Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.142.207
 
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ,Người góp phần chấn hưng, bảo tồn, truyền bá, phát huy nền âm nhạc dân tộc
Võ Quê

Tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba gắn liền với sự nghiệp bảo tồn, truyền bá, phát huy nền âm nhạc truyền thống dân tộc Việt nam cùng nghệ thuật ca nhạc truyền thống Huế. Ông đã để lại cho đời sau nhiều công trình, tác phẩm nghiên cứu, sáng tác âm nhạc dân tộc có giá trị đáng trân trọng và một di sản văn hoá trên kinh thành Huế : Tỳ Bà Viện được nhiều người biết đến, ngợi ca : "Con chim hoàng oanh đậu cành dương liễu. Con chim hồng điểu đậu nhánh mai hoa. Giữa xuân kinh có Viện Tỳ Bà. Nhạc sư có Nguyễn Hữu Ba nước mình" (Câu hò mái nhì của Ưng Bình Thúc Giạ Thị).

 

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh năm 1914 tại làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Dù hoàn cảnh gia đình rất nghèo túng, cực khổ nhưng tuổi thơ của ông lại được sống trong không khí âm nhạc cổ truyền. Thời ấy trong vùng quê Quảng Trị đã xuất hiện nhiều ban nhạc với hình thức lưu diễn từ làng này sang làng khác. Do có năng khiếu lại say mê âm nhạc nên đến năm 6 tuổi ông đã được theo học nhiều loại đàn dân tộc (bầu, tranh, tì bà, nhị, nguyệt, đàn đoản, đàn tam..) với các nghệ nhân, danh cầm lớp trước, trong đó có ông Ưng Biều (còn gọi Hầu Biều), ông Cả Soạn... Khi học đàn đã thuần thục, tinh thông các âm luật, biết nhiều bài bản dân ca, ca Huế ông được tham các ban nhạc mời tham gia biểu diễn; một số gia đình còn mời ông dạy đàn cho con em họ. Ông đã thành công sớm trên lĩnh vực biếu diễn khi tuổi đời còn nhỏ, năm 1930, ông, cậu Tôn Ut, cô Dung Ngọc Lan, cô Nhơn (tức Lê Thị Mùi sinh năm 1907 tại làng Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị) một ca sĩ tài danh đã được hãng đĩa Béka (Đức) mời độc quyền thu thanh đàn và ca Huế vào loại đĩa tròng vàng; đây là đĩa hát sớm nhất về  âm nhạc dân tộc Việt Nam được thu và truyền bá ở Tây âu trong nửa đầu thế kỷ 20. Qua sự kiện này, chúng ta biết loại hình đàn ca Huế đã sớm được phổ biến trong và ngoài nước.

 

Khi đã chính thức hội nhập vào đời sống âm nhạc, trong những năm 30, ngoài việc sáng tác trên 20 ca khúc, nhạc phim, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã bỏ công sức trong việc tìm ra phương pháp sử dụng ký âm pháp Tây phương để có thể thay thế cách ký âm theo thang âm ngũ cung nhằm phổ cập, truyền bá một cách dễ dàng, hiệu quả  âm nhạc dân tộc trong rộng rãi công chúng. Nhờ phương pháp này mà về sau đã có nhiều người nghiên cứu, học tập thực hiện trong việc sưu tầm, ký âm các làn điệu âm nhạc dân tộc giúp cho công tác giảng dạy thế hệ trẻ trong nhà trường.

 

Ngày nay, giới nghiên cứu âm nhạc rất trân trọng các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã được in thành sách : "Tự học đàn nguyệt" (1940),"Phương pháp và bài bản các nhạc cụ Việt Nam" , "Sưu tầm nghiên cứu tư liệu, thư tịch âm nhạc Việt Nam", "Dân ca Việt Nam" (1970) "Nhạc pháp quốc nhạc Việt Nam" (1961), "Vài thiển kiến về âm nhạc Việt Nam" (1950), "Bài đàn tranh" (1951), "Bài ca Huế" (1956), "Bài đàn nguyệt và bài đàn tỳ bà, bài đàn độc huyền, bài đàn nhị huyền" (1962), "Ca nhạc miền Trung" (1962) ... Chính những tác phẩm này là nguồn tài liệu quý báu giúp cho các thế hệ sau hiểu rõ hơn quá trình hình thành, phát triển nền quốc nhạc Việt Nam.

