Khoảng năm 1966, “tôi ở miền xa” về lang thang trong thành phố, lúc bây giờ đường Lê Lợi còn dành nguyên một vỉa hè làm chợ sách hạ thổ. Trong cơ man thế giới sách, có đủ tác phẩm của các tác giả thời danh. Từ Đêm giã từ Hà Nội, Để tưởng nhớ mùi hương, Giới nghiêm của Mai Thảo nến nhà văn võ biền Nguyên Vũ với tiểu thuyết đang gây ồn ào – Vòng tay lửa, rồi nhà văn không quân Nguyễn Đình Thiều, thần tượng của giới vũ nữ qua Kiều Giao Chỉ. Một loạt tác phẩm của Hoàng Hải Thủy cũng trơ gan cùng tuế nguyệt, trên vỉa hè… trong rừng tiểu thuyết ấy chẳng hiểu vì sao tôi lại chú ý đến cuốn sách có tựa hình như là Chân dung nàng tình rỗng, tác giả viết cuốn tiểu thuyết này tôi chưa đọc bao giờ: Cung Tích Biền.
Có lẽ cái tựa sách thuộc về trường phái… trừu tượng nên tôi bị cuốn hút ngay khi chưa đọc chữ nào. Ôm một đống tiểu thuyết về nhà chưa kịp đọc hết đã phải ‘trở về miền xa” nhưng từ đó ấm ức vì chưa kịp đọc sách đã biến thành giấy vụn vì con chó tuy không biết đọc nhưng lại rất thích nhai. Rồi cái tựa sách như quỉ ám ấy theo thời gian cũng chui ra khỏi đầu tôi. Chuyện không thể ngờ được là mười năm sau tôi lại gặp chính con người đã đặt cái tựa sách siêu hình đó ở Hội Văn nghệ, thế là chúng tôi quen nhau, sự quen biết càng nhích lại hơn khi chúng tôi cùng dự một khóa bồi dưỡng chính trị do Hội Văn nghệ tổ chức.
Một buổi trưa, sau giờ học, tôi cùng Nguyễn Thụy Long, Cung Tích Biền, Đỗ Vinh từ Hội cuốc bộ ra Sài Gòn, đang lang thang quanh chợ Bến Thành chợt một mùi thơm béo ngậy từ một quán cơm lùa ra mời khách, chúng tôi chợt nhớ đã đến giờ ăn trưa. Bốn chúng tôi nhìn nhau nghe chừng chẳng anh nào có đủ tiền cho chính mình nếu bước vào quán, dù chỉ dùng nhẹ một đĩa cơm sườn. Đang ngần ngừ chợt Đỗ Vinh nhìn vào túi áo tôi, ở đó tôi cài một cặp bút Parker. Hiểu ý nghĩa cái nhìn của Đỗ Vinh, tôi nhìn quanh thấy một cái tủ có bày bán bút máy, lẹ chân bước về phía chỗ người ngồi sau tủ, tôi bán một cây Parker rồi kéo cả bốn vào quán đánh chén một bữa đủ vuốt giận cái bao tử đã lâu bị bỏ quên những món ăn quen thuộc.
Đó là kỷ niệm đầu tiên với Cung Tích Biền. Sau này hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau; kỷ niệm nhiều như xâu chuỗi cườm, đều đặn và giống nhau nên chẳng đáng nhớ. Những cữ cà phê sáng, Biền vác theo khẩu Bazoka (ống điếu). Sau vài cái nhấp miệng gần cạn ly cà phê lạc đà, anh nhét thuốc rê đầy nõ điếu, châm lửa, ngửa cổ rít một hơi dài, tiếng điếu cày long lên sòng sọc, hàng ria mép chợt nhúc nhích mở ra một khe hở từ đó khói um tùm tỏa lan chung quanh, chiêu một ngụm nước trà Biền khoan khoái giải thích hình như vào mỗi buổi sáng anh bị dị ứng, nếu không kéo một hơi điếu cày anh sẽ bị chảy nước mắt nước mũi hệt như người ta gọt hành tây, hút thuốc lá dù là thượng hạng cũng chẳng si nhê gì. Đây cũng là một đặc điểm để mỗi khi nhớ đến Cung Tích Biền nhớ luôn cả cái tật của anh. Nhưng có lẽ cái tật lớn nhất của Biền là trong cơn say. Khi bắt đầu vào tiệc Biền ăn nói rất chừng mực, pha trò có duyên, nói chuyện văn chương cứ như trước giảng đường. Nhưng khi rượu đã thấm nếu gặp một khiêu khích nhỏ nào đó của bất cứ người bạn thân hay sơ, lập tức Cung Tích Biền thứ hai xuất hiện, phá phách và dung tục. Kỷ niệm sau cuộc tiệc tàn thường là đáng tiếc, tuy nhiên, bạn hữu tỏ ra có sức chịu đựng, tôi cũng đã từng chịu trận vài lần ở quán Huy Tưởng, cảnh tượng không khác một bãi chiến trường, khổ chủ quán chỉ còn nước giơ tay kêu trời. Đó là những ân huệ các đấng văn nghệ được trời trao cùng một lúc với tài năng, chẳng phải tất cả đều như thế nhưng vị nào đã may mắn được trao cũng đành lẩy một câu Kiều: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.
Bù lại, Cung Tích Biền làm việc rất nghiêm túc, nhất là trong sáng tác, những năm đầu thập niên 90 Cung Tích Biền có một loạt truyện ngắn đang ở Cửa Việt được bạn bè và dư luận đánh giá thành công hơn cả khi anh viết truyện dài. Điều này được chứng minh bằng chính hai truyện dài của anh được xuất bản cũng trong thời kỳ trên nhưng không gây được một chút âm vang nào.
Hơn 30 năm trôi qua, đọng lại trong tôi mỗi khi nhớ đến Cung Tích Biền vẫn là cái tựa sách Chân dung nàng tình rỗng, nó đúng là “chất” Cung Tích Biền, vừa mơ mộng, vừa triết lý, vừa ảo, vừa thực. Tuy thường xuyên gặp Biền nhưng chưa một lần tôi gợi ý với anh để được giải thích tựa cuốn sách ngụ ý gì, vì thế, nó vẫn thuộc về tôi. Ngẫm nghĩ lại đó cũng là một cái thú của chữ nghĩa. Nếu tôi đã đọc cuốn sách ấy chắc cái thú đeo bám tôi ngần ấy năm không còn, và cuộc đời sẽ bớt thú vị khi điều gì cũng có thể cắt nghĩa một cách minh bạch. Thế cho nên, tôi tự cám ơn đã không kịp đọc Chân dung nàng tình rỗng, sẽ chẳng bao giờ đọc nữa…