Trần Đại Nhật là người làm thơ mang hai dòng máu Hàn-Việt. Đây là một trường hợp đặc biệt, vì sau chiến tranh Việt Nam, những người con lai Hàn Quốc làm nhiều nghề khác nhau để tồn tại, họ không làm thơ.
Trên thi đàn Việt Nam trước đây đã xuất hiện nhà thơ Hồ Dzếch, mang trong người hai dòng máu Hoa-Việt, có tiếng thơ trầm buồn của một người luôn đi tìm quê hương bị thất lạc:
Nhớ thương bạc nữa mái đầu
Lòng nương quán khách nghe màu tà huy
Hồ Dzếnh
Khác với trâm trạng Hồ Dzếch, Trần Đại Nhật không gửi lòng mình nương trong quán khách. Anh đang sống trong một thành phố lớn của đất nước, làm nghề kinh doanh, và đã chọn quê mẹ - Tuy Hòa – là quê hưong ruột thịt:
Những ngày xa ... dưới bóng hoàng hôn
Đầy bụi khói quê người xa lạ
Sao thèm nghe tiếng quê nhà, thương quá !
“ Nấu đi đâu mượt nẫu ! Nẫu sẽ về ! ”
( Quê hương tôi núi nhạn sông Đà )
Nẫu là tiếng địa phương của dân miền Bình Định-Phú Yên, trong thơ anh, đó là tiếng quê nhà của Trần Đại Nhật. Trong tập thơ “ Những đứa con lạc loài đường phố”, Trần Đại Nhật luôn trân trong những kỷ niệm thời thơ ấu, những tình cảm thiêng liêng của người mẹ từ quê nhà đã dành cho anh.
Đôi khi, anh nhớ đến một nước hàn lạnh giá:
Có đôi mắt em còn rất trẻ
Tiễn đưa tôi đến tận phi trường
Khói nghi ngút trong chén trà của mẹ
Sưởi lòng tôi đêm ở cố hương
( Nhớ nước Hàn lạnh giá )
Anh đã đến cố hương là nước Hàn để tìm người cha bị thất lạc sau chiến tranh Việt Nam. Anh hiểu rất rõ mơ ước của những người con lai Hàn Quốc là muốn gặp cha mình. Anh nói dùm tiếng lòng của họ:
Tôi vẫn tin trong cõi con người
Quyền hạnh phúc là quyền mơ ước
Chúng tôi sinh ra đều có được:
Một người cha, dẫu đã muộn màn!
( Những đứa con lạc loài trong phố )
Những người cha ấy đang ở đâu rồi, hay họ đã quên như quên một quá khứ đau buốn !
Ở lại trên đất mẹ thân thương, Trần Đại Nhật đã sống trong những ngày tuổi thơ cơ cực. Anh đã từng dắt heo đực đi thả giống, chăn bò, cắt cỏ, từng bị cái nhìn dè biểu, khinh rẻ của nhiều người hồi ấy. Lớn lên, anh đã làm đủ thứ nghề lao động vất vả để kiếm sống và đi học. Anh cũng đã yêu và đau khổ vì tình yêu. Nhưng với tinh thần kiên cường của một con người luôn có chí phấn đấu trong cuộc sống, Trần Đại Nhật đã tạo được một sự nghiệp cho riêng anh và xây dựng được một gia đình hạnh phúc. Bên cạnh anh người mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc và tuyệt vời trong cuộc đời:
Chiến chinh đi qua, vật đổi sao dời…
Con lớn khôn mới hiểu lòng của mẹ
Dù vật chất đói nghèo, tình vẫn thế
Mẹ một lòng tần tảo để nuôi con
( Mẹ )
Khi đã lập gia đình, Trần Đại Nhật dành hết tình thương yêu cho vợ và các con anh. Anh nhận ra một chân lý đơn giản mà nhiều người thường hay quên khi đã có gia đình:
Và yêu cả một trái tim chân thật
Đập khẽ khàng trong giấc ngủ dịu êm
Những đêm huyền anh thức giấc trong đêm
Mới hiểu thấu tình thương là tất cả
( Thơ tặng vợ )
Qua kinh nghiệm của cuộc sống, anh đã nhắc nhở cho đứa con trai đầu thân yêu của mình:
Dẫu cuộc đời còn nhiều vất vả gian nan
Con đừng quên tấm lòng cha mẹ
Và hãy nhớ tên con: Trần Đại Nghĩa
Một con người luôn sống hiên ngang !
( Cha đặt tên con Trần Đại Nghĩa )
Trong tập thơ thứ hai này, Trần Đại Nhật đã viết về chính thân phận cuả riêng anh, một người con lai Hàn-Vịêt, không bao giờ khuất phục những khó khăn trong cuộc sống. Biết đi trên những con đường yêu thương, tốt đẹp để xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc, thoát khỏi thân phận của “ những đứa con lạc loài trong phố ”. Đó cũng chính là “đạo sống” của Trần Đại Nhật. Nhưng, đạo là gì? và anh trả lời bằng một bài thơ ngắn:
Đạo là con đường
Không đi vào ngõ cụt
Của những ngôn từ.
( Thơ ngắn )
Câu trả lời đã mở ra những chân trời diệu vợi trong tâm hồn Trần Đại Nhật.
Ngày 17. 06. 2006
Ảnh Trần Đại Nhật.