Linh Chi là con của cặp vợ chồng bố Đức mẹ Việt, mới 13 tuổi, đẹp như hoa hậu, lớn phổng như thiếu nữ 17,18.Hai vợ chồng họ gặp, yêu nhau khi Rudlfor Hass là sinh viên, Diệu Hằng là công nhân xí nghiệp giặt là. Nước Đức thống nhất, họ cưới nhau, 3 năm sau sinh Linh Chi. Khi trẻ em Đức đến 3 tuổi, gia đình cho bé đến nhà trẻ, ở đây các cô bảo mẫu chăm sóc, nuôi dây chu đáo, cho các em ăn những món theo thực đơn được dành riêng cho trẻ em. Thói quen đó trở thành cá tính, khiến các bé không thích món ăn khác, nhất là các món châu Á. Hiểu được tâm lý trẻ, Diệu Hằng chú ý tập cho con ăn theo truyền thống của người Việt: Ăn cơm, nhiều rau hoa qủa, ít thịt. Nếu có, thường là thịt gà, bò, thịt lợn nạc hoặc đồ biển.
Cũng may, Linh Chi khác hẳn các bạn cùng trang lứa. Bố mẹ ăn đồ châu Á từ lúc em còn trong bụng mẹ, đến khi sinh ra, lớn lên, vẫn tiếp tục được mẹ chăm nuôi như mọi bà mẹ Việt Nam chăm con. Vì vậy em thích ăn những món do mẹ nấu. Cộng với việc mẹ dậy tập luyện thể dục hàng ngày, thân hình em phát triển cân đối, đều.Điều cơ bản: Thừa hưởng di truyền của bố về chiều cao, da trắng, trộn lẫn tính ''trội'' của mẹ - mũi lại không quá lõ, tóc xanh, mắt đen huyền - các yếu tố đó tạo cho cô bé con lai thật xinh đẹp.
Em có nhiều bạn gái, nhưng thân nhất có cô bé Karolin, sinh sau em một ngày - con của một cặp vợ chồng Đức thuần chủng: Bố - Đạo diễn Điện Ảnh. Mẹ - Người bán hàng Bách hoá tổng hợp của hãng Real.
Hai em cứ như hình với bóng trong cuộc sống thường ngày. Em này mặc gì, em kia đòi mẹ mua y như thế. Đến nỗi hình ảnh của các em đã lọt vào mắt một ông bầu chuyên săn lùng, đào tạo ngươì mẫu, người dẫn chương trình Truyền hình - Nghệ thuật. Đã có lần không kìm giữ được sự nôn nóng, ông kia đến gặp hai gia đình đặt vấn đề xin cho các em được tham quan những buổi tập luyện của các đàn chị để các em ‘’làm quen''.
Bố Linh Chi thẳng thừng bác bỏ: Làm như vậy sẽ kích thích sự ham muốn hào nhoáng của con bé, ảnh hưởng tới suy nghĩ lành mạnh của lứa tuổi chưa vững vàng, chín chắn.
- Anh quá lo xa. Bước đầu chúng tôi chỉ để các em tham quan, làm quen... điều cơ bản, cho các em tiếp xúc với những gì trong tầm suy nghĩ hợp với lứa tuổi - Ông bầu nài nỉ.
- Dù sao thì vẫn quá sớm ! Hãy từ từ - Hass kết thúc cuộc tiếp xúc với khách bằng khoát tay và cái nhìn nghiêm khắc.
Trong thâm tâm, Diệu Hằng không tán thành ý kiến chồng. Song, không tiện tranh luận, cô tế nhị nhắc người bạn kia chờ cho cháu kết thúc tiểu học sẽ tính - vừa nói cô vừa đưa mắt, khẽ lắc đầu ra hiệu, người kia hiểu ý không nói gì nữa, kết thúc vấn đề ở đây.
Bố mẹ Karolin có quan niệm không hoàn toàn giống vợ chồng Hằng. Người đề xuất ý kiến là bạn thân đồng nghiệp của bố Karolin. Michael tán thành với bạn đồng nghiệp trong việc đào tạo tài năng trẻ vì có kinh nghiệm dạy những diễn viên mới vào nghề, trân trọng, nâng niu sự phát triển tâm lý của con. Theo anh: Đó chính là xuất phát điểm của đào tạo tài năng - ‘’cần hết sức chú ý bồi dưỡng’’ .
