Mới sinh ra, tôi là đứa bé khóc đêm rất dữ. Khóc ằng ặc từ đêm này qua đêm khác, đôi khi lại ré lên như thể bị một bàn tay vô hình nào đó cấu véo. Tròn hai tuổi tôi vẫn còn mang chứng bịnh ấy. Cho đến một hôm, ba tôi lặn lội đi tìm một người bà con xa, có chồng là pháp sư nổi tiếng và được ông ấy cho một lá bùa. Lạ thay, khi ba tôi đem đạo bùa ấy về đeo vào cổ tôi thì chứng khóc đêm ngỡ là bất trị kia bớt dần rồi dứt hẳn.
Sau đó vài năm, chiến tranh càng lúc càng diễn ra khốc liệt, gia đình tôi phải tản cư luôn để tìm một chốn an toàn. Trong cuộc hành trình chạy trốn đạn bom ấy, có lần ba tôi đưa cả gia đình ghé nhà người bà con kia. Lúc đó tôi vẫn còn nhỏ, chưa kịp hiểu và nhớ được gì nhưng sau này khi dần lớn lên, xa gia đình và xa hẳn nơi chôn nhau cắt rốn của mình tôi vẫn nhớ hoài quê hương qua những câu chuyện kể ngày xưa của ba mẹ tôi.
Mới sinh ra tôi là đứa bé khóc đêm rất dữ nhưng lớn lên tôi trở thành một kẻ mơ mộng vô phương cứu chữa...
*
Người con gái ấy một thời đẹp nhất vùng phố cổ và là con duy nhất của một ông chủ tiệm cao lầu. Mười sáu tuổi, nàng đã được nhiều gia đình danh giá, giàu có nhờ mối mai dạm hỏi. Thế nhưng, thật bất ngờ gia đình nàng nhận trầu cau của một... ông phù thủy đã ngoài tuổI bốn mươi và sau đám cưới nàng theo hẳn về quê chồng. Quanh cái đám cưới hơi lạ đời ấy có biết bao nhiêu lời thêu dệt, đàm tiếu nhưng về quê hương chồng nàng vẫn tiếp tục là đầu đề cho bao câu chuyện ngồi lê đôi mách khác. Đàn bà đẹp thường là nạn nhân của chính mình là vậy. Ông ta dùng bùa để quyến rũ bà ấy, một đạo “bùa yêu”. Những người ưa tán chuyện bảo vậy và kể y như thật về chuyện thầy Tám (tên ông thầy phù thủy) đi xuống Hội An chữa bệnh điên, ghé ăn cao lầu và phải lòng cô con gái đẹp...
Không biết đúng sai thế nào nhưng dù gì, khi đã vang danh là pháp sư cao tay ấn nhất vùng, thấy Tám vẫn thuộc vào những người giàu có nhất vì tiền chữa bệnh điên thì đòi bao nhiêu mà chẳng được! Sống giữa cơ ngơi bề thế nhưng gần như biệt lập với xung quanh, nàng hoa khôi phố Hội nhanh chóng trở nên một thiếu phụ u sầu. Chồng nàng thường đi chữa bệnh xa, khi mười ngày, khi nửa tháng mới về, mà khi ông ở nhà thì cuộc sống của một pháp sư cũng rất khác biệt so với người thường. Sập tối là ông bắt đầu cúng, luyện đan, miệng lúc nào cũng lẩm bẩm đọc thần chú. Khi ngủ, ông ngủ một mình. Trên bộ ngựa bằng gỗ gụ – nơi mà với bàn thờ tổ là hai nơi không có người thứ hai được phép tới gần – luôn có ba cái gối săng (gối bằng gỗ) lớn. Ngủ, ông gối một cái còn hai cái đặt hai bên ngang với tầm tay. Cứ cách độ nửa giờ, một tiếng “đùng” thật lớn lại vang lên. Đó là khi ông nện gối săng xuống mặt phản ngựa để cảnh báo những tà ma quỷ quái nào đó đang lăm le lợi dụng giấc ngủ mà quấy nhiễu ông! Điều lạ là dù đôi tay hoạt động cách khoảng và liên tục như vậy, thầy Tám vẫn ngủ say, ngáy như sấm. Chỉ có những người lần đầu tiên đến ngủ nhờ – như gia đình tôi lúc tản cư là hoảng hốt giật mình dù nằm tận nhà sau.
