Nhìn vào thế giới văn nghệ nói chung, viết lách nói riêng của ngưới Việt, lúc nào cũng thấy có tí mây khói của cà phê thuốc lá, chút hơi men của bia rượu, nó như một dấu hiệu phải có nơi người nghệ sĩ. Tôi đã có thời tập hút thuốc, tập uống rượu, nhưng đã không thành công. Hút thuốc rõ ràng là có hại cho sức khỏe song chân dung một người đàn ông bồng bềnh trong khói thuốc thì tuyệt đẹp. Nhìn Vũ Khắc Khoan ngậm ống dố, nhìn Trùng Dương, Du Tử Lê nhả khói thuốc thành mây, tôi muốn có ngay điếu thuốc cắm lên môi…Do đó có dịp tôi cũng hay la cà với mấy đấng nghệ sĩ, không phải tập làm văn nghệ mà để ngắm những chân dung trong khói thuốc, để nghe chuyện trời trăng mây nước. Và, quán bên đường thì còn nhiều hình ảnh khác nữa.
Mỗi lần về Sài Gòn, thế nào tôi cũng có một hai buổi qua khu cà phê Miếu Nổi mà giới văn nghệ gọi là cà phê rốn (1), nơi đây những người tôi thường gặp: họa sĩ Hồ Thăng, Rừng, nhà thơ “Lên Non Tìm Động Hoa Vàng”, nhà thơ “Một Mùa Tóc Mộ”ä, nhà văn Trần Áng Sơn. Ngoại trừ thi sĩ “Một Mùa Tóc Mộ”ä, tóc râu xồm xoàm, còn thì ai cũng “khăn áo” chững chạc, cứ như viên chức thời Pháp thuộc. Trần Áng Sơn lúc nào cũng có chiếc cặp da mỏng mang theo như mới ở sở về.
Hỏi rằng nói chuyện gì thì không biết chuyện gì để nói, nhưng cứ gặp nhau là chuyện từ sáng đến trưa cũng không hết. Thế mới văn nghệ. Trần Áng Sơn ít nói, cười nhiều nhưng cười nhẹ, cười như tán thưởng điều đắc ý mới nghe, cười như để chào nhau. Lúc nào anh cũng mang đôi kính trắng, và thuốc lá luôn có trên môi.
Ngồi vào bàn, không ai order gì, mà mãi lo chuyện trò như đang ngồi nhà bạn. Các cô tiếp viên son trẻ lẩn quẩn đến bên thân mật đợi, đợi cho đến lúc không đợi được mới hỏi:
- Anh uống gì?
- Anh nâu nóng (cà phê sữa nóng)
- Anh nâu đá (càphê sữa đá)
Người nào cũng thích có tí sữa, tôi thì:
- Đen nóng không đường.
- Anh cà phê không đường?
- Đúng rồi.
Cô gái nhìn tôi chăm chăm như chưa hiểu. Thực tình thì tôi uống cà phê là để hưởng cái không khí hè phố, để nhìn người qua lại, để vui với bạn bè chứ chẳng phải vì cà phê.
Nhà văn Trần Áng Sơn tặng tôi bộ sách 3 cuốn có tên: Những Trang Sách Khép Mở (NTSKM). Chỉ mới nghe tên sách, tôi đã bái phục nhà văn. Anh hay lắm, chọn một cái tên tiến thối gì cũng an toàn. Đã khép, nhưng cần mở vẫn không có gì trở ngại. Trong một xã hội bất thường, bất ổn, cửa khi khép khi mở là quá hay, bên ngoài mưa gió thì khép, đẹp trời thì mở xem dòng đời trôi qua.
Suốt 3 tập sách 100 bài, trừ vài bài viết về anh, phần còn lại anh viết về những người làm văn học nghệ thuật, từ biết sơ đến quen thân, người nào anh cũng điểm qua …với dọng văn nhẹ nhàng, bình dị, không nặng về khảo cứu. Tôi thích đọc cách viết như vậy, vì đấy là cách riêng của Trần Áng Sơn. Nếu đọc NTSKM mà như đọc “Danh Nhân Đất Việt, tự điển Nhân Vật…“ thì chỉ khi cần tư liệu mới sờ tới. Qua gần trăm nhân vật, tôi thấy nội lực anh khá thâm hậu. Người nào anh nói đến cũng với tất cả tấm lòng thẳng thắn, nói như nói về những gì trước mặt, nói cái anh thấy, nói điều anh nghe, không viện dẫn bất cứ “kinh điễn” nào. Đôi khi có nặng nhẹ nhưng không ai phiền lòng. Trong “ Thư gởi gần xa” mở đầu tập 1 anh viết:
“…tôi không hề có ý định viết một cuốn chân dung văn học, lại càng không phải là lý luận, phê bình văn học, nên những tác giả tôi được hân hạnh viết về họ đều không có phần tiểu sử, chân dung, tác phẩm, nghệ thuật và quan niệm sáng tác của họ”. (NTSKM1 trang 5)
Anh viết như ăn uống, hít thở, anh tự nhận: “...chưa bao giờ nghĩ mình làm thơ để bằng hay hơn người này người nọ, người kia, làm thơ vì thích, vì cần giãi bày những cảm xúc của mình, thế thôi” (Kẻ Thích Đùa, NTSKM 1 trang227).
