Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
833
123.236.515
 
Nhận định danh nghĩa TRIỆU ĐÀ (NHÀ TRIỆU – HÁN) và phân kỳ lịch sử : Giai đoạn mất nước
Trần Xuân An

1

Năm mươi năm triều An Dương vương:

giai đoạn “bản lề” ([Giáp thìn, -257] – [Quý tị, -208])

 

Vua Hùng thứ XVIII đã mất vương quyền bởi sự đánh đổ của Thục Phán An Dương vương, đó là một sự thật lịch sử thuộc về thời kì huyền sử. Khái niệm “sự thật lịch sử” thời kì này có tính chất không tuyệt đối, hàm chứa ít nhiều sai biệt có thể chấp nhận được (kể cả khái niệm về các đơn vị [năm, tháng] tính toán số lượng thời gian).

 

Như vậy, thời đại độc lập, tự chủ đích thực của dân tộc Lạc Việt đã chấm dứt. Và từ đó, Thục Phán với việc thành lập nước Âu Lạc (Âu Việt + Lạc Việt) đã khởi đầu một giai đoạn mới trong khoảng năm mươi năm ở nửa sau thế kỉ thứ ba trước công nguyên Tây lịch. Đối với nguy cơ thường trực là sự xâm lược của phong kiến Hán – Hoa, nước Âu Lạc vẫn thật sự là một nước độc lập. Hơn nữa, Âu Lạc đã kháng chiến chống sự xâm lược của Tần Thuỷ hoàng, trực tiếp là đánh bại hai tên giặc Triệu Đà và Nhâm Ngao (Hiêu) cùng quân binh nhà Tần, trước khi bị chúng thực thi kế gián điệp để cướp nước.

 

Cho dù nhận định rằng chiến tranh sáp nhập các bộ lạc thị tộc (nhân tộc) là tất yếu lịch sử thời cổ đại để hình thành dân tộc (hoà huyết các nhân tộc), tôi vẫn gọi giai đoạn 50 năm thuộc triều đại An Dương vương là giai đoạn “bản lề” (*).

 

2

Định danh Triệu Đà và triều đại Triệu – Hán

([Giáp ngọ, -207] –  [Canh ngọ, -111]):

 

a. Gốc tích Triệu Đà và nhà Triệu – Hán:

 

Không còn nghi ngờ gì nữa, Triệu Đà là người Hán (nguyên quán: huyện Chân Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Hoa), là một tên tướng xâm lược thuộc đội quan quân viễn chinh, chiếm đóng của bạo chúa Tần Thuỷ hoàng (một trong những bạo chúa khét tiếng nhất trong lịch sử thế giới). Nhưng cũng không nghi ngờ gì nữa, Triệu Đà cùng Nhâm Ngao (còn đọc là Nhâm Hiêu) không phải là trung thần mù quáng của Tần Thuỷ hoàng. Khi nhà Tần (Trung Hoa) suy bại, sắp sụp đổ, Ngao sắp chết, Ngao đã bàn với Đà về ý đồ cát cứ, lập ra một nước mới thuộc quyền sở hữu của riêng Đà. Và quả thật, 4 năm sau (208 tr. c. ng.), Đà sẽ thực hiện được điều này sau khi đánh bại An Dương vương nước ta. Tất nhiên, việc cát cứ này, ngoài tham vọng quyền lực, giàu sang cá nhân vốn là động cơ, còn bởi nguyên nhân là Triệu Đà phải tự vệ trước sự chiến thắng của Lưu Bang với sự thành lập triều Hán, một đế chế mới, thay thế triều Tần đã sụp đổ (206 tr. c. ng.).

 

Cương mục chép sự kiện 4 năm về trước: “Năm Tân mão (210 tr. c. ng.) (Thục – An Dương vương năm thứ 48; Tần – Thuỷ hoàng năm thứ 37) […] Triệu Đà sang xâm lược, đóng quân ở núi Tiên Du thuộc Bắc Giang, đánh nhau với vua Thục. Vua Thục đem nỏ thần ra bắn. Đà thua chạy. Khi ấy, Nhâm Hiêu [:Ngao – ct.] đóng chu sư ở tiểu giang, vì mắc bệnh, phải trở về. Lúc về, Nhâm Hiêu có dặn Triệu Đà rằng: ‘Nhà Tần mất rồi. Nếu ông biết dùng mưu đánh lấy Thục thì có thể lập được nước đấy’” (1).

 

Và mặc dù bại trận, Triệu Đà cũng đã dùng áp lực của nước Tần khổng lồ để buộc An Dương vương phải cắt đất cầu hoà.

“Triệu Đà biết vua Thục có cái nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui giữ núi Vũ Ninh, sai sứ xin hoà. Vua Thục mừng, chia đất cho Đà từ sông Bình Giang trở về Bắc; còn từ Bình Giang trở về Nam thì vua Thục cai trị. Triệu Đà cho con là Trọng Thuỷ sang làm con tin, nhân tiện cầu hôn” (1).

 

Đây là lần chia cắt Đất nước đầu tiên trong lịch sử nước ta (sau cuộc li thân, chia con của Âu Cơ và Lạc Long quân), bởi cuộc xâm lược của người Hán tộc (Trung Hoa).

 

Chính nhờ mưu gian gửi rể (có thể gọi là mĩ nam kế), Trọng Thuỷ lấy được lẫy nỏ trong lúc Mỵ Châu ngây thơ, cả tin đưa nỏ thần cho Thuỷ xem. Cuối cùng, Triệu Đà xua quân đánh úp nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc mất, sau 50 năm sáp nhập Âu vào Lạc, kế tục nước Văn Lang của nhân dân ta dưới triều đại hơn hai nghìn năm của mười tám đời vua Hùng.

 

Như vậy, còn phân vân gì nữa để không xác định rõ: Triệu Đà là một tên giặc ngoại xâm thuộc Hán tộc Trung Hoa! Và cho dù y li khai nhà Hán ở Trung Hoa với âm mưu cát cứ, xâm chiếm thêm để thành lập một nước riêng, thuộc quyền sở hữu riêng của y và của họ tộc y, thậm chí y và con cháu y còn lấy vợ người Bách Việt, y tự xưng là “Man Di đại trưởng lão phu, thần Đà” (2) khi viết phúc thư đệ gửi Hán Văn đế vào năm 180 tr. c. ng., thì y vẫn là tên “giặc Đà”. Huống nữa, Triệu Đà vốn là người Hán, còn thần phục nhà Hán (196 tr. c. ng.), được Hán Cao đế phong làm Nam Việt vương.