 

Năm 1945, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba tham gia cách mạng, ông được tổ chức bố trí vào công tác ở Đoàn Văn hoá Xây dựng thuộc Thành uỷ Huế. Trong không khí kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã sáng tác nhiều ca khúc đầy hào khí tuổi trẻ: "Thanh niên đồng tiến", "Tiếng hát quân Nam", "Anh dương trời Nam"...

 

Năm 1948, ông là thành viên thuộc tổ chức UNESCO; Năm 1949, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sáng lập Tỳ Bà Trang (sau đổi là Tỳ Bà Viện) với mục đích: "Góp sức xây dựng một nền nhạc viện bằng cách tô bồi nhạc mới, chấn hưng và cải tổ âm nhạc cổ truyền".

 

Năm 1953, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm Giám học Trường Quốc Gia Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 1957, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã thành công trong việc cải tiến và đưa âm thanh điện tử vào nhạc cụ Việt Nam. Năm 1964, được sự giúp đỡ của GSTS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thực hiện đĩa hát "Việt Nam I", "Việt Nam II" và đạt giải thượng hạng của hãng đĩa Pháp, Đức. Từ 1968 đến 1972 nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba giữ chức vụ Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Huế. Năm 1970 ông hướng dẫn  đoàn nghệ thuật âm nhạc cổ truyền biểu diễn thành công tại Osaka (Nhật Bản) và được tặng Huân chương văn hoá Bội tinh hạng nhất. Năm 1975, 1976 nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba về công tác tại Viện Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM; Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh. Với quá trình hoạt động âm nhạc có nhiều thành tích nổi bật, năm 1984 nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba vinh dự được Nhà Nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (ngành ca Huế) đợt đầu tiên trong số 189 nghệ sĩ, nghệ nhân trong cả nước. Vinh dự hơn nữa là năm 1990 ông được tặng Huân chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, năm 1997 ông được trao tặngHuân chương Độc lập hạng Nhì.

 

Ngày 14/7/1997, giới nhạc sĩ, công chúng yêu âm nhạc Việt nam vô cùng thương tiếc trước sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Ông đã từ trần tại TP. Hồ Chí Minh vào lúc 14 giờ, hưởng thọ 83 tuổi. Ông đã không có cơ hội để cùng nhân loại đón nhận sự kiện Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào tháng 11.2003. Chính di sản này cũng đã có công lao rất lớn của ông trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Những năm tháng qua, nhiều người Huế luôn tâm đắc với tâm niệm của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba "Cố đô Huế càng đẹp càng thơ hơn là khi chúng ta được thưởng thức nghệ thuật mô tả vẻ đẹp lịch sử ấy qua thi ca, âm nhạc, và chỉ có công năng của thi ca, âm nhạc mới truyền cảm một cách sâu xa vào lòng người và còn mãi với không gian".

 

Đọc thêm : Trần Ngọc Linh (VNnet)

 

Bảo tồn Nhã nhạc thời hậu UNESCO

 

Gần 3 năm trước, ngay sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã có hàng loạt các bài viết cảnh báo về những biến tướng của nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế. Lần giở những trang viết mấy năm trước, chúng tôi tìm thấy được một bài phỏng vấn của PV báo Thể thao & Văn hóa, đăng lại trên Tuổi trẻ Online vào ngày 21/22/2003 với tiêu đề Nhã nhạc đang bị cải biên; trong đó tác giả của bài viết đã sử dụng câu trả lời của nhà Huế học Phan Thuận An để kết thúc cho bài phỏng vấn của mình. Câu hỏi đặt ra là: Giả sử sau này những dàn Nhã nhạc đã bị biến tướng, những dàn Nhã nhạc kém chất lượng ra biểu diễn ở nước ngòai thì sao? Trả lời: “Tôi thấy, Tây họ “tinh” lắm, họ biết đâu xịn là họ mời”.

