Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
687
123.237.924
 
người xưa - người nay
Nguyễn Trọng Nghĩa

Thật tình cờ, mới đây Thạch gặp lại người xưa, người mà thời còn trai tráng anh đã long trọng thề với mình là sẵn sàng quì gối và được chết dưới chân dù sau khi chết bất luận nàng có chịu nhỏ một giọt nước mắt nào hay không. Nguyên văn của lời thề thốt đó Thạch không nhớ rõ lắm nhưng anh dứt khoát không xem lại dù nó vẫn còn nằm nguyên trong ngăn hồ sơ chung của hai vợ chồng anh, nghĩa là chỉ cần đưa tay “kéo cái rột” là có thể đánh giá được mức độ tư duy và khả năng chữ nghĩa của anh khoảng mười lăn năm về trước. Tuy nhiên, đã như một thứ qui định ngầm, cái ngăn hồ sơ ấy gần mười lăm năm qua vợ chồng anh rất ít đụng đến; những dịp sắp xếp lại nhà cửa của hai vợ chồng, với bất kỳ vật dụng nào trong nhà đều phải cân nhắc kỹ, riêng ngăn hồ sơ họ chỉ làm qua loa với gương mặt cả hai đều hơi mất tự nhiên, và, tuy đã qua nhiều lần “sắp xếp lại” nhưng nói chung ngăn hồ sơ vẫn gần như ở tình trạng ban đầu.

 

Trong ngăn hồ sơ ấy gồm: hai quyển nhật ký ghi chép lung tung, trong đó có vài mối tình đơn phương về phía Thạch với nhiều hứa hẹn và thề thốt, cũng một phía. Phần đáng giữ và đáng tự hào hơn cả là những kỷ niệm của cái thuở ban đầu với mẹ của thằng con anh hiện tại gồm thư từ cho nhau, vài tấm ảnh, chiếc vé xem phim họ đi với nhau lần đầu, mấy viên đá cuội lượm ở bãi biển, một cái xác lá... Nói tóm lại khi dọn về sống chung với nhau, “tài liệu mật” về phía Thạch không có gì đáng kể và anh cũng không hề phát tán mặc dù bạn bè đã lưu ý: “Án nhè nhẹ cỡ vài ba năm tù là chuyện đồ bỏ, nếu vợ con cần thì cứ thành khẩn khai báo, có thể bịa thêm vài mẩu cho họ vui. Còn án tử hình tuyệt đối phải dấu”. Tất nhiên Thạch không dại gì nói với vợ là anh không có án tử hình, anh chỉ cười khi vợ có dịp hỏi, ai muốn hiểu sao thì tùy; và vợ Thạch dễ dàng hào phóng xóa đi ba cái án lẻ tẻ, trong đó việc thề hy sinh tính mạng dưới chân một cô gái khác là chuyện dí dỏm bật nhất của chồng mình mà nàng hay đem ra đùa (một cách tế nhị để cho Thạch không bị tổn thương) mỗi khi gia đình thật vui vẻ.

 

Người mà có giai đoạn Thạch nguyện được ngã gục dưới chân hồi ấy là một cô sinh viên trẻ. Ở nàng chỉ có nhan sắc là nhỉnh hơn trung bình, còn mọi cái đều bình thường như chiều cao, trọng lượng, sức học, sức ăn, độ chính chắn cũng như sự nông nổi. Nàng có ham muốn như bao cô gái cùng thời về âm nhạc, thời trang, ngoại ngữ... và thay vì người ta sưu tầm tem, huy hiệu... thì nàng sưu tầm bao thuốc lá. Thế thôi. Họ gặp nhau trong một tiệc sinh nhật bạn và yêu nhau (nếu có thể nói như vậy) ngay từ cái nhìn đầu tiên.

 

Những nhận xét trên về cô gái là những nhận xét khách quan của bạn bè, còn với Thạch, anh chỉ có hai từ để dùng: hoàn hảo, và đố ai chứng minh khác được lập luận của anh. Kể từ giờ phút ấy (quen nàng) Thạch chỉ sống trong mơ. Anh không đi mà bay, không nói chuyện mà hát, không phải chàng sinh viên nông-lâm-súc mà là thi sĩ. Chính trong khoảng thời gian này Thạch đòi được chết dưới chân nàng mà bằng chứng rành rành giấy trắng mực đen đến giờ còn lưu giữ.

