì không thiếu: đám giỗ, đám tang, thôi nôi, đầy tháng, tân gia... Gã nhanh chóng trở thành “cái đinh” của xóm bởi nơi nào có gã thì nơi đó có bọn con gái. Gã làm cho chị em ở cái xóm hai mươi phần trăm chợ tám mươi phầm trăm quê này lao đao với mấy bài ruột mà người ta nghe gã hát lúc mới đến. Mà xét cho cùng, bấy nhiêu đó cũng đủ giết chết đám gái quê này rồi.
Không ai biết mẹ của thằng Cuội đã trực tiếp nghe gã hát mấy lần. Không ai hay mẹ của thằng Cuội có dịp nào trò chuyện với con người này chưa? Nhưng, như người ta thường nói, đùng một cái chị ta quảy gói trốn theo hắn, bỏ chồng con, bỏ ruộng vườn. Bấy giờ ba của thằng Cuội mới chợt hiểu: âm nhạc nó có sức mạnh ghê gớm.
Bị mất vợ ba của thằng Cuội buồn ít, nhưng nhìn cảnh thằng Cuội mất mẹ anh mới thật khổ tâm. Anh căm ghét cả hai người, nhưng ghét cái gã da tái mét tướng đi ẻo lả kia nhiều hơn, bởi con gái hơ hớ của xóm đếm không hết mà gã không thèm, lại đi dụ dỗ một bà mẹ đến mức bà mẹ phải bỏ con. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, anh quen với cảnh gà trống nuôi con, con gà của con gà trống cũng dần quen với cảnh không gà mẹ. Ngôi nhà trước kia có hai người đàn ông, giờ thêm một nữa là ba: Một ông già, một thanh niên, một thằng con nít. Khi có việc ngoài đồng thì cha của thằng Cuội trải một tấm đệm trên bờ ruộng cho nó chơi với cây cỏ, bươm bướm, chuồn chuồn, còn cha với ông nó thì cày cấy. Hết ngày, hai người lớn thay nhau cõng thằng nhỏ về. Cũng may là ở cái nhà ấy, dù già dù trẻ nhưng sức khỏe của ai cũng có thừa. Những hôm trời khô ráo và sáng trăng thì cha đập lúa, ông giũ rơm, thằng Cuội vẫn ngồi trên tấm đệm, tấm đệm vẫn đầy trăng... có điều tiếng hát huê tình không còn nữa.
Mấy tháng sau thì hai con người tội lỗi ấy xuất hiện. Mẹ của thằng Cuội đưa đơn li dị cho cha thằng Cuội ký. Anh ký rồi đuổi mẹ thằng Cuội đi ngay. Họ đi, nhưng chỉ mấy ngày sau thì trở lại, rểu rểu khắp xóm, mặt nhơn nhơn và có vẻ hãnh diện. Dường như họ đang toa rập chuyện gì. Quả nhiên không bao lâu sau cha thằng Cuội nhận được trát của tòa triệu. Mới đầu anh ngạc nhiên nhưng sau thì vỡ lẽ: Anh đã bị thằng quỷ da tai tái tướng ẻo lả lừa vào tròng. Anh với cha anh có thức bàn với nhau trọn đêm nhưng không tìm được đường ra, nên sau đó tòa xử chia đôi tài sản, nghĩa là tài sản được chia làm hai, anh một nửa và mẹ thằng Cuội một nửa. Mà tài sản của nông dân là gì? Ruộng. Anh cắt phân nửa phần ruộng gia phả chia cho mẹ thằng Cuội theo luật định khi vợ chồng ly dị. Anh biết mọi chuyện này là do cái thằng ẻo lả, cái thằng có lẽ là nhiều chữ bày vẽ nên. Nhưng biết làm sao? Mà căm nhất là chia ruộng cho những người không biết quí ruộng, không làm và cũng không có ý định làm ruộng.
Chừng như khi đã xài hết số tiền bán ruộng trong vụ thắng kiện thì hai kẻ ác lại quay về cái xóm nghèo ấy. Họ về lần này với thân xác cả hai đều tàn tạ. Cây đàn ghi ta thùng không còn kè kè bên mình, cái giọng huê tình cũng thôi văng vẳng thâu đêm trước mảnh sân của ông chú chức sắc của xã. Họ về lần này là để tổ chức bắt cóc thằng Cuội và họ đã thành công. Sau khi họ đi, mấy người biết việc nói lại với cha thằng Cuội rằng hai kẻ đó giờ đã trở nên nghiện ngập. Cha của thằng Cuội cũng đã linh cảm đến điều đó khi nhìn hai kẻ ấy run rẩy đi qua cây cầu khỉ ở đầu xóm lúc họ vừa xuất hiện.
Kẻ đã chiếm đoạt ruộng của anh đem bán thì lần này không loại trừ khả năng họ cũng sẽ đem bán thằng Cuội. Ruộng anh họ có thể bán, còn con anh thì đâu được.
