Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.240
123.154.389
 
Không khóc nữa
Phan Tử Nho

Nước mắt không phải là xà phòng nên nỗi đau vẫn còn nguyên.

Nhưng vài giọt lưng tròng cũng có thể làm biển đời vơi đi mặn chát.

 

Sạn Em không hiểu vì sao ba nó có cái tên đó, tên Ba Lem. Nó phỏng đoán chắc ba nó lem nhem lắm. Chứ không, tại sao ông nhiều vợ vậy? Trật lất! Anh hai nó, anh Cát, khẳng định như đinh đóng cột. Mày biết tại sao không? Ờ, mà mày còn nhỏ, chưa hiểu đâu. Trong giấy khai sinh anh em mình tên cha là Lê Ba, phải không? Ở quê mình, ngoài Quảng nghèo lắm. Họ kẹo đến mức cái tên cũng cụt lủn. Nhưng ba mình tên cúng cơm là Lê Văn Lem nhé. Ông Nội hồi xưa đỗ Tú Tài, văn chương chữ nghĩa thơ phú cũng có hạng đó, lẽ nào đặt tên cho con lại nghèo ý nghĩa vậy. Đúng rồi. Nó tua lại cuộn phim, không, cuộn ghi âm mà nó nghe mọi người trong gia đình nó hay kể lể dịp giỗ, chạp. Ba nó cũng ước mơ như mọi người. Ông không học nhưng cũng ưa văn chương thơ phú. Dù không cha từ nhỏ, mẹ có chồng khác, ông về sống bên quê nội, ở đợ, chăn trâu nhưng cái máu của cha ông vẫn ứ tràn trong huyết quản. Năm 18 tuổi, máu giang hồ bắt đầu cục cựa hung, ông trốn quê vào đất Phan này kiếm sống.

 

Nhớ đến đó, Sạn Em cãi: Em nghe ba kể ông Nội bỏ nhà đi theo ghe bầu giang hồ mất tích, có lo gì cho Ba đâu. Hay là Ông Nội lem nhem, bà Nội bực mình đặt tên cho Ba như thế. Ba mình một chữ bẻ đôi cũng không biết thì Lê Văn, Lê Vẽ gì! Anh Cát nó sừng sộ: Mày dốt bỏ mẹ! Mày thấy Ba không biết chữ nhưng ông coi bảng vẽ cừ không? Làm cai thầu thợ hồ có mấy ai qua. Ừ, thì ổng giỏi. Giỏi luôn cái nghề “cua gái”. Anh ba Vôi xen vào. Tao đố mày biết tại sao ổng “cua gái” giỏi không? Sạn Em gãi đầu bảo: Ba mình đẹp trai, to cao…Anh ba Vôi cười ha hả. Mày ngu quá tay. Lúc xây nhà cho người ta, ổng chỉ mặc độc cái xà lỏn đứng trên giàn giáo, mấy em phụ hồ đứng dưới ném gạch lên làm sao mà không thấy cu dái ổng. Thấy rồi đâm mê. Cả ba anh em cười đến ràn rụa nước mắt. Ánh lửa nồi bánh tét bập bùng làm biến dạng những cái miệng đang toang hoắc cười trông thêm méo mó. Mẹ nó quát: Coi chừng cháy nồi bánh, mấy ông yêu. Gì mà cười dữ vậy? Sạn Em méc: Má! Anh Vôi nói hồi xưa Má thấy cu dái Ba nên mê…Tổ cha mày, biết gì mà nói. Bậy bạ! Đi vô nhà thăm chừng chảo gừng rim cho tui. Nhớ tưới đều cho đường nó thấm. Nó cà nanh: Má biểu con Gái làm, con có biết rim riết gì đâu. Bao giờ nó cũng nạnh em gái nó khi má nó sai vặt. Nó còn trũng trịnh chưa chịu đi, tò mò chuyện người lớn. Má nó cũng tức cười chuyện tào lao của các con. Bà vừa cười, vừa nói: Ổng thấy tao thì có. Hồi tao ở đợ cho bà Cai, lỡ có con sâu trong nồi canh mà bả tạt cả nồi lên người, may mà còn nửa nồi hơi nguội, chứ không thì phồng mình chứ chơi. Ông thấy vậy biểu tao cởi đồ ra giếng cho ổng xối. Mà hồi xưa có biết mắc cở như bây giờ đâu. Vôi chêm: Vậy là Ba thấy Má trước! Thằng khỉ. Bà đánh trống lãng, quay sang Sạn Em nạt: Sao không đi đi, còn đứng đó?