Mẹ Karolin dường như không thèm chú ý tới phản ứng của chồng, không màu mè, tế nhị như bố Linh Chi. Chị thương con theo kiểu cách riêng của người đàn bà Đức ''bảo thủ'': Quắc mắt nhìn người đối diện - giống như mẹ gà mái xù lông khi thấy chú mèo mon men đến gần con -gằn giọng, âm lượng rin rít : Tốt nhất anh hãy buông tha con tôi, và… xéo ngay! Nếu không đừng có trách. Nó còn nhỏ, hãy để cho nó yên !
Trước lí lẽ và thái độ của nữ chủ nhân, ông bầu đành ‘’lùi’’ trong thất vọng. Thành ra hai em đứng ở thế cân bằng một nửa - Bố hoặc Mẹ tán thành, còn nửa kia lại phản đối. Tuy nhiên, cả ‘’hai phe’’ đều chăm lo chu đáo, thỏa mãn mọi nhu cầu trong sinh hoạt, ăn, mặc, học hành - của con.
Đầu mùa hè, đúng ngày sinh nhật của Linh Chi, trước sinh nhật của Karolin 1 ngày. Bố mẹ của hai em thống nhất mua qùa sinh nhật trong đó có quần áo mùa hè, tổ chức sinh nhật đàng hoàng cho các con . Bố Linh Chi không bao giờ có thời gian đi dạo với con. Vả lại Diệu Hằng đang nghỉ, anh phân công cho vợ dẫn con đi mua qùa. Mẹ Karolin lại đang đi công tác ở nước ngoài nên Michael đành thay vợ đưa con ra cửa hàng chọn quần áo.
Hai em hẹn gặp, gắn quyện lấy nhau trong khu vực trưng bầy quần áo may sẵn. Mẹ Linh Chi cùng Bố Karolin đứng ngoài chờ. Có thể do gần gũi nghề nghiệp, hai người nhanh chóng tâm đầu ý hợp. Chợt Michael than phiền : Thật đáng tiếc ! Giá vợ tôi có tư tuởng phóng khoáng như chị thì hay biết mấy. Cô ấy rất bảo thủ trong việc dạy dổ con cái. Xét nét từng li từng tí, làm thui chột cả tài năng của con.
- Thế à ? Đúng như suy nghĩ của chồng tôi. Anh ấy suốt ngày ngập chìm trong đống sách... Chẳng có thời gian tiếp cận với sinh hoạt của lớp trẻ. Thế nhưng khi chúng tôi nêu ra một ý kiến nào về sinh hoạt lành mạnh, về phim ảnh, hát hò, y như rằng anh ấy bác bỏ, cho tôi ‘’sẽ sớm làm hư con’’.
- Bạn thân của tôi bên ngành người mẫu thời trang, mấy lần đặt vấn đề cho Karolin theo để anh bồi dưỡng đào tạo. Vợ tôi gạt phắt. Cũng hệt như chồng chị. Tôi không thể nào thuyết phục được, vì thế mà thường có bất đồng - Michael phàn nàn.
Vừa lúc hai cô bé từ trong phòng thử quần áo đi ra. Hai em mặc hai bộ giống nhau y chang : Quần bò Jean, áo thun mốt mới nhất. Điều đặc biệt, gây ấn tượng mạnh là chiếc cổ áo khoét hơi rộng, tạo thành khoảng trống từ nửa vai này chéo sang vai kia, để hở một khoảng vai - ngực... Hai cô gái đang ở tuổi dậy thì, cao lớn bằng nhau,lại đẹp, khiến mọi người hiện diện trong cửa hàng có ấn tượng mạnh, trầm trồ thốt lên: Đẹp qúa! Nhưng một bà có tuổi bình phẩm: Đối với lứa tuổi này, mặc như vậy hơi hở hang.
Ông bố, bà mẹ của hai trẻ không câu nệ trước dư luận. Hai người tự nhiên bật ra tiếng suýt xoa khen ngợi... Hai cô gái thấy bố mẹ, khen, đồng tình nên càng vui. Sau khi trả tiền, Michael hỏi : Bây giờ chị đi đâu, có thời gian không ? Có thể vào kia - anh chỉ vào Restaurant sang trọng - ăn mừng ngày trưởng thành của hai con?
- Hay lắm, được chứ. Hôm nay là ngày vui của chúng. Nào, ta đi các con!
Hai cô gái nghe nói, vui mừng vượt lên trước, tiến vào nhà hàng, nhanh chóng tìm ra chỗ ngồi. Người bồi bàn tiến đến đưa bảng thực đơn lần lượt cho cả 4 người. Diệu Hằng bảo : Hôm nay mẹ khao, hai đứa hãy chọn những món mà mình thích.