Lần theo dấu vết của gã ẻo lả anh đi tìm con mình. Anh lội bộ gần giáp cái thành phố mới gặp được thằng Cuội. May mắn thứ nhất là mẹ nó chưa bán nó, chỉ mới cho người ta thuê; may mắn thứ hai là nó còn lành lặn chứ chưa bị chọc cho mù mắt hoặc bẻ cho lọi giò; nghĩa là người ta thuê thằng bé để đi ăn xin - đây là một nghề mới và hình như nghề này đang làm ăn khấm khá lắm. Anh không kịp tìm mẹ nó để hỏi giá cho thuê như vậy một ngày là bao nhiêu, bởi khi gặp được con là anh tức tốc cõng nó về. Chính cái điều dại dột này đã nhiều đêm làm anh mất ngủ; phải chi lúc đó anh khôn một chút thì anh có thể lôi cả đám ra trước vành móng ngựa. Bởi vậy, nhác trông thấy hai con người ghê tởm ấy xuất hiên ở cái xóm nghèo của anh lần thứ ba, anh quyết định hành động, nếu không lần này anh sẽ thua kiện nữa, mà thua kiện có nghĩa là mất con, là giết con... Không còn cách nào khác, anh âm thần đến nhà người bạn “mượn tạm” khẩu súng...
Hơn một tháng sau cái đêm bị mai phục, hai công dân Lê Văn Năm và Nguyễn Thị Lành cũng nhận được trát gọi ra hầu tòa. Sự thật thì họ được gọi đến chỉ để làm nhân chứng. Lão tài xế Năm cúi đầu bái phục bộ máy nhà nước khi giấy gọi ghi đúng tên họ ông và được gởi về đúng địa chỉ nhà ông.
Sở dĩ vụ án nhanh chóng kết thúc điều tra vì nó đơn giản: người phạm tội là một, ăn cắp súng của một người là hai, đi bắn một người khác là ba. Những người liên can hầu như không có hoặc có nhưng không đầy đủ chứng cớ để xác định tội danh, cho nên có thể nói không có gì để điều tra thêm.
Phiên tòa diễn ra buồn tẻ. Sau khi đọc bản cáo trạng, toà hỏi: Có phải ngày 1 tháng 8 năm 1992, lợi dụng sự quen biết, bị cáo đã lấy cắp vũ khí của một đồng chí công an để thực hiện âm mưu đen tối của mình? Trả lời phải. Tòa hỏi: Có đúng vào ngày 2 tháng 8 năm 1992 bị cáo đã dùng vũ khí lấy cắp bắn công dân Thúy Liễu lần thứ nhất? Trả lời đúng. Tòa hỏi: Chưa vừa lòng với tội ác của mình, vào ngày 15 tháng 8 năm 1992 bị cáo đã một lần nữa dùng khẩu súng lấy cắp bắn trọng thương công dân Thúy Liễu, bị cáo có thừa nhận hành động tội lỗi này của mình không. Trả lời có. Sau đó hai công dân Lê Văn Năm và Nguyễn Thị Lành cũng phải xác nhận đúng khi toà hỏi về cái đêm bị mai phục. Có lẽ vì cho rằng vụ án không có gì phức tạp nên tòa đã bỏ sót một tội danh của bị cáo, đó là việc nếu như vào cái đêm lẻn lên xe anh không sa lưới pháp luật thì anh sẽ còn đi tìm mẹ của thằng con anh, ít nhất là một lần nữa.
Tòa cũng nghị án. Thực ra ba-rem giá đã có sẵn rồi, chỉ cần áp dụng vào mỗi tội danh cụ thể. Vì mức độ phạm tội của anh tướng đối nghiêm trọng nên cái giá của nó cũng hơi cao: mười lăm năm tù.
Vẫn nhân cái lần cô Lành đi nhờ xe của tôi từ trại cải tạo về thành phố sáu năm sau, khi nghe tôi hỏi cô thật sự “nhập cuộc” với gia đình của phạm nhân từ lúc nào, nghĩa là từ lúc nào cô xác định mình là “người nhà” của phạm nhân rồi nhận lãnh gần như toàn bộ việc tới lui thăm viếng phạm nhân cũng như cưu mang hai ông cháu ở dưới quê, thì cô trả lời có lẽ từ cái lúc thấy hai ông cháu dắt tay nhau ngập ngừng không biết đi đâu trong cái sân rộng mênh mông của toà án sau khi phiên tòa kết thúc. Cô thì nói vậy, còn tôi nghĩ có lẽ cô thật sự nhập cuộc từ cái phút cô buột miệng nói với cha của phạm nhân “Cháu là bạn của anh Hoàng Lộc” trong lần cô ghé qua nhà
Cô Lành cười bẽn lẽn rồi chép miệng kể tiếp:
- Lúc đó anh Hoàng Lộc đã được đưa đi rồi, những người dự khán cũng đã về gần hết, trên sân chỉ còn lại có hai ông cháu. Ông mặc bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, một tay xách chiếc giỏ đệm, tay dắt thằng Cuội lúc đó mới vừa biết đi lẫm đẫm, cả hai đang còn lừng khừng, có lẽ chưa biết phải tính sao. Em bước đến hỏi: “Bác còn nhớ con không?” Ông già trả lời: “Nhớ chớ, nhưng hôm hổm lỡ nói dóc với cháu bây giờ mắc cỡ hổng dám nhìn”. Em chưa hiểu nên hỏi lại: “Bác nói dóc con chuyện gì?” “Thì bác nói mẹ của thằng nhỏ đã chết rồi!”. Em bồng thằng Cuội rồi hôn lên mái tóc khét nắng của nó, thấy thân thương như chính con mình sinh ra. Em nói: “Bác cứ kể như mẹ của nó đã chết rồi. Bây giờ con sẽ là mẹ của nó. - Em hỏi thằng Cuội - Cô làm mẹ của con, con chịu không?” Thằng Cuội gật đầu.
