Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.250
123.160.640
 
Hãy nằm im và lắng nghe những vũng nước xanh lơ xôn xao trong đầu
Cổ Ngư

Tôi không nhớ rõ đã liên lạc với nhà văn Kiệt Tấn từ lúc nào, nhân chuyện gì. Hình như bắt đầu bằng điện thoại. Ông gọi cho tôi trước, hay ngược lại, cũng quên tuốt luốt! Chắc vì cái mốc khởi đầu ấy, với tôi, không phải là một sự kiện cực kỳ quan trọng, bắt người ta phải ghi nhớ, để sau đó một năm, năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, một trăm năm sau, lại lôi ra làm sinh nhật, tưởng niệm, dựng bia, đặt tượng, vỗ tay hay nhỏ lệ. Tôi kinh ngạc, rồi quen dần với cách nói chuyện qua điện thoại của ông, giọng miền nam lề nhề, lâu lâu lại bị ngắt quãng rồi được tiếp tục bằng một tiếng toóc rất ư gợi cảm! Ông vừa gọi phone, vừa uống, vừa say. Và tôi ngồi ở đầu dây bên này, loay hoay tìm cách giải mã những điều ông đang nói. Nói chuyện điện thoại đâu đôi ba lần, rồi cũng được dịp gặp mặt. Nhìn dáng ông xách cái túi nhựa của siêu thị Tang Frères đứng xớ rớ chờ vợ đi chợ trong khu tam giác vàng Chinatown của quận 13 Paris hay hì hụi kéo một xe đầy sách lên cho Thư viện Diên Hồng, tôi không nghĩ đó là một Kiệt điên vì mê, cuồng vì yêu từ thời «Bến đò trao thơ», «Đêm cỏ tuyết», qua «Người em xóm học», «Yêu em xứ tuyết» cho đến «Sáng dậy nghe em khóc», một chàng playboy bảnh toỏng chạy quanh nhiều cuộc tình với những Hoa, Tuyết, Ánh, Diane, Louise, Danyèle, Hường... Tôi hình dung ra một Út Kiệt với bộ bà ba trắng lụa lèo thong dong giữa ruộng vườn bát ngát miền nam. Vĩnh Long, Bạc Liêu, Mỹ Tho, có phải là những nơi ấy không? Vậy mà ông đứng đó, cũng như tôi, với chiếc parka dày sụ, cổ quấn mấy vòng khăn quàng, rồi nón, rồi găng, giữa gió lạnh đất Pháp. Mấy chục năm sống nơi xứ người, từ thời du học cho đến ngày «xin nhận nơi này làm quê hương bất đắc dĩ», với vóc đậm, mặt vuông, Kiệt Tấn vẫn giữ nguyên cho mình dáng vẻ chân chất của người đồng bằng sông Tiền sông Hậu, dường như lúc nào cũng sẵn sàng ngả ra mời: dzô một ly, rồi xuống sáu câu vọng cổ thiệt mùi. Vậy mà...            

 

Thuở nhỏ, tôi có dịp sống khoảng bốn năm ở Thủ Đức. Cho đến bây giờ, tôi biết, đó vẫn là những tháng năm tôi được gần gũi nhất với thiên nhiên, dù cái khoảng thiên nhiên thời thơ bé đó chỉ gồm một vuông sân trước với ba tàng trứng cá, một hàng rào dâm bụt đơn đỏ hồng, một dãy dâm bụt kép đủ màu, vài cây sứ cùi, và một mảnh vườn sau đủ rộng để có chuồng gà chuồng vịt, ao thả rau muống và cá rô, một cây ổi, một cây mít, một cây chanh, một cây phượng, bụi xả, bụi chuối, mấy thân đu đủ khẳng khiu đeo nặng trái. Nhưng cho một đứa trẻ ở những năm đầu tiểu học, đó đã là khoảng sân chơi khổng lồ, với cả một microcosmos - vũ trụ vi mô - phất phới nhiều cánh bướm muôn màu, chuồn chuồn hổ, chuồn ớt, chuồn kim, chuồn voi, lúc nhúc nào dế than, dế lửa, dế cơm, dế trũi, cào cào, châu chấu, sè sành, bọ ngựa, bọ cam, bọ sít, ốc sên, ốc ma, sâu róm, kiến đen, kiến lửa, nòng nọc, thằn lằn, kỳ nhông, đôi khi lạc loài cả một trự cóc xù xì hay vệt nhái bén xanh mướt vút xuống ao. Cùng với những đứa bạn đồng lứa, chúng tôi chơi trong thiên nhiên, chơi cùng thiên nhiên. Thấm nước miếng vào trái đậu nổ, quơ gót chân trên đám lá mắc cỡ, xách thùng đổ nước đầy hang dế cơm, hay để một chàng kiến tướng đen trùi trũi banh ngàm đọ sức với gã kiến lửa có cái đầu to bằng hạt mè, bóng láng, đỏ lựng, nhìn phát nể! Thiên nhiên thơm mẻ cá rô chiên dòn rụm, hăng mùi lá chanh non mới hái hay nồng nàn khắp vườn ngày mít căng, da nứt. Thiên nhiên chiêm chiếp mở tròn con mắt nhìn đời sau cú khẻ mỏ quyết định của từng lứa gà, lứa vịt hay nhỏn nhẻn ngon lành cùng chiếc răng thỏ cắn ngập vào thân xanh càng cua tròn mướt... Đùng một cái, gia đình dọn về Sài Gòn, còn tôi ngơ ngác như đàn bò vào thành phố (*). Khu Đa Kao. Cầu Bông, cầu Sắt với con kinh đen kịt bùn. Ngôi chợ ồn ào quà bánh. Căn nhà thiếu ánh sáng, không cửa sổ, chỉ có những khoảng trổ phía trước phía sau, vừa đủ để hứng khí trời, để thấy một khoảnh xanh trên cao và mái ngói đỏ xỉn màu rêu của nhà hàng xóm. Phía trước cũng có sân. Tráng đặc xi-măng. Phía trước cũng có cây. Thân bông giấy leo, gai tua tủa, cứng ngắc. Tôi mất thiên nhiên. Vùng vằng đi tìm. Con gà nhép, con vịt lụa nuôi trong lồng chúc mỏ vào ăn trong lòng bàn tay tôi, rồi cũng chết vì thiếu hơi mẹ. Con nhen mua ở Chợ Cũ, loài sóc nhỏ có vằn đen trắng dọc sống lưng, nâng lát chuối cắt bằng hai tay nhỏ xíu, rồi cũng chết trong lồng vì nhớ rừng. Thành phố, căn nhà cùng với nhựa đường, xi măng, gạch ngói chung quanh đã biến thành chiếc chuồng khổng lồ, nhốt tôi trong đó, rồi vô tình, tôi lại bắt chước người lớn, nhốt những con vật đáng thương vào chiếc lồng nhỏ hơn. Và chúng chết. Nhưng chỉ thêm vài năm sau nữa thôi, là đến 1975. Tháng tư. Cùng với những tan loạn, đau thương của người lớn, thêm một lần nữa, tôi mất: tuổi thơ. 