Các em ríu rít chọn, gọi món rồi quay sang trao đổi cuốn băng Vidéo quay mấy năm trước về chương trình trình diễn của siêu người mẫu Claudie Schiffer, về cuộc tình ''Hợp đồng'' của cô ta với nghệ sỹ ảo thuật lừng danh - David Copperfield.
Khi thức ăn bưng ra, hai em xin phép bố mẹ, mang xuất ăn của mình sang bàn khác cách đó không xa - ''để cho hai bên tự nhiên trò chuyện''. Diệu Hằng cùng Michael mỉm cười gật đầu. Anh bồi làm theo.
Michael cầm cốc rượu dơ lên, hướng sang bàn hai con làm hiệu chúc rượu, đoạn cùng Hằng chúc nhau. Sau vài lần uống, Michael hỏi : Các cháu thân, quý nhau mà chúng ta lại chẳng hề biết gì về nhau. Xin tò mò, chị làm nghề gì ?
- Tôi hiện đang nghỉ ở nhà nội trợ.
- Còn trước đây ?
- Lúc ở Việt Nam, tôi là diễn viên kịch nói. Hằng ngừng lại nhấp ngụm nhỏ đoạn chuyển giọng, nhìn thẳng vào mắt Michael, tiếp : Còn anh, làm nghề gì - Tuy thừa biết (do Karolin kể vanh vách), nhưng vẫn muốn nghe chính Michael nói về mình.
Hơi men ngấm, chàng đạo diễn nói vắn tắt về nghề nghiệp, về thành công trong nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình… Ngừng lại tợp rượu, nhìn vào mắt Hằng, ngẫm nghĩ, dè dặt : Thảo nào, mới tiếp xúc, tôi đã nghĩ ngay chị có tố chất, thiên tính nghệ thuật - Michael buông lửng... lại tợp rượu, tiếp - Tôi hỏi thật, chị có bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình không ?
- Còn anh ? Dường như không vui ? Không hợp với vợ à ?
- Rất tiếc. Hai người hai quan niệm nhưng lại phải sống với nhau, lắm lúc thấy bức bối...
- Chia tay ! Sao lại không thể, nhất là hai bên đều không còn tình cảm, nghề nghiệp ổn định, kinh tế không phụ thuộc ?
- Thế còn chị ? Có ở trong tình trạng như tôi không - Michael không trả lời mà hỏi lại.
Hằng nhắc ly rượu đưa lên nhấp môi nhưng không uống, chủ yếu che đi nụ cười. Cô gặp chàng đạo diễn mới một lần, hôm nay là thứ hai. Theo phép lịch sự - vả lại đang thư rỗi - nên nhận lời đi ăn uống cùng, cốt làm bọn trẻ vui. Lúc đầu hoàn toàn dửng dưng. Nhưng khi nghe anh chàng thổ lộ ‘’hoàn cảnh’’, cô bắt đầu chú ý, cảm thấy ngồ ngộ bởi hai gia đình có sự giống nhau ‘’hơi’’ kỳ lạ trong nghịch cảnh.''Gía đổi cho nhau theo kiểu ông nọ bà kia có lẽ lại hay'' - Hằng thấy vui khi ý nghĩ so sánh này xuất hiện...
Michael thực sự nghĩ như vậy.
Lần đầu gặp cô bạn đã từng là đồng nghiệp, tuy chưa quen thân nhưng đã có chút ấn tượng. Lúc này tâm trạng đang thoải mái, nhất là qua những câu đối đáp, nhận xét. Giờ ngồi trước mặt ngắm nhìn người phụ nữ - diễn viên gốc châu Á. Chợt trong đầu lóe sáng... Michael nhìn thẳng vào mắt đối tượng mà tia nhìn như thôi miên (làm Diệu Hằng giật thót) - giọng chân thành : Đã bao lần ao ước có được người bạn đời thông cảm, hiểu cho hoàn cảnh cuả tôi qua đó giúp đỡ, cùng nhau làm cho cuộc sống vui, đậm đà hơn. Nhưng đáng tiếc vẫn chưa tìm ra. Chị đừng tưởng cuộc sống gia đình, chồng vợ ở Đức tự do, hợp thì gắn bó, không hợp thì rã đám. Tuy nhiên phải thừa nhận chuyện này có nhiều, thậm chí rất nhiều. Với chúng tôi thì khác. Cả hai thừa hiểu về nhau, đều có khả năng đơn phương tự giải thoát cho mình. Nhưng đằng sau chúng tôi còn có hai gia đình, với những người thân sùng đạo, coi việc ly hôn là tội lỗi, còn đứa con mà cả 2 đều thương yêu tuy mỗi người mỗi cách. Rút cục chúng tôi ở bên nhau mà vẫn như cách xa nhau. Hai người chỉ còn coi gia đình la tạm thời, thậm chí có lúc là ‘’gánh nặng tinh thần’’. Nói đến đây mặt chàng tái đi, thở rốc, cầm ly rượu dồc ngược.