Kể từ đó Thạch luôn có mặt bên nàng (và bạn bè nàng) ở ký túc xá của nàng theo lịch mà nàng cho phép. Tình trạng đó kéo dài khá lâu. Nhưng bỗng một hôm nàng vắng mặt. Các bạn của nàng báo lại: “Hôm nay chị ấy đi dự sinh nhật họa sĩ Hoàng Sơn. Xui cho anh! Chắc anh biết anh Hoàng Sơn?” Nhưng Thạch nào có biết sơn phết gì đâu.

 

Thạch ra về. Mấy ngày sau, theo lịch, anh lại đến. Lần này là một mảnh giấy cài ở ổ khóa: “T., hôm nay tụi bạn thời phổ thông tổ chức họp mặt. Em không thể vắng được, anh hiểu cho. Ngày mai anh đến nhé”. Hôm sau Thạch đến. Mảnh giấy lần này lời lẽ có vẻ dịu dàng hơn: “Anh, có giận em không đó? Đừng giận nha! Bạn bè chúng nó lôi em chớ em nào muốn đi. Hôm nay nhóm “Tâm lý” bên “Tổng hợp” tổ chức hội thảo với chủ đề “Tuổi trẻ và tình yêu”. Chúng nó nói em vắng mặt thì buổi hội thảo còn gì là ý nghĩa. Anh hiểu không? Ngày mai em đến”.

 

Và nàng đến thật, nhưng không phải một mình, cùng đi với nàng là một thanh niên có ria mép. Nàng ra lịnh cho họ làm quen với nhau, rồi rất khác thường nàng bỗng bật cười khanh khách, làm như nàng đã có uống chút rượu.

 

Để tránh nhầm lẫn ta hãy gọi chàng trai này là Người Thứ Ba. Xét về mọi mặt Người Thứ Ba chẳng có gì vượt trội. Tuy nhiên nói cho công bằng ở Người Thứ Ba có hai ưu thế: Thứ nhứt, Người Thứ Ba cao hơn Thạch hai xăng ti mét. Thứ hai, cha của Người Thứ Ba đã từng là Tổng giám đốc một số công ty nhưng nay đã về hưu.

 

Ít tuần sau, khi tình hình có vẻ nguy ngập, Thạch vừa buồn vừa lo. Anh nghĩ, con người ta cao thấp hơn nhau ở cái đầu chứ thước tấc nghĩa lý gì. Tổng giám đốc chứ có là tổng thống, nếu đã về hưu thì như nhau, phó thường dân tuốt. Vậy mà phái đẹp họ chậm hiểu, cái chân lý đơn giản nằm sờ sờ ra trước mắt mà cô bạn gái - thần tượng của anh - không nhìn thấy. Đã vài lần Thạch tỏ vẻ khó chịu trước sự hiện diện của Người Thứ Ba, chỉ dám tỏ vẻ khó chịu thôi chứ chẳng làm gì ồn ào hơn, nhưng qua sự giảng giải của nàng anh thấy mình sai hoàn toàn. Nàng nói: “Chẳng lẽ giờ đây em không có quyền được có bạn trai, những người bạn chân chính hiểu theo đúng nghĩa?” Thạch chưa kịp tán thành thì nàng tiếp: “Anh nghĩ coi, suốt cuộc đời em, em đâu thể chỉ biết có một người? Ngoài người đó ra em còn có những mối quan hệ xã hội nữa chớ?” Phản ứng đầu tiên của Thạch sau khi nàng dứt lời là muốn sừng sộ. Nhưng anh không thuộc hạng người làm theo ý muốn kiểu bản năng, bởi vì nếu suy nghĩ kỹ, lẽ phải hoàn toàn thuộc về nàng. Hôm đó, sau khi đưa nàng về ký túc xá kết thúc cuộc dạo chơi, anh đã hành động như một trang quân tử: chấp nhận cô bạn gái của mình được quyền có những người bạn trai chân chính hiểu theo đúng nghĩa và những mối quan hệ xã hội.