 

Không thể nào tìm lại được tuổi thơ trong thời khốn khó, tôi cố vớt vát thiên nhiên bằng cách thỉnh thoảng chui vào sở thú, lang thang trong vườn Tao Đàn hay ngồi hàng giờ bên thành hồ ngôi chùa Tàu thờ Ngọc Hoàng ở gần nhà, nhìn vài đầu rùa nhấp nhô chìm nổi trên mặt nước sóng sánh những đốm nắng hiếm hoi lọt được qua mấy tàng cây vú sữa rậm lá. Tôi đi tìm lại cái microcosmos của mình qua bước chân phiêu lưu của chàng dế mèn trong truyện Tô Hoài. Tôi mơ về một thiên nhiên hoang dã còn vắng bóng người với «Hương rừng Cà Mau» của Sơn Nam. Rồi khi qua đến Pháp, tôi gặp Kiệt Tấn. Và tôi thấy mình gần với ông hơn so với Tô Hoài hay Sơn Nam. Ngồi trong métro, tôi chảy nước mắt khi đọc:

 

«...Bên bờ giếng, tôi dành một khoảng đất nhỏ để chôn cất mấy con vật đã cùng tôi bầu bạn một thời: chim sáo, cá lia thia, dế than, trâu đất, cu cườm... Tôi không chơi đá cá đá dế. Cá và dế của mấy thằng lỏi trong xóm cho đá với nhau tới lúc trầy vi tróc vẩy, sứt càng gãy gọng ngất ngư hết mới chịu quăng ra. Tôi lượm về rán lấy nước muối và đất sét chập chộ cho tỉnh hồn. Mấy thương binh gượng sống ngắc ngoải thêm được ít bữa mới chịu nhắm mắt lìa đời. Tôi khóc lóc và đem đi chôn ở nghĩa địa riêng của mình bên kia bờ giếng.» 

 

Thằng bé-tôi lúc sáu tuổi không có được cái tâm bồ tát như thằng bé Kiệt lúc sáu tuổi, và những con nhen, con gà nhép, con vịt lụa chết trong lồng bị vứt vào thùng rác, đổ đi. Mảnh sân thành phố đặc cứng xi măng, làm gì có đất để đào mà chôn với cất, mặc dù con vịt lụa tôi nuôi có khác gì lắm so với em vịt vàng của Út Kiệt:

 

«...Lép kép! Lép kép! Con vịt con thò chiếc mỏ vàng nhỏ xinh xắn rỉa mấy hột cơm tôi vừa mớm ra cho nó ở miệng. Nó ngước lên nuốt mấy hột cơm, chiếc cổ nhỏ xíu ngửng lên trời ngửa ra sau, xong nó giương đôi mắt khù khờ ngó tôi kêu lép kép chờ đợi. Tôi đưa vịt con cạ cạ lông nhung mịn của nó lên má mình, lòng rạt rào sung sướng, thương quá là thương! Tôi sáu tuổi, con vịt con vừa nở được năm ngày. Nó đưa chiếc mỏ rỉa trong vành tai tôi nhột nhột khiến tôi rụt đầu ngoẻo cổ qua một bên. Vậy mà đã ghê. Vịt con thủ thỉ chuyện trò với tôi, lép kép! lép kép!... Chỉ có một mình tôi hiểu được em tôi muốn nói gì.

