Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
837
123.236.589
 
Đồng Môn (tiếp)
Trần Huy Thuận

7. DU ĐEN

 

Du có nước da đen không phải vì anh làm ngoài mỏ than lâu năm, mà từ nhỏ đã như vậy. Thuở học trường Trung học Nguyễn Khuyến, Du là người hoạt động thể dục thể thao nổi tiếng. Du chơi rất nhiều môn: xà đơn, xà kép, bóng rổ, bóng đá,... Năm 1954, Nam Định được giải phóng, chúng tôi đã đi xem anh chơi “Đấm Bốc” tại nhà hát Nhân Dân thành phố! Tính gan lì, dáng to thô và chắc nịch, Du di chuyển chậm, ít ra đòn, nhưng đã vung tay thì cú đấm nào cũng như búa bổ! Du chịu đòn tốt và rất ít khi lùi. Đối phương đánh với anh chắc là rất căng thẳng thần kinh!

 

Tôi biết anh lái xe bò tót (trọng tải 25 tấn) ở mỏ Quảng Ninh từ lâu, nhưng nhiều lần đi công tác qua các mỏ, tôi không hề được gặp anh. Mãi tới năm 1973, anh chuyển về lái xe cho Sở Điện III, chúng tôi mới gặp lại nhau. Năm ấy, khi bạn bè chúng tôi đều đã vợ con đầy đủ, thì Du Đen vẫn chưa có mảnh tình nào “vắt vai”! Anh kể chuyện, ở mỏ lâu quá, mãi mới xin được về quê hương cho gần gia đình. Khi đưa giấy thôi trả lương trình Tổ chức, mọi người trố cả mắt: lương anh tới 158đ, nghĩa là gấp gần hai lương giám đốc Sở! Du bảo: đã nhằm nhò gì? Những khi mình đi mỏ, mỗi ngày còn được tới mười đồng cơ! Mà mình nói để Thuận biết, thời ở Mỏ, hầu như mình không ăn đến lương đâu. Đi làm cho chỗ nào thì chỗ ấy cho ăn. Bao nhiêu lương gửi Ngân hàng hết; nên khi chuyển về Nam Định, trong sổ tiết kiệm mình có tới hai mươi tám ngàn đồng! Bằng hai mươi tám năm lương của giám đốc Sở đấy! Mà so sánh thế, Thuận chắc vẫn chưa hình dung được? Chỉ cần hai ngàn rưởi thôi, là mình đã có thể chuộc lại căn nhà 50 mét vuông mặt tiền phố Khách (nay gọi phố Hoàng Văn Thụ) đấy! Hồi đó, mẹ mình bán cho người ta có mấy trăm đồng bạc! Thấy mình từ Quảng Ninh trở về, người chủ mới thương tình nói: cậu đưa tôi hai ngàn rưởi, tôi cho chuộc lại, nếu không, tôi bán cho chú nhà trong lấy ba ngàn rưởi? Ngu quá!

 

Thế hệ chúng mình là thế hệ “ngu lâu”, nên khi đó mặc dầu mình thừa tiền chuộc lại nhà mà vẫn không chuộc. Không những thừa tiền chuộc, mà còn dư tiền để mua thêm mấy căn nhà phố Trần Hưng Đạo ấy chứ - mỗi căn bây giờ bét ra cũng vài ba tỉ đồng! Không chuộc! Chấp nhận tá túc trong cái gian hẹp phía trong, còn tiền để yên trong quý tiết kiệm – “Tiết kiệm là yêu nước” mà!

- Thế số tiền tiết kiệm ấy rồi ra sao? Tôi hỏi Du.

- Còn ra sao nữa! Sau mấy lần “đổi tiền”, chỉ còn đủ tiền cưới vợ; cưới xong vài năm là trắng tay! Thuận thấy đấy, cuối cùng mình phải bán nốt chỗ ở còn lại để ra mua căn nhà trong ngõ này cho vợ con sống! Ngôi nhà của cha ông để lại, phần thì bị bom Mỹ phá, phần thì Mẹ túng quá bán rẻ đi, phần thì bản thân mình túng, bán nốt. Thế là hết! Hết cả một gia tài!..Bây giờ Thuận mua nhà về đây, thế là cuối đời, hai chúng mình lại gần nhau!