 

Hình như lần đó Thạch trở về ký túc xá của mình không bằng xe buýt như thường lệ mà anh đi bộ. Chính vì đi bộ anh đã phát hiện ra một công viên, nơi có nhà điêu khắc nghiệp dư nào đó tạc tượng một cô gái bằng gỗ. Thạch ngồi xuống, gục đầu vào vai cô gái gỗ, cảm thấy ấm lòng.

 

Song le, trong bất cứ người quân tử nào cũng núp ló một tên tiểu nhân. Tên tiểu nhân trong Thạch là tên hạng bét, chuyên trả thù vặt, đó là việc anh phát hiện ra mình mới sinh tật xấu: đánh tình địch trong mơ, cụ thể là đánh Người Thứ Ba và vài phần tử khả nghi khác. Thảm hại hơn, tại các cuộc thanh toán nhau trong mơ ấy anh luôn là kẻ bại trận. Sỡ dĩ Thạch ý thức được điều này là nhờ một cú đá anh tung ra vào khoảng năm giờ sáng của một đêm mùa hè oi bức. Tất nhiên Thạch đá vào tường. Từ đó cho tới sáng hẳn Thạch ngồi nghĩ về sự may mắn của gã tình địch, bởi nếu không phải trong mơ mà ngoài đời thật, nếu không phải đá vào tường mà vào đối thủ bằng xương bằng thịt thì... Nhưng rồi có cái gì đó làm ngực anh nhoi nhói. Không lẽ anh “xuống cấp” đến như vậy sao? Con người ta thường hay bổ sung cho những khiếm khuyết của mình bằng cách này hay cách khác. “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Đánh người trong mơ - đó rõ ràng là sự bổ sung cho tính nhu nhược của anh. Dần dà về sau này anh nghĩ: “Mình mà hèn thiệt sao?”

 

Một buổi trưa Thạch có mặt trong cái công viên mới phát hiện, ngồi ngã người vào cô gái gỗ. Việc mình trở nên nhu nhược vẫn ám ảnh anh không thôi. Đúng, Thạch vẫn không quen với ý nghĩ rằng mình là con người hèn hạ. Nhưng điều gì chứng minh anh hào hiệp, cao thượng? “Họ cướp người yêu trên tay mình, dẫn đi diễu diễu trước mắt mình, đó không phải là cười vào mõm mình sao? Còn mình không làm được gì khả dĩ để cứu vớt, thôi thì cái con người giả nhơn giả nghĩa kia không cứu làm gì, mà cả danh dự bản thân cũng không cứu được nốt, chỉ có trả thù vặt trong chiêm bao. Nhục!”

 

Thạch rất đau lòng khi bắt nàng làm con người giả nhân giả nghĩa. Nhưng điều đó nằm ngoài ý muốn. Và trước khi chia tay với cô gái gỗ, Thạch đi đến một quyết định táo bạo: Đánh thật. Dù có nhiều ray rứt bởi Thạch quá biết đánh nhau vì một đứa con gái là không tốt, nhưng đó là biện pháp duy nhất và cuối cùng, dù thắng hay thua anh cũng tìm lại được danh dự.

 

Cũng cần nói thêm rằng, đánh trong mơ thì Thạch đánh lung tung không từ cả những người thân thiết, nhưng khi quyết định đánh thật anh chỉ nhắm một người - một đối tượng cụ thể. Những gã tình địch bây giờ chỉ còn lại một: Người Thứ Ba.

 

Mục đích đã được xác định, Thạch bắt đầu rèn ý chí, tập dượt thêm võ nghệ. Những hôm chủ nhật bạn bè đi chơi hết, anh đóng cửa một mình luyện võ trong phòng. Thạch đứng dựa lưng vào tường, hai tay thủ bộ hạ, “xuống tấn” rồi bất thần tung một cú song phi. Vì không biết đá song phi nên Thạch té ngửa. Vẫn không nản lòng, anh tiếp tục công việc và lấy câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” làm kim chỉ nam.