 

Câu trả lời của một nhà văn hóa, một nhà Huế học được trọng nể làm chúng tôi tự nhiên cảm thấy buồn và cười. Một bộ môn nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam, những nhà nghiên cứu, người dân Việt Nam không đủ trình độ thưởng thức mà phải nhờ đến cán cân thẩm định của mấy ông Tây bên phương trời xa lơ xa lắc.

 

Sau 3 năm được vinh danh, các đoàn nghệ thuật Nhã nhạc nối tiếp nhau đi công diễn đều đều, bình dân hóa đến nỗi ra vỉa hè nơi những phương trời Tây xa xôi hòa mình vào trong những Festival đường phố. Và một thứ Nhã nhạc đường phố của Việt Nam ra đời. Câu hỏi đặt ra là phải bảo tồn Nhã nhạc theo hướng xã hội hóa và toàn cầu hóa như thế nào? Hay cán cân thẩm định của những ông Tây kia mới là công bằng với nguyên tắc thị trường “Tiền nào của nấy”?

 

Nhã nhạc sau ba năm có còn là Nhã nhạc?

 

Ba năm sau ngày được vinh danh, vô vàn những sự biến tướng phát sinh đã làm hạ thấp một hình ảnh của một loại quốc nhạc cổ xưa ở Việt Nam.

 

Thứ nhất là việc tổ chức biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. Theo Quyết định số 867/QĐ-UBND, ngày 29/03/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc thành lập Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, qua đó sáp nhập các nhà hát hiện đang biểu diễn Nhã nhạc ở Huế vào chung một cơ sở.

 

Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục ra Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 27/4/2006, giao quyền quản lý Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế cho bà La Thị Cẩm Vân làm Giám đốc. Chưa đầy ba tháng sau, bà La Thị Cẩm Vân đang đưa đoàn Nhã nhạc của nhà hát đi biểu diễn tại một Festival ngoài đường phố ở một xứ Tây Ban Nha xa xôi.

 

Việc đưa một loại hình nghệ thuật thuộc về không gian tông miếu đi biểu diễn ngoài vỉa hè là một sự xúc phạm không chỉ riêng đối với nghệ thuật Nhã nhạc mà còn đối những người đang hàng ngày chi chút hương hỏa sót lại của văn hóa Việt Nam. Được biết, đây không chỉ là lần đầu tiên bà La Thị Cẩm Vân làm việc tùy tiện như vậy.

 

Đầu năm 2004, trong một chương trình biểu diễn Nhã nhạc tại Hà Nội nhân việc UNESCO công nhận Nhã nhạc là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, bà La Thị Cẩm Vân lúc bấy giờ là Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống Huế đã yêu cầu dàn nhạc công Nhã nhạc hợp tấu bài Tương tư khúc. Thực chất, Tương tư khúc không hề nằm trong hệ thống bài bản của Nhã nhạc mà chỉ là một điệu ca Huế, ra đời vào khoảng những năm 20 của thế kỷ trước của một chàng trai thất tình bỏ nhà đi tu.