 

Tôi mở tay ra. Con vịt nhỏ nằm gọn lỏn trong hai bàn tay tôi, ngoan ngoãn, lép kép! lép kép! Toàn thân con vịt màu vàng, lông tơ mịn màng non nớt thơm tho, mỏ và chân hơi ửng màu cam, trên mỏ có chấm hai lỗ thở nhỏ xíu, mắt tròn vo đen lay láy, ngây thơ ngờ nghệch. Lép kép! Lép kép! Tôi lại mớm cho nó mấy hột cơm. Tôi dặn nó kêu nho nhỏ, sợ má nó nghe được chạy tới đòi lại...»

 

Cái tình của tôi đối với những con vật nuôi chỉ dừng lại ở những giọt nước mắt tuổi thơ, ở cái bần thần suốt tuần, ở việc bỏ cơm một buổi, nhưng với Kiệt thì khác, cái đau xé lòng hơn nhiều:

 

«...Chiếc xe cam nhông thứ hai lăn tới áng khuất, cụm lông vàng mịn không còn ngó thấy đâu nữa, tôi chỉ kịp nghe một tiếng «Chét» thảm thương bên tai, thôi rồi! Chết em tôi rồi, tôi ngã quỵ xuống lề đường, đầu gối đập lên đá cục mà không cảm thấy đau đớn gì hết!... Đoàn xe tiếp tục lăn qua chậm chạp, từ từ, nhưng tiếng động cơ phát ra xầm xì không đè át được tiếng «chét! chét!» thảm thương nhỏ nhít của em tôi còn đang chấn động từng chập trong cùng tận ruột gan mình. Tôi gẫy quặp người tới trước, hai tay cấu lấy bụi cỏ lông gà, ghịt kéo để cố dằn tiếng nấc đang cướp mất hơi thở mình... Bụi cỏ trốc gốc, tôi lại té ngửa ra sau, một chân lọt xuống mương nước, tôi nấc tiếp liền mấy tiếng bứt ngang hô hấp, miệng không thể nào khép lại được nữa, tôi nhăn hàm răng xiết ăn ngó trời, lệ tuôn đầm đìa lai láng, trời mây trên cao tan loãng thành vũng nước mắt không còn hình thù gì nữa, tất cả mờ run mịt mùng, lung linh nhòe nhoẹt. Hết rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Em đã chết, bỏ tôi thiệt rồi!...»

 

Em vịt vàng chết vào những ngày giáp Tết, nên chú bé Kiệt, dù giờ đây đã thành ông nội, ông ngoại, vẫn rưng rưng nhớ về mỗi khi xuân đến:

 

«...Nơi tôi ở bây giờ, ngoại ô Paris, không có mai vàng. Chỉ có anh đào trổ một màu hường phơn phớt lợt mọc trên dốc đồi thoai thoải bên những cội lệ liễu xõa tóc dịu dàng.

Và năm nay đào lại nở!

Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở. Đào lại nở, tôi lại nhớ em tôi, em vịt vàng nhỏ xinh xắn tội nghiệp. Mỗi năm, khi vừa chớm đông, từng bầy vịt hoang và ngỗng trời từ Bắc Âu vỗ cánh bay ngang Paris, rồi di chuyển về miền Nam để trốn lạnh, sang đến tận Châu Phi.

Khi ngó lên trùng trùng chấm đen lướt qua cao vút trên đầu, lần nào tôi cũng tự hỏi không biết có em vịt vàng nhỏ của tôi trong bầy chim hoang đó hay không, và lần nào tôi cũng thầm lo ngại không biết em tôi có được đủ ấm như một thuở xa xưa nào khi Tết gần đến, tôi đã từng ôm em úm trong lòng để mớm cơm cho em ăn và chuyện trò cùng em thủ thỉ. Nhưng tôi lại tự nhủ chắc là em không có mặt trong bầy vịt đang bay trên cao tít, bởi lẽ quê hương của em, quê hương của tôi, quê hương của anh em mình không phải ở đây. Tôi hình dung giờ này chắc em đang tung tăng bơi lội trong một vùng nước mặn ấm áp quanh năm trước mương lộ của nhà tụi mình ở Xóm Mới, miệt Hậu Giang phù sa mặn mòi, đồng ruộng phì nhiêu quấn quít sông ngòi đặc ngừ tôm cá...»

 