 

Tôi xin nói ngay rằng những kết quả cuối cùng của bao ngày tập dượt gian lao ấy Thạch trút lên đầu tôi vào một đêm xui xẻo tôi ngủ chung mùng với anh. Cuộc trả thù diễn ra nhanh chóng bởi khi Thạch thoi quả thứ hai vào mặt tôi thì tôi vùng dậy lay anh. Ngọn đèn nhỏ ở đầu giường được bật lên. Hai chúng tôi tìm dầu xức vết thương. Đau thì có đau thật nhưng thấy vẻ bẽn lẽn của anh nên tôi không dám than. Cũng may Thạch là tay võ dỏm nên tôi chỉ hơi bị bầm mi mắt. Sau đó chúng tôi lặng lẽ đốt thuốc hút...

 

Người Thứ Ba vẫn bình yên vô sự cho đến suốt cuộc đời gã. Sau này họ còn vài lần chạm trán nữa, không chỉ trong mơ mà cả ngoài đời, và họ đã âm thầm hoán đổi vị trí cho nhau lúc nào Thạch không biết, đến lúc giật mình thì chính anh đã trở thành Người Thứ Ba.

*

Ta hãy trở lại cuộc tao ngộ của Thạch với người xưa. Địa điểm: Nhà Văn hóa Lao động. Thời gian: Giờ giải lao của cuộc hội thảo chủ đề: Kế hoạch hóa gia đình và phòng chống si đa. Thạch đang ngồi hút thuốc thì có một thiếu phụ đến lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh. Nàng nói:

- Chào đồng chí! - rồi mỉm cười bí hiểm.

 

Thạch không ngạc nhiên:

- Tôi nhận ra Ngọc ngay từ lúc Ngọc bước lên diễn đàn dù bây giờ coi có da có thịt hơn hồi đó.

- Ý đồng chí muốn nói người ta mập chớ gì?

- Không sao, mập sang. Nói vậy chớ Ngọc không thay đổi bao nhiêu.

- Còn đồng chí thay đổi nhiều lắm nghen. Ngày xưa anh anh em em ngọt xớt, giờ thì tôi - Ngọc. Đùa chút cho vui thôi. Hiện nay anh sống ra sao, làm đến chức gì rồi?

 

Thạch nói:

- Học gì hành nấy, không nông, lâm thì súc. Bây giờ anh đi nuôi gà.

- Nuôi gà gì tướng coi giống cán bộ quá, lại còn điện thoại di động nữa. Thôi, đây không tin đâu.

- Nuôi gà nhưng anh là chủ trại, hay có thể gọi là “giám đốc” cũng được - “Giám đốc cơ sở chăn nuôi gia cầm Hoàng Thạch!” Chà! Sáng kiến này mới nghen. Anh sẽ đổi tên cho trại chăn nuôi của anh như vậy.

- Nhưng sao anh lại đi dự hội thảo này?

- Em hỏi nghe lạ. Là cán bộ tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình và phòng chống ếch lẽ ra em phải biểu dương những đối tượng tích cực như anh mới phải!

- Thôi thôi hiểu rồi. Bể kế hoạch muốn đến đây học tập rút kinh nghiệm chứ gì? - Nàng lấy giọng nghiêm túc - Chị và các cháu khỏe chứ anh?

 

Nghe nàng hỏi vậy lòng Thạch bỗng xao xuyến lạ. Giá như anh còn độc thân thì cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa biết dường nào. Thạch liều mạng:

- Chị và các cháu nào? Anh vẫn chờ em từ đó đến giờ...

- Thôi anh đừng làm khổ em nữa, em biết hết mà. Ai cũng gia đình đầm ấm, chỉ có mình em...

Sau câu nói bỏ lửng nàng gục đầu đăm chiêu làm Thạch hoang mang. Giờ đây nếu bỗng nhiên anh ngã gục trước mũi giày người thiếu phụ có da có thịt này và... chết thì hình ảnh đó có vẻ không được thơ mộng cho lắm, nhưng bất luận trước sau, nàng vẫn còn làm trái tim anh thắc thỏm.

Tiếng kẻng báo giờ giải lao chấm dứt. Nàng cầm tay anh nói nhẹ như hơi thở:

- Mình vào trong đi anh.

