Trong những ngày trở về sống nơi cái thị xã buồn của thời niên thiếu, tôi thường lắng nghe những thanh âm sinh ra và tắt đi giữa lòng phố cổ. Hội An bây giờ ngủ trễ hơn và thức dậy sớm hơn, như nếp thường của một điểm du lịch hấp dẫn. Bên trên những tiếng động xao xuyến của sự sống lại này, có thể nghe ra nhịp rộn rã của một dòng chảy mới. Vui tươi hơn nhưng cũng “bận lòng” hơn. Cũng như bao người khác, tôi bị cuốn theo cái đà quay vội vàng chung quanh. Duy có điều, tôi vẫn thầm dặn lòng, hãy cố gắng nhìn và nghe, để biết mình đang ở dâu trên dòng trôi cuối ấy. Và tôi biết ơn sự yên tĩnh của hồn phố đã cho tôi một chỗ dựa, khi muốn lắng nghe những tiếng chìm khuất nhiều lúc ngỡ đa tan biến giữa bao toan tính bộn bề.
Vào thời khắc đầu ngày, bên nhà hàng xóm, khoảng bốn giờ, bác cán bộ về hưu nấu sữa đậu nành. Ánh lửa run rẩy, tiếng củi lép bép; đôi lúc bay lên những dây sáng li ti trong ánh tối của các khoảnh khắc ngày chưa bắt đầu đêm chưa tắt. Thanh âm nhỏ nhoi ấy chợt dẫn tôi về thời ấu thơ xa lắc, những ngày đông lạnh giá ngồi bên bếp lửa của mẹ, chờ mẹ rang xong mẻ bắp, bốc vội vàng bỏ vào túi quần, bàn tay vẫn để trong túi, giữ không cho sức nóng của mớ bắp chạm vào làm bòng da, rồi vừa chạy lò cò, vừa nhai bắp trên đường đến lớp học. Rồi những ngày xa thành phố. Những trảng rừng miền Đông Nam bộ rộng gió ngọt ngào, trên đường Trường Sơn ngun ngút hay dưới tán đại ngàn Trị Thiên thâm u, tiếng lửa bền bĩ trong bao đêm sâu đã hoá thành một sức sống lặng thầm, dẫn dắt hàng triệu con người vượt qua những trở lực tưởng không sao vượt nổi để đi đến ánh sáng nơi cuối đường. Trong những đêm của sự nặng nề dằng dặc và của ý chí được cô đúc lại thành sức mạnh cụ thể ấy, tôi hiểu rằng từ rất xa trong Thời Gian, nơi bản năng của con người cổ sử đã tượng mầm cho một đà sống để hình thành nên ý thức, là lực đẩy của lịch sử, đưa con người thoát ra khỏi bóng tối mông muội để bắt đầu cho những nền văn minh.
Ngày thường bắt đầu với những liên tưởng như thế. Khi mọi vật còn chìm trong bóng tối, thì âm thanh dường như là những biểu hiện của sự sống. Vào cái thời khắc ấy, khi tai nghe những tiếng bên ngài, cũng là lúc lòng lắng theo những tiếng bên trong. Nhưng rồi không thể đi sâu hơn khi ánh ngày dần rạng, lôi kéo sự chú ý của các giác quan hướng ra thế giới bên ngoài. Phố cổ giờ đây khởi đầu một ngày bằng những âm thanh rất sớm. Chị bán sữa, bà bán hến, anh bán bắp … với tiếng rao hàng trong đục khác nhau. Khác với bốn mươi - năm mươi năm trước, khi còn chìm trong lớp bụi quên lãng của thời gian, người phố cổ bây giờ đã có thói quen an sáng trong những quán hàng mọc lên khắp chốn … Rồi tiếng nhạc báo của xe gom rác. Như một bằng chứng sống động của sinh hoạt đô thị. Chỉ hơi tiếc cách thu gom còn chưa chu đáo, khiến nhà nhà điều phải tất bật trong cảnh rác … chạy theo xe rác, không đẹp mắt tí nào … Phố cổ giờ đây “sống lại” với khá nhiều lễ hội. Nhưng dường như, phần lễ đã bị phần hội “lấn lướt”. Và cũng dường như, để “đuổi theo” nhu cầu du lịch một cách vội - vàng - bắt - buộc (?) lễ hội đã bị cắt khỏi không gian sống của nó để chỉ còn là những hình thức được sân khấu hoá ? Biết làm sao được: có ai không muốn “bảo vệ văn hoá dân tộc” đâu, nhưng HIỂU và LÀM được, lại là việc dễ nói khó làm.