Rồi cũng có dịp đến thăm nơi tôi ở bây giờ, ngoại ô Paris, không có mai vàng, chỉ có anh đào trổ một màu hường phơn phớt lợt. Căn appartement chênh vênh nơi từng mười lăm một cao ốc. Có cả em vịt vàng ở đó nữa. Nhưng chỉ là một mẫu vịt nhồi bông đứng cứng đơ tội nghiệp bên một hàng gáy sách. Nhà của một người viết văn có nhiều sách. Dĩ nhiên, sách xếp dài trên kệ, ngăn nắp. Nhưng bên cạnh, còn rất nhiều cây, lá xanh tươi, mướt bóng. Một chút không gian nhiệt đới? Một chút không gian đồng bằng sông Cửu Long? Ai mà chẳng thèm, cái một-chút-mà-thật-khó-tìm ở nơi chốn này, phải không? Trong khi người lớn bắt đầu ăn uống, bắt đầu nói chuyện văn chương, chuyện nắng mưa, chuyện trên trời dưới đất, thằng con hai tuổi rưỡi của tôi, đứa con nít duy nhất trong buổi gặp mặt, lẩn thẩn chơi một mình. Như con chó nhỏ đi đánh hơi từng góc kẹt căn phòng lạ, thằng bé lang thang chỗ này chỗ kia, cầm lên đặt xuống những con thú bắt gặp đây đó trên con đường khám phá. Lâu lâu, thằng bé chạy lại há mồm xin miếng cơm, rồi trở về góc của nó. Có lúc, khi xin cơm, nó cầm theo một con vật, giơ cao hỏi chúng tôi: «Con gì đây bố? Con gì đây mẹ?». Tôi phải đe trước: «Con đừng làm hư mấy con thú nhe, coi chừng ông rầy!», rồi mới trả lời nó, này là con trâu, kia là đàn heo, nọ là gà trống, gà mái, gà con. Ở cái tuổi nhỏ xíu của nó, thằng bé cũng đã thấy voi và hươu cao cổ trong sở thú, thấy vịt gà ngan ngỗng, bò dê lừa ngựa, heo cừu thỏ... chuột ở trang trại gần nhà, nhưng tại những nơi đó, nó chỉ được đứng xa xa để ngó qua chấn song chuồng, chứ làm gì được đưa tay sờ mó như ở nhà ông Kiệt! Tôi nhìn quanh, và chợt hiểu, người đàn ông ngồi trước mặt cũng đang rất thiếu thiên nhiên, đang rất thèm thiên nhiên. Ông đang bị nhốt trong một chiếc lồng chật hẹp, và có phải luôn vùng vằng muốn tìm cách thoát ra, bằng thật nhiều những chậu cây xanh lá, bằng thật nhiều những con thú ẩn hiện góc này xó nọ quanh nhà? Con trâu bằng đất nung phủ verni bóng loáng kia, có phải đã gợi lại một hình ảnh cũ:

 

«...Nhà ông Đương có được cặp trâu cổ khoẻ mạnh, mình mẩy phình lớn đen xám, lông thưa đều cứng mướt, cặp sừng cong dài quớt ra hai bên cách nhau ngót một thước bề rộng, dọc trên thân sừng có nhiều ngấn dợn hũng. Dáng trâu bậm trợn hùng dũng như vậy mà cặp mắt trâu, trái lại, hiền lành ưu ái vô cùng, lông mi trên mí mắt mọc đan khít nhau càng tô điểm cho ánh nhìn của mắt trâu thêm dịu dàng. Theo truyền thuyết, trâu là hiện thân của một vị Bồ tát hạ thế để tế độ cho nhân gian có lúa gạo mà ăn. Cấy cầy vốn việc nông gia, ta đây trâu đó ai mà quản công. Bao giờ ngọn lúa còn bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

 

Đại để tánh trâu rất hiền lành chậm chạp, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có lúc trâu nổi máu hung hăng và cụng húc nhau ầm ĩ. Những lúc đó, không một ai can nổi, lạng quạng có thể bị sừng trâu vít lòi ruột như chơi. Vì vậy, chú Tám dặn hai đứa cháu mình một mẹo nhỏ là lúc nào đi chăn trâu cũng nên thủ sẵn trong người một khúc sừng trâu gãy. Khi nào trâu cụng nhau hăng quá thì liệng khúc sừng đó vào giữa hai đối thủ. Trâu nọ ngó trâu kia, thấy cặp sừng còn nguyên vẹn, tưởng đâu sừng gãy nằm dưới đất là của mình, bèn bỏ chạy. Cuộc đấu sức đọ sừng chấm dứt.»   

 

Xóm gà vịt lít nhít nọ, có phải đã gây hứng để ông nhớ về những hình ảnh sống động độc nhất vô nhị của một gã vịt cuồng dâm:

 

«Cùng lứa với con Mẫu Hậu là con vịt xiêm đực, hỗn danh Đại Bàng, tên này cũng do ba tôi đặt. Con Đại Bàng mắc chứng cuồng dâm nên vịt xiêm, vịt ta, vịt lớn hay vịt nhỏ gì đều cũng bị nó đạp mái ráo trọi. Cả gà ngỗng cũng bị nó hiếp dâm luôn. Gà mái bị đã đành, gà trống cũng bị như thường. Gặp nhằm gà nòi đá độ, anh chàng bị phang cho mấy cựa đổ máu dạt ra, mà rồi cũng không tởn. Ngay cả con heo thiến má tôi nuôi trong chuồng cũng bị Đại Bàng đáp đại lên lưng mổ cắn trì kéo lỗ tai heo và vặn vẹo cái đuôi vịt, không biết ý gì. Bận khác, bà chủ nhà của tôi ra ngồi ở bãi cỏ khuất mà giải thủy, tưởng đã yên chí, ai dè Đại Bàng nằm vùng ở đó tự lúc nào bèn đưa mỏ cứng ướm thử cái bàn ngồi của bà chủ một phát. Bà la chói lói và chạy vô mắng vốn má tôi: bà bị con vịt phải gió của nhà tôi nó rỉa. Ba tôi che miệng cười khúc khích nói nhỏ với anh Hai tôi: «Gặp tao, tao cũng rỉa nữa... huống hồ là con vịt!»