 

Kết thúc cuộc hội thảo, Thạch chia tay với người xưa ra về sau khi đã trao nàng địa chỉ, số điện thoại cơ quan. Hôm nay là thứ năm đầu tháng nên thằng con anh nghỉ học. Mẹ nó phải ở nhà với nó buổi sáng, buổi chiều tới phiên Thạch. Tuy đã là “giám đốc cơ sở chăn nuôi gia cầm Hoàng Thạch”, dưới trướng có mấy chục công nhân (đều là anh em trong cái xóm nghèo của anh) nhưng cuộc sống gia đình Thạch khá đơn chiếc, tự thân anh phải đưa đón con ngày hai buổi, đôi lúc phụ vợ cả chuyện bếp núc. Vả lại công việc làm ăn khi thăng khi giáng, có gì anh em chia nhau lo, thành quả lao động anh em chia nhau hưởng.

 

Gia đình Thạch đang nghỉ trưa. Anh và vợ nằm trên giường, thằng con ba tuổi của họ nằm dưới đất, miệng hát nghêu ngao. Trời đổ mưa. Thạch nhìn qua cửa sổ đếm giọt mưa rơi, nhớ về cuộc hội thảo ban sáng. Vợ Thạch vẫn vô tư. Nàng kéo mền trùm ngực cho bản thân rồi hỏi Thạch:

- Đố ba (là Thạch) chớ cái mền này ở đâu ra?

- Mua chớ đâu.

- Trật lất. Phần thưởng năm năm liền phụ nữ tiên tiến của mẹ (là nàng) đó - Vừa nói nàng vừa cho ngón tay vào mũi ngoáy ngoáy rồi tiện tay trét cái vật vừa đạt được trong mũi lên ngực Thạch (anh ở trần). Thạch còn bàng hoàng chưa biết phản ứng ra sao thì vợ anh trét thêm lần nữa rồi cười rú lên tán thưởng phát minh của mình. Chuyện nhỏ, Thạch tạm thời bỏ qua, vì hôm nay xét cho cùng ít nhiều nàng đã chịu thiệt thòi...

 

Chờ cho vợ bớt say sưa với phát minh, Thạch nói:

- Một - không! Hôm nay ba chấp nhận tỉ số này nhưng ba giao trước, khi nào tìm được độc chiêu ba sẽ trả thù, lúc đó thì không được quạu và không được cắn lưỡi.

 

Vợ Thạch có kiểu dọa anh bằng cách tự cắn lưỡi mình, thí dụ như Thạch làm chuyện gì nàng không vừa ý thì nàng cắn lưỡi. Thạch biết chắc nàng không bao giờ dám cắn đến đứt lưỡi, nhưng để chiều vợ, đúng hơn là để cho thêm tí gia vị vào cuộc sống gia đình vốn thường hay bị tẻ nhạt, anh làm theo ý nàng. Và sau mỗi lần cắn lưỡi không chết gia đình anh sống có phần vui vẻ hơn.

 

Như vậy là cái vật ấy vẫn còn nằm trên ngực Thạch. Anh nghe nhồn nhột, chắc vi trùng đang bò. Phải chi có cái kính hiển vi xem chúng nó làm gì. Thạch nhớ đến bộ phim truyện nước ngoài có tên “Vi trùng bò ngược” mà anh đã xem. Anh hỏi vợ:

- Mẹ còn nhớ bộ phim “Vi trùng bò ngược” không?

- Không.

- Có lần ba dẫn mẹ đi xem rồi mà.

 

Rồi Thạch kể sơ bộ cốt truyện. Nghe xong nàng mở mắt nhìn Thạch lạ lẫm:

- Thôi, “lộn địa chỉ” nữa rồi ba ơi. Trí nhớ mẹ tốt lắm. Nếu đã đi xem chẳng lẽ mẹ hổng nhớ? - Nói xong nàng kéo tấm mền năm năm tiên tiến trùm kín đầu xoay lưng về phía Thạch. Thạch lấy làm lạ, tại sao thời buổi này người ta còn phát thưởng bằng mền mà không phải là nồi cơm điện hay máy xay sinh tố? Nhưng thôi, đó là chuyện của công đoàn. Anh cố nhớ lại xem mình có thật “lộn địa chỉ” hay không rồi xác định lộn thật. Như vậy là trong bản lý lịch của Thạch vốn đã không trong sạch đối với vợ giờ lại thêm một vết nhơ. Nhưng anh biết “án” nhỏ cỡ này thế nào cũng được xóa, vấn đề chỉ là thời gian.