 

Thứ hai là về việc ứng xử với các nghệ nhân Nhã nhạc. Sau khi nghệ thuật Nhã nhạc được UNESCO công nhận, hầu hết các nghệ nhân như cụ Lữ Hữu Thi, cụ Hồ Viết Châu không được mời tham gia biểu diễn và giảng dạy trong bất cứ chương trình hay lớp học nào. Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ Online ngày 15/11/2003, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã mời nghệ nhân Lữ Hữu Thi vào nhà hát Duyệt thị đường để dựng lại đội Hòa Thanh (dàn Tiểu nhạc) và đội Kỳ Cổ (Dàn Đại Nhạc). Ba năm sau, đến Duyệt thị đường hay Trung tâm bảo tồn di tích cố đô, chúng tôi không còn được nghe thêm thông tin gì về hai đội này, bản thân cụ Lữ Hữu Thi cũng không dạy trong nhà hát nữa. Theo một số nguồn thông tin, cụ Lữ Hữu Thi hiện còn nhớ được toàn bộ 7 bản Thài cổ (Thài là các bản nhạc lễ, dùng trong việc tế lễ gồm có 7 bản - PV) dùng trong lễ tế Nam Giao.

 

Cụ Trần Kích hiện đã hơn 80 tuổi, cách đây không lâu được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mời vào nhà hát Duyệt thị đường để hiệu chỉnh cho các nhạc công Nhã nhạc, nhưng theo cụ kể lại thì: “Tui chỉ ngồi vô đấy để cho có mặt chứ nào có được dạy dỗ gì đâu”. Vậy là sáng sáng, cụ đạp xe vào nhà hát, đến trưa thì về và được trung tâm cho lĩnh tiền dạy.

 

Ngay cả nếu như cụ Kích có được dạy đi chăng nữa thì với tần số một ngày 4 suất diễn của nhà hát, việc dạy dỗ chắc lại lâm vào cảnh dạy suất sáng thì suất chiều quên. Gần đây, cụ Trần Kích và anh Trần Thảo, con trai cụ, cũng đồng thời là một nhạc công Nhã nhạc được mời đến dạy tại Trường Đại học nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Trung học văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế nhưng công việc giảng dạy rất bập bõm vì học viên cả hai trường thường xuyên bị điều động đi diễn.

 

Đến thăm nhà nghệ nhân Trần Kích, anh Trần Thảo cho biết: “Có lẽ cuối năm nay, ông cụ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú”. Cụ bảo: “Nói về chuyện phong tặng thì cũng dận dịp từ năm ngoái, chả biết năm nay có được không?”. Tôi bất giác nghĩ đến cụ Lữ Hữu Thi hay cụ Hồ Viết Châu, cả hai cụ đều chưa nhận được một danh hiệu tôn vinh một cách quan phương nào cả, liệu những người như các cụ còn phải chờ đến bao lâu?

 

Như cụ Hồ Viết Châu năm nay cũng hơn 70 tuổi, vốn ở trong lớp học Đồng ấu của dưới sự bảo trợ của đức Từ Cung, là nhạc công về trống và được thừa hưởng từ người cha là nhạc công trong đội tiểu nhạc của cung đình ngón phách tiền điêu luyện, vậy mà sau khi Nhã nhạc được công nhận, ông không được mời dạy, không được mời biểu diễn. Cụ sống ở huyện Phong Điền, sống bằng nghề đánh trống hay thổi kèn trong các đám ma. Rồi như anh Trần Thảo, anh Nguyễn Đình Vân v.v.., biết bao nhiêu các nghệ nhân đã từng là linh hồn của bộ Hồ sơ Nhã nhạc để đệ trình lên UNESCO giờ không được làm nghề, không được dạy nghề và không được tôn vinh trong nghề.

 

Thứ ba là sự biến tướng về mặt chất lượng. Trong Festival Huế năm 2006, một tin vui cho những người làm công việc bảo tồn văn hóa là tại lễ tế đàn Nam Giao, người ta đã phục dựng lại được các bản Thài cổ. Nhưng tìm hiểu kỹ chúng tôi mới biết rằng phần lời của bảy bản Thài cổ vẫn được giữ lại khá nhiều trong các sách cổ của triều Nguyễn nhưng các sách chỉ ghi lại được phần Lời chứ không ký tự được về mặt Âm, tức là hệ thống tiết tấu vào giai điệu.