 

Mãi về sau này, dung rủi lần nọ, khi đã tàn cuộc truy hoan trên mương lộ trước nhà, Đại Bàng còn hừng chí vỗ cánh phùng xòe bản Hành Dâm Khúc mà quên thu hồi báu kiếm. Xảy đâu có chàng cá lóc lội ngang nhác thấy, tưởng là mồi bở, trồi lên đớp mất. Thế là... tàn đời bạo chúa! Nhưng Bạo chúa không chịu băng hà, cho nên mới chết dân lành. Vì khi bị dâm hành mà đạp mái không được, Đại Bàng nổi điên vỗ cánh bay lên ngọn cây rượt theo mấy con quạ và chim tu hú mà cắn mà mổ. Rồi một chiều mưa gió nọ, Đại Bàng đã lướt gió tung mây vĩnh viễn ra đi, vịt cồ nhất khứ bất phục phản (hay là bạo chúa đã xuống tóc đi tu?) Kể từ đó, thanh bình mới thực sự được vãn hồi cho gà vịt heo ngỗng (và bà chủ nhà) trong Xóm Mới hiền hòa của tôi.» 

 

Un clin d'oeil, bất ngờ có thể gây bật cười với những tình huống ngộ nghĩnh, được kể lại bằng một giọng văn không kém phần dí dỏm. Loài vật như biết khóc, biết cười, biết thương, biết hận trong văn Kiệt Tấn. Đôi khi, chúng còn được ngòi bút Kiệt Tấn đẩy lên cùng với nhiều hành trạng lạ lùng, quái gở:      

               

«...Cái hiện tượng kỳ bí dị thường này cứ thỉnh thoảng lại thấy xảy ra ở đồng quê vào những đêm trăng rằm, ngoài ruộng vắng. Như thể cả lươn lẫn rắn đều say rượu trăng và bầy lươn vừa chếnh choáng vừa bị thôi miên lờ đờ tự động bò lên bờ lểnh nghểnh để tình nguyện nộp mình cho rắn nuốt. Cũng không rõ bằng cách nào mà cả hai lũ đều biết được nơi hẹn hò để lướt tới. Đầy cả một mương dài lúc nhúc toàn những rắn và lươn quấn lấy nhau vặn vẹo uốn éo, thân nhớt và vảy mun lấp loáng rờn rợn dưới trăng sáng. Cả hai loài bò sát đều ngất ngưởng truy hoan trong cuộc dạ yến kỳ quặc, trong cuộc tế lễ ma quái mà cả hai phe chịu tế lẫn phe nhận tế đều phải trả bằng mạng sống của mình. Rắn luôn luôn nuốt lươn khởi sự bằng đầu. Rắn nhỏ hơn lươn, chỉ nuốt được phân nửa rồi cả hai đều nghẹt thở mà chết. Rạng ngày, cả mương đầy nhóc những rắn và lươn dính chùm lẫn với nhau, tàn cuộc hoan mê, không còn một mống nào sống sót.

 

Đôi khi thay vì lươn là rắn, cuộc dạ yến chỉ có độc toàn là những rắn và rắn tham dự. Cả tập thể rắn bề ngoài mới ngó vô tưởng chừng như hỗn độn đó mà thiệt ra bên trong lúc nào cũng chỉ gồm rặt hai loại rắn khác nhau mà thôi. Và lúc nào lũ rắn nhỏ cũng nuốt trọng lũ rắn lớn hơn mình. Để rồi cả hai bầy đều chết tiệt không còn một mống. Như một cuộc hò hẹn cùng định mạng khắc nghiệt, trói buộc bất khả phân ly bởi tử thần tự kiếp nào, không có cách gì ngăn cản nổi. Một cuộc tự sát tập thể, điên rồ, thúc bách, bất cưỡng.»

 

Đoạn văn khiến tôi nhớ ngay đến một khúc phim tài liệu của hãng Walt Disney được xem ở Hội Việt-Mỹ, hồi nhỏ. Một loài gậm nhấm đào hang dưới đất, những con lemmings, mỗi năm cứ đến mùa xuân, lại lũ lượt rùng rùng kéo nhau về những triền đá ven biển rồi chen chân nhảy xuống nước để... chết chìm! Chỉ những con chuột lạc bầy hay quá nhỏ, chưa đủ sức trẩy hội là còn sống sót, để tiếp tục gây dựng nòi giống, chuẩn bị cho một cuộc tự sát tập thể vào mùa xuân năm sau. Không người lớn nào trả lời nổi những câu hỏi «tại sao?» của tôi lúc đó. Khi lớn hơn một chút, tôi nghĩ, có lẽ chiến tranh cũng là một cách tự sát tập thể của loài người, để bớt nạn nhân mãn. Nhưng khác với con thú, con người xâu xé lẫn nhau, khoan khoái nhìn đồng loại đau đớn dãy chết, trước khi đến lượt chính mình ngã gục. Khác với con thú, con người văn minh ngày càng rời xa nguồn cội đơn sơ của thiên nhiên, để mắc kẹt giữa chính cái màng nhện rối rắm do mình đan dệt nên, và hối hận, than trách:  

 