Từ đó đến nay đã gần sáu năm, mà cứ mỗi năm, vào dịp lễ, Tết hay Quốc khánh, cô Lành đều chở hai ông cháu thằng Cuội đi thăm cha nó. Dịp Quốc khánh hoặc Tết không khí ở đấy nhộn nhịp lắm, cảnh kẻ ở người đi diễn ra thật bịn rịn và quyến luyến, bởi đó là những dịp ân xá. Phần cô Lành, đôi ba tháng một lần, tóm lại những lúc rảnh rỗi cô chạy lên trại thăm và động viên anh. Cô khuyên anh gương mẫu chấp hành mọi qui định của trại, tích cực tham gia các phong trào do trại phát động... để có thể sớm trở về với cộng đồng xã hội. Cô biết, dù đang là một phạm nhân nhưng anh là người tốt. Ngược lại, có lẽ nhờ cái “lộc” nhà anh nên từ ngày nhập cuộc vào với gia đình anh, công việc làm ăn của cô cũng diễn ra suông sẻ hơn nếu không nói là phát đạt. Thật là ông trời có mắt.
Tôi không hỏi về số phận của mẹ thằng Cuội và cái gã ẻo lả có giọng hát huê tình. Con người ta đã bất nghĩa lại còn bất nhân cho dù ở đâu cũng là thứ bỏ đi.
Một ngày đầu năm nay, khoảng hơn bốn giờ khuya chuông điện thoại nhà tôi réo liên hồi làm ruột gan tôi thắt lại. Tôi có cha mẹ già ở xa nên rất sợ những cú điện thoại trái giờ, sợ đến mức có lần người ta gọi nhầm số vào quá nửa đêm làm cho tôi không sao ngủ trở lại được mà cứ ngồi nhìn cái điện thoại cho đến gần sáng. Nhưng hóa ra cô Lành:
- A lô, anh Nghĩa đó phải không? Em là Lành, Nguyễn Thị Lành nè anh. Anh còn nhớ em không?
- À nhớ chớ. Chào cô Lành, cô khỏe chứ?
- Dạ khỏe. Anh Nghĩa ơi, anh Hoàng Lộc đã về rồi...
- Ủa vậy hả? Về hồi nào vậy?
- Mới về tới tức thì. Em nhận được điện của ảnh chiều hôm qua nên tức tốc thuê xe vọt lên trển liền. Tới nơi trời đã tối nên phải về luôn trong đêm. Bây giờ ảnh đang ngồi đây, ngồi sát bên em nè. Anh có muốn nói chuyện với ảnh hông?
Biết nói gì với con người chưa quen qua điện thoại? Tôi nhanh chóng từ chối khéo:
- Không dám đâu! Xin nhường niềm vinh dự ấy cho em. Nhắn với chú ấy anh có lời chia vui khi chú ấy trở về với cuộc đời thường... À, bằng cách nào mà chú ấy...
- Được ân xá đó anh. Tết này nhiều người được ân xá lắm. Trường hợp anh Lộc, biết rằng thế nào cũng được ân xá vì mình cải tạo tốt, nhưng không ngờ sớm như vậy, thậm chí ngày hôm qua nhận được điện em còn không muốn tin.
- Ông cháu thằng Cuội đã biết chuyện này chưa?
- Trời phật, anh nhắc mới nhớ. Họ chưa biết. Lẽ ra phải tìm cách báo tin cho họ biết trước chớ.
Quýnh quá em quên đầu quên đuôi không biết nên làm chuyện nào trước chuyện nào sau. Thôi nghen anh, em báo cho anh biết tin vậy thôi. Em cúp máy à.
- Khoan, khoan! - Tôi la lên, định ghẹo cô một câu rằng, coi bộ cô còn mừng hơn chính mình vừa được ân xá, nhưng cô đã gác máy.
Như vậy là cô quên không xin lỗi tôi về chuyện mới hơn bốn giờ khuya đã dựng tôi dậy. Có thể sau này cô sẽ nhớ và sẽ xin lỗi sau, còn bây giờ thì... Biết làm sao được, khi người ta quá hạnh phúc người ta có còn nhớ gì nữa đâu.
Sài Gòn 12.11.1998