Nghệ sĩ Bửu Lộc sinh năm 1911 tại An Cựu, thành phố Huế. Từ nhỏ, Bửu Lộc đã được sống trong bối cảnh đàn ca xướng hát của gia đình và bằng hữu của thân sinh, thân mẫu. Hồn nhạc dân tộc truyền thống đã thấm sâu vào tâm can Bửu Lộc những mạch ngầm thuần khiết góp phần nuôi dưỡng chất nghệ sĩ trong con người Bửu Lộc. Qua sự học hỏi các bậc danh cầm đương thời cộng với niềm say mê đàn hát ca Huế đến năm 15, 16 tuổi Bửu Lộc đã chơi thuần thục, điêu luyện 4 loại đàn (tứ tuyệt): tranh, tì bà, nhị cầm, nguyệt cầm, trong đó đàn tranh là ngón sở trường nhất của Bửu Lộc. Theo nhà nghiên cứu Văn Thanh: "Tuy đàn tranh tương đối dễ học hơn các cây đàn khác, nhưng luyện cho được tiếng đàn thật chín, thật êm ái ngọt ngào cũng đòi hỏi nhiều công phu. Vừa là dây đồng lại cao hơn các đàn khác một bát độ, nên tiếng đàn tranh thừơng làm nổi bật được điệu nhạc và rất hợp với tiếng ca" và nghệ sĩ Bửu Lộc đã đạt được cái tinh tế ấy trong nghệ thuật đàn tranh. Năm 1946, Bửu Lộc đã chiếm giải nhất về đàn tranh tại cuộc thi nhạc dân tộc được tổ chức ở Hà Nội. Về sau này trong làng âm nhạc cổ truyền Huế nổi lên các danh cầm với các nghệ thuật tuyệt kỹ như: Bửu Lộc (đàn tranh), Nguyễn Hữu Ba (đàn nhị), Vĩnh Phan (đàn tì bà), Gia Cẩm (đàn nguyệt).
Trong thú chơi âm nhạc cổ truyền Huế, đàn với ca như hình với bóng. Lời ca có chất văn học cao, nội dung càng sâu sắc thì người đàn, người ca càng có độ rung cảm xuất thần khi thể hiện các bài bản. Nghệ sĩ Bửu Lộc là một trong những người có khả năng vừa chơi đàn vừa soạn lời ca Huế. Cũng như Ưng Bình Thúc Giạ Thi, nghệ sĩ Bửu Lộc đã rất tài hoa, điệu nghệ khi kết hợp dòng văn chương bác học với nguồn văn học dân gian để soạn lời ca Huế. Do nắm bắt được kỹ thuật đàn ca nên Bửu Lộc đã rất tinh khi chọn âm vận, chọn chữ, chọn lời nhằm cho câu ca ăn khớp, phù hợp với dấu giọng bổng trầm, vần bằng vần trắc của ca từ, của điệu nhạc. Cũng vì công kỹ như vậy nên phần lớn ca sĩ rất thích được ca những bài ca Huế do nghệ sĩ Bửu Lộc sáng tác; đồng thời vì thế mà nhiều bài ca của Bửu Lộc được phổ biến, loan truyền rộng trong giới ca sĩ, giới thưởng ngoạn ca Huế.
Nội dung những bài thơ, ca Huế của Bửu Lộc thường thiên về đời sống nội tâm, mượn cảnh để bày tỏ mối cảm hoài về cuộc đời "Đêm khuya văng vẳng tiếng đàn ai? Giọt lệ vô duyên nhỏ vắng dài. Tâm sự giai nhân than với bóng. Tinh hồn nghệ sĩ khóc trên dây", về nhân tình thế thái: "Ai mua danh, ai cầu lợi, dường gió thoảng mây trôi, ra với đời bán giận mua vui, cười chưa hẳn là vui ..." (Tứ đại cảnh - Ai công hầu ai khanh tướng) về nỗi nhớ Huế da diết : "Nhớ thương Huế - nhớ Hương Giang, Ngự Bình, nhớ thơ tình Vỹ Hương, càng thêm nhớ khách văn chương. Tình vương, tiếng ca điệu đàn, càng bận, càng can tràng khi nắng dọi cạnh tường, khi gà gáy báo tan canh, khi tiếng mơ buồn nghe chuông chùa xa buông ... (Phú lục - Nhớ Huế).
Ngoài việc tổ chức các sinh hoạt đàn ca Huế với các nhạc hữu, nghệ sĩ, diễn viên đương thời, từ năm 1957 đến 1963, nghệ sĩ Bửu Lộc được Trường Quốc Gia Âm nhạc tại Huế mời làm giảng viên bộ môn đàn tranh và đàn nguyệt. Nhiều thế hệ học trò đàn ca Huế đã được trưởng thành trước sự dìu dắt, dạy dỗ tận tình của thầy Bửu Lộc. Cũng trong những năm này, nghệ sĩ Bửu Lộc đã thành lập Ban Ca Huế Hương Bình qui tựu nhiều danh cầm, nghệ sĩ tên tuổi như : Vĩnh Phan, Trịnh Chất, Ngũ Đại, Gia Cẩm, Tuyết Hương, Bích Liễu, Thu Tâm ... Ban Ca Huế Hương Bình trong giai đoạn này đã có công lớn trong việc chống lại ảnh hưởng lai căng đồi trụy, chống lại các hành vi lợi dụng mua chuộc, tha hóa, muốn biến ca Huế thành thú tiêu khiển, sa đọa trụy lạc; thành công cụ tâm lý chiến cho bộ máy tuyên truyền của giới cầm quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Ban Ca Huế Hương Bình đã tích cực góp phần chấn hưng, phát huy các giá trị chân chính của loại hình đàn ca Huế trong vùng địch tạm chiếm.
Từ năm 1975 khi đất nước thống nhất, nghệ sĩ Bửu Lộc được mời đệm đàn tranh cho các chương trình Thơ của Đài Tiếng Nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh; được mời tham gia vào các Ban Giám Khảo trong các kỳ thi tốt nghịêp của Trường Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và thường dự nhiều sinh hoạt âm nhạc ca Huế thính phòng với các nhạc hữu, nghệ sĩ từ Huế vào giao lưu văn hoá nghệ thuật.
Năm 1985, nghệ sĩ Bửu Lộc được Tỉnh ủy, UBND Thừa Thiên Huế mời ra Huế dự lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng Thừa Thiên Huế cùng với các văn nghệ sĩ lão thành, tên tuổi khác như nhà thơ Bảo Định Giang, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhà thơ Lương An, nhà văn Trần Công Tấn ... Không ngờ nghệ sĩ Bửu Lộc ra thăm Huế lần ấy là lần cuối cùng vì sau đó một thời gian nghệ sĩ Bửu Lộc qua đời vào ngày 30.11.1986 tại thành phố Hồ Chí Minh trước niềm tiếc thương vô hạn của những người đồng điệu trong cả nước.