Hằng xửng sốt, lúng túng trước tình hình. Cô biết tâm lý của người đã uống hết gần 1/4 chai X.O . Cô chưa biết sẽ nói gì trước trạng thái xúc động của đối tượng.
Michael nhìn thẳng vào mắt Hằng, đổi cách xưng hô, tiếp : Tuy cô (1) chỉ nghe tôi nói mà bản thân chưa hề nói gì, nhưng tôi đã nghe Linh Chi và Karolin kể... các lần tiếp xúc với Hằng, trong tận đáy sâu cõi lòng bật ra câu hỏi: Tại sao 4 người chúng ta, từng cặp - lại không đổi chỗ cho nhau để cuộc sống của nhau dễ thở, vui, hạnh phúc với đúng nghĩa của nó ? Cô có nghĩ như vậy không?
Anh chàng lại tu rượu, khà, ngừng lại như ngẫm nghĩ rồi dấn tới - Chỉ cần em đồng ý, mọi chuyện sẽ được thực hiện nhanh chóng. Tuy bị gia đình, tài sản, lễ giáo của sắc tộc, quan niệm bảo thủ ràng buộc, nhưng thực ra tôi chưa tìm được người tâm đắc. Bây giờ gặp nhau, nghĩ rằng do Chúa sắp đặt, xin cô hãy cho tôi cơ hội để được sống với người thực sự mang lại hạnh phúc, nghĩa là - Michael ngập ngừng... ngập ngừng... rồi như cố nuốt đi sự khó khăn... giọng anh trở lên khàn đục nhỏ dần - Em hãy về sống với anh, cùng nhau chăm sóc hai con - niềm hy vọng của chúng ta. Dứt lời, như để lấy thêm can đảm - Michael lại cầm chai X.O, tu...
Diệu Hằng lúng túng đến sửng sốt. Sự thật cô và Hass đôi khi có bất đồng… có lúc Hằng không vui nhưng đó chỉ là mâu thuẫn vụn vặt vì do tính ương ngạnh của cô - người đàn bà có nghề nghiệp tự do, phóng khoáng sống với chồng là nhà khoa học mô phạm, chứ không phải anh hành xử với vợ như những người có văn hoá tầm thấp, hoặc nhân cách thấp hèn làm cô khó sống mà phải đi đến chia tay.
Thế nhưng khi nghe chàng đạo diễn bộc bạch nỗi lòng mình... cô thấy lòng xôn xao. Một sự so sánh, lòng khát khao ập đến : ''Phải, nếu được sống với người có cùng chí hướng, thực sự thương yêu nhau, nhất định sẽ hạnh phúc hơn. Biết đâu Michael sẽ giúp mình cơ hội trở lại nghề mà vì sự nghèo khó phải bỏ dở? Biết đâu mình chẳng thực hiện được những mơ ước đã có thời gian cháy bỏng mà vì cuộc sống thúc ép - phải rẽ ngang. Cô chợt nghĩ đến Demi Moore, Nicole Kidman. ‘’Họ cũng đã từng là những cô lọ lem. Nhưng khi nhận được tình yêu chân thành của người đàn ông tài năng, họ đã vụt bước lên đài vinh quang chói ngời hào quang …’’.
Nhưng vấn đề anh ta đặt ra quá đột ngột. Vả lại, có thể rượu ‘’nói hộ’’ chứ không phải những lời này anh ta thực lòng - Hằng cảnh giác, giằng chai rượu, nắm lấy tay Michael, nhìn vào mắt anh chàng, tính kế kéo dài - nói nhẹ nhàng : Đây là vấn đề quan trọng. Em ghi nhận một cách nghiêm túc. Vả lại hai chúng ta nếu muốn đến với nhau còn phải tiến hành các bước dàn xếp với vợ, chồng mình... Anh cho em thời gian suy nghĩ để quyết định .
Hằng đứng dậy, tiếp : Chúng ta tạm chia tay nhau và cùng tiếp tục suy nghĩ chín chắn, nhất là lúc này anh đã uống qúa nhiều. Michael nhìn Hằng chăm chú không lên tiếng.