 

Tuy vậy, có những hình thức bản Thài khác hiện vẫn đang tồn tại trong dân gian, như trong các đội nhạc tế ở các làng xã, trong Phật giáo cũng có các bản Thài. Hình thức Thài ngoài dân gian này vẫn còn giữ được phần lời vào giai điệu. Người ta đã đem phần lời của cung đình để ghép và giai điệu tiết tấu của dân gian, rồi công bố tại lễ hội Nam Giao là đã phục dựng xong bảy bản Thài cổ, chứng minh cho công quả của cuộc bảo tồn Nhã nhạc 3 năm sau khi được công nhận.

 

Việc nghiên cứu phục dựng theo kiểu "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" bất giác làm cho chúng ta ngán ngẩm, vì phục dựng như thế thì dễ quá. Một lối làm hàng chợ vẫn len lỏi trong một bộ môn văn hóa nghệ thuật cung đình. Đến Huế giờ rất khó có thể nghe một thứ Nhã nhạc đúng mực, trong khi nơi duy nhất biểu diễn Nhã nhạc là ở nhà hát Duyệt thị đường. Nhưng trong 45 phút cho một sô diễn ở nhà hát Duyệt thị đường, đã có 3 tiết mục múa với những điệu cười lả lướt của các cô diễn viên trẻ lẫn trung niên mất gần 30 phút, 15 phút còn lại chia đều cho 2 đến 3 điệu Nhã nhạc với sự lộn xộn của những nhạc cụ, và sự nhấn nhá, cắt cúp tùy tiện khi diễn xướng.

 

Thứ tư là việc tổ chức truyền dạy. Hiện giờ ở Huế có 2 nơi đào tạo các nhạc công Nhã nhạc, thứ nhất là Trường Đại học nghệ thuật Thừa Thiên Huế; thứ hai là trường Trung học văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế, với nguồn giáo viên chủ yếu lấy từ 11 cử nhân tốt nghiệp khóa 1 đào tạo các nhạc công Nhã nhạc tại trường Đại học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Gần đây, dù trường có mời thêm cụ Trần Kích và anh Trần Thảo đến giảng dạy nhưng mỗi khi có dịp Festival là hầu như học sinh và sinh viên hai trường này được huy động để đi biểu diễn.

 

Các thầy thì hoặc là ở nhà, hoặc đi trong đoàn làm diễn viên quần chúng như trong lễ tế Nam Giao mà chúng tôi đã từng nêu ở bài báo trước.

 

Anh Trần Thảo đã từng ngao ngán mà tâm sự: "Bản thân các em có năng khiếu nhưng khi học chưa đến đâu mà cứ bắt các em đi biểu diễn thì chúng tôi không thể nào đảm bảo được chất lượng đào tạo. Nhưng vì phục vụ cho các Festival làm no nê nhu cầu của các vị khách muốn xem một sản phẩm nghệ thuật của văn hóa nhân loại được UNESCO công nhận, người ta vẫn cứ tùy tiện sẵn sàng can thiệp để cho các em nghỉ học thay thầy đi biểu diễn phục vụ cho một mục đích trước mắt". Hoàn toàn có thể khẳng định trong khi kiến thức các thầy vừa truyền cho chưa có thời gian để “ngấu” thì các em đã phải thực hành luôn, nên đương nhiên sự rơi rụng kiến thức sẽ là điều không tránh khỏi.

 

Chúng tôi có quan sát một số buổi dạy học của nghệ nhân Trần Kích và anh Trần Thảo tại trường Trung học văn hóa nghệ thuật cũng như tại ngay nhà riêng mới rút ra một điều: Hầu hết các em đều chưa cung cấp cho mình đủ một bản lĩnh để học Nhã nhạc, điều này quả là một sự khó khăn. Ví dụ, hầu hết các bài bản của Nhã nhạc do đều được tấu ở những không gian trang trọng, mang tính tôn nghiêm nên đòi hỏi tính ngay ngắn, sự chuẩn xác, lề lối.