 

Sạn Em lững thững bước, đầu nhìn xuống đất như đang tìm bạc cắc ai rơi. Nó lúc nào cũng lững thững như một cụ non. Hay thắc mắc, suy đoán. Hèn chi cái đầu của nó cũng to hơn mấy anh nó, và, dĩ nhiên cũng nặng hơn nên cứ muốn rớt xuống phía trước. Ngồi trông chảo gừng rim đầu óc nó lại lan man thắc mắc, suy đoán. Tại sao tên anh em nhà nó chẳng ăn nhập gì với nhau. Anh hai Cát là Lê Văn Sơn. Anh ba Vôi là Lê Hữu Hải. Anh tư Sạn Anh là Lê Hữu Sạn. Em gái nó là Lê Thị Gái. Còn nó, Sạn Em là Lê Minh Hoàng, sao đẹp thế? Đành rằng Ba nó yêu nghề nên chọn vật liệu đặt tên cho con, lẽ ra nó phải là Gạch mới đúng, sao lại Sạn Em, Sạn Út gì ở đây? Nó lôi em nó dậy. Má biểu mày rim gừng kìa. Mới gần 10 giờ đã ngủ. Nó chạy ra sân, nơi nồi bánh tét đang bập bùng. Má. Sao tên anh em con lạ quá à. Anh Cát, anh Vôi tên hay, còn anh Sạn, con Gái tên xấu òm vậy? Má nó đang loay hoay dọn dẹp đống lá chuối thừa thẹo khi chiều bị ngọn bấc cuối đông đùa giỡn tung tóe, chợt dừng lại ngó nó ngạc nhiên. Cái thằng khỉ. Bỏ chảo gừng cháy hết. Đi vô! Dạ, con Gái đang coi chừng rồi. Má nó lắc đầu ngao ngán cái thằng gì- cũng- hỏi. Anh Cát tài khôn: Ba kể nè. Ba ước đất nước thanh bình nên Ba đặt tên cho con là “Sơn hải thái bình”. Đúng ra thằng Sạn Anh là Thái, còn mày là Bình. Phải không Má? Má nó ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng Cát  không thôi. Anh Cát nó hậm hực: Ổng theo Dì Hai lúc Má đẻ thằng Sạn Anh, rồi ổng theo Dì Ba lúc Má đẻ mày. Ổng lại quay lại Dì Hai khi Má đẻ con Gái, lâý ai đặt tên. Má nó giọng buồn buồn: Tao có biết chữ nghĩa gì đâu. Ổng cũng chẳng rằng. Khi nhà thương hỏi, tao nói “Lê Hữu Sạn”, họ cứ ghi tên. Còn mày, tao biểu “Lê Hữu Sạn Em”, nhà thương họ chê tên kỳ cục. Thật tình, tao cũng không biết ai đặt tên cho mày nữa. Ờ, mà mày là con bà Phước tao xin về nuôi mà! Anh Vôi đía thêm: Mày thấy mày giống Chàm không? Nhà này có ai đen thui như mày đâu. Hồi đó tao tưởng Má đẻ mày ở hầm than, ai ngờ má lượm mày ở cống Công Thành. Nói xong, Vôi lại cười ha hả. Tiếng cười ghim vào lòng Sạn Em như mũi kim. Đau nhói. Mặt nó xụ xuống. Nước mắt nó ứa ra, lờ mờ những bóng hình đang chao đảo, chập chờn trong ánh lửa lò bánh nghi ngút khói. Nó dụi mắt, đứng dậy lủi thủi bước vào nhà. Đúng là ma mũi, đụng tí là khóc. Con trai gì mà mít ướt. Má nó nộ: Thôi, tụi mày cứ hay chọc nó. Bà thở dài: Tội nghiệp. Không biết giờ này thằng Sạn Anh đang ở đâu nữa. Ngày hết, Tết tới rồi. Lính với tráng, khổ thân thằng nhỏ…Tiếng bà buông dài, rơi thỏm vào đêm đen kịt, lắng im. Chẳng ai trả lời, chỉ còn tiếng củi than nổ lách tách, tiếng ùng  ục nồi bánh đang sôi hòa quyện cùng tiếng đạn pháo vọng về xa xa.