Ba năm đã qua, người thiếu phụ vẫn không sinh được cho ông đứa con nào mà ngày càng héo hắt như những bông hoa cắm trong chiếc bình thiếu nước. Rồi trong một chuyến đi chữa bệnh xa, ông dẫn một chàng trai lạ trở về và bảo ngắn gọn:
Thằng nào siêng, tôi thuê nó về làm ruộng, làm công việc nhà!
Những lời xì xào lại chui rúc khắp nơi khi người thanh niên ấy về làm đầy tớ nhà thầy Tám. Anh ta cao lớn, da nâu bóng. Một thanh niên đẹp rắn chắc tiêu biểu cho những chàng trai vùng biển. Thế nhưng không ai tin đó là một thanh niên bình thường. Đó là một con quỷ! Không biết từ nguồn tin nào người dân bảo vậy. Đúng hơn là cái thể xác cường tráng, hấp dẫn kia chứa chấp một con quỷ thay cho linh hồn của người. Ông ta dùng thần thông để bắt nó về đây để làm đầy tớ không công nhưng rồi một ngày nào đó ông ta phải trả giá. Chỉ cần một chút sơ suất là nó sẽ vặn cổ. Hãy cứ trông cái cách nó làm hùng hục từ hừng sáng đến nửa đêm và cứ như vậy từ ngày này sang ngày khác không hề nghỉ ngơi cũng đủ biết. Chỉ có sức quỷ mới làm được như vậy! Và ánh mắt lúc nào cũng u uất, cũng căm thù một điều gì đó. Nhất định đó không phải là ánh mắt của một con người!
Những lời xì xầm ấy rồi cũng đến tai thấy Tám. Ông cười khà khà và nói với nhiều người, nửa như cố ý nửa như đùa:
Đúng là đồn đại. Nhưng mà họ có lý! Dĩ nhiên chỉ có thầy Tám này mới có khả năng bắt và sai khiến quỉ mà thôi!
Và cũng không biết câu chuyện ấy đúng sai thế nào, nhưng về phần anh ta, con người – quỷ ấy chỉ biết làm việc và làm việc. Làm nhiều đến nỗi một tay đầy tớ siêng năng nhất của một bá hộ keo kiệt, tham công tiếc việc nhất chắc cũng phải vị nể. Cày ruộng, tát nước, xay lúa, giã gạo, bửa củi... không có việc gì mà anh từ nan, chỉ có một điều là rất khó mà nghe được từ cái miệng ấy một điều gì ngoài những tiếng “vâng dạ” ậm ự trong họng.
Thầy Tám vẫn đi “cứu nhân độ thế” để thu về những túi bạc lớn rồi từ đó sinh dần ra bao nhiêu là ruộng vườn, của chìm của nổi. Ông đi, mải miết như một nhà truyền đạo chân chính và hầu như ít chú ý đến người vợ trẻ đẹp mà ông “nhốt” giữa ngôi nhà to rộng của mình!
Đúng hơn, giờ đây người thiếu phụ ấy đã có thêm một người để sai bảo. Bao nhiêu năm đã trôi qua trong nỗi cay đắng mà nàng đem giấu rất sâu trong trái tim đã từng sôi nổi. Rồi người thanh niên được cho là hiện thân của quỷ ấy về làm đầy tớ. Nhưng hắn chỉ là một cái bóng. Một cỗ máy hoặc một con bù nhìn được người chồng phù thủy của nàng phù phép để bắt phải hoạt động thì đúng hơn!
Nàng vẫn không biết gì về hắn, không biết cả tên. Khi ở nhà, muốn sai bảo điều gì thầy Tám chỉ gọi hắn là “mày” một cách khinh miệt. Đôi lúc nàng nhìn trộm hắn và tự hỏi: Tại sao hắn lại làm nhiều như vậy? Hắn không nói chuyện gì với bất cứ ai. Cả nàng, với chồng nàng và bà lão giúp việc. Thậm chí với cả con mèo, con chó hắn cũng lảng tránh. Buổi sáng, khi nàng thức dậy, hắn đã xong rất nhiều việc và chuẩn bị ra đồng. Đến nửa đêm, khi nàng chập chờn trong giấc ngủ khó khăn với những cơn ác mộng thì tiếng chày giã gạo của hắn vẫn còn đều đều, thậm thịch.