 

Hầu hết khi diễn xướng thì nhạc công ít khi được thể hiện các ngón nhấn nhá, chuốt để tạo sự lẳng lơ trong tiếng đàn, mỗi bản Nhã nhạc chỉ được nhấn nhá ở một số chỗ nhất định, tạo nên những nét đặc trưng của nghệ thuật này. Thế nhưng các em học viên giờ không nắm được điều này nên khi diễn xướng, các ngón đàn nhấn nhá một cách rất tùy tiện, cho nên mới có chuyện tấu Đăng đàn cung mà hơi Bắc mé sang Quảng mà chúng tôi đã có dịp được đề cập ở bài viết trước là vậy.

 

Nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế đã đâm chồi nảy lộc bằng sự quan tâm của những người yêu nghệ thuật và các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tính đến năm 2003 khi UNESCO công nhận Nhã nhạc thì bộ môn nghệ thuật này đã có một lịch sử hơn nửa thế kỷ gìn giữ vào bảo tồn:

 

- Sau năm 1945, đức Từ Cung – thân mẫu của vua Bảo Đại đã đứng ra bảo trợ và duy trì đội Nhã nhạc cung đình dưới biên chế của Đoàn Ba vũ cổ nhạc. Đoàn Ba vũ cổ nhạc tồn tại cho đến năm 1975. Từ đó, các nhạc công của đoàn làm nhiều việc khác nhau, nhưng hầu như ít ai nhắc đến hai từ Nhã Nhạc.

 

- Đến năm 1992, nhân Festival văn hóa Việt – Pháp, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô, người ta đã dàn dựng lại dàn Đại Nhạc và Tiểu Nhạc. Trên thành quả của liên hoan và dưới sự quy tụ một số lượng lớn các nghệ nhân Nhã nhạc, cùng năm đó CLB Nhã nhạc Phú Xuân ra đời với những tên tuổi các nhạc công với đẳng cấp nghệ thuật cao như cụ Trần Kích, Hồ Viết Châu, Trần Thảo v.v..

 

- Năm 1993, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô mời các nghệ nhân Nhã nhạc biểu diễn trong điện Thái Hòa sau đó mời các nghệ nhân đứng ra tuyển chọn đội ngũ kế cận và học tại nhà các nghệ nhân.

 

- Năm 1994, GS. Tôn Thất Tiết về nước đứng ra bảo trợ cho các nghệ nhân Nhã Nhạc.

 

- Năm 1995, đoàn Nhã nhạc đầu tiên, lấy nòng cốt là CLB Phú Xuân sang Pháp biểu diễn và thu băng.

 

- Năm 1996, đĩa ghi âm Nhã nhạc đầu tiên được phát hành tại Pháp và sau đó được xếp là 1 trong 10 đĩa CD hay nhất ở Pháp trong năm.

 

- Năm 2002, Bộ Văn hóa thông tin giao cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành xây dựng bộ hồ sơ Nhã Nhạc để đệ trình lên UNESSCO công nhật là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

- Năm 2003, Nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế chính thức được UNESSCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Ảnh : Nghệ nhân Nhã nhạc Nguyễn Hữu Ba

Võ Quê
Số lần đọc: 4862
Ngày đăng: 04.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống mãi với lời ca Huế - Võ Quê
Tây Tiến ,Thơ: Quang Dũng - Tăng Tấn Lộc
Người con gái quê hương - Châu Thanh
Hình ảnh "Dòng sông - Bến nước - Con đò" trong Ca cổ cải lương Nam bộ - Tăng Tấn Lộc
Gia tài của “ bướm vàng “ - Nguyễn Khắc Phê
Những bài ca cổ hay của Nam bộ: Lời người hát rong - Ngô Hồng Khanh
Bài vọng cổ đưa dâu - Trần Thế Vinh
Cải lương, cá tính của miền Nam - Khánh Phương
Kỷ niệm bên hồ XOÀI SOR - Trần Thế Vinh
Nhớ một giọng ca vàng - Trần Dũng
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)