 

Vâng! Con tôi mới bỏ tiền mua cho vợ chồng già chúng tôi một căn nhà hai tầng bên bờ sông Đào, ngay gần ngõ vào nhà Du Đen. Từ nay, hàng ngày chúng tôi có thể đi bộ đến chơi nhau. Khi hay tin tôi có nhà mới, không phải ở căn nhà Nhà nước cấp cho, nằm bên cái ngòi đang dần bị ô nhiễm vì nạn rác thải hai bên bờ, Vũ Trọng Tứ viết cho tôi: “Thế là đời mày đã từ ngòi ra sông rồi nhé!”. Du bảo tôi, con người ta có “số” Thuận ạ! Như Thuận đấy, tuy có chuyện này chuyện khác thật, nhưng nói chung vẫn là số sướng. Còn số mình khổ thật! Mấy chục năm gắn bó cuộc đời  trên các “ca-bin” xe tải, trên các cung đường... Anh không nói tiếp, nhưng là bạn bè với nhau, tôi hiểu. Du lấy vợ muộn, có con muộn. Đến nay vẫn chưa trông cậy gì được ở con (về điểm này, so với tôi, quả Du khổ thật!). Chị vợ lại có chứng bệnh về thần kinh, đã từng nằm viện tâm thần một thời gian. Bây giờ hàng ngày, thi thoảng chị vẫn thể hiện những “cá tính” bất thường! Tối nay tôi đến chơi, Du hăng quá, bật một lúc cả hai bóng đèn. Từ trên gác lửng, chị kêu vọng xuống: Tắt bớt đèn đi, lấy đâu mà trả tiền điện! Du hơi ngượng, ừ ào: cái bà này!... Tôi vội đỡ lời: Đúng rồi, cần gì sáng thế, tắt một bóng đi ông ơi! Rồi mươi phút sau, tôi tế nhị rủ Du ra phố, đi dạo trên bờ đê sông Đào phía trước. Chị vợ Du lại nói vọng xuống:

- Ông nhớ cài then cửa phía ngoài, để khi về khỏi gọi tôi xuống mở!

 

Tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là bẩy giờ rưỡi tối! Du lại lẩm bẩm: “cái bà này!..”. Qua khỏi con ngõ ngoằn ngoèo, ra đến ngoài đường Trần Nhân Tông, phố sá tấp nập người đi lại, Du nói: “Với mọi người, mỗi khi đi đâu, trở về nhà, đều nhận được không khí vui vẻ; còn mình, chỉ thấy toàn sự “vắng vẻ”. Vắng vẻ ngay cả khi có đầy đủ vợ, con, anh em!...

 

Số Du khổ, không chỉ dừng ở đấy. Cậu em trai, hiện đang tá túc nhà vợ chồng anh, lại là một con nghiện; một kẻ bị vợ bỏ, không nơi nương tựa, không công ăn việc làm, không một đồng lương hưu! Biết làm sao? Số phận ép thế, chỉ có cách đành chấp nhận! Thanh thản chấp nhận thì cuộc sống đỡ thấy bất hạnh! Du bảo, hình như Đạo Phật dậy thế?!.

- Mà con người ta có số phận thật đấy Thuận ạ! Ra Quảng Ninh cùng với mình thời trai trẻ, còn có ba thằng bạn đồng môn nữa. Thằng Long thành đạt nhất, đã phấn đấu lên đến chức cục, vụ trưởng gì đó; nhưng bây giờ tay trắng. Tay trắng hoàn toàn Thuận ạ. Cậu ta dính vào chuyện “em ún” gì đó, thế là mất hết. Thời trước, chuyện trai gái nặng nề lắm, đâu có tùm lum, thoải mái như các “sếp” bây giờ! Long chính là người đã “đạo diễn” xin cho mình được đi học nghề lái ô-tô đấy! Ân nhân của mình đấy. Đời hắn đáng nhẽ sướng, hoá ra khổ hơn cả mình.

 

Ngày còn ở Mỏ, có lần nó đã phải đi tù sáu tháng về tội sơ ý để mìn nổ chết người, chết hai cán bộ trung cấp thực tập! Lại thằng Lộc nữa, cũng lớp “đệ thất bê hai” với mình đấy, mình rủ nó ra lao động ở Quảng Ninh, hắn ra mấy tháng, thấy vất vả quá, không chịu được, bỏ về. Năm sau thi được vào đại học. Học xong, đi bộ đội. Đánh nhau chiếm Thành Cổ mấy lần không chết. lại chết ở trong rừng, khi bị địch đánh bật ra khỏi Thành Cổ! Đồng đội tìm thấy hắn năm cong queo trên chiếc “tăng” mắc giữa hai thân cây, không một vết đạn vào người. Thì ra hắn chết... đói! Cùng bỏ về với Lộc, còn cả thằng “Bin”. Thằng này cũng đi bộ đội cùng đợt với thằng Định Mít đấy. Hai đứa đâu cũng gặp nhau trong chiến trường Thừa Thiên-Huế thì phải. Thằng Bin này cũng đã có giấy báo tử về nhà. Thế nhưng mấy năm sau thì nó về, lành nguyên! Trước khi về hưu, nó làm đến chức giám đốc Quốc doanh chiếu bóng tỉnh thì phải.  Mình cũng mấy lần xung phong đòi đi bộ đội, nhưng chủ trương của trên là những lái xe tải 25 tấn trở lên phải ở nhà làm nhiệm vụ sản xuất, nên không được đi.