Nhưng tôi đã để mình bị lôi kéo khỏi mục tiêu rồi: tôi chỉ muốn lắng nghe cơ mà ! Tại sao tôi lại chạy theo những tiếng bề nổi ấy ? Nhưng những thanh âm nào mới thực sự là cái tôi kiếm tìm ? Và có phải đó là những tiếng bền lâu không ? Hay tất cả chỉ là mặt này mặt kia của một sự sống?
Không biết đến những câu hỏi chưa tìm ra lời đáp ấy, gió vẫn không ngừng thổi qua mọi thịnh suy, thổi qua tiếng đời xao xác. Tiếng gió chưa đựng tiếng gươn khua của thời đi mở cõi về phương Nam, mồ hôi và máu, ánh rực rỡ và nỗi đớn đau của bao lớp người. Trong tiếng gió biển ngọt ngào hay lạnh buốt và tiếng gió núi se thắt hay hầm hập, đều đặn tới lui cùng thời tiết, có tiếng thời gian ngưng tụ trong nắng trưa, vô hình đùa giỡn trên phố mái xanh rêu, bên những đời người cứ trôi đi theo triều hưng phế ! Và chiều xuống. Và trăng. Tiếng thở không nghe thấy của vầng trăng trên hồn phố như lời nhắc nhở, cái đám đông dưới kia hãy lắng tâm nhìn lại chính mình. Trong một đêm trăng xuân năm ngoái ở phố cổ, hình như tôi đã mơ hồ cảm nghiệm ra điều ấy, khi tình cờ tham dự đêm họp mặt của những người Hội An, sau hơn ba mươi bốn mươi năm đi xa, trở về ngồi hát bên lòng đoàn tụ. Để rồi sẽ lại ra đi nhưng đã biết rằng, con người, cuối cùng phải có một chốn để quay về. Ấy không phải chỉ là căn nhà, mái phố mà chính là cái chất lung linh khuất xa dưới những góc đời để làm nên dung mạo của sự sống. Ấy chính là tiếng của chất ngọc lặng thầm nơi mỗi đời người, bền bĩ kết thành những tinh thể của văn hoá - lịch sử.Ấy là tiếng hát của những Huỳnh Ngọc Châu, Nguyễn Văn Thuận, Thanh Hảo, Thu Vàng, tiếng piano của Thảo do-ré-mi, tiếng guitare của Dương Hạ Châu. Họ không biết và không cần biết có ai nghe họ hay không. Họ là gió là nắng, hồn nhiên làm nên cái tiếng yên lặng, sâu trong hồn phố.
*
Đêm. Trừ đôi tiếng xe lạc lõng, tiếng chó tru ma, chỉ còn hơi thở của bóng tối và những bóng vô hình bay lướt trong yên lặng. Có đêm thức giấc lúc ba giờ, nghe có tiếng heo rống lên, thê thiết. Từ lò mổ heo gần nhà chị ruột tôi. Thì ra, ngày bắt đầu không phải với tiếng lửa khơi gợi sự sống của người hàng xóm nấu sữa mà là một hoạt động khác, với nghĩa khác. Lẽ nào một ngày của đất trời ban tặng lại bước đi bằng âm thanh của sự chết ? Buồn rầu vì tạp niệm vẩn đục ấy, tôi thật lòng mừng rỡ khi nghe tiếng chuông chùa. Cảm giác tê buốt từ tiếng thét thất thanh sắc nhọn vừa mới đây được xoa dịu, hoà tan trong tiếng chuông trầm nhẹ bao dung. Và tôi lại thêm một lần được “vỡ” ra rằng: nghĩa chết luôn luôn đi liền với ý sống. Và ngày bắt đầu trong ý niệm ấy, giúp vững lòng hơn trước những thanh âm của một Hội An đã bắt đầu pha sắc trong cơn lốc của những sức mạnh vật chất và thắng thời của đồng tiền. Như lẽ tự nhiên: cái này sinh thì cái kia diệt và cái này sinh thì cái kia sinh … Nhưng tôi cũng biết rằng, những cảm giác tản mạn này chỉ là sự vẽ vời nông cạn về những tiếng thoát nghe được BÊN THỀM phố cổ. Chỉ đến khi nào lắng tâm được sự xuyên thấu - đồng nhất giữa tiếng heo vô vọng kêu cứu với tiếng chuông chùa trầm tĩnh rộng lớn kia trong thái trực cảm tròn đầy, thì lúc đó, mới có thể thâm nhập thực sự vào TRONG HỒN những nếp phố - đời người kia. Để có mặt trở lại, giữa đời, một cách bình thường. Cái bình thường sau khi đã đi đến điểm cuối cùng của những dặm dài gió cát.