Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.162
123.162.409
 
Vẫn chưa tìm được cô gái treo mùng
Trần Áng Sơn

Đó là tựa một tác phẩm của nhà văn trẻ Hoàng Ngọc Tuấn (ở vào thời điểm những năm 70), một chàng trai lừng khừng, đôi khi trái tính trái nết, tóc luôn thả bềnh bồng, dáng đi hơi ngả về phía trước, nhìn ai đầu nghiêng nghiêng đượm vẻ khi dễ. Cái dáng bên ngoài khinh khỉnh ấy lại chứa đựng một tâm hồn thật rụt rè nhưng nồng nàn, âu yếm. Hẳn khi yêu ai, Tuấn hiến dâng trọn vẹn cho tình yêu, như thế vẫn chưa đủ, anh còn e dè tự hỏi: Hình như là tình yêu?

 

Trên đây là chân dung Hoàng Ngọc Tuấn tôi vẽ theo cảm tính của mình, nó có thể chưa chính xác, chưa làm cho chính người được tôi miêu tả hài lòng, cũng như tôi chưa thật hài lòng khi Hoàng Ngọc Tuấn gọi tôi là Lan Công Tử khi đến thăm vườn lan của tôi. Lan Công Tử nghe sao hao hao Âu Dương Công Tử, kẻ chuyên đi bẻ lan trong thiên hạ, nhưng thật đáng thương, khi đụng giỏ lan Hoàng Dung định mệnh, công tử nhà ta đã bị hủy hoại cả đôi chân. Thế cho nên tôi chả dám làm Lan Công tử đâu. Cám ơn Hoàng Ngọc Tuấn.

 

Tuy gặp nhau hoài, trong thâm tâm tôi có ý mến chàng trai đất Thần Kinh hiền lành này. Nhưng, kỷ niệm về Tuấn lại không nhiều. Ngay cả tập truyện ngắn của Tuấn xuất bản cuối những năm 80 có tựa là Đừng đến sân ga cũng không do Tuấn tặng tôi mà Lữ Quỳnh người chịu trách nhiệm xuất bản tác phẩm của Tuấn viết tặng. Ngược lại sách của tôi xuất bản tôi tặng đủ tám hướng mười phương ngoại trừ… Hoàng Ngọc Tuấn. Thật lạ, nhưng cũng chẳng cần giải thích.

 

Trong sáng tác, Hoàng Ngọc Tuấn viết rất nhiều về tình yêu, hầu như toàn là chuyện tình, hạnh phúc hay đau khổ. Nhưng trên thực tế tôi chưa bao giờ thấy Tuấn đi chung với một người phụ nữ hoặc một thiếu nữ nào cả, ngay bạn trai cũng hiếm khi đi chung với Tuấn, hầu như anh chỉ lầm lũi một mình, trên xe và phần nhiều là cuốc bộ. Về điểm này anh Sơn Nam đã có thêm một đối thủ. (Đối thủ thứ nhất của Sơn Nam là Hoài Anh, hình như anh từ Bắc vô Nam chỉ để đi bộ – xin lỗi nếu anh Hoài Anh không hài lòng về nhận xét này). Cũng như hầu hết những người có máu văn nghệ, văn gừng, Tuấn cũng thích bia bọt nhưng thường anh chỉ ngồi một mình, tại một chiếc bàn cố định ở câu lạc bộ Hội Văn nghệ. Nhân viên phục vụ ở đây quen với sở thích của anh nên dù đông khách cũng vẫn cố chiều, dành riêng cho anh một cái bàn đúng chỗ anh thường ngồi. Kể ra làm nhà văn như Hoàng Ngọc Tuấn cũng sướng. Một đôi khi Tuấn cũng phá lệ ngôi chùng với một hai người bạn trong đó thỉnh thoảng có tôi. Nếu thình lình có một vị khách không mời nào đó vô duyên tự tiện ngồi chung bàn, lập tức Tuấn phản ứng, nhẹ là lầm lì, chẳng nói chẳng rằng, nhìn cũng chẳng buồn liếc mắt. Nếu tên vô duyên đó lại nói năng nghịch nhĩ rất có thể Tuấn sẽ nổi cơn lôi đình đi đến chỗ quyền cước loạn xạ, vô chiêu đụng quái chiêu. Trong trường hợp đó Thổ địa được một bữa bia hơi miễn phía thỏa thích. Tuy tính khí mang nét dự báo thời tiết nhưng nhìn chung Hoàng Ngọc Tuấn là một người đa cảm, dễ mến. Điều làm tôi bất ngờ là Hoàng Ngọc Tuấn rất mê đá banh, những hôm có trận cầu hay ở sân Thống Nhất dù nắng hay mưa anh vẫn có mặt ở sân trước giờ bóng lăn vài tiếng đồng hồ. Là người tinh tế, anh thu lượm tất cả những lời “bình loạn” chắt lọc lại thành vốn liếng của riêng mình, mà 99 phần trăm dân nghiền xem bóng đá mỗi người đều là một đài phát thanh, một bình luận viên, nên nguồn tư liệu do Tuấn tích lũy vô cùng phong phú. Có lẽ vì thế mà anh trở thành cây bút viết về bóng đá bút hiệu là Huấn Toàn, 20 năm qua có bài đăng ở hầu hết các tuần báo, nhật báo, tạp chí, bản tin nhanh về bóng đá. Cách viết của Huấn Toàn không mang tính chuyên nghiệp, không sắc sảo ẩn ý mà vô cùng ngẫu hứng, trong sáng. Thế giới bóng đá của Huấn Toàn vô tư, không mưu mô móc ngoặc. Bóng đá của Huấn Toàn gần với bóng đá của tuổi thơ, hồn nhiên, đầy những tiếng cười và hạnh phúc. Nếu các báo chí Việt Nam tổ chức một cuộc bình chọn bình luận viên bóng đá tôi nghĩ Hoàng Ngọc Tuấn xứng đáng được bầu ở vị trí như anh đã tỏ ra xứng đáng ở lãnh vực văn học với tư cách một nhà văn.

 

Đã lâu rồi không gặp Hoàng Ngọc Tuấn, cũng không được đọc bài anh viết đăng trên các báo. Không biết anh vẫn còn ở Sài Gòn hay đã định cư ở nơi nào? Nhưng tôi có thể khẳng định một điều, nếu còn ở quê nhà, Hoàng Ngọc Tuấn sẽ không bao giờ vằng bóng trên các mặt báo… Chẳng biết bây giờ đã có cô gái nào đi theo để treo mùng cho Tuấn chưa?

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2851
Ngày đăng: 20.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghe Bên Thềm Phố - Nguyễn Đông Nhật
Cung đàn muôn điệu - Trần Áng Sơn
Cà phê đa hệ Sài Gòn - Trương Đạm Thủy
Nhà thơ Mỹ Edgar Poe –Sự chết, Nước mắt và Tình yêu - Vương Trung Hiếu
Chân dung Nàng tình rỗng - Trần Áng Sơn
Đồng Môn (tiếp) - Trần Huy Thuận
Phùng Cung, một đời thơ -chữ quê -đau đớn - Ngô Minh
Từ thuở vác ngà voi… - Trần Áng Sơn
Cuộc đời và tình yêu của Picasso : Danh họa Tây Ban Nha - Vương Trung Hiếu
Một trong hai người lính - Trần Áng Sơn
Cùng một tác giả