 

Chúng tôi tản bộ trên bờ đê con sông Quê hương, giống như hồi trẻ con, hồi còn cắp sách đến trường! Thành phố đang giờ “cúp” điện, trăng chưa đến tuần, cảnh vật trên đê mờ mờ, ảm đạm. Gió từ mặt sông thổi lên nhè nhẹ, mơn man trên khuôn mặt già nua của hai kẻ có tuổi đời ngoài thất thập. Mấy bà già đang đi bộ chào: Các cụ cũng đi tập ạ! Trời hôm nay tối, các cụ chú ý kẻo vấp ngã là khổ con cháu đấy! Du và tôi cùng đáp: Vâng! Chào các bà! Cám ơn các bà!

- Nói đến ngã, hôm nọ Thuận có đến đưa ma thằng Dần không? Nó đi xe đạp từ trong ngõ ra, bị một thằng thanh niên đi xe máy tông phải, kéo lê tới hàng chục mét, chở tới bệnh viện thì chết. Mấy đứa thuê xe đưa Dần vào bệnh viện, đóng giả vai người nhà, lột hết cả nhẫn vàng với tiền trong ví của cậu ấy! Mãi sau vợ con mới biết. Còn cái thằng đi xe máy trốn mất tăm! Khổ thân thằng Dần!..

- Mình không đi đưa tang Dần được, vì hôm ấy đang dọn về nhà mới. Nhưng mình với Định Mít có đến viếng!

- Thuận thấy không? Số cả đấy! Số của Dần là như vậy. Bao năm ở chiến trường, bom đạn ngày đêm, có sao đâu?!.

 

Tôi không trả lời Du Đen, nhưng trong lòng thầm nghĩ, có lẽ Du nói đúng thật! Con người ta sinh ra, khéo đều có số phận!.. Có người vất vả cả đời, công nhân vẫn hoàn công nhân. Trái lại, có kẻ khai lý lich công nhân, mà suốt đời ngồi bàn giấy, hòn tên mũi đạn cũng chả biết, mà cứ thăng tiến vù vù, thăng tiến đến tận mây xanh! Người ta còn nói, ngay cái tên gọi cũng nói lên thân phận mỗi người. Như Du đấy, anh không chỉ đen ở nước da, mà cuộc đời, cũng thật nhiều nỗi đen đủi!..

 

Nhưng Du ơi, người xưa còn nói: “Đức năng thắng số” mà! Cho nên, thôi chúng mình cũng đừng nghĩ đến số má làm gì cho bận tâm, hãy sống nốt quãng đời còn lại, như đã từng sống, sao cho đức độ, sao cho là người “tử tế” – như một cái tên phim của thằng Thuỷ ấy, phải không Du?!.  Tôi định nói thế với ông bạn đồng môn già, nhưng tự xét thấy không cần thiết. Hai đứa im lặng đi bên nhau cho đến lúc đèn đường bật sáng. Bóng chúng tôi ngả xuống mặt đê, kéo dài cho tới bờ bên kia,  thì gấp khúc xuống !..

 

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 2893
Ngày đăng: 09.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phùng Cung, một đời thơ -chữ quê -đau đớn - Ngô Minh
Từ thuở vác ngà voi… - Trần Áng Sơn
Cuộc đời và tình yêu của Picasso : Danh họa Tây Ban Nha - Vương Trung Hiếu
Một trong hai người lính - Trần Áng Sơn
Tình yêu của Vincent Van Gogh : Danh họa Hà Lan - Vương Trung Hiếu
Khoảng trống để lại - Trần Công Nhung
Mờ mờ nhân ảnh - Trần Huy Thuận
Tình yêu của George Sand : Nữ văn sĩ Pháp - Vương Trung Hiếu
Nét bút ,âm thanh và cát bụi… - Trần Trung Sáng
Nguyễn Khắc Dương - Người tìm mình qua những xung đột văn hóa - Đỗ Lai Thúy
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)