Đã “làm văn nghệ’ ít nhiều cũng vướng “bụi trần”, điều đó không có gì lạ, chỉ có đóng cửa nằm nhà mà “vướng bụi” mới ngạc nhiên. Thế nhưng, rõ ràng gần anh, tôi không thấy gì sôi nổi, không một báo hiệu giông gió, nói chi đến bão táp (trong lòng). Anh thú thật, đời anh cứ mỗi khi rắc rối là cĩ một gai nhân khơng quen biết đến gỡ hộ. Ngay chuyện sách anh bị ngâm mấy năm khơng được in cũng do một người đàn bà giúp khai thơng. Và, rất tình cờ, hôm ngồi trong quán Phố Hồi của Huy Tưởng tôi bấm cho anh tấm ảnh lại dính hai bóng hồng thấp thóang phía sau.
Rồi một buổi sáng anh đến quán cà phê, muộn hơn mọi người, cũng áo quần tươm tất, cũng chiếc cặp da mỏng kẹp trước xe, anh kéo ghế ngồi và chậm rãi nói:
- Đêm qua thức suốt, không sao ngủ được.
- Sao? lại có vấn đề à?
- Nhung bỏ đi, để lại khoảng trống cho mình.
Tôi bán tín bán nghi, chưa hiểu câu chuyện thế nào, vì thực ra mỗi lần về cũng chỉ gặp nhau đôi ba bận thì biết gì hơn. Nhưng, Rừng xô ghế đứng dậy bắt tay anh:
- Chúc mừng cậu, cậu còn bị mất ngủ là điều may mắn. Nếu không, nên vào bảo tàng.
- Tớ thức trắng đêm và viết bài này.
Anh rút trong cặp ra trang giấy có chữ một mặt và đọc, giọng trầm buồn:
Khoảng trống để lại
1
Những buổi sớm mai xanh
anh thức dậy như một thói quen
bởi trái tim được sưởi hồng
bằng
ánh mắt của em
2
Sáng nay em thức dậy
không bởi một thói quen
sáng nay anh
như thiếu một điều gì
mất một điều gì
liên quan đến em
3
Sáng nay
kỷ niệm như kết bằng pha lê
vỡ vụn
thành cơn mưa thuỷ tinh
mỗi mảnh vỡ
là
một vết thương
4
Anh vẫn đến
ngồi đây
với ghế bàn hiu quạnh
không có em
một mình
anh nhớ lắm
- Nhung ơi!
5
Vì sao
em ra đi
không nghĩ gì
khoảng trống để lại
anh hứng hết vào lòng
san lấp
bằng nhớ thương
6
Người đàn ông khóc
nghe tức cười
anh là kẻ tức cười
nên anh khóc
có gì đâu
một gã si tình
khóc cho cuộc tình si
7
Bảy ngày chờ mong
như bảy giấc mơ
trôi trên những dòng kẻ
trái tim anh
rơi vào một nốt trầm
em vô tình
thổi nhẹ
giấc mơ tan!
Trần Áng Sơn (Sài gòn 2004)
Anh yên lặng xếp cất bài thơ, anh không buồn lắm nhưng có vẻ thẩn thờ. Chúng tôi tất cả ngưng một giây như mặc niệm cho giấc mơ bảy ngày của anh. Nếu mình có cách gì đó (thiên lý nhãn chẳng hạn) thì sẽ thấy mỗi giây phút trôi qua kéo theo biết bao giấc mơ, để lại biết bao khoảng trống. “Khoảng trống” thì không vui, nhưng đôi lúc cũng đẹp.
Tháng Tư 2004
(1) Bạn hữu quê nhà (Thăng Trầm in 2004)
Nguồn www.ltcn.net