«...Dưới nội cỏ bệnh viện hoa vàng rực chói mắt. Không phải hoa mai. Từng cụm nhiều nhánh từ dưới đất chỉa lên sai oằn bông vàng chi chít. Không thấy lá, hực hỡ chóa lòa. Từng bầy chim sà xuống, loại chim đuôi ngắn ngủn không phải chim sẻ, không phải chim sáo, cúi đầu mổ lia lịa, chạy lúp xúp trong cỏ, không thấy chưn, tưởng như loài chim đồ chơi cơ động, lăn trên hai bánh lẩn khuất, chạy tới chạy lui ngộ nghĩnh. Tôi thèm chạy trên cỏ. Lần nào ngó chim chạy trên bãi cỏ nắng tôi cũng thấy mình ngu. Trời ơi! Sao hạnh phúc dễ ợt như vậy mà tôi không với tới! Bao nhiêu lần tôi đến ngồi trong vườn Luxembourg suốt mùa xuân suốt mùa hè để chỉ nghĩ đến chuyện thất nghiệp. Kìa xem con chim bồ câu đang tắm rửa rỉa lông và kêu rù rù bên ống nước lủng có tia nước xịt ra nhỏ rức, nó đâu có phải làm đơn xin việc kèm theo phiếu lý lịch có dán hình thắt cà vạt hẳn hòi như tôi. Nọ xem con chim sẻ con đang chạy theo chim mẹ cánh xòe ra, mép vàng chưa mất dấu, hả miệng chờ mồi, và mẹ nó hết sức kiên nhẫn tận tụy. Tình thương của trời đất. Đời sống sờ sờ như vậy mà tôi tự ý ngoảnh mặt làm ngơ, giam mình trong ngục tù do mình dựng ra và do mình cai quản...»

 

Và cũng chính từ những con thiêu thân nhỏ nhít, những cánh bướm đêm dật dờ, những dáng chim mỏng manh ấy, mà đôi khi con người ngộ ra được nhiều điều thú vị:

 

«...Con chim se sẻ lại bay lên, lại sà xuống, lại cắn lại mổ lên mẩu bánh mì. Lần nào nhìn con chim se sẻ nhảy nhót, tôi cũng không khỏi bồi hồi. Con chim đẹp đẽ hết sức. Đẹp đẽ không phải vì nó có bộ lông rực rỡ. Bộ lông nó hết sức giản dị, nâu xám trộn lẫn, vậy thôi. Nhưng nó đẹp tại vì tôi ngó thấy nó đẹp. Biết nhìn, thì con chim nào lại không phải là một con chim đẹp, bông hoa nào lại không phải là một bông hoa đẹp, ngọn cỏ nào lại không phải là một ngọn cỏ đẹp? Mỗi vật trong trời đất là một đẹp đẽ, một chiêm ngưỡng, một kỳ công, một nhiệm mầu.

 

Con chim se sẻ lại mổ, lại ngó chừng, lại kêu chim chíp, lại mổ, lại ngó chừng, lại sợ, lại dáo dác. Nhìn con chim nhỏ thưởng thức mẩu bánh mì và ham sống, tôi xúc động sa nước mắt. Trời ơi! Cuộc sống đối với nó giản dị, đẹp đẽ và đáng sống biết chừng nào!»   

 

Bị bứt rời khỏi xứ sở, xa cách cả với thiên nhiên, sống lơ lửng ở tầng lầu mười lăm, một nơi tay chưa với tới trời mà chân đã không còn chạm đất, văn Kiệt Tấn chất đầy kỷ niệm, đầy hình bóng cũ, đầy mùi hương, đầy tiếng động. Từ mùi chanh ở một kỷ niệm gần, một không gian gần, vùng biển ấm miền Nam nước Pháp:

 

«...Gió đưa hương chanh chín mùi luồn qua mành lưới đan khít gắn ở cửa sổ. Bên kia cửa sổ, vườn chanh đang khua lá giặt rửa dưới dòng trăng, rì rào suối nguyệt. Lẫn trong hương chanh, còn có mùi biển mặn mà từ lòng vịnh dưới thấp ùa lên. Cánh cửa sổ bằng cây tôi quên cài móc đập vào khung cửa - là lúc dây đàn tôi đứt phựt? Cơn mơ «Vọng Nguyệt» một lần nữa lại trở về...» 

 

Thoáng chốc, mạch hồi tưởng của người viết đã dẫn người đọc vút ngược về quá khứ xa hơn, trên cùng một nơi chốn, Le Vieux Nice, để tự tình trong đêm bên người yêu cũ, rồi vèo một mạch, vượt cùng lúc cả không gian, thời gian, trở lại thuở thiếu thời với một mối tình vụng dại nơi bến đò. Miền Nam nước Pháp hay miền Nam nước Việt? Nắng rám, gió lộng, biển mở ra bát ngát, mùi trái chín, mùi thịt da... Ở đâu, cũng thấy tràn trề nỗi nhớ!

 

«Bạc liêu là xứ quê mùa,

Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều châu.

Cơn gió chiều ào ạt xoáy quanh hàng chân cầu bê tông cốt sắt, lượn uốn vi vu dưới gầm cầu rồi thốc vọng lên cơn gió mát mẻ lồng lộng. Chiều nào, hàng hàng nam thanh nữ tú cũng đưa nhau từng cặp ra Cầu quay hứng gió. Những cơn gió rám nắng đượm tẩm hương vị thịt da của Hậu giang lúa chín, đậm đà sức khỏe mặn mòi của muối biển Cà mau. Nơi cuối điểm này của châu thổ sông Cửu long, xứ sở trương rộng mũi phù sa hít thở không gian bát ngát của Thái bình dương mà ước mơ những chuyến viễn du có bầy cá nược mướt mun phóng mình lội đua với ghe lườn trong buổi chiều nắng quái.