Hằng tiếp: Vả lại, chắc đâu khi chia tay, vợ anh cho anh được nuôi con? Đây là cách Hằng thăm dò vì thông thường, khi vợ chồng li dị, đàn ông Đức hầu như không ai gìanh nuôi con.
- Ồ không! Chỉ cần em đồng ý, anh đã có cách và ‘’có võ’’ - Michael nhấn mạnh từ ‘’có võ’’ - để giữ Karolin bên mình. Tóm lại: Anh chờ câu trả lời của em!
- Thôi được! Chuyện này tính sau. Hôm nay nên để Karolin về cùng Linh Chi, tối hai đứa sẽ cùng các bạn tổ chức sinh nhật tại nhà em . Đằng nào thi vợ anh cũng chưa về, để nó một mình sẽ tủi thân.
Michael gật đầu, định ôm lấy Diệu Hằng, cô vội né tránh đẩy ra, đi sang bàn hai đứa trẻ, anh chàng cụt hứng đi theo, đến nơi, Hằng bảo Linh Chi : Chúng ta cùng Karolin về nhà mình. Tối còn cắt bánh sinh nhật. Cháu có muốn về nhà cô dự sinh nhật với Linh Chi không ?
Karolin ngoảnh sang phía bố, ngước mắt chờ đợi. Michael cúi xuống bảo con : Cô Hằng mời, hôm nay mẹ con không ở nhà, bố sẽ đặt qùa sinh nhật cho cả 2 đứa. 18 giờ nggười ta sẽ thay bố mang đến để con cùng Linh Chi sinh nhật vui vẻ. 10 giờ sáng mai bố sẽ đón con, tối chúng ta lại tổ chức sinh nhật của con cùng Linh Chi ở nhà mình .
- Con cám ơn bố !
- Nào, ta đi. Linh chi chào chú đi.
Cô bé tiến đến thơm vào má Michael.
Karolin cũng bắt chước bạn hôn Hằng….
Anh nhìn hai đứa trẻ chăm chú rồi quay sang nhìn Hằng đắm đuối, không muốn rời. Đây là tâm tư, tình cảm chân thực của Michael. Mặc dù, căn bệnh nghề nghiệp thấm vào máu thịt: Trong những trường đọan, những cảnh đời ở phim được anh dậy cho các diễn viên làm theo đúng như thực… khi diễn xong trở thành giả. Bây giờ, ở đây - chính anh lại phải sống giả trong hoàn cảnh thực...
x
Hàng ngày Michael nôn nóng chờ đợi điện thoại của Diệu Hằng nhưng vẫn bặt tin. Anh sốt ruột trông ngóng... mãi một tuần sau, nghe tiếng chuông reo, tiếng Diệu Hằng vang lên, hẹn gặp ở Restaurant lần trước. Michael đồng ý, vội mặc quần áo. Cùng lúc chợt tiếng chuông điện thoại lại réo. Michael miẽn cưỡng cầm ống nghe. Đầu kia có tiếng phụ nữ trầm trầm : Tôi muốn gặp bố mẹ cháu Karolin.
- Tôi là bố Karolin đây, bà là ai, cần gì ?
- Tôi là Hiệu trưởng trường tiểu học của cháu. Xin mời ông đến ngay văn phòng nhà trường có việc cần. Chúng tôi đang chờ ông.
Michael vội vàng lên xe… 10 phút sau tiến vào Restaurant.
Diệu Hằng từ trong góc đứng dậy dơ tay vẫy. Michael bước nhanh, khi đến trước mặt Hằng, anh nói trong cơn thở rốc : Anh chờ em trọn cả tuần. Sao không gọi điện cho anh ?
- Tất nhiên là em bận... nhưng bây giờ có chuyện: Bà Hiệu trưởng của Linh Chi yêu cầu em đến ngay hình như có việc gì đó...
- Thì cùng đi, bà ấy cũng vừa đìện cho anh. Ta đến xem sao.
..
Hiệu trưởng trường Tiểu học quận trung tâm trạc hơn 40 tuổi. Phong thái cao sang. Cặp kính trắng trên mắt càng tôn thêm vẻ trí thức. Bà và một gíao viên nữ đang ngồi chờ vẻ nôn nóng. Đối diện, ở hàng ghế bên kia là hai em Linh Chi và Karolin. Có tiếng gõ cửa, bà Hiệu trưởng lên tiếng: Mời vào.