 

Đồng hồ điểm một giờ. Vợ Thạch lặng lẽ dậy, âm thầm thay quần áo (vào buồng tắm móc khóa trong), lạnh lùng tô son môi rồi kiêu hãnh ra khỏi nhà không thèm dòm cha con Thạch một cái.

Sáng sớm hôm sau chuông điện thoại phòng làm việc của Thạch reo giòn giã. Nghe xong, anh gọi người phó của mình lên dặn:

- Hôm nay anh phải đi cả ngày, có khả năng kỳ này tìm được đầu ra đáng kể. Nếu ký được hợp đồng thì anh em mình đỡ khổ. Anh nhờ mày mấy việc: Thứ nhứt thay anh quản lý công việc của trại, thứ hai, nếu bốn giờ chiều chưa thấy anh về thì đến nhà trẻ đón thằng nhóc dùm anh. Chị mày chạy xe yếu quá tao không dám giao cho bả.

Nhưng bốn giờ chiều khi người phó của Thạch đến nhà trẻ đã thấy anh ngồi sẵn ở đó và có vẻ ngồi từ trước đó khá lâu. Hỏi, anh trả lời chung chung “Tình hình chưa có gì sáng sủa”, nói xong lại đăm chiêu, đăm chiêu chứ không hẳn buồn.

 

Đêm qua Thạch ngủ rất ít, anh suy nghĩ lung lắm về cuộc hội thảo ban sáng. Và trước khi nhắm mắt ngủ một giấc ngủ chập chờn anh đã kịp hình thành trong đầu một kịch bản chi tiết cho cuộc phiêu lưu tình ái, chỉ chờ cú điện thoại buổi sáng như là phát súng lệnh. Và điện thoại đã reo.

Sau khi giao việc cho người phó, Thạch đến khách sạn nơi nàng đang ở một mình một phòng và chỉ còn lưu lại thành phố ngày cuối cùng. Đây là dịp hiếm có dù tỉnh lỵ, nơi nàng làm việc cách thành phố không xa. Ngày hôm qua đến cuối buổi hội thảo Thạch đã kịp biết cái gã thanh niên có ria mép - chàng họa sĩ Hoàng Sơn ngày xưa là một tên không ra gì. Sau khi biết nàng có bầu hắn liền chơi màn quất ngựa truy phong. Nàng một mình âm thầm nuôi con cho đến ngày nay, và có lẽ vì hận đàn ông quá nàng quyết không lấy ai làm chồng.

 

Thạch đến khách sạn bằng con đường xưa nay chưa từng đi, xa và ngoằn nghèo. Anh thấy mình có hơi thừa thận trọng nhưng cảnh giác vẫn hơn vì xưa nay trời bất dung gian đãng. Liều lĩnh mất cảnh giác là đồng nghĩa với thất bại.

 

Nàng đang mặc đồ ngủ và đang đợi anh. Theo như kịch bản, màn một là màn “Ăn sáng”. Trong lúc nàng thay đồ, làm mặt trong buồng tắm, Thạch ngồi sa long hút thuốc, lòng hồi hộp lạ thường. Anh nghĩ đến vợ với một chút ăn năn. Xưa nay anh tốt cơ bản, tuy nhiên lòng tốt đó không được vợ anh ghi nhận đúng mức, cho nên nhiều lúc Thạch cảm thấy... tiếc. Hóa ra anh tốt hay xấu đối với vợ đều như nhau. Vậy thì dại dột gì mà cứ tốt mãi.

Nàng đã chuẩn bị xong, lộng lẫy và hấp dẫn hơn vợ anh. Màn “Ăn sáng” diễn ra lịch sự và đầy tình thân ái.

 

Màn hai có tên “Đi lòng vòng”. Buổi sáng, khi gọi điện thoại cho Thạch nàng có đặt vấn đề muốn đi lòng vòng thành phố thăm lại trường xưa và những nơi kỷ niệm. Khả năng này được Thạch dự kiến từ đêm hôm qua nên chẳng có gì phải bối rối. Họ thực hiện màn “Đi lòng vòng” bằng taxi. Kệ, có tốn kém nhưng an toàn. Chở nhau bằng xe gắn máy chạy lòng vòng ngoài đường - đó là việc làm của những tên liều mạng, mặc dù xác suất đụng đầu là xác suất nhỏ nhưng không phải không thể xảy ra.