 

Cầu quay bắc nhịp nối liền làng Vĩnh châu vào tỉnh lỵ Bạc liêu, một trong những kho lúa tràn trề của miền Hậu giang với đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Làng Vĩnh châu dàn trải bãi bùn đen và cát mặn ra tận ranh giới của thủy triều đại dương, tạo thành biển nhãn. Gọi biển nhãn bởi lẽ hai tiếng rừng nhãn không đủ sức mô tả những hàng nhãn điệp trùng chiếm cứ nhiều diện tích mênh mông mút mắt dọc theo ven biển. Những gốc nhãn cổ thụ xen lẫn chồi non, muôn vạn vòm nhãn tỏa tròn trương xòe đọt nhãn mềm mại mướt tươi nhấp nhô trùng trùng đợt sóng xanh lục ùa nhau xô tràn ra biển cả như muốn lấn ngược dòng thủy triều để vượt khơi, nếu không có những chùm rễ tua tủa của rừng mắm ven biển cắm sào giữ lại. Những chùm nhãn nơi đây tích tụ tinh anh ngọt thơm luyện cất từ cát bùn và gió biển, một sự huyền nhiệm mà chỉ tay tạo hóa mới trổ tài làm nổi. Tới mùa nhãn chín, mùi nhãn thơm lừng lay dậy sực nức khứu quan trong đêm tối, khiến cho trọn cả một vùng lân cận bao la thao thức mất ngủ. Và mỗi năm, dòng họ nhãn lại tung ra một đòn tuyệt kỹ: Nhãn Chú Út. Những trái nhãn cuối cùng, kết thúc cuộc đời của cội nhãn sau hai mươi năm dâng hiến trái ngọt cho đời. Nhãn Chú Út lớn bằng trái chanh, hột nhỏ bằng hột đậu đỏ. Lớp vỏ vàng nhám bên ngoài lột đi, lớp da non mỏng trắng bên dưới bày lộ, bao bọc lấy cơm nhãn no đầy thanh khiết, cắn vào, vị ngọt lẫn hương thơm vương vấn cả một đời khó quên.»

 

Kiệt Tấn yêu thiên nhiên. Và ông rất yêu mẹ của mình. Nên khi ông lồng hai tình yêu ấy vào cùng một khung cảnh, người đọc bắt gặp được một hình ảnh quen thuộc lắm, nhưng cũng tha thiết lắm:

 

«...Buổi trưa, khi ngồi vá áo bên cửa sổ, bà ngó tôi cười móm trong vuông nắng, tự nhiên tôi có cảm giác đang nằm dưới một gốc tre già bên bờ ao, lá tre trên cao thoảng gió rì rào, giọt nắng trộn lẫn bóng lá tre nhảy nhót trên khuôn mặt tôi mát rượi, tôi thiu thỉu ngủ, giấc mơ thơ thới... Ôi ! Chi xiết êm đềm «nụ cười tre trúc!» Cho dù má tôi không cười thành tiếng, tôi vẫn nghe có tiếng rì rào thanh thoát của tre trúc rộng lượng chở che. Tôi là con trâu nghé nằm trong bóng lá im buổi trưa hè nắng gắt...»

 

Thiên nhiên luôn song hành bên cuộc đời người viết, từ ruộng vườn làng mạc quê hương, qua xứ tuyết khắc nghiệt Gia Nã Đại hay ầm ào tiếng sóng bên Bãi Thiên Thần đêm Địa Trung Hải. Đôi khi, trong phút xuất thần, hai đối tượng «Tôi» và «Thiên nhiên» đột ngột hội tụ, trùng chéo, tan nhập thành một:

 

«...Cô đơn mãnh liệt tới mức tạo cho tôi một cảm giác đau đớn vật chất, như một mũi tên nhức nhối bắn phủng qua đầu. Cô đơn muốn ngất xỉu. Chung quanh chỉ có tuyết rơi và tuyết rơi. Thình lình tôi chợt thấy mình tan trong tuyết: Tôi và vũ trụ chỉ là một. Cảm giác gây sự ngây ngất mãnh liệt bàng hoàng. Cô đơn chợt tan biến...»

 

Nhiều năm sau khi đọc văn Kiệt Tấn, tôi đã có dịp qua Tiền Giang đục lờ phù sa, xuôi xe ngang nhiều xóm thôn trù phú, toòng teng mắc võng giữa bóng lá lao xao, nghe tiếng eo óc của gà trưa gáy xen vào giữa bài vọng cổ. Tìm được ở đâu cái cảm xúc vừa yên bình, vừa cô quạnh ấy, ngoài miền Nam nước Việt? Vậy mà, tôi không được may mắn nghe hò, lần về quê ấy. Hay những câu hò điệu lý cũng đã rơi rụng hết cả trong dĩ vãng, vì không đủ sức đương cự nổi với truyền thanh, truyền hình, đầu máy karaoké của thời đại tân kỳ? Hình ảnh cũ, âm thanh xưa, chẳng lẽ chỉ còn thoi thóp trên những trang sách, những thước phim chở đầy hoài niệm?    