Thấy bố và mẹ của bạn xuất hiện, Karolin khẽ reo. Linh Chi cũng sáng mắt... Michael đường hoàng tiến đến bắt tay 2 người - Diệu Hằng lẳng lặng làm theo. Khi nghi thức đã xong, anh vuốt nhẹ mái tóc nghệ sỹ, thong thả ngồi xuống, nhìn bà Hiệu trưởng, hỏi : Thưa bà, có chuyện gì mà bà mời chúng tôi gấp vậy ?
- Tôi mời hai vị tới để cùng giải quyết một chuyện - Bà hắng gịong... ngừng một chút... lát sau mới tiếp - Nhà trường đã phổ biến quy định, các em học sinh gái khi đến lớp phải mặc đồng phục. Tuyệt đối không được ăn mặc hở hang. Thế nhưng ông bà xem - bà ta đưa tay chỉ hai em vẻ bất bình - chúng tôi yêu cầu các em về nhà thay áo, chẳng những không nghe, mà còn phản ứng bằng cách bào chữa cho hành vi của mình… Buộc lòng chúng tôi phải làm mất thì giờ của hai vị.
- Nhưng quy định này có trong bộ luật không ? Ghi ở sách nào, có thể cho chúng tôi xem qua được chứ ?
- Đây là quy định của nhà trường...
- Vậy là không có trong luật chứ gì ? Tôi làm việc ở ngành Truyền hình, vẫn thường thấy các em học sinh gái ăn mặc tương tự. Xin bà chú ý: Đây là mẫu thời trang của lứa tuổi được bầy bán trên thị trường - Michael nói điềm tĩnh.
Cô giáo trẻ đỏ mặt, hết nhìn Hiệu trưởng lại nhìn Michael...
- Tôi cũng xin lưu ý ông: Quy định này của trường đã tồn tại từ hơn một thế kỷ nay. Ở nhà, ở ngoài đường các em có thể ăn mặc tùy ý. Nhưng đến trường thì không được. Nếu… nếu - bà hiệu trưởng ngập ngừng. Michael tiếp ngay: Chắc bà muốn nói: Nều không thì hãy tìm nơi khác mà học chứ gì - Michael ‘’tuyên chiến’’.
- Ông hiểu cho như vậy là rất đúng. Chúng tôi không thể tùy tiện thay đổi quy chế và chấp nhận những học sinh cố tình vi phạm kỷ luật. Ngừng một chút, bà hiệu trường như lựa chọn cách diễu đạt, tiếp - Nhưng lúc này các lớp đã học được vài tuần, đã kín chỗ…
- Được rồi - Michael dơ tay làm động tác ngăn bà Hiệu trưởng lại, nghiêm mặt, nói gay gắt - Tôi hoàn toàn đồng ý với bà giải pháp: Chuyển trường cho các cháu. Bà nên nhớ, ở thành phố này không chỉ có một trường tiểu học, cũng không phải trường nào cũng quan tâm đến học sinh một cách thái qúa như trường của bà. Còn việc chuyển đi đâu, cám ơn, xin bà đừng lo hộ. Bà yên tâm. Chúng tôi sẽ không để cho con mình lỡ học. Michael nói nhưng lại nhìn Diệu Hằng, đầu gật gật đoạn kết thúc: Xin cám ơn. Nào, các con, chúng ta chào từ biệt các cô gíao đi.
Thấy bố nói vậy, Karolin cùng Linh Chi đứng dậy, lễ phép cúi chào. Bà kia cùng cô giáo trố mắt hết nhìn 2 học sinh lại quay sang nhìn Michael.
Diệu Hằng chưa hẳn đồng ý với cách giải quyết của Michael. Cô nghĩ, về mặt nào đó, bà Hiệu trưởng đúng. Nhưng cô như bị chàng Đạo diễn ‘’lôi’’ đi khiến không kịp, không thể cất lời... Thấy hai đứa trẻ đứng dậy, cô cũng đứng lên theo, chân vẫn ngập ngừng chưa bước.
- Khoan đã - bà Hiệu trưởng vẫn ngồi, hướng vào Diệu Hằng : Bà là mẹ của cháu Linh Chi phải không ? Tôi muốn nghe chính bà nói về chuyện chuyển trường này ? Ngừng chút ít, bà mới tiếp: Chả lẽ, bà lại không đồng tình với chúng tôi trong việc thay bà dậy dỗ, uốn nắn những lệch lạc của con gái mình ư?