 

“Giặc Đà” hay “Triệu Vũ vương”? Nói rõ hơn, Triệu Đà là tên xâm lược có tham vọng riêng hay là một vị vua chính thống có công đức với dân tộc Việt Nam ta? Đây là một vấn đề không phải chưa gây tranh cãi. Lê Văn Hưu (1230 – 1322), một sử gia thuộc triều Trần, sống trong thời đại chất ngất hào khí chiến thắng quân Nguyên – Mông, ý thức dân tộc và tinh thần tự hào dân tộc được nâng cao, không hiểu sao ông lại xoá nhoà ranh giới về tính dân tộc ở hoàng tộc nắm giữ vận mệnh cả dân tộc vốn được xem là quốc thể, thể thống dân tộc. Cho đến Ngô Sĩ Liên thời Hậu Lê trung hưng cũng định danh nhà Triệu – Hán này là chính thống. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ở thời thực dân Pháp thống trị, Trần Trọng Kim cũng không khác hơn.

 

Các sử gia Cương mục xem nhà Triệu – Hán này không phải là chính thống, mà chỉ xếp vào loại liệt quốc. Tuy việc xếp vào loại liệt quốc này, gồm cả An Dương vương lẫn Lý Bí (Bôn), Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục, chưa hẳn đã hợp lí hoàn toàn, nhưng cũng chứng tỏ ý thức dân tộc ở triều Tự Đức – Kiến Phúc nhà Nguyễn có được sự quan tâm.

 

“Người đặt tên nước là Âu Lạc, người đóng đô ở Phiên Ngung, đều chép ngang như liệt quốc” (3).

Tất nhiên, song song với sự định danh là một vương triều chính thống của lịch sử dân tộc (Toàn thư) hoặc chỉ là loại liệt quốc (Cương mục), Triệu Đà vẫn bị gọi đúng danh xưng là “giặc Đà”.

 

Về sau, giới sử gia ở Miền Bắc nước ta (1954 – 1975) mới định danh xác đáng: “Giặc Đà”, triều đại xâm lược họ Triệu – Hán, là danh nghĩa đồng thời là thực chất của Triệu Đà và 4 đời con cháu y nối nhau làm vua ở nước ta, đúng như Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780), tác giả Việt sử tiêu án đã viết: “Đến như việc tán tụng công lao của Triệu Đà đã xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên cứ theo cách chép ấy không biết thay đổi, rồi đến bài Tổng luận của Lê Tung, thơ Vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc đế của nước ta. Qua hàng ngàn năm mà không ai cải chính, vì thế tôi phải biện bạch kĩ càng” (4).

 

Do đó, sau giai đoạn “bản lề” là 50 năm triều đại An Dương vương (nhà Thục), đất nước ta thật sự rơi vào thời kì bi thảm, đen tối nhất của dân tộc: hơn một ngàn năm phải làm nô lệ giặc Tàu. Sự định danh lại về Triệu Đà và nhà Triệu – Hán ([-207] – [-111]) còn kéo thêm một số vấn đề khác, như việc phải định danh lại nhân vật Lữ Gia chẳng hạn (5).

 

b. Triệu Đà và chủ trương bành trướng Hán tộc, đồng hoá dân tộc Bách Việt của nhà Tần (Tần Thuỷ hoàng):

 

Sẽ là vội vã kết luận nếu không phân tích thêm một vài nét.

Cả Toàn thư và Cương mục đều đã khảo chứng tư liệu và cùng ghi nhận rằng, các nhân tộc Bách Việt vốn sinh sống trên địa bàn rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử (nay là nam Trung Hoa) đến Âu Lạc (nay là Bắc kì và bắc Trung bộ nước ta), trong đó có dân tộc Việt (Âu Cơ – Lạc Long quân), đã bị bọn phong kiến Trung Hoa áp đặt chính sách bành trướng Hán tộc, đồng hoá dân tộc Việt với mưu toan “tiệt nòi”, hoàn toàn Hán hoá. Khởi đầu là cuộc xâm lược của quân binh nhà Tần với tên tướng giặc Đồ Thư.

 

Cương mục chép: “Năm Đinh hợi (214 tr. c. ng.), (Thục An Dương vương năm thứ 44; Tần Thuỷ hoàng năm thứ 33). Nhà Tần sai Đồ Thư và Sử Lộc sang lấy đất Lĩnh Nam, đặt ra Tượng quận. Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu uý là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc khơi cừ lấy lối tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú. Người Việt [chỉ chung Bách Việt – ct.] bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để người Tần dùng; lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được hiệu uý Đồ Thư” (6).

 

Cương mục còn chua thêm: “Bây giờ tỉnh Quảng Tây tức là Quế Lâm, tỉnh Quảng Đông tức là Nam Hải, đất Giao Chỉ tức là Tượng Quận. […] Đến Hán Vũ đế [135 tr. c. ng. – ct.] tách Tượng Quận làm ba là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam [Bắc kì, bắc Trung bộ nước ta, và vùng Quảng Nam trở vào… – ct.]” (6).

 

Cương mục chép tiếp: “Nhà Tần sai Nhâm Hiêu và Triệu Đà đem năm mươi vạn dân bị tội đày sang thú ở đất Ngũ Lĩnh. Hiêu và Đà mới âm mưu làm việc cát cứ, kiêm tính” (7). Cũng theo Cương mục, Nhâm Hiêu bàn về lực lượng người Hán bị đưa sang Bách Việt này: “… Phiên Ngung (nhà Hán gọi là Nam Thành) là chỗ núi sông hiểm trở, đông tây đều vài nghìn dặm, lại có người Trung Quốc [lưu dân – ct.] giúp đỡ thì có thể lập thành một nước được đấy” (8).

Đến năm Giáp ngọ (207 tr. c. ng.), Triệu Đà “đã kiêm tính được đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt vương” (9).

 

Chủ trương di thực Hán hoá ấy đã bị thực thi khắp các xứ sở Bách Việt (Quảng Đông, Quảng Tây, bắc Việt Nam ngày nay), không phải riêng ở trên lãnh thổ mà nay ta gọi là Bắc bộ và bắc Trung bộ nước ta. Dẫu sao, việc bị xâm lấn bởi số dân nhập cư người Hán, binh lính viễn chinh người Hán chiếm đóng đó là có thật.

 

Đó là một thảm trạng dân tộc do âm mưu, chính sách thâm độc của bọn phong kiến bành trướng Hán tộc ở phía bắc sông Dương Tử (trên đất Trung Quốc hiện nay). Lạ thay, lại có kẻ vong bản (do bị nhồi sọ), cho rằng đó là một cơ may lịch sử để giao lưu huyết tộc và văn hoá  (10) (**)!