 

Khi màn hai sắp kết thúc thì có một việc xảy ra ngoài dự kiến. Lúc taxi chạy ngang qua một rạp chiếu bóng thì nàng đột ngột đề nghị: “Mình vào xem phim đi anh. Anh còn nhớ không, ngày xưa tại rạp này em và anh đã xem bộ phim “Vi trùng bò ngược”, một bộ phim kinh rợn mà em còn nhớ đến giờ”.

 

Vì nằm ngoài dự kiến nên khoảng thời gian bên nhau trong bóng tối Thạch không biết nên làm gì, cuối cùng anh quyết định “không làm gì hết”. Tất nhiên nếu còn trẻ Thạch đã không quyết định như vậy.

 

Màn ba không thể không thực hiện bởi sau khi ra khỏi rạp chiếu phim họ đói meo: đó là màn “Ăn trưa”. Trong màn ăn trưa có chi tiết là cả hai phải “Có uống chút rượu”. Thạch đưa nàng đến một quán ăn khá lịch sự, nhưng về mặt hẻo lánh Thạch nghĩ khó có quán nào lịch sự cỡ đó mà hẻo lánh hơn. Anh và nàng ăn uống vui vẻ, chuyện trò càng lúc càng rôm rả vì cả hai đã “có uống chút rượu”.

 

Màn chót - màn quyết định: “Đưa nàng về khách sạn”.

Sau khi mở cửa bước vào phòng nàng liền gieo mình xuống tấm nệm dày, nằm một cách rất ít ý tứ, miệng nói “Ôi, mệt rã rời”.

 

Như một diễn viên lành nghề, Thạch biết lúc đó mình phải làm gì. Anh khóa trái cửa, bước đến ngồi xuống cạnh nàng. Mắt nàng nhắm nghiền. Những tưởng vở diễn sẽ kết thúc có hậu, dè đâu khi vừa đặt một bàn tay lên... bụng nàng thì người Thạch run lên không sao kềm giữ được. Thạch nhớ từ hồi choai choai đến lúc thành trai tráng hẳn, mỗi khi giáp mặt với “hiểm nguy”, hiện tượng này chưa từng xảy ra. Thạch đứng lên đi một vòng quanh phòng, tự động viên mình bằng những lời lẽ khẩn thiết nhất rồi ngồi xuống đặt bàn tay cũ lên chỗ cũ. Chẳng những độ run không giảm mà còn tăng thêm khiến nàng phải mở mắt. Nàng nói:

- Thôi anh về đi kẻo nhà trông.

 

Lúc dắt xe ra khỏi khách sạn, tim Thạch vẫn còn đập gấp. Khi tới nhà trẻ thì anh đã gần như hoàn toàn hồi phục. Bấy giờ Thạch mới hay là còn quá sớm để đón con, nhưng anh quyết định chờ.

Chiều Thạch chở con về. Vợ anh đang cặm cụi nấu nướng và hình như có vẻ vui. Chắc nàng đã phần nào nguôi ngoai với việc anh “lộn địa chỉ”. Qua mấy câu thăm dò Thạch biết vợ anh không hề có thông tin nào về hành tung của anh ngày hôm nay, chứ nàng mà biết được anh chỉ còn có nước... cắn lưỡi.

 

25.12.98

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2332
Ngày đăng: 08.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không khóc nữa - Phan Tử Nho
Lỗi tại mẹ Âu Cơ - Lê Hoài Lương
Long Lanh Ánh Nến Giữa Trời Đêm - Nguyễn Thế Hoàng
Người Đàn Bà Bay Trên Mây - Nguyễn Lệ Uyên
Điêu Thuyền - Miêng
Lỗi văn hóa - Trương Thái Du
Cánh bèo đã có đôi - Ngọc Thiên Hoa
Tài năng trẻ - Lê Xuân Quang
Gương mặt hoàn hảo - Hồ Ngạc Ngữ
Thế gian một thẻo nhân tình - Nguyễn Trọng Nghĩa
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)