Có một lần, một lần duy nhất vào buổi chiều giáp Tết, tình cờ nàng bắt gặp hắn đứng bất động, mắt ngó mong về xuôi. Lúc ấy dù đứng phía sau nhưng nhìn cái cơ thể khỏe mạnh, rắn chắc hằng ngày giờ chùng lại trong một tư thế mong ngóng đến da diết nàng bỗng có một ao ước đến lạ kỳ là được nhìn vào mắt hắn. Ôi, ánh mắt ấy phải hoài nhớ, u uẩn lắm mới tạo được một cái dáng đứng thế kia? Nhưng khi nàng dợm nhớm chân, do quá nhạy cảm hắn đã quay lại, nhìn nàng hơi ngỡ ngàng rồi đi nhanh vào nhà sau.
Gần cả tháng sau, khi không có ai, nàng tìm đến hắn bên đống củi đang bửa dở và hỏi:
Anh đang nhớ nhà lắm phải không?
Hắn làm như không nghe, vẫn giáng mạnh những nhát búa vào những thân củi gộc.
Nàng nhắc lại câu hỏi của mình một cách kiên nhẫn và hơi nặng giọng:
Thưa bà, tôi không hiểu?
Tôi hỏi có phải anh nhớ nhà, nhớ cha mẹ... vợ con không?
Không, thưa bà!
Hắn trả lời cộc lốc và đứng dậy xếp những miếng gỗ vừa bửa đem vào bếp. Nhưng chính sự lẫn tránh của hắn đã thôi thúc nàng lao vào một cuộc phiêu lưu mà nàng chưa hiểu sẽ mang lại cho mình điều gì. Sự im lặng của hắn vừa như thách thức vừa như có gì thật đồng cảm!
Tại sao anh tránh mặt tôi?
Câu hỏi ấy nàng đặt ra sau đó vài tháng trong lúc hắn đang cuốc vườn.
Hắn nhìn nàng khá lâu, tay nắm chặt cán cuốc. Nàng chịu đựng ánh mắt ấy và cảm thấy bạo dạn hơn bao giờ hết. Hắn nói một cách chậm rãi:
Tôi là một con quỉ! Một con quỉ nô lệ thưa bà!
Không! Anh nói dối! Tôi không tin. Đó chỉ là những lời đồn đại cố ý!
Đó chính là sự thực!
Nhưng dù anh là gì đi nữa tôi vẫn mến anh. Lão ta chỉ chiếm được thể xác này. Những gì còn lại là của anh!
Không! Hắn bổ mạnh lưỡi cuốc xuống mảnh đất vườn khô cằn mùa hạn – Tôi không mơ đến điều đó. Một con quỷ tầm thường, không phải là quỷ vưong, quỷ quan mà là một con quỷ nô lệ thì không có quyền sở hữu bất cứ điều gì!
Hắn lại lặng lẽ bỏ đi và nàng bất lực nghe nỗi khát khao càng lúc càng cồn cào lên cùng với dòng nước mắt thương thân, thương hắn tuôn ra lã chã.
Sau lần nói chuyện ấy nàng không còn tìm cách tiếp xúc với hắn nữa. Tháng bảy đến. Đó là tháng duy nhất trong năm thầy Tám không đi chữa bệnh vì bận phải ở nhà cúng lớn. Thầy sẽ cúng ba đêm liền, bắt đầu từ ngày rằm, như một kiểu “khao quân”, mà “quân” ở đây chính là âm binh dưới tay thầy!
Buổi trưa trước khi vào cúng một ngày, thầy sửa soạn tắm gội thật sạch sẽ ở cái ao dành riêng cho mình. Nửa giờ sau thì biến cố xảy ra. Đang ở trong bếp cùng mấy người đàn bà hàng xóm vừa mượn sang làm giúp thì nàng nghe tiếng gọi vang:
Bà chủ! Bà chủ!