 

«...Trời đã sáng hẳn. Vừng kim ô chói rọi trên mặt nước lóa chóa, chim nhạn dập dìu trên nhánh nước mênh mông, gọi bầy lao nhao, cắn mổ kiếm mồi, tranh la xao xác. Những cánh trắng xòe ra chở nắng tươi tốt đảo vòng trong không khí ẩm mát, chốc chốc vụt chúi xuống, xớt một con cá vẩy bạc óng ánh rồi vút bay lên hớn hở rộn ràng. Ghe lớn ghe nhỏ từng đoàn túa ra dòng thủy lượng lợïn cợn phù sa, chở khẳm trong khoang hàng hóa, đồ ăn, vải vóc, trái cây, tuôn về chợ Phong điền, chợ Cần thơ, chợ Cái răng cho mọi người từ thôn dã đến thị thành đua nhau mà sắm Tết. Chú Ba cảm thấy sướng lây, lơi tay khoan xới mái dầm để thưởng thức cái tiết xuân đang tỏa ra trên sông rộng, để ngắm nghía cái khí xuân đang bương bả trong những cánh tay vặn chèo thúc bách. Một chiếc tam bản vượt lên dưới sức khuấy động của cô gái trẻ sung mãn, nón lá mới tinh khôi ngã bóng tròn trên nách áo vã mồ hôi khiêu khích. Chiếc tam bản qua mặt chiếc ghe cà dom chở dưa hấu nặng khẳm, người đàn ông chống sào dài trên mui ghe hoát cười rộng miệng, đưa tay ngoắc ngoắc cô gái rồi buông tiếng hò hoa nguyệt:

Hò ơ ơ ớ...

(Chớ) Ngó lên Châu đốc Vàm nao

Thấy buồm em chạy như dao cắt (ờ ớ) lòng

Hò ơ ơ ớ...

Bữa nay loan phụng hiệp bầy

Hò chơi nhơn đạo (ờ ờ)

(Chớ) Hò chơi nhơn đạo sau vầy nhơn (ờ ớ) duyên (ơ ơ)...»

 

Nhưng, tại sao tôi cứ phải đặt quá nhiều câu hỏi? Tại sao tôi cứ phải thắc mắc với những điều, những việc đã, đang và sẽ xảy ra, lớp này chồng lên lớp kia, xô đẩy, nhấn chìm, bôi xóa? Vũ trụ có sự tuần hoàn của những chu kỳ, nảy sinh-trưởng thành-tàn lụi, xuân-hạ-thu-đông, đêm-ngày, mới-cũ, thịnh-suy... Đã cứ là như thế, từ muôn đời, nghìn kiếp. Những con cào cào non vẫn tiếp tục bay nhảy tíu tít. Những con chim ngắn đuôi vẫn tiếp tục bay lên đáp xuống tìm mồi. Đời sống vẫn tiếp diễn và đang tiếp diễn, không hề ngừng nghỉ một giây phút nào. Đời sống vẫn luôn luôn sẵn đó, vốn nó sờ sờ như vậy, từ bao giờ, tự bao giờ... Thắc mắc làm gì, tại sao làm gì. Một lúc nào đó, hãy gạt bỏ hết mọi tất bật eo sèo của cuộc sống, nhắm mắt, tĩnh tâm, yên, để nghe: thiên nhiên quanh ta đang phập phồng sống-chết, trong cái lẽ tự nhiên, thường tình nhất của đất trời:

 

Hãy nằm im

và đừng hỏi

tại sao

đừng hỏi tại sao

những con ruồi say nắng

rụng cánh

nằm chết

trên bàn tay ấm áp

của mùa hè

                    

Khởi viết sau Giao Thừa     Bagnolet - Choisy-le-Roi - 01-03.2006

 

(*) Trích từ bài hát « Du Mục » của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 

Những đoạn in nghiêng trong bài viết được trích từ các truyện ngắn: «Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi», «Em điên xõa tóc», «Vườn chanh miệt biển», «Nụ cười tre trúc», «Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu», «Trang kinh trên đồi», truyện dài «Phù sa lớp lớp» và bài thơ  «Biết bao giờ» của nhà văn Kiệt Tấn.   

Cổ Ngư
Số lần đọc: 2555
Ngày đăng: 10.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Suy nghĩ về tập thơ Mắt Giấy của Nguyệt Phạm - Nguyễn Đức Hiệp
Sách vi phạm tác quyền dự thi Tiểu thuyết VN lần 3 - Thanh Huyền
Xin chào thơ, giữa con đường… - Nguyễn Thị Thanh Xuân
Bốn yếu tố từ một giòng thơ đương đại - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Thơ và tiến bộ khoa học kỷ thuật - Lý Lan
Thư ngỏ gửi Hội nhà văn Việt Nam - Vũ Ngọc Tiến
Giải thơ “Lá trầu ” và sáu nhà thơ nữ - Huỳnh Như Phương
Đọc sách :TỰ DO THỜI GIAN của tập thơ LÊ KHẢ ANH - Trần Hữu Dũng
Thơ như tôi đã hiểu - Phạm Quốc Ca
Đọc “ĐÊM TRẦM TÍCH”, Tập thơ của Trúc Linh Lan - Võ Quê