Trong thâm tâm, Hằng đồng tình với Hiệu trưởng. Cô hiểu hơn ai hết tâm lý của các bé gái ở tuổi dậy thì. Sáng nay Linh Chi giấu mẹ, lẻn đi học khiến cô không nhìn thấy con nên không kịp ngăn cản cách ăn mặc. Câu nói ngầm nhắc khéo của bà Hiệu trưỡng làm Hằng nhói đău. Nhà trường nghiêm khắc chính là rèn dũa bồi đắp cho các em ý thức về quan hệ giao tiêp, ứng xử với cuộc đời khi lớn lên, trưởng thành. Nhưng trước tình thế bị Michael cuốn hút... nhất là 2 đứa trẻ gắn quyện lấy nhau… nghĩ đến những trăn trở mấy ngày qua... Diệu Hằng quên hết phân vân, nghiêm giọng : Tôi cũng đồng ý như ông Michael.
Michael vui mừng nắm lấy tay Hằng xiết chặt sau ít giây mới buông tay, tiến đến đứng giữa hai cô gái, hai tay khoác lên vai chúng, nhìn hai người đàn bà - đang ngạc nhiên trố mắt nhìn - tiếp : Cám ơn bà Hiệu trưởng và cô giáo đã dậy các cháu trong thời gian qua. Tuy nhiên vì các cháu, chúng tôi đành phải chia tay các vị. Thành thật xin lỗi, đoạn cùng hai đứa trẻ quay người bước đi.
Ra đến ngoài cổng trường, 3 người dừng lại quay ngừơi, Michael bảo Diệu Hằng - đang lụt cụt theo sau - Ta đi đến trường tiểu học số 15.
- Liệu ở đó có những quy định như thế này không, chuyển trường giữa chừng thế này họ có nhận không - Hằng lo lắng hỏi.
- Yên trí ! Đó là trường học kiểu mẫu, mới xây dựng, đi vào hoạt động được một năm. Anh đã làm một sô giới thiệu mô hình này trên đài truyền hình tiểu bang. Họ đang thí điểm một mô hình gíao dục mới…
- Nhưng phải cho các con về thay áo chứ - Hằng thảng thốt.
- Sao lại phải thay, yên tâm đi, giám đốc của tổ hợp giáo dục là bạn của anh, họ không cổ hủ như mấy ''bà xơ'' kia đâu.
Thấy bố nói vậy, Karolin và Linh Chi vui ra mặt. Diệu Hằng dịu bớt nỗi lo. Bởi vì nếu chưa chắc chắn có trường khác cho con, phải nghỉ học, Hass biết chuyện sẽ rất phiền. Anh ấy rất chú ý đến việc đi học của con, ít nhất là hàng ngày các buổi tới lớp.
Đúng như Michael nói, viên trợ lý Giám đốc tiếp hai người thân tình, niềm nở. Không để cho khách giải thích, người trợ lý ngắt lời : Tôi hiểu, anh đưa cháu đến là có lý do. Không cần biết lý do gì, hễ đạo diễn Michael giới thiệu, chúng tôi tin rằng đó là những ‘’nhân tài, tương lai’’ của ngành nghệ thuật. Chỉ có một câu đáp : Sãn sàng !Hai đứa bé được nhân viên phục vụ dẫn ngay về học chung một lớp.
- Đó là lớp có những giáo viên dậy giỏi - Ông trợ lý nhấn mạnh.
- Dậy gỉoi ? Cụ thể thế nào - Diệu Hằng chưa yên tâm, nêu thắc mắc.
- Chúng tôi thí nghiệm ở một số lớp : Những học sinh có năng khiếu ở mọi lĩnh vực được tuyển chọn vào đây.
Các giáo viên dậy chương trình phổ thông nhưng được đào tạo thêm chuyên ngành ở các lĩnh vực Khoa học - Nghệ thuật, các kiến thức mở rộng sẽ được lồng trong giáo trình giảng dậy. Ở những giờ ngoại khóa, chú ý phát hiện, bồi dưỡng để các em củng cố, định hình niềm say mê - cơ sở đi đến tài năng.
- Nhưng vấn đề thuộc đức dục có được coi trọng không - Hằng vẫn còn e ngại về chuyện ăn mặc của con vì liên hệ ngay với mình. Cô đã được ngành nghệ thuật đào tạo từ bé... hiểu hơn ai hết ảnh hưởng, tác động của nghề nghiệp đến học sinh và hành nghề sau này. Cuộc tiếp xúc với bà Hiệu trưởng vẫn còn ám ảnh.