Nàng kinh ngạc chạy ra. Hắn – người thanh niên – đầy tớ quỷ đang đứng ở sân trước, ướt từ đầu đến chân và mặt lạnh băng.
Tôi đã giết chồng bà! Xác dưới ao. Bà vớt lên mà chôn!
…
Tôi đã trả nợ xong, giờ tôi đi đây!
Hắn nói từng tiếng một, rành rẽ như đã suy tính trước. Nàng chết lặng, gần như không hiểu hắn nói gì. Khi hắn quay lưng, chạy vụt ra khỏi cổng, như có sức mạnh nào đó thôi thúc, nàng lao vụt theo, gào lên:
Đừng bỏ tôi! Trời ơi! Đừng bỏ tôi!
Hàng xóm xúm lại. Họ vớt thầy Tám lên thì ông đã tắt thở. Khắp người trầy sướt, bầm dập chứng tỏ ông ta đã chống cự mãnh liệt trước khi chết.
Trên bờ ao còn nguyên vẹn bộ quần áo và những lá bùa hộ mệnh mà ông đã cởi ra trước khi tắm. Nhìn máu rỉ ra ở các lỗ khắp châu thân, nhưng ta bàn tán:
Sinh nghề tử nghiệp mà. Trước sau gì ông ta cũng bị con quỷ ấy giết!
Cũng tại thầy Tám sơ suất. Hắn đã rình đúng ngay cơ hội khi ông ấy cởi hết bùa ra mới hành động!
Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện truy lùng con quỷ ấy ngay cả chính quyền sở tại dù nó chưa chắc đã ra khỏi làng. Người ta chỉ còn có mỗi việc xúm đen xúm đỏ lại coi và bàn tán xôn xao khắp vùng suốt cả thời gian dài, ngay cả khi đã xong đám tang.
Căn nhà có quỷ ấy đóng cửa suốt từ đó. Bà giúp việc không dám ở nữa mà xin về, thậm chí người ta không còn dám đi trên những con đường gần đó. Mấy tháng sau, trong một dịp tình cờ, dân làng phát hiện ra căn nhà đã thành vô chủ. Không ai biết người thiếu phụ ấy đã đi đâu và từ lúc nào?
*
Hồi nhỏ tôi là đứa trẻ khóc đêm nhưng càng lớn tôi càng trở nên mơ mộng. Căn bệnh sau này thì vô phương cứu chữa nên chưa đến tuổi hai mươi tôi đã rời xa gia đình sống lang bạc khắp nơi. Thỉnh thoảng tôi có về nơi ba tôi đang sống và bắt gặp ông thường ngồi hoài nhớ về cố hương trong những buổi chiều vùng trung du miền Đông vàng óng nắng. Mỗi lần như vậy tôi lại nhớ và thắc mắc về câu chuyện người thiếu phụ xinh đẹp và bất hạnh ngày trước. Ba tôi thường bảo:
Dù sao ta cũng phải về quê hương một chuyến. Ba mươi năm qua rồi!
Tôi hiểu nỗi nhớ trong lòng ông. Hiểu cả chữ “ta” như hàm ý bao gồm cả tôi trong ấy. Đó chính là tiếng gọi thôi thúc trong mỗi tâm hồn ly hương. Nhưng cũng thật bất ngờ, sau hơn ba tháng bặt tin nhà, tôi vừa mới nhận được thư ba tôi, ông viết:
“Ba đã về thăm quê. Ba có ghé chợ ăn cao lầu và gặp một chuyện rất thú vị. Con còn nhớ là bùa con đeo thời thơ ấu chứ? Đã ba mươi năm, ba thực không ngờ bà ấy vẫn còn sống và nhận ra ba. Nhưng đặc biệt người chồng bây giờ của bà ta... mà chuyện dài lắm. Nếu rảnh con thu xếp về với ba một thời gian...”
Tôi luôn có một túi xách nhỏ trong ấy bao giờ cũng có hai bộ đồ, một cái khăn và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Ngay ngày mai tôi sẽ lên đường và rất có thể sau đó sẽ theo gương ba tôi về cố hương một chuyến.