 

Nhân danh dân tộc Việt Nam, xin trích dẫn nguyên văn một đoạn sử tồi tệ do Phan Thị Hán viết (nếu không bị ai đó sửa chữa nhằm bôi nhọ dân tộc Việt Nam ta và bôi nhọ cả cụ Phan): “Sách Lễ Kí chép rằng: ‘Người phương nam gọi là Mán, trán có khắc hình và hai ngón chân giao nhau’. Sử chép rằng: thời Lê, Lý, quân sĩ đều có khắc chữ “thiên tử quân” trên trán. Đó là chứng cớ khắc trán. Giao chỉ là hai ngón chân cái xoè ra, hai chân giao nhau. Hồi còn trẻ tuổi, thấy có một vài người già, hai ngón chân cái xoè ra, đứng thẳng thì giao nhau, đi giày không được. Đó là chứng cớ giao chỉ. Ngày nay trong nước vẫn có người có ngón chân cái giao nhau, họ đến độ bảy, tám mươi tuổi rồi. Thời nhà Hán chia nước ta ra thành quận Giao Chỉ, có lẽ cũng nhân giống người đặc biệt ấy mà đặt tên quận chăng?” (11). Một đoạn khác: “Hơn nữa, gần đây, một vài người Giao Chỉ còn sót lại, số lượng không bằng một phần trăm dân số trong nước, lại rất là đần độn không biết gì, họ như người thời thái cổ. Ngoài ra những người lanh lợi, khôn ngoan thì đều là hỗn hoá chủng tộc với người Hán Trung Quốc” (11). Phan Bội Châu (Phan Thị Hán) còn dẫn chứng bằng nhân dạng, ngôn ngữ, tên họ, sách sử ta ghi chép về những nhóm người, đoàn người Hán nhập cư dọc dài theo lịch sử. Phan Thị Hán viết tiếp: “Gộp những điều chứng trên kia lại mà xét, thì giống người nước ta ngày nay có thể đoán chắc là giống người Hán. Giống người mọi rợ khắc trán, giao chỉ kia nhất biến đã thành giống người văn minh xinh đẹp, áo mũ chững chàng. Tuy đó là điều không may cho người nước ta ngày xưa, nhưng lại là đều may cho người nước ta sau này. Thế thì con cháu, họ hàng chúng ta ngày nay có nỡ lòng để cái giống nòi này mòn mỏi hèn kém xuống ngang hàng với ngựa trâu được không?” (11). Hoàng Trọng Mậu lại viết lời phê ngay trong “Việt Nam quốc sử khảo” của Phan Bội Châu: “Khí hoá truân chuyên, dã man biến thành văn minh. Kẻ ngu xuẩn tất không thể sinh tồn được ở thế giới trí thức”; “Thuyết về hỗn hoá như vậy, chứng tỏ không sai lầm” (11).

 

Tôi ngờ rằng đây là tư tưởng Đại Hán chủ nghĩa (bành trướng Hán tộc chủ nghĩa), nội hạ ngoại di (người trong nước [Tàu] thì văn minh, người ngoài nước [Tàu] là mọi rợ) của một phân số người Hán, và trực tiếp là của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu hoặc của những Hoa kiều, người Việt gốc Hoa nào đó. Nhưng chẳng lẽ cái tên tự đặt là Phan Thị Hán cũng do Lương Khải Siêu đặt nốt!?!

Trong lí luận, nhất là lối ngụy biện, người ta vẫn dùng chứng cứ để ngụy biện cho có lí. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, có những hiện tượng không phổ biến, không tiêu biểu vẫn cứ được thổi phồng để làm đặc trưng (như sách Lễ kí), để làm luận chứng, luận cứ (như Việt Nam quốc sử khảo của Phan [Thị Hán] Bội Châu); hoặc xuyên tạc các chứng cứ theo ý đồ, theo nhận thức chủ quan sai lầm.

 

Về nhân dạng, chẳng lẽ Phan Bội Châu không hiểu về nhân chủng và các chi nhánh của nhân chủng! Ai cũng biết và ai cũng thấy, nếu các nhân tộc, dân tộc thuộc đại chủng da vàng châu Á, thì đại thể là giống nhau về nhân dạng; cũng đại thể là giống nhau như vậy, trong đại chủng da trắng châu Âu (+ bắc châu Mỹ), trong đại chủng da đen ở châu Phi. Về ngôn ngữ, ngoài tư duy có tính phổ quát của loài người thể hiện ở ngữ pháp, chẳng lẽ không có sự giao lưu, vay mượn từ ngữ và nhất là sự hình thành số lượng từ ngữ “nhập tịch” do bị áp đặt một nền Hán học lâu đời, như thể tiếng La Tinh đối với các ngôn ngữ châu Âu? Về họ, cũng cứ lấy họ của người châu Âu mà xét, cho dù là người Đức, người Pháp, hay người Anh, người Nga, các dân tộc ấy đều lấy tên Thánh trong Kinh Thánh của Do Thái để làm họ (thật ra, ban đầu là do các linh mục của đế quốc La Mã “ban cho” giáo dân thuộc địa!); ở trường hợp nước ta, là do viết trại, đọc trại họ Việt cổ theo chữ Hán, âm Hán hoặc bị áp đặt họ Hán để đồng hoá về tộc tính.

Ở đây, tôi không muốn sa đà đến lạc đề.

 

Cái chính là có một sự thật lịch sử: Quả thật, có chính sách đồng hoá dân tộc của phong kiến Hán tộc Trung Hoa; ở thời điểm thế kỉ thứ III tr. c. ng. là chính sách của nhà Tần, trong quá trình chúng thực dân, xâm chiếm Bách Việt (gồm cả xứ Giao Chỉ) để bành trướng Hán tộc, để làm “tiệt nòi” Bách Việt (hoàn toàn Hán hoá), thông qua vai trò của Triệu Đà, Nhâm Hiêu (Ngao). Và tất nhiên cũng có phản ứng ngược lại, đó là ý thức cùng hành vi chống sự đồng hoá dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc của người Bách Việt từ vùng đất nay là Quảng Tây, Quảng Đông và bắc Việt Nam. Phải thấy rằng, trước đây, phong tục ăn trầu, nhuộm răng Việt Nam, là một trong các biện pháp để khỏi xoá nhoà dân tộc, chống lại sự đồng hoá dân tộc (không những từ cổ đại mà cho đến đầu thế kỉ XX, từ Nam Quan đến Cà Mau, phong tục đó vẫn còn tồn tại). Phải thấy rằng, Việt Nam vẫn vượt qua thách thức đồng hoá dân tộc theo chính sách thực dân, bành trướng, Hán hoá đó, và dân tộc ta vẫn tồn tại, mãi mãi tồn tại, suốt mấy ngàn năm qua và muôn vạn năm sau, trong khi ở Quảng Tây, Quảng Đông, đồng bào Bách Việt của Việt Nam chúng ta hầu như đã Hán hoá gần hết.

 

Hãy thử làm một chuyến du lịch – nghiên cứu văn hoá trên khắp nước hoặc ở một vài tỉnh bất kì, tuỳ chọn lựa, người ta sẽ không tìm thấy đâu ra người Hán (ngoài số ít Hoa kiều) hoặc dấu vết Hán (ngoài một số chữ Hán do nền giáo dục cũ lâu đời lưu lại) trong sinh hoạt thường ngày, trong lễ tết của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, làng thôn, thành thị Việt Nam. Dĩ nhiên, có giao lưu văn hoá, có tiếp nhận văn hoá, nhưng đặc biệt là tất cả những yếu tố văn hoá tiếp nhận ấy đều được Việt hoá, chứ không phải Hán hoá. Từ xa xưa, trong “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã viết: “Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc [:Hán – TXA. ct.], Nam [:Việt – TXA. ct.] cũng khác”!

Vấn đề là Triệu Đà với chính sách Hán hoá huyết thống Việt và văn hoá Việt trong thế kỉ thứ III tr. c. ng. do nhà Tần khởi xướng. Và vấn đề là bản lĩnh Việt, bản sắc văn hoá Việt, khả năng Việt hoá trong thách thức lâu dài đó.

 

c. Thêm vài nét về nhà Triệu – Hán xâm lược, chiếm đóng và cát cứ:

 

Từ những năm Tần Thuỷ hoàng còn sống với quyền lực bạo chúa trong tay, Triệu Đà và Nhâm Ngao (Hiêu) còn làm hiệu uý, chúng xua quân đánh chiếm Bách Việt, số người Hán gồm binh lính viễn chinh, kẻ lái buôn, hạng trốn tránh, người nghèo khó không cưới nổi vợ phải đi ở rể với phận tôi tớ cho nhà vợ, những tội nhân (gồm cả quan lại phạm pháp) phải bị lưu đày viễn châu, phụ nữ Hán ế chồng sang đất Việt để làm hộ lí, phu phen cho lực lượng viễn chinh (12). Sau khi nhà Tần sắp sụp đổ (Tần – Nhị thế năm thứ 2, 208 tr. c. ng.), Triệu Đà cát cứ, đốt sạn đạo, cắt đường đi nẻo về, giữa Bách Việt và Trung Hoa. Năm Ất mùi (206 tr. c. ng.), nhà Tần đổ, nhà Hán làm chủ Trung Hoa, một số lớn không ít trong bọn họ phải ở lại đất Bách Việt. Triệu Đà và bốn đời vua con cháu nhà Triệu – Hán đều dựa vào số lượng người Hán ấy để thực hiện việc thành lập và duy trì vương quốc của riêng y và con cháu y. Trong thực tế, lãnh thổ Bách Việt là rất rộng, gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây, bán đảo Hải Nam và Bắc bộ, bắc Trung bộ ngày nay, do đó, số người Hán ấy hoặc co cụm ở những phủ lị, chốn đô hội (như Phiên Ngung) để làm quan chức, chiếm những vùng đất màu mỡ để canh tác, hoặc vẫn đóng đồn ở những nơi hiểm yếu. Triệu Đà vẫn phải duy trì chế độ Lạc hầu, Lạc tướng với thể thức phụ đạo (cha truyền con nối) ở Âu Lạc. Nói chung, trước sức mạnh của nhà Hán mới lên ngôi, trước sự chống cự của dân Bách Việt, Triệu Đà ở thế bắt buộc phải vừa dựa vào người Hán lưu vong, vừa mị dân bản xứ, “không đụng chạm gì đến tổ chức nội bộ và phong tục của người bản địa” (13) để có thể tồn tại.

 

Ban đầu, Hán – Cao đế chưa củng cố và tăng cường quyền lực kịp, nên đã sai Lục Giả sang phong vương cho Triệu Đà (196 tr. c. ng.). Mười hai năm sau (184 tr. c. ng.), Cao hậu họ Lữ (Lã) nắm lấy ngai vàng nhà Hán, làm áp lực Triệu Đà, như cấm bán đồ sắt ở cửa khẩu. Đà tức giận, năm sau, bèn tự xưng đế, đem quân đánh Trường Sa. Nhưng rồi Đà cũng phải thần phục trước sự thuyết khách của Lục Giả và lá thư chiêu dụ của Hán Văn đế (179 tr. c. ng.).

 

Triệu Đà chết, cháu là Hồ (con của Trọng Thuỷ) lên nối ngôi vào năm Giáp thìn (137 tr. c. ng.), ấy là Triệu Văn vương. Kế đến là Anh Tề (Triệu Minh vương). Đến khi Anh Tề chết, con của y và Cù thị là Hưng đã được ngồi trên ngai báu (Triệu Ai vương), vào năm Mậu thìn (113 tr. c. ng).

Sau 95 năm ([-207] – [-113]) tồn tại, nhà Triệu – Hán đã lâm vào tai hoạ để phải chấm dứt vương quyền vào hai năm sau (Canh ngọ [-111]). Tai hoạ ấy cũng thuộc về mưu kế hôn nhân, như Trọng Thuỷ đối với Mỵ Châu, nhưng lại ghê tởm hơn nhiều.

 

Trước đây, để tránh được sự tấn công của nhà Hán ở Trung Hoa, Triệu Đà đã chịu thần phục, không dám xưng đế hiệu. Đến đời Triệu Văn vương, y phải cho con trai là Anh Tề sang sống ở kinh đô Trường An của nhà Hán để làm con tin. Trong thời gian đó, hẳn do mưu kế của nhà Hán sắp đặt (?), Anh Tề lấy Cù thị, một người nữ Hán tộc. Cù thị trước khi lấy Anh Tề, đã có quan hệ nam nữ với An Quốc Thiếu Quý. Đến khi về nước, Anh Tề lên ngôi vua (Triệu Minh vương), Cù thị được phong làm hoàng hậu. Và tai hoạ cho nhà Triệu – Hán trên nước Nam Việt nẩy sinh từ hoàng hậu Cù thị của Triệu Minh vương Anh Tề, khi Minh vương chết.

 

Cương mục chép: “Hưng lên làm vua, tôn mẹ là Cù thị làm thái hậu. Trước kia, Cù hậu khi chưa lấy Minh vương, đã từng tư thông với An Quốc Thiếu Quý (An Quốc là họ, Thiếu Quý là tên), người đất Bá Lăng [Trung Quốc – ct.]. Đến năm này [113 tr. c. ng. – ct.], nhà Hán sai Thiếu Quý sang dụ bảo vương và thái hậu vào chầu, lại sai bọn biện sĩ là Nguỵ Thần giúp việc quyết định, vệ uý là Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi tin sứ giả. Bấy giờ vương [Ai vương Hưng – ct.] còn thơ dại; Cù hậu lại tư thông với Thiếu Quý. Người nước đều biết rõ chuyện, nên nhiều người không theo về với Cù hậu. Cù hậu sợ trong nước rối loạn, muốn dựa vào uy quyền nhà Hán, khuyên vương và các quan nên phụ thuộc vào Hán. Nhân có Hán sứ đấy, thái hậu liền dâng thư xin liệt vào hàng nội chư hầu: cứ ba năm một lần vào chầu, xoá bỏ cửa quan nơi biên giới. Vua Hán ưng thuận, ban ấn bạc cho thừa tướng Lữ Gia và các ấn cho nội sử, trung uý và thái phó; còn các quan chức khác đều tự ý xếp đặt. Từ bỏ hình phạt [của nhà Tần – ct.] thích chữ vào mặt và xẻo mũi, dùng pháp luật nhà Hán. Về chính trị thì theo như các chư hầu; đặt sứ giả đóng ở trong nước để trấn thủ và vỗ về” (14).

 

Rõ ràng là thái hậu Cù thị đã thông dâm với An Quốc Thiếu Quý (người tình cũ từ Trung Hoa sang)! Hơn thế nữa, Cù thị cùng An Quốc Thiếu Quý bàn việc triệt tiêu vương quyền Triệu – Hán tại nước Nam Việt (thuộc đất Bách Việt) để hoàn toàn nội thuộc nhà Hán ở Trung Hoa về mọi mặt. Thái phó Lữ Gia không thể đành lòng. Thái hậu Cù thị mưu giết Lữ Gia. Trước tình huống đó, thái phó Lữ Gia phải dấy binh giết Cù thị, sứ giả (gồm cả An Quốc Thiếu Quý (***)), và giết cả Triệu Ai vương Hưng, để lập con cả của Anh Tề (Triệu Minh vương), là Thuật Dương hầu, tên gọi là Kiến Đức, lên làm vua.

 

“Vua và thái hậu đã sửa soạn hành trang lễ vật quý giá để vào chầu [nhà Hán – ct.]. Bấy giờ tể tướng Lữ Gia tuổi đã nhiều, làm tướng trải ba triều […] rất được lòng dân hơn cả vua. Gia nhiều lần dâng thư can vua, vua không nghe, nhân thế có lòng muốn làm phản, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều chú ý đến Gia, nhưng thế chưa thể giết được. Vua và thái hậu cũng sợ bọn Gia khởi sự trước, muốn nhờ sứ giả nhà Hán trù mưu giết bọn Gia. Bèn đặt tiệc rượu mời sứ giả đến dự, các đại thần đều ngồi hầu rượu. Em Gia làm tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu bảo Gia rằng: ‘Nam Việt nội thuộc [Trung Quốc – dich giả ct.] là điều lợi cho nước, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện là tại sao?’, cốt để chọc tức [:khích – ct.] sứ giả. Sứ giả còn đương hồ nghi, chần chừ chưa dám làm gì. Gia thấy tai mắt họ có vẻ khác thường, lập tức đứng dậy đi ra. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm Gia, vua ngăn lại. Gia bèn ra chia lấy quân lính của em dẫn về nhà, cáo ốm không chịu gặp vua và sứ giả, ngầm cùng các đại thần mưu làm loạn. Vua vốn không có ý giết Gia, Gia cũng biết thế, vì thế mấy tháng không hành động gì. Thái hậu muốn một mình giết Gia nhưng sức không làm nổi. Vua Hán nghe tin Gia không nghe mệnh, mà vua và thái hậu thì cô lập, yếu ớt không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát không quyết đoán, lại thấy vua và thái hậu đã nội phụ rồi, chỉ một mình Lữ Gia làm loạn […]. Bấy giờ nhà Hán sai Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc đem hai nghìn người tiến vào đất Việt. Lữ Gia bèn hạ lệnh cho trong nước rằng: ‘Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán […] chỉ nghĩ đến mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời’. Bèn cùng với em đem quân đánh, giết vua và thái hậu, cùng tất cả bọn sứ giả nhà Hán, rồi sai người đi báo cho Tần vương ở Thương Ngô và các quận ấp, lập con trưởng của Minh vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua. Vua bị giết, tên thụy là Ai vương” (15).

 

“Năm Canh ngọ (111 tr. c. ng.)… […] Mùa đông. Bọn Lộ Bác Đức tiến quân đánh phá Phiên Ngung, đuổi bắt được Triệu vương Kiến Đức và Lữ Gia” (16).

 

Và từ đó, Nam Việt thuộc Hán! Cũng từ đó, “nhà Hán diệt nhà Triệu rồi, chia đất làm chín quận, liệt [cả đất Nam Việt – ct.] làm bộ Giao Chỉ. Nhà Hán đã bình được nhà Triệu, mới lấy đất đặt làm chín quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đạm Nhĩ. Mỗi quận đặt một thái thú để cai trị. Tên gọi ‘Giao Chỉ bộ’ có từ đấy” (17).

Giao Chỉ bộ là tên gọi chung cả một phần rộng lớn đất Bách Việt (gồm nước Nam Việt của Triệu Đà); Giao Chỉ quận lại là một trong chín quận thuộc Giao Chỉ bộ.

 

Nhà Triệu – Hán tồn tại tất thảy được 97 năm (207 tr. c. ng. – 111 tr. c. ng.).

Khởi đầu bằng mưu kế trong hôn nhân (Mị Châu – Trọng Thuỷ) và kết thúc cũng bằng mưu kế trong hôn nhân (?) (An Quốc Thiếu Quý – Cù thị – Minh vương Anh Tề)!

Triều đại Triệu – Hán do Triệu Đà thành lập trước sau vẫn là một thứ chính quyền ngoại xâm của bè lũ quan lại người Hán. Bàn luận về triều đại này, chẳng qua là dẫu sao, nó cũng là một sự thật lịch sử diễn ra trên đất nước ta, khởi đầu cho thời kì hơn mười một thế kỉ đen tối của dân tộc Bách Việt nói chung và dân tộc Việt Nam ta nói riêng: ([-207] – [+ 938] (1145 năm)!

 

d. Nghĩ về lời bình luận của sử gia thời phong kiến về nhân vật Lữ Gia:

 

Lê Văn Hưu (1272): “Lữ Gia can ngăn Ai vương và Cù thái hậu không nên xin làm chư hầu nhà Hán, đừng triệt bỏ cửa quan ở biên giới, có thể gọi là trọng nước Việt vậy. Song can ngăn mà không nghe, thì nghĩa đáng đem hết bầy tôi đến triều đình, trước mặt vua trình bày lợi hại về việc nước Hán, nước Việt đều xưng đế cả, có lẽ Ai vương và thái hậu cũng nghe ra mà tỉnh ngộ. Nếu lại vẫn không nghe theo, thì nên trách mình mà lánh ngôi (tể tướng), nếu không thế thì dùng việc cũ họ Y [Y Doãn – ct.], họ Hoắc [Hoắc Quang – ct.], chọn một người khác trong hàng con cháu của Minh vương để thay ngôi, cho Ai vương được như Thái Giáp và Xương Ấp mà giữ toàn tính mệnh, như thế thì không lỗi đường tiến thoái. Nay lại giết vua để hả lòng oán, lại không biết cố chết giữ lấy nước, khiến cho nước Việt bị chia cắt, phải làm tôi nhà Hán, tội của Lữ Gia đáng chết không dung” (18). 

 

Ngô Sĩ Liên (1479): “Tai hoạ của Ai vương tuy bởi ở Lữ Gia mà sự thực thì gây mầm từ Cù hậu. Kể ra sắc đẹp đàn bà có thể làm nghiêng đổ nước nhà người ta thì có nhiều manh mối, mà cái triệu của nó thì không thể biết được. Cho nên các tiên vương tất phải đặt ra lễ đại hôn, tất phải cẩn thận quan hệ vợ chồng, tất phải biết phân biệt hiềm nghi, hiểu những điều nhỏ nhặt, tất phải chính vị trong ngoài, tất phải ngăn ngừa việc ra vào, tất phải dạy đạo tam tòng, thì sau đó mối hoạ không do đâu mà đến được. Ai vương ít tuổi không ngăn giữ được mẹ, Lữ Gia coi nước, việc trong việc ngoài lại không dự biết hay sao? Khách của nước lớn đến, thì việc đón tiếp có lễ nghi, chỗ ở có thứ tự, cung ứng có số, thừa tiếp có người, sao đến nỗi để thông dâm với mẫu hậu? Mẫu hậu ở thẳm trong cung, không dự việc ngoài; khi nào có việc ra ngoài, thì có xe da cá, có màn đuôi trĩ, cung tần theo hầu, sao để đến nỗi thông dâm với sứ khách được? Bọn Gia toan dập tắt lửa cháy đồng khi đang cháy rực, sao bằng ngăn ngay cái cơ hoạ loạn từ khi chưa có triệu chứng gì có hơn không? Cho nên nói: Làm vua mà không biết nghĩa Xuân Thu tất phải chịu cái tiếng cầm đầu tội ác; làm tôi không biết nghĩa Xuân Thu tất mắc phải tội cướp ngôi giết vua; tức như là Minh vương, Ai vương và Lữ Gia vậy” (19).

 

Lê Tung (1554): “Minh vương buổi đầu nối nghiệp, yên vui buông thả. Cù hậu được yêu, vợ Việt bị bỏ, trong nước không hoà, kỉ cương đại loạn. Ai vương tuổi ấu thơ, chưa biết lẽ trị nước, mẫu hậu kiêu dâm, quyền thần chấp chính, mà cơ nghiệp họ Triệu rốt cuộc lụn bại. Thuật Dương vương là anh Ai vương, lập nên bởi tay quyền thần, trí kém sức yếu, giặc mạnh xâm lấn mà cơ đồ nhà Triệu từ đấy sụp đổ. Xét tai hoạ của Ai vương, tuy ở Lữ Gia, nhưng thực ra là do ở Minh vương yêu chiều Cù hậu mà gây ra. Nữ sắc làm nghiêng đổ nước nhà như thế, phải lấy làm răn” (20).

 

Ngay cả lời chép sử cũng đã thể hiện sắc thái biểu cảm của sử gia phong kiến. Sống trong vòng vây của hệ ý thức bảo hoàng, nên mặc dù thấy rõ sự thật, họ cũng bị sự ràng buộc bởi quyền lực vương triều và sức ép vô hình của hệ ý thức bảo hoàng ấy (nói rõ ra, ở trường hợp này, là phải hết mức bảo vệ vua, thái hậu cho dù họ thế nào đi nữa). Tuy nhiên, sử gia vẫn có sự sáng suốt của họ, vương triều đương thời (thời của các sử gia kể trên) cũng cần thấy sự thật để rút kinh nghiệm.

 

Lê Văn Hưu đã nói được điều cốt tuỷ nhất: “Lữ Gia can ngăn Ai vương và Cù thái hậu không nên xin làm chư hầu nhà Hán, đừng triệt bỏ cửa quan ở biên giới, có thể gọi là trọng nước Việt vậy”.

Ngô Sĩ Liên đặt ra tình huống dự phòng để sự thể đừng xảy ra, nhưng đó chỉ là ý tưởng giúp cho các triều vua về sau rút kinh nghiệm hơn là phản ánh đúng sự thật thuở đó (vì đã phản ánh ở các đoạn sử trần thuật, còn đây là lời bàn mở rộng, được đặt thành mục riêng). Dẫu sao Ngô Sĩ Liên cũng viết thẳng được ý tưởng đầy tính chất phê phán này: “Tai hoạ của Ai vương tuy bởi ở Lữ Gia mà sự thực thì gây mầm từ Cù hậu” và “Cho nên nói: Làm vua mà không biết nghĩa Xuân Thu tất phải chịu cái tiếng cầm đầu tội ác; làm tôi không biết nghĩa Xuân Thu tất mắc phải tội cướp ngôi giết vua; tức như là Minh vương, Ai vương và Lữ Gia vậy”. Không thể hiểu khác được, chính Minh vương và Ai vương phải chịu tiếng cầm đầu tội ác (vì Minh vương đã trót lấy Cù thị, lập Cù thị làm hoàng hậu, cho con thứ là Ai vương lên làm vua, thay vì Kiến Đức vốn là con trưởng, con của Minh vương với người vợ Việt; nói cách khác, chính Cù thị – dẫu là thái hậu, Cù thị cũng chỉ là bề tôi – đã cướp ngôi cho con ruột của mình, và, chính Ai vương – trước khi lên ngôi cũng là bề tôi – đã cướp ngôi của anh cùng cha khác mẹ của mình). Cũng không thể hiểu khác được, chính Lữ Gia mắc tội cướp ngôi giết vua nhưng không phải là như thế; vì đó là kết luận giả của một tình huống đặt ra rất phi hiện thực. Trong thực tế rõ rành rành là Lữ Gia có giết hôn quân, nhưng không cướp ngôi, mà đã đưa Kiến Đức lên ngai vàng. Thật ra, đó là cách viết gộp để người đọc tự tách các khía cạnh của vấn đề ra, theo như các đoạn sử trần thuật, đặt ở trên lời bình trích dẫn này trong Toàn thư.

 

Và Lê Tung cũng nói lên được sự thật cốt yếu: “Xét tai hoạ của Ai vương, tuy ở Lữ Gia, nhưng thực ra là do ở Minh vương yêu chiều Cù hậu mà gây ra. Nữ sắc làm nghiêng đổ nước nhà như thế, phải lấy làm răn”.

 

Cả ba sử gia thời phong kiến đều chung một kết luận: tất cả sự thể tồi tệ như thế là do Cù thị, thứ nữa là Ai vương, chứ không phải do Lữ Gia. Và họ có chung một cách viết lời bình là gợi ý để người đọc tự hiểu theo cách đúng nhất. Mặt khác, các sử gia phong kiến luôn tuân thủ theo cách viết, ý hướng của kinh Xuân Thu (một trong ngũ kinh của nho gia), là dùng sử để nêu gương tốt và để răn mầm ác.

 

Hậu thế cố gắng hiểu các sử gia xa xưa, nhưng phải chăng cần hiểu thêm một điều này: Dẫu sao, các sử gia phong kiến cũng có hạn chế của họ, đó là ý hệ bảo hoàng đôi khi mù quáng.

 

Theo tôi, bản chất, tính cách Cù thị và âm mưu nhà Hán đến mức như thế, không thể trách Lữ Gia sao không lo liệu trước để tình huống phải như vậy. Và tình huống đã như vậy, cách giải quyết của Lữ Gia không thể khác được. Không thể để triều nhà Triệu nội thuộc nhà Hán. Đó là tất cả nghĩa vụ và trách nhiệm. Vấn đề là Lữ Gia vẫn là người trung nghĩa của nhà Triệu, một kẻ đầy tớ tốt của các tên chủ xấu. Thêm một điều nữa, khi đọc lời tuyên cáo khởi binh của Lữ Gia, tôi nghĩ Lữ Gia chính là người Bách Việt hay ít ra cũng đã Bách Việt hoá: “Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán […] chỉ nghĩ đến mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời”. Điều đó có lẽ khiến chúng ta ít nhiều cũng có thiện cảm với ông ta (21).

 

Cuối bài viết này, tôi chợt thấy đã bàn luận quá nhiều đến những tên vua quan Hán tộc xâm lược và thống trị nhân dân Bách Việt ta (trong đó có người Lạc Việt – Âu Việt ta), nhưng tiếc thay sử cũ không cung cấp gì thêm về số phận nhân dân, ngoài những điều tôi đã viết bên trên.

 

Tp. HCM., khởi viết vào lúc 08 giờ ngày 29. 06. HB4 (12. 05. G. thân HB4);

viết xong vào lúc 17 giờ 55 phút ngày 01. 07. HB4 (14. 05 G. thân HB4).

 

Cước chú của bài Nhận định danh nghĩa Triệu Đà (nhà Triệu – Hán)…:

 

(*) Xin vui lòng xem bài viết của tác giả: “An Dương vương, “giặc Thục” hay anh hùng bi tráng?” (TXA.). Xin nhấn mạnh: tất yếu lịch sử (chiến tranh để sáp nhập nhân tộc thành dân tộc) chỉ được giới hạn trong thời cổ đại để thành lập quốc gia (dân tộc, nhà nước, lãnh thổ); và Thục Phán An Dương vương là người Việt Chứt cổ hay ít ra cũng là người Việt Chứt cổ (Lạc / Rồng) đã Tày cổ hoá (Âu + Lạc, tức là Tiên + Rồng).

 

(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998, tr. 85 (Tb. [tiền biên], [quyển] I, [tờ] 15 – 16). TXA. chua thêm (ct.).

(2) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 194 (NK. [ngoại kỉ], q. II, tờ 5a).

 

(3) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 55 (Tnb. [tiến biểu], [tờ] 3). Cước chú của dịch giả Ngô Đức Thọ: “Những nước nhỏ phải phụ thuộc vào nước lớn”. Cũng có thể hiểu “liệt quốc” là các nước nhỏ, nhiều nước nhỏ trong tình trạng phân tranh, chưa phải gộp lại thành một hoặc vài quốc gia nhất thống.

 

(4) Toàn thư, bản dịch, tập 1, sđd., bài giới thiệu của GS. Phan Huy Lê, “ĐVSKTT., tác giả, văn bản, tác phẩm”, và đoạn trích Việt sử tiêu án, dẫn theo bài giới thiệu đã dẫn, tr. 106 – 107. Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên cứu – liên lạc văn hoá Á Châu, Văn hoá Á châu xb., 1960, tr. 35.

 

(5) Từ sự định giá về triều đại Triệu Đà và nhà Triệu – Hán đó, một nhân vật lịch sử khá nổi bật, danh tính từng được đặt tên cho đường phố và khu chung cư (ít ra là ở Tp. HCM.), ấy là Lữ Gia, cũng cần phải đánh giá lại. Phải chăng Lữ Gia chỉ là một đại thần trung nghĩa của nhà Triệu – Hán xâm lược, xưng hùng xưng bá kiểu liệt quốc? Như vậy, không cách nào khác, Lữ Gia cũng chỉ là một kẻ thù của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tuy nhân cách và hành trạng của Lữ Gia là trung nghĩa, theo tiêu chí trừu tượng, phi dân tộc, phi tổ quốc, nhưng lịch sử làm gì có tiêu chí trừu tượng, phi dân tộc, phi tổ quốc! Lữ Gia chỉ là một tên đầy tớ tốt của một tên chủ xấu, do đó y không thể xứng đáng để ca ngợi, vinh danh được. TXA.

 

(6) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 80 – 82 (Tb. [tiền biên], [quyển] I, [tờ] 9 – 12). TXA. chua thêm (ct.) & in đậm (iđ.).

 

(7) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 84 (Tb. I, 14). TXA. ct. & iđ.

 

(8) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 88 (Tb. I, 18 – 19). TXA. ct. & iđ.

 

(9) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 89 (Tb. I, 19). TXA. ct. & iđ.. Theo cước chú trong bản dịch Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 188 (NK., q. II, tờ  1a), đúng ra là Quế Lâm chứ không phải Lâm Ấp.

 

(10) Phan Bội Châu, Những tác phẩm Phan Bội Châu, tập I [gồm Việt Nam vong quốc sử & Việt Nam quốc sử khảo], Văn Tạo chủ biên và các dịch giả, Nxb. KHXH., 1982, tr. 181 – 185. Ở bài trước, tôi đã viện dẫn: Chỉ (bên trái là bộ thổ): vùng đất, quê quán; giao (bên trái là bộ trùng): giao long. Không phải theo cách giải thích sai lầm: hai ngón chân cái giao nhau (Chỉ [bên trái là bộ túc, bên phải bộ chỉ]; Giao [trên bộ đầu, dưới bộ phụ]. Xem: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 35: Vùng đất của nhân tộc xem Giao Long là vật tổ (tô-tem): Con rồng cháu tiên. Tuy nhiên, tưởng cũng cần tra lại Hán Việt từ điển của chính Đào Duy Anh, Nxb. KHXH. tái bản, 2001, (in theo phim chụp bản sách của Nxb. Tân Việt, 1957), tập thượng, tr. 328: hai từ Giao Chỉ được viết chữ Hán với mặt chữ có nghĩa như Phan Bội Châu hiểu, ở đoạn trích – cước chú (11) (hai ngón chân cái giao nhau). Hãn Mạn Tử (Phan Bội Châu) chính là người hiệu đính cuốn từ điển này. Như vậy, có khả năng là Phan Bội Châu đã hiệu đính theo cách của cụ, hoặc chính Đào Duy Anh đã có sự phát hiện mới trong thư tịch cổ về sau, nên ông đã thay đổi cách giải thích. Tôi nhận thấy: một là, trường hợp đồng âm, khác mặt chữ, khác nghĩa là không hiếm, nhất là chữ Hán cổ; hai là, cách giải thích Giao Chỉ theo cách viết với mặt chữ Hán: Chỉ (bên trái là bộ thổ): vùng đất, quê quán, Giao (bên trái là bộ trùng): giao long, cộng với các luận cứ về tô-tem (vật tổ), là hợp lí hơn.

 

(**) Kẻ vong bản (người mất gốc) ấy chính là Phan Thị Hán (một tên tự đặt của nhà yêu nước Sào Nam Phan Bội Châu)! Phan Thị Hán có nghĩa là gì? Đó là người Hán tộc thuộc họ Phan (họ Phan của Hán tộc), mặc dù từ “Hán” còn có nghĩa là người con trai (nam nhi)! Và Sào Nam có nghĩa là gì? Phía nam của cái tổ chim. Suy ra, cái tổ ở Phương Bắc! Có người giải thích, tên hiệu ấy, cụ Phan lấy từ câu thơ: “Việt điểu sào nam chi” (chim Việt [đậu] cành cây phía nam). Tổng hợp lại, phải chăng trong Phan Bội Châu có một sự lai huyết Hán – Việt nào chăng?

 

(11) Phan Bội Châu, Những tác phẩm Phan Bội Châu, tập I [gồm Việt Nam vong quốc sử & Việt Nam quốc sử khảo], sđd., tr. 182, 183 & 184.

 

(12) Tư Mã Thiên, Sử kí, bản dịch của Phan Ngọc, Nxb. Văn hoá – Thông tin và TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, 2003, tr. 43, 44, 864. Dẫn theo Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, sđd., tr. 49, 54: Tư Mã Thiên, Sử kí, quyển 112, viết, “Sai giám sát là Lộc đào cừ chở lương để vào sâu đất Việt. Người Việt bỏ trốn. [Quân Tần – ĐDA. ct. ] trì cửu lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu. Người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại. [Nhà Tần – ĐDA. ct.] bèn sai Uý Đà [Triệu Đà – TXA. ct.] đem quân đóng giữ đất Việt. Đương lúc bấy giờ, nhà Tần ở phía bắc thì bị hoạ với rợ Hồ, phía nam thì bị hoạ với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không được. Trong hơn mười năm, đàn ông thì mặc áo giáp, đàn bà thì phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta tự treo cổ ở cây dọc đường. Người chết trông nhau. Kịp khi Tần hoàng đế băng hà thì thiên hạ cả nổi lên chống”. TXA. iđ.

 

(13) Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 62.

 

(14) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 99 (Tb. I, 29 – 30). TXA. iđ. & ct..

 

(***) Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Viện Đại học Huế xb., 1961; Nxb. Thuận Hoá, TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây tái bản, 2002, tr. 103.

 

(15) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 205 – 206 (NK., q. II, tờ 13b – 15a). TXA. iđ. & ct..

 

(16) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 106 (Tb. II, 1).

 

(17) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 108 (Tb. II, 3 – 4). TXA. ct. & iđ. Châu phê của Tự Đức: “Xét chung từ trước đến sau, đất đai của nước Việt ta bị mất về Trung Quốc đã đến quá một nửa, tiếc rằng vua sáng tôi hiền các triều đại cũng nhiều người lỗi lạc hiếm có ở trên đời, mà vẫn không thể nào lấy lại được một tấc, đó là việc đáng ân hận lắm! Thế mới biết việc thu hồi đất đai đã mất, từ đời trước đã là việc khó, chứ không những ngày nay mà thôi. Thật đáng thương tiếc!”. Xem thêm: Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 211 (NK., q. II, tờ 18a): lời bình của Ngô Sĩ Liên.

 

(18) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 210 (NK., q. II, tờ 17b).

 

(19) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 206 – 207 (NK., q. II, tờ 15a – 15b).

 

(20) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 151 (TL. [tổng luận], q. II, tờ 4b).

 

(21) Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), sđd., tr. 264 – 265: xác định Lữ Gia là người Việt, nhưng có lẽ Việt là Bách Việt (gồm Âu Việt, Lạc Việt, Mân Việt, Dương Việt, Quỳ Việt…), không xác định cụ thể là Việt nào.

 

 

Trần Xuân An
Số lần đọc: 3358
Ngày đăng: 04.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Nhìn lại sử Việt” – Cuốn sách cần được viết lại - Hà văn Thùy
Bàn lại với tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Hà văn Thùy
Tranh cãi về lịch sử cổ đại Việt Nam - Đinh Xuân Lâm
Ai là tổ tiên của cư dân Lưỡng Quảng? - Lê Đỗ Huy
Suy nghĩ về những phát hiện của thiền sư Lê Mạnh Thát - Quach Hien
Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”: Không thể phủ nhận sự tồn tại của triều đại An Dương Vương - Trần Lưu
Lịch sử , sự thật và sử học - Hà Vãn Tấn
Đôi lời với những phát hiện lịch sử chấn động - Trương Thái Du
Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại - Hà văn Thùy
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -1 - Nguyễn Đức Hiệp