 

Sạn Em nằm khóc ngon lành. Nó tủi thân. Có phải thật nó là con Chàm? Đúng là nó đen thui, khác với anh em nhà nó. Nó ghét anh Vôi. Nó ghét anh Cát. Nó ghét lây cả má nó. Nó thầm ước đạn pháo rơi lạc trúng nhà nó. Nó chả thèm Tết như những ngày trước đó nó từng mong đợi. Nó nghĩ ngợi mông lung, không đầu, không đũa. Nó chê anh Vôi hèn, trốn lính, sợ chết. Nó  chê anh Cát nhát, lủi vào sở Mỹ núp. Không như anh Sạn Anh đi lính Biệt Kích Dù oai phong. Nó lại mong mau lớn, bỏ nhà đăng lính để xem má nó có khóc không. Nó tưởng tượng cảnh ngày nó ra đi. Đầu đường, xó chợ, không nơi ăn ngủ, không ai thân thích. Nó bật khóc thành tiếng. Má! Anh Sạn Em khóc kìa! Nó vùng dậy, lao đến chỗ em nó. Méc hả? Cốc một cái rõ to trên đầu con bé. Em Gái nó ré lên. Anh Sạn Em đánh con. Má nó quát. Gì mà ồn ào vậy. Đứa nào vô dẹp loạn cho tao coi. Anh Vôi bẻ nhánh củi đét xuống đất một cái chát đến giật mình. Mày đánh em hả, cái thằng con Chàm mít ướt này. Nằm xuống. Vôi hét to làm thằng con trai mới đầy tháng tuổi trong buồng giật mình oe oe. Tiếng vợ Vôi dỗ dành, càm ràm, rền rỉ làm Vôi càng thêm nóng máu. Khóc nè, khóc nè, khóc nè. Mỗi tiếng Vôi gầm lên là một lằn roi vòng lên trên đít nó. Nó trân mình hứng chịu. Lúc này nó muốn khóc lắm nhưng bao nhiêu nước mắt thừa mứa khi nãy bây giờ chạy tuột xuống họng, dồn cục tạo thành thứ âm thanh đùng đục, khò khè. Vôi cũng phát hoảng. Đứng lên. Ra soi gương coi. Mau. Nó vòng tay đứng dậy, suýt soa. Dạ thưa anh Vôi, em không dám khóc nữa. Nói đến đây, miệng nó bắt đầu mếu. Còn khóc nữa hả. Đi ra soi gương mau. Nó líu ríu lết đến tủ đứng, hé mắt nhìn trong gương. Mở to mắt ra. Khi nào hết khóc mới được đi, nghe chưa. Ra Tết, tao cho mày theo mấy thằng Đại Hàn học Teikundo cho bớt mít ướt đi.Vôi đe thêm: Con Gái đâu? Mày cũng bỏ cái tật hơi tí là méc đi nghe chưa. Bữa nay tao tha cho. Vôi lầm bầm thêm mấy tiếng không rõ, bỏ ra ngoài sân. Sạn Em không dám đi. Nó lại hé mắt nhìn nó lần nữa. Thật là xấu chưa từng thấy. Nước mắt, nước mũi ràn rụa, miệng méo xệch. Đúng là dị hợm. Nó lại hiếu kỳ nhìn kỹ hơn. Miệng xệ xuống, môi trề ra, trông như chú hề mấy gánh Sơn Đông mãi võ. Nó thấy nó trông tức cười. Và, nó nhoẻn miệng cười thật! Đấy, trông phải dễ coi hơn không? Từ dạo đó Sạn Em thôi không khóc nữa. Mà nếu có khóc, nó cũng không bao giờ trề miệng ra như thế.

 

Trich truyện : CON NHÀ BA LEM.

 

Phan Tử Nho
Số lần đọc: 2440
Ngày đăng: 07.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Long Lanh Ánh Nến Giữa Trời Đêm - Nguyễn Thế Hoàng
Người Đàn Bà Bay Trên Mây - Nguyễn Lệ Uyên
Điêu Thuyền - Miêng
Lỗi văn hóa - Trương Thái Du
Cánh bèo đã có đôi - Ngọc Thiên Hoa
Tài năng trẻ - Lê Xuân Quang
Gương mặt hoàn hảo - Hồ Ngạc Ngữ
Thế gian một thẻo nhân tình - Nguyễn Trọng Nghĩa
Mùa mưa gai sắc - Trần Vũ
Hận lòng của chuột - Ngọc Thiên Hoa