- Chị yên tâm. Ở đây quan tâm đến vấn đế đó không kém các nơi khác. Riêng phương pháp gíao dục thì khác hẳn : Các em cứ tự do bộc lộ khuynh hướng... chúng tôi biết, uốn nắn các khuynh hướng đi theo chiều tích cực, khéo léo loại dần những cảm thụ tiêu cực thông qua những bài giảng, tiết giảng...
- Xin anh nói rõ hơn vấn đề này. Thí dụ các em quan niệm cái đẹp thường hời hợt, bên ngoài. Trường hợp đó các anh uốn nắn thế nào - Hằng chưa thực sự yêm tâm.
- Nếu nơi khác sẽ dùng biện pháp hành chính. Còn ở đây, chúng tôi trị tận gốc: Phải chỉ ra cho các em hiểu - Đó chưa phải là cái đẹp hoàn mĩ… phải phân tích, thuyết phục… với các kiến thức đã thu lượm được, các em sẽ hiểu ra và tự mình chọn lọc cảm thụ. Xử lí hành chính là biện pháp cuối cùng.
Nghe nói thế Michael cười khoái trá, bắt tay viên trợ lý. Họ đã quen nhau, hình như rất thân là đằng khác. Khi việc chuyển trường cho 2 trẻ đã xong, hai người từ biệt viên trợ lý. Michael bảo : Bây giờ em yên tâm rồi chứ ? Đến lượt chúng ta ''thanh toán món nơ'' - chàng Đạo diễn làm bộ nghiêm mặt - Tìm chỗ nào yên tĩnh nhâm nhi. Hôm nay anh hoàn toàn tỉnh táo, phải nhận được câu trả lời của em !
Ngay trước lúc gặp nhau, Diệu Hằng vẫn còn phân vân chưa quyết định dứt khoát. Sau mấy giờ qua, nhất là từ lúc cảm nhận... đồng tình với Michael và sau khi nghe người trợ lý giám đốc trung tâm giáo dục đối đáp, giải thích... Hằng không còn gì vương vấn. Trong đầu cô đã đi đến quyết định quan trọng...
Khi người bồi bàn đưa cho quyển thực đơn, Hằng cầm chưa đọc, tiếp giòng suy tưởng, bật ra lời : Anh phải đãi tiệc mừng cuộc vui này !
- Không thành vấn đề. Em đồng ý, anh sẽ làm mọi điều em muốn ! Hãy cho anh câu trả lời đi.
- Vấn đề ly dỵ của anh có gì trở ngại không ?
- Hoàn toàn không. Chỉ cần em đồng ý, tiếp nhận anh, ngày mai anh sẽ bàn với cô vợ kí đơn rồi gửi cho luật sư, chúng mình sẽ chung sống, sau một năm sẽ làm đám cưới.. Ngừng lại, nhìn xoáy vào mắt Hằng, tiếp: Thế còn em, đã thực lòng đến với anh chưa ?
- Khi nghe anh ngỏ lời, em cũng bối rối lắm, còn phân vân. Hass đối với em rất tốt. Về mội mặt, Anh ấy thực sự là người chồng lý tưởng, một người cha tốt của bé Linh Chi. Hass cho em một gia đình yên ấm, phẳng lặng, bình dị...
- Tại sao? Bây giờ em quyết định thế nào ? Phải chăng còn vương vấn... chưa nỡ... hay - - Michael nóng lòng - không nói dứt câu, hết ý…
- Nhưng gặp, tiếp xúc - Hằng không trả lời câu hỏi, vẫn tiếp giòng tâm tư - anh như thỏi nam châm, như một ma lực, cứ hút dần... dần... Em cảm nhận… mơ ước… em... nếu đây là sự thật, liệu - chắc chúng mình sẽ có một gia đình hạnh phúc với đầy đủ ý nghĩa của nó không? Phải chăng đây là định mệnh do Chúa an bài? Em lo lắng,bối rối, bồn chồn qúa!
- Hãy tin anh! Nhất định anh sẽ làm được điều em muốn. Michael vươn qua mặt bàn, hai tay nắm lấy bàn tay Hằng, nhìn vào mặt cô rồi cứ tiếp tục : Hãy tin anh. Yên tâm đi! Niềm mơ ước của em, của anh sẽ thành hiện thực!...
Lichtenberg - Mùa xuân 2001 - 2008.
Ghi Chú :
1 - Tu (cô, em, mày) - ngôi thứ 2 số it - chỉ dùng xưng hô với trẻ em. Với người lớn, chỉ được phép dùng trong trường hợp rất thân mật (người yêu